Ngô Thế Vinh
Hình 1: Linh Đài với Ba Cây Đa cao 20
mét tượng trưng cho Ba Ngôi được dựng
nơi Đức Mẹ đã hiện ra, với tượng Đức Mẹ
bồng Chúa Hài Đồng. Có người cho rằng đây là tác phẩm
của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ nhưng chi
tiết khắc trên đá nơi sau chân tượng gốc ghi là của Điêu khắc gia Nguyễn Văn
Thế, ông cũng là tác giả công trình tượng đài Hai Bà Trưng Công Viên Mê Linh
Sài Gòn, đã bị phá sập sau biến cố 1963. (5)
PHAN NHẬT NAM VỀ LA VANG VỚI NGÔ THẾ VINH
Con Đường Buồn Tênh / Street Without Joy, Dọc
đường số 1, Đại Lộ Kinh Hoàng, Con Sông Bến Hải, Cây Cầu Hiền Lương, ngược về
quá khứ, qua hai cuộc chiến tranh Việt Pháp, Quốc Cộng Nam Bắc, ngược dòng thời
gian xuyên suốt con đường lịch sử đầy xác chết, đẫm máu và nước mắt, bằng cách
này hay cách khác, thế hệ tuổi trẻ chúng tôi trong chiến tranh hay hoà bình
cũng đã hơn một lần đi qua và chẳng thể nào quên.
Và trong chuyến đi này, Phan Nhật Nam cũng đã
đến La Vang với tôi qua một hồi cảnh / flashback với hồi chuông báo tử hay sám
hối / For Whom The Bell Tolls, với lời ai điếu hay cả lời nguyền… Những hồi
chuông từ nơi tháp cổ mang đầy thương tích ấy vẫn như còn ngân và vang xa, vươn
xa tới 9 cây số của Đại Lộ Kinh Hoàng để xoa dịu vỗ về và là nguồn an ủi cho
linh hồn của vô số những ngưởi dân lành đã chết oan khiên trong Mùa Hẻ Đỏ Lửa
1972…
Ngày
đầu tháng 7, 1972… Anh đang ở trên Quốc lộ 1 cây số 9 từ Quảng Trị kế đến, vùng
thôn Mai Đẳng, xã Giáp Hậu, quận Hải Lăng cảnh tượng trước mặt, chỉ có thể im
lặng, chỉ có thể nghiến răng, bặm môi, dù răng vỡ, môi chảy máu tươi, mắt mờ
nhạt. Không biết gì khi thân thể đang sụp xuống, co quắp, luống cuống với cảnh
tượng tàn khốc trước mặt. Trời ơi ! Hình như có tiếng kêu mơ hồ dội ngược trong
ngực, sâu trong cổ họng, nơi óc não, hay chỉ là ảo giác khi mất hết khả năng
kiểm soát. Anh không là người đang sống, vì sống là sống cùng với người sống,
chia xẻ vui buồn, đau đớn lo âu với người sống. Nhưng bây giờ chung quanh,
trước mặt chỉ còn một cảnh tượng, một vũng lầy – Chết. Chỉ Sự chết bao trùm vây
chặt, che kín, chụp xuống…
Sự
Chết trên 9 cây số đường này là 9 cây số trời chết, đất chết, chết trên mỗi hạt
cát, chết trên đầu ngọn lá, chết vương vãi từng mảnh thịt, chết từng cụm xương
sống, khúc xương sườn, chết lăn lóc đầu lâu, chết rã rời từng bàn tay cong cong
đen đúa…
Làm
được gì bây giờ? Tại 9 cây số đường chết của Quảng Trị ở Việt Nam không thể
dùng danh từ “xác chết” nữa, vì nơi đây chết tan nát, chết tung tóe, chết vỡ
bùng… Chết quá cái chết. Không còn được là “người chết” trên đoạn đường kinh
khiếp của một chốn quê hương. Quảng Trị.
Đến
La Vang thượng, anh xuống xe đi bộ vào La Vang Chính Tòa, nơi đơn vị bạn, Tiểu
Đoàn 11 Dù đang chiếm giữ. Hai cây số đường đất giữa ruộng lúa xanh cỏ, anh đi
như người sống sót độc nhất sau trận bão lửa đã đốt cháy hết loài người. Đường
vắng, trời ủ giông, đất dưới chân mềm mềm theo mỗi bước đi, gió mát và không
khí thênh thang. Ngồi xuống vệ đường bỏ tay xuống ao nước kỳ cọ từng ngón một –
Anh muốn tẩy một phần sự chết bao quanh?
