Phí
Ngọc Hùng
Tranh Phố Phái
Cây bàng góc phố Hà Nội
Tôi xa Hà Nội năm chín mười tuổi, mặc dù chưa một lần
biết yêu để u mê với tha nhân và ngoại cảnh, nhưng rất gần gũi và gắn bó với Hà
Nội như bất cứ ai. Khi lãng đãng thả hồn về một khỏang không gian hoặc thời
gian nào đó, tình yêu cũng như bạn bè đều có một nơi chốn nằm ở đầu đường cuối
ngõ với những dấu ấn riêng tư cùng năm này tháng nọ…Càng có tuổi, tôi càng thân
thuộc với thành phố trăm nhớ nghìn thương ấy qua những tình khúc bất tử, những
bài viết ngắn dài của những người đi trước, những tác giả thời danh. Những năm
tháng cùng những hoài cảm còn một chút gì để nhớ với quên của một quãng đời. Ấy
là những người xưa năm cũ lãng đãng thả hồn về Hà Nội mắt trừng gửi mộng qua biên giới, đêm mơ Hà Nội
dáng kiều thơm, hoặc kia bãi dâu chiều, văng vẳng âm u tiếng chuông chùa
Trấn Quốc bao la gọi về u uẩn dấu xe ngựa cũ hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng
tịch dương…
Hà Nội của tôi
những ngày còn bé với những ký ức khi ẩn khi hiện, khi đậm khi nhạt như đền Hai
Bà Trưng với cây đa già nua, sần sùi, cô quạnh vươn ngang gần nửa hồ, nhà máy
Diêm, hàng me, rặng sấu chạy dài theo bức tường vôi vàng loang lổ. Viện các cổ
Viễn Đông, chung quanh bao bọc bởi những khu đất hoang vu với những cây bằng
lăng lâu đời, âm u trầm mặc. Hoặc giả cùng chùa Một Cột, Văn Miếu, ngược dòng
lịch sử với Lý, Trần, Lê, Nguyễn…Với tôi, tất cả đều lãng đãng và mơ hồ của cậu
học trò tiểu học, bây giờ hỏi chốn ấy nơi nào, thực tình tôi cũng mù mờ, u ơ
như Bích Câu Kỳ Ngộ.
Hà Nội đơn
thuần với tôi không bèo bọt chỉ có vậy, còn nhiều nơi chốn khác nữa nhờ trốn
học. Sáng đu xe điện lên chợ Đồng Xuân, trưa tạt qua hồ Gươm để học mót được
câu mình ơi có đi bờ hồ, cùng ta ăn kem kẹo dừa. Có tuần, lúc phất phơ với mấy
ông thầy bói mù ở phố Huế, khi lang thang tới tận núi Nùng, gò Đống Đa. Bây giờ
nếu có hồi tưởng lại cũng chỉ thấy mờ nhân ảnh trong một cõi đi về, chỉ thấy
những bồi hồi xa vắng để lâu lâu lại hướng về Hà Nội qua nhà văn Mai Thảo với
một thoáng Tây Hồ năm xưa :
” Trở về những
mảnh tôi xưa. Trúc Bạch dưới trăng vàng. Thiếu thời ấy là một Nghi Tàm lồng
lộng. Lưu thủy cộng trường thiên nhất sắc. Cổ Ngư đêm mùa hè. Làng Láng mầu cốm
đậm và những hình ảnh muôn thuở của Hà Nội chưa tiều tụy. Ánh lửa khuya dưới
vàm ô Quan Chưởng. Mầu đỏ khé cầu Thê Húc. Và những tiếng động, gió Hồng Hà mùa
nước lũ. Tiếng còi tầu Long Biên. Tiếng tỳ bà Ngã Tư Sở đìu hiu lau lách. Tiếng
phách Khâm Thiên…”
Mai Thảo đã hoài
niệm Vũ Khắc Khoan để viết về Hà Nội với nhiều dấu chấm đậm đặc, phiêu bồng đâu
đây ngào ngạt hơi hướng của ả phù dung với khói mây mịt mùng, một cõi văn
chương, một mảng kịch, trường ca Mông Cổ với Thành Cát Tư Hãn, Lôi Vũ đề kháng,
Phồn Y ngủ yên, cát bụi và hư không như xa vắng để rồi còn ai nữa…những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ.
