Friday, May 22, 2015

PHẠM THU DUNG, KỂ CHUYỆN THỜI GIAN THEO DỌC ĐƯỜNG ĐẤT NƯỚC



Nguyễn Thị Khánh Minh


Bìa sách Việt Nam Yêu Dấu

Khi gấp cuốn sách của Phạm Thu Dung lúc 2 giờ sáng, ý nghĩ đến với tôi đầu tiên, như thể tôi vừa xem xong một bức tranh. Việt Nam Yêu Dấu như một bức tranh cuộn, đang bung ra cho người xem, những thời gian nối tiếp nhau, người xem tự mình cảm nhận sắc mầu của nó, nhận những ánh sáng tối tùy theo chỗ đứng của mình và tự họ khoác cho nó ý nghĩa theo cách nhìn của họ. Có muốn tìm họa sĩ thì chẳng thấy đâu nữa…

Chỉ nghe đâu đây giọng kể trầm tĩnh nhẹ nhàng về ký ức thời gian… Hoàn cảnh đất nước qua nhiều giai đoạn, khung cảnh địa lý các miền, nơi chốn xinh tươi…, nơi chốn đạn bom…, mà thành Việt Nam Yêu Dấu, trong đó người đọc đi theo nhịp sinh động của một gia đình dẫn dắt bằng những ý nghĩ hồn nhiên trong sáng của một cô bé tên Uyển Nhi. Gia đình ấy từ lúc mẹ gặp cha, đến thuở mẹ về là về với cha, đến thuở mẹ mang ối a đầy lòng* những đứa con… Từ chữ Từ cho đến những chữ Đến…, không tưởng được là những gì đã ập vào mái ấm ấy. Họ như luôn ở trên một con tàu bập bênh giữa đại dương, cứ vượt qua cơn sóng gió này lại tiếp đương đầu với bão táp khác. Và vì giọng kể tự nhiên như của một khán giả chứ không phải là nhân vật chính mà Việt Nam Yêu Dấu đã đập vào ta những nhịp tim đau buốt. Tôi biết cái bình tĩnh trầm lặng của người đã chạm mặt với tận cùng đau khổ. Và tôi quá khiếp hãi cái đại dương cuộc đời! Mà cuộc đời ấy lồng trong phận nổi trôi của một đất nước mà tác giả đã trìu mến gọi, Việt Nam Yêu Dấu (VNYD).

VNYD đan xen những thời hạnh phúc ngắn ngủi lẫn bi thương trong những giai đoạn khốc liệt của lịch sử Việt Nam. Trong đó kẻ phải hứng chịu thiệt thòi là trẻ thơ. Mà theo tác giả, ở đâu trên trái đất này, những quốc gia bé nhỏ không có quyền quyết định vận mạng của mình thì nơi đó là nơi để những đại cường quốc mở cuộc thư hùng. Trước lời hỏi này, hỏi ai có rúng động lương tri:

Ai đánh cắp tuổi thơ và giam cầm chúng tôi trong những hình hài tàn phế này? (trang 18)

Với bất hạnh mà Phạm Thu Dung và triệu triệu trẻ em, nạn nhân của chiến tranh, phải chịu, chúng ta chỉ biết im lặng và cúi đầu. Ngôn ngữ bất lực. Hãy nghe trái tim ấy đập những lời,

Tôi bắt chước Chizuko, gấp giấy thành hình chim hạc, tặng em Iraq, Libya, Syria cầu xin hòa bình đến trên quê hương các em. Tin tưởng nơi Thượng Đế và tha tội cho tôi nếu em hiểu rằng chúng ta cùng là nạn nhân của các Đại Cường Quốc. (trang 19)

Thật tình, tôi không hiểu những kẻ nắm vận mạng những đất nước bé mọn khi đọc những dòng này có chút hổ thẹn nào không, có chút phản tỉnh nào chăng? Chính một nạn nhân trực tiếp của chiến tranh lại lên tiếng thú tội và cầu xin tha thứ! Có phải vì chính mình là nạn nhân mà tác giả cảm thấy mình đủ tư cách gánh lấy trách nhiệm trước nỗi đau của kẻ cùng số phận và lên tiếng thú tội nhân danh thân phận mình đã, đang gánh chịu? Không lên án, không phê phán, mà là Lời Thú Tội (trang 15). Tôi cứ phải ngừng đọc để đưa tay lên chận những nhịp thổn thức trong tim mình.

