Phan Thanh
Tâm
Văn nghệ & Ra mắt sách
LÁ TRÚC CHE NGANG
Tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa
chiều Thứ Bảy 21 tháng 3.
2015
tại Mason District
6507 Columbia Pike
Annandale, VA 22003
Huế đâu chỉ
có sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền mà còn có Thôn Vỹ. Thôn này có bóng
dáng một cô gái Huế thời tiền chiến: Cô Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989), người
tình trong mộng của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Cô còn là “Chị Cả” của tất cả anh chị em
gia đình Phật tử ba miền đất nước và Cô còn để lại một di sản văn hóa cho thế hệ
mai sau: hai bộ sách nổi tiếng Những Món
Ăn Nấu Lối Huế & Cách Nấu Chay.
Bài thơ Đây
Thôn Vỹ Dạ, được Hàn Mạc Tử viết từ năm 1939, đã đưa địa danh Vỹ Dạ và mối tình
đầu của một thi sĩ tài hoa nhưng mệnh yểu vào văn học sử. Đó là một kỷ niệm của
một mối tình trong trắng, thanh cao và bất diệt giữa hai tâm hồn khác tôn giáo.
Cô Hoàng Thị Kim Cúc, người đẹp trong cuộc, đã xác nhận như vậy. Tuy thế, vẫn
có nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi trong hơn nửa thế kỷ qua đã viết về chuyện
tình Hàn Mạc Tử + Kim Cúc không trung thực, “có khuynh hướng liêu trai hóa”. Vì
vậy, gần đây mới có cuốn Lá Trúc Che Ngang Chuyện Tình Của Cô Tôi ra đời ở Huế.
Tác giả Hoàng
Thị Quỳnh Hoa, cựu Giáo sư Anh văn trường Nữ Trung Học Gia Long ở Sài Gòn trước
1975, hiện định cư ở Maryland , năm 2013 đã cho xuất bản cuốn sách dày 198
trang nhân 100 năm sinh nhật của cô mình, để phản bác các sai trái. Sách còn
cho thấy chân dung của cô Kim Cúc. Tác gỉả Quỳnh Hoa đã mất 10 năm tra cứu tài
liệu sách báo; đã về Huế nhiều lần để tham khảo thư từ mà cô mình để lại. Cô
Kim Cúc bị hôn mê sau một tai nạn giao thông ở Saigon và qua đời ở Thôn Vỹ. Đám
tang của cô ở Huế, ngày 15 tháng 2 năm 1989, được xem như một trong vài đám
tang lớn nhất từ trước tới nay.
Vì là người
trong gia đình mà cũng theo ý nguyện của người quá cố muốn đưa ra những sự thật,
tác gỉả Quỳnh Hoa, trong phần III và phụ lục của tập sách, ngoài việc cho in thủ
bút của Hàn Mạc Tử; thủ bút của cô KC và những vần thơ, bài hát của anh chị em
trong Gia Đình Phật Tử viết về cô; còn có cho in nguyên văn các bài văn xuôi và
thơ của cô Kim Cúc cùng bài viết của các tác giả đã – như lời của nhà thơ Chế
Lan Viên – “viết thêm quá nhiều, viết bớt quá nhiều, viết bậy…” về chuyện tình
của nhà thơ. Đặc biệt có thủ bút của Hàn Mạc Tử trong hai bài Đây Thôn Vỹ Dạ và
Sao Vàng Sao.
Hầu như người
Huế nào cũng có nghe nói đến tên Kim Cúc, vì cô “công, dung, ngôn hạnh gom đầy
đủ” . Cái dáng người thấp nhỏ, lúc nào cũng ân cần, vui vẻ một cách chừng mực
nhưng không kém phần nghiêm trang và dịu dàng là hình ảnh quen thuộc của cô
giáo dạy bộ môn nữ công gia chánh cho nhiều thế hệ nữ sinh trường Đồng Khánh.
Và chiếc áo lam luôn theo người “Chị Cả” có pháp danh Tâm Chánh từ năm 1948
cũng đã để lại bao kỷ niệm kính thương cho anh chị em trong Gia Đình Phật Tử.
Cô Hoàng thị Kim Cúc được mô tả như là điển hình cho một cô gái Huế trí thức thời
bấy giờ: mẫu mực, dịu hiền và đạo hạnh.
Những bài Phật
pháp đã mở rộng tâm trí tôi; đã vạch cho tôi một con đường ngay chính đáng; đã
un đúc cho tôi một tâm hồn Phật tử. Tôi không còn buồn khổ nữa vì tôi không còn
sống hẹp hòi, ích kỳ, tối tăm. Tôi đã biết đem lòng thiện của một Phật tử cố gắng
giúp ích, làm cho những người chung quanh được an vui sung sướng. Đó là ý nguyện
của cư sĩ Kim Cúc. Những dòng này cô viết trong bài văn xuôi Một Năm Qua vào
năm 1949. Thỉnh thoảng cô có làm thơ ký bút hiệu Hoàng Hoa, Hoàng Hoa thôn nữ,
và H.H. Nhưng thật ra, văn giới nhắc nhiều đến tên Hoàng Thị Kim Cúc là vì bài
thơ dưới đây:
ĐÂY THÔN VỸ DẠ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Đấy là bài
Hàn Mạc Tử gửi tặng Hoàng thị Kim Cúc năm 1939, được xem là bài nổi nhất trong
mấy trăm bài thơ của thi sĩ. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh ngày
22/9/1912 trong một gia đình công giáo. Ông rất sùng đạo. Ông đã góp phần lớn
trong việc chuyển hướng từ thơ Đường sang thơ mới. Ông qua đời khi chưa tới 30
tuổi ở Qui Nhơn ngày 11/11/1940 vì bệnh phung. Ông có nhiều bút hiệu nhưng ông
thích bút hiệu Hàn Mạc Tử, có nghĩa là
chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải. Ông có nhiều mối tình. Hình
bóng ghi đậm nhất là với Hoàng thị Kim Cúc, một cô gái đất Thần Kinh. Bài thơ
Thôn Vỹ về sau được xếp vào tập thơ Đau Thương, sau này còn có tên Thơ Điên.
Ông có nhiều bài thơ được phổ nhạc. Chín thành phố ở Việt Nam có đường mang tên
Hàn Mạc Tử.
Câu mở đầu “Sao
anh không về chơi thôn Vỹ” và hai câu: “Lá trúc che ngang mặt chữ điền; áo em
trắng quá nhìn không ra” đã tạo ra nhiều huyền thoại về mối tình thứ nhất của
thi sĩ. Ba câu đó chỉ là cảm hứng của thi nhân viết ra. Câu đầu có vẻ như một
câu hỏi nhưng đã gói ghém một ước mơ. Bài thơ đã là đề tài cho nhiều sáng tác của
nhiều nhà văn, nhà thơ sau này. Họ đã thêu dệt, vẽ vời thành tiểu thuyết, tuồng
cải lương, kịch ảnh vô tuyến truyền hình với nhiều tình tiết không tưởng, ly kỳ
và phi lý đã khiến cho cô Kim Cúc “phiền lòng hết sức.” Trong thư gửi Chế Lan
Viên ngày 10/9/1987 cô yêu cầu là đừng có ai nhắc đến cô “qua lời các người
khác.”
Tác gỉả quyển
sách cho biết không có việc Cô Kim Cúc gửi tặng Hàn Mạc Tử ảnh của mình chụp ở
Thôn Vỹ. Phiến ảnh chỉ là một bức phong cảnh. Chính cô Kim Cúc cũng đã nói rõ
“trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang, với cô gái chèo đò, có mấy khóm
tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống mặt nước, với lời thăm hỏi sức
khỏe Tử viết sau tấm ảnh mà không ký tên.” Môt người bạn của nhà thơ báo tin
cho Cô biết là Hàn Mạc Tử đau nặng và xin Cô gửi thư thăm hỏi. Vài tháng sau,
người bạn gởi về cho Cô bài thơ “Ở Đây Thôn Vỹ Giạ”; với mấy dòng thăm hỏi
trong đó có hai câu: “mong ơn trên xuống lộc cho túc hạ thật đầy đủ. Và mong rằng
một mùa xuân nào được gặp lại túc hạ mới phỉ tình cho.”
Trong sách có
trích lời Cô Kim Cúc kể lại chuyện xưa “Tử có tới gặp tôi 2 lần. Lần đầu chỉ
nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần thứ hai, Tử mạnh dạn trong dáng điệu rụt
rè, lắp bắp mấy lời tỏ tình, rồi đưa tặng tôi tập thơ Bâng khuâng
với mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ. Tôi bàng hoàng rồi cũng rụt rè từ chối,
không nhận sách, không nhận thư… Gần cuối năm 1936, khi Tử về dự hội chợ Huế,
mang theo một xấp Gái Quê vừa in xong, có gặp tôi cùng đi với anh em
tôi trong hội chợ. Tử đưa tặng anh em tôi mỗi người một tập, có đề chữ tặng,
không tặng tôi mà chỉ yên lặng nhìn! Mấy hôm sau, Ngâm cho biết: Tử có về nhà
tôi ở Vỹ Dạ mà lại đứng ngoài ngõ nhìn vô, rồi từ đó chúng tôi không gặp nhau lại,
không thư từ, thăm viếng, hứa hẹn, mỗi người một ngả,”
Giáo sư Quỳnh
Hoa đã bác bỏ sự dàn dựng của nhà thơ Quách Tấn về chuyện gia đình của cô Kim
Cúc chê gia thế Hán Mạc Tử là không xứng mặt đông sàng khiến Hàn Mạc Tử phải
“đi Saigon để lập chí”. Sự thật, giữa Hàn và Kim Cúc chưa hề có lời chê khen,
chưa hề có thái độ thân sơ, khinh trọng. Giáo sư Quỳnh Hoa cũng cho rằng một
tác giả khác, Kiêm Đạt, đã phóng đại khi ông viết cô Hoàng thị Kim Cúc đã có
“những ngày yêu thương vô cùng cuồng nhiệt” với thi sĩ. Thư đề ngày 11/5/1988 gởi
người anh cả ở Mỹ, Cô cho biết, sau khi thi sĩ qua đời năm 1940, Cô mới hay nỗi
lòng của nhà thơ qua người bạn thân của thi sĩ: Hoàng Tùng Ngâm. Ngâm cũng là
người em thúc bá của Cô.
Hoàng Tùng
Ngâm còn giao cho Cô tất cả thơ văn của Hàn Mạc Tử có nói đến Cô. Cô “hết sức cảm
kích và ngậm ngùi.” Theo sách của tác giả Quỳnh Hoa thì “Chỉ khi Hàn Mạc Tử
không còn nữa, Cô mới cảm thấy đau lòng và ân hận là đã quá lạnh lùng với
chàng; không những ân hận mà còn thấy mình có tội với người quá cố.” Nhân ngày
húy nhật của thi sĩ năm 1942, Cô đã viết một bài văn xuôi, “để kính viếng vong
hồn một người tài hoa bạc phận, có một tâm hồn tha thiết yêu đương, một lòng mê
say cao quí và một cuộc đời vô cùng đau khổ.” Trước đó, năm 1941, Cô cũng có
bài thơ cảm tác Đây Thôn Vỹ Dạ:
Bao năm Hoa sống nơi thôn Vỹ
Thầm giữ trong lòng một ý thơ
Vẫn biết cách xa ngoài vạn dặm.
Tình anh lưu luyến cảnh quê mơ!
Một mình một cõi với nước mây
Với cả đau thương với hận này
Anh khéo lột hết tài nghệ sĩ
Lẫy lừng danh tiếng kể từ đây.
Hồn anh lẫn khuất tận mô xa,
Hoa biết cùng ai thổ lộ ra
Tuy sống giữa đời phức tạp ấy
Ai biết tình ai vẫn đậm đà !
H.H. thôn nữ
Cô Hoàng thị
Kim Cúc được mọi người kính nể như một hành giả tu tại gia. Tuy một thân một
mình và lương tiền không bao nhiêu nhưng Cô đã có gần một tá con nuôi. Cô nuôi
con của bà con nghèo, nuôi em, nuôi cháu, nuôi trẻ mồ côi, giúp đỡ những ai đến
với Cô. Trong phần “Lời Nói Đầu” của cuốn sách Cách Nấu Chay, cô Kim Cúc tâm sự
rằng xuất bản được cuốn này là Cô đã hoàn thành được một công tác Phật sự. Lòng
chị như bể rộng bao la. Tình chị tròn đức hạnh vị tha. Lời ca trong bài hát “Hướng
Về Chị Cả” của Hầng Vang đã nói lên niềm thầm cảm tri âm của Gia đình Phật tử đối
với Cô Hoàng Thị Kim Cúc: nửa thế kỷ màu áo lam không phai; suốt cuộc đời trí
giới hạnh trường trai.
