Nguyễn
Thị Tịnh Thy
Tác phẩm của Elena
Phụ
nữ viết văn, bao giờ cũng vậy, dù dịu dàng đằm thắm hay dữ dội bạo liệt, chất nữ
tính vẫn len lỏi nơi ngòi bút, tạo nên trong văn của họ một thứ “mùi hương” làm
say đắm hồn người. Tôi không muốn gọi những gì họ viết là văn chương của phái yếu,
mà muốn gọi đó là văn chương của phái đẹp. Bởi vì, bằng tư chất trời ban, họ đã
làm đẹp văn chương theo cách của riêng mình. Và, khi vốn liếng trời ban đó được
kết hợp nhuần nhuyễn với tình yêu thiết tha, cái nhìn tinh tế, cảm nhận sắc sảo,
nghệ thuật tuyệt vời... nhà văn nữ sẽ xác lập được một phong cách riêng có của
mình. Phong cách đó vừa mang đặc điểm chung của một nửa thế giới, vừa thể hiện
đặc điểm riêng về tâm hồn và bút pháp của cái “duy nhất” - mùi hương duy nhất
khiến người đọc có thể nhận ra ngay tác giả. Đó là trường hợp của Elena Pucillo
Truong trong tập truyện Vàng trên biển đá
đen([1]).
Thiên tính nữ chính là mùi hương lạ mà Elena mang đến cho văn đàn qua tác phẩm
này.
Vàng trên biển đá đen gồm 14 truyện ngắn
và 10 tạp bút. Từ hệ thống nhân vật, đề tài, cốt truyện, người kể chuyện, điểm
nhìn, ngôn ngữ cho đến giọng điệu tự sự của Vàng
trên biển đá đen đều mang dấu ấn nữ lưu. Trong số 14 truyện ngắn, có đến 12
truyện viết về phụ nữ. Nhân vật nữ của Elena khá đa dạng về tuổi tác, giai tầng,
nghề nghiệp, số phận: những cụ già bị con cháu hắt hủi; những người vợ bị góa
chồng, bị phụ tình, bị coi thường; những người mẹ xem con cái là lẽ sống; những
cô gái hoặc lẳng lơ gợi tình, hoặc đua chen đố kỵ, hoặc can đảm vượt lên nghịch
cảnh; những bé gái bị tổn thương tinh thần từ cuộc hôn nhân nát vụn của cha mẹ
hay bị kẻ ác cướp đi sinh mệnh măng non... Phần lớn các truyện có cốt truyện
tâm lý, nhân vật suy tư, ngẫm ngợi, dằn vặt nhiều hơn là hành động. Chất nữ
tính thể hiện rõ qua mỗi dòng tâm tưởng của họ. Và qua những dòng tâm tưởng đó,
ta chạm được vào cõi sâu thẳm trong họ, dẫu đó là niềm hạnh phúc, kiêu hãnh hay
nỗi buồn tủi, âu lo.
Người
mẹ chồng trong Con chim nhỏ trong lồng
cô đơn, đau khổ tột cùng vì bị ghẻ lạnh, “sống mà như đã chết... sống như một kẻ
lạ mặt trong nhà của mình vì đứa con dâu mới thật là bà chủ, là người quyết định”.
