Thursday, January 3, 2019

THUẬT MIÊU TẢ TRONG TẬP BÚT KÝ “VÀM KINH CŨ” CỦA NGUYỄN THỊ LÔC TƯỞNG

Lương Thư Trung




Nguyễn Thị Lộc Tưởng
& Tác phẩm

Cách nay tròn ba năm, tác giả Nguyễn Thị Lộc Tưởng cho xuất bản tập bút ký Vàm Kinh Cũ. Hồi ấy, với sự cảm mến của chị, chị gởi cho tôi đọc trước tập bút ký này khi nó còn là những trang bản thảo và rồi tôi có ghi lại vài cảm tưởng, phần nhiều nhắc qua những nỗi niềm của tác giả khi chị ngồi nhớ lại và viết ra những kỷ niệm về một bến sông, về những cảnh đời lưu lạc mà tác giả đã từng sống qua và được chị dùng làm lời Tựa cho cuốn sách. Hồi ấy, đại ý, tôi viết:

“Nhưng tôi biết chắc chắn một điều là cái tựa Vàm Kinh Cũ mà tác giả đã chọn, nó hàm chứa biết bao nỗi niềm trong chị. Bởi lẽ từ "Vàm Kinh Cũ" mới có Nguyễn Thị Lộc Tưởng, mới có những ngày đi học, đi thi, đi dạy rồi cũng từ đó mới có những bước chân đời qua những năm tháng lưu lạc nơi xứ người, để rồi chị mới biết thế nào là đi lượm ghế mùa đông, những ngày mua rau cải ở cái chợ trời Haymarket (Boston), những ngày đi học lại nơi xứ người và rồi đi làm đủ mọi thứ nghề đến lúc về hưu ngồi nhớ lại những ký ức một thời mới đó đã qua rồi hơn sáu mươi năm!!! Chẳng những thế, rải rác trong các trang sách ấy nó còn tỏ bày rất rõ về nhân sinh quan của tác giả đối với xã hội, đối với cuộc đời và nhất là về thân phận con người giữa dòng đời không phải lúc nào cũng êm đềm trôi chảy, mà tôi cho phần này là một trong những phần quan trọng, giá trị và thú vị của Vàm Kinh Cũ…” (Tựa cuốn Vàm Kinh Cũ, trang 12)
Thường thường, mỗi khi chúng ta, những người đọc sách, phần nhiều chúng ta có thói quen trước tiên là quan tâm tới nội dung của cuốn sách nhiều hơn là phần hình thức, phần vì mình có chút hiếu kỳ muốn biết cốt truyện trước để thử coi xem tác giả muốn viết về cái gì, có lôi cuốn hay không, có hấp dẫn không và rồi sau đó mới có người để ý đến cách viết của các tác giả ấy; nhưng phần này cũng rất hiếm khi, vì mỗi khi bàn tới cách viết của một tác giả nào đó là chúng ta chạm tới một cái gì rất riêng, rất bí mật trong cách viết của mỗi tác giả ấy, mà tôi cho là rất khó!
Do vậy, ở mỗi tác giả có mỗi cách viết khác nhau, không nhà văn nào giống nhà văn nào; và chính vì vậy khi đọc lại Vàm Kinh Cũ lần này, sau ba năm, dĩ nhiên tuổi đời của tôi nay cũng đã già thêm ba năm tuổi, tôi chú ý nhiều đến cách miêu tả trong các trang sách của Nguyễn Thị Lộc Tưởng và tôi thấy cách miêu tả của chị có cái gì rất đặc biệt, rất riêng của chị, không gặp được ở những trang văn khác của nhiều tác giả khác…
Chẳng hạn, mời bạn nghe tác giả giới thiệu Vàm kinh cũ của chị:
“Tôi lớn lên trong xóm lao động có cái tên “vàm kinh cũ” cách bến đò Châu Giang nửa cây số (thuộc xã Châu Phong) đầu xóm, cuối xóm, cạnh xóm đều là người Chàm (cạnh xóm vì nó cách xóm tôi bằng con kinh Cũ)”. (VKC, trang 18)
Chỉ giản dị và ngắn gọn chừng ấy chữ, mà tác giả đã gợi được trong lòng người đọc là cái xóm của chị được bao bọc chung quanh toàn là người Chàm, và ở đây chữ “cạnh xóm” chị dùng là chữ gợi được hình ảnh vừa lạ, vừa quen mà tôi nghĩ là chữ chị chọn rất khéo. Bởi lẽ, thường thường người ta hay nói đầu xóm, cuối xóm, xóm trong, xóm ngoài, hoặc hàng xóm và chưa ai dùng “cạnh xóm”.
Còn đời sống ở cái Vàm kinh cũ ấy của tác giả thì sao, sinh hoạt thế nào? Qua vài nét chấm phá, tác giả đã phác họa ra được một bức tranh nhà quê rất sống động qua đời sống tinh thần ở quê của chị bằng những màu sắc tôn giáo và âm thanh tiêu biểu của mỗi tín ngưỡng ấy với các lời kinh giảng rất khác biệt nhau mà lại là nếp nhà quen thuộc của tác giả hồi ấy mỗi ngày:

“Sáng sớm đã bị lôi đầu thức dậy vì người Chàm đọc kinh bằng “Cái ô bẹt lưa”, buổi chiều khi mặt trời lặn lại phải nghe thêm lần nữa (nghe không hiểu  “ngôn ngữ bất đồng”).  Đến tối được ru ngủ bằng những giọng ngân nga đọc kinh của hội Phật Giáo Hoà Hảo phát ra từ cái loa khỏi nóc nhà hơn vài ba thước của xóm trong kế bên xóm Chàm (cái nầy thích hơn ít nhứt cũng hiểu. Có nhiều giọng ngâm nghe còn hay hơn Út Bạch Lan).  Vì muốn được hai chữ bình an nhà nào trong xóm cũng có hai cây cờ.  Ngày 18 tháng 5 Âm lịch có người đi từng nhà bắt treo cờ nâu, qua ngày lễ lấy xuống, đến ngày lễ Phật Đản lại treo cờ Phật Giáo Thống Nhất, cũng may không có Đạo Cao Đài, Thiên Chúa, Tin lành ..v. v… ở gần nếu không mỗi nhà phải tốn tiền mua thêm mấy cờ khác (rủi treo lộn cờ càng phiền).”(VKC, trang 19)

Còn đời sống vật chất ở đó, bà con sống bằng nghề gì? Thưa đây, tác giả đã miêu tả cảnh sinh hoạt mỗi ngày:

“Trong xóm đa số là gia đình nghèo, đàn bà bán chè, bán cháo thêm nghề chầm lá  và đan lưới, đàn ông thì làm lơ xe hoặc chạy xe lôi.  Chỉ có một vài gia đình “danh giá” (trong cái xóm nhà nghèo) trong đó có gia đình tôi (Ông nội tôi là ông cả của làng thời Pháp).  Tuy đời sống khó khăn (Tay làm hàm nhai, tối lai rai vài xị), mọi người rất thương và giúp đở nhau không bao giờ nghe cải lộn giữa nhà nầy với nhà kia, chỉ có vợ chồng đánh lộn, chưởi rủa con cái um sùm.  Mỗi lần nhà nào có chuyện là một đống “bà con” đứng trước cửa nhà chờ “can”.(VKC, trang 19).

Dường như ngay từ thời thơ ấu cho mãi tới sau này, dưới cặp mắt quan sát rất kỹ cùng nhận xét thật tinh tường, sắc sảo của mình về bất cứ sự việc gì xảy ra nơi cái xóm Vàm kinh cũ, nên tác giả tả cảnh sinh hoạt nơi xóm Vàm kinh cũ ấy mới gợi hình như vậy được và đặc biệt tác giả có khiếu trời cho là chị biết chọn chữ một cách tài tình mà dí dỏm, đối nhau từng cặp, từng cặp. Chẳng hạn Tay làm hàm nhai” đối với “tối lai rai vài xị”, “mọi người rất thương và giúp đở nhau không bao giờ nghe cải lộn giữa nhà nầy với nhà kia” đối với “chỉ có vợ chồng đánh lộn, chưởi rủa con cái um sùm.” 

