Friday, March 13, 2015

ĐỌC TẢN VĂN ‘BÓNG BAY GIÓ ƠI’ CỦA NGUYỄN THị KHÁNH MINH



Tô Đăng Khoa

 

Phần 1.   Về Tính Hội Tụ của “Một Tản Văn Dị Thường”
“Bóng Bay Gió Ơi” là tác phẩm thứ chín của Nguyễn Thị Khánh Minh (NTKM) phát hành đầu năm 2015. Đó là tập tản văn mà Phan Tấn Hải gọi là “một tản văn dị thường” trong lời bạt cuối sách. Theo chỗ tôi hiểu, sự “dị thường” đó chính là tác dụng của ngôn ngữ NTKM lên tâm thức của người đọc. 
Thành công NTKM trước hết về mặt mỹ học là cách chọn chữ rất chuẩn xác để lột tả những nét riêng và chung của những cảm xúc phổ quát, thuần khiết, tiềm ẩn trong các mối liên hệ linh thiêng huyền nhiệm giữa người-với-người và người-với-thiên-nhiên. Các tản văn được viết ra đều đẹp như thơ, thâm trầm, nhẹ nhàng, và bay bổng như là “bóng bay gió ơi.” Nhưng ở tầng sâu hơn, sự phối hợp tài tình của những con chữ trong tản văn NTKM đã thành tựu một sự kiện “dị thường”: nó truyền tải những ký ức (rất riêng tư) của NTKM thẳng đến tầng sâu vô thức của người đọc. Tại đó, chúng đánh thức những ký ức rất xưa cũ trong lòng ta, những ký ức mà tưởng chừng đã vĩnh viễn bị chôn vùi trong những bôi xóa của thời gian trong suốt một đời lang bạt.  
Phút này đây, trong tâm thức của người đọc, một tác dụng “dị thường” xảy ra: biên giới của thời gian, không gian bị xóa nhòa.  Ký ức ngủ quên bấy lâu được đánh thức bởi ngôn ngữ NTKM sẽ tái hiện thành cái-đang-là của thực tại ngay trong tâm thức người đọc. 
Phút này đây, thực và mộng đan lẫn vào nhau, ký ức riêng lẻ của tác giả và độc giả sẽ hòa tan trong phối cảnh ngôn ngữ NTKM để trở thành một “ký-ức-chung.”  Nói cách khác, ngôn ngữ NTKM sẽ đánh thức các ký ức trầm ẩn rất sâu tiềm thức của chúng ta và đưa nó về, tái hiện ngay trên hiện tại để cùng với tác giả chiêm nghiệm lại tất cả “cảm xúc phổ quát” của những mối liên kết huyền nhiệm giữa một “thực-tại-người” với “những-cái-còn-lại” của vũ trụ bao la. 
Thành quả đáng kể nhất của các “tản văn dị thường” chính là sự hình thành, và sự gìn giữ lại một “ký-ức-chung”  giữa tác giả và những độc giả có thái độ trân trọng thích đáng đối với giá trị của ngôn ngữ.  Chính cái “ký-ức-chung” này sẽ trở thành mối liên kết huyền nhiệm khác mang ý nghĩa hội tụ. Nó thiết lập ra “ngôi-nhà-chung” và cho phép chúng ta an trú trước cơn “bão cát sa mạc” của thời gian. Nó cho phép chúng ta chỉ trong một-niệm, nhắm mắt lại, khép lại hai hàng mi là có thể kinh nghiệm trở lại  “niềm hạnh phúc có một “nhà quê” để gậm nhấm lúc chia xa…”.   
Sự “dị thường” của việc nhận ra “ngôi nhà chung” này là: Ngay cả ý nghĩa của cái chết, mà bản chất chỉ là một sự chia xa, cũng không làm chúng ta nao lòng được nữa. Vì lẽ? Vì chính ta đã biết được “lối về” của ngôi nhà chung đó, và ta cũng “biết như thật” thế nào là “niềm hạnh phúc có một nhà quê.”