Tuy vây, đã từ
lâu, lâu lắm rồi thì phải, tôi ngứa tay ngứa chân, như thôi thúc muốn trải dài
trên giấy trắng mực đen dăm ba trang về Hà Nội…”trong mắt tôi”. Như một Quang
Dũng u uẩn chiều luân lạc, buồn viễn xứ khôn nguôi với một thoáng Hà Nội về
trong đáy cốc. Nhưng mỗi lần cầm bút, chân tay lại lóng ngóng, đầu óc cứ rối
mù. Thực tình tôi không biết bắt đầu từ đâu, ngừng lại ở chỗ nào và cũng chẳng
muốn thêm bớt một, hai nét đan thanh để phá thể bức tranh vân cẩu có sẵn, mây
vắt ngang trời, ngang ngang đầu núi. Thôi thì hãy để tay bút đồng canh đồng tuế
Nguyễn Tường Phong đảo về Hà Nội một ngày cuối năm với bài “Nỗi Buồn Chạm Mặt”.
Mặc dù người viết chưa một lần làm quen với xe tứ mã, áo the thâm, váy sồi,
khăn mỏ qụa như tôi vậy, nhưng văn phong của ông rất ư linh động và sắc nét:
“Ngày trước mỗi
khi nghe nhắc đến tên tuổi như Nguyễn Văn Siêu hay tháp ruà hồ Hoàn Kiếm, tôi
dửng dưng xa cách, vô can…để mãi tận hôm nay. Kẻ đã rời đất Bắc từ mới lên ba
năm nào, nay trở về đứng giữa lòng Hà NộI bên hồ Gươm, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn
và hồn như nhập với bóng ảnh những con người trong lịch sử. Cảm xúc dâng tràn,
tôi thấy lòng bâng khuâng khác lạ. Tuy nhiên mới trở về đôi ba ngày, mới nhìn
qua một đôi lần, mà hình ảnh chiếc Tháp Rùa ba tầng rêu phong đạm bạc, lặng lẽ
u tịch in trong bóng chiều, như đã đứng tự trăm năm trên cồn đất nổi ngang giữa
mặt hồ sao như gần gũi thân quen và bâng khuâng để hình như tôi bắt đầu yêu Hà
Nội, đất của nghìn năm văn vật. Tôi có cảm tưởng sống trong cái không gian của
thập niên 30, thời của những Số Đỏ, Chí Phèo, Lão Hạc, của những Nam Phong,
Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, Tự Lực Văn Đoàn, Phong Hóa, Ngày Nay….”.
Bỏ lại đằng
sau người tuổi trẻ Nguyễn Tường Phong, trở lại Thăng Long đất kinh kỳ nghìn năm
mây bay với 36 phố phường có từ đời nhà Lê. Phường đây là phường Tầm Tang,
phường Yên Thái, phường Bưởi….của những làng nghề, còn phố chỉ là nơi buôn bán
để không thể không bùi ngùi những con đường đất cùng dăm nhà tranh vách bùn, đã
đi vào quên lãng, đó là ba phố ở Thăng Long Ngọai Thành là phố Lò Rèn, phố Hàng
Bừa và phố Hàng Cuốc. Đi sâu vào chút nữa sát Thăng Long Nội Thành cũng là ba
phố tiên khởi là phố Hàng Đào, phố Hàng Ngang và phố Hàng Đường. Giữa hai phố
Hàng Đào, Hàng Đường, cùng thời với Phố Hiến với Phố Khách, chúa Trịnh tập
trung người Hoa vào đấy cho bán buôn mà trong Thượng Kinh Ký Sử vào đời Lê, cụ
Hải Thượng Lãn Ông được cáng võng vào đây chữa bệnh cho Trịnh Cán và đã thuật
lại rằng chỉ loe ngoe dăm tiệm thuốc bắc. Và để dễ kiểm sóat, tối tối hai đầu
đường nhà Chúa cho đóng lại bằng cổng tre chắn…”ngang” nên được gọi là phố Hàng
Ngang. Tất cả chỉ là cụm từ danh xưng chỉ chung cho nơi chốn một thời của người
Kẻ Chợ, chứ chẳng phải như câu ca dao sáo mòn truyền tụng đến nhập tâm chẳng
đổi thay tự bấy lâu nay:
Rủ nhau đi khắp
Long Thành
Ba mươi sáu phố
rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc,
Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng
Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay
Cho đến thập
niên 20 và 30, Hà Nội thêm nhiều phố, bớt phường, nhưng chẳng mấy ai nhắc đến
phố Hàng Hòm ngày nào, ở đó lổm nhổm có vài ba tiệm thịt…chó. Luẩn quẩn đâu đây
hình tượng những tha nhân, chân đi đất, quần xắn móng lợn, quấn khăn đầu rìu
như Ba Giai, Tú Xuất. Bên này bầy hàng “sơ mi gỗ” một thước hai thước, bên kia
ngả con cầy, chết xuống âm phủ còn có hay không. Tránh Diêm Vương thì lại lạc
qua phố Hàng Mã gần đấy, chồm hổm một tiệm phở…chó, lạc lõng, chơ vơ như quán
gío biên thùy. Hà Nội 54 vơi phố Hàng Buồm cùng tửu lầu Đông Hưng Viên, cái
thớt chặt thịt dầy cả thước, lại vẫn với chú “khách trú” đứng quơ dao phay ngay
trước cửa tiệm. Gần hơn nữa cùng một thuở xa xưa với những ngõ ngách, đường phố
đã in đậm trong tranh Phố Phái, hai chữ này do cụ Nguyễn Tuân đặt tên cho tranh
Bùi Xuân Phái, người họa sĩ gần như bỏ cả đời người cho dòng tranh phố cổ hình
ống, mái âm dương liêu xiêu cùng cửa đóng then gài nhưng vẫn thấy sâu hun hút…
Hà Nội với
những bước gập ghềnh, hẫng hụt của chữ nghĩa một thời văn học. Đến ngõ Trạng
Trình thì phải ghé ngõ Văn Chương. Qua ngõ Tràng An thì không thể quên
ngõ…Huyện. Vô tri bất mộ, gặp gỡ ngõ Cấm Chỉ thì không thể một chiều thiếu vắng
bóng ngõ Tạm Thương. Ấy vậy mà “tạm thương” đây chẳng dây mơ rễ má đến “cấm
chỉ”, rằng chỉ là nơi chốn nằm “tạm” để đợi vào nằm…thật trong nhà “thương” Phủ
Dõan. Rồi thì nửa khuya đèn vàng, tiếng rao như gọi đò sang sông của ông Tầu
tẩm quất mù nghe buồn như chấu cắn, chốc chốc lại buông một tiếng “q…u..ấ…t…”
kéo dài ngân cao, như xoáy vào bóng đêm, trong khi tiếng “tẩm” như chìm vào ngõ
tối. Rồi đến âm thanh hai khúc tre gộc nhịp một “…tắc…” ròn rã, điểm nhẹ theo
là câu mời gọi “xực …tắc…đây..” rời rạc, đầy chán chường của anh bán mì xá xíu
như chìm vào đêm vắng. Cuối ngõ Tạm Thương là ngõ Yên Thái với những tiếng chát,
tiếng tom cùng với tiếng đàn, tiếng phách thi đua với khu Khâm Thiên, lụp xụp
một dẫy nhà hát cô đầu với dăm ả đào non…Những tay chơi Hà Thành một cõi đây là
những ông thông, ông phán và đêm đêm họ…thương nhau chí chát…“thật” tình chứ
chẳng hề phất phơ, yêu một bến tạm, bến vắng này kia cùng…Hồng Hồng, Tuyết Tuyết, mới ngày nào chẳng biết cái chi chi….
“Hà Nội 36 phố
phường” của Thạch Lam và “Món ngon Hà Nội” của Vũ Bằng thì không thể quên một
giấc mơ phai cùng âm hưởng với hương xưa, cả hai như chộn lẫn với nhau như động
với tĩnh. Ngay từ sáng tinh mơ, người Hà Nội đã bị đánh thức dậy bởi những
tiếng rao ơi ới “lạp xưởng lồ mái ph..à..n”. Phụ họa âm thanh vỗ vào không gian
vắng lặng với “bánh mì đ..i..i..” dài lê thê, hòa lẫn tiếng rao nghe buồn đến nẫu
ruột như “bánh dầy, bánh giò, đâ..y..y”. Đến gần trưa pha trộn thêm ba thứ
tiếng Ta, Tây, Tầu “chè trân châu lát-xê xệch cấu”, phụ họa với tiếng chuông
tầu điện leng keng, tiếng kính coong của chuông xe đạp.
