truyện
ngắn Ý Nhi
Tranh Đinh Cường
Khí lạnh bỗng chốc tràn ngập cả căn phòng đóng
kín, phủ trùm lên bàn ghế, tủ giường, quần áo, sách vở…
Gió mùa, ông thì thầm, đưa tay đẩy
mạnh cánh cửa sơn màu vàng nhạt, rồi tựa ngực vào bệ cửa, nhìn xuống phố. Bên kia
đường, có kẻ nào đó đứng trong gió lạnh, nhìn về phía ông, vẻ như chờ đợi giây
phút ông mở tung hai cánh cửa. Trong thoáng chốc, ông nghĩ mình vừa bắt gặp một
ánh nhìn.Trống ngực ông đập loạn xạ. Để tự trấn an, ông cúi xuống, châm một
điếu thuốc. Khi ngẩng lên, ông nhìn thấy một đốm lửa nhỏ trên môi người đối
diện. Đốm lửa nhấp nháy một chút rồi chợt bùng lên, lan rộng ra, nhạt dần và
lịm tắt. Trước mặt ông chỉ còn lại khoảng không đầy gió. Ông giơ tay chới với,
như làm một cử chỉ chào hỏi. Hai cô cậu choai choai bá vai nhau đi qua, ngoái
nhìn ông, giơ tay hươ hươ như đáp lời rồi cười phá lên, bước nghiêng ngả trên đường.
Gần như tiếp ngay sau họ, một người phụ nữ cúi xuống nhấc đứa nhỏ lên và ấp nó
sát vào mình để sưởi ấm. Tiếng cười của đôi trẻ và cử chỉ dịu dàng của người
phụ nữ làm ông tỉnh trí. Ông nghĩ, hình ảnh người đàn ông và đám lửa chỉ do
mình tưởng tượng ra. Hiệu ứng của cơn gió đầu mùa chăng, ông nghĩ và mỉm cười.
Nhưng ông
không ngủ được. Nằm xuống chưa bao lâu, ông đã bật dậy, đi loanh quanh trong
gian bếp nhỏ, không biết là muốn tìm kiếm vật gì, cuối cùng, mở vòi nước, rót
một ly đầy và uống cạn như kẻ bị khát đã nhiều ngày. Khi nằm lại, ông kéo chăn
đến tận cằm, nhắm mắt, nhâm nhẩm đếm,1,2,3…nhưng chỉ đến vài chục số ông lại
trở dậy, mở tủ sách, tìm cuốn sách viết về cuộc di dân của thế kỷ 20, lật xem
mục lục, lấy sợi chỉ màu đỏ làm dấu ở trang nào đó, đặt lên chồng sách đang đọc
dở và lại về giường, duỗi thẳng người, cố níu lấy giấc ngủ. Rồi lại cảm thấy
vướng víu vì chiếc chăn mỏng, ông lật tấm chăn ra, dùng chân dồn đống nó về cuối
giường, nhổm người lên, nhìn chằm chằm bức tường màu trắng đã đục mờ trong ánh
sáng của ngọn đèn đêm, làm như nó là nguyên cớ của cơn mất ngủ. Chỉ đến khi rời
giường thêm một lần nữa, mở máy và gõ liên tục cụm từ Stand by me, ông mới à lên, chợt hiểu. Ông loay hoay cả buổi tối
chỉ cốt để cưỡng lại cái điều thôi thúc thực sự, là lại gần ô cửa, mở tung ra
và nhìn xuống đường.
Ông không
thể giải thích mối liên hệ giữa con người đứng bên kia đường trong gió lạnh với
cụm từ Stand by me bất chợt hiện lên
trên màn hình vi tính.