Vì thế, tuy hình thức của bút pháp là tản văn, hiểu theo ý nghĩa phân kỳ, lang bạt; nhưng nội dung của các “tản văn dị thường” này của NTKM lại mang ý nghĩa của hội tụ.  Đó là “sự hội tụ” của một “nhà quê chung” không có phân biệt sắc tộc, biên giới, giới tính, hay tôn giáo.
“Sự hội tụ” này được thành tựu không phải qua các khẩu hiệu ồn ào kêu gào đoàn kết, không qua các cuộc cách mạng đẫm máu, không qua lý luận suy diễn của chủ nghĩa duy lý, duy vật; mà qua của những “cảm xúc chân thật vàng ròng” của các mối liên hệ linh thiêng, huyền nhiệm giữa người-với-người và người-với-thiên-nhiên.
Một tản văn nhưng lại có tác dụng hội tụ rất thần diệu như thế thì thật đáng để được gọi là “một tản văn dị thường!”  Một cách nào đó, với ngôn ngữ tuyệt mỹ và chuẩn xác của mình,  NTKM đã làm cho tái hiện lại trọn vẹn ký ức riêng/chung cho cả chính mình và độc giả với tất cả chi tiết và sự tinh tế đến độ kinh ngạc.
Giờ đây xin bạn hãy thử thả lỏng chính mình và làm y theo lời hướng dẫn cụ thể của tác giả để thử kinh nghiệm ký ức chung đó, tức là bạn hãy khoan thai làm theo đúng trình tự các bước chuẩn bị như sau:
(1) Theo cảm xúc mà đi. 
(2) Nhắm mắt lại.
(3) Phút này đây.   
Và sau đó hãy buông, phó thác cho ngôn ngữ NTKM làm công việc “dị thường” của nó:
“Theo Cảm Xúc Mà Đi”:
“…Nhắm mắt lại. Phút này đây.
… như nghe được hương trâm trâm bên vệ đường rầy xe lửa về quê nội, ai biết được mầu lấm tấm ngũ sắc kia đã cấy trong tôi mùi quyến luyến quê nhà đến vậy. Hễ chìm vào là nghe tiếng xe lửa xập xình, ánh nhìn cô gái nhỏ chạy lùi theo những hình ảnh vụt qua, bụi cây, ngọn núi, chiếc cầu nhỏ, những ô lúa xanh và con mương ốm chạy ngoằn ngoèo theo bờ ruộng. Lại như nghe được cả mùi thơm của đất bùn, đất ải quyện lẫn mùi phân trâu bò, mùi rơm rạ trong nắng trưa. Nếu không có một tuổi thơ gắn bó với mùi hương ấy thì chắc tôi không thể nào cảm được trọn vẹn cái êm ả, bình yên, mộc mạc của một làng quê, không chia được với ai kia nỗi nhớ nhà, không xẻ được với ai kia niềm hạnh phúc có một “nhà quê” để gậm nhấm lúc chia xa…
…và mêng mang hồ sen của một ngôi chùa sư nữ ở cạnh nhà thời thơ ấu, chắp cho tâm linh ta đôi cánh… có phải không trong tiếng tập vần hai chữ nhân ái thấm đẫm hương tinh khiết của cánh sen hồng, và tiếng chuông chùa đi chậm?
… và phổ độ hơn hết trên đời, “ba ơi mẹ ơi!” tiếng gọi đánh thức từng tế bào nhỏ trong thân thể ta, xao xuyến những dòng li ti màu đỏ đang chở nhịp sống. Mỗi bước ta đi là say mê theo mùi hương núm ruột đã một lần cắt lìa khỏi ta trong giây phút nhiệm mầu của khai sinh, “con ơi!” tiếng oa oa cột ta một kiếp người, lặn lội trôi theo…
… có phải hương một lời gọi ủ từ đóa hoa tiền kiếp, tới giờ long lanh nở đá vàng, cùng nhau nắng sớm mưa khuya, “mình ơi!”…
…tiếng hòa âm trong phút giây gọi “bạn ơi!” này bàn tay nắm lại cùng nhau. Ngọn lửa nhóm sáng một vòng quây quần, mỗi lúc chúng ta lại chụm thêm mỗi nụ cười, hương bầu bạn cho ngắn lại đêm thâu đường dài bạn hỡi...”
Sau mỗi tiếng gọi nhau: “ba ơi!, mẹ ơi!, con ơi!, mình ơi!, bạn ơi! bạn hỡi!”, chúng ta như được kinh nghiệm trở lại, ngay trong phút này đây, những “cảm xúc vàng ròng” phổ quát nhất của những sợi dây huyền nhiệm và thiêng liêng kết nối chúng ta với toàn thể sự sống. 
Đó là những tản văn tuyệt mỹ, nó lãng đãng như những “ký ức của bóng.”  Nó bay bay trong gió (ôi “bóng bay gió ơi!”)  trong tiềm thức của ký ức chung/riêng không có thời gian. Tác dụng dị thường của nó là: “chắp cho tâm linh ta đôi cánh… trong tiếng tập vần hai chữ nhân ái thấm đẫm hương tinh khiết của cánh sen hồng”. Chúng ta có nghe được gì không, trong âm vang của “tiếng chuông chùa đi chậm?”
Đọc những tản văn trên tôi chợt có một ý nghĩ:  Ước gì tản văn NTKM được đưa vào các bài tập đọc vỡ lòng của các em học sinh. Cũng như tôi đã từng học thuộc lòng bài tập đọc “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Tôi ước ao các em học sinh của các thế hệ mai sau sẽ biết cách gìn giữ các “ký-ức-chung” hay là “ngôi-nhà-chung” của những cảm xúc phổ quát về các mối liên kết rất huyền nhiệm của nhà quê, của ngôi chùa làng, của cha mẹ, của gia đình, của bạn bè đã được NTKM tái hiện trong những “tản văn dị thường” này.
Tôi cam đoan chắc chắn rằng những tản văn của NTKM nếu được dịch sang các thứ tiếng khác, thì “cảm xúc vàng ròng” đó vẫn không hề thuyên giảm hay mai một. Vì nó là cảm xúc chung mà con người ai ai cũng có. Ai sống  trên đời này mà không có một quê hương? Không có một người cha, người mẹ, bạn bè, người thân?
Giờ đây giữa những xiêu đổ hoang vu của nền văn minh hậu hiện đại, chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ, và giúp cho các hế hệ mai sau của con cháu chúng ta gìn giữ “ngôi nhà chung” cùng với “ký ức chung” đó:
“Căn nhà chung” đó phải chăng là “cái-quý-giá-nhất” trên thế gian này? Nó quý giá đến nỗi Bùi Giáng phải lặn lội trong sanh tử luân hồi từ ngàn xưa trở lại chỉ để trao tận tay cho chúng ta, phó thác cho chúng ta cùng nhau gìn giữ nó? Như là gìn giữ một “bảo bối” giữa sức tàn phá khôn kham của hư vô:
“Đời xiêu đổ từ ngàn xưa anh trở lại
Giữa hư vô, em giữ nhé chừng này”
 -Bùi Giáng