Người bán hàng
rong lười rao nhất là ông hàng phở, đầu đội mũ “phớt” bạc phếch, năm thì mười
họa mới nghe vẳng lên một tiếng ngân dài “ph…ơ…ở” và cũng từ đó, người Hà Nội
thản nhiên bắt quàng làm họ gọi cái mũ “feutre” là cái mũ phở. Nặng chĩu kẽo
kẹt từ đầu đường cuối ngõ là tiếng rao cộc lốc và nhát gừng của một bà vai gánh
quai gồng, rao lanh lảnh “ai có chai, bao chè, đồng nát lông vịt, tóc rối đổi
kẹo kh…o.. ô..ng”, lại người Hà Nội, lại thân thương gọi họ là bà “đồng nát”.
Quá khuya tiếng bánh xe ba gác khua lóc cóc trên mặt đường, hòa nhịp tiếng
thùng thiếc chạm vào nhau rổn rảng, tiếng gọi nhau ơi ới như họp chợ, đó là tao
nhân mặc khách từ bên làng Cổ Nhuế sát Hà Nội nghìn năm văn vật qua…đổ thùng.
Hết động đến
tĩnh, ngoài mấy ông thầy bói mù ngự quanh quẩn bên tháp Bút đài Nghiên ngay đền
Ngọc Sơn, cả ngày không nói một tiếng vì ế khách. Sát hồ Hòan Kiếm, ngoài Bưu
Điện, quanh năm suốt tháng âm thầm, ngồi dựa lưng vào cái tháp vuông nhỏ để
tránh gió là ông Tầu già bán lạc rang, cô đơn lạc lõng. Bước qua bên kia cầu Gỗ
là cà phê Nhân, phở Giảng, là người đàn bà chít khăn mỏ qụa, ngồi âm thầm ở một
góc phố quạt phành phạch vào cái bếp than, mùi thịt nướng bún chả tỏa ra ngào
ngạt thơm phức…. Lặng lẽ hơn nữa là tòa Đốc Lý của Tây, như người khách lạ với
cái buồn viễn xứ, như sợ bị bỏ quên, nên cứ đúng ngọ hướng về bên kia sông Hồng
hú lên một hồi dài vang dội ra tới tận ngoại thành…xa vắng.
Vắng xa hơn nữa
hãy trở về Hà Nội ngày tháng không tên với người xưa năm cũ của thập niên 20 và
40. Như mấy ông mặc quốc phục, khăn lượt, giầy Gia Định mũi nhái, đi xe tay
bánh cao su đặc. Còn mấy bà, dáng dấp Nam Phương Hoàng hậu với áo dài phủ gót,
vấn tóc đuôi gà trong chiếc khăn tròn lẳn. Còn cảnh trí thì mỗi năm mỗi một
vắng để có cùng một hoài cảm, ông đồ vẫn
ngồi đấy, qua đường không ai hay, lá vàng rơi trên giấy, ngoài trời mưa bụi
bay…Và Thạch Lam đã u hòai cùng người xưa cảnh cũ:
“ Bên này một
cửa hàng tạp hóa có đầy đủ quả sơn đen, có chồng giấy bản và ống bút nho. Bên
kia nhà ông cụ tú, có tiếng trẻ học vang vang, có cậu học trò xinh trai đứng
hầu chè thầy bên trảm kỷ. Giữa nhà, mảnh sân vuông lộ thiên, có bể non bộ và cá
vàng, có dẫy chậu lan và trên tường có đôi câu đối chữ nho. Hà Nội đã thay đổi
nhiều lắm, những phố cũ hẹp và khuất khúc, với những nhà ống thụt ra, thụt vào,
những mái nhà ngói âm dương, tường đi xuống từng bực như cầu thang, những cửa
sổ nhỏ bé và kín đáo… “
Cuối cùng, ông đã hoài cảm:
“…Chúng ta không
biết được mấy về dĩ vãng, về phố xá kinh thành hồi cụ Lãn Ông, một túi thơ, một
bồ thuốc, từ Bát Tràng đến Thăng Long thành, bốc thuốc ở Vạn Thảo Đường, chữ
son sắc nước đỏ tươi, bay bướm nửa chân nửa lệ, và bây giờ ở phố Hàng Đường
cũng có ba chữ Vạn Thảo Đường, nhưng được viết bằng lối chữ vuông tân thời… ”.