Người thiếu phụ xinh đẹp trong Búp bê bằng
sáp có một cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng không vơi được nỗi nhục nhã của
cảnh chim lồng cá chậu, dù là ở lồng son. Nàng biết, người chồng chỉ xem nàng
như “một con búp bê để chưng bày cho người khác biết về sự giàu sang và vị trí
xã hội của anh”. “Lạnh lùng. Tách biệt. Mang khuôn mặt vô cảm như sáp và không
hề biểu lộ cảm xúc”; bổn phận của nàng là “ngoan ngoãn và câm lặng”, phục tùng
và “không có sức mạnh để chống đối”. Nàng luôn luôn phập phồng e sợ, “luôn run
rẩy mỗi khi chồng ngắm nhìn” vì sợ anh không vừa mắt với một chi tiết nào đó. Cảm
nhận mình không hoàn hảo trong mắt chồng khiến nàng mang cảm giác có lỗi hoặc
là không tương xứng với vị trí đang nắm giữ. Nàng có đủ tất cả, nhưng nàng
không có sự an nhiên, không có một mảy may hạnh phúc. Người mẹ trẻ trong Đợi chờ đau đớn vì mất con. Mặc cảm tội
lỗi chiếm ngự tâm trí chị. Chị tự trách mình mặc dù chị - người mẹ đơn thân đã
cố làm tất cả để con mình được đủ đầy, không hề có lỗi trong việc con gái bị bắt
cóc và giết chết. Nhìn cách chị lưu giữ kỷ niệm, lần tìm quá khứ, dằn vặt nhớ
thương, người đọc như hiểu hơn nỗi khổ đau không gì bù đắp được của người mẹ chỉ
coi con cái là lẽ sống của đời mình. Tay dắt con gái nhỏ, chân bước nhanh như
chạy, bằng tất cả nỗi tức giận vì ghen tuông, người đàn bà trong Cuộc hẹn ở sân ga lao nhanh đến chỗ của
tình địch để trút giận rửa hờn. Nhưng vẻ hùng hổ trong bà bị dập tắt khi tình địch
nói về những hy sinh vô ích của bà cho một tình yêu không xứng đáng. “Bà cảm thấy
xẩu hổ, thua cuộc” và trở về nhà với đôi mắt đẫm nước. Cô gái trẻ trong Giấc mơ thu ngọt ngào nuôi khát vọng yêu
đương trong một cơ thể héo úa vì bệnh tật. Tình yêu mà cô mơ ước vẫn sẽ chỉ là
ước mơ theo cô về thế giới bên kia... Mất mát, hụt hẫng khi cha mẹ đột ngột qua
đời tưởng chừng dìm cô gái trong Trên đỉnh
núi thiêng vào nỗi buồn chán không có hồi kết. Nhưng rồi sau một chuyến leo
núi, lên đến non thiêng Yên Tử, cô chợt nhận ra ý nghĩa của sự sống, năng lực của
bản thân để rồi nhìn về tương lai với màu hồng hứa hẹn. Cô giáo trẻ cõng chữ
lên non cao trong Vàng trên biển đá đen
thẫn thờ chết lặng trước lớp học vắng tanh vì học trò bỏ học đi kiếm sống, rồi
vui mừng đến rơi nước mắt khi có một bé gái ngập ngừng đến xin học chữ...
Có
thể thấy nhà văn Elena thường chú ý đến bất hạnh của người phụ nữ hơn là hạnh
phúc. Trong 14 truyện, chỉ có Món quà đặc
biệt viết về hạnh phúc từ đầu đến cuối truyện. Các tác phẩm còn lại là những
mảnh ghép của nhiều thân phận nữ nhi bị đổ vỡ, mất mát, thiệt thòi. Qua họ, ta
nhận ra dụng tâm của tác giả, nghĩa là Elena đã để lòng mình đa đoan với những vấn
đề của phụ nữ: bi kịch hôn nhân; khát vọng - thất vọng về nghề nghiệp, tình
yêu; sự bất công, nỗi bất an mà người phụ nữ phải gánh chịu... Và như thế, tác
giả đã lật giở trước mắt người đọc bức tranh xã hội phức tạp liên quan đến hạnh
phúc của người phụ nữ với nhiều vấn nạn cần giải quyết: bình đẳng giới, nữ quyền,
an ninh xã hội, bình đẳng giáo dục...
Trần
thuật từ điểm nhìn bên trong, tất cả các truyện ngắn đều được kể ở ngôi thứ nhất
với những cái “tôi” nữ tính. Tâm lý nhân vật được miêu tả rất tinh tế, trực diện
bằng những dòng độc thoại - kể - tả bóc trần nội tâm của mình trên trang viết.