Đi
vòng vòng ở sân Tiểu Vương Cung Thánh Đường, nhìn dãy tượng Thiên Thần gãy đổ,
tượng Đức Mẹ lỗ chỗ mảnh đạn, hàng dương liễu cháy xám… Bây giờ sau khi qua 9
cây số chết, lòng cứng, não trơ, anh đi xiêu vẹo ngả nghiêng trong bóng nắng và
gió nồng ẩm… Bước qua gạch ngói của căn nhà đổ nát, anh đến gác chuông kéo sợi
dây… Hai quả chuông quá nặng, phải kéo bằng hai tay… Kính… coong… Tiếng chuông
âm u vang động… Vang vào trong núi không nhỉ? Nơi đây là bình nguyên trùng điệp
và Trường Sơn bao vây nơi xa… Vắng vẻ quá! Anh nói thật lớn cho chính mình
nghe. Chẳng biết nên làm gì? Giật dây chuông thêm một lần nữa… Kính… coong...
coong... vang... La… Vang… Phan Nhật Nam [Tháng 7/1972 - 1/2019] (2)
Hình 2: trái, Tượng Chúa Giêsu vác Thánh
Giá, một trong quần thể tượng
15 Sự Mầu Nhiệm Mân Côi của Lê Ngọc Huệ
và môn sinh có Mai Chửng bị bom đạn
phá sập trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972; phải:
TT Nguyễn Văn Thiệu đang quỳ gối cầu nguyện trong
Nhà thờ La Vang đổ nát 20.09.1972 sau
khi quân lực VNCH tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
[nguồn: tư liệu LM Nguyên Thanh]
ĐẾN VỚI NHÀ THỜ ĐỨC MẸ LA VANG
Từ Huế ra đến Quảng Trị mấy ngày đầu năm 2019
là những ngày ủ dột mưa. Sau bài viết: Đi tìm bức tượng Mẹ và Con, tác phẩm bị
lãng quên của Mai Chửng ở Hải ngoại. VOA 07.06.2018, tôi có ước muốn trở lại
thăm Nhà thờ Đức Mẹ La Vang Quận Hải Lăng Quảng Trị, nơi đã từng có một quần
thể tượng nghệ thuật tôn giáo của Giáo sư điêu khắc Lê Ngọc Huệ cùng đám môn
sinh trong đó có Mai Chửng với chủ đề Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm Mân Côi. (3)
Đây là một công trình tập thể của nhóm thầy
trò trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, do Giáo sư Lê Ngọc Huệ lúc đó còn rất trẻ,
sinh năm 1936, tốt nghiệp điêu khắc từ trường Mỹ thuật Montpellier, Pháp mới từ
Paris về. Ông cùng với mấy sinh viên khoa điêu khắc tuy ít nhưng tài ba và sau
này họ trở thành những tên tuổi như Mai Chửng, Lê Tài Điển, Trần Văn Danh… Thầy
trò cùng chung sức thực hiện trong khoảng thời gian hơn hai năm từ 1961 tới
1963 thì gần như hoàn tất.
Theo Lê Tài Điển, hiện ở Pháp, là một thành
viên duy nhất trong nhóm môn sinh của GS Lê Ngọc Huệ mà tôi còn liên lạc được
qua eMail [ngày 17.01.2019] cho biết: “Gs Bernard Huệ có giòng máu Pháp Việt,
quê ở Miền Tây, có một lần ông vắng mặt nhà trường, sau đó ông cho biết về Hậu
Giang để thăm mẹ. La Vang là công trình lớn lao với 12 điêu khắc các thánh…
không hoàn thành do biến động… dở dang! Riêng tôi có phụ trách 1 dự án “non bộ”
hiện giữa 12 tượng đài.” [ghi chú của người viết: 15 tượng đài chứ không phải
12]
Tính tới nay, khoảng thời gian 56 năm đâu đã
quá xa, nhưng điều còn nhớ và ghi lại được trên các văn bản thì rất khiêm tốn.
Ngay như một tiểu sử chi tiết và các hình ảnh của Lê Ngọc Huệ cũng rất khó
kiếm, vì sau chính biến 1963 lật đổ TT Ngô Đình Diệm, ông rời Việt Nam trở lại
Pháp và không còn để lại đầu mối liên lạc nào nữa.
