nguyễn thị khánh minh
Sóng
Bạch Đằng. Tranh cổ
Buổi sáng vào những ngày cuối hạ, Calif. nóng, có những cơn
gió khô rất khát cổ. Thành phố nơi tôi ở, thỉnh thoảng tôi bắt được mùi biển
trong gió, lập tức nó rủ rê hương thành phố biển xa xôi tuổi nhỏ của tôi đi về,
để rồi hòa lẫn vào cái mùi vừa bén rễ trong tôi. Hương biển của hai bờ một đại
dương, cùng rưng rức một lúc, thì có phải là tôi đáng bị ngất ngây không!
Tôi làm việc trong một căn phòng nhỏ,
hai phía tường được dát bằng những kệ sách. Nắng đi vào bằng ánh phản chiếu từ
chiếc gương đặt ngoài cửa lớn, và mùi cà phê, đó là điều tôi vẫn thích mỗi
sáng, lại được quyện với hương quá khứ bay lên từ trang sách cũ, những sự việc
thăng trầm một thời lặn vào những dòng chữ in, đơn giản, chỉ như là cuốn lịch
chép một cách bình thản theo con số lạnh lùng của thời gian. Thế thì, bây giờ
phải ghi lại nó như thế nào, để bày tỏ được cảm nghĩ của người đời nay, để nó
không chỉ là tin tức của một ngày này năm cũ? Tôi muốn bằng một giọng kể tâm
huyết trên việc và trên những ra đi của người xưa, sao cho người ta ý thức đó
là mất mát của một đi không trở lại. Tôi đã nghĩ thế, khi sao lục tài liệu và chọn
lọc ghi chép lại, trong một mục tên là Ký Ức Thiên Thu. Tôi rất thích tên gọi
này, chỉ tựa mục thôi nó đã mang đầy cảm xúc tính trên những việc thật, người
thật rồi. Trăm năm là một đời người. Trăm năm là thiên thu cho những sự việc mà
người xưa để lại cho đời sau. Tôi có cảm giác như thể tôi đang viết nhật ký thời
gian, hoài niệm trên bước lần theo sợi chỉ từ điểm Hôm Nay. Ví dụ với cái tin
ngày tháng người ta tìm thấy cổ vật từ ngàn năm trước thì sẽ thông tin với những
chữ như thế nào để mang được hồn của cổ vật đang ngủ trong bóng tối lên dòng chữ
của hiện tại, sao cho, ngoài tin khảo cổ còn như thấy được lung linh cuộc sống
sau một màn sương được ánh ngày hé lộ. Cho nên, tôi hay dùng đôi ba chữ có vẻ
như để trong ấy chút tâm tư của mình, ngoài mục đích nhắc lại người thật việc
thật, nó còn mang chút khí văn chương, khơi gợi tình cảm người đọc..., được hay
không tôi chẳng biết, nhưng rõ là, vì thế mà tôi đã bị quá khứ cuốn đi. Mỗi
ngày như kẻ lang thang trên bãi cát thời gian nhặt nhạnh những viên sỏi đẹp rồi
say sưa bỏ nó vào túi đựng... Quá khứ, người ta có thể quên bởi phải đối diện với
vô vàn những cấp bách của hiện tại, nhưng quên thì, quá là đắc tội với những
trung trinh tiết liệt, với những hy sinh mà bây giờ nghĩ đến thật đáng cho ta
khấu đầu đẫm lệ. Và tôi muốn, Ký Ức Thiên Thu này, đáp đền trong muôn một, Người
Xưa.
Thời gian tôi muốn nói là lúc này
đây, dưới hơi thở của dòng thơ chính khí đang trở lại đập
những nhịp hào hùng trên trang báo.