Chỉ qua hơn mười nhân vật, tác giả của Vàng
trên biển đá đen đã cho người đọc hiểu rõ những bản chất, bản năng thuộc về
thiên tính nữ. Đó là đức hy sinh, nhẫn nhịn, thủy chung (Thư viết cho mẹ, Phía sau sự thật, Con chim nhỏ trong lồng...); là
tính đua đòi, đố kỵ, tự mãn (Dòng máu nhiễm
độc, Cuộc săn mồi...). Tất cả những mặt đối lập đó như nói lên được sự phức
tạp, bí ẩn và không kém phần lôi cuốn của phái đẹp. Bằng những quan sát tỉ mỉ,
tinh tế và sự đồng cảm sâu sắc, tác giả như hóa thân vào mỗi tính cách, mỗi
thân phận, am hiểu và miêu tả tường tận tâm lý của nhân vật khiến chị rất thành
công trong bút pháp loại hình hóa nhân vật. Cô gái trong Cuộc săn mồi có thể đại diện cho loại hình nhân vật kỹ nữ (thời hiện
đại) với đầy đủ những toan tính, mánh khóe lọc lừa và kỹ nghệ “săn mồi”. Người
phụ nữ trong Phía sau sự thật đại diện
cho những nữ chủ quán giản dị, hiền hậu và tốt bụng mà ta có thể gặp ở một góc
phố bất kỳ nào đó. Cô giáo trong Vàng
trên biển đá đen đích thị là một nhà giáo với những nhiệt tình, tận tụy với
nghề, yêu trường lớp, thương học trò... Loại hình hóa nhân vật đã khiến truyện
của Elena gây ấn tượng khó phai đối với người đọc.
Kết
cấu giản dị theo dòng tự sự của nhân vật và kết thúc bất ngờ là điểm làm nên
phong cách truyện ngắn của Elena. Nhân vật của chị thường suy xét, suy nghĩ, nhớ
nhung, buồn khổ, âu lo, dằn vặt... trong suốt tiến trình của truyện. Mọi chuyển
động ở họ đều thuộc về cái “tĩnh” với chất nội tâm, dòng tâm tưởng chảy tràn từ
dòng này sang dòng khác. Kết thúc truyện, cái “động” đột nhiên xuất hiện với
hành động đầy bất ngờ đối với người đọc nhưng lại rất logic với tính cách của
nhân vật. Người mẹ chồng trong Con chim
trong lồng kể về nỗi buồn khổ của mình trong lúc sửa soạn hành lý để rời bỏ
ngôi nhà từng có nhiều kỷ niệm vì không chịu nổi sự bất hiếu của con cái. Nhưng
rốt cuộc, bà chỉ ôm mỗi bức ảnh của người chồng quá cố đi theo, bởi bà thực hiện
một chuyến đi khác: “Chỉ vài giây thôi! Tôi nhoài người, bay qua khung cửa sổ,
rơi tự do trong không khí. Trên môi tôi vẫn nở một nụ cười, thật ngọt ngào, để
khỏi phải hét lên, sợ làm phiền người khác”. Người thiếu phụ trong Búp bê bằng sáp cũng vậy. Bao năm qua được
bảo bọc trong tiền bạc và vật chất nhưng thiếu thốn tình yêu và sự tôn trọng,
nàng ý thức rằng mình là chỉ con búp bê được chưng diện cho đẹp mặt chủ nhân.
Nàng đã ngoan ngoãn chấp nhận, phục tùng, an phận, xem mình như một diễn viên
hoặc vũ nữ trên sân khấu cuộc đời. Nhưng chính nàng đã thực hiện màn diễn cuối
cùng với máu: “Máu chảy sẽ làm trái tim tôi băng giá”. Phản kháng bằng cái chết,
cách giải thoát chính mình của những nhân vật này là tiếng nói đòi quyền được
yêu thương, được tôn trọng của nữ giới.