Ngồi thừ
người nhìn những con chữ rồi ông chậm rãi di chuột xóa từng cụm từ Stand by me. Khi chỉ còn lại cụm từ sau
cùng, ông lưỡng lự không nhấp chuột và bất chợt nhớ đến lời của ca khúc tuyệt
vời ấy. Bất kể bạn là ai/ bất kể bạn đi đến đâu trong cuộc đời mình/ vào một thời điểm
nào đó/ bạn sẽ cần một người bên
cạnh…/ và khi màn đêm buông xuống/ khi mặt đất trở thành tối tăm/ chỉ còn ánh trăng soi trên đường/không,
tôi sẽ không sợ hãi/ khi mọi người đến bên tôi/ ôi yêu dấu em, hãy đứng bên tôi, hãy đứng bên tôi/ và cho dù bầu
trời trên cao kia sụp xuống/ và núi
kia bị cuốn trôi ra biển/ thì em ơi/ tôi sẽ không khóc, không rơi lệ/ khi có em, có em mãi mãi đứng bên tôi/ đứng bên
tôi…
Chiều đó, một buổi chiều gió lạnh, sau ngày vợ
qua đời ít lâu, ông cùng đứa con trai út, đi qua các con phố, các công viên,
các nhà ga như hai kẻ lang thang vô định. Ông chợt nghe vang lên giọng hát trầm
ấm, thiết tha, ôi yêu dấu em, hãy đứng
bên tôi, hãy đứng bên tôi, hãy đứng
bên tôi…tại một góc phố, hình như là góc phố Santa Monica, phải, góc phố
yên vắng ấy. Hai cha con ông nhập vào đám đông đang lặng đi trong giọng hát của
người ca sĩ da đen. Khi bài hát kết thúc, ông nhìn thấy nước mắt ràn rụa trên
khuôn mặt non dại của đứa con. Cách nào đó, đứa trẻ đã biết đến nỗi cô đơn, đến
niềm mong mỏi có ai đó đứng bên mình. Ông lặng im siết chặt tay con.
Sau này, ông biết người hát là ca
sĩ Roger Ridley, một ca sĩ nổi tiếng. Với Stand
by me, Roger đã đem lại thành công cho chương trình Playing for Change/ chơi nhạc để đem lại sự đổi thay do Mark
Johnson sáng lập. Bài Stand by me đã
được nhiều ca sĩ khác trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng với ông,
tiếng hát của Roger trong buổi chiều ấy, nơi góc phố ấy là duy nhất, không ai
khác có thể thay thế. Roger đã mất. Không lâu sau đó.
Khi ông save cụm từ Stand by me sau cùng và tắt máy, ngày đã
rạng. Chuông nhà thờ bạt đi trong gió.
***
Bước qua bên kia đường, ông đứng vào đúng nơi ông
nghĩ người kia đã đứng trong đêm. Kỳ lạ thay, ông nghe thấy hơi ấm dưới lòng
bàn chân mình, như thể ta ngồi vào chỗ của một người nào đó vừa rời đi vậy. Ông
thử dịch sang phải, dịch sang trái, lùi về phía sau, bước lên phía trước. Không
nơi nào có cái hơi ấm lạ lùng đó. Ông khẽ đặt bước vào nơi ấy thêm một lần nữa,
lại nhận ra hơi ấm từ ai đó, từ nơi nào đó.
Hoang mang, ông tạt vào quán cà-phê
nhỏ bên đường, nơi những người già thường ngồi nhâm nhi một ly cà-phê cho các buổi
sáng dài dặc của mình. Tránh những gặp gỡ có thể xảy ra, ông bước nhanh vào góc
phòng, nơi có khung cửa thấp nhìn ra một gốc dẻ xum xuê, đã lác đác lá vàng
trền nền đá lát đường.