Như một đoạn dưới đây trong tưa bài Con Kinh Cũ, tác giả so sánh sự khác biệt giữa người Việt và người Chàm trong cách ăn nếp ở một cách rành mạch và khác biệt nhau từng chút một:

“Với cái nhìn giản dị của người dân trong xóm con Kinh Cũ là ranh giới giữa hai dân tộc, Chàm và Việt . Nếu đứng trên cầu ngay đầu kinh nhìn, bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa hai bờ kinh, bờ kinh bên phía xóm Chàm có vẻ sạch sẽ hơn, xa xa mới thấy một cái bè trên đó có một cái nhà vuông mỗi vách cao khoảng 2 thước bằng ván sơn trắng bít bùng với nóc kiểu bánh ít, có cửa, có khóa cẩn thận, bên trong có cái lu và cái lon, tôi không biết họ dùng để làm nhà tấm hay cầu tiêu, chắc là cả hai. Còn phía bên Việt thì tùm lum nhà nào cũng có cái cầu, ngắn dài đủ kiểu, người thì làm bằng tre, kẻ làm bằng ván, cầu là phương tiện không thể thiếu, nếu nhà bên kia đường (không nằm trên bờ kinh) thì xài nhờ cầu nhà thiên hạ nếu bạn thấy mé sông có khoảng đất trống là y như có cái cầu công cộng cho nhiều gia đình, có cầu mấy bà mới có chỗ để giặt đồ, làm cá, tắm con, ban đêm đi cầu hầm cá sợ bị ma bắt nên "chơi luôn" không ai thấy.” (VKC, trang 91)

Hoặc chi tiết hơn về cách ăn uống, cả hai sắc dân Việt và Chàm cũng hòa toàn khác nhau:

“Người Chàm thích ăn hến phơi khô, họ trộn hến với muối bọt đem phơi đến khi vỏ hến hơi khô (chắc cở 1 nắng) thì ăn có khi đem bán dùng lon sửa bò tính tiền ăn cũng ngon lắm hồi nhỏ tôi rất thích. Người Việt ít ăn hến nhưng nếu ăn thì luộc chứ không ăn hến phơi nắng.”(VKC, trang 92)

Với cái nhìn mỗi ngày về sự khác nhau giữa hai sắc dân Việt và Chàm tại Con Kinh Cũ, khi miêu tả về đời sống ở đó, tác giả đã đưa ra được nhận xét một cách chính xác và khá công bằng, tức là tác giả không đưa ai lên thái quá, cũng như không dìm ai xuống tận vực sâu, mà chỉ cốt miêu tả lại được đúng phần nào sự thực chừng nào càng tốt chừng nấy, điều này rất phù hợp với thuật tả chân trong nghệ thuật miêu tả. Muốn được như vậy, tác giả phải biết chọn lựa các chi tiết cần thiết mà chị đã biết rành và chị đã chọn được như vậy:

“Người Chàm và Việt mặc dù có nhiều điểm khác nhau về ăn uống, về phong tục, chẳng hạn những ngày tết con nít Việt thích đánh bài, chơi bầu tôm cá cọp, thích ăn hột vịt lộn. Trong khi con nít Chàm năm ba đứa mướn một chiếc xe lôi để người chạy xe đạp từ đâu trên lên xóm dưới, chạy vòng vòng vừa ca hát vừa vỗ thùng xe la "ghê ghê ghịch" mỗi đoàn xe chừng 3, 4 chiếc rất xôm tụ, con nít Việt dưới đường cũng vỗ tay phụ họa.

Sự khác biệt nầy không ảnh hưởng đến tình chòm xóm, mọi người thường giúp đỡ và lo lắng cho nhau. Tôi nhớ cái thời đạo Long Châu người Chàm thì ở nhà sàn cao, con gái thì kín cổng cao tường, mỗi lần nghe bên xóm Chàm la hét thì đàn ông xóm Việt đứng chận ở đầu cầu, coi thằng ôn dịch nào để cho nó một trận nên thân (thường chỉ la hoảng), còn bên xóm Việt có chuyện là đàn ông Chàm tầm vong vạt nhọn chạy qua, nếu có cháy nhà thì không còn phân biệt Chàm Việt mọi người cùng nhau chữa lửa. Buổi sáng đàn ông Chàm cũng nhập bọn với đàn ông Việt uống cà phê nói dóc, đàn bà Chàm đôi khi cũng tỉ tê tâm sự chuyện gia đình ( chắc bị Việt hóa ), con gái thì không ra khỏi nhà, tuy nhiên cũng mê tân nhạc, cải lương, chưa thấy cảnh cãi vã giữa người Việt và người Chàm nếu có chắc chuyện tiền bạc nho nhỏ chứ không lỗ đầu chảy máu như hàng xóm Việt đánh lộn với nhau.” (VKC, trang 94)