Vào những tháng 5, 6,7,8 năm 2011 này, trên đường phố ở khắp nơi đang có những
cuộc biểu tình của người Việt Nam chống Trung Cộng về chủ quyền Hoàng Sa ở Biển
Đông. Nối nhịp với sự kiện ấy, tờ báo đã cho đi lại những trang lịch sử chống Tầu
lừng lẫy cùng những bài thơ chính khí của tiền nhân. Không lúc này thì bao giờ
nữa để tỏ
sự tri ân với người xưa, và nhắc nhớ
cho người sau?
Mỗi buổi sáng tôi miệt mài với tài
liệu và đánh máy những bài thơ, những trang sử. Dần dà tôi đâm ra mê những danh
tướng làm thơ yêu nước. Lời thơ gắn với thân phận bi hùng làm tôi mềm lòng và
luôn đẩy đến câu hỏi, sao thế, những người như thế, những thơ như thế mà không
được nhắc nhớ, ngưỡng mộ cho đúng tầm vóc của nó? Nhất là, lúc này, trong hoàn
cảnh đất nước đang đứng chênh vênh trên bờ miệng đang há mõm của một tham vọng,
không biết lúc nào thì cái quang gánh ốm o hình cong chữ S bị nó ngoạm và nhai
nghiến ngấu. Cái bóng tối Bắc Thuộc và những vùng vẫy thế cô oanh liệt của những
anh hùng xưa như bao trùm lên hơi thở của căn phòng làm việc, cũng nhỏ nhoi, cô
đơn, nhưng, tôi nghe được, nhịp tim sử thi ấy đang phập phồng trên từng phím
gõ, và sẽ chan hoà trên trang báo, kêu gọi những trái tim con dân Việt hòa âm,
để cùng nhau mở mắt thật to nhìn thẳng vào phương Bắc.
Những buổi sáng của tôi cứ thế trôi,
trên dòng thơ Chính Khí.
…Và.
Tôi sẽ không quên chút nào, cho dù sau này có bao nhiêu nắng của mùa xuân tháng
5 đi nữa, tôi sẽ mãi nhớ buổi sáng tháng 5 của ngày mà tôi cảm như ẩn hiện màu
áo trắng khói sương Lý Đông A, trong câu nói đầy hoài niệm của người bạn, trên
tay cầm một quyển sách nhỏ, nói, Thơ Đông A toàn là về nước nhà, dân tộc, như
Huyết Hoa, Đạo Trường Ngâm… thế này, mà ngày trước không được đem vào chương
trình giảng dạy ở trường học. Chết năm 26 tuổi. Người bạn đọc nhỏ, buổi Sát
Thát chàm vai thề đầu mất/ ngày Bình Ngô nổi cờ không khuất tất/ khi Cần Vương
nhổ mặt lũ gian hùng…, để tập thơ trên bàn tôi rồi quay đi. Tôi thấy hơi mắc cỡ
về một thiếu sót trong vốn liếng hiểu biết của mình, Lý Đông A (1921-1947).
Theo Wikipedia, ông là một nhà triết học, một học giả, một nhà cách mạng và
chính trị gia. Và là một nhân vật còn nhiều tranh cãi trong lịch sử, văn sử
Việt Nam. Sau âm mưu lật đổ chính quyền Việt Minh bất thành, Lý Đông A bị giết
chết tại Bến Chương thuộc xã Hiền Lương - Mai Đà, tỉnh Hòa Bình. Các tác phẩm
của ông được nhà xuất bản Gió Đáy phát hành tại miền Nam Việt Nam từ năm 1969.
Tôi
có người bạn ở Canada, một giọng ngâm thơ tài hoa, Tôn Nữ Lệ Ba, chị tặng tôi
một CD ngâm toàn thơ chính khí, trong đó có bài thơ của Lý Đông A.
Trên
youtube.com/watch?v=IONID8mUAf0, tôi thấy dòng comment “Tổ quốc đang bị ngoại
xâm, xin lắng nghe Chính Khí Việt”
Từng
phím chữ như nghẹn lời, … nước Mê Linh
trăng thu còn vằng vặc/ sông Bạch Đằng sóng vỗ thuyền cắc cắc/ non Chi Lăng gió
cuốn rừng cung đao/ đồng Đống Đa xương người phơi man mác/… Chính khí Việt suốt
đất trời bàng bạc/ Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc/ gió thê thê quất
dậy hồn phục hưng/ gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc/… Vượt đau nhục lên
sống còn hùng tráng… (Chính Khí Việt, tập thơ Đạo Trường Ngâm). Nắng sáng
tháng 5 hôm ấy là màu áo trắng huyền thoại của một nhà lý thuyết, nhà thơ, cũng
là một chiến sĩ xông pha giữa trận đánh Pháp trên đồi Nga Mi…
…Một buổi sáng đầu hạ,
cái nóng như hun đến tận cả tâm tư, tôi đọc Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế
Xuyên, trong đó, truyện huyền thoại
Trương Hống, Trương Hát, có ghi một bài thơ được xem là một bản Tuyên Ngôn Độc
Lập đầu tiên của Việt Nam. Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Thuở trước được học
tác giả là danh tướng Lý Thường Kiệt. Theo Wikipedia thì, bài thơ được cho là của thần, giúp Lê
Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm
1077. Đa số các nhà
nghiên cứu đồng quan điểm ghi khuyết danh tác giả bài thơ. Học giả Lê Mạnh Thát
trong bài " Pháp Thuận và Bài Thơ Thần Nước Nam Sông Núi" cho rằng
tác giả bài thơ là Đỗ Pháp Thuận. Theo các nghiên cứu gần đây thì bài thơ này xuất
hiện dưới thời Lê Đại Hành.
Trong kháng chiến chống
Tống lần thứ nhất, năm 981, Lê Hoàn đã cho đọc bài thơ trên để
khích nhuệ khí tướng sĩ
và áp đảo tinh thần quân Tống. Tại trận thuỷ chiến Bạch Đằng, Tây Kết, tướng
nhà Tống là Hầu Nhân Bảo đã
bị tử thương.
Trong kháng chiến chống
Tống lần thứ hai, 1077, nhân thế nước ta đang suy vì nội bộ nhà Lý chia rẽ, quân Tống xua
quân xâm lược, mặt khác thì khích Chiêm Thành quấy phá phía Nam nước ta. Trước
tình thế ấy, Thái Hậu Ỷ Lan cùng Thái Uý Lý Thường Kiệt đã hoà hợp được các phe
phái để cùng nhau chống giặc. Trong trận quyết tử ở gần sông Như Nguyệt (Sông Cầu),
Lý Thường Kiệt đã sai người tới đền Thánh Tam Giang (Trương Hống Trương Hát), gần
bản doanh của tướng Tống, đọc vang bài thơ Nam Quốc Sơn Hà để phân tán tinh thần
giặc, sau đó bất thần đem quân vượt sông, tấn công và đại thắng, ngày nay nơi
đó vẫn còn một ngôi chùa Xác, nơi năm xưa cầu siêu cho oan hồn tử sĩ. Chắc hẳn
từ chiến thắng vang dội đó mà bài thơ này gắn bó với danh tướng Lý Thường Kiệt
hơn cả? Đầu tôi cứ ong ong Nam Quốc sơn hà nam đế cư/ Tiệt nhiên định
phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại
hư. . (Sông núi nước Nam vua
Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng bay nhất
định phải tan vỡ -Bản dịch của Lê Thước-Nam Trân). Âm
Hán Việt đọc lên nghe thật hùng tráng, dõng dạc. Đúng là sức mạnh của nhạc thơ.
Nhắc, và để vực lại cái hùng khí phương Nam trước hoạ Bắc phương.