Tựa đầu vào thành ghế, khoanh tay trước ngực,
mắt khép lại, ông buông mình, cố thoát ra khỏi mớ bòng bong của những nghi
hoặc, đoán định, nhớ tiếc. Nhưng chút hơi ấm còn vương lại dưới lòng chân khiến
ông bối rối, bất an. Không cưỡng lại được ý muốn thử đặt chân trần trên đất,
ông nhìn quanh rồi cúi xuống, nhẹ nhàng cởi giầy, bỏ luôn đôi vớ vào đó, đẩy giày
vào gầm bàn, khe khẽ đặt chân trên nền gạch lát màu nâu. Thoạt tiên, ông cảm
thấy lạnh nhưng chỉ vài giây sau, hơi ấm đã trở lại. Ông vừa mang lại giày vớ
vừa nghĩ, dù sao thì ta cũng vừa xác tín một sự thật. Nhưng hai từ sự thật vừa
bật ra trong óc lại khiến ông giật mình. Sự thật nào. Có người nào đó hay
không, người đó là ai, đứng đó để làm gì. Tại sao mình bị ám ảnh bởi người ấy,
có mối liên hệ nào giữa người ấy với Roger và bài Stand by me…Và cái hơi ấm còn
lưu giữ trên nền đất, trong bàn chân… Mọi thứ có cái gì đó lệch lạc, chông chênh, mơ
hồ, không điểm tựa. Có lẽ đó chỉ là ảo giác, là kết quả của trí tưởng tượng đã
rã rượi của ông già ngoài thất thập. Hay là dấu hiệu của một đổi thay…Mặc kệ,
dù gì thì tối nay ta cũng sẽ bất thần mở tung cửa sổ…Mệt mỏi, ông thiếp đi bên
tách cà-phê đã nguội. Khi choàng dậy, ông thấy người bồi bàn cúi xuống bên mình,
dạ thưa, tôi có thể giúp gì cho ông. Nhìn sự lễ độ quá mức cần thiết của anh
ta, ông đoán, có lẽ anh ta cho rằng mình là kẻ có vấn đề về tinh thần. Ông ngồi
thẳng người lên, đưa tay xốc lại áo vest, mỉm cười rồi nói to, tôi xin lỗi, xin
lỗi rất nhiều. Tôi hoàn toàn ổn, chỉ vì âm nhạc nơi đây êm đềm như dỗ người ta
vào giấc ngủ vậy. Nhưng có vẻ như ông không thuyết phục được anh ta. Ông đọc
thấy điều đó trong ánh nhìn ái ngại khi ông rời quán.
Vậy mà đã xế chiều. Ông ghé vào cửa
hàng, đi loanh quanh khá lâu chỉ để mua vài thứ lặt vặt, bánh mì, trứng, sữa
rồi về nhà. Dù sao cũng đã “ thanh toán” được hai phần ba số thời gian chờ đợi.
Giữa lúc ông xuống bếp, sửa soạn
cho bữa ăn thì chuông điện thoại reo. Người em rể báo tin sẽ ghé nhà ông chiều
nay. Anh ta đến dự tang lễ mẹ một người bạn. Tang lễ cử hành sớm nên phải ngủ
qua đêm ở nhà ông. Rất xin lỗi vì sự đường đột.
Em rể của ông là một người chân thật,
giàu tình cảm, đặc biệt yêu quý ông- người từng ủng hộ nồng nhiệt cho cuộc hôn
nhân giữa hắn và em gái mình. Trên chuyến vượt biển, hắn lạc mất vợ con tại một
hòn đảo, trong đêm tối hãi hùng, náo loạn. Đến Mỹ một mình, ngơ ngác, vơ vẩn, hắn
chẳng làm được việc gì ra hồn. Em gái ông thấy vậy, thương xót mà gắn bó. Họ có
một đứa con gái. Khi con bé đầy năm thì hắn được tin vợ con đang ở Stockholm. Người vợ đã
kết hôn với một người bản xứ, có thêm cậu con trai, cũng vừa lên một. Đứa con
chung của họ đã là một trang thiếu niên tuấn tú, yêu thích hội họa. Trong cặp
của cậu có hàng chục bức tranh vẽ những con tàu lớn, cờ hoa rực rỡ, đèn đuốc
sáng choang như những tòa lâu đài trong chuyện cổ tích. Một trong những bức
tranh đó được người mẹ lồng khung treo nơi phòng khách. Đó là bức vẽ con tàu
bên mạn sườn có khắc dòng chữ Harry
Martinson và trên cột buồm, phất phới lá cờ màu lam với hình chữ thập màu
vàng của quốc gia này. Bên hông con tàu treo một chiếc thuyền cứu hộ. Không
hiểu bằng cách nào, ký ức của một đứa trẻ lại có thể lưu giữ sự cứu giúp kỳ lạ ngày
hôm ấy. Mãi rất lâu sau họ mới biết Harry Martinson là một nhà thơ lớn của đất
nước mà họ cư ngụ…Hắn cầm chặt bức thư trong tay, ngoảnh nhìn ông, mắt đỏ hoe,
sưng mọng, anh ơi, có chết em cũng không sao hiểu nổi cái cuộc đời khốn khổ nàỳ.
