truyện
ngắn Nguyễn Âu Hồng
Ngỗng trời Canada
Mũi
tên ấy đã được bắn bởi một tay thiện xạ. Cung thủ đã nhắm đúng đích và mũi tên đã ghim đúng tọa độ là giao điểm giữa đường ngang của vòng cổ và đường dọc nằm giữa đầu và
cánh của con vật. Mức độ chính xác gần như tuyệt đối. Nhưng con vật bị nạn, một
con ngỗng trời Giant Canada Goose bị trúng tên, đã không gục ngã. Nó giật mình,
đạp chân vỗ cánh bay lên...Chuyện gì vây?... Với chiếc cổ bị một mũi tên xuyên
ngang lủng lẳng, mới nhích lên khỏi ngọn cỏ, nó đã đâm đầu chúi nhủi xuống đất...Đây
là lúc chó săn ngỗng bắt đầu làm nhiệm vụ. Đã qua các khóa huấn luyện và đã nhiều
năm kinh nghiệm, con Joker lao tới, săn lùng con ngỗng- bị trúng tên thường lẩn
trốn quanh quất- tìm ra, nó ngoạm vào khâu cánh, tha về. Joker là tên con chó.
Nó là con nhà tông thuần chủng chó chăn cừu Border Collies được một trung tâm
chuyên về Border Collies ở Ohio huấn luyện trở thành một con chó đuổi ngỗng lý
tưởng, một Master goose control dog. Nó mạnh hơn rất nhiều so với tầm vóc trung
bình, thông minh, có năng khiếu bẩm sinh đặc biệt và có sức làm việc bền bỉ.
Nhưng lần này cả ông chủ Lou Calakmul và chó Joker đều bị bất ngờ. Với bản năng
sinh tồn và với sự can cường của một đầu đàn, con ngỗng bị nạn đã lập tức đứng
dậy, giữ thăng bằng rồi tiếp tục vỗ cánh bay lên... Tuy không bay được cao, chỉ
lướt ngang đầu ngọn cỏ, và bị rớt xuống đất xiểng liểng nhiều lần, nhưng với
nghị lực phi thường nó đã thoát khỏi sự săn lùng của chó nghiệp vụ. Ra tới bờ hồ,
với chiếc cổ gúc gắc vì vết thương và vì vướng mũi tên, nó lao xuống, đập cánh,
quơ chân lướt nhanh trên mặt nước trông như một chiếc ca-nô đồ chơi điều khiển
từ xa, chẳng bao lâu đã mất hút...
Con Joker đủ thông
minh để biết có lao xuống nước tiếp tục cuộc săn đuổi cũng vô ích nên không cần
còi lệnh thu quân, nó đã tự động quay về. Ngồi trên ca-nô với chiếc máy phụ nhỏ
xíu (máy chính đã hỏng) ông Lou Calakmul chỉ biết nhìn theo con vật cách vô vọng.
Rồi ông uể oải đi gom mấy con ngỗng mồi, chuẩn bị cho ca-nô chạy về.Trên đường về cả chó và người đều không vui. Joker không
vui vì đã không tóm cổ được con ngỗng, không xứng đáng là con chó đuổi ngỗng bậc
thầy (a master goose control dog). Nó vẫn chưa hết ngạc nhiên về những gì đã xảy
ra. Nó không hiểu với sức sống siêu đẳng nào, với nghị lực ngoại hạng nào mà một
con ngỗng với mũi tên đã xuyên qua cổ còn lướt nhanh như bay trên cồn cỏ và
trên mặt hồ.
Ông
Lou Calakmul không vui vì một chuyến đi săn thất bại. Ông thường bắn ngỗng trời
Canada loại Branta Canadensis tức loại nhỏ con hơn, chỉ thỉnh thoảng mới nhắm
bắn một vài con Maxima tức loại to con nhất thường được gọi là Giant Canada
Goose, mà đâu có lần nào tệ hại như lần này. Những lần trước, theo phản xạ tự
nhiên con vật cũng giật mình tung cánh bay, nhưng chỉ vừa lên cao ngang đầu ngọn
cỏ là rớt xuống như một bị thịt rồi lủi vào đâu đó, chưa từng thấy con ngỗng
nào ngóc đầu lên bay tiếp và lướt nhanh, dù là ngỗng Maxima. Ông lái ca-nô, thấy
trong người bực bội khó chịu. Cái cảm giác sung sướng đê mê khi mũi tên lao ra
khỏi cung và ghim vào đúng đích nhắm, đúng mục tiêu, đã tan biến đâu mất, còn lại
chỉ là sự ngột ngạt, bức rức. Ông vẫn nghĩ về con ngỗng, mặc dù ông muốn cắt đứt
không nghĩ gì về nó nữa. Với một mũi tên xuyên qua cổ và cứ lúc lỉu mãi, con vật không thể tự kiếm ăn, đã vậy, khi ăn
chắc gì nuốt xuống được. Biết đâu mũi tên đã cắt đứt hoặc chèn cứng cuống họng.
