Nhớ
Mai Thảo
|
Mai Thảo . Đinh Cường vẽ
Tính
đến ngày 10 tháng Giêng 2010 vừa qua, Mai Thảo đã chia tay cùng chúng ta đúng
12 năm. Bài viết này lẽ ra nên post lên vào ngày 10 tháng Giêng, nhưng tôi cứ
do dự sợ bạn đọc cho rằng tại sao cứ mãi viết về những người đã ra đi mà
không viết về những người đang ở giữa chúng ta. Thế nhưng mới đây, nhân đọc một
phản hồi của tradao [Australia] dưới bài viết của hoạ sĩ Đinh Cường về Bùi
Giáng, tôi mạnh dạn đưa bài viết này lên như một đáp ứng…muộn màng.
Tác
giả Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời, như nhân vật trong truyện này của
anh, khám phá ra một điều là "... những kẻ đã tới đích đều tầm thường,
những cái đã đạt được đều tầm thường..." Để cho Ngọn Đỉnh Trời mãi
mãi là một bí mật, một thần tượng, một cái gì không vươn tới được, không đạt
được, nhân vật của Mai Thảo không muốn bước tới, và anh đã chọn sự ra đi. Tôi
nghĩ không phải là một sự tình cờ mà Mai Thảo, trong khi trả lời phỏng vấn của
Jane Katz, trong Artists In Exile, nói rằng Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời
là truyện ngắn anh thích nhất. Anh giải thích "leo lên cho được một đỉnh
núi cao nhất phương Đông" nhân vật của anh muốn biết đỉnh núi ấy cao
bao nhiêu, "anh đang đi tìm một thứ chân lý tuyệt đối và cũng là hạnh
phúc. Nhưng khi đặt chân được lên đỉnh cao ấy thì anh thấy như tuyệt vọng, bởi
vì, anh chợt ý thức ra rằng cái chân lý tuyệt đối ấy chẳng bao giờ đạt tới được."
Qua truyện ngắn này, người ta có cảm tưởng như Mai Thảo suốt đời là một người
luôn đi tìm hạnh phúc, nhưng rốt cuộc anh vẫn không tìm thấy hạnh phúc ở đâu.
Có
phải hoài nghi và cô đơn là hai thuộc tính trong con người nhà văn Mai Thảo?
Các nhà phê bình văn học, có dịp sẽ làm công việc phân tích này.
*
Nhớ
tháng Tám, 1996, khi nhận tờ Văn từ tay Mai Thảo, tôi nói với anh là
anh hãy cố gắng viết Sổ Tay vài kỳ cho người đọc và bạn hữu thấy rằng
sự chuyển tiếp không quá đột ngột. Anh bảo: "Ừ, tôi sẽ viết."
Khi bài vở cho số báo đã đầy đủ, chỉ còn thiếu trang Sổ Tay của anh,
tôi nhắc mấy bận, nhưng anh luôn hẹn "đến mai". Và mỗi lần đến
thăm anh, tôi thấy sức khỏe anh đi xuống quá rõ, tôi không thể nhắc nữa. Để tờ
báo có thể ra kịp đầu tháng Chín, như đã hứa, tôi thấy không còn cách nào
khác, phải viết những trang đầu cho mỗi số báo. Nhưng tôi không muốn dùng lại
đề mục Sổ Tay của anh. Trên tờ Văn, tôi nghĩ, Sổ Tay là
của Mai Thảo. Sổ Tay Mai Thảo. Chữ nghĩa của anh từ bao nhiêu năm nay,
qua những trang Sổ Tay, đã đến với người đọc như một người bạn thân,
bước vào nhà bạn mà không cần gọi trước hay phải gõ cửa. Ngôn ngữ trong Sổ
Tay Mai Thảo đã có cái nét riêng của nó. Phải là Mai Thảo ký dưới trang Sổ
Tay của Văn, chứ không thể là của một ai khác. Đó là lý do tôi chọn
chữ Thư Hàng Tháng cho những trang chữ của tôi. Tờ báo đã xong. Công
việc còn lại, lúc đó, chỉ là mang lên nhà in Kim trên Los. Tôi gọi điện thoại
báo cho Mai Thảo biết chiều nay báo sẽ mang in. Anh ậm ừ bảo anh chị bác sĩ
Phó Ngọc Văn vừa từ Hoa Thịnh Đốn xuống, và anh hỏi tại sao không ra Viễn
Đông uống một ly nước với người bạn từ phương xa tới. Tôi ra quán cùng ngồi với
anh và anh chị Phó Ngọc Văn.
