Phan Ni Tấn
Tác phẩm Một Thời U Ám.
Nhà văn Đỗ
Xuân Tê
Chỉ cần đọc cái tựa tập truyện Một
Thời U Ám với mẫu chữ hoa vàng xỉn in trên nền bìa đen của nhà văn Đỗ Xuân
Tê người ta cũng có thể đoán được nội dung toàn tập là những truyện u ám một
thời của tác giả. Thật vậy, đọc những bài viết từ chuyện trong tù cho tới ngoài
tù chuyện nào cũng phết lên một lớp màu u ám, nhưng cũng may không hề … hắc ám.
U ám được hiểu ở thế thụ động, cam chịu, hạ phong ngược với hắc ám luôn thể
hiện bằng bạo lực, ức chế.
Đọc những bài viết của Đỗ Xuân Tê, ta có thể nói mỗi một truyện
được tác giả nối kết liền mạch như một thể truyện dài. Bút pháp sâu xa mà giản dị,
mộc mạc mà rướm máu, gợi cho người đọc một cảm giác ray rứt, một nỗi buồn khôn
nguôi.
Nhìn chung, văn phong của Đỗ Xuân Tê có vẻ thích ứng với nỗi buồn.
Cách hành văn và thế giới hình tượng về con người, tù ngục trong hai mươi mốt
câu chuyện đã nói lên điều này. Cái hay của nhà văn là không dùng chữ nghĩa để
làm dáng nghệ thuật, chính sự cảm hứng sáng tạo đã trải niềm đam mê vô lượng
của anh trên trang giấy để hình thành Một Thời U Ám khó quên.
Sau 30 năm chiến tranh tận diệt, chưa bao giờ đất mẹ từ Nam ra Bắc
lại mọc lên nhiều trại tù như thế. Vào truyện, hình ảnh đầu tiên là một trại tù
trên đất Bắc xa xăm. Sâu trong rừng trong rú, trên non cao núi cả, những láng
trại bằng cột kèo, cỏ tranh, phên lá vội vã dựng lên.
Anh khéo léo tả cảnh: “Trại tù nằm sâu trong thung lũng hẹp, dựa
theo sườn đông của rặng Hoàng Liên Sơn”, rồi mỉa mai: “Địa hình vùng này quả là
nơi lý tưởng để giam tù cải tạo. Bốn bề là đồi núi, cây trái không thứ nào ăn
được, ăn lầm là hết thở”.
Cũng ở chốn thâm sơn cùng cốc này anh có nhắc đến loài chim “bắt
cô trói cột” làm tôi nhớ hồi tôi đi tù cải tạo cuối tháng 3 năm 1975 trên cao
nguyên lạnh giá. Ngoài tiếng chim “bắt cô trói cột” tôi còn nghe tiếng chim
“bắt bà xã …ụ tà tà” chen với tiếng chim “ông lão đầu bạc” đua nhau kêu khàn cả
núi rừng mỗi khi chiều xuống. Rừng núi thuở ấy, với tôi – tiếng chim ồn ào một cách dễ thương. Không
như họ Đỗ nghe chim kêu lại có cảm giác như tiếng kêu của một vong hồn oan
nghiệt, nghe riết phát khùng. Ngày nay núi vẫn còn đó, nhưng rừng đã mất và
tiếng chim cũng không còn.
Lúc mất nước và sau nhiều năm đi tù Cộng sản sống sót trở về,
không ít người viết về tù cải tạo. Có người cho rằng không bị đày ra Bắc thì
may mắn hơn, đỡ khổ hơn, nhưng rốt cuộc ngục tù Cộng sản ở phương nào cũng đầy
nguy nan, đói rét, bệnh tật, chết chóc. Ở đó, không xa những mái tranh tù, nhấp
nhô những ngôi mộ tù. Ở đó không hề có khúc hát màu xanh, không mọc nỗi một nụ
cười dù gượng. Nhìn chung chuyện đời tù dĩ nhiên không vui, lúc nào cũng u uất,
nghẹn ngào, cứ bàng bạc một nỗi đau. Ngục tù là địa ngục do chính tay những
người tù bại trận bị bắt dựng lên ở chốn non cao rừng thẳm. Núi non thì cao
ngất, rừng thì trùng điệp, hiểm nguy.
Một Thời U Ám có nhiều buổi sáng lầm lũi và co quắp. Mỗi buổi sáng
tinh sương, những người tù lặng lẽ lên non lao động khai quang trồng trọt để có
cái ăn qua ngày. Họ phải tự lực cánh sinh, phải lách mình qua cơn sinh tử trước
họng súng bạo lực và trò chơi chính trị của kẻ thù. Ở trong tù, nuốt vội hột bo
bo hay nhấm nháp miếng khoai, miếng sắn; nỗi niềm của những ngưòi tù đã âm thầm
chôn sâu trong từng miếng ăn.