Bằng
lối kết cấu vòng tròn và kết cấu mở, một số truyện của Vàng trên biển đá đen lại tạo bất ngờ với một vài chân lý, triết lý
nhân sinh nho nhỏ. Chủ quán cà phê trong Phía
sau sự thật sống cùng con trai và chiếc mề đai danh hiệu anh hùng của chồng
mình. Anh chết vì bảo vệ một người phụ nữ trước tên cướp. Chiếc mề đay là niềm
tự hào, là vật bất ly thân của chị. Nhưng rồi một ngày, chị đã trao nó cho một
cụ già châu Á, vì cụ đã anh dũng hành động như chồng chị - cứu con trai chị khỏi
tay kẻ cướp. Cô gái trong Cuộc săn mồi
diễn tả tài nghệ, kỹ năng và các chiêu thức săn đàn ông của mình một cách hoàn
hảo. Khi nhìn thấy người đàn ông ở bàn bên chăm chăm nhìn mình, cô thầm nghĩ:
“cuộc săn mồi sắp sửa chấm dứt”. Đối với độc giả, chưa hẳn là “chấm dứt” mà có
thể là “bắt đầu”, bởi trong cuộc săn này, giữa những người đàn ông và đàn bà
tham gia, chưa biết ai là người đi săn và ai là con mồi. Cô gái trong Dòng máu nhiễm độc đắc thắng từ đầu đến cuối truyện bởi cô khôn
ngoan hơn, hiểm độc hơn người khác, luôn khiến người khác phải quy thuận mình.
Nhưng một cô gái khác xuất hiện, triệt hạ cô chỉ bằng một câu xúc xiểm thượng hạng.
“Ngay lúc đó tôi hiểu là mình đang trở thành một vai phụ trong truyện dài nhiều
tập mà cái sân khấu trước đây được tôi dàn dựng đã bị đánh cắp bởi một tân nữ
hoàng. Và cô ta sẽ tiếp tục sống bằng dòng máu nhiễm độc của tôi”. Những cái kết
như thế của Elena đều nhẹ nhưng sắc, đơn giản mà không đơn điệu bởi chúng chuyển
tải thông điệp về sự luân chuyển của thời gian và sự sống trong mỗi hành vi xấu
tốt của con người.
Tác
giả nữ, người kể chuyện nữ, điểm nhìn nữ và nhân vật cũng là phụ nữ, sự thống
nhất đó khiến truyện của Elena có ưu thế trong việc thể hiện thế giới tâm hồn của
con người qua ngôn ngữ và giọng điệu đậm chất nữ tính. Văn của chị nhẹ nhàng,
giàu xúc cảm, đầy xao xuyến và xúc động. Đặc biệt, trong truyện ngắn mang yếu tố
tự truyện Thư viết cho mẹ, thiên tính
nữ từ ba người đàn bà: mẹ đẻ, con gái, mẹ chồng lan tỏa khắp tác phẩm. Tác giả
đối thoại với vong linh của mẹ mình, bắt nhịp cầu tình cảm cho bà đến với người
bạn mới ở miền cực lạc trong ngày lễ Vu Lan. Từ bức thư đó, ta hiểu ra rằng
dâng hiến, hy sinh, khổ đau, độ lượng, vị tha... là bản ngã truyền kiếp của người
phụ nữ bất kể ở nơi đâu, vào thời đại nào. Trong rất nhiều câu văn mượt mà giàu
sức lay động của Elena, tôi chợt bàng hoàng khi đọc những câu văn ngắn nhất, giản
đơn nhất: “Kính mến và yêu thương thật sự, đến nỗi con thường tránh chữ mẹ chồng
(vì những ý nghĩa mà thông thường người ta hay đem ra chế giễu). Có khi con xem
gọi thế là một sự xúc phạm. Mẹ. Là mẹ, thế thôi”. Vô thanh thắng hữu thanh, vô
chiêu thắng hữu chiêu là đây! Những câu chữ giản dị ấy chỉ có thể thoát thai từ
tấm lòng yêu thương vô hạn của tác giả đối với mẹ (tôi cũng tránh chữ mẹ chồng).