Bên cạnh việc phải chịu sự đau đớn vì vết thương, vì mũi tên, nó sẽ còn bị cái
đói dày vò. Nó sẽ chết trong một lùm bụi nào đó hay chết nổi xác trên mặt hồ.
Nhưng nó không chết ngay mà chết dần chết mòn, chết cách chậm chạp, chết từ từ.
Trên
đường về, ông Lou Calakmul vẫn không thể ngăn đầu óc thôi đừng nghĩ gì về con
ngỗng. Sinh ra và lớn lên trong một môi trường xã hội mà người ta không ăn thịt
chim bồ câu vì nó là biểu tượng của hòa bình, ông được giáo dục để biết yêu
chim thú, biết sống hòa mình với thiên nhiên. Trong một môi trường xã hội mà việc
xích chó chặt dây gây thương tích là tội hình sự,
giận dữ tát tai chó bị đưa ra tòa (trường hợp một vận động viên của đội bóng rổ
Portland), đấu chó bị tù hai năm (trường hợp vận động viên football Michael
Vick), ông được giáo dục để không phạm tội hành hạ thú vật - animal cruelty. Vậy
mà giờ đây ông đã làm cho một con vật phải chịu đói, chịu đau đớn, chịu chết dần
chết mòn, chết cách chậm chạp, chết từ từ !
Về
đến nhà, con chó Great Pyrenee to bự tên Cobra chạy ra vẫy đuôi mừng, Lou
Calakmul xoa đầu vỗ lưng nó đáp trả rồi vội vàng cởi giày, cởi áo jacket phóng lên lầu. Vào phòng ngủ của hai vợ chồng,
Calakmul rất vui khi thấy vợ ông không nằm trên giường xem T.V. mà đang ngồi đọc
sách. Ông hôn vợ rồi đi chuẩn bị buổi
trưa. Nancy, vợ ông bị stroke đã gần hai tháng nay. Từ ngày Nancy lâm trọng bệnh,
Lou phải ngưng cái “hobby” là niềm đam mê của ông- ngưng đi săn. Ông muốn dành toàn
tâm toàn ý vào việc giúp đỡ, chăm sóc nàng. Nancy đã trao thân gửi phận cho
ông, đã dành gần trọn một đời để hết lòng yêu thương gắn bó cùng ông. Nàng đã
nghe theo nhịp đập đắm đuối của trái tim mình, một trái tim ngây dại vì tình,
đã từ bỏ gia đình, lễ giáo để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Bù lại, nàng đã
hưởng được hạnh phúc lứa đôi, đã sinh con đẻ cái, đã cùng ông tạo dựng một gia
đình đầm ấm... Ông sẵn sàng hy sinh tất cả những gì đã có được và cả quãng đời
còn lại để cứu nàng, để nàng được khỏe mạnh, lành lặn ; để ánh mắt yêu đời của
nàng ánh lên mỗi sáng mỗi chiều, để nụ cười cởi mở của nàng vang lên trong ngôi
nhà có đến bốn phòng ngủ mà giờ đây chỉ có cặp vợ chồng và hai con chó ra
vào...Gia đình Nancy đành đoạn ngăn cấm tình duyên, chia cắt lứa đôi chỉ vì
nàng đã yêu ông, một thanh niên gốc Latino, cả cha lẫn mẹ đều từ Guartemala,
Trung Mỹ, nhập cư vào Hoa Kỳ. Họ còn phản
đối quyết liệt hơn khi biết chút ít về tên họ của ông. Nói đúng ra (cho thật rõ
ràng) là họ đã hốt hoảng khi biết họ Calakmul là
một trong hai dòng họ lẫy lừng nhất trong lịch sử cổ xưa của Trung Mỹ. Cha mẹ