Ôi! Nhà Quê chung!  Xin em hãy giữ nhé: chừng này!


Phần 2. Nguyễn Thị Khánh Minh - Bóng Con Mãnh Điêu Trên Dòng Cảm Xúc
Trong Phần 1, “Về tính hội tụ của một tản văn dị thường” chúng ta đã ghi nhận giá trị “hội tụ” của một “Nhà Quê chung” qua ngôn ngữ có tính chất tái tạo cảm xúc rất sinh động của NTKM.    Trong phần 2 này chúng ta đặt câu hỏi là:  “Do nguyên nhân nào mà NTKM lại viết được như thế? “Bí quyết” của sự thành công của NTKM nằm ở đâu?” 
Thật ra “bí quyết” đó tạm gọi là “bí quyết” mà thực không phải là “bí quyết”.  Với tâm hồn nhân ái và rộng mở như NTKM, nữ sĩ sẽ không bao giờ giữ riêng cho mình “bí quyết” nào.  Không những thế, NTKM còn có chủ ý phơi bày nó một cách rất trang trọng ngay trong tựa đề của bài thứ nhất của tập tản văn.  Bí quyết đó nằm gọn trong năm chữ như là một tấm bảng chỉ đường: “Theo Cảm Xúc Mà Đi”.  Nói cách khác: “sự quan sát tinh tế, như thật các cảm xúc của chính mình” là “bí quyết” thành công của NTMK. Chúng ta hãy nghe chính NTKM nói rõ hơn về điều này trong bài “Thơ ơi”- Ký Ức của Bóng (2013):

“…Lời tôi viết
Là tấm gương soi cảm xúc tôi từng lúc,
Tôi viết nên bài thơ
Chẳng phải bằng con ruồi giả - như người ta câu cá”

(Trích “Thơ ơi!”- Ký Ức của Bóng)

