Nguyễn Thị Huế Xưa
Niệm. Tranh
Đinh Cường
Tôi đang trong phòng hội, cái text message lặng lẽ
chạy trên màn của Iphone khiến tôi bồn chồn “ chị ơi ba em mấy hôm nay đau nhiều
hơn”. Tôi tưởng tượng đến nổi buồn chất ngất trên khuôn mặt của Lệ và cơn đau
đang dằn vặt cơ thể của bác Mai.
Cách đây mới ba tháng, bác Mai, ba của Lệ nhập viện.
Vừa khám phá ra căn bệnh hiểm nghèo thì cũng là lúc bác sĩ cho hay con vi khuẩn
ung thư quái ác đã lan tràn vào những tế bào khác trong người. Sau một thời
gian dài nằm trong bệnh viện, bác Mai về nhà dưới sự chăm sóc của gia đình và
hospice. Lệ là con một, bên cạnh còn mẹ già nên một mình vất và lo lắng cho cả
hai người. Lúc bác Mai ở bệnh
viện, Lệ tơi tả giữa công việc làm buổi sáng sớm, chiều về hầu bên cạnh ba. Thời
gian này Lệ thường cười buồn:
“ Chị ơi,
ai gặp em cũng bảo em trông già hơn cả mẹ em”.
Nhìn những vết
nhăn vô tình trên vầng trán, khuôn mặt
bơ phờ lo âu của Lệ mà tôi bất đổi xót xa bởi âm thanh này nghe quen thuộc
quá vì có một thời khi mẹ tôi ngã bệnh nằm một chổ, tôi cũng chạy đôn chạy đáo
giữa công việc làm và bổn phận lo cho mẹ. Dạo đó tôi mệt mỏi, kiệt sức đến đến
n ỗi bạn bè gặp ngoài đường nhận không ra. Bây giờ tôi nghĩ lại còn hãi hùng và thêm thông cảm cho Lệ.
Một tuần sau
khi bác Mai xuất viện, Lệ text cho tôi :
“ Chị ơi, ba em không dưng khỏe hẳn lại, em mừng
quá”.
Khi tôi đến
thăm thì quả thật trông bác có vẻ khá hơn.
Bác đi đứng chậm rãi trong phòng khách và ăn uống rất ngon lành. Bác gái san sẻ với
tôi:
“ Ông thấy con Lệ đi làm cực quá mà về tới nhà là
lao đầu lo cho ông nên
ông xót xa .
Tôi nói ông đừng lo, miễn là mỗi ngày còn ngồi được đó cho con nó nhìn thấy là
đủ rồi”.
Lệ cười hùa
theo bác gái và nói nho nhỏ đủ cho tôi nghe:
“Đúng rồi đó chị, cực mấy em cũng chịu miễn ba đừng chết là được”
Nhìn nụ cười hồn nhiên và niềm hy vọng nhỏ
nhoi qua đôi mắt quầng sâu thiếu ngủ của Lệ tôi
nhận thấy được tình yêu thương bao la Lệ dành cho ba. Lệ thường nói: Em
cưng ba lắm chị”.
Không “cưng”
sao được khi Lệ tâm sự bác Mai là một người đàn ông lúc nào cũng lo cho gia
đình, chăm sóc vợ con rất chu đáo. Lệ nhớ thuở nhỏ có lần bị bệnh khó thở, bác
Mai đã không ngần ngại há miệng vào hút chất đàm từ mũi ra cho con khỏi nghẹt
thở. Lệ thương mẹ,nhưng rất gần gũi với ba. Bây giờ bác Mai lâm trọng bệnh, Lệ
kiên nhẫn gánh vác những trọng trách trong gia đình, săn sóc cho ba mà không quản
ngại những nhọc nhằn của thể xác và nổi hoang mang, sợ hãi trong tâm hồn. Bốn
giờ sáng Lệ đã thức giậy,lo thức ăn trong ngày cho ba mẹ, sau đó vội vã đi làm.