Nancy và các chức sắc trong giáo khu nơi
gia đình cô đã sống qua nhiều thập niên đều thật sự tin rằng tổ tiên của
Calakmul là những người Maya hiếu chiến, rằng dòng họ Calakmul đã thống trị và
sử dụng hàng chục bộ tộc nhỏ hơn làm quân chư hầu tàn sát những bộ tộc khác, những
bộ tộc nằm dưới sự chỉ huy của dòng họ Tikal thù địch...Đó là chuyện cổ xưa, nhưng những người đan
tâm chia rẽ tình duyên không cho là cũ. Họ còn lấy câu tục ngữ “what’s bred in
the bone will come out to the flesh” ra để giải thích với nghĩa chê bai “nòi
nào giống nấy”. Nòi nào giống nấy, cái nòi giống hiếu chiến. Mà cũng thật xui xẻo:
vào thời điểm số mệnh sắp đặt cho Lou và Marina tìm đến nhau, dun đẳng1 lại cùng lúc truyền thông Hoa Kỳ đồng loạt và liên tục đưa tin về người
Maya và nền văn minh Maya. Dù đề tài khá khô khan, giới truyền thông vẫn tìm mọi
cách thu hút sự chú ý của công chúng và đã thành công. Các trang đầu báo in chạy
những tít lớn:
-Do đâu một nền văn minh yêu hòa bình, biết sống hòa mình với thiên nhiên bỗng
chốc lại biến mất, như nền văn minh Maya?
-Nguyên nhân nào dẫn đến sự diệt vong của nền văn minh
Maya?
-Nền văn minh Maya lên đến đỉnh cao rồi đột nhiên biến mất,
vì sao?
Những
khám phá làm đảo lộn mọi truyền thuyết về nền văn minh Maya khiến các nhà
nghiên cứu phải ngỡ ngàng… “Truyền
thuyết của một xã hội Maya yêu hòa bình và thiên nhiên tan tành trong chơp mắt.
Họ không biến mất trong một cuộc động đất khủng khiếp, không chết vì dịch bệnh
lan tràn, cũng chẳng bị một nên văn minh khác tiêu diệt.
“Sự thật đơn giản hơn nhiều: chính người Maya tự đưa nhau đến chỗ diệt
vong.
“Người Maya là một dân tộc vô cùng hiếu chiến.
“Cuộc sống của họ được đánh dấu bằng những nghi lễ tàn bạo và liên miên
chìm trong chiến tranh đẫm máu.
“Nền văn minh Maya không tan rã đột ngột mà là một quá trình đau đớn và chậm
chạp. “Ngoài việc tàn sát lẫn nhau người
Maya còn tàn phá rừng nhiệt đới dẫn đến sự cạn kiệt môi trường sống. Cuối thế kỷ
9, nước cạn khô trong các kênh rạch, nước
ngầm rút sâu đến 150 m...
Cái chết từ từ của người Maya đã được giải thích.”2
Những
khám phá trần trụi và đau đớn về người Maya và nền văn minh Maya chỉ nhằm phục
vụ sự thật, xa hơn một chút là lời cảnh báo kiểu “ôn cố tri tân”. Nhưng những đám mây kỳ thị quá bảo hòa
còn lởn vởn trên bầu trời Hoa Kỳ, gặp bụi xúc tác thích hợp đã nhanh chóng tụ lại,
đã gây nên giông bão tại một số nơi, gây khó cho một số người mà Calakmul có lẽ
là một trong số những nạn nhân khốn khổ nhất. Do thiếu thiện cảm với dòng họ
Calakmul hiếu chiến, Calakmul hậu duệ là anh gần như bị cả cộng đồng quay lưng.
