Huyền
Chiêu
Sắp đến hè, vào nhà sách tìm mua vài quyển
truyện cho cháu, tôi thật vui khi bắt gặp trên kệ sách một tập truyện mỏng dành
cho trẻ em của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc.
Đã từng đọc những
tác phẩm rất đáng yêu của ông dành cho những người đang bâng khuâng lìa xa tuổi
trẻ để bước vào tuổi chớm già, đã từng cảm
thấy an ủi khi đọc những bài viết cổ xúy cho một tâm thức sống trẻ vĩnh viễn cho những người sắp vĩnh viễn lìa xa cõi đời, tôi hồi hộp chờ
xem ông có thể nói gì với những em bé
lên tám lên mười…
Sách có bìa
thật đẹp. Khen cho họa sĩ trình bày khi vẽ chú bé đang ngồi đọc sách có chiếc
mũi của pinocchio, nhưng rõ ràng mái tóc và chiếc gương cận thị đích thực là hình
ảnh của tác giả Đỗ Hồng Ngọc hồi còn bé.
Bên trong
sách là 7 câu chuyện kể vô cùng hấp dẫn cho trẻ em lẫn người lớn.
Đọc xong tập
sách, tôi nghĩ thật đáng tiếc cho trẻ em khi Đỗ
Hống Ngọc không làm thầy giáo làng mà lại đi làm Bác sĩ.
Ông thật sự là một nhà giáo dục tuyệt vời, một
nhà tâm lý sâu sắc.
“Có một con mọt
sách” là tựa của câu chuyện cổ tích đầu tiên.
Con mọt sách,
trước vốn là một cậu bé ham đọc sách. Cậu mê đọc sách mà quên cả giữ gìn sức khỏe cho mắt
“Đêm trăng
sáng đã đành mà đêm trăng mờ cũng mang sách ra đọc ngoài hiên…”
“mới đầu còn
ngồi ngay ngắn trước án thư, sau nằm dài trên chỏng mà đọc..”
Thiếu nắng,
thiếu gió cậu bé trở nên gầy ốm xanh xao và sau khi bị cha cấm đọc sách :
“Sinh lén cha
trùm kín mền giả bịnh mà đọc”
Tất nhiên là
mắt của cậu bé yếu dần và cậu phải dán mắt vào trang sách mới đọc được.
Một đêm, dưới
ánh trăng hạ tuần vàng vọt, cậu bé đang nằm bẹp trên trang sách, người bỗng thu
nhỏ dần thành một con mọt mải mê bò trên đống chữ.
Tác giả muốn
dạy cho các bé phải biết đọc sách nơi có đủ ánh sáng, trong tư thề ngồi ngay ngắn
và đọc có chọn lựa, không bạ thứ gì cũng đọc. Nhưng nói như thế thì có khác gì
lời dặn dò của thầy cô giáo ở trường. Mà trẻ em thì rất hay quên lời thầy cô. Nếu
biết vâng lời thì không đến nỗi hiện giờ có đến gần một phần ba học sinh trong
một lớp phải mang gương cận. “Thầy” Đỗ Hồng Ngọc đã dùng thủ pháp “hăm dọa”. Trẻ
em có óc tưởng tượng vô cùng phong phú, hay tin vào chuyện đòi xưa hơn lời nói
của cha mẹ thầy cô và nhất là hay… sợ.
Chúng sợ…
ông ngáo ộp, sợ ma, và sợ mình biến thành con sâu, con bướm, con dế, con cào cào… và khủng khiếp biết bao khi mẹ mình không nhận ra mình
còn mình thì không thể kêu lên “mẹ ơi con đây nè…”
“Cá bảy màu”
kể lại chuyện 7 hoàng tử cá tìm cách trổ tài để vua cha nhường ngôi.
Hoàng tử út
xuất hiện sau cùng và có vẻ không muốn tranh đua cùng các anh. Sau khi được
hoàng hậu hỏi han và thúc giục chàng mới
lúng túng cho biết vừa qua chàng chu du tới một nơi xa lạ và ở đây chàng gặp một loài vật hung ác. Chúng có cánh bay
đi hút máu người, và truyền bệnh làm chết nhiều trẻ em. Quái vật này đẻ trứng
dưới nước và chàng đã tiêu diệt bọn chúng khi chúng nở thành những con sâu bơi
lăng quăng.
Cả triều đình
hoan hô và tất nhiên chàng được vua cha trao cho ngôi báu.
Diệt muỗi bằng
cách diệt bọ gậy (lăng quăng) là điều các em cần nhớ.