Bác gái có khi kể:
“Cả ngày ông chỉ chờ con, thấy con gái về ông mừng
lắm”
Dù chỉ là mấy
tiếng đồng hồ trong ngày, nhưng tôi tưởng tượng được sự khao khát, mong chờ từng
giờ, từng khắc của bác Mai để nhìn thấy mặt con, và để nhận được sự vỗ về, săn sóc thương yêu
từ đứa con gái cưng độc nhất. Có những chiều tôi ghé ngang, thấy Lệ đang làm
nhiệm vụ của một cô “y tá” bất đắc dĩ. Tắm rửa, lau chùi cho ba rồi Lệ đem hộp
thuốc rất to với nhiều ngăn đựng, mân mê những viên thuốc màu xanh nhạt, những
viên màu xám và rưng rưng nước
mắt :
“Mỗi ngày em gọi
về cho mẹ nhắc cho ba uống thuốc, hôm nào
ba uống ít mấy viên màu xám thì em rất vui”.
Tôi hiểu Lệ muốn
nói đó là những hôm bác Mai khỏe hơn nên không cần uống thuôc giảm đau nhiều. Hộp thuốc
chia làm bảy ngày, mỗi ngày có những ngăn khá lớn để chứa đủ những viên
thuốc cần thiết không những giúp chống lại cơn đau mà còn làm điều hòa hệ thống
tiêu hóa. Sáng, trưa, chiều, tối, những viên thuốc nhỏ tròn trịa và chiếc giường
nhỏ kê trong phòng khách với dàn giây nhợ từ cái máy chứa oxygen là biểu hiệu
cho sự sống hiện tại của bác Mai. Tôi nhìn thoáng qua cửa sổ, giữa mùa đông lá
vàng rơi ngập mảnh sân sau nhà, làn gió lạnh làm lung linh cây dù màu huyết dụ trong góc vườn. Lệ
thầm thì:
“Chị ơi, lúc ba em khỏe, sân vườn không có một chút
lá. Ba em giỏi lắm chị,một
mình ba quét dọn, săn sóc vườn tược. Lúc đó ba còn trồng cho mẹ những dồng hành vì
ba biết mẹ thích ăn lá hành xanh. Như một linh tính chị à, ba nói với mẹ là tôi trồng cho bà
nhiều hành để mai mốt nếu tôi có chết đi bà ăn hành sẽ nhớ tới tôi”.
Tôi lướt mắt qua bác gái, bà đang ngồi tư
lự ở góc phòng. Từ ngày bác trai ngã bệnh, bác gái sụt cân nhiều và không giấu
được sự bồn chồn, đau buồn trên khuôn mặt rất hiền từ của bác. Theo lời Lệ kể
thì 56 năm rồi hai bác chưa bao giờ rời nhau một bước. “ Đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”. Tôi
lại nhìn cơ thể gầy yếu của bác trai, hơi thở mong manh qua ống oxygen và tự hỏi
liệu bác gái có cam được sự lạnh lùng đơn chiếc khi vắng bóng bác trai trong cuộc
đời.
Hôm nay tôi họp xong vội vã ghé qua nhà Lệ
và khi bước vào thì tình cờ gặp ngay cô y tá và người bác sĩ của hospice. Lòng
tôi chĩu nặng, đoán ngay là tình trạng của bác Mai đang trầm trọng. Mới tuần
trước tôi đến thăm bác còn ngồi ở bàn, chăm chỉ ăn thịt gà do Lệ nấu và còn
khen ngon. Bây giờ thì bác nằm đó với nổi đau oàn oại trên cơ thể. Hai chân bác không cử động được, cái cục
bướu quái ác kia có lẽ đang đè lên xương sống. Lệ cố gắng xoa bóp chân cho ba,
bác gái đi tới đi lui như người không hồn. Cô y tá bảo Lệ cho bác Mai uống thêm
thuốc giảm đau. Bác ráng nuốt viên thuốc nhỏ với nhiều nổ lực. Bao nhiêu thuốc
cũng không làm giảm được sự đớn đau bất tận bác đang chịu đựng. Bà bác sĩ đề nghị đưa bác vào nhà thương và
bác bằng lòng ngay. Tôi biết bác đang trải qua một cơn đau khủng khiếp nhưng
chưa bao giờ tôi thấy bác tỉnh táo bằng lúc này. Tôi bắt gặp sự khát khao tuyệt
vọng của một người đang vật vã chống chỏi với cơn đau và niềm hãi sợ trước cái
chết đang đợi chờ trong ánh mắt của bác.