Cũng chính vì thế, dường như, qua lời kể của tác giả, chúng ta chợt nhận ra người lớn phần nào đã đánh mất lòng tin cậy của trẻ, khi tác giả đã nói, Tôi viết cho trẻ con xem…(trang 16), tôi càng nhận thức rõ cái tàn nhẫn và vô tâm của thời đại chúng ta đang sống. Mỗi ngày người ta được làm quen nhiều hơn những tàn ác mà con người gây ra cho nhau, thậm chí, cái đói, cái chết của trẻ thơ -mà người ta luôn nói là tương lai của nhân loại-, cũng không được đặt lên bàn chính trị để cân nhắc khi nhóm một ngòi nổ chiến tranh. Lợi lộc trước mắt khiến người ta đã lờ đi cái tương lai ấy. Vậy trẻ thơ tìm gì để nương tựa vào người lớn, có chăng, là những con người cùng chung số phận lên tiếng và đứng tựa vào nhau. Tiếng gọi nhân ái yêu thương ấy, là Việt Nam Yêu Dấu, mà bạn đang cùng tôi mở ra từng trang, theo nụ cười và nước mắt, trên từng dặm con đường cong cong chữ S.

Những thời gian tuần tự hiện ra theo ký ức tác giả, như trên tôi đã nói, nếu chúng ta kéo ra thành một bức tranh dài để nhìn một cách tổng quát, tự nhiên nó sẽ đưa đẩy ta tới nhận xét, quãng thời gian nào trong lịch sử Việt Nam, con dân đã có được an lạc hạnh phúc, thông qua nếp sống của gia đình bé Uyển Nhi, điều ấy, vô hình chung, họ là những chứng nhân của lịch sử. Tác giả có được bình tĩnh để chỉ đưa ra sự việc, qua suy nghĩ hồn nhiên của cô bé, không biết, và một đứa trẻ thì không cần biết gì khác ngoài việc, em và gia đình sống với nhau, no ấm hạnh phúc. Chỉ cần một chỉ tiêu này quyết định sự nhận định về một thể chế, một quốc gia hạnh phúc.

Chương 1 và 2, Mùa Xuân Phú Thọ và Mùa Hè Ở Đồ Sơn. Nói về thời trẻ của ba mẹ Uyển Nhi. Đi theo bước tác giả vào bức tranh một miền Bắc yên ả, thanh niên thiếu nữ tân thời miền Bắc được sống, học hành và ăn diện rất theo trào lưu của thế giới, dù còn vài hạn chế theo quan niệm cổ xưa, con gái thì không cần học cao lắm, như mẹ cô Phương Quỳ nói “không, phải giữ phong tục cổ truyền. Cha mẹ đã nhầm lẫn khi cho con học Đệ Nhất Cấp. Hết năm nay, con ở nhà sửa soạn lấy chồng” (trang 28). Rồi những phong tục đón Tết thời đó, chúng ta thấy được đó là một nét văn hóa đẹp đã phôi pha ít nhiều theo thời gian, thật tiếc. Thấy được không khí đi Chùa Hương ngày xuân, có cảm giác như nam thanh nữ tú thời đó rất hợp với không khí u tĩnh của Chùa Hương, không như bây giờ nghe nói cảnh viếng chùa rất bát nháo và xôn xao buôn thần bán thánh. Lại nghe tiếng sóng reo chân những kẻ yêu nhau đi dạo trên bờ cát Đồ Sơn. Nhịp sống chậm chậm để tận hưởng an vui là điều mà bây giờ nhiều người nhắc đến để ước mơ. Xem bức tranh này tự nhiên tôi ước gì mình được sống những giây phút gia đình và bạn bè trong khung cảnh trữ tình ấy. Những con người ấy đang sống hạnh phúc. Hạnh Phúc. Đó không phải là mục tiêu của mọi chủ thuyết, chủ nghĩa, chế độ chính trị hay sao? (trừ những kẻ lợi dụng nó làm chiêu bài che đậy những mờ ám khiến con đường đến nó phải lát bằng máu và sinh mệnh.) Người ta còn cần gì ngoài Hạnh Phúc?