Người con gái
Việt Nam thuở đầu thế kỷ 20 thường không được học nhiều. Cô Hoàng Thị Kim Cúc
thì may mắn hơn. Trừ thời gian học chữ nghĩa ở trường, Cô lúc rảnh tập làm đủ
thứ. Ngoài việc học với ông nội chữ nho, nhiều tay thợ rành nghề được mời về
nhà chỉ bày cho cô may vá, làm bánh, nấu đồ ăn Tây, làm hoa.
Một thầy đàn
tranh cũng được mời về nhà dạy cho cô. Tuy mới học có nửa tháng mà mà cô đã thuộc
đủ bảy bài: Kim Tiền, Lưu Thủy, Hành Vân, Tứ Đại Cảnh, Cổ Bàn, Nam Ai, Nam
Bình. Tiếng đàn của cô đã khiến nhà thơ si tình Hàn Mạc Tử phải điên cuồng rình
trước thềm nhà để nghe.
Đêm nay ta lại phải điên cuồng
Quên cả hổ ngươi cả thẹn thuồng
Đứng mãi trước thềm nghe ngóng mãi
Tiếng đàn the thé ở bên trong
Theo tác giả
cuốn Lá Trúc Che Ngang khi được hỏi Cô có “cảm” thi sĩ Hàn Mạc Tử không thì Cô
chỉ tủm tỉm cười mà không nói năng chi. Cô rất trân trọng mối chân tình của thi
sĩ. Đoạn kết của quyển sách còn cho biết nhánh cây cỏ mà một người quen nhặt
trên mộ của Hàn ở Gành Ráng đem về tặng đụơc Cô cất rất kỹ. Ngoài ra, Cô còn dựa
theo lời tâm tình trong thơ gởi cho bạn của Hàn Mạc Tử mà phóng tác một bài tự
truyện với nhan đề Thi Sĩ Hàn Mạc Tử Với Người Gái Quê. Cô đã ghi lại hầu như
nguyên văn nhiều câu chữ của Hàn Mạc Tử trong bài này. Qua đó, người ta thấy
Hàn Mạc Tử đã viết: “quyết quăng mình đi trên đường gió bụi, rượt nà theo những
nguyện vọng cao xa”, phải chăng là do sức mạnh của ái tình?
Tuy là một
người có tâm hồn ủy mị, nhưng vì thuộc con nhà nề nếp, trọng thanh danh gia
đình hơn tất cả mọi sự, và lại sống trong một xã hội thời trước 1945 – một người
con gái con nhà khuê các không được tự do chọn bạn, không được nói chuyện với
người khác phái ở ngoài đường – nên Cô Hoàng Thị Kim Cúc đã có vẻ rụt rè, phong
kín, bí mật, hờ hững khi gặp Hàn Mạc Tử. Điều này càng khiến cho nhà thơ bao giờ
cũng kính cẩn, giữ gìn đứng xa mà chiêm ngưỡng, mà tôn thờ cô thiếu nữ. Dù vậy,trong
thư gủi bạn,Hàn Mạc Tử vẫn: “quyết lòng đeo đuổi, âm thầm theo dõi bóng cô ta”.
Cô gái đó có khuôn mặt chữ điền; mái tóc quăn; mũi cao, thẳng như đầm; dáng người
thấp nhỏ và đôi mắt đen nháy.
Chính “Đôi
măt đen nháy đầy thi vị”của Cô, mà nhà thơ chợt thấy ở chợ phiên do Toà Sứ
thành phố Qui Nhơn tổ chức năm 1932 khi ông 20 tuổi và người đẹp 19 tuổi, đã tạo
nên sự nghiệp văn chương của Hàn Mạc Tử. Và cái dáng vẻ nết na, thùy mị, đoan
trang của Cô đã un đúc Hàn Mạc Tử có một tâm hồn thi sĩ. Trong thư gửi người bạn,
thi sĩ còn thú nhận Kim Cúc “là người mà tôi thường gửi linh hồn một bên dầu
cách xa ngàn vạn dặm”. Quyển sách “Lá Trúc Che Ngang Chuyện Tình Của Cô Tôi” của
Giáo Sư Hoàng Thị Quỳnh Hoa là một đóng góp lớn để không còn ai có thể viết bậy
nữa.
Saint Paul,
2/2015
Phan Thanh Tâm
No comments:
Post a Comment