Friday, January 18, 2019

NHA TRANG. NHỮNG NGÀY THÁNG CŨ


Lương Thư Trung

                                                             Biển Nha Trang. Hình Internet

Lời giới thiệu:
Gần năm mươi năm, những ngày tháng xa xưa ấy tôi đã ghé lại Nha Trang, lâu rồi tôi chưa trở lại nơi ấy lần nào! Mà nói gì năm mươi năm, ngay như những hàng chữ ghi lại một địa danh thân yêu này, vậy mà rồi cũng cách nay hai mươi mốt năm!
Nay tình cờ đọc trên các trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, của Trần Thị Nguyệt Mai, của Phố Văn (Nguyễn Xuân Thiệp) được nghe tác giả Lương Lệ Huyền Chiêu người gốc Ninh Hòa (Nha Trang) nhắc về Nha Trang; rồi mới đây tôi lại được nhà văn Vũ Thất gởi cho đọc và xem qua vài hình ảnh về Nha Trang, nên tôi mới ngồi đọc lại bài viết này viết hồi 1998, và thấy giọng văn vẫn giống như ngày cũ, nên tôi không sửa đổi hoặc thêm bớt gì, ngoại trừ thêm vài tấm hình kỷ niệm một thời tuổi trẻ…
Và xin gởi chia sẻ cùng các anh chị và các bạn, những ai đã đi qua vùng thùy dương cát trắng ấy một đôi lần…
Houston, ngày 14 tháng 01 năm 2019
Hai Trầu

Nhớ năm ấy, cách nay gần ba mươi năm, tôi hết sức bồi hồi, lo âu khi biết mình lại phải đến Nha Trang, một thành phố xa mù. Tôi vội mở bản đồ ra xem, được biết Nha Trang cách Sài Gòn đến năm trăm cây số. Hồi còn đi học, khi đã phải xa làng quê để lên Sài Gòn chưa đầy hai trăm cây số, tôi đã phải hồi hộp, lo sợ đủ mọi bề. Thế mà bây giờ lại phải cách xa cha mẹ, gia đình, làng mạc đến những bảy trăm cây số, điều mà vào những ngày tôi mới vào đời thật vô cùng bấn loạn trăm bề. Tía má tôi cụ bị cho tôi đủ thứ cùng những lời khuyên nhủ như "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", hoặc "Ở đâu người ta sống được, mình sống được" vân vân...Và rồi, ngày lên đường cũng phải đến. Thế là tôi lại đến Nha Trang trong tâm trạng như vậy.

 Chiếc phi cơ DC6 của Hàng Không Việt Nam từ từ giảm cao độ. Từ trên phi cơ, qua khung cửa sổ, phía dưới kia là nước biển với màu xanh lặt lìa đã ôm choàng lấy bờ cát trắng chạy dài uốn cong hình vòng cung tuyệt đẹp. Sau khi người phi công cho phi cơ lượn vài vòng trên không phận một thành phố dưới kia mà tôi nghĩ trong bụng đó là Nha Trang, nơi tôi sẽ dừng lại, chiếc phi cơ lăn bánh nhẹ nhàng trên phi đạo chạy dài. Trên chiếc xe ca của hàng không Việt Nam chạy vào thành phố thật chậm, tôi đã thật sự nhìn tận mắt Nha Trang với bao bỡ ngỡ và rồi tôi đã ở lại đó tròn bốn năm với những ngày tuổi trẻ của mình.

    Bạn có thể tưởng tượng Nha Trang như một kỳ quan với gương mặt sáng rực, nhìn xa xăm về hướng biển mênh mông mà lưng lại dựa vào vách đá núi vững vàng khôn tả. Nha Trang với bãi biển chạy dài từ Dinh Tỉnh Trưởng đến Hải Học Viện ở Cầu Đá, với dãy cát trắng mịn, với hàng dương như những ngọn tháp nhọn trầm mặc nhìn biển xanh, với hàng dừa dọc đại lộ Duy Tân lộng gió trăng ngàn mà reo vui mang hương vị rong rêu của biển mặn bốn mùa.