Một tương lai đen tối, một tình yêu vô vọng. Đất nước với những cơ hội bằng
vàng luôn rộng mở mà thế này sao! Giấc mơ Hoa Kỳ lại tan thành mây khói kiểu
này sao! Những khuôn mặt lạnh lùng như băng đá, những cái nhìn thiếu thiện cảm,
những con đường dẫn về phía chân trời hun hút...Anh có thể phiêu lưu trên những
con đường đó, nhưng anh không thể ra đi mà không có Nancy. Anh đang trăn trở
trong sự ngột ngạt khó thở thì chính Nancy đưa ra giải pháp. Cô nàng đề nghị
cùng anh trốn đi. “Nếu thật lòng yêu nhau và dám hy sinh cho nhau thì ở bất
cứ đâu trên đất Mỹ này các cặp đôi đều có thể tạo dựng cuộc sống và mưu cầu hạnh
phúc.” Nancy nói câu nói đó với ánh mắt yêu đời rực sáng và kết thúc với một nụ
cười tươi tắn cởi mở. Không cần dài dòng ai cũng biết linh hồn Lou Calakmul đã
được cứu rỗi như thế nào. Hỡi những cặp đôi đang yêu nhau đây đó trên nước Mỹ,
hãy nghe rõ câu nói này của Nancy mà mạnh dạn nắm tay nhau đi về phía trước. Mở
rộng hơn, câu nói của Nancy có thể trở thành chân lý phổ quát nếu xóa bỏ biên
giới quốc gia. Có thể được không, có hy vọng gì không? Thì cứ thử xem sao! Hỡi
những cặp đôi đang bị các luật tục hà khắc ngăn cấm, những cặp đôi đang bị các
thành kiến hẹp hòi chia cắt, hãy học nằm lòng câu nói này của Nancy mà bung phá
vòng vây kềm tỏa, mạnh dạn nắm tay nhau đi về phía trước.
“Nếu thật lòng yêu
nhau và dám hy sinh cho nhau thì ở bất cứ đâu các cặp đôi đều có thể tạo dựng
cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc”. Nhớ đến câu nói đó của Nancy và những thách thức
với đôi chim non lần đầu tiên khám phá bầu trời, vừa mừng vừa run, lo âu khấp
khởi, Lou Calakmul bỗng thấy lòng mình tràn ngập tình yêu thương. Không dằn được,
anh bước lên lầu ôm hôn Nancy, môt nụ hôn thật sâu trước khi dìu cô khởi đầu
bài tập physical therapy. Không phải như những cô y tá chỉ có sờ tay sờ chân bước
tới bước lui, anh dìu Nancy quay trái quay phải và đặc biệt là đi ngang -đi
ngang kiểu cua bò để cơ thể phản xạ nhanh và giữ được thăng bằng trong tư thế
hơi có phần chong chênh. Đây là sáng kiến của riêng anh và anh hết sức vui mừng
khi thấy Nancy xoay xở, lui tới lẹ làng và uyển chuyển như một vũ công. Vậy là,
qua gần hai tháng, chính xác là 57 ngày, Nancy đã hoàn toàn chiến thắng căn bệnh
hiểm nghèo. Nancy thường ắp tượng Chúa lên ngực mà cầu nguyện, còn Calakmul,
anh chỉ biết thì thầm bên tai nàng: “Rồi em sẽ qua khỏi, sẽ trở lại như xưa, tin anh đi, chúng
mình ở hiền gặp lành”. Anh tin vào hơi ấm kỳ diệu của tiếng thì thầm và hơi ấm
mang sức sống lấp đất vá trời từ đôi bàn tay anh. Và Nancy đã qua khỏi, đã gần
trở lại như xưa. Các bác sĩ và y tá khen Nancy có ý chí vượt khó và quyết tâm
kiên trì trong luyện tập. Họ quên một người đã góp phần
không nhỏ vào kết quả trị liệu, một người đêm đêm ngồi bên giường bệnh hết bóp tay bóp chân bên này lại đổi sang bên kia, lặng
lẽ và rất mực dịu dàng. Rồi dìu đỡ, giúp ăn uống, thay quần áo, làm vệ sinh cá
nhân...Họ quên rằng nếu anh không kiên cường, không đứng thật vững thì Nancy lấy
đâu chỗ để nương tựa, để tập đi dọc, để bước đi ngang. 3
Con
trai đi làm ăn xa, hai cô con gái đi học xa; bà con phía nàng thì lạnh nhạt, bà
con phía anh và bạn bè anh tuy thường lui tới thăm hỏi nhưng cũng chẳng giúp được
gì nhiều. Chỉ có mỗi Calakmul là chỗ để Nancy cậy nương. “Bởi
vì chỉ có anh là em cần đến”3. Bởi vì em đã cứu rỗi linh hồn anh. Bởi vì em đã theo anh
suốt ba mươi năm giong ruổi đường đời, thì giờ đây trong cơn hoạn nạn, anh phải
theo em. “Theo em như suối về sông rộng, sông chở phù sa như tình
em”3.Theo em để nâng niu, dìu đỡ. Theo em để truyền hơi ấm qua
tiếng thì thầm, truyền sức sống qua đôi bàn tay, truyền niềm tin và hy vọng qua
ánh mắt giàu nghị lực. Mà huyền diệu thay, trong những giây phút đen tối nhất ở
phòng cấp cứu, khi Nancy còn hôn mê, anh đã cảm ứng được hương thơm từ linh hồn
nàng để vẫn nuôi niềm hy vọng, để vẫn bạo gan hy vọng. Rồi tiếp theo là những
ngày đêm tận tụy. Cũng may là trời đất không phụ lòng người...Phần Nancy, cơn
bão stroke giúp cô nhận thức sâu thêm về tình yêu, về tình nghĩa vợ chồng, rằng
tình yêu đích thực càng qua “muối mặn gừng cay”, càng qua thử thách, thì càng bền chặt, và cô cảm tạ ơn
Thánh Chúa đã cho cô có được Calakmul, cảm tạ vô vàng.
Cách
đây mấy hôm, hứng khởi với trời xuân nắng ráo, Nancy đòi đi theo Calakmul lên
khu nghỉ dưỡng Green Mountain nơi cô là một điều dưỡng viên thường trực, trước
khi bị stroke. Những cụ bà tốt bụng đợi sẵn với những vòng hoa trên tay, thấy
Nancy với cây gậy trợ lực tự xuống xe bước đi, đã ào tới choàng vòng hoa hớn hở
chúc mừng. Lou bước bên cạnh Nancy để cảm ơn mọi người và cũng có ý để Nancy vịn
tay, nhưng mầu nhiệm làm sao, cô đã tự đi đứng một mình, không một chút khập khựng.
Lou yên tâm để Nancy ở đó, chào và cảm ơn quí bà một lần nữa rồi dẫn hai đồng sự
đi làm nhiệm vụ. Như thường lệ, Joker phóng xuống bãi cỏ ra hướng hồ nước để
xua ngỗng trời, còn Cobra thì phóng lên hướng rừng để xem có đám chó ngao
cayotes nào dám lai lãng hay không. Nếu không có Joker thì ngỗng trời với những
đàn lớn sẽ vặt hết cỏ và sẽ phóng uế gây ô nhiễm cả bãi cỏ lẫn hồ nước (một con ngỗng
phóng uế từ một đến hai pounds mỗi ngày). Hơn nữa, cúm gia cầm đã từng xuất hiện
lẻ tẻ ở Mexico và Canada làm cho một số người Mỹ nhất là những ông già bà cả
không có hứng thú tiếp xúc nhiều với chim thiên di. Còn chó ngao, tuy chưa có
trường hợp nào tấn công người, nhưng các cụ ông cụ bà vẫn không yên tâm khi ra
ngồi sưởi nắng trên các băng đá mà lại thấy mấy cái đầu chó ngao cứ lấp ló nơi
bìa rừng gần đó. Đã vậy, nếu không xua đuổi chúng đi thật xa thì đêm đến chúng
còn bạo dạn kéo nhau ra những bãi cỏ quanh khu nghỉ dưỡng, tru tréo nghe đến rợn
người.
Trong
lúc Cobra và Joker đi tuần tra thì Lou đi kiểm tra các thiết bị, thay pin, thay
bóng đèn. Những thiết bị thân thiện với môi trường này phát ra một từ trường
giúp xua đuổi ngỗng trời, vịt trời,chồn, cáo, chó ngao...vào ban đêm khi ba
thành viên của Công ty Animal Sherif Inc đã về nhà ăn no ngủ kỹ. (Trong hồ sơ
trả lương, Cty Animal Sherif Inc ghi Cobra và Joker là nhân viên hẳn hoi, chứ
không ghi là thành viên hay cộng sự viên). Joker là giống chó chăn cừu được huấn
luyện để trở thành chó đuổi ngỗng, còn Cobra là một con chó núi được huấn luyện
để đuổi chó rừng kiêm cận vệ, giữ nhà. Quê cha đất tổ của Cobra ở tận dãy núi
Pyrene nằm giữa miền bắc Tây Ban Nha và miền nam Pháp. Cobra thuộc giống chó
Pyrenean Mountain dog, ở Mỹ được gọi gọn là Great Pyrenees. Giống Great
Pyrenees là giống chó to con, nặng cỡ 100 pounds (cái) và 120-130 pounds (đực),
nhưng nó đuổi được chó ngao cayotes không chỉ vì to con mà chính vì nó có tướng
tinh của hổ báo. Đơn độc một con Great Pyrenee thôi khi nó dựng lông bờm lên rồi
vừa nhe răng gầm gừ vừa trừng mắt xông lên thì cả đàn chó ngao cayotes phải hoảng
sợ bỏ chạy.
Khi
Lou cùng với Joker và Cobra quay lại xe, Nancy và các cụ bà vẫn còn xúm xít
chuyện trò rôm rả. Lou và hai cộng sự còn phải làm nhiệm ở các sân golf bên kia
núi nên để Nancy tự chọn lựa. Cô chào quí bà rồi cùng ra xe với chồng. Cô như
con chim vừa được sổ lồng muốn bay thật nhiều cho thỏa. Nhưng cô không thể đi
theo Lou, càng không thể đi theo Joker hay Cobra. Chỉ còn cách đưa cô vào Golf
club uống chút gì trong lúc chờ. Nhưng... khi hai vợ chồng chuẩn bị bước lên
hiên thì những người bạn của Lou chận lại rồi những chai champagne chúc mừng được
bật nút phun sương trắng xóa mù mịt cả một khoảnh sân. Nancy và Calakmul đứng
chết điếng trong niềm hân hoan. Thật sung sướng! Thật hạnh phúc! Đúng là một ngạc
nhiên thú vị vì hai vợ chồng không hề báo với ai ở Golf club biết là họ sẽ đến.
Tình bạn làm cho họ cảm thấy cây đời tươi xanh quá, cuộc sống này đáng sống
quá.
Về
đến nhà Nancy vẫn chưa hết phấn khích. Với chiếc gậy trợ lực, cô đi lòng vòng
khắp nhà, mở tủ lạnh, mở tủ đông lạnh, mở tủ đựng thức ăn khô, tủ đựng rượu...xem
xét kỹ như một bà mẹ chồng khó tính. “Anh làm việc nội trợ không thua gì một phụ nữ đảm đang.
Good job!” . Cô đến bên chiếc giường sắt do bệnh viện đưa tới, chiếc
giường mà cô đã nằm từ lúc xuất viện và nhiều đêm Lou đã túc trực bên cạnh, vỗ
vỗ lên thanh sắc đầu giường, nói gọn một tiếng “by”. Rồi cô dụi đầu vào ngực chồng
thầm thì: “Anh yêu, anh làm ơn giúp em một việc, được không?”
. “Anh sẵn sàng, luôn
luôn sẵn sàng.” . “Em muốn nằm trên chiếc giường của hai vợ chồng mình. Xin
vui lòng dìu em lên” . “Được thôi, nhưng em phải đợi anh dọn dẹp. Chiếc giường ấy
bấy lâu nay bỏ hoang, anh đã phủ một tấm nhựa để che bụi”
. “Anh cứ dìu em lên.
Trong lúc anh dọn giường thì em tắm. Em muốn mọi việc trở lại như cũ”. Lou dìu Nancy lên lầu, theo cô vào buồng tắm định giúp
cô thay đồ, nhưng cô ngăn lại. Cô đã có thể tự thay quần áo, tự mình tắm rửa. Tắm
xong, Nancy ra nằm trên giường giang tay giang chân, chặp lâu mới đưa hai tay
đón anh Lou Calakmul yêu quí như vàng như ngọc vào lòng.
Ngoài
các khu nghỉ dưỡng và sân golf quanh chân núi Green Mountain, công ty còn giao
cho đội của Lou nhiệm vụ tuần tra các khu nghỉ dưỡng và sân golf quanh hồ
Cascade Locks. Vào thứ hai và thứ sáu hàng tuần, ông Lou Calakmul lái xe chở
hai đồng sự là Joker và Cobra đi về trên xa lộ I-14, qua Columbia River Gorge,
Cape Horn, Beacon Rock...là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng Tây-Bắc
Hoa Kỳ. Lou đã quá quen với những danh thắng này, nhưng chiều hôm qua trên đường
về, một hiện tượng thiên nhiên đã gây cho ông sự chú ý. Trên đường đèo dọc bờ
sông trời quang, rừng thông xanh ngun ngút vậy mà dưới sông sương mù đọng trắng
như sữa. Lou dừng xe lại Cape Horn là điểm duy nhất có chỗ đậu xe trên đèo, chụp
mấy tấm hình. Sương mù từ các khe vực của dãy Cascades tuôn chảy như thác, đổ dồn
xuống sông Columbia. Chụp hình xong Lou còn nấn ná nhìn lớp sương mù vừa dâng
lên vừa trôi chảy ào ạt như lũ quét,
thoáng cái đã tràn lên tới chỗ anh đứng.