Không những ở Vàm Kinh Cũ, Con Kinh Cũ, mà dường như rải rác khắp các trang sách trong tập bút ký Vàm Kinh Cũ của Nguyễn Thị Lộc Tưởng, ở chỗ nào chị cũng có thể làm cho bạn say mê với tác giả qua những gì chị miêu tả về cảnh, về người qua hơn 367 trang sách. Xin mời bạn nghe tác giả tả cảnh đoạn trường của gói mì ăn liền khi qua sân bay bên Úc, qua lá thư tác giả gởi cho Anh Chị Hai:

“Thưa anh chi,
Với bản tánh người nhà quê đi đâu cũng phải lo cho cái bụng nó no đủ, ở nhà ra đường "làm một bụng" cơm nguội, đi xa em thủ mì gói để lỡ ở xứ người không ăn được ''bánh chỉ" thì cũng có mì dằn bụng, ai dè đến nước Úc em lại gặp khó khăn.  Trước khi đi anh Kỳ có dặn nên mang hành lý gọn ghẽ, sau mấy vụ bắt cần sa người Việt bị xét ở các phi trường Úc dữ lắm.  Tôi nói với anh "Vàng thiệt không sợ lửa".  Ở Cairns khi hành lý của tụi em qua quan thuế họ bảo đem đến hàng số 2 để kiểm soát, biết gặp rắc rối nhưng không lo gì đây là trạm cuối cùng không sợ trễ máy bay, anh kiểm soát viên cứ hỏi tụi em nhiều lần có mang thực phẩm (Food) không? Lần nào em cũng trả lời không.  Ông ta lại hỏi có phải vợ chồng em sắp hành lý vô vali không? Em trả lời phải.  Ổng còn hỏi em có hiểu hết nghĩa tờ khai quan thuế không? Em trả lời hiểu.  Sau khi nghe em trả lời ổng mở vali lôi 2 tô mì gói hỏi là cái gì ? Dĩ nhiên là mì gói (ổng cũng biết đọc Instant Noodles).  Trong lòng em nghĩ có thể ổng tưởng em giấu cần sa trong đó nên em mở hết hai hộp mì cho ổng coi và nói nếu đây là đồ cấm thi xin bỏ thùng rác.  Anh có biết ổng nói sao không? Ổng nói đây không phải là đồ cấm nhưng vì trong tờ khai em nói không có thực phẩm, mì gói là đồ ăn được, mà ăn được là thực phẩm.  Em nói với ổng lần đầu tiên đi Úc, em không biết Úc kể mì gói là thực phẩm phải khai báo (mì tôm Kim chi của Đại Hàn thì làm gì mang sâu bọ hoặc bệnh hoạn vô Úc).  Sau cùng ông ta mang đến hỏi sếp, em thấy ông kia cười nghiêng ngửa, không hiểu là cười em nhà quê đi chơi ở hotel mà mang mì gói hay ông cười người thuộc hạ của mình làm việc quá đúng nguyên tắc, sau cùng họ cho tụi em đi mà không phạt, sợ em quên, cái ông kiểm soát nhắc nhở lần sau có mang mì phải ghi thực phẩm.  Miệng em nói "thanh kiều sưa" chứ trong bụng chưởi thằm "thằng mắc dịch, bộ hồi tối bị vợ đánh hay sao mà hôm nay rắc rối như vậy, nếu bữa nay không ăn chay chắc vái trời tối nay cho mầy bị vợ bỏ đói".”(VKC, trang 73)

Ở một chỗ khác, tác giả tả cảnh bên Tân Tây Lan, với cái nhìn rất nhà nghề:

“Anh Hai ơi!, nhắc tới khách sạn em chợt nhớ tới nơi vợ chồng em tá túc ở Auckland (thành phố miền bắc nước Tân Tây Lan, đi đâu cũng thấy nhà hàng Tàu, Nhật và Thái). Trời thần đất lở ơi cái hotel gì mà nó tệ hơn mấy cái hotel hạng bét ở xứ mình, mùi hôi của thảm xông lên làm em phát bịnh, muốn dời đi chỗ khác cũng không xong, mấy cái vali của vợ chồng trong 2 ngày đầu ở Auckland không biết trôi giạt "xứ mô" vì nghiệp đoàn công nhân ở phi trường Sydney đình công nên chỉ có người và hành lý xách tay lên máy bay còn đồ gởi thì ở lại tham gia "biểu tình".  Ngồi trong hotel ngửi mùi hôi thúi nhìn mưa rơi mới thắm thía câu "Thân gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu biết trách ai", làm thân đàn bà con gái một lần lầm lỡ thì cả đời u tối còn đặt khách sạn trên mạng nếu gặp phải khách sạn bê bối thì cũng đành ngậm đắng nuốt cay. Hình ảnh phòng ốc họ để lên mạng chụp mấy chục năm về trước rất khang trang có ngờ đâu đến nơi sự thật quá phũ phàng!

Trời cũng còn thương, tụi em nhận được đồ đạc của mình tại phòng khiếu nại phi trường buổi chiều trước khi rời thành phố, thiệt hú hồn nếu không chắc thành "Trần Minh Khố Chuối" vì quần áo ở đây mắc quá.  Đời sống trong thành phố hết sức mắt mỏ ngày nào cũng gần cả trăm tiền ăn, cứ tưởng đây là xứ nóng nên cả hai đứa đều mang đồ không đủ ấm tính đi mua thêm một vài cái áo chỉ nhìn giá cả đã lên cơn sốt có muốn mua cũng không dám,có lẽ vì em quen mua đồ hạ giá.(VKC, trang 81) 

Thưa bạn, trong tập sách này thỉnh thoảng có vài lá thư tác giả gởi cho bạn bè, cho anh Hai Trầu, và vài người nữa, theo tôi thì những lá thư đó là những cái sườn nhà mà tác giả có trọn quyền muốn lợp lá dừa nước hoặc lợp ngói, lợp toles gì cũng được. Bởi lẽ ở mỗi nơi tác giả có dịp đi qua thì ở đó có những nền văn hóa khác nhau và tùy từng địa phương mà tác giả tới, lúc bấy giờ  những lá thư sẽ đượm sắc màu sự sống ở nơi tác giả viết và gởi nó đi… Còn bên trong căn nhà thân yêu ấy, dĩ nhiên rồi, tác giả sẽ theo sở thích và có toàn quyền trang trí những bức tranh vẽ núi non cao đụng tới trời xanh; còn đèo thì quanh co khúc khuỷu vòng vèo nguy hiểm hoặc làng mạc với những cánh đồng cỏ mênh mông bát ngát mà không thấy một bóng người… Cái đó tùy ở cách nhìn và cách miêu tả của tác giả:
Đúng như anh Nghĩa nói Tân Tây Lan là xứ hiền hòa mọi người sống có vẻ thái bình an lạc, dọc theo đường từ Auckland đến Wellington, thật không uổng công ngồi xe buýt 3 ngày, phong cảnh bên đường không bút nào diễn tả, đồng cỏ mênh mông, núi non trùng trùng điệp điệp, có khi phải qua những ngọn đèo cao ngất trời xanh lỗ tai lùng bùng, có lúc qua sa mạc với những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng. Nhà em cứ chắc lưỡi hít hà:"Đẹp quá!!.. Đẹp quá!!.. nhưng ở chắc buồn lắm.".  Không buồn sao được cả chục cây số mới có một nông trại, nông dân ở đây chắc sanh con nhiều lắm.Vợ chồng em có viếng động "Đơm Đớm"  (Glowworm Caves) ở thành phố Waitomo động nầy so với những động "Thiên Nga", "Sửng Sốt" hoặc "Chùa Hương" của Vịnh Hạ Long tuy không đẹp bằng nhưng đặc biệt nó có một cái hồ nhỏ trong lòng núi, đá trên nóc hồ hình như là nham thạch (em nghĩ vậy không biết có đúng không) nên trong bóng tối chiếu ra ánh sáng như những con đom đóm. Hai đêm tá túc ở Rotorua thành phố lúc nào cũng bao phủ bởi khói lưu huỳnh, nhất là buổi sáng mùi lưu huỳnh rất nặng. Vợ chồng em không được may mắn cứ bị mưa liên miên đi coi hồ bùn đang sôi sục vì sức nóng từ lòng đất mà phải che dù, muốn đi tắm suối nước nóng thì trời lạnh trời mưa, chỉ ở miền bắc Tân Tây Lan có 8 ngày đã hơn 4 ngày lúc mưa lúc nắng cũng đành phải chịu không lẽ trách ông trời. Cũng may em được đi thăm làng Maori (như coi hát cải lương trên núi chớ không phải làng người dân đang sinh sống như những làng dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn) ăn gà, khoai tây, khoai lang nấu theo kiểu "Hangi" của người Maori. Nghe họ diễn tả em tưởng gà đem vùi trong đá nóng nhưng thật ra nó gần như hấp hoặc luộc chứ không phải thui, cứ tưởng họ nấu ở đó để mình được coi nào dè nấu đâu không biết (80 phần trăm là trong bếp bằng ga) uổng công lặn lội đường xa lên non xuống núi lạnh thấu xương, thật là thất vọng; sau khi ăn họ dẫn ra ngoài trời chỉ  một hố đá chưa hề nấu nướng, cạnh bên đống cây nói về cách nấu "Hangi", trời quá lạnh không bao nhiêu người đứng nghe trong đó có em nên không biết họ nấu như thế nào, chỉ biết ăn không ngon bằng gà đắp đất sét hoặc khoai lang lùi tro của mình.” (VKC, trang 81)