Nam Quốc Sơn Hà ấy, bỗng
một ngày biến mất cái ải nơi xưa Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi trước khi
bước qua mảnh đất lưu đầy, ải Nam Quan, (không nhớ nghe ai nói hay đọc ở đâu rằng,
vì nó ở về phía Nam của Tầu nên họ gọi là ải Nam Quan, với mình thì phải gọi là
Ải Bắc). Bỗng một ngày dòng thác Bản Giốc bùi ngùi reo nỗi ly hương. Trong một
bài báo không ký tên tác giả ở baomoi.com, tôi đọc được mấy dòng này “Sinh ra trong binh lửa, bất tử cùng chủ
quyền non sông, lời thơ “Thần” - “Nam quốc sơn hà” chỉ với 28 từ (thất ngôn tứ
tuyệt) mà nội dung ý tứ sâu xa. Để bảo vệ đất nước, tất thảy người dân Việt quyết
đánh tan ngoại xâm dù chúng có mạnh đến mức nào. Ngày nay, lời thơ “Thần” khắc
trên bia trong am thờ ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc vẫn
ngày đêm vọng vang cùng sóng nước”. Một
buổi sáng tháng 7, tôi được xem một tấm bản đồ Việt Nam cũ, in từ năm 1838, có tên đảo Cát Vàng, thế, nó
lại được đổi tên là Hoàng Sa, bây giờ nó là nơi mà ngư dân mình muốn tới
để đánh cá phải trả giá bằng sinh mạng của mình. Tôi như mơ màng bên tai giọng
mẹ tôi ru cháu, … ai lên xứ Lạng cùng anh, bõ công bác mẹ sinh thành ra em…,
tôi vẫn ước nếu có cơ hội tôi sẽ đi thăm những nơi ấy, bây giờ thì thế nào, phải
xin phép ai để đi đến một nơi đã là đất nước của mình? Cái im lặng sau câu tự hỏi
ấy như vị mặn trên môi. Hơn lúc nào hết, dân mình đang cần sức mạnh “Thần” của
Tuyên Ngôn Độc Lập ngàn xưa kia.
…Sáng nay, tôi ghi vào Ký Ức Thiên
Thu sự kiện tìm thấy hai bãi cọc Bạch Đằng. Một được tìm thấy vào năm 1953, nằm
trong một đầm nước giáp đê sông Chanh, thuộc Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh
Quảng Ninh, gồm hàng trăm cọc bằng gỗ lim, đầu dưới vát nhọn, đầu trên đã bị
gãy, cắm theo hình chữ “chi”, trong đó có 42 cọc gần như nguyên vẹn khi phát hiện.
Một tìm thấy vào năm 2005 tại cánh đồng Vạn Muối (thuộc Nam Hòa, thị xã Quảng
Yên, Quảng Ninh). Từ giấc mơ quá khứ, nhô lên hàng chục cây cọc trên một khu vực
rộng 100 m, dài 300 m. Những cọc với đường kính 7 – 10 cm, và 20 – 22 cm, có cọc dài trên 2m, “được cắm xiên 45° theo hướng ngược với dòng
nước vì vậy khi đâm vào thuyền địch đang rút lui sẽ tạo thành lực đâm lớn hơn.
Phát hiện này khiến các nhà khoa học đã bất ngờ về kích thước bãi thuỷ chiến
xưa, dài khoảng 5km, rộng từ 2 - 4 km. Và làm thế nào để người xưa đóng một số
lớn cọc gỗ xuống lòng sông Bạch Đằng vẫn còn là một bí ẩn…” (soha.com). Chỉ
biết một điều nó là những ngửng cao đầu trong lịch sử nước ta, phả hơi thở bất
khuất theo thời gian, tác giả Hà Dũng đã viết “cọc Bạch Đằng tượng trưng cho ý chí quyết chiến quyết thắng của
dân tộc Việt Nam trước âm mưu bành trướng của các thế lực phong kiến phương Bắc”.