Tình cảm ấy, văn chương ấy khiến bạn đọc nữ phải tự tra vấn; và có thể, điều chỉnh
suy nghĩ và hành vi của chính mình.
Văn
chương của Elena in đậm dấu ấn của người thích trải nghiệm văn hóa. Chị dành
nhiều tình cảm cho đất và người Việt Nam, cái mà chị nhận lại cũng là tình đất
và tình người. Chị nhìn Việt Nam bằng đôi mắt thích khám phá của một người ngoại
quốc nhưng chị lại diễn tả về Việt Nam bằng điểm nhìn bên trong thật sự của
trái tim Việt. Nếu so sánh với nữ văn sĩ lừng danh Marguerite Duras - tác giả của
tiểu thuyết Người tình ((L'Amant), sẽ
thấy sự khác biệt rất rõ. Marguerite Duras từng trải qua gần nửa cuộc đời ở Việt
Nam, nhưng bà luôn nhìn về đất nước này, về thị xẽ Sa Đéc, về Chợ Lớn bằng cái
nhìn ngoại quan, rất thiếu tình cảm. Elena thì ngược lại, đối với chị, “nơi nao
qua lòng lại chẳng yêu thương”. Vì thế, phong cảnh, con người, văn hóa thực thể
và phi thực thể của mảnh đất hình chữ S này đi vào trang văn của chị ngập tràn
yêu thương. Giống như Pearl Buck viết về Trung Quốc, Elena viết về Việt Nam với
tư cách, trí tuệ và tình cảm của người trong cuộc. Các tác phẩm của chị đều thấm
đượm tình yêu của “gió Tây” đối với “gió Đông”. Và đặc biệt, có tác phẩm, người
đọc không thể tìm ra một “epsilon” nào thuộc về chất “gió Tây”. Truyện ngắn Vàng trên biển đá đen là trường hợp tiêu
biểu. Qua công việc dạy học vất vả và gian truân của một cô giáo, đất trời, con
người của cao nguyên đá Hà Giang hiện lên nguyên hình nguyên khối, nguyên chất
nguyên tình. Ở nơi đó, “triền núi thoai thoải có vô số những tảng đá nhọn màu
đen nằm cạnh nhau, đỉnh hướng thẳng lên trời. Triền núi lồi lõm, uốn lượn và những
tảng đá hình thù quái dị như những con sóng hình tai mèo đang phản chiếu ánh
sáng mặt trời. Giống như một mặt biển màu đen xuất hiện thật bất ngờ, một biển
đá đang chuyển động bỗng bị cầm tù dưới bùa phép của một phù thủy cao tay ấn, đứng
im, để nguyên những con sóng đang chồm lên trời, với bọt biển, tung tóe giữa những
vực sâu... tất cả đều bị giữ im, bất động đến muôn đời”. Ở nơi đó, có những những
“cơn gió lạnh rít qua khe cửa”, có con người cõng đất lên đắp vào hốc đá để
gieo trồng; có các bé trai mặt đỏ gay vì nắng gió và các bé gái đầu bù tóc rối
cố gắng vuốt lại tóc với bàn tay được làm ẩm bằng nước bọt... Ở nơi đó, có “tiếng
bản lề rít lên kẽo kẹt” khi cô giáo đẩy cánh cửa bước vào lớp học, ánh mắt buồn
bã nhìn xuống “những dãy băng thấp đã từ lâu trống vắng”.... Những miêu tả trên
là sự kết tinh của óc quan sát tỉ mỉ, tinh tế, nghiêm túc của một nhà văn; đồng
thời ta có thể cảm nhận được tâm tình thiết tha, nỗi đồng cảm sâu sắc của Elena
với vùng đất phên dậu của tổ quốc. Chưa hết, Vàng trên biển đá đen còn khéo léo giới thiệu với chúng ta về những