Nha Trang với con đường Độc Lập sầm uất hai dãy phố như xương sống của thành phố, chạy từ nhà ga đến tuốt xuống chợ Đầm. Nha Trang với Tháp Bà cao sừng sững bên kia cầu Hà Ra, lúc nào thập phương bá tánh cũng về thắp hương khấn nguyện, cầu tế vị nữ Thần vô cùng linh hiển có từ mấy trăm năm. Nơi sân tháp Bà, còn lại di tích cỗ là mấy trụ nống bằng gạch chứng tích một thời thanh bình hát xướng những dịp tế Thần.

Tháp Bà Nha Trang (1970)

Dưới chân Tháp Bà, bên kia quốc lộ 1 là xóm Bóng với nhà nhà san sát của những ngư dân chài lưới. Vào Xóm Bóng các bạn nghe như đang trở về những vùng biển xa mù với những mẻ lưới đầy cá lúc mùa gió thuận mưa hòa của dân chài. Thuyền ghe ra đi vào buổi chiều rồi lại về tấp nập lúc hừng đông thật rộn ràng, thanh bình, an lạc biết bao nhiêu. Nha Trang còn có con đường Phước Hải, Chợ Mới, Nhà Ga, Rộc Rau Muống, Phương Sài rẽ ngang con đường Trần Quí Cáp.

Nha Trang với Thích Ca Phật Đài trên ngọn đồi cao về hướng tây, nhìn xuống thành phố với ánh mắt từ bi hiền hoà của Đức Phật như ban phát cho cư dân niềm thanh tịnh. Dưới chân Thích Ca Phật Đài là chùa Hải Đức, PhậtHọc Viện, Trường Bồ Đề, những trung tâm văn hóa Phật Giáo kỳ cựu. Nha Trang với cô nhi viện Bết Lê Hem cùng những mảnh đời côi cút của biết bao trẻ thơ vô tội. Nha Trang với những đôi tình nhân hò hẹn dưới những gốc bàng dọc con đường Bá Đa Lộc vào những đêm trăng sáng thơ mộng.

Thích Ca Phật đài Nha Trang (1970)

Nha Trang với trường trung học Võ Tánh, Bá Ninh một thời nổi tiếng. Nha Trang còn có cả một viện Pasteur, ngoại trừ Sài Gòn, mà các nơi khác không có. Nha Trang còn là thành phố của lính với những chàng trai trẻ mang trên vai các huy hiệu của mọi quân trường. Nào là Trung tâm huấn luyện Hải quân, Không quân, trường Đồng Đế, trung tâm huấn luyện Dục Mỹ, mỗi sắc màu quân phục biểu trưng một phong cách một thời, khó quên trong ký ức.

Nha Trang với Hòn Chồng để lại dấu chân người như một chứng tích thuở hoang sơ. Bên cạnh đó Hòn Vợ nằm e ấp như đợi chờ một ngày xum vầy, hạnh phúc. Cả hai đôi vợ chồng đá này cùng nhìn về hướng biển muôn đời như mong ánh mặt trời buổi ban mai ấp áp, tươi vui. Rồi nào là hòn Yến xa xa ngoài khơi in lên nền trời và vùng biển xanh bóng hình kỳ thú muôn đời. Về hướng đông bắc, Hòn Rùa đang bơi trên biển. Về hướng đông nam, Hòn Tre xanh biếc gần bờ.

Nha Trang còn có cả Thánh Kinh Thần Học Viện với con đường đi lên con dốc dẫn xuống Hòn Chồng như bò ngoằn ngoèo vào nơi chốn thiên thai thời Lưu Nguyễn. Tòa nhà của những môn đệ Thần học trầm mặc mà nghe tiếng sóng vỗ quanh năm như những nhà hiền triết đang suy nghĩ về những triết lý khôn cùng của tạo vật.

Nha Trang với trại cùi Núi Sạn thuộc quận Vĩnh Xương bên kia thành phố. Trại cùi là ngôi làng với những căn nhà gạch khang trang cùng đời sống của những bệnh nhân luôn chờ đợi tình thương từ những tấm lòng bác ái của mọi người khắp mọi miền, không riêng gì cư dân thành phố biển này. Tôi có dịp đến làng này nhiều lần trong những lần thăm viếng, ủy lạo vào những tháng ngày tôi âm thầm sống với Nha Trang thời tuổi trẻ ấy.

