Ý
Nhi
Chân dung Bùi Giáng.
Đinh Cường vẽ trên bao
thuốc lá
1.Trong số tài liệu tôi còn giữ
được khi làm việc tại Nhà xuất bản Hội nhà văn ( chi nhánh miền Nam), có một ít
giấy tờ, thư từ liên quan đến Bùi Giáng.
Ngày 7/7/1993, tôi đại diện nhà xuất bản
gửi thư đến ông xin phép in lại tập thơ Mưa
nguồn. Tôi gửi 2 bản, nghĩ rằng ông sẽ lưu 1 bản nhưng ngay ngày hôm sau,
ông đã gửi lại cả 2 bản với 2 câu trả lời khác nhau. Ở bản thứ nhất ông ghi:” Xin trân trọng chấp nhận chuyện này với niềm
tri ân vô tận”. Ở bản thứ 2 ông
ghi:” Xin chấp thuận đầy đủ 2 tay”.
Phía dưới, ông viết thêm:” Gửi cháu Ý
Nhi, nếu thấy bài nào trong Mưa nguồn cháu thích thì xin đề tặng Ý Nhi. Có lẽ nên tặng cháu bài cuối cùng trong tập: Em
về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có thấy
nguyên màu ấy không”.
Ngày
29/5/1995, tôi lại gửi thư đến ông xin phép in lại tác phẩm Sylvia Souvenirs du Valois của Gerard
Nerval, do ông chuyển ngữ với tựa đề tiếng Việt là Mùi hương xuân sắc. Ông trả lời bằng 2 câu thơ:” Kính thưa nương tử Ý Nhi/ Toàn nhiên quyết định cái nhu mì của con”.
Tháng 10/1993, sau khi Mưa nguồn in xong và đang phát hành, ông
viết cho tôi:”Thân gửi cô Ý Nhi, Thấy tập
thơ Mưa nguồn in thật đẹp, tôi thật cảm động.
Tôi có đến Hội nhà văn 2 lần, không gặp cô. Nay tôi nhờ chú Thanh Hoài (là cháu rể) rất thân của tôi đến thăm
cô và bàn với cô vài chút chuyện. Thanh
Hoài đàng hoàng lắm, không luẩn quẩn như tôi. Kính mong cô niềm nở nói chuyện
với Hoài và vân vân…”
Sau đó ít lâu, ông lại gửi một thư khác:”
Nghe anh Trúc nói chuyện nhiều về Ý Nhi, câu chuyện thật cảm động.
Chú xin cầu chúc gia đình cháu mọi sự
vân vân…Cháu tùy ý làm gì cũng được cả, tác phẩm thơ đó của chú nghe xa xôi quá, cũng như những kỷ niệm về
ba má cháu. Chú thỉnh thoảng có gặp
thầy Huỳnh Lý và cô Lý. Con đầu thầy Lý tên là Tùng”. ( Trúc là người anh
con dì ruột tôi, bạn vong niên của Bùi Giáng. Huỳnh Lý là giáo sư nghành Ngữ
Văn, em ruột ông nội tôi, bạn của Bùi Giáng từ ngày trước, tại Quảng Nam. Thực
ra, con đầu của giáo sư Huỳnh Lý tên Lê, đã hy sinh trong chiến tranh, con thứ
tên Tùng ).
Vài lần khác, ông ghé lại Nhà xuất bản,
không gặp tôi thì để lại thư, bằng thơ. Một bức viết:
Chiêm bao xẻ ngọn
chia ngành
Buồn vui vô tận
Biến thành như không
Hẹn gặp cô Ý Nhi lần
khác
Bức kia là: Cậy em
vô tận bây giờ
Ý Nhi từ buổi sơ đầu gặp nhau
Anh đi như gió phai màu
Buồn vui như thể mộng đầu éo le
Bùi Giáng thường viết chữ rất to, chỉ
vài câu đã hết một trang giấy. Nét chữ của ông cứng cỏi, phóng khoáng
Bút tích của Bùi Giáng
2. Tôi có nhiều mối qua hệ họ hàng
với Bùi Giáng. Một người cậu ruột và một người dì ruột của tôi ( Ông Phạm Sửu
và bà Phạm Thị Thước) thành thân với một người chị ruột và một người anh ruột
của Bùi Giáng ( Bà Bùi Thị Dung và ông Bùi Luận). Tuy vậy, tôi chỉ được nghe kể
về Bùi Giáng, sau khi in Mưa nguồn tôi mới được gặp ông. Có lần, ông cho người
vào cơ quan gọi tôi ra quán nước đầu hẻm. Ông bảo, việc này ( việc xin tục bản
tập thơ Mưa nguồn) nên bàn ở bên ngoài thì tiện hơn. Rồi ông cười, nụ cười móm
mém, hóm hỉnh, ánh nhìn hấp háy, tinh anh.
