Nguyễn
Quang Chơn
NQChon.
Self portrait 1991
Hồi
nhỏ mẹ thường ru tôi bằng những bài ca dao và những câu Kiều. Mẹ cũng ru các em
tôi bằng những bài, những câu như vậy. Tôi đã được ngủ ngon từ những bài ru này
và thuộc lòng chúng từ khi nào không biết!...
Mẹ
hay ru: " chiều chiều nhớ lại chiều chiều. Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu
nước chè. Nhớ hồi lên võng xuống xe. Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non. Nhớ
hồi cá trụng y con. Thịt heo y khúc, lòng còn ước mơ. Nhớ hồi rau muống bò bờ.
Nhớ hồi lọng võng giăng tơ thuở nào. Nhớ lê nhớ lựu nhớ đào. Nhớ nơi kỳ ngộ
bước vào thiên thai!..."
Lớn
một chút, tôi thấy câu ru của mẹ có cái gì "không ổn" chỗ " lọng
võng giăng tơ" và trong đầu tôi có ý nghĩ "sửa". Tôi đã sửa
thành "lọng võng xum xuê thuở nào". Tôi hình dung những võng, những
lọng xum xuê xúm xít trước một con người giàu sang danh vọng. Xuống xe lên
võng. Cá thì trụng y con. Thịt thì dùng y khúc, mà vẫn còn mơ nhiều hơn, chưa
thoả lòng ham muốn!... Vậy nên vọng lõng xum xuê mới đúng. "Giăng tơ"
chắc để hợp vần "bờ" ở câu lục trên thôi! Và sau đó, lớn thêm một
chút, mới thấy mình dùng từ...nhà quê hơn mấy bà mẹ quê thiệt!
Lọng
võng giăng tơ vừa biểu thị cái số nhiều giăng mắc của lọng và võng, vừa một bức
tranh đầy màu sắc. Vừa một sự chầu chực mong ước được hầu hạ, mua chuộc... Con
nhện giăng tơ ra, con ruồi con muỗi dính bẫy liền! Con người đầy đủ cỡ ấy. Nay
lại ngồi nhìn bóng chiều hôm nghĩ đến nồi cơm nguội, nhớ đến ly nước chè giản
dị hàng ngày để hối tiếc cái thời nào xum xuê áo mão, thịt thà thừa mứa, một
bước xuống võng, một nước lên xe. Để rồi cũng võng lọng trương giăng đó đã làm
ta vấp ngã để nay chỉ còn nồi cơm nguội với niêu nước chè. Cái bẫy giàu sang
kia thật kinh hồn! Thì rõ ràng "giăng tơ" mới vừa "cao",
vừa sâu, vừa đúng vần. Hay hơn gấp mấy lần chữ "xum xuê" thô kệch!...
Rồi
một bài khác mẹ ru: " chim xa rừng (thì) thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi. Chẳng thà
không thấy thì thôi. (Chớ) Thấy rồi mỗi đứa mỗi nơi sao đành!..."
Vậy
là tôi sửa liền. "Gặp" chứ sao lại "thấy". Thấy là thấp
thoáng thôi. Gặp thì mới là chộ mặt. Mới đúng chớ!...
Năm
tháng trôi qua. Càng lớn lên càng thấy mẹ đúng. Mình sai. Thấy, ấy là quán
chiếu. Là thấu thị. Là rõ hết nguồn cơn, tâm tình gan ruột. Mà biết đâu cũng đã
thấy hết "cái lạ lùng bên trong" của nhau (BG)! "Thấy" mới
sâu, còn sâu hơn cả biết, chớ "gặp" thì hời hợt lắm! Thấy rồi thì xa
cách mới tương tư, mới chịu không nỗi, mới oán ông trời sao đành đoạn bắt mỗi
đứa mỗi nơi. Chứ gặp một chút rồi xa thì chuyện thường tình. Chi đâu mà than
với vãn! Vậy là, lạy mẹ, con ngu!