sắc màu của cát trên dải biển miền Trung: cát trắng ở Phú Quốc, cát vàng ở Quy
Nhơn, cát xám ở Vũng Tàu; những phức tạp trong việc phân công nhiệm sở của
ngành Giáo dục; những khổ nhọc của các thầy cô giáo vùng rẻo cao khi cõng chữ
lên non... Và tác phẩm còn làm ta rưng rưng bởi cái kết rất đẹp, đẹp cả về ý
nghĩa lẫn ngôn từ. Khi cô giáo trẻ buồn bã đóng cửa lớp học, một bé gái ở làng
bên e dè bước đến xin cô cho học chữ. Cô giáo xúc động dắt tay em vào lớp: “-
Vào đi cháu. Cô đang đợi cháu đây! Ngồi xuống, bên cạnh cô nè! Cô sẽ dạy cháu
những con số và bí ẩn của ngôn ngữ. Cô sẽ dạy cháu về mùi của biển hay sự lấp
lánh của những vì sao, và sau đó, cô sẽ giúp cháu làm nảy những hạt mầm vàng
trên một mặt biển đen”. Tôi đọc đi đọc lại truyện ngắn Vàng trên biển đá đen nhiều lần, bình luận, phân tích và tự hỏi điều
gì khiến mình yêu thích câu chuyện này đến vậy. Cuối cùng, tôi thỏa mãn với câu
trả lời: Đọc nó, mình được hiểu Việt Nam.
Rất nhiều thành công, sự nghiệp, tâm huyết của người phụ nữ bắt đầu bằng tình
yêu đối với một người đàn ông. Dĩ nhiên, Elena không phải là ngoại lệ. Và, chị
đã thể hiện thiên tính nữ của một nhà văn như thế.
Phần 2 của tập truyện Vàng trên biển đá đen là 10 tạp bút bao
gồm những ký họa chân dung của nhiều người bạn văn nghệ và các du ký trong và
ngoài nước của tác giả. Đinh Cường, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu, Paul Đức,
Nguyên Minh... được Elena phác họa bằng cái nhìn của người khác giới. Chị nhìn
họ với lòng yêu mến và sự ngưỡng mộ, phát hiện cái “chất” riêng của từng người
qua một vài cử chỉ, hành động, lời nói. Nhờ vậy, qua văn của Elena, ta biết
thêm về họ như chính nhan đề rất hay mà chị đặt cho các tản văn: Đinh Cường với
“nụ cười phúc hậu giữa thu vàng”, Nguyên Minh - “tuổi trẻ hai lần thắm lại”, Phạm
Cao Hoàng và Nguyễn Minh Nữu là những “người lưu giữ yêu thương”, Paul Đức lịch
lãm và sang trọng mang đến cho bạn bè “một đêm huyền diệu”... Bằng sự nhạy cảm,
mẫn cảm trời sinh chỉ riêng có ở phái nữ, Elena đã phác họa chân dung của bạn
bè một cách thành công. Các “bức vẽ” của chị đều rất truyền thần khiến nhân vật
trong ký của chị sống động, mới lạ đối với cả những người quen biết họ từ lâu.
Tác
giả đã dành một khối tình rất lớn cho tập san văn học Quán Văn. Từng số báo, từng người bạn văn chương trong Quán Văn và của Quán Văn, các buổi dã ngoại, hội họp... đều là những sự kiện lớn,
tình yêu lớn đối với chị. Tình yêu lứa đôi hòa quyện trong tình yêu cảnh sắc,
tình yêu văn chương và tình yêu bè bạn, hạnh phúc ấy mấy ai có được. Bởi vậy,
Elena viết rất hay, ngập tràn cảm xúc tươi vui trong các tản văn Bình minh vàng trên biển, Trị liệu nhóm.