Thường thì ông vào thẳng văn phòng Nhà
xuất bản ở 371/16 Hai Bà Trưng, Quận 3. Tại đây, ông gặp Tô Thùy Yên, Thế
Phong, Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đức Sơn và nhiều bạn bè văn
nghệ khác. Có lần, ông và họa sĩ Nghiêu Đề đổi áo cho nhau ngay trước cửa ra
vào. Cả hai ông đều hoan hỉ vì cuộc “ Yêu nhau cởi áo cho nhau” ấy. Nghe nói
Nghiêu Đề đã đem chiếc áo của Bùi Giáng về Mỹ khoe với bạn bè.
Trong bài viết “ Đi
thiêm thiếp cõi mai sau lạ lùng” viết cho báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh
tôi đã ghi lại hình ảnh Bùi Giáng những lần ghé lại Nhà xuất bản Hội nhà văn
:”…Chân đất lấm lem, dép đeo lủng lẳng trước ngực, áo xống lôi thôi, quần dài
quấn quanh đầu…lúc thì lặng lẽ đem tặng một chậu cây cảnh ( không biết kiếm
được từ đâu), lúc lại hét to từ ngoài cửa, khi vẫn còn ngồi trên xich-lô: Ra đỡ
trẫm xuống”. Mỗi lần đến ông đều đòi giấy bút để làm thơ. Cô nhân viên thường
trực chuẩn bị sẵn cho ông một cuốn vở học trò để ông ghi lại những câu thơ bất
chợt hiện ra với nét chữ ngày một run rẩy. Lúc nhận nhuận bút tập Mưa nguồn,
ông ghi 2 chữ “Zách ồ” vào chỗ ký nhận. Ông bảo nhiều tiền quá nên phải ghi như
vậy.
Có lần, ông hỏi thăm ba mẹ tôi, hỏi thăm
nhà thơ Trinh Đường. Ông bảo, Trinh Đường tên thật là Trương Đình. Lúc ấy ở
Quảng Nam đã có nhà thơ Nguyễn Đình nên Trinh Đường mới đổi tên thành bút danh
như vậy.Ông còn nhớ Trinh Đường con ông bà nào, ở đâu. Nghe tôi kể lại, Trinh
Đường lấy làm lạ về trí nhớ của Bùi Giáng.
Mỗi lần Bùi Giáng đến thăm, tôi thường
biếu ông chút ít để đi xe. Có hôm tôi đi vắng, ông hỏi cô nhân viên: làm gì ở
đây. Khi nghe trả lời là nhân viên, ông bảo: Thế thì cho trẫm 20 ngàn. Ý Nhi
thì phải cho 50 ngàn.
Bùi Giáng cũng thường nói đến bệnh điên
của chính mình. Thấy ông lấy quần dài quấn quanh đầu, tôi hỏi: chú sao vậy. Ông
đáp: Bị đánh. Hỏi ai đánh, ông bảo: mấy đứa thanh niên. Hỏi sao họ lại đánh
chú, ông đáp: điên, nói bậy nên bị nó đánh…Có lần ông bảo tôi: ông Hoàng Châu
Ký hồi trẻ đẹp trai lắm. Con vợ trẫm nó mê ổng, trẫm buồn, thế là trẫm điên
luôn. Dứt lời, ông cười phá lên. Ông thừa biết, cô Ninh vợ ông là con người dì
của ba tôi. Cô còn có họ hàng bên mẹ tôi, gọi mẹ tôi bằng cô ruột.
Vài tháng trước khi mất, ông ghé lại chỗ
tôi. Thấy ông gầy yếu, tôi hỏi :” Chú có khỏe không”. Ông đáp:” Đỡ điên rồi
nhưng yếu lắm” rồi ông chỉ vào bịch ni-lông đựng rượu ở túi áo ngực, nói tiếp:”
Cũng ít uống rượu rồi”. Nghe tôi nói đến việc chọn bài Phụng hiến cho Tuyển tập
thơ “ Trăm năm thơ đất Quảng”, ông kêu lên :” Trời ơi, sao lúc nào cũng Phụng
hiến, Phụng hiến, chọn bài khác đi. Thơ của trẫm phải có cái gì nghịch nghịch,
vui vui “.
3. Lúc Bùi Giáng mất, nhà thơ Hoàng
Hưng có nhờ tôi viết bài cho báo Lao động. Bài viết đã được in với tựa đề:” Bùi Giáng- vẫn sẽ còn những bận quay về” và đã được biên tập ít
nhiều. Tôi muốn giữ lại bài viết ấy như bản tiết tay mà tôi còn lưu, kể cả tựa
đề:
Buồn
đau như thể thân mình
Ai chia nửa máu, ai giành
nửa xương.
Đó là nỗi buồn đau của Bùi Giáng, nỗi
buồn đau khốc liệt, bi thảm của một thân phận khác thường.
Người ta khâm phục Bùi Giáng bởi các
khảo luận văn học như những cuốn viết về Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Lục Vân
Tiên…bởi các khảo luận triết học như Tư tưởng hiện đại, Tư tưởng hiện đại và
Heidgger…bởi những bản dịch tuyệt vời các tác phẩm của Saint Exupery, Albert
Camus, Gerard Nerval…
Nhưng người ta yêu thơ ông.
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt/ Tôi
đui mù cho thỏa dạ yêu em. Đó là lời giải thích giản dị, minh bạch nhất cho những
ai muốn đọc Bùi Giáng, muốn hiểu thơ ông. Một sự sáng suốt phải trả giá như vậy,
một niềm yêu phải trả giá như vậy, hẳn phải có điều chi đặc biệt, hẳn đã tạo
nên một giá trị riêng biệt.
Mỗi khi đọc những câu thơ hay của Bùi
Giáng tôi lại nhớ đến tiếng đàn “rỏ máu năm đầu ngón tay” của Thúy Kiều. Những
câu thơ như được chắt ra từ máu huyết, từ nỗi khắc khoải khôn nguôi về phận
người, về sợi dây nối kết vừa bền vững vừa mong manh giữa kiếp người với cõi
trần gian. Ít ai trong số những nhà thơ Việt Nam hiện đại lại viết nhiều về cõi
trần gian như Bùi Giáng. Lúc thì nguyện “Yêu
trần gian nguyên vẹn”, khi thì “ Sẽ
tiếc thương trần gian mãi mãi”,
lúc khác lại:” Ta đếm lại từng ngón tay
lẩy bẩy/ Đời chúng ta là mấy trăng
tròn”. Yêu da diết cõi trần gian, nhiều khi ông nhìn trời đất trong nỗi bàng
hoàng:” Ngàn mây về cuối mãi trời xa/
Nước có bằng lòng đứng đợi ta”,
nhiều khi ông mở lời như tiếng bập bẹ trẻ thơ:”Trần gian ơi, cánh bướm cánh chuồn chuồn/ Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/ Con vi trùng cùng sâu bọ cũng
yêu luôn”. Rồi, có khi, bỗng thảng thốt, òa khóc, không gìn giữ:” Em ra đi đời bưng mặt khóc òa”…
Nhưng Bùi Giáng là đứa trẻ biết rằng:
“ Diều đứt giây trẻ cũng cầm bằng”. Thơ ông, từ bài này đến bài khác,
từ trang này đến trang khác, thấm đượm nỗi lo âu cho :” Những thân đau khổ những đời rã riêng”, “ Những nỗi đau về chẳng hẹn
giờ”. Ông “ nghe trời đầy xuống hai
vai” và đã gánh chịu sức nặng đó suốt cuộc đời đơn độc của mình. Có khi,
ông cay đắng thốt lên:” Đời dại khờ như
một giấc chiêm bao”, có khi, ông lắng nghe:” Mấy đời ly biệt vì đau trong mình”, có khi ông van nài:” Em ở lại với đời ta em nhé/ Em đừng đi, cho ta nắm tay em”…Và, thường khi là nỗi phấp
phỏng lo âu:
Nhưng em hỡi trần gian ơi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với
người thôi…
Đài vũ trụ hồn
chiêm bao rạng tỏ
Một nụ cười thế
giới sẽ chia đôi…
Dường như mỗi cảnh, mỗi vật đều in dấu
nỗi lo âu phấp phỏng ấy. Nào là :” Đường
vất vả vó ngựa chồn lảo đảo”, nào là :” Tờ
cảo thơm như lệ ứa pha hồng”, nào
là :” Miền cát lạnh chân lạc đà bé bỏng/
Bóng hình em tơi tả dưới trăng rằm”,
nào là:” Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần
sai”…
Giờ đây, con người luôn yêu thương, lo lắng cho :” Cõi người ta” ấy đã từ biệt thế gian.
Trước lúc ra đi, dường vẫn còn trong ông niềm
mơ ước:
Còn không một
bận quay về
Vườn xưa ngó bóng trăng thề
vàng gieo
Vẫn còn nguyên vẹn những mong mỏi xẻ
chia:
Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
Thấy một mình
người đi lại lang thang
Còn ghì giữ ân
tình trong cỏ nhặt
Múa vi vu vì
còn hẹn với trăng ngàn.
4. Thi hài Bùi Giáng được quàng tại nhà
Tang lễ chùa Vĩnh Ngiêm trong 2 ngày 9 và 10 tháng 10 năm 1998.
Đến
vĩnh biệt ông là những người bà con ruột thịt, những người bạn văn chương,
những người từng mến mộ tài năng của ông. Nhiều người đến và ở lại rất lâu.
Nhiều người đã thức thâu đêm để nhắc nhớ những kỷ niệm về ông, để đọc những câu
thơ của ông. Nhiều ngôi chùa trong thành phố gióng chuông tiễn biệt vị phật tử
khác thường.
Giản dị, lặng lẽ, sâu lắng.
Đó thực sự là cuộc tiễn đưa một nhà
thơ.
Sài Gòn tháng 6/2007.
YN
No comments:
Post a Comment