Trong câu
chuyện này Tác giả đánh vào bản chất mơ làm hiệp sĩ, giữa đường thấy chuyện bất
bình chẳng tha của trẻ em.
Chẳng phải tất
cả trẻ em đều yêu chàng Thạch Sanh chém chằng và ghét gã Lý Thông gian trá?
Trẻ em yếu
đuối là thế nhưng luôn mê say những cuộc
phiêu lưu, những chuyến đi thật xa một mình, không có mẹ bên cạnh như Remi
trong Vô Gia Đình, như Thằng Người Gỗ, như Sinbad….
Biết quá rõ
điều này “thầy” Đỗ Hồng Ngọc đã kể cho các bé nghe cuộc phiêu lưu kỳ thú của
chú lãi đũa từ khi còn là một cái trứng bé xíu cho đến khi biến thành một chú ấu
trùng (vẫn nằm trong vỏ trứng) được đem ra chợ bán kèm với cọng rau mà chú cố
bám chắc vào (truyện Một cuộc du lịch kỳ quái). May mắn là cọng rau ấy là rau
ăn sống chứ không phải rau luộc. Một cuộc phiêu lưu kỳ thú đưa chú lãi con từ dạ
dày sang ruột non, theo tĩnh mạch vào đến gan rồi từ gan bơi lên phổi. Không khí trong lành ấm
áp ở phổi không dừng được bước chân giang hồ của lãi và chú tiếp tục nhoi lên cổ
họng để được một lần nữa lọt xuống dạ dày. Bây giờ chú đã an cư, lạc nghiệp ở
ruột non và
“Chú bèn lập
gia đình và tiếp tục đẻ mỗi ngày hai trăm ngàn trứng lãi”
Ghê quá!
Bài học về
cuộc đời của con lãi thì trong sách khoa học đã có nhưng học trò học mãi không
thuộc. Cám ơn “thầy” Ngọc đã có
cách dạy khác đi để học trò không học vẫn
thuộc bài.
Các bài học
trong “Có chí thì hư”, “Cái mũi để chi”,
“Nghỉ hè, nên làm gì” cũng là những bài
học nhẹ nhàng thú vị mà trẻ em chắc chắn không mệt mỏi khi học.
Tôi thì
thích nhất chuyện “Giếng nước mùa Xuân” vì chuyện này “thầy” muốn dạy các bậc cha mẹ nhiều hơn dạy trẻ em.
Muốn cho con
cái khỏe mạnh và nên người thì nên tập cho con được sống như…con nhà nghèo.
Đứa bé phải
biết đói thì mới biết “khoai lùi bếp
nóng ngon hơn là vàng (*) Đứa bé phải
thích lao động chân tay, phải biết xách nước, bửa củi, phải được chạy nhảy
nơi núi đồi, được tắm ánh nắng chói
chang, hít thở khí trời trong sạch.
Để khỏi ốm o
gầy còm, chán ăn biếng ngủ, để khỏi béo phì, mê ăn mê ngủ nhưng lười vận động,
lười học, đứa bé phải cảm thấy cái hạnh phúc được … đi chăn trâu.
“ai bảo chăn trâu
là khổ
Chăn trâu sướng lắm
chứ
Ngồi mình trâu phất
ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu
ngao” (*)
Miễn là:
"Vui thú không quên học đâu"*
“Thầy” Ngọc
nhắn nhủ: “siêng năng, cần mẫn, không ỷ lại, lười biếng… Sức khỏe là vốn quý nhất
không thể mua được bằng vàng bạc, gấm vóc, bằng sức mạnh quyền uy…”
Và cha mẹ
cũng phải biết tu nhân, tích đức để xứng đáng làm bậc sinh thành của đứa con
hoàn hảo về thể chất lẫn tinh thần.
Điều giản dị
như thế nhưng thực ra rất khó thực hiện trong cuộc sống bề bộn, quay cuồng của ngày hôm nay.
Cám ơn tác
giả của tập sách mỏng nhưng gói ghém rất nhiều bài học tưởng rằng giản dị nhưng
vô cùng cần thiết dành cho các bậc cha mẹ và các bé con thân yêu.
Cũng xin cám
ơn họa sĩ Đỗ Đức Thuận đã có những bức tranh minh họa thật dễ thương làm cho tập
truyện vô cùng ấn tượng..
Đọc xong tập
truyện, tôi tiếc rằng thời tôi còn bé,
tôi không được cầm trên tay một tác phẩm
cho trẻ em đẹp và hay như thế.
(tháng 5- 2015)
Huyền Chiêu
(Nguồn: BS Đỗ Hồng Ngọc gởi)
(*) trong bài hát
“Em Bé Quê” của Phạm Duy
No comments:
Post a Comment