Nhà văn Đỗ Xuân Tê lưu tâm ghi nhận Một Thời U Ám là thời kỳ mà
chính tác giả và những nhân vật tả chân trong đó, sau chiến tranh, đã bị áp đặt
cuộc đời mình giữa ngục tù ảm đạm cũng như trước cảnh đời thê lương. Những ngày
tháng sinh tử trong cái gọi là tù cải tạo.là thời kỳ mà tác giả mô tả những
bóng dáng lủi thủi của kẻ thua cuộc, đồng thời truy niệm thịt xương của đồng
đội đã nằm sâu dưới ba tấc đất. Nhìn thân phận tù và những ngôi mộ tù mới thấy
sự sống và cái chết mong manh như thế nào.
Trong lao tù Cộng sản, giữa tử và sinh cách nhau chỉ một sợi tóc
là một bài học hàng ngày, gần gũi và thương tâm. Không còn cơ hội cống hiến
danh dự và trách nhiệm cho tổ quốc, tinh thần những người bại trận đi tù đã mãi
mãi điêu tàn.
Hãy lướt qua một vài mẩu chuyện để thấy Một Cỗ Xe Trâu gợi lên cái buồn ngơ ngác trước con trâu già biết
khóc và tiếng khóc to của người tù già vội vàng lấp mộ cho người bạn tù xấu số
bằng những xẻng đất vô tri. Vài cây hương dở được cắm xuống, như tác giả viết,
người đọc có cảm tưởng như thắp hương cho cả một đất nước điêu linh.
Truyện Bà
Cô Tôi đầy nhân bản nhưng buồn thê thiết. Cảnh gặp gỡ giữa cô cháu sau
ba mươi năm cách biệt diễn ra trong hoàn cảnh éo le ở một trại tù cải tạo trên
đất Bắc thật xúc động. Bà cô của họ Đỗ là mẹ liệt sĩ, có con sinh Bắc tử Nam,
cháu cô (tức tác giả) thì đi Nam tù Bắc, rể cô mang thương tật trở về làng cũ,
một hoạt cảnh khắc sâu cái nghịch lý của cuộc chiến đối đầu Nam-Bắc, mà hệ lụy của
nó còn trải dài đến nhiều thế hệ mai sau. Gặp lại người cháu thân yêu lần đó,
ít tháng sau bà qua đời. Một câu chuyện buồn đầy nước mắt của một kiếp người.
Còn nhiều câu chuyện chết chóc tác giả rỉ rả kể ra khiến người đọc
buồn tê tái. Nhưng nói đến thân phận tù cải tạo mà không nhắc đến những người
vợ đầu gối tay ấp là một thiếu sót. Nhà văn viết về những người vợ lặn lội ra
Bắc thăm nuôi chồng sao quá lớn lao tưởng chừng không bao giờ có được. Sáng tác
của Đỗ Xuân Tê gợi dậy ở người đọc nỗi nhức nhối khôn nguôi, xót xa những thân
phận lưu đày, thương cho lòng thủy chung của những người tòng phu và oán hận
thay cho sự bạo tàn của một chế độ.
Thời gian quá khắc nghiệt. Cuối cùng, sau mười hai năm tù cải tạo
sống sót trở về, cầm mảnh giấy tha, hít thở không khí tự do ngoài cổng trại dù
đứt quãng và mệt nhọc; lòng tuy mừng nhưng dưới đáy sâu tâm hồn của tác giả đã
lộ ra một vết thương lở loét suốt đời không ngậm miệng. Một chút hoài niệm lẫn
ngậm ngùi như ứa ra từ các trang sách, dù chắt lọc ngôn từ hay bình dị câu cú,
tập truyện vẫn phải dành hết cho thân phận con người một nỗi đau sau cơn bão
thời thế.
Đọc hết tập truyện Một Thời U Ám khởi từ Vùng Đất Chim Độc Thoại tới cuối truyện Người Đàn Bà Phố Hàng Khay, người đọc đều cảm nhận được sự bi ai
của một cuộc làm người. Qua những trang viết, ta ít khi tìm thấy niềm vui nào
trọn vẹn. Là vì những nhân vật trong truyện cũng như chính tác giả đã lâm vào
nỗi éo le, nhức nhối, xót xa, bạc phước như một số kiếp mà con người phải gánh
chịu.
Nhà văn Đỗ Xuân Tê tên thật Đỗ Xuân Thảo, sinh năm 1940 tại miền
quê Bắc Việt. Vào Nam khi đất nước chia đôi. Cựu học sinh Pétrus Ký, Chu Văn
An. Tốt nghiệp ĐHSP Sàigòn khóa 1963. 12 năm quân ngũ, 12 năm tù cải tạo. Đến Mỹ năm 1991 theo diện H.O. Khởi viết từ
khi ra hải ngoại. Cộng tác với nhiều
báo, và trang web có uy tín. Hiện cùng gia đình định cư tại California.
Tác phẩm đã xuất bản: Một
Thời U Ám (Truyện ngắn, Giao Chỉ 2016). Hãy
Cho Nhau Nụ Cười (Tản mạn tâm linh, Muối của Đất, 2012). Sẽ in trong năm Mưa Sàigòn Nắng Cali (Tạp Ghi Văn Nghệ).
Phan Ni
Tấn
(Nguồn:
T.Vấn & Bạn Hữu)
No comments:
Post a Comment