Chương 3, Mùa Lúa Hải Dương, đây là bức tranh tôi nghe vang vang tiếng hát đệm, thương em từ thuở mẹ về là về với cha…, cô dâu Phương Quỳ về nhà chồng ở Hải Dương. “Đồng lúa chin vàng trải tận chân trời. Đàn ông cắt, đàn bà buộc thành bó gánh đi. Một thôn nữ hát, Con cò bay lả bay la / bay từ cửa phủ bay qua cánh đồng…”(trang 99). Lúa chín và tiếng hát hò. Đó là gì nếu không là ấm no và hạnh phúc. Nhưng bức tranh đã phảng phất những mảng mây nặng báo hiệu một cơn mưa. Tác giả nói bằng một giọng bình thường như tường thuật một hiện tượng của thời tiết, cho ta thấy le lói cái thòng lọng oan nghiệt chực chờ trên mỗi số phận gia đình Việt Nam. “Quang Lưu, hao hao giống anh, nhưng tính lại khác. Trong lòng luôn căm hờn người anh. Vài năm trước có bạn giới thiệu chủ nghĩa Cộng Sản, thuyết Karl Marx, Lenin. Quang Lưu hấp thụ thuyết này và tôn sùng đảng trưởng Hồ Chí Minh.” (trang 101)

Cho ta thấy, bàn tay bạch tuộc của nước lớn, “Anh Vinh viết thư: xin ba mẹ tha tội bất hiếu. Con không thể làm gì đến khi người Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Con chỉ có một tình yêu duy nhất: sống và chết cho quê hương…” (trang 109)

Gia đình cô bé Uyển Nhi đã bắt đầu sóng gió theo cơn lốc của chiến tranh. “… kháng chiến nổi dậy chống thực dân xâm lược. Ngày ngày, người Pháp xử tử những thành phần chống chính quyền Đông Dương… (trang 111), lời văn như một bản tin tức trên đài, đẩy người đọc đến câu hỏi, họ nhân danh gì để xử tử người dân mà họ đang đứng trên đất nước người ta? Trong cùng một gia đình cũng phe này phái kia. Khi gia đình người anh đi Hà Nội lánh nạn thì người em chận xe: “…Dừng xe không tôi bắn! Ông Phạm nhấn ga, xe vọt đi trước khi Quang Lưu nổ súng. Phương Quỳ ôm con sát vào lòng…” (trang 116). Đây là nỗi bất hạnh kéo dài từ bấy đến nay trên đất nước Việt Nam chúng ta. Nỗi huynh đệ tương tàn. Lẫn vào đó tôi nghe tiếng trẻ thơ thủ thỉ hồn nhiên (lối kể chuyện đan xen đặt những tình huống trái ngược bên cạnh nhau của Phạm Thu Dung gây cảm xúc rất cao nơi người đọc,) Mẹ mua cho con búp bê và quần áo mới nhé… (trang 116). Phải, tôi muốn hỏi như tác giả, Ai đã đánh cắp tuổi thơ?

Chương 4, Hà Nội Trong Bom Lửa. Bức tranh đã tỏa mùi khói của chiến tranh. Ngay thủ đô Hà Nội. Không còn hình ảnh những cánh đồng vàng trĩu lúa chín. Mà là những xác chết trên những con đường làng mạc, thành phố. Gia đình tản mác, người ta nhớn nhác sống, trong bước trốn chạy bom đạn. Những nỗi sợ len vào cuộc sống. Sợ Cộng Sản, Sợ Pháp. Sợ Quốc Dân Đảng. Sợ tên bay đạn lạc. Trong thời gian này, bé Uyển Nhi ra đời, mùa thu Hà Hội. Ra đời trong cảnh miếng đất nhỏ bé là nơi tranh giành thử nghiệm vũ khí, chủ nghĩa. Trong một trận oanh tạc ở Hà Nội, em đã bị miểng bom cắt ngang xương sống, hậu quả là mang thương tật suốt đời. Giọng văn ở chương này làm tôi có cảm tưởng tác giả đang cố kìm dòng nước mắt… Tác giả ơi, sao không khóc đi cho những con chữ kia bớt làm đau lòng người đọc,.