Nha Trang với thi sĩ Quách Tấn, với nhà văn Võ Hồng, với đài tưởng niệm cố thiếu tá Hà Thúc Nhơn một thời chống tham nhũng. Nha Trang với đèo Rù Rì, từ đây các bạn sẽ nhìn thấy pho tượng người sinh viên sĩ quan màu vôi trắng đang đứng ở thế thao diễn nghỉ muôn đời, phía trước mặt là ngọn núi với dáng hình một thiếu nữ đang nằm xõa tóc như ở chốn tiên bồng, đang ngóng đợi người yêu trở lại với hai câu thơ nơi cửa miệng người trần phàm, thật dễ thương của một tác giả vô danh:
    "Anh đứng nghìn năm thao diễn nghỉ,
     Em nằm xõa tóc đợi chờ anh!"

Nha Trang về đêm nhìn ra biển khơi là cả một rừng hoa đăng của những thuyền lưới cá. Nha Trang về đêm còn có cả bánh khoái trong các tiệm ăn bình dân hoặc nơi vỉa hè, có những gánh bánh ú hột vịt lộn gánh rong theo bờ biển, có những xe phở dạo đẩy rong khắp thành phố và có cả loại bánh "paté chaud” bình dân mà nổi tiếng nơi góc đường Công Quán-Độc Lập. Đối diện bên kia con đường Độc Lập với khách sạn Nha Trang sáu tầng lầu cao, phải dùng thang máy vào thời ấy, là nhà sách Huy Hoàng với cô chủ có gương mặt xinh xinh, làm bao chàng trai ngơ ngẩn một thời... Nha Trang về đêm vào những năm đầu thập niên bảy mươi còn có phòng trà ca nhạc với những bản tình ca ngọt lịm do các ca sĩ từ Sài Gòn ra trình diễn, như một "thời thượng" của làn sóng ca hát, ăn chơi.

Qua khỏi đèo Rù Rì, về hướng bắc, theo quốc lộ 1, bên tay mặt cách chân đèo vài cây số là xã Lương Sơn, một làng chài lưới, với những hàng dừa xiên xiên mà đầy trái ngọt ngào bên bờ biển mặn. Cư dân ở đây hiền thật là hiền, lòng họ rộng rãi như cá tôm nhiều vô số kể. Tiếp tục theo quốc lộ 1, đến đèo Rọ Tượng, các bạn sẽ bắt gặp những em bé mình trần với chiếc quần cụt, lưng mốc cời, trên tay xách những chùm cua biển vừa bắt được đón khách trên đường cầu may bán được vài chục cua, kiếm chút tiền mua gạo. Mấy mươi năm, tôi nhớ hoài hình ảnh các em bé nghèo này mà cám cảnh thương tình nghèo khó của các em mãi hoài.

Các bạn đi thêm chút nữa sẽ gặp một thị trấn nổi tiếng với món nem chua, cách Nha Trang khoảng ba mươi cây số. Quận Ninh Hòa đấy bạn ạ; một quận lỵ nằm nơi giao điểm hai quốc lộ 1 và quốc lộ 21. Nếu bạn tiếp tục đi theo quốc lộ 1, bạn sẽ về Vạn Ninh, Vạn Giả. Nơi chân đèo Cả, bãi biển nổi tiếng Đại Lãnh, đẹp nhất vùng, nơi du khách khắp nơi về nghỉ mát vào mùa Hè. Nhưng nơi đây, bạn coi chừng một loại sứa lửa, đụng vào da nóng rát kinh khiếp. Lên tới đỉnh đèo Cả, nhìn phía tay mặt với vực sâu thăm thẳm là Vũng Rô đấy bạn. Ngọn đèo cao hùng vĩ. Vũng Rô nọ là chiến tích một thời chói lọi với bao chiến sĩ vô danh viết lên trang sử thời kỳ Cộng Hòa, khó quên trong lòng mọi người. Đèo Cả là ranh giới của Nha Trang bên này, bên kia là Phú Yên, Tuy Hòa của một miền được bồi đấp bởi những lớp phù sa của con sông Ba, hay còn gọi Đà Rằng, nơi chôn nhau cắt rún của nhà văn Võ Hồng được diễn tả trong truyện ngắn dễ thương "Đi Trong Bóng Lá" của ông.
    
