Tuesday, May 5, 2015

MỘT BUỔI SÁNG TỪ CALI XEM HAI BÀI THƠ



Đỗ Xuân Tê

Cuối rừng. Tranh Đinh Cường

Tôi làm thơ không hay nhưng rất thích đọc thơ, mê thơ hơn cả văn. Tôi cũng không để chuyện vì thơ mà tôi mất người yêu ở tuổi  học trò vì kém tài thằng bạn. Gặp những bài thơ hay tôi chịu khó chép tay, và gặp những tuyển tập hay tôi không ngần ngại bỏ ăn sáng để dành tiền mua thơ để đọc. Ở tuổi về chiều, lang thang trên mạng, không gì thú vị bằng gặp được những vần thơ tâm đắc, và cũng không gì vui bằng khi những bài thơ mình đọc lai xuất xứ từ những tác giả thân quen.
 
Sáng nay một ngày đầu tháng năm, trời Cali nắng ấm, nhưng lại đang hạn nặng, rồi đây không biết hoa lá cây cảnh có còn đẹp và nên thơ vốn được thiên nhiên ưu đãi cho cảnh vật miền Tây để khách thập phương còn lưu luyến thăm hỏi Cali, có gì lạ không em?

Thử quay sang miền Đông, vừa uống cà phê vừa gõ Blog Phạm Cao Hoàng, thế nào cũng bắt gặp vài hình ảnh và vần thơ hay, chủ biên cũng là tác giả hai câu, cảm ơn những sáng êm đềm/khói cà phê quyện bên hiên nhà mình.

Gặp ngay hai bài thơ, một của Đinh Cường, một của Phạm Cao Hoàng.

Đinh Cường hình như có thói quen, vẽ ở nhà mình, cà phê thì ra Starbucks và thơ thì hay gửi post trên quán này. Đọc thơ anh có cái thú là được xem cả tranh chính anh minh họa và thú thực nhiều khi tôi phải dành nhiều thời gian để suy nghiệm về tranh hơn thơ. Nhưng bài thơ hôm nay rất ngắn, một khổ duy nhất gồm 4 câu. Ngắn mà lại phải đọc lâu, nhiều lần, hình như không phải chỉ giản dị như tựa bài thơ, Dậy đi lui đi tới mà Đinh Cường muốn gởi gấm một cái gì trong tâm trạng quay nhìn ngày 30-4, rồi như để độc giả dễ hiểu anh minh họa bằng tranh, đề cái tựa Cuối rừng. Ta đọc lại bài thơ,

Chân còn cựa quậy thì đi tới
Đến cuối rừng kia đứng lại nhìn
Trên đốm trời cao xanh mướt lá
Chim hót từ xa rồi lặng thinh

Xin mời bạn đọc cùng giải mã, tôi chỉ xin gợi ý.  Nhìn tranh tuy là nét minh họa trên giấy báo, nhưng nếu triển khai trên bố bằng sơn dầu sẽ thành một bức tranh đầy ấn tượng. Những đốm vung vãi trên giấy in từ một bàn tay nghệ sĩ bậc thầy khai mở một không gian trầm mặc, một con chim độc thoại, đang hót rồi lặng thinh. Hình ảnh một số phận nơi cuối rừng tâm tư ngơ ngác như kẻ đi vào ngõ cụt. Một tổng thể tuy trời vẫn cao lá vẫn xanh chim vẫn hót nhưng một con người đang ở nẻo cuối rừng, không hiểu nổi chính mình đang ở đâu, và số phận trôi về đâu. Tranh minh họa cũng đề 30-4-15 trùng ngày tưởng niệm bốn mươi năm đất nước sang trang.

Cũng có thể do chủ quan tôi diễn nghĩa chưa đúng với tâm ý của tác giả nhưng đọc lại bài thơ ta thấy phải có một ý nghĩa nào đó, đặc biệt hơn những bài thơ của Đinh Cường sáng tác nặng về hoài niệm và mang tính ký sự bằng thơ.

