Wednesday, May 6, 2015

BỐN ANH EM TRÊN MỘT CHIẾC CÔNG NÔNG



Khuất Đẩu


Xe Công Nông ( Ảnh : Internet)

Xịt khói tùm lum như cháy nhà, nổ cành cạch, cành cạch, ấy là xe công nông.
Cụ thể là: lấy máy nổ của máy cày tay, gắn vào một cái thùng có bánh xe, thêm một cái vô-lăng, thế là làm nên một sự cải tiến tuyệt vời hơn cả xe cải tiến.

Công nông là gọi theo ý Đảng, còn nôm na gọi là xe cọc cạch.

Bốn anh em họ nhà Vẹm sau một cuộc họp gia đình, thấy rằng thời đại công nghiệp hóa mà cứ con trâu đi trước cái cày theo sau là tụt hậu, bèn bán trâu cộng thêm tiền bán ruộng, tậu một chiếc công nông.
Chiếc xe được người chủ cũ ưu ái cầm lái đưa bốn anh em về nhà. Cả bọn ngồi xỏm trong thùng xe, nẩy tưng tưng như con lật đật, sau một hồi nghiêng ngả xiên xẹo, cuối cùng cũng dừng lại được trước sân nhà.
Dù ù tai chóng mặt, họ cũng cố bước xuống xe trong sự thán phục đến nghẹn ngào của bốn bà vợ và trong tiếng reo mừng ầm ĩ của lũ con.
Đêm ấy, sau một bữa tiết canh “nòng nợn” ăn mừng, tục lệ gọi là “rửa xe”, cả bọn lại họp nội bộ để phân công ai là chủ quản, ai cầm lái, ai phụ ếch, ai lo việc giao dịch.
Anh Cả đương nhiên là chủ quản, chẳng những vì được sinh ra trước mà vì cái phong thái nho nhã, dịu dàng ăn nói rất mực. Anh lại có nhiều bằng cấp dù rằng không có bằng lái xe.
Anh Hai, tuy mắt có hơi bị lé, nhưng đã từng vững tay súng chắc tay cày, nên sẽ cầm lái. Dĩ nhiên anh sẽ học lái do người chủ cũ chỉ dạy. Người chủ cũ râu xồm, mắt ốc nhồi, quá mừng vì đã bán tống được cái xe thổ tả cho bốn thằng khùng nên hào hứng nói: “Dễ mà, việc đó nhỏ như con thỏ, để ta lo”.
Anh Ba khéo tay nhiều sáng kiến như kỹ sư, lo việc bơm dầu mỡ và siết bù-loong.
Anh út Tư, ít nói chăm làm, lo phụ ếch.

Thế là xong cái ban quản trị công ty vận tải một thành viên, tên tiếng Việt gốc Hán là Tứ Trụ, tiếng Anh là Tutrumexco.

Anh Hai sau bảy ngày được kèm cặp cũng đã biết nhấn ga đạp thắng, tuy nhiên vì mắt bị lé nên dễ gây tai nạn, phải có người bên cạnh nhắc nhở. Thế là có thêm anh Cả cùng cầm lái bằng miệng. Hai anh em vì vậy, cứ cãi nhau rậm rịch.
Anh Cả thót cả tim khi thấy chú em lái không như ý mình. Anh bảo, “Con trâu thù lù đứng đó sao mày không nhìn nó để tránh mà lại đi nhìn con bò kia”?
“Thì nhìn con bò mới tránh được con trâu chớ, cũng như em nhìn chị Cả, thực ra là em nhìn vợ em. Chị Cả biết thế nên có mắng em hỗn đâu.”
Người anh chủ quản thở dài, nói: “Mày lái kiểu đó trước sau gì cái cơ nghiệp này cũng tan tành”. Người em cãi: “Em nhìn khác anh, nhưng lái đúng đường thì thôi chớ, anh lo làm gì cho mệt.”
“Trách nhiệm của tao quá nặng nề, không lo sao được”, người anh lại than thở.
“Chính vì có anh ngồi bên suốt ngày lải nhải mới là đáng lo. Em muốn bể cái đầu luôn”, người em đâm ra cáu.
Tuy rất lo và bực nhưng dẫu sao, sự kết hợp của việc lái bằng tay và bằng miệng vẫn hơn là chỉ lái suông bằng mồm. Người anh đành chịu nhịn một chút để giữ tình đoàn kết.

Và thế là chiếc xe đúng như tên gọi cọc cạch, nổ máy lạch bạch tiến thẳng trên con đường làng XHCN quanh co, quanh co…
Chiếc xe kêu thì to, thở khói hôi rình, nhưng chạy như rùa bò, nhiều khi siết ga tiến lên được vài mét lại kẹt sao đó phải de lại mấy mét. Lắm khi nó đứng ì như con ngựa trở chứng, có đánh mấy cũng không chịu nhúc nhích.