Trị liệu nhóm độc đáo từ cấu tứ,
tư tưởng, tình cảm đến nghệ thuật ngôn từ. Tác giả dẫn dắt người đọc lang thang
từ tô bún bò Huế đến biển Quy Nhơn, từ chứng stress đến cách trị liệu nhóm rất
hiệu quả ở tận phương Tây xa lắc, từ những triết luận về cuộc đời đến những cuộc
rong chơi nhàn nhã... và rồi đưa người đọc về đứng ở mảnh đất của Quán Văn. Chị viết: “luôn có người nào
đó bên cạnh và niềm vui được ở bên nhau đã giúp chúng tôi sống thật bình an và
sảng khoái, hơn hẳn các loại thuốc hay liệu pháp trị liệu nhóm nào hiện hữu
trên thế giới”. Tản văn này thể hiện rõ sự chắc tay, khéo léo, duyên dáng trong
tổ chức sách lược trần thuật và tình yêu vô bờ của Elena đối với Quán Văn.
Du
ký là thể loại khá phù hợp với một nhà văn theo “chủ nghĩa xê dịch” như Elena.
Du lịch khám phá, du lịch văn hóa là nội dung của nhiều du ký như Trà Sư - thánh địa của các loài chim, Hà Nội
- nét đẹp bí ẩn. Sau mỗi bước chân và câu chữ là những cảm nghiệm về lẽ tử
sinh, được mất; là tâm hồn trong trẻo, thiên chân; là cái duyên gieo chữ gieo
tình của người viết; là chân lý “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng
hóa tâm hồn”. Vì thế, du ký của Elena vẫn khiến ta ngạc nhiên khi nhìn ngắm lại
những phong cảnh và con người vốn gần
gũi, thiết thân.
Trữ
tình, đằm thắm, nhân ái và tinh tế, Elena Pucillo Truong luôn có ý thức gắn văn
hóa với văn học. Vàng trên biển đá đen
của chị đưa ta về với Hà Nội rêu phong, xứ Huế cổ kính, Đà Lạt khói sương, Vũng
Tàu sôi động...; vào những ngôi chùa nhỏ để thắp nhang khấn Phật hay cài hoa hồng
lên ngực trong mỗi tiết Vu Lan; lên non thiêng Yên Tử để thanh tẩy tâm hồn;
cheo leo cùng biển đá Hà Giang để trân quý từng tấc đất của tổ quốc; lãng du tận
Washington, Virginia để... ấm lòng với hương vị ngọt ngào của một tô phở Việt bốc
khói. Giữa Ý và Việt Nam, Elena ra đi hay trở về? Nhiều lần, nhiều người và cả
tôi nữa luôn băn khoăn với câu hỏi đó. Nhưng bây giờ, sau khi đọc Vàng trên biển đá đen, bằng triết lý
duyên nghiệp của Phật giáo mà Elena tôn thờ, bằng quan niệm dân gian về kiếp
luân hồi, bằng tình yêu của chị với quê hương gừng cay muối mặn, tôi không còn
nghĩ đến khái niệm đi hay về, chỉ tin rằng chị sinh ra ở nơi này, dòng máu Việt
đang luân lưu trong người chị, nuôi dưỡng tâm hồn của người con gái Việt một
trăm phần trăm.
Nhà
phê bình Kim Thánh Thán từng nói: “Chỗ mà lòng đã đến rồi, bút bất tất phải đến”.
Elena cũng có một câu tương tự như thế trong tản văn Bình minh vàng trên biển: “Sự yên lặng có thể có nhiều ý nghĩa và
có khi đó cũng là những diễn ngôn sâu sắc. Nó giúp chúng ta hiểu nhau bằng ánh
mắt và bằng cả trái tim”. Với tất cả lòng yêu mến và ngưỡng mộ, tôi muốn kết
thúc bài viết của mình bằng sự yên lặng.
N.T.T.T
Huế 9.2017
No comments:
Post a Comment