Ở đây điều ghi nhận trước hết là NTKM không  hề có ý khai thác cảm xúc của giác quan thi sĩ trời cho của mình để “câu” độc giả như người ta câu cá. Thi sĩ chỉ viết về cảm xúc thật của mình, trầm tĩnh quan sát nó, không hề bị dòng cảm xúc dâng trào đó nhận chìm hay cuốn trôi.  Không những thế NTKM còn kiên nhẫn lắng nghe ý nghĩa của từng con chữ để chọn từ cho thật thích hợp và chuẩn xác, từ đó khai mở vùng trời hoàn toàn mới lạ cho ngôn ngữ Thi Ca.  Bất cứ ai khi viết với thái độ trân trọng thích đáng như vậy đối với ngôn ngữ, và biết lắng nghe tiếng của từng con chữ, thì thành quả đương nhiên phải tới. Qua các tác phẩm của mình, NTKM đã phơi bày được cốt lõi tinh túy nhất của hoạt động tư duy của con người, tức là thông qua tư duy “mối-liên-hệ-sâu kín-giữa-cảm-xúc-và-ngôn-ngữ” được thiết lập.  Sự thiết lập đó cũng chính là mục đích chính của tư duy: phản chiếu “cái-đang-là” của thiên nhiên, lên cấu trúc quy ước của ngôn ngữ thông qua “sự hội tụ” của các cảm xúc đang được kinh nghiệm trực tiếp trên tự thân. Vai trò của cái gọi là  “thực-tại tự thân” (Heidderger gọi là Dasein) cũng được “tiết lộ” trong tiến trình tư duy này, nó như là một tấm gương soi giữa hai thế giới của cảm xúc và tư tưởng, mà trong đó Dasein là nhân chứng.  Và từ đó, trong các tác phẩm của NTKM, chúng ta nhận thấy mối liên hệ giữa ngôn ngữ và cảm xúc được thiết lập như là “bóng” với “hình” trên “tấm gương nhân chứng” trong veo và rất mực nhân ái của NTKM.
Chính qua “sự phản chiếu” này mà những cảm xúc rất riêng tư, mong manh, nhẹ như cơn gió thoảng của thi sĩ sẽ hóa thân thành chiếc “bóng” đầy màu sắc bay rợp cõi thi ca NTKM. Chính qua “sự phản chiếu” này mà ranh giới giữa mong manh và vĩnh cửu cũng sẽ bị xoá nhòa. 
“Bóng bay gió ơi” nhận thức trên bình diện đó, chính là hình ảnh ẩn dụ cho sự giải thoát của các cảm xúc hữu hạn được cảm nhận trong thân phận nhỏ nhoi của con người vào để hòa nhập vào cái vô hạn và không có thời gian của ngôn ngữ Thi Ca. 
Tư duy, hiểu theo ý nghĩa của “sự phản chiếu” cảm xúc một cách như thật trên ngôn ngữ là điều cực kỳ khó. Nó đòi hỏi rất nhiều điều ở một thi sĩ. Trước hết, đó là thái độ điềm tĩnh chấp nhận vô điều kiện, toàn diện “cái đang là” của dòng cảm xúc. Tức là không có ý định, dù chỉ là mảy may, làm thay đổi, bám víu, hay là xua đuổi các cảm xúc, êm đềm hay khó chịu được cảm nhận trên tự thân. Thứ hai, nó đòi hỏi một thái độ kiên nhẫn, không vội vàng, để sống trọn vẹn trong “phút mong manh giữa những từ” để chọn ra “đôi ba hạt lúa chín” như là những từ ngữ “hột chắc” thật chuẩn xác và có độ phổ quát cao để mô tả các cảm xúc đó.

…Sau vụ mùa
Tôi chỉ đem về nhà được đôi ba hạt lúa chín
Chút màu vàng của nó lấp lánh trên tay
Làm tôi đã vô cùng sung sướng…
Bài thơ hoàn tất, dù là một điểm hẹn quyến rũ,
Nhưng phút mong manh giữa những từ
Lại là lúc đoá hoa đang nở. Đang tỏa hương.
Tôi có gì đâu phải vội.

(Trích “phút mong manh giữa những từ”- Ký Ức Của Bóng)