Vừa bước đến cửa, hắn đã nói liên
hồi, em xin lỗi. Mọi việc đột ngột quá. Nếu mai đi từ chỗ em thì không làm sao
kịp giờ. Vợ em gửi áo len và khăn quàng cho anh đây. Cô ấy cạy cục đan mất cả
tháng đấy. Màu xám. Cô ấy bảo anh thích màu xám. Con bé cứ cười mẹ nó, hàng đầy
ra đấy, sao lại phải hì hụi làm một việc vô nghĩa như vậy. Trẻ con bây giờ vô
cảm, chúng chẳng biết gì ngoài chúng anh ạ. Mà em đói quá, chưa kịp ăn gì. Ông
ấn hắn ngồi xuống ghế, chỉ mươi phút là có cái ăn thôi, rồi quày quả xuống bếp.
Ông liếc nhìn đồng hồ, đã 6 giờ tối.
Bữa ăn của hai người đàn ông chỉ một
loáng đã xong. Người em thở dài, anh đảm thật. Vợ em lúc nào cũng lo, sợ anh
một mình ăn uống qua quýt. Ông cười, thì chẳng qua quýt là gì. Nhưng đến tuổi
này, người ta chỉ ăn lấy lệ mà thôi. Ông lại liếc nhìn đồng hồ, cậu vào trong
mà nghỉ, có đầy đủ chăn gối tinh tươm đấy. Người em dẫy lên, không, không cần
đâu ạ. Em xem TV một chút rồi ngủ trên salon luôn, em là hạ khách mà. Anh cứ tự
nhiên, coi như không có em.
Coi như không có em. Ông vừa bước
vào phòng trong vừa lẩm bẩm. Không có cậu thì tôi đã có thể mở cái cửa sổ kia
mà nhìn xuống đường. Không có cậu thì có khi tôi còn qua đường để biết người đó
là ai. Không có cậu thì…Ông bước tới bước lui trong phòng, nói đi nói lại những
lời vừa hiện ra trong đầu, quên mất người em rể đang còn ngồi ở bàn ăn. Hắn
nhổm người lên, anh có hẹn với ai hả. Hay em chạy ra phố rồi khuya khuya hãy
về. Vừa nói vừa lấy áo khoác, xỏ chân vào giày, hắn toan mở cửa. Ông túm lấy
cánh tay người em rể, cậu ở lại, cậu cứ nghĩ linh tinh cái gì thế. Cậu nhiễm
bệnh của em gái tôi rồi, lúc nào cũng lo lo lắng lắng những việc không đâu.
Người em bật cười, thì em ở nhà. Em có thói quen xem TV cho đến lúc mắt díp
lại. Thì cậu xem đi, ông nói rồi bước vào phòng. Đành bỏ qua đêm nay.
Không ngủ được, ông mở mạng đọc tin
trong ngày. Giá dầu, khủng bố, biểu tình, thất ngiệp, đại nhạc hội, giải Nobel,
nạn đói, dịch bệnh, tàu sân bay, vũ khí sinh học, sao Hỏa, biển Đông…Đúng lúc
đọc bản tin về về việc một chiếc máy bay vừa khởi hành đã lao mình xuống biển,
mang theo gần hai trăm hành khách thì ông nghe thấy vang lên giọng hát của
Roger ở phòng ngoài, Just as long as the
people come and stand by me…stand by
me, Ooo stand by me…Ông lao ra, giọng thất thanh, ai thế, cái gì thế, cái
gì thế. Người em rể hốt hoảng, chìa chiếc remote về phía ông, em bật một kênh
hú họa thôi mà, vừa bật lên thì thấy ông ấy đang hát, có việc gì sao anh. Trên
màn hình, Roger cầm ghi ta, đứng hát trước một đám đông, vẻ mặt chân thành, cởi
mở, chỉ có điều, phảng phất chút chi đó như nỗi ưu sầu trong ánh nhìn. Nỗi ưu
sầu này không có trên gương mặt Roger ngày trước. Đã bình tĩnh lại, ông vừa thở
vừa nói, không, không có chuyện gì. Cậu nghe tiếp đi. Tôi sẽ kể với cậu sau.
Nhưng rồi ông chỉ nói, cậu lo mà
ngủ sớm để sáng mai kịp giờ. Ông biết, nếu nghe chuyện, thế nào hắn cũng càm
ràm, anh cