Monday, March 5, 2018

VÀ TRONG MẮT NÀNG THỜI GIAN BỐC KHÓI...

Lam Điền

Trăng trên mái cổ

Sau 5 tập thơ trình làng trong hơn nửa thế kỷ qua, đến nay bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tự gọi tên tập thơ mới nhất của mình là 'thơ ngắn'.
Thật ra, cái duyên của thơ Đỗ Nghê (một bút danh của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc) chính là ở chỗ ngắn.

Sau 5 tập thơ trình làng trong hơn nửa thế kỷ qua, đến nay ông tự gọi tên tập thơ mới nhất của mình là "thơ ngắn", dù hai chữ ấy kỳ thực không gây chú ý bằng cái tên "Đỗ Nghê" một lần nữa xuất hiện trong cộng đồng yêu thơ.

Từ những tác phẩm đầu tiên trình làng hồi thập niên 1960-1970, Đỗ Nghê đã có một kiểu duyên ngầm trong những bài thơ tượng thành từ sự bùng phát của cảm xúc, hay ông tự "chưng cất" những suy tư đến cái độ mà Chu Hy xưa kia từng gọi rằng: như không thôi đi được.

Và nay, bạn yêu thơ dần dần nhận ra ý vị trong thơ ông cũng chính ở chỗ ngắn gọn của câu từ đã đẩy người đọc đến những hành trình dông dài của tâm sự và cảm nhận.

Giở tập Thơ ngắn Đỗ Nghê mới in, thấy dấu vết "thơ ngắn" từng gắn bó trong hành trình thơ Đỗ Nghê từ mấy chục năm trước.

Có những bài thật ngắn, trước sau chỉ có 6 từ: Giữa đêm / thức giấc / giữa ngày. Nhưng rồi cái "ý tại ngôn ngoại" của thơ ông lại nằm ở thông tin thuộc về... lạc khoản: Bài thơ ông làm trong chuyến đi Boston, cái không gian nửa vòng trái đất được đo bằng một giấc ngủ rồi vo lại trong 6 chữ kia, cũng là một "ca" thú vị về chuyện thơ được sinh ra như thế nào.

Ấy nhưng chỗ thú vị của thơ Đỗ Nghê lại nằm ở những dông dài. Làm sao dông dài cho được trong khi ngôn từ ngắn gọn vắn tắt thế kia? Thì như vậy mới là thơ, mới là thơ đáng đọc.

Đỗ Nghê có thủ pháp kéo dài thơ bằng âm thanh chứ không phải bằng số chữ, hãy nghe ông tả cơn mưa trên Đông Hồ - Hà Tiên: Mưa trên Đông Hồ mưa mênh mông / Tô Châu nghiêng mình nghe mưa giăng...

Thủ pháp dùng đơn thanh cho thơ từ dạo "Ô hay buồn vương cây ngô đồng" của Bích Khê đến nay không còn mới nữa, nhưng dùng thủ pháp ấy để kéo dài câu thơ cho một cơn mưa dai thì nghệ thuật đơn âm của thơ Đỗ Nghê lạ hẳn. Và rồi khách yêu thơ sẽ thấy mình bị cuốn vào những dông dài dễ thương ấy tự bao giờ.

Gạt qua những thủ pháp câu chữ mới thấy tứ thơ và cảm xúc của Đỗ Nghê thật miên man bất tận. Ông viết về Hội An sớm, rồi lại viết Hội An đêm, ý tứ nào cũng đặc biệt: "mái chùa ôm vầng trăng" thuộc về Hội An sớm, mà "những linh hồn thức dậy" lại thuộc Hội An đêm.

Rồi miên man nối những suy nghiệm cuộc đời: Đi giữa Sài Gòn / phố nhà cao ngất / hoa nở rực vàng / mà không thấy tết..., nối những ý đạo bất ngờ: Tham chẳng còn / sân cũng hết / si đã tuyệt / Niết Bàn / tịch diệt / để làm chi...

Nhưng dông dài đáng kể của thơ chính ở chỗ thơ tình. Cái tình trong thơ Đỗ Nghê làm cách đây bốn mươi tám năm (1970) vẫn tươi nguyên bốc khói như không khoảng cách với thời nay: Và trong mắt nàng thời gian bốc khói / Ta giật mình nghe ta đã ba mươi / Ba mươi năm khà khà ba mươi tuổi / Ta làm sao mà lòng ta chưa nguôi...

Có lẽ Đỗ Nghê và khách đồng điệu thơ ông cũng vậy: làm sao mà nguôi được!

LAM ĐIỀN

No comments:

Post a Comment