Ngoài quần thể tượng nghệ thuật tôn giáo Mười
Lăm Sự Mầu Nhiệm Mân Côi tại Nhà thờ Đức Mẹ La Vang là một công trình lớn có
giá trị cao trong lịch sử điêu khắc Việt Nam thì Trụ Cột Hoà bình là một tác
phẩm cá nhân duy nhất mà Lê Ngọc Huệ còn để lại. Trụ Cột Hoà bình đoạt huy
chương Bạc trong cuộc triển lãm Quốc Tế Mỹ Thuật Sài Gòn lần thứ nhất năm 1962
[từ 26-10 đến 15-11-1962] tại Công Viên Tao Đàn gồm 22 quốc gia, là một tác
phẩm điêu khắc theo khuynh hướng hiện đại, rất mới so với nền điêu khắc còn non
trẻ của Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng rồi sau biến cố 30 tháng 4, 1975 các tác
phẩm rất giá trị của Sài Gòn Cũ như Trụ Cột Hoà bình của Lê Ngọc Huệ nơi khuôn
viên Viện Đại Học Sài Gòn, Bông Lúa Con Gái của Mai Chửng ở thành phố Long
Xuyên và một số các tượng đài khác đều chung số phận bị hất hủi hay bị phá huỷ…
(1,4)
MỘT CHÚT LỊCH SỬ NHÀ THỜ LA VANG
Đức Mẹ hiện ra ở La Vang 221 năm về trước
(1798 – 2019), được coi như phép lạ trong một thời kỳ mà đạo Thiên Chúa bắt đầu
bị cấm đoán và bắt bớ tại Việt Nam. La Vang ngày nay được xem như một thánh
địa, nơi hành hương quan trọng của giáo dân Việt Nam, ở xã Hải Phú, huyện Hải
Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Các tín đồ vẫn tin rằng, Đức Mẹ
đã hiện ra ở khu vực này vào năm 1798, và một nhà thờ đã được xây dựng gần ba
cây đa, nơi Đức Mẹ đã hiện ra và đến năm 1961, nhà thờ Đức Mẹ La Vang được Tòa
Thánh tôn phong là Tiểu Vương Cung Thánh đường La Vang. [Ba Tiểu Vương Cung
Thánh Đường khác của Việt Nam là các nhà thờ: Sở Kiện Hà Nam, Phú Nhai Bùi Chu
và Đức Bà Sài Gòn].
Dưới thời vua Cảnh Thịnh tức Nguyễn Quang
Toản, con trai thứ của vua Quang Trung nhà Tây Sơn, ra chiếu chỉ cấm đạo năm
1798, để tránh bị nạn, nhiều giáo dân vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất hẻo
lánh này. Có nhiều “dật sự” về nguồn gốc tên La Vang, nhưng có một cách giải
thích khá khả tín là khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc
bấy giờ Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá từ cây vằng –
uống vào sẽ chữa khỏi bệnh, “lá vằng” viết không dấu thành La Vang. Sự kiện,
người hành hương về nơi này có thể mua được “lá vằng”, một loại lá dân gian
dùng sắc thuốc uống mát và lành, trị được một số bệnh. Khách thập phương đến
đây hành hương và cầu xin ơn lành mà người Thiên chúa giáo tin rằng Đức Mẹ sẽ
ban ơn như ý nguyện. Đức Mẹ La Vang được biểu tượng bằng một phụ nữ mặc áo dài bế
con trong y phục truyền thống Việt Nam.
Theo truyền khẩu, năm 1885 nhà thờ bị đốt và
nhóm giáo dân La Vang dựng lại nhà thờ Đức Mẹ trên nền cũ. Năm 1894, Giám mục
Caspar Lộc cho xây lại một đền thờ bằng ngói, vì là vùng núi vận chuyển vật
liệu khó khăn nên 15 năm mới hoàn thành. Năm 1901, đại hội La Vang đầu tiên
được tổ chức vào ngày 08 tháng 08 để mừng khánh thành nhà thờ.
Năm 1924, do ngôi nhà thờ ngói chật hẹp, lại
hư hại cho nên một đền thánh La Vang theo đồ án của kiến trúc sư Carpentier
được dựng lên và khánh thành năm 1928, nhân dịp Đại hội La Vang 9. Thánh đường
này được trùng tu năm 1959. Trong phiên họp ngày 13 tháng 04 năm 1961, Hội đồng
Giám mục Miền Nam Việt Nam đã quyết định La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu Toàn
quốc. [https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%A9c_M%E1%BA%B9_La_Vang]
Hình 3: trái, Nhà thờ Đức Mẹ La Vang
30.05.1970 vẫn còn nguyên vẹn,
Bác sĩ Nguyễn Duy Hảo YK68 cùng LM Tuyên
uý đưa anh em thương phế binh
từ Tổng Y viện Duy Tân đi hành hương Nhà
thờ La Vang. [tư liệu Bs Nguyễn Duy Hảo];
phải: sau chiến tranh, chỉ còn lại di
tích tháp chuông cổ từ ngôi Thánh đường La Vang cũ.
[nguồn: daminhvn.net]
Hình 4: trái, Nhà thờ cổ Đức Mẹ La Vang
trước chiến tranh còn nguyên vẹn;
phải, Ngôi nhà thờ đổ nát qua Mùa Hè Đỏ
Lửa 1972, sau đó quân lực VNCH tái chiếm
Cổ thành Quảng Trị và khu Nhà thờ La
Vang. [tư liệu LM Nguyên Thanh]
Hình 5: trên, Nhà Thờ La Vang 1985,
tranh màu nước trên giấy dó 41cm x 51cm
của Hoạ sĩ Dương Phước Luyến; dưới, Nhà
thờ La Vang 04.2017, photo by Dương Phước Luyến.
[tư liệu Huỳnh Hữu Uỷ]
Hình 6: Ngày 15 tháng 8 năm 2012 lễ đặt
viên đá đầu tiên xây dựng Tiểu Vương Cung
Thánh Đường La Vang mới, với các góc mái
uốn cong như ngôi đình,
mang phong cách kiến trúc Việt Nam.Hình 7 a,b: Lễ đài rất lớn ngoài trời với tượng Đức Mẹ ẵm xác Chúa Giêsu
Theo Linh Mục Nguyên Thanh, nguyên sĩ quan Tuyên uý của Sư Đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, cũng là bạn tù cải tạo từ nhiều năm của người viết và từng viếng La Vang nhiều lần ở các giai đoạn khác nhau thì:
“ … Trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, Công trường Mân
Côi bị bom đạn cày xới lỗ chỗ, một số bức tượng trong quần thể 15 Sự Mầu Nhiệm
bị tan nát hoặc sứt mẻ trầm trọng. Chỉ còn ba cây đa nhân tạo nơi đài Đức Mẹ là
vẫn đứng vững. [Hình 1,2]
Và từ năm 1995, Công trường Mân Côi, đã được
tái thiết từng bước theo nguyên trạng ban đầu với sân cỏ, trồng cây, lối đi
cũng là lộ trình kiệu được lát gạch chạy thẳng từ cổng tam quan đến lễ đài, và
điều đáng kể là 15 pho tượng Mầu Nhiệm Mân Côi bị hư hại trong Mùa Hè Đỏ Lửa
1972 cũng đã được tu sửa tái tạo.
Chủ đề 15 pho tượng của điêu khắc gia Lê Ngọc
Huệ tương ứng với sự chiêm ngắm 15 Mầu Nhiệm Mân Côi gồm: Năm sự Vui, Năm sự
Thương, và Năm sự Mừng. Chủ đề này đặc biệt thích hợp cho thánh địa sùng bái
Thánh Mẫu nếu so với chủ đề thường thấy trong hầu hết khuôn viên của các nhà
thờ là “14 Chặng đàng Thánh giá”.
Mân Côi / Rosary nghĩa là “vòng hoa hồng”,
mỗi lời kinh Kính mừng Ave Maria như một đoá hồng xinh đẹp sẽ kết thành một
Tràng Hoa dâng lên Đức Mẹ. Đọc kinh Kính mừng là sự chiêm nghiệm theo trình tự
những mầu nhiệm hay sự kiện chính trong cuộc đời, sự thương khó, cái chết, và
vinh quang của Chúa Giêsu và sự tham dự của Mẹ ngài là Maria.
Trong kinh nguyện Mân Côi đọc mỗi ngày, 15
mầu nhiệm được chia thành 3 bộ, mỗi bộ trong đó lại có 5 đề tài khác nhau để
chiêm nghiệm (mỗi đề tài được đọc bằng mười bài kinh Kính mừng). Để bổ sung vào
những mầu nhiệm chiêm ngắm này, trong đó người ta lại phối hợp chúng với các đức
tính gương mẫu với từng mầu nhiệm (như tính khiêm nhường, bác ái, nghèo khó,
thanh sạch…). Dựa vào đó, mỗi “bộ” về hình thể điêu khắc súc tích được cái ý
tưởng cốt yếu của từng đề tài:
1.
Năm sự vui: Chiêm ngắm những khoảnh khắc trong đời Đức Mẹ Maria, đây là
những đề tài giàu cảm xúc và thân thiết, như trong cảnh thiên thần truyền tin
hoặc tình cảm giữa người nữ với nhau, việc sinh đẻ, tình mẹ con. Điêu khắc chủ
yếu dùng những bố cục và đường nét cong đầy nữ tính, hình khối tròn mềm mại hài
hoà khi vận dụng đường uốn lượn nhịp nhàng của cử động và y phục.
2.
Năm sự thương: loạt tượng này chủ yếu dùng những mẫu khối hình học lập
thể táo bạo và mãnh liệt thật thích hợp để diễn tả nỗi khắc khoải và thống khổ
vừa trong nội tâm và thể xác của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn, như cảnh cầu
nguyện trong vườn cây dầu, cảnh thụ hình và chịu đóng đinh.
3.
Năm sự mừng : là những đề tài hân hoan, thăng hoa và tôn vinh. Hình khối
điêu khắc từ đây ít tính khắc khổ, ngoại trừ pho “Chúa Giêsu sống lại” vẫn giữ
phong cách lập thể và biểu hiện để thống nhất với Năm sự Thương, các pho còn
lại trở về với hình khối mang tính tượng trưng với đường nét tròn đầy của nữ
tính để diễn tả trạng thái viên mãn, nhất là với các bức thể hiện Đức Mẹ.
Tác phẩm của Lê Ngọc Huệ để lại sẽ vẫn còn
toả sáng lâu dài vì mang những giá trị nghệ thuật và tâm linh thể nghiệm đạo
đức Ki-tô giáo và mỹ học đương đại. Quần thể tượng là 15 đoá hồng mầu nhiệm –
rosa mystica – chất chứa nhiều trạng thái cảm xúc từ bi tráng đến thăng hoa của
con người vượt cảnh giới thế tục qua sự cứu chuộc của tôn giáo và nghệ thuật,
và nằm trong một không gian và thời gian kết tinh của tâm linh qua những thăng
trầm của lịch sử. [nguồn: LM Nguyên Thanh]
Sau thời gian gián đoạn, từ năm 1990, chính
quyền địa phương cho phép hành lễ trở lại. La Vang trở thành thánh địa quan
trọng nhất của người Thiên Chúa giáo Việt Nam, hàng năm có hơn nửa triệu người,
cả từ khắp năm Châu về hành hương, con số ấy ngày một gia tăng.
TÁC GIẢ TƯỢNG BA CÂY ĐA LÀ AI ?
Theo Chủng sinh Nguyễn An Phong, trong Kỷ Yếu
Kỷ niệm 42 năm Lớp Mẹ Vô nhiễm Khoá Hoan Thiện / HT 67, viết theo lời kể của Ba
Anh, ông Nguyễn Văn Nghiêm người gần như suốt cuộc đời gắn bó với Nhà thờ Đức
Mẹ La Vang thì:
“Được nghe Ba tôi kể một vài điều, nhất là về
việc xây cất Ba Cây Đa và các tượng Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm. Theo như trang mạng
của Địa Phận Huế bây giờ, cũng như trong sách Đức Mẹ La Vang của linh mục Hồng
Phúc hoặc lời giải thích của thi sĩ Đình Bảng trong DVD về La Vang đều nói là
công trình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, vị kiến trúc sư lừng danh thế giới
với giải Grand Prix de Rome năm 1955… Cậy nhờ đến internet để tìm kiếm, có khá
nhiều trang mạng nói về vị kiến trúc sư tài ba nầy như ở trang bách khoa:
http://en.wikipedia.org/wiki/Ngo_Viet_Thu
hoặc
http://www.geocities.com/namsonngoviet/NgoVietThu.html.
Đặc biệt, trang mạng sau này của Kiến Trúc Sư
Ngô Viết Nam Sơn là con trai của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, nói về cuộc đời
nghệ thuật của Ba mình. Trang nầy liệt kê các công trình tiêu biểu như khách
sạn, chùa chiền, nhà thờ, chợ búa, trường Đại Học, dinh Độc Lập… nhưng hoàn
toàn không nhắc tới công trình La Vang hoặc một công trình điêu khắc nào.
Tuy nhiên, sau lưng bàn thờ Mẹ, nếu để ý, ta
có thể thấy khắc mấy hàng chữ nhỏ. Hàng chữ nầy khắc chìm vào đá, nhưng có ai
mới sơn màu đỏ lên:
Hân hạnh
phục vụ Linh Đài
Sáng
kiến và mô hình: Ô. Nguyễn Văn Thế, điêu khắc sư
Quản lý:
LM Trần Văn Tường
Công tác
giám thị: Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Hữu Mùi
Tạc đá:
Huỳnh Phạm
Vậy đúng là ông Nguyễn Văn Thế mà tôi còn
nhớ. Ông Nguyễn Văn Nghiêm là Ba tôi. Ông Nguyễn Hữu Mùi là thân phụ của linh
mục Nguyễn Hữu Hiến (Hoan Thiện 66)…. Nhưng đoan chắc Ba Cây Đa là của điêu
khắc gia Nguyễn Văn Thế, vì có khắc rõ ràng trên bảng đá” [Hết lược dẫn] (5)
Hình 8: Điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế, Đệ
Nhị Giải La Mã
[Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại, Nguyễn
Văn Phương, Nha Mỹ Thuật Bộ
Quốc Gia Giáo Dục VNCH 1962] (6)
Theo trang mạng tiếng Việt
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ngô_Viết_Thụ thì: “KTS Ngô Viết Thụ có vai trò
quy hoạch kiến trúc tổng thể khu Thánh địa La Vang Quảng Trị cùng với công
trình điêu khắc của “điêu khắc sư” Nguyễn Văn Thế, cũng như ông đã từng quy
hoạch cảnh quan Công trường Mê Linh năm 1961 cùng với nhà điêu khắc Nguyễn Văn
Thế là tác giả của tượng đài Hai Bà Trưng Sài Gòn.”
Với sự thận trọng, người viết đã nhờ LM
Nguyên Thanh [ngày 18.01.2019], liên lạc với Cha nguyên quản nhiệm Tiểu Vương
Cung Thánh Đường La Vang Quảng Trị thì được Cha cho biết, qua các giai đoạn
trùng tu kể cả tượng đài Ba Cây Đa, đã không còn những dòng chữ khắc trên đá
sau lưng bàn thờ Mẹ, và Cha thì vẫn nghĩ rằng tượng Ba Cây Đa là của KTS Ngô
Viết Thụ.
Người viết chỉ ghi lại những sự kiện và không
đưa ra một kết luận nào. Hy vọng trong tương lai gần, sẽ có thêm một tiếng nói
của KTS Ngô Viết Nam Sơn con trai KTS Ngô Viết Thụ, để có thể giúp soi sáng một
sự kiện có tính cách lịch sử mỹ thuật tôn giáo này.
Hình 9: KTS Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên
Giải La Mã, được TT Ngô Đình Diệm mời về VN,
ông đã để lại nhiều dấu ấn trên các công
trình kiến trúc thời Việt Nam Cộng Hoà.
Hình trên: Lễ đặt viên đá đầu tiên 1962
xây Trung tâm Giáo dục Y Khoa Sài Gòn;
hàng trước từ trái: GS Phạm Biểu Tâm, TT
Ngô Đình Diệm, KTS Ngô Viết Thụ, GS Nguyễn Quang Trình. [tư liệu gia đình GS
Phạm Biểu Tâm]
ĐỨC TGM NGÔ ĐÌNH THỤC VÀ GS LÊ NGỌC HUỆ
Vẫn theo Nguyễn An Phong, trong Kỷ Yếu Lớp Mẹ
Vô nhiễm Khoá Hoan Thiện/ HT 67, theo lời kể của Ba Anh, ông Nguyễn Văn Nghiêm
một giai thoại thú vị về Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, [anh TT Ngô Đình
Diệm] lúc đó đã 64 tuổi đang cai quản Giáo phận Huế bao gồm cả Quảng Trị với
Giáo sư Điêu khắc Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế Lê Ngọc Huệ còn rất trẻ, mới 25 tuổi từ
Pháp về:
“Khi vị điêu khắc gia trình Đức Tổng Giám Mục
Ngô Đình Thục mô hình các bức tượng Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm thì ngài bác ngay.
Ngài lấy lý do dân Quảng Trị là những người mộc mạc, quê mùa. Mỗi khi đi viếng
Mẹ, làm thế nào để họ có thể cầu nguyện trước những bức tượng “một hòn, một
cục” được. Người dân quê cần những bức tượng theo lối tả chân để họ có thể hiểu
mà để tâm cầu nguyện. Vị điêu khắc gia đã mất một thời gian khá dài để thuyết
phục Đức Tổng. Vì đây là một công trình nghệ thuật tôn giáo quan trọng và lớn
lao. Những bức tượng lập khối có những ý nghĩa nhất định… Tượng Mẹ Lên Trời, tà
áo Mẹ phồng lên như có gió thổi để chỉ Mẹ được nâng lên trời, cả hồn lẫn xác.
Trong khi tượng Chúa Lên Trời thì tự nhiên. Những bắp thịt trên vai của tượng Chúa
Ngã Xuống Đất căng lên sức nặng của tội lỗi con người, nhưng khuôn mặt Chúa thì
vẫn bình thản, thương yêu… Nghe lời giải thích hợp lý, Đức Tổng đồng ý với điều
kiện là trước mỗi bức tượng, ghi những chú giải cần thiết để người dân dễ hiểu.
Vị điêu khắc gia từ chối quyết liệt, vì như vậy còn gì là nghệ thuật nữa. Đức
Tổng cuối cùng chịu thua, chấp thuận. Tôi cũng nghe kể vị điêu khắc gia nầy là
một giáo sư trường Mỹ Thuật Huế, đã đem theo các môn sinh của mình để thực hiện
công trình lớn lao nầy… Và Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm có thể là của điêu khắc gia
Bernard Ngọc Huệ và các môn sinh thuộc trường Mỹ Thuật Huế. [hết lược dẫn] (5)
Hình 10: Điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ, Huy
chương Bạc Triển Lãm Quốc Tế Mỹ Thuật 1962
[Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại, Nguyễn
Văn Phương, Nha Mỹ Thuật
Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH 1962] (6)
Qua sự kiện này, Huỳnh Hữu Uỷ nhà phê bình
Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam đã phát biểu: “Tôi lấy làm lạ là một người như Cha
Ngô Đình Thục, quen với bầu không khí nghệ thuật cổ điển của Vatican mà lại
chấp nhận được những pho tượng trừu tượng biểu hiện ấy của Lê Ngọc Huệ. Âu cũng
là một cái may lớn cho chúng ta.”
QUẦN THỂ TƯỢNG MÂN CÔI TRONG SÂN NHÀ THỜ LA
VANG
Như đã nói ở trên, quần thể tượng này, được
sáng tạo theo sử thi Thiên Chúa giáo với 15 sự mầu nhiệm Mân Côi gồm: (a) 5 sự
vui, (b) 5 sự thương, (c) 5 sự mừng. Công trình bắt đầu từ 1961 đến 1963 thì
được coi hoàn thành.
Theo Trịnh Cung, điều còn nhớ được, thì nhóm
tượng đã được tạo hình và làm khuôn tại trường CĐMT Huế, đến giai đoạn 2, quần
thể tượng này được đúc bằng chất liệu granito tại sân nhà thờ La Vang, với xi
măng trắng trộn đá nhỏ… Các pho tượng được đặt hai bên con đường lát đá từ cổng
tam quan đi vào Quảng trường Mân Côi, con đường này dẫn đến một lễ đài rất lớn
ngoài trời. Ngôi nhà thờ La Vang bị tàn phá trong những trận giao tranh khốc
liệt, nhất là trong giai đoạn Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và nhóm quần thể tượng này đã
không còn nguyên vẹn. [Hình 2,7]
Mãi đến năm 1995, công trường Mân Côi và 15
pho tượng mầu nhiệm mới được phục hồi, và nay cũng đã gần một phần tư thế kỷ,
đã lại có thêm rêu phong nhuốm màu thời gian. Đặc tính của những bức tượng này
với những hình khối, có đường nét cách tân nhưng rất đẹp, nhìn theo cả không
gian ba chiều.
Dưới đây là 12 những bức hình chụp vội dưới
trời mưa chỉ với chiếc iPhone 8-plus của chính người viết, có giá trị như những
ghi chép. Ba bức hình thiếu, được bổ sung bằng 2 hình của Nguyễn Quốc Thái [
Vui V, Mừng I ] và 1 hình của Phanxipang [ Mừng III ], cả 3 hình có đánh dấu
sao * / asterix.
Rồi ra, mong có dịp trở lại nơi đây, trong
những ngày nắng ráo, với đầy đủ ánh sáng và một chiếc máy hình tốt để có thể có
những bức ảnh đẹp, chụp lại được các góc cạnh và ánh sáng sắc bén của mỗi pho
tượng tương xứng với giá trị nghệ thuật của mỗi tác phẩm điêu khắc này.
Vui I: Thiên thần truyền tin Đức Mẹ thụ
thai
Vui II: Đức Mẹ đi viếng bà thánh Ysavé
Vui III: Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu
Vui V: Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong
đền thánh *
Thương IV: Chúa Giêsu chịu vác thánh giá
Thương V: Chúa Giêsu chịu chết trên
thánh giá
Mừng I: Chúa Giêsu sống lại *
Mừng II: Chúa Giêsu lên trời
Mừng III: Chúa Thánh thần hiện xuống*
Mừng IV: Đức Mẹ hồn xác lên trời
Mừng V: Đức Mẹ được tôn vinh trên trời
LÊ NGỌC HUỆ MỘT TÀI NĂNG LỚN
Lê Ngọc Huệ khi từ Paris về Việt Nam 1961,
lúc đó ông còn rất trẻ mới 25 tuổi, chỉ hơn học trò của ông, Lê Tài Điển sinh
năm 1937 một tuổi! Ông tốt nghiệp điêu khắc ở Pháp, khi được mời về dạy trường
CĐMT Huế, ông mang theo cả một làn gió mới thổi vào lãnh vực điêu khắc của Việt
Nam lúc đó còn non trẻ và cả rất bảo thủ.