Trở ra xe, Lou phải chạy chậm hơn mức quy định vì tầm nhìn bị hạn chế.
Xuống hết đèo, tầm nhìn càng bị thu hẹp vì sương mù từ núi xuống nhập với sương mù từ sông ùa vào thung lũng,
nhưng Lou Calakmul vẫn nhát thấy một con ngỗng lớn loại Giant Canada Goose với
một bên cánh bị một mũi tên còn ghim lủng lẳng, ngơ ngác đi qua đường. Ông kịp
lách tránh không cáng con vật rồi tắp xe dừng bên đường. Ông mở cửa bước xuống,
mở cửa sau gọi Joker, thao tác thật nhanh. Joker còn nhanh hơn ông, cửa vừa mở
nó liền phóng về hướng con ngỗng, Calakmul chỉ việc chạy theo. Con ngỗng bị
Joker tóm bắt khi đang lửng thửng bước cách đường khoảng mươi mét. Nó không lôi
mạnh hay tha con ngỗng hỏng chân mà ngoạm vào bên cánh không bị thương rồi dẫn
ngỗng cùng bước lại xa lộ, y chang cái cách một sherif còng và dẫn một nghi
can. (Joker xứng đáng là nhân viên xuất sắc của Animal Sherif Inc). Thay vì cứ
đứng đợi trên đường, để yên cho Joker làm nhiệm vụ, Lou nôn nóng bước xuống ôm
chầm lấy con ngỗng, gặp bờ dốc nghiêng và lớp cỏ ướt sương trơn nhẫy, ông trợt
ngã té nhào. Không rõ đầu ông va vào đâu hay vì lý do gì mà ông ngồi đậy được,
nhưng không đứng lên nổi. Ông gọi 911
xong lai gọi cho Nancy.
Lou
Calakmul được trực thăng đưa đi cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Con ngỗng được
đưa đến bệnh viện thú y trong tình trạng tỉnh táo, chỉ bị gãy một giẽ xương
cánh. Mũi tên được cắt rút cách nhanh chóng. Phẩu thuật ghép xương được thực hiện
thành công ngay trong đêm. Nó là ngỗng Branta Canadensis Maxima thường được gọi
là Giant Canada Goose, trên đường thiên di từ Canada xuôi nam, đáp nghỉ cánh và
bổ sung năng lượng thì bị trúng tên. Các bác sĩ thú y cho biết sẽ trả nó về với
thiên nhiên một ngày gần đây. Nhưng chú chàng không theo kịp đàn đã đành mà
cũng không còn đủ sức bay đường dài. Từ một con ngỗng thiên di vạn dặm xuôi nam
ngược bắc, con Branta Maxima này đành thúc thủ với trời cao sông rộng của chỉ một
vùng đất. Điều an ủi lớn nhất là nó được bệnh viện thú y địa phương cấp giấy chứng
nhận để trở thành cư dân thường trú hợp pháp trên đất Hoa Kỳ. C ác bác
sĩ không cho biết bao giờ thì Lou Calakmul thoát khỏi tình trạng hôn mê. Nhưng
vợ ông, cô Nancy thì tin chắc như đinh đóng cột rằng ông sẽ sớm trở lại bình thường, rằng ngoài cái tài bắn
cung bách phát bách trúng, ông còn có bản lãnh kiên cường và nghị lực phi thường
của một chiến binh. Nancy tin chồng cô sẽ bình thường trở lại để vẫy tay chào
con ngỗng Maxima mà ông đã cứu, ngày nó trở lại bầu trời. Nancy không hề biết rằng
có một con ngỗng Maxima khác đang chết từ từ vì đang mang lủng lẳng một mũi tên
bắn xuyên qua cổ. Đây là mũi tên vô duyên nhất, và có lẽ là mũi tên cuối cùng của
cung thủ Lou Calakmul. Jan 18-2014
Nguyễn Âu Hồng _____________________
(1) Dun đẳng: Dun rủi
(2) Trích
“Diệt vong huyền thoại Maya” Tác giả Khuyết Danh- VCV Nguyễn
Hòa
(3) Trích thơ “Theo Em” và các bài “Theo Em” của Trần Hoài Thư-TQBT57-58.
No comments:
Post a Comment