Cơn đau tiếp tục dằn vặt bác và cô y tá đang vội
vã làm thủ tục cho bác nhập viện. Trong khi Lệ luýnh quýnh soạn đồ đạc để theo
bác Mai vào nhà thương thì
tôi chỉ biết làm một chuyện rất nhỏ nhoi lúc đó là nắm tay
bác thì thầm “ hai bác cháu
mình niệm Phật nghe bác”. Bác mệt mỏi gật đầu. Bàn tay tôi nằm giữa hai bàn tay
khẳng khiu, yếu ớt của bác, và trong hơi thở thì thào qua làn oxygen, bác và
tôi cùng niệm “ Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Bác nhắm mắt,
miệng đọc kinh đều như một lời cầu khấn cho sự yên lành vào phút chót của cuộc
đời. Tôi quay mặt nhìn qua cửa sổ giấu làn nước mắt và bỗng dưng nhìn thấy một
chiếc lá màu đỏ úa bay qua song cửa, nhẹ nhàng rơi trên nóc chiếc dù đỏ trong
sân. Hơi thở của bác bắt đầu mệt nhọc, tôi nói nhỏ vào tai bác “ bác nghỉ một
chút đi, để cháu niệm kinh cho bác được rồi”.
Bác ngừng đọc kinh và hỏi “tôi sắp vào nhà thương?”. Tôi nói với bác là
đang chờ xe cứu thương đến và nói thêm “ bác ráng dưỡng, hôm nào khỏe về nhà
cháu lại đến thăm bác”. Khi nói xong tôi biết mình đang nói dối với bác và lời
nói dối đó cũng là lời giã biệt của tôi với bác để mong bác được về chốn bình
yên, một nơi chốn mà khi bác đứng núp sau làn mây trắng bác sẽ xóa hết được nỗi
đau của kiếp người. Bác thì thào cám ơn tôi. Ôi, lời nói cuối cùng tôi nghe được
từ bác làm tôi không ngăn được dòng nước mắt.
Trước khi ra về,
tôi ôm nhẹ vai bác gái, dặn dò Lệ
hãy ở bên bác trai đêm nay khi bác vào
nhà thương. Dĩ nhiên tôi không cần dặn dò thì Lệ cũng sẽ làm như vậy vì Lệ vẫn
thường nói “em cưng ba lắm mà chị”. Chuyến
xe cứu thương được khẳng định là đến đưa bác vào bệnh viện lúc bảy giờ rưỡi tối.
Bảy giờ mười ba phút, tôi nhìn đồng hồ, thấy lòng nao nao nên gọi cho Lệ, được
Lệ cho biết là cơn đau của bác hơi lắng lại và cả nhà đang chờ xe tới. Tôi lập
lại những lời nhắn nhủ bâng quơ và để nghe trong tiếng “dạ” nghẹn ngào của Lệ
vương vấn lời ước nguyện “ ba ơi… ba đừng chết”.
3:44 am, tôi nhận cú điện thoại của Lệ “chị
ơi, ba em mất rồi”. Tôi ra bàn thờ Phật, thắp nhang khấn nguyện cho bác thanh
thản về yên nghỉ nơi chốn vĩnh
cữu khi trong thâm tâm tôi còn loáng thoáng lời van xin thảng thốt của Lệ
:“Ba Ơi… Ba Đừng Chết”.
Để tưởng nhớ bác Mai vào ngày thất tuần
NTHX
3/14/2015
No comments:
Post a Comment