Chương 5, Vượt Dòng Bến Hải (trang 159). Bức tranh tang thương nhất trong 7 bức của Việt Nam Yêu Dấu. Hiệp định Genève ký kết, Việt Nam thành hai miền hai chế độ. Cuộc di cư 1954 đưa hàng triệu người không chấp nhận chế độ Cộng Sản vào Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vì bệnh tật của Uyển Nhi gia đình em không thể đi bằng máy bay, người cha quyết định dùng thuyền vượt sông Bến Hải. Họ trốn đi vì đó là vấn đề sinh tử của gia đình họ. Đây là bức tranh tôi phải dừng lại để quay mặt đi, như thể hồi bé xem phim tới đoạn nào sợ, lấy tay bịt mắt lại vì không chịu nổi một đối diện trực tiếp với cái ác. Và tôi liên tưởng đến cuộc vượt biên của hàng triệu người 20 năm sau đó, nhân lên n lần nỗi thương tâm. Cuộc vượt biên quá sức bi thương khốc liệt trong lịch sử nhân loại. Không một lời nào chối được tội này trước lương tâm con người. Tôi mong bạn có cuốn VNYD trong tay để mở những trang này và đi theo nó bằng chính dòng nước mắt của mình. Tôi chỉ xin trích đoạn làm tôi xúc động, cảm giác của nhân vật sau khi vượt sóng gió, súng đạn chết chóc, đến được đất liền: “…Chẳng rõ lành hay dữ, miền Bắc? không thấy cờ đỏ sao vàng miền Bắc, chàng tiếp tục đi. Xa xa có túp lều đánh cá, bên cạnh treo cờ vàng ba sọc đỏ miền nam. Quang Bảo quì gối: Cảm ơn Trời Phật. Chàng chạy về gốc dừa nơi gia đình tạm trú, reo: Phương Quỳ! Chúng ta ở miền Nam.” (trang 172) …“Người mẹ tự nhủ đây là sự thật…Nàng lấy bẹ và lá dừa làm tấm ván buộc vào lưng Uyển Nhi. Cái bướu sau lưng lớn dần làm gẫy gập thân hình nhỏ bé… em hỏi mẹ: Mẹ ơi, con bị làm sao vậy?” (trang 171). Lối kể chuyện của Phạm Thu Dung luôn vậy, trong cảnh bi khốn, bỗng một câu hỏi trẻ thơ như thế như một cú nốc-ao cảm xúc ta vậy!

Hậu quả chiến tranh đã làm em phải chịu thiệt thòi tức tưởi đến thế, và lúc này có bao nhiêu bao nhiêu Uyển Nhi như vậy trên trái đất chúng ta?

Hãy nghe tác giả đã thốt lên, dõng dạc: “Tôi tên Phạm Thu Dung, muốn thú tội. Tôi viết Việt Nam Yêu Dấu với mục đích: cầu mong Hoa Kỳ cùng các Đồng Minh chấm dứt chiến tranh Iraq, Libya, Syria… và ở đâu nữa?”

Ngang đây có một ước mơ, thật bi hài, chính một nạn nhân chiến tranh lại nói lời thú tội! Tôi mơ, tôi tin, lời ấy sẽ góp phần thức tỉnh lương tri thế giới, một thế giới không còn nằm trong bàn tay điều động của những Đại Cường Quốc chỉ biết cân đo đong đếm tài lợi hơn là sinh mạng con người. Giấc mơ, Niềm tin ấy có chân để đi đến thành tựu không?

Chương 6 và 7, Tuổi Thơ Nha Trang và Khung Trời Gia Long. Cảm ơn tác giả đã để những bức tranh này cuối cùng sách, để trái tim người đọc bớt co thắt vì những cảm xúc đau đớn. Một hình ảnh vui để đối cực với thương tâm bức tranh vượt sông. Ta đã theo thời gian đi từ Hà Nội đến Sài Gòn. Tác giả dừng lại lúc Uyển Nhi 13 tuổi, với ước mơ: “Tiếng ve vang rền trong nắng hạ. Hoa phượng đỏ thắm dưới trời xanh, chim líu lo ca lẫn tiếng cười của nữ sinh trong khung trời Gia Long. Thời gian hỡi, ước chi thời gian đứng lại, cho tôi một giây phút thôi để khung cảnh này mãi mãi chẳng đổi dời.”(trang 406)

Đúng vậy, hãy dừng nơi đó thôi. Vì chúng ta đã biết rồi, những gì xảy ra sau đó, cho đến 30.4.1975, cho đến lúc này, chúng ta, một phần của con dân Việt Nam có mặt ở đây, California, và ở tản mác khắp nơi trên thế giới.