Nay quay sang đọc một bài thơ kế ngay bài trước. Tác giả cũng là chủ biên. Anh vẫn sáng tác nhưng hay dành sân chơi cho bạn bè và khách viếng. Bài thơ tựa đề, Cũng may còn có nơi này, hoài niệm 40 năm nhìn lại từ ngày,

rồi em và tôi đi xa
mang theo hình bóng quê nhà thân thương

rồi bao cay đắng ngọt bùì xẻ chia cùng nhau trên đất khách, hồi tưởng lại những ký ức êm đềm cùng người yêu nơi thị trấn sương mù, tác giả thấy cuộc đời còn may mắn khi  nhìn ra,

cũng may còn có nơi này
có mây có khói có cây cỏ và…
có rừng Scibilia
để tôi còn nhớ chút Đà lạt xưa

cảnh vật có gợi lại những ký ức đẹp và nên thơ của một thời Đà Lạt, một mối tình đầu, một căn nhà nhỏ, các chứng tích của tình yêu, nốt nhạc buồn, gam màu bức tranh cũ, cánh rừng thưa, cây cầu nhỏ, cảnh chiều về, lúc bình minh, hình ảnh quấn quit trong sáng nhưng đam mê của hai tâm hồn trẻ vẫn là những ký ức khó nhạt nhòa dù đang ở nơi này nhưng vẫn mơ về chốn cũ với niềm khắc khỏai khôn nguôi.

Nhưng hạnh phúc nhất là dù tình đời có đổi thay, thời gian có mờ nhạt, nhưng không gian thân thuộc như làng như xóm của những tháng năm êm đềm nơi đất khách vẫn gắn chặt đôi lứa để thỏa lòng thấy,

cũng may còn có nơi này
để tôi còn có những ngày bên em

Nếu Đinh Cường hay minh họa thơ mình bằng tranh thì Phạm Cao Hòang tận dụng năng khiếu như một nhà nhiếp ảnh tài hoa đã dùng góc nhìn của ống kính ghi lại các sinh hoạt, cảnh vật rất tự nhiên, rất đời thường, rất riêng tư, nhưng cũng hết sức nên thơ, ấm áp, có duyên, mặc nhiên dù bài thơ chỉ sáng tác cho mình nhưng khi post lên người đọc người xem càng yêu và mơ ước một nơi chốn như 10 tấm hình minh họa nơi nhà thơ đang ở. Một không gian yên ả của một thị trấn miền Đông có tên Scibilia, rất gần gũi với thôn xóm nơi quê nhà, cũng đường làng mùa xuân, đường làng trong xóm tôi, đường làng mùa đông, đồng cỏ trong xóm tôi, tuyết ở Scibilia, đường làng mùa thu, Scibilia ngày cuối thu…

Thật sự tôi đã đọc cả trăm bài thơ của hai tác giả, đa phần của Đinh Cường trên các mạng văn học, nhưng hai bài thơ này có làm tôi do tình cờ nhưng lại chú ý đặc biệt, có thể vì trùng dịp 40 năm quê hương nhìn lại. Chẳng có chủ đề, chẳng nặng phần quan điểm, chủ yếu là hồi tưởng, hoài niệm một cái gì thân thương đã mất. Một bài nặng về ngỡ ngàng trăn trở, một bài hoài nhớ thỏa lòng, một nhìn về cái gì đã mất, một an ủi những cái đang còn, nhưng cả hai đều nặng lòng với nơi chốn từ đó phải đi xa và càng ngóng trông ngày tìm về chốn cũ.

Một ngày đầy ắp những ký ức buồn, cảm nhận được vị đắng của cà phê đang uống, đọc hai bài thơ, xem tranh, ngắm ảnh, khói cà phê quyện tỏa bên màn hình, nhưng hìên nhà thì quá xa để nhớ.

Đỗ Xuân Tê
May 1, 2015

No comments:

Post a Comment