Sau năm 54 qua
Hà Nội trong cơn say, có rượu đình Bảng, rượu làng Vân cùng Hoàng Cầm với “Bờ
hồ trong sương bụi“. Hoàng Cầm ngất ngưởng để bờ hồ đâu không thấy, chỉ thấy
hình ảnh Hà Nội chìm đắm, hạn hẹp trong căn gác nhỏ của chính ông đẵng cuối con
ngõ nhỏ phố Lý Quốc Sư: “Nhà nền đất thó, một cái bàn gỗ mộc, dăm ba chiếc ghế
lung lay xô xệch…” và Hà Nội như lá diêu bông của riêng ông.
Trần Dần cũng
không đi ra ngoài con ngõ Phan Huy Chú vào độ cuối đông: ” Hà Nội thu mình khép
gió, những tàn cây trơ trụi, lá co ro chống đỡ cơn may hiu lạnh, mênh mang nhớ,
rưng rức đau nỗi niềm không tên gọi, có đây rồi vụt mất…Tôi đi giữa trời mưa
đất Bắc, đất hôm nay tầm tã mưa phùn…”.
Riêng Văn Cao,
nào có khác gì con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng Cung, cùng những níu kéo
không rời: ” Thời trẻ đối với tôi, gần như tình yêu dính dấp đến phố phường,
những con đường mình đi qua để chẳng bao giờ quên. Hà Nội như chất muối mặn,
ngấm vào da thịt, ngấm vào khổ đau để rồi xa vắng với nhừng phố phường của năm
tháng cũ…”.
Hà Nội bây giờ
với những một vũng tang thương nước lộn trời, phong thái kim tiền bên ngòai thì
có đấy, thế nhưng đằng mỗi khúc quanh của mỗi con phố, dường như ẩn hiện nét ảm
đạm, ẩn ức và chán chường. Thiếu vắng hẳn hào khí ngất trời cùng những khúc mê
trần của một Kinh Kha sang Tần với một Vũ Hoàng Chương, với một Đinh Hùng.
Hay sôi động
bùng cháy khói lửa kinh thành ùn về nhà Hát Lớn Hà Nội với một Thần Tháp Rùa Vũ
khắc Khoan vang vang vọng về… Đó là tất cả những gì rất Hà Nội hôm nay, rất gió
bấc mưa phùn của một thế hệ, của một lớp người vừa mới nắm xuống và ngủ yên.
Như Hà Nội trong cơn mê trần…
Nhìn lại năm
mươi năm cũng chẳng là bao, như gió thỏang mây bay, nhưng mường tượng đến nửa
thế kỷ lại giật mình, mới đây đã vàng bay mấy lá năm già nửa, để day dứt với
những mời gọi của những người viết trước, kéo theo những giục giã của cái tuổi
bắn bi đánh đáo. Cuối cùng thì đường mưa ướt đất, tôi cũng lớ ngớ có mặt ở Hà
Nội như Từ Thức về trần, để có những cái nên quên thì lại nhớ, những cái đáng
nhớ thì lại quên. Để chẳng tìm thấy năm cửa ô mãi tận đâu đâu, như ô Cầu Giấy,
Cầu Rền, Đông Mác, Quan Chưởng, Chợ Dừa. Tất cả còn lại chỉ là cái tên mơ hồ
nhạt nhòa trong tâm khảm, lặng lờ ẩn nấp trong sách vở. Nói cho cùng thì Hà Nội
một nắng hai mưa của riêng tôi thì không ngoài những hoài cảm mêng mang đầy xô
bụi khi lang thang, ngẩn ngơ giữa những phố xưa ngày nào năm ấy:
Tôi đi giữa phố,
giữa phường, như không thấy nhà, không thấy cửa, chỉ thấy quầy gỗ, sạp tre,
những gánh hàng rong. Ngay giữa khu phố cổ Hà Nội, không còn những khoảng
trống, để đi những bước đi của Thạch Lam. Những căn nhà mái rêu phong ẩm ướt,
như đắm chìm trong con phố vĩnh hằng của một thời hoang vắng của phố Phái. Dĩ
vãng cùng những ngày tháng như nấp kín bên trong căn nhà hình ống, sâu lắng với
sân giữa gạch nung đỏ, cùng cái chum nước mưa bé con con. Tất cả còn lại chỉ là
những cái cột đèn sơn hắc ín, bảng tên đường mầu xanh chữ trắng từ thập niên 50
hoặc trước nữa. Cũng không có khỏang không gian, mây thu bàng bạc của Vũ Bằng,
đượm mùi hương phấn của những cô gái làng Vòng, cái quai gánh nặng trĩu một đầu
cong cong vẫn hỏi lòng mình là hương cốm, chẳng biết tay ai làm lá sen. Và tận
cùng cũng thiếu vắng hẳn, để chẳng bao giờ tìm lại được những giọng nói tiếng
cười của người Hà Thành thanh lịch, trầm bổng ấm êm, như còn văng vẳng lẩn
khuất ở đâu đây…
Rũ áo phong
sương bên gác trọ, hãy tạm gác Hà Nội văn chương chữ nghĩa, trăn trở không
nguôi, để trả lại Hà Nội ngày là lá, tháng là mây với cỏ cây của mấy ông bác
ông chú, mỗi lần Tết đến là u uẩn “mỗi năm hoa đào nở, lại nhớ cánh mai vàng”.