Đến nước này phải huy động sức của bốn bà vợ và đám con, ra đẩy. Chiếc xe kêu lụp cụp, rùng mình tỉnh giấc, rồi bất ngờ lao tới trước khiến bốn bà vợ và lũ con ngã sấp xuống mặt đường. Bốn bà nằm đó la như bị ai cắt cổ, chỉ có lũ con là đứng dậy chạy theo.

Anh Hai chán nản nói, “Xe cũ mèm, lái nó còn cực hơn kéo cày”.
Anh Cả, người duy ý chí bảo rằng: “Đã là xe là phải chạy. Nó không chạy được là do mình”. Anh khích anh Ba: “Chú mày từng độ được trực thăng mà, đồ này dễ ợt, sửa được chứ gì”.
Anh Ba nói, “Được chớ sao không, chỉ có điều phải tốn thêm tiền để thay đồ phụ tùng”.
Anh Cả bảo, “Được, bao nhiêu cũng cứ mua, miễn là nó chạy. Nó mà không chạy, mất mặt bầu cua với xóm làng mình quá”.

Thế là anh Ba trần lưng ra tháo tung các thứ, bảo cái này hư, cái nọ cũ, cái kia không đồng bộ, phải thay tất. Anh Cả bảo: “Ừ, thay đi”. Anh Ba cười thầm, một mình xuống phố. Anh chẳng mua gì ráo, hết nhậu tới chơi gái chân dài, xong về lau chùi ráp lại, nổ phầm phập.

Từ đó, chiếc xe hễ có bệnh nằm ì, là anh Ba lại có thêm tiền. Anh nghĩ, ngu sao không ăn. Và anh cũng không ngu gì mà ăn một mình. Anh chi chút ít cho anh Hai, để lâu lâu nói với anh Cả nó không chịu chạy.

Chiếc xe chưa chở thuê được món nào đáng giá đã phải sửa tới sửa lui. Các bà xót cái hầu bao lép xẹp đòi bán, nhưng chẳng còn kiếm đâu ra được một thằng nào khờ nữa để mà dụ nó rước cái của nợ này về. Vì thế nó vẫn cứ cọc cạch, ì ạch, ngày nào cũng chạy mà chẳng đi tới đâu.
Trong một cuộc họp kín của bốn anh em (chứ không phải bè lũ bốn tên), anh Cả mệt mỏi thôi cái chức chủ quản, giao lại cho anh Hai. Thế là cùng với việc cầm lái, anh Hai được toàn quyền chạy tới chạy lui. Anh Ba vay thêm tiền thay con heo dầu, nhờ vậy xe chạy cũng tàm tạm.

Thấy thế, anh Hai và Ba định bỏ con đường XHCN ngoặt sang đại lộ TB. Đây là con đường tráng nhựa rộng thênh thang. Có chạy được trên đường này mới mong làm ăn có lãi. Nhưng anh Cả lấy quyền gia trưởng không cho. Anh bảo: “Ngu sao mà chạy ra đó. Trong cái xó làng này thì xe mình là nhứt chứ bẹo ra đó thì ai coi ra gì!”

Mặc kệ, hai anh vẫn cứ muốn ra đại lộ. Anh Cả liền đứng trước đầu xe, dang hai tay ra la làng. Nhưng anh Hai cho máy nổ như đại bác, xịt khói mù mịt khiến anh Cả phải hốt hoảng chạy dạt ra.
Tưởng rằng lên đó sẽ chạy phom phom, nhưng xe quá đông và chạy quá nhanh, anh Hai đâm ra sợ, lúng túng quờ quạng một hồi khiến cái xe lật ngửa.
Nghe tin xe bị lật, chẳng những không buồn mà bốn bà vợ đều mừng.
Mừng vì nó không còn nổ to đến nỗi long đầu mệt óc nữa.
Mừng vì bốn ông chồng, xe ngã mà không ai hề hấn gì.
Và mừng hơn nữa vì lũ con của họ không còn có dịp nào leo lên xe để nó đưa xuống hố.

Tôi cũng mừng vì, ra đường hết sợ công nông/ về nhà chỉ sợ…, mà thôi, nhắc đến mấy bà, tôi cũng phải bớt ngu mà biết sợ vậy. Tức là xin dừng tại đây.

Khuất Đẩu

*Ca dao mới: “Ra đường sợ gặp công nông/ về nhà lại sợ vợ không mặc gì”.
 

No comments:

Post a Comment