Tôi xin kết thúc bằng chút cảm nghĩ mình về tác giả, một người từ nghịch cảnh bản thân đã khiến được ý chí mạnh mẽ, cộng thêm thừa hưởng một nền giáo dục tuyệt vời từ cha mẹ, đã sống và dựng cuộc đời mình một cách thành công bằng sự tự tin, lạc quan, kiên định. Với số phận và lòng quả cảm mình, tác giả đã chinh phục được người đọc rồi huống chi còn thêm một văn tài như thế, lại còn vẽ nữa. Tôi muốn nói thêm một điều mà tôi rất quí ở Việt Nam Yêu Dấu, là tác giả đã lồng vào đó những câu truyện cổ tích như Tấm Cám, Trầu Cau…, những trò chơi của trẻ con xưa như Nu na nu nống, Thảy cuội…, và những bài đồng dao. Điều này góp phần vào sự gìn giữ, truyền bá những vốn quý của văn hóa Việt cũng như cho ta thấy cách giáo dục trẻ thơ bằng cách kể chuyện, hát, sẽ gây được cho trẻ em những tình cảm tích cực, yêu cuộc sống, con người, như ta thấy các em trong gia đình Uyển Nhi. Tôi tự hỏi, cái gia đình gặp đầy cảnh ngộ như thế có vượt qua nổi không nếu dưới mái ấm ấy không từng ngày vang vang tiếng hát trẻ thơ? Đây là cách giáo dục theo tôi nghĩ những bậc cha mẹ trẻ nên theo và gìn giữ. Hiệu quả tốt của nó khiến tôi khẳng định, nếu Uyển Nhi, không thừa hưởng được sự giáo dục và yêu thương từ bậc cha mẹ như thế hẳn em đã không vượt qua số phận một cách đáng ngưỡng mộ và không thể là một Phạm Thu Dung tài năng như hôm nay. Xin một biết ơn đến bậc phụ huynh của tác giả và trân trọng Việt Nam Yêu Dấu.

Với chỉ trong 3,000 từ và cảm nghĩ của một người, ắt hẳn là có hạn chế khi nhận định tác phẩm này. Tôi biết mỗi người đọc sẽ góp thêm cảm nghĩ của mình, thì bức tranh Việt Nam Yêu Dấu sẽ có được nhiều màu sắc khác lạ, cho dù chủ ý của tác giả khi viết sách chỉ là mong ai đó “… nếu có khi nào, chạnh lòng còn trông lại chốn xưa…”

Nguyễn Thị Khánh Minh
Santa Ana, 14 tháng 5.2015

*Bài Ca Sao, Phạm Duy

Về Tác Giả
    Trong bìa 4 sách, có những dòng tự giới thiệu:
Tôi tên Phạm Thu Dung. Bác sĩ định bệnh là Khuyết Tật Nặng (Severe Disabled/Handicap Grave)
Thuở nhỏ mẹ dạy ở nhà, biết đọc, biết viết và làm vài ba con tính.
Khi lớn, đi học, đi làm. Lúc rảnh tôi thích cầm bút viết, vẽ lăng quăng…
Xin gửi đến bạn đọc Việt Nam Yêu Dấu “… nếu có khi nào, chạnh lòng còn trông lại chốn xưa…”
Thân mến.
Phạm Thu Dung

Về Tác Phẩm
Việt Nam Yêu Dấu, truyện của Phạm Thu Dung
Sách có tranh minh họa của chính tác giả
Nhà xuất bản Sống phát hành tháng 1-2015 tại California
Giá bán: 20 Mỹ Kim

Địa chỉ liên lạc:
Nhà Xuất Bản Sống
15751 Brookhurst St., # 225
Westminster, CA 92683
Tel: 714 531 5362     E-Mail: nhaxuatbansong@gmail.com





No comments:

Post a Comment