Nói đông nói tây, nói gì thì nói, nhưng với câu kết đủ biết tâm hồn tác giả lúc nào cũng nhớ “gà đắp đất sét hoặc khoai lang lùi tro của mình”, một tâm hồn rất chơn chất và ngay thật!

Còn đây là đoạn tác giả tả cảnh tìm nhà nơi xứ lạ tuốt dưới vùng Nam bán cầu, như một khúc phim chạy chậm, vừa hấp dẫn vừa hồi hộp:

“Chưa hết đâu anh Hai, còn một cặp vợ chồng chịu chơi khác là anh chi Trai, chở vợ chồng em đi chơi lại còn bao ăn bao luôn nhà trọ, chỉ có điều đi hơi "teo ruột" một chút nhưng không sao đây cũng là kỷ niệm, số là tụi em sau khi rời Melbourne trạm đầu tiên là Twelve Apostles, tới nơi trời cũng xế chiều cảnh bờ biển nó đẹp làm sao em rất thích cứ cà rà chụp hình thấy chị Trai có vẻ nôn nóng em cũng không biết tại sao, thì ra từ chỗ biển đến Grampians National Park của Halls Gap phải vài tiếng đồng hồ lái xe, anh Trai chỉ biết tên thành phố còn đường tới thành phố thì nhìn bản đồ mà đi, sau 1 giờ lái xe trời sụp tối, không còn biết mình đang ở đâu,  đường vắng không xe qua lại, hai bên đường nhà còn không có thì làm sao có người để hỏi, mỗi lần tới ngã ba hay ngã tư 8 con mắt rán nhìn vào bản chỉ đường, xem Halls Gap hoặc Grampbel phải quẹo theo hướng nào, xăng trong xe còn dưới nửa bình mà đường đi thì không biết đâu là bờ đâu là bến, tụi em không sợ ngủ trên xe mà chỉ sợ hết xăng đẩy xe không nổi, khi được vào một thị trấn cả bọn hú hồn chuyện đầu tiên là đổ xăng sau đó nghiên cứu bản đồ bản đồ tiếp tục cuộc hành trình.
Phải hơn đôi ba lần ngừng xe bên lề mở đèn nhìn bản đồ để định phương hướng, sau cùng cũng tới "La Mã"  khoảng 11 giờ đêm,  em nghĩ mình sẽ được vào một khách sạn nào đó trong thị trấn, không ngờ anh Trai chạy vào con đường rừng bảo mọi người rán tìm số nhà số 3, thì ra anh mướn Cottage trong Grampians National Park của Halls Gap, muốn lấy chìa khóa mở cửa phải dùng mật mã, moi cả đồ đạt anh tìm được cái đèn pin, ánh sáng của cái đèn "pin gần hết" leo lét còn tệ hơn cái sáng của hột quẹt máy, thế là hai ông cứ lui cui mở hộp, em và chị Trai ngồi trong xe mà lo lắng không yên, em la ơi ới "có đúng nhà đúng số không mấy cha", khoảng vài phút sau 2 ông cười hô hố "được rồi, được rồi", nói thật nhe anh Hai thiệt mừng hết lớn, ở trên núi lạnh thấu xương nếu ngồi trong xe ngủ tới sáng  không bị cảm cũng bị cúm; còn một chuyện ngạc nhiên nữa căn nhà trên núi bề ngoài nhìn cũ kỹ nhưng bên trong rất là đẹp rất ấm cúng thật không bỏ công trèo non lặn suối.  Buổi sáng nơi "rừng hoang" nó đẹp làm sao, chỉ cần mở cửa đã thấy anh chị Kangaroos ngơ ngác nhìn quanh như lo sợ có người săn đuổi, từng đoàn két trắng kêu réo điếc tai, nhất là mấy anh chim Cu nhỏ con lớn họng, hể nghe anh nầy gáy là anh kia cất giọng oanh vàng đáp lại. Ở Boston em chỉ nghe cu đất gáy "cúc cu" chớ chưa nghe tiếng kêu thảnh thót như vậy. 
Sau khi ăn sáng mọi người bắt đầu đổ quân lên núi "ngắm cảnh", vợ chồng anh Trai người nhỏ nhắn nhưng đi lên núi như đi trên đường bằng, còn vợ chồng em lớn con chứ lên dốc không nổi có lẽ nặng cân nên thở hổn hển như trâu ngột nước.  Trên đường trở về nhìn lại con đường mình đã đi qua hồi tối, vợ chồng em và chị Trai xanh mặt, đó là con đường đèo vòng theo vách núi một bên là hố sâu thăm thẳm  vậy mà anh Trai đã lái với vận tốc 60 - 80 Km giờ, vợ chồng em bỗng dưng lạnh cẳng, không còn hứng thú đi coi cái làng thổ dân nào đó trên đỉnh núi bên kia, chỉ muốn trở về đốt lò nướng thịt thưởng thức cảnh hoang dại xung quanh ngôi nhà, anh Trai mỗi ngày lái xe điện cong queo trong thành phố đã quen chỉ tội ba con gà chết nhát ngồi kế bên thắng chân tới mỏi cẳng.”(VKC, trang 88)