Xin mời các bạn trở lại Ninh Hòa để ăn vài chiếc nem nổi tiếng của bà Thái Thị Trực, uống nuớc dừa tươi, rồi vượt qua đèo Phụng Hoàng, quốc lộ băng qua rừng già, để về thăm Khánh Dương với những trảng tranh nổi tiếng một vùng đầy cọp như tục ngữ địa phương mà ai cũng còn nhớ:"Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận".

Hoặc bạn muốn về phía nam, theo quốc lộ 1, bạn sẽ theo con đường Đại Hàn mới mở, mà không phải vào thành phố Nha Trang qua ngả đèo Rù Rì, bạn đến quận Diên Khánh, còn có tên là Thành. Nơi đây là một thành lũy thời nhà Nguyễn còn lưu lại. Đi vào các xã của vùng Diên Khánh, các bạn sẽ có những ngôi nhà tường rải rác trong các con đê nhỏ với loại trái cây khi chín màu đỏ ửng, ngọt ngọt, chua chua như mời gọi. Đó là những trái thanh long chín mọng đấy bạn. Ở đó cũng như các vùng khác của Nha Trang, người dân hiền hòa mà hiếu khách lắm. Những ngôi nhà gạch với cột tròn bằng loại gỗ to bằng hủ đường, bề vô lại ngắn, bề ngang dài ra như vòng tay rộng mở để ôm choàng mọi người khách phương xa. Dường như đó là nét tiêu biểu của cư dân vùng này sau mấy năm tôi hoà nhập vào những thôn xóm nửa núi, nửa biển này.

Qua khỏi Diên Khánh, bạn sẽ đến Cam Lâm nằm lẫn khuất trong khu rừng cao su như kẻ ẩn dật. Vùng này cư dân tương đối nghèo. Rẫy chuối phải trồng theo triền núi từng bậc, từng bậc. Lúa không xum xuê như Vạn Ninh, Vạn Giả. Nhưng hãnh diện là nơi có ngôi mộ vị bác sĩ người Pháp, bác sĩ Yersin, ân nhân của cả nhân loại, khi mất đi được chôn ở Suối Dầu, thuộc quận Cam Lâm.

Nếu bạn đi tiếp quốc lộ 1, bạn về Cam Ranh xa lắc, cách Nha Trang gần sáu mươi cây số. Để khỏi lạc đường, xin mời các bạn trở lại Nha Trang với đôi dòng nhớ về nơi chốn cũ, mà suốt thời tuổi trẻ tôi đã để lại nơi đây khá nhiều kỷ niệm. Những hò hẹn có, những vui buồn có, những mộng mơ thời trai trẻ có, những nhớ nhung chất ngất với một thành phố mà tôi đã có lần dừng chân lại tròn bốn năm.

Bây giờ, mỗi bận nhớ về, nhất là vào những ngày Tết nơi xứ người, đọc lại tâm tình của nhà văn Võ Hồng, trong " Đi Trong Bóng Lá ",  khi ông nhắc lại cái miền quê thân yêu thời chiến tranh với nỗi lòng của người tản cư chạy giặc, rời quê bỏ xứ, nghe như tâm sự của mình. Xin mời các bạn nghe ông nói: "Muốn yêu một quê hương cũng không phải dễ. Sao không thong thả như con chim bay về cái ổ của nó?!"
   
Rồi những ngày xa xứ như bây giờ, mỗi lần tới mùa giáp Tết, ngồi một mình, miên man nghĩ về một loài chim gọi mùa, nghĩ về cái vùng quê của mình, nghĩ về những ngày tuổi trẻ với thành phố biển Nha Trang, lòng tôi chùn xuống, nghe như xót xa, đau rát, ngậm ngùi giữa cái giá lạnh của mùa Đông nơi xứ người, dường như muốn khóc!
   
Tôi mơ có một ngày được về lại thăm thành phố cũ như bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy:" Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya...." để tôi có dịp nhìn lại dấu chân mình biết bao lần in trên bãi cát trắng mịn ngày nào, thật thân ái của những ngày tháng cũ…!

Boston, ngày 28-01-98
Houston, ngày 14-01-2019
HAI TRẦU LƯƠNG THƯ TRUNG


No comments:

Post a Comment