Tuổi ấu thời như tôi thì ẩn hiện nhạt nhòa với cây me, cây sấu, với tiếng ve
sầu râm rả. Cùng một phần thân cây sơn mầu trắng, nghĩ chẳng có gì, nhưng như
một dấu ấn nằm ẩn khuất trong tâm khảm. Ngay lúc này thì với Hà Nội trầm mặc,
bàng bạc để tôi có những giây phút bồng bềnh qua Trịnh Công Sơn cùng “Hà Nội
mùa thu, mùa thu Hà Nội, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” phảng phất…thơm
mùi hoa sữa, không ít thì nhiều ẩn hiện như một biểu tượng nào đó.
Tần ngần đứng
trước cây hoa sữa ở chùa Quán Sứ, thân mầu nâu đen, dân gian gọi là cây mò cua.
Lá có bẩy cánh xanh đậm, xòe ra như lá…khoai mì, vì hoa mầu trắng như sữa và
chỉ thơm về ban đêm như dạ lý hương, ngọc lan. Nên được người Hà Nội đong đưa
vào mảng chữ nghĩa cái tên rất thơ, rất tình, văn vẻ gọi là hoa sữa vậy thôi.
Mò mẫm với cây cơm nguội, nôm na với các cụ ta xưa là cây vú trâu, hoa vàng,
hơi ngả sang mầu hồng, trái mọc thành chùm mầu đen, trong có hột, ăn vị ngòn
ngọt và dai dai như…cơm nguội.. Nên chẳng có gì để mà thở than với một nhớ hai
thương như cây bàng…mồ côi. Để cũng chẳng quên người làm nhạc hôm nay với “Hà
Nội mùa này vắng những cơn mưa, cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh,
hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp, đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước
ta về…”
Qua đường Cổ
Ngư xưa chầm chậm bước ta về...Ngày tôi trở về thăm căn nhà cũ ở phố Chợ Đuổi,
mái ngói đỏ ngày nào đã ngả mầu xanh nâu, rêu phong đọng nước, ngai ngái muì ẩm
mốc. Từ ngoài cổng nhìn vào, những chiếc lá bàng ửng vàng nâu đỏ chơ vơ bên bể
nước. Tôi đã chẳng không tránh khỏi những giao động với hoa đào năm ấy còn chờ
gió đông cùng những năm tháng của cái tuổi mới lớn. Ở nơi chốn này, tôi có hai
người bạn gái nhỏ, cũng là hai chị em thường nhẩy dây, chơi ô quan ở cái sân
gạch tầu, năm cũ người xưa, không biết bây giờ lưu lạc ở phương nao. Để rồi bồi
hồi cùng cảnh vật, đều còm cõi qua một kiếp phù sinh, để rồi lắng đọng qua
Quang Dũng với bài thơ có cái tựa “Không Đề ”:
Ơi, Con đường xưa
Những mùa trút lá
Cành bàng mồ côi
Cổng cũ rêu phong
Ý đợi người
Đã là người Hà
Nội, không ai chẳng một lần hoài cảm đên những mùa trút lá với cổng cũ rêu
phong. Hà Nội đâu đó như ẩn hiện trong tôi, bám cứng không rời để tự thầm nhủ,
chẳng mấy ai hai lần tìm về cùng một dòng sông của qúa khứ và đành thở dài,
tiếc nuối một thoáng Tây Hồ cùng Hà Nội một thoáng hương xưa…
(Ngộ Không)
Phí Ngọc Hùng
No comments:
Post a Comment