Bạch Đằng, một dòng sông như một
bài thơ hùng tráng, trong đó những chiếc cọc là tiết tấu quyết liệt đòi độc lập
tự chủ, vỗ hoài vào bến bờ sử Việt Nam nhắc nhở 3 chiến công:
- Trận
Bạch Đằng năm 938: Ngô Quyền thắng quân xâm lược Nam Hán, chấm dứt hơn nghìn
năm Bắc
thuộc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của dân tộc.
- Trận
Bạch Đằng năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược.
- Trận
Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng Nguyên – Mông
(trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần
thứ ba).
Dạt dào trong nắng sớm Little Saigon
âm thanh tiếng sóng Bạch Đằng, một Ngô Quyền lừng lững trên chiến thuyền, và,
mơ hồ hơi lạnh những cọc sắt bẫy quân Hán nằm bao năm dưới lòng sông sâu phả
vào căn phòng với ánh nắng mai tự do, nơi, có tôi, một người vừa để lại quê nhà
phía xa, có những bạn đồng nghiệp, mà bao nhiêu năm đất nước thay chủ là bấy
nhiêu năm xa xứ… Khi gõ từng phím chữ những bài viết về cuộc đời những danh tướng,
những trận chiến lưu danh thiên cổ, những lời thơ bất khuất, tôi đã có cảm giác
như đang góp thêm bước mình vào những bước chân của anh em khắp nơi đang biểu
tình trên đường phố…
…Cũng vẫn là buổi mai…, tôi không biết
tình yêu nước trong tôi rưng rức lên bởi cái hùng khí thơ người xưa, hay cả bầu
không khí làm việc đang sôi câu thơ “non nước ấy nghìn thu”, câu dịch
quá hay! Tôi thốt lên sảng khoái khi đang gõ chữ. Cùng lúc cảm thấy lạnh
bàng hoàng, trạng thái ưng ức của sắp vỡ, non nước ấy nghìn thu, hay thật, chỉ Trần Trọng Kim dịch mới ra
được hết cái thần mênh mang của câu nguyên tác, Vạn cổ thử giang san.
Rồi là những phút giây, tôi lặn vào
thời gian của một Tướng Quốc trẻ trung văn võ song toàn, Trần Quang Khải, nổi
tiếng trận thắng Chương Dương với quân Nguyên Mông, bài thơ Tướng viết lúc theo
vua xa giá ca khúc khải hoàn. Bài Tòng Giá Hoàn Kinh,
Đoạt
sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang
san
Trần Trọng Kim dịch: Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt
quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu
Non
nước ấy nghìn thu, trầm
hùng mênh mang của bao nhiêu sông bao nhiêu núi bao dặm dặm đường dài, mà mỗi
ngọn cỏ, mỗi tấc đất đều mặn máu và nước mắt. Dường như nối dài, nắng nơi miền
nam Calif. này đang là một dải nắng máu thịt trong cái nghìn thu của giang san
kia. Non nước ấy nghìn thu, không hiểu
sao lời và âm của nó làm tôi rưng lệ. Đêm hôm ấy, tôi nằm mơ thấy Trần Quang Khải,
đứng trên chiến thuyền, đẹp hùng vĩ của một pho tượng. Hôm sau, tôi đọc lại tiểu
sử và sử có ghi, ngài là một vị tướng rất
đẹp trai. Trời!
Cứ thế, mỗi ngày nơi căn phòng nhỏ, nắng
được phản chiếu bởi ánh sáng gương nên nó long lanh như ánh nước nhẩy múa trên
những kệ sách, để rồi một vạt tôi, chìm nổi với dòng thơ chính khí… Một buổi
sáng tháng 8, tôi đi làm việc mang theo một cuốn sách đem trả lại tủ sách, tập
thơ Hồn Việt của Đằng Phương. Họ là những anh hùng không tên tuổi/ sống âm
thầm trong bóng tối mông mênh… Ông là một giáo sư Chính Trị Học tại Học Viện
Quốc Gia Hành Chánh, một nhà chính trị, một nhà thơ, với bút danh Đằng Phương,
tiêu biểu là thi phẩm Hồn Việt, xuất bản 1950.
…Họ
là kẻ khi quê hương chuyển động/ Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng/ Đã xông
vào khói lửa, quyết liều thân/ Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc… (Anh Hùng Vô
Danh)
Hình ảnh giáo sư Nguyễn Ngọc Huy lấp
lánh bóng dáng của một chiến sĩ tư tưởng tranh đấu cho lý tưởng quốc gia. Anh Hùng Vô Danh, là chiều mênh mông
tím, là cánh chim bay vút lên không, là ngọn núi cao vòng hoa tuyết phủ, là
cánh bướm khuya đập vọng âm đêm, là hạt sương mai chứa cả bình minh…Tôi nhớ
hình ảnh những chiếc lá khô rơi hiu hắt trên nấm mộ loang lổ gạch vỡ trong
nghĩa trang quân đội hoang phế, làm tôi bi phẫn, không có cái chết nào vì đất
nước mà phải bị quên lãng. Hãy nhìn, sau cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, tử sĩ của cả
hai miền Nam Bắc đều được vinh danh. Ôi tôi ước sao cho vong linh Chiến Sĩ Trận
Vong miền Nam Việt Nam được đối xử như thế. Máu thịt quân dân hai miền đều đã
thấm hoà vào mảnh đất quê hương, để cho muôn triệu con dân Việt đang bước đi,
ngày hôm nay…
…Một ngày tháng 9, khí trong nắng sớm
đã váng vất hơi thu, đó là mùa tôi thích vì cái mềm mại của nắng y như chiếc
khăn lụa tôi quàng trên vai, đựng đầy nỗi nhớ, thắc thỏm mắc vào những con gió
đi qua, gió, hình như đã nhẹ thơm mùi lá đã muốn đổi mầu.
Tháng 9, tôi ghi vào Ký Ức Thiên Thu cái chết của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, …Tiếng khóc nấc trong tiếng gió/ Mở đêm thăm thẳm vực sâu/ Hồn ai lân tinh bay đỏ./ Đỏ thẫm bản án tru di/ Ngậm oan nghìn năm mây trắng/ Ngậm đau nghìn thu sử thi… (Dấu Hỏi Nặng, NTKM). Bản án tru di ấy xảy ra vào ngày 19.9.1442, dưới triều Lê, được gọi là Án Lệ Chi Viên. Một vết chàm trong lịch sử Việt Nam về giết hại Khai Quốc Công Thần Nguyễn Trãi và vợ là Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tôi đánh máy một bài về Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Một thiên cổ hùng văn, được xem là bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai của nước ta. Người viết vào năm 1427, thay lời Vua Lê Lợi, tuyên cáo chấm dứt kháng chiến chống Minh, và tuyên bố Đại Việt độc lập.
Tháng 9, tôi ghi vào Ký Ức Thiên Thu cái chết của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, …Tiếng khóc nấc trong tiếng gió/ Mở đêm thăm thẳm vực sâu/ Hồn ai lân tinh bay đỏ./ Đỏ thẫm bản án tru di/ Ngậm oan nghìn năm mây trắng/ Ngậm đau nghìn thu sử thi… (Dấu Hỏi Nặng, NTKM). Bản án tru di ấy xảy ra vào ngày 19.9.1442, dưới triều Lê, được gọi là Án Lệ Chi Viên. Một vết chàm trong lịch sử Việt Nam về giết hại Khai Quốc Công Thần Nguyễn Trãi và vợ là Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tôi đánh máy một bài về Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Một thiên cổ hùng văn, được xem là bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai của nước ta. Người viết vào năm 1427, thay lời Vua Lê Lợi, tuyên cáo chấm dứt kháng chiến chống Minh, và tuyên bố Đại Việt độc lập.
Tôi
tưởng tượng, Người quắc thước dơ ngón tay trỏ lên mà rằng: …Duy ngã Đại Việt chi quốc.Thực vi văn hiến
chi bang. Sơn xuyên chi phong vực ký thù…(Như nước Việt từ
trước, vốn xưng văn-hiến đã lâu. Sơn-hà cương-vực đã chia…)
Hẳn lòng Người đã đau
khi viết … Vì họ Hồ chính-sự phiền-hà, để
trong nước nhân-dân oán bạn. Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian-tà
còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung-tàn, vùi con đỏ xuống
dưới hầm tai-vạ…
Rồi dõng dạc bảo với
phương Bắc:
Ta
đây:
Núi
Lam-sơn dấy nghĩa, chốn hoang-dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù, thề
sống chết cùng quân nghịch-tặc. Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa; nếm
mật nằm gai, há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận, sách lược-thao suy-xét
đã tinh; ngẫm trước đến nay, lẽ hưng-phế đắn-đo càng kỹ. Những trằn-trọc trong
cơn mộng-mị, chỉ băn-khoăn một nỗi đồ-hồi. Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc
quân thù đang mạnh.
…Đem
đại nghĩa để thắng hung-tàn, lấy chí nhân mà thay cường-bạo.
…Giang-san từ đây mở
mặt, xã-tắc từ đây vững nền. Nhật-nguyệt hối mà lại minh, càn-khôn bĩ mà lại
thái. Nền vạn thế xây nên chăn-chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu-làu.
…Vẫy-vùng
một mảng nhung-y nên công đại-định, phẳng-lặng bốn bề thái-vũ mở hội
vĩnh-thanh. Bá-cáo xa gần, ngỏ cùng cho biết. (Trần Trọng Kim dịch, vi.wikisource.org)
Tôi vui như vừa được cho một món đồ
gì rất ứng ý. Hôm ấy tôi làm việc với nỗi im lặng dìu dịu của vạt nắng nhẹ
tênh, vạt nắng độc lập của Bình Ngô Đại Cáo bay ra từ pho sử xưa rồi bập bềnh
theo dòng nắng lòng những đứa con ly hương. Thời gian trôi yên bình trong không
gian chứa đựng hiện tại lẫn quá khứ, và, chưa biết đến lúc nào thì tôi thôi
nghe nhịp tim chính khí âm vang…
Trời thu, dịu thơm về hơi gió biển
xa. Tôi bước vội ra cửa va phải tấm gương lớn. Có con quạ đen đậu trên thềm vụt
bay lên. Đàn lá khuynh diệp xanh bạc trong nắng trưa.
2011
…
Năm 2014. Vào tháng 5, 6 lại hừng hực
lên những cuộc biểu tình của người Việt Nam khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là
rất mạnh mẽ tại Việt Nam, chống Trung Cộng đặt giàn khoan HD-981 tại Hoàng Sa.
Giờ tôi đã nghỉ làm việc. Sáng nay,
cũng mùi cà phê starbucks, toả đầy phòng khách và khi mở laptop tôi bỗng nghe
như nắng hắt vào dậy sóng những áng thơ hùng khí còn nóng hổi trong ký ức. Thời
gian trôi và hình ảnh tan nhanh như âm vang đám bụi bay lên khi tôi vỗ bụi một
cuốn sách để lâu ngày không dùng tới.
Bây giờ cũng đang thu, tôi nhìn qua
cửa sổ, ngõ nhà đầy lá khô, không hiểu sao thấy lòng vắng như vừa mất cái gì,
có con quạ đen vụt bay lên, rơi vọng câu thơ của Lý Bạch, Lạc diệp tụ hoàn tán/ Hàn nha thê phục kinh... Lá rơi tụ rồi tan/ Quạ đậu
lạnh giật mình*…
NTKM
Santa Ana, Mùa thu 2014
*Xin lỗi đã không nhớ ai dịch.
No comments:
Post a Comment