Thursday, March 1, 2018

TÁC GIẢ ‘CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI’ ĐÃ RA ĐI

nguyễnxuânthiệp

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Tác giả Chiều Mưa Biên Giới đã vĩnh biệt chúng ta. Tin trên lưới hôm qua cho biết: Nhạc sĩ  Nguyễn Văn Đông qua đời ngày 26/2/2018 tại Sài Gòn. Thế là người bạn đồng hành của cả một thế hệ đã đi về phía chân trời mây trắng. Sáng nay thức dậy mở nghe Hà Thanh hát Mấy Dặm Sơn Khê mà muốn rơi nước mắt.

    Từ bao nhiêu năm nay người viết vẫn đặc biệt quý trọng những ca khúc của Nguyễn Văn Đông. Nhớ lần họp mặt với Nguyễn Xuân Phước và bạn bè trong một đêm ở ngôi nhà bên hồ Irving khi có một người lên hát Hải Ngoại Thương Ca, Nguyễn đã  thốt lên, “nghe Hải Ngoại Thương Ca mình cảm thấy lòng dạt dào thương cảm”. Phước gật đầu: Nhạc Nguyễn Văn Đông, bài Hải Ngoại Thương Ca và những bài khác, luôn gợi lên trong lòng anh em mình tâm tình yêu nước, yêu quê hương và đồng bào ruột thịt.
   Mẩu chuyện trên ở mãi trong trí nhớ của mình. Từ đó về sau hễ có ai trong nhóm bạn bè cất tiếng hát một ca khúc nào đó của Nguyễn Văn Đông là trong lòng xao động, thấy lại cả bầu trời khói lửa quê hương và tình trai một thuở. Như khi nghe Hoàng Chu hát Sắc Hoa Màu Nhớ đêm nào.

… Đời tôi quân nhân, chút tình duyên gởi núi sông
Yêu màu gợi niềm thủy chung
Nhưng rồi vẫn nhớ, một trời vẫn nhớ đời đời
Phượng rơi rơi trong lòng tôi

    Hay như mới đây trong đêm nhạc Mừng Xuân tại nhà Đẩu Trâm khi nghe Đinh Tiến Đạo dạo lên mấy nốt mở đầu bài Phiên gác Đêm Xuân là mình đứng bật dậy nghe. Ôi, ngồi ngắm mấy nóc chòi canh / mơ rằng đây mái nhà tranh…
    Hôm nay, khi Nguyễn Văn Đông không còn nữa, tưởng nhớ tới người nhạc sĩ của chúng ta, xin lật lại trang bút ký ngày nào của tác giả Chiều Mưa Biên Giới.

“Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, được xem là mặt trận tiền tiêu nóng bỏng vào thời bấy giờ. Khi ấy, tôi mang cấp bực Trung úy, mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường...

“Ngày đó Đồng Tháp Mười còn là đồng không mông quạnh, lau sậy ngút ngàn, dân cư thưa thớt, sống co cụm trên những gò đất cao giữa vùng đồng lầy nước nổi quanh năm… Mùa xuân năm đó, đơn vị tôi đóng trên Gò Bắc Chiêng, có tên là Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường. Đơn vị của tôi đã có những cuộc giao tranh đẫm máu vào những ngày giáp tết trên những địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái, Tân Thành. Dù vậy, mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. Cứ mỗi độ xuân về, sông Vàm Cỏ lại mang về từng đàn tôm cá từ biển hồ Tông Lê Sáp, vượt vũ môn theo đám lục bình trôi về vùng Tam Giác Sắt, như nhắc nhở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Đồng Tháp Mười lập danh sách cho những người được về quê ăn Tết. Vì còn độc thân nên tên tôi được ưu tiên ghi vào Sổ Nhật Ký Hành Quân và ở lại đơn vị trong những ngày Tết. Dù không ai nghĩ có đánh nhau ngày đầu năm nhưng quân lệnh phải được tuân hành nghiêm chỉnh. Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh của người em gái hậu phương, cũng là cơ duyên sau đó để tôi viết nên bài tình ca Sắc Hoa Màu Nhớ.

“Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác…

“Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:

“Đón giao thừa một phiên gác đêm
chào Xuân đến súng xa vang rền.

Rồi mơ ước rất đời thường:

“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
mơ rằng đây mái nhà tranh
mà ước chiếc bánh ngày xuân
cùng hương khói vương niềm thương…”

“Bài Phiên Gác Đêm Xuân được ra đời trong hoàn cảnh như thế, cách đây nửa thế kỷ, đánh dấu một chuỗi sáng tác của tôi về đời lính như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Xin Đừng Trách Anh, Lá Thư Người Lính Chiến, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt… vân vân. Sau ngày 30 tháng Tư năm 75, các bản nhạc này cùng chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi của tôi.” (Trich theo Thư Viện Sáng Tạo)

     Người nghệ sĩ ngày nào đi giữ núi sông nay đã đi vào vùng mây trắng. Thác là thể phách, còn là tinh anh.  Nguyễn Văn Đông đã ra đi nhưng âm nhạc của anh vẫn còn ở với chúng ta, lâu dài… Riêng người viết những dòng này lúc nào cũng thấy hình bóng mình trong Chiều Mưa Biên Giới, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Sắc Hoa Màu Nhớ, Phiên Gác Đêm Xuân, Hải Ngoại Thương Ca…

Tôi . . . đi . . . giữa trời . . . bồi hồi
Cờ bay phất phới . . . quên chuyện ngày xưa
Mong sao . . . nước Việt . . . đời đời
Anh dũng oai hùng . . . chen chân thế giới

Mặc thời gian . . . tóc phai đổi màu
Mặc đại dương . . . sóng to mưa gào
Đàn chim bé . . . trong làn chớp xanh
Yêu trời . . . tự do Á Đông
Thương về đồi núi xa xa

NXT
Khi ở Garland, 28.2.2018



No comments:

Post a Comment