Theo Đinh Cường, trong bài viết về Lê Tài
Điển đăng trên VOA, và có đăng trong Tuyển tập “Những mảng rời Lê Tài Điển”,
Nxb Biển Khơi ĐKSS, Paris 2012, thì khi có Mai Lan Phương hoạ sĩ tốt nghiệp Đại
học Mỹ thuật Trang trí ở Paris về thay hoạ sĩ Tôn Thất Đào, làm giám đốc CĐMT
Huế, “Mai Lan Phương có mời người bạn là Lê Ngọc Huệ, tốt nghiệp điêu khắc Đại
học Montpellier về dạy, Lê Tài Điển cũng ra học điêu khắc với Lê Ngọc Huệ, một
thầy dạy điêu khắc trẻ, đã đem một luồng khí mới về cho trường, đã đào tạo được
những điêu khắc gia tài ba như Mai Chửng, Lê Thành Nhơn…” (3)
Tên tuổi Gs Bernard Huệ lúc đó đã thu hút
được một số sinh viên đang học điêu khắc tại trường Quốc Gia CĐMT Gia Định ra
Huế học như Mai Chửng, Lê Tài Điển, Trần Văn Danh… Với quần thể tượng 15 Sự Mầu
Nhiệm trên Quảng Trường Mân Côi Nhà thờ Đức Mẹ La Vang, qua thử thách của thời
gian, đã có được một đánh giá phổ quát: Lê Ngọc Huệ trong lãnh vực điêu khắc là
một tài năng lớn với thủ pháp tinh tế, đường nét tinh giản nhưng mạnh mẽ, đầy
tính tượng trưng và sáng tạo. Chỉ với khoảng thời gian ngắn chưa đầy 3 năm ở
Việt Nam, ông đã để lại một công trình nghệ thuật tôn giáo quan trọng và lớn
lao, ghi những dấu ấn sâu đậm trong ngành điêu khắc Việt Nam, tạo được sự kết
hợp thăng hoa giữa nghệ thuật và tôn giáo.
Quần thể tượng của Lê Ngọc Huệ và môn sinh
cũng đã phải thăng trầm với lịch sử, với vận nước và tồn tại cho đến nay đã hơn
nửa thế kỷ nhưng vẫn rất mới, rất cách tân mà vẫn rất gần gũi với quần chúng,
với tín đồ chiêm ngắm khi hành hương tới vùng đất Thánh La Vang.
Tác giả gửi bài viết này tới các bạn trẻ
trong và ngoài nước có quan tâm tới Lịch sử Mỹ Thuật Việt Nam, như gợi ý cho
một nghiên cứu, có thể là đề tài hấp dẫn cho một luận án tiến sĩ về Quần thể
tượng 15 Sự Mầu Nhiệm Mân Côi, một công trình nghệ thuật tạo hình lớn của nhà
điêu khắc tài năng Lê Ngọc Huệ, trước khi các dữ kiện bị phủ mờ bởi lớp bụi
thời gian và đi dần vào quên lãng.
NGÔ THẾ VINH
Nhà
thờ Đức Mẹ La Vang,
Hải
Lăng Quảng Trị 01.2019
Tham khảo:
1/
Đi tìm bức tượng Mẹ và Con, tác phẩm bị lãng quên của Mai Chửng ờ Hải ngoại.
Ngô Thế Vinh, VOA 07.06.2018
https://www.voatiengviet.com/a/mai-chung-me-con-bong-lua-ngo-the-vinh/4427236.html
2/
Mùa Hè Đỏ Lửa. Phan Nhật Nam, Nxb Sáng Tạo Sài Gòn 1972. Phan Nhật Nam về La
Vang với Ngô Thế Vinh, tư liệu cá nhân 07.1968 – 01.2019
3/
Nghệ sĩ tạo hình nhiều trải nghiệm. Đinh Cường, Tuyển tập Những mảng rời Lê Tài
Điển, Nxb Biển Khơi ĐKSS, Paris Normandie 2012
4/
Mỹ Thuật Việt Nam, Những Vấn đề Xoay quanh. Trụ Cột Hoà bình, Tác phẩm điêu
khắc giá trị bị hắt hủi [tr 106-108]. Trịnh Cung, C. Xuất bản 2010
5/
Nhớ nhớ… Quên quên… Nguyễn An Phong, Kỷ Yếu Lớp Mẹ Vô nhiễm HT/ Hoan Thiện 67.
Website Cựu Chủng sinh Huế 2010 http://www.cuucshuehn.net/ht67/pages/nhonhoquenquen.htm
6/
Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại, Nguyễn Văn Phương, Nha Mỹ Thuật Học Vụ Bộ Quốc
Gia Giáo Dục VNCH 1962
*[Ghi
chú: hình tư liệu có ghi nguồn, tất cả hình ảnh còn lại là của người viết]
Ngô
Thế Vinh