Tôi
còn nhớ hôm đó trời Cali nóng dữ dội, mặc dù mùa hè sắp hết. Tôi hỏi anh nghĩ
sao nếu tôi thay mục Sổ Tay của anh bằng mục Thư Hàng Tháng, chẳng
hạn kỳ này tôi sẽ ghi là Thư Tháng Chín, thay vì Sổ Tay Tháng Chín.
Mai Thảo đang đưa ly rượu gần chạm môi bỗng ngừng lại. Anh không vui, bảo
theo anh thì không nên thay. Cứ giữ lại chữ Sổ Tay, vì trước hết người
đọc Văn từ lâu đã quen với tên gọi của nó, và "với mục Sổ Tay,
H. còn có lợi thế là có thể viết về nhiều thứ, nhiều điều, từ cái nhỏ nhặt gần
gũi nhất của chính người viết tới cái xa nhất về thời sự, thời cuộc thế giới.
Như một chút thời tiết. Như một cuộc gặp gỡ bạn bè bằng hữu. Nhẹ nhàng thôi.
Chỉ là những ghi chép đôi khi vụn vặt, nhưng rất là đời sống." Tôi
hiểu ý anh. Và mặc dù mục này xếp chữ đã xong với cái tựa Thư Tháng Chín,
tôi đã phải ngồi xuống bàn viết sửa lại cái tựa, xóa bỏ lý do vì sao chọn chữ
Thư Hàng Tháng, viết thêm một đoạn gặp anh và anh chị Phó Ngọc Văn, và
sửa Mục Lục.
*
Cho
nên, mỗi tháng, sau khi đã xếp chữ, layout xong toàn số báo, tôi luôn luôn chừa
ra sáu trang cho Sổ Tay. Đó là những trang viết sau cùng. Và đó cũng
là lý do nhà in T&T ở Costa Mesa hay giục sao tới ngày rồi mà chưa thấy
mang báo đến in.
Tôi
không viết dễ dàng và trôi chảy như Mai Thảo. Tôi đắn đo, cân nhắc, tôi luôn
luôn muốn viết Sổ Tay theo một phong cách khác với Sổ Tay Mai Thảo.
Trong
thời gian hai năm đó, mỗi lần lấy tờ Văn từ nhà in về, công việc đầu
tiên là tôi mang báo đến anh. Anh nhìn cái bìa báo, hỏi in màu tốn kém làm
sao chịu nổi. Anh hỏi lần tới sẽ chọn tranh ai làm bìa. Liệu có sống nổi
không? Có lần bất ngờ anh hỏi tôi có uống chút chăng. Tôi biết Mai Thảo chỉ hỏi
cho vui chứ anh biết tôi đâu phải là người ghiền rượu. Anh để mấy tờ Văn
trên đầu giường, cạnh cái gối của anh. "Để chốc rồi đọc." Và
anh hỏi tin tức tờ báo. Những khó khăn trong công việc và đời sống của tôi.
Căn phòng tối vì cửa lá sách đã vặn xuống. Một phần cánh cửa được mở cho khói
thuốc có thể thoát ra ngoài. Tôi chỉ im lặng ngồi nhìn anh. Và anh cũng không
nói gì thêm. Thường, tôi ngồi với anh không quá mươi phút vì tôi phải đi làm.
Một
năm sau, khi anh rời căn phòng phía sau nhà hàng Song Long để vào bệnh viện
Fountain Valley, rồi Good Samaritain, rồi Barlow Hospital ở Los Angeles, tôi
ít gặp anh. Thường, muốn thăm anh, tôi hay đi ké xe của nhà báo Đỗ Ngọc Yến.
Hôm
bệnh viện Barlow báo cho biết ngày đầu tiên tháo ống nhựa ở cổ anh để anh tập
nói, vì sức khỏe anh đang bắt đầu hồi phục, tôi đã bỏ một buổi làm, theo Đỗ
Ngọc Yến lên Los. Bữa đó, bà bác sĩ [?] Gloria giải thích việc lấy ống nhựa
ra và muốn anh phải tập nói. Tôi mang tờ Văn số vừa in đưa cho anh và
nói cho bà bác sĩ Gloria biết bệnh nhân Quý Nguyễn đây là một nhà văn nổi tiếng
Việt Nam, và ông là chủ nhiệm tờ tạp chí văn chương mang tên VĂN này.