Căn nhà ở Grampians và 4 người hùng leo lúi

Thưa bạn, tôi có thể dẫn chứng cho bạn nhiều câu văn, nhiều đoạn văn miêu tả rất hấp dẫn của tác giả như vậy nữa nhưng trong giới hạn một bài viết ngắn, tôi xin nhường lại cho bạn tìm đọc những trang sách quý hiếm này vậy!  

Tóm lại, sau ba năm cuốn Vàm Kinh Cũ của Nguyễn Thị Lộc Tưởng chào đời, và hôm nay tôi có dịp ngồi đọc lại những trang sách của chị, tôi nghĩ dường như ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào nếu có dịp thuận tiện là tác giả sẵn lòng gởi đến cho người đọc những đoạn văn tả cảnh, tả người của chị pha một chút trào phúng, một chút châm biếm mà dí dỏm nhẹ nhàng nhưng rất vui và thú vị! Chẳng những tác giả miêu tả cảnh, miêu tả người sống động, mà chị còn liên tưởng và đưa ra được những so sánh giữa người này với người khác, giữa nơi này với nơi khác, giữa món ăn này với món ăn khác, giữa nếp sống này với nếp sống khác nữa … Muốn có được sự phong phú như vậy, tôi nghĩ phải là người có khiếu nhìn ngắm và suy nghĩ tường tận, nhưng có tài không thôi cũng chưa đủ mà tâm hồn tác giả còn phải có sự pha trộn giữa nếp sống vừa chân quê vừa thành thị, vừa ngay thẳng mà công bằng, vừa nghiêm khắc mà độ lượng nữa mới có được những trang văn hấp dẫn và lôi cuốn như vậy! Tôi nghĩ thuật miêu tả chẳng những là sở trường của Nguyễn Thị Lộc Tưởng mà nó còn là cái nét rất đặc sắc, rất giá trị của những trang sách trong tập bút ký Vàm Kinh Cũ!

HAI TRẦU. LƯƠNG THƯ TRUNG
Houston, mùa lễ Giáng Sinh, 23-12-2018

No comments:

Post a Comment