Chính vì không vội vàng, không bị quyến rũ bởi sự hoàn tất một bài thơ, mà thơ của NTKM lúc nào cũng như một “đoá hoa đang nở. Đang tỏa hương.”   Hương vị Thi Ca và các cảm xúc được chuyên chở bằng ngôn ngữ NTKM trở thành các “cảm xúc đang là” trong  lòng người đọc ngay trong phút này đây.
Nói tóm lại, cái nhìn thấu suốt các cảm xúc vi tế của tự thân và thái độ bình thản, kiên nhẫn, khiêm cung đối với cách chọn ngôn ngữ diễn đạt trọn vẹn nội dung các cảm xúc đó chính là yếu tố thành công của NTKM. Điều này được độc giả tự cảm nhận trực tiếp trên các tác phẩm của NTKM. Qua các tác phẩm đó, chúng ta nhận ra hình bóng của một “con mãnh điêu trên dòng cảm xúc”. Đó là hình ảnh của một con “ó biển” (seahawk) mà không biết có phải là tình cờ hay có chủ ý, hình ảnh con mãnh điêu đó cũng xuất hiện trong chữ “ó” màu đỏ duy nhất trong tựa đề tập tản văn: “Bóng bay gió ơi” toàn màu đen.
Con ó biển là một loại mãnh điêu có tốc độ bay rất nhanh và đặc biệt là đôi mắt rất tinh anh, có khả năng nhìn thấu suốt các loài cá đang bơi dưới dòng nước, ngay cả ở một độ cao trên 1600 mét. 
Cũng giống như thế, NTKM chính là “con mãnh điêu trên dòng cảm xúc” của nhân gian. Thi sĩ có một cái nhìn thấu thị các “cảm xúc đang là” của tự thân.  Thi sĩ cảm nhận được tính cách mong manh dễ tan vỡ của các cảm xúc cho nên đã dùng ngôn ngữ thi ca để “phổ độ” cho chúng thành những “bóng” và thả cho các cảm xúc đó bay rợp cõi Thi Ca của mình.  “Bóng Bay Gió Ơi” là tiếng reo mừng, mang ý nghĩa của một sự ký gởi “cái mong manh” vào “cái vĩnh cữu”.  Sự gửi gấm đó là giấc mơ rất thơ và đầy tính nhân ái của một “con mãnh điêu trên dòng cảm xúc.”

Đối với NTKM thì: “…Lời tôi viết, Là tấm gương soi cảm xúc tôi từng lúc”.  Đó là lý do vì sao tôi mượn hình ảnh ẩn dụ của “con mãnh điêu trên dòng cảm xúc” để nói về thi sĩ NTKM với tất cả lòng biết ơn trân trọng. Thi sĩ nhìn rất rõ các cảm xúc như con ó biển nhìn thấy cá bơi lội dưới dòng nước. Với tốc độ và sự chuẩn xác khó tin, con ó biển lao mình vào dòng nước và quắp con cá bay lên không trung. Cũng thế với sự nhạy bén và chuẩn xác trong ngôn ngữ, NTKM đã quắp chính xác các cảm xúc riêng của mình biến chúng thành phổ quát và thả nó lên vòm trời Thi Ca cho tất cả chúng ta cùng thưởng lãm. Hãy nhìn kìa: “Bóng Bay Gió Ơi”
Trong sự “phơi bày” về cái-đang-là của cảm xúc này, chúng ta nhận thấy rằng “cái-đang-là” được đưa vào trong ngôn ngữ diễn đạt của Thi Ca. Ngôn ngữ Thi Ca trở thành “nhà quê chung” cho “cái-đang-là” an trú. Căn nhà chung của ngôn ngữ Thi Ca này là nơi cư ngụ và “hội tụ” của các hoạt động tư duy con người. Những ai tư duy, và sáng tạo với ngôn ngữ chính là người quản gia của căn nhà chung này.

“Căn nhà chung” đó, còn được NTKM khai triển một cách cụ thể hơn qua hình ảnh “Mái Ấm”.  Hãy nghe lại ngôn ngữ mà NTKM sử dụng để mô tả một “Mái Ấm” đó:
“Ngôi nhà, nơi không chỉ là những người trong một gia đình sống với nhau, mà còn là chia sẻ một cách rất người với không gian đó nữa, làm cho ngôi nhà ngoài hình thức cụ thể, còn có một nội dung “phi vật thể” rất đỗi sống động. Nó có chung với mình những trôi chảy thời gian, hòa cùng nhịp đập mỗi ngày sống, nên nói thật đúng, nó là một người thân, hơn nữa, một người anh cả chở che, và chiếm một chỗ rất đường bệ trong kho ký ức của mỗi người trong gia đình, tôi tin thế… Theo tôi, một ngôi nhà đẹp là ngôi nhà mà khi bước vào, người ta cảm được ngay cái đang là của nó, là khí ấm.”
Xin cám ơn Khánh Minh đã cho tôi một cảm nhận rất cụ thể rõ rệt về “cái-đang-là” của một “Mái Ấm”. Cám ơn ngôn ngữ trong veo của Khánh Minh đã giúp tôi tái hiện lại một vùng “Ký Ức của Bóng”. Và sau cùng cảm ơn Khánh Minh vì tôi đã nhìn thấy “sự giải thoát của Bóng” đi từ cái mong manh hữu hạn đến cái miên viễn không có thời gian trong “Bóng Bay Gió Ơi.”

Califorina 03.11.2015
Tô Đăng Khoa

No comments:

Post a Comment