Lại
một bài nữa: ngó lên trên rừng thấy cặp chim đang đá. Ngó xuống dưới biển thấy
cặp cá đang đua. Anh biểu em về lập miếu thờ vua. Lập lăng thờ mẹ, xây chùa thờ
cha... (Chớ) chữ trung chữ hiếu chữ hiếu chữ hoà. Em đố anh ba chữ thờ cha chữ
nào? Chữ trung em để thờ vua. Chữ hiếu (em) thờ mẹ. Chữ hoà (em) thờ anh!...
Liền...sửa lời ru của mẹ, người nữ hỏi rồi thì phải là câu trả lời phải là của
người bạn nam (hoặc chồng) chứ. Sao lại chữ trung em để thờ vua....? Đúng phải
là: chữ trung anh để thờ vua. Chữ hiếu anh thờ cha mẹ. Chữ hoà anh thờ em !..
Và rồi hí hố cho là mình đúng!...
Lớn
lên lại thấy mình ngu! Ngu thật. Cô gái này thật là ba lém. Đố 3 chữ trung hiếu
hoà rồi tiếp luôn. 3 chữ này em thờ như vậy rồi đó, em dùng thờ vua, thờ mẹ,
thờ anh rồi đó, anh không được lặp lại đâu nghe. Còn thờ cha em chưa biết dùng
chữ nào đây. Anh giỏi nói đi? Cái hay. Cái sâu sắc. Thông minh và nghịch ngợm
của ông bà nó nằm ở đó, còn cái vốn văn chương chữ nghĩa và vốn sống của mình
bé tí tẹo mà cũng đòi...cải cách!...
Đúng
là ngựa non háu đá!
Có
một bài nữa mẹ ru mà tôi mê. Càng lớn càng mê và không dám sửa. Đó là " ba
với ba là sáu, sáu bảy mười ba. Bạn nói với ta không thiệt không thà. Như cây
đủng đỉnh trên già dưới non. Bạn nói với ta chưa vợ chưa con. (Chớ) Vợ con ai
(mà) đứng, ở đầu non tê bạn tề? Bạn nói với ta chưa có hiền thê. (Chớ) hiền thê
ai đó? Bạn trả lời thề lại cho ta!..."
Đến bây chừ như vẫn còn nghe lời hát ru đượm buồn man mác của mẹ. Lớn
một chút hỏi mẹ cây đủng đỉnh là cây gì. Mẹ nói là cây đùng đình. Sau này thấy
được cây đùng đình, thuộc loại dừa, buồng trái mọc từ thân, buồng trên mọc
trước, buồng dưới ra sau, nên buồng trên già mà buồng dưới vẫn non.
Mà
sao lại dùng cây đủng đỉnh để ví von mà không dùng những từ khác? Thật là. Ta
vốn chỉ mới có cảm tình với bạn thôi. Nhưng ngày qua ngày. Bạn cứ đủng đỉnh nhỏ
to chuyện yêu thương hứa già, hẹn non. Cái cây (hoặc người) mà trên già dưới
non thì thật đáng là ngờ! Bạn còn nói bạn độc thân vui tính. Đủng đỉnh, rủ rỉ
mãi nên ta mới tin, mới thương, mới yêu, mới thề thốt (và biết đâu đã trao thân
cho bạn)... Đến bây chừ lửa đã thành rơm thì mới lộ ra bạn đã lập gia đình, vợ
con đề huề. Thì thôi. Là hết. Ta đã lỡ dại nghe lời ngon ngọt non già đủng đỉnh
của bạn, thì cũng là số phận của ta. Thôi thì bạn hãy về với hiền thê của bạn,
với con cái bạn. Ta chỉ xin lại lời thề mà một đêm đầy trăng trong vòng tay
thương yêu bạn, ta đã lỡ một câu, sẽ cùng bạn đi hết cuộc đời này! Nay ta xin
trả lại. Trả lại lời thề này thôi bạn ạ!..
Thật
là ứa nước mắt. Một bài ca dao trác tuyệt. Một tấm lòng vô lượng, từ bi!...
Mùa
Vu Lan nhớ mẹ. Cám ơn mẹ những bài ru tuổi ấu thơ và xin lỗi mẹ vì những dại
khờ!
Nguyễn Quang Chơn
Mùa
Vu Lan 2016, Bính Thân
No comments:
Post a Comment