Đỗ Ngọc Yến chỉ vào chữ MAI THẢO trên trang hai bìa sách nói cho bà Gloria biết
đó là bút danh của ông Quý Nguyễn. Bà Gloria xuýt xoa một cách lịch sự như mọi
người Mỹ lịch sự khác, nhưng bà vẫn không quên nhắc, buộc anh phải đọc những
dòng chữ lớn trên tờ VĂN.
Lúc
đầu anh nhất định lắc đầu từ chối. Anh không đọc, không muốn đọc. Thế nhưng,
vì bà Gloria cứ dí mãi tờ báo vào mắt anh, và cứ chỉ tay lên chữ VĂN,
đột nhiên tôi nghe tiếng anh đọc khá rõ: V. Ă. N. Và một câu kế tiếp không rõ
lắm. Anh đọc "tẹp chí ven học nghẹ thuột". Chúng tôi rất mừng
nghe lại tiếng nói của anh. Bà Gloria là người vỗ tay to nhất và nhiều nhất.
Đó là một buổi sáng Los Angeles tràn trề nắng ấm. Tôi nghe bà bảo sắp tới nhà
thương sẽ để anh ngồi xe lăn và có người đẩy anh đi dạo dưới nắng. "Rất
tốt cho ông ấy. Ông Nguyễn sẽ bình phục thôi." Anh bình phục thấy
rõ. Anh được đưa trở lại Quận Cam, nằm ở Viện Hồi Phục. Tiếng nói anh nghe đã
rõ và anh đã nhận diện được những người đến thăm anh. Nhưng thời gian đến với
anh đã không còn nữa. Ngày 10 tháng Giêng 1998, Mai Thảo ra đi.
*
Mai
Thảo đã ra đi như vậy là đã 12 năm. 12 năm đó, trong các câu chuyện bên ly cà
phê, trên cả những trang viết về Mai Thảo, có người hỏi tôi: Ông có phải là
người bạn thân thiết của Mai Thảo không? Tình bạn của ông và Mai Thảo thế
nào? Sao không bao giờ nghe ông nói về tình bạn của hai người? Điều gì đã gắn
bó giữa ông và Mai Thảo? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời đối với tôi. Trên
số Văn đặc biệt Tưởng Mộ Mai Thảo phát hành vào tháng Hai, 1998, tôi
viết: “Từ bên nhà, cũng như ở bên này, tôi chưa bao giờ ‘tự coi’ hay ‘được
coi’ là người thân của anh Mai Thảo. Nếu hiểu ‘thân’ theo cái nghĩa là gần
gũi, chia sẻ mọi va chạm trong đời sống và những suy nghĩ về văn chương. Trái
lại, tôi luôn luôn ‘cảm thấy’ có một khoảng cách giữa anh và tôi. Cái gì làm
nên khoảng cách đó, tôi không rõ. Cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ. Nhưng tôi
biết rõ một điều là tôi luôn luôn yêu quý anh. Như một ông anh trong gia
đình.… Nói cho rõ hơn, điều khiến tôi yêu quý Mai Thảo trước nhất và sau cùng
không phải là văn chương. Tôi thích câu viết của Thanh Tâm Tuyền: “…những
người có cùng quan niệm văn chương chẳng làm cho họ gần gũi, nối kết với
nhau…mà đôi khi còn đố kỵ nhau là đàng khác. Có lẽ bởi quan niệm là cái thứ
có thể lượm nhặt, học hỏi, ai cũng có thể biết, có thể có, vì là sản phẩm của
trí tuệ. Và nói trí tuệ là nói vô cùng, nói đảo điên, nói xuôi nói ngược đều
được…”
Tôi
vẫn thường nghĩ dán mắt thật sát, thật gần vào một đối tượng, tưởng là sẽ thấy
rõ đối tượng ấy hơn, thật ra làm như vậy ta sẽ chẳng thấy gì cả.
Cái
khoảng cách cần thiết vừa phải chính là để cho mỗi người có thể nhìn thấy rõ
người kia hơn, và qua đó có thể nhìn thấy rõ mình hơn.
*
Tôi
luôn yêu mến và quý trọng Mai Thảo trước đây và ngay bây giờ khi nghĩ đến
anh, theo tôi, chính là nhờ cái khoảng cách cần thiết ấy./.
|
Thứ Sáu, 31 tháng 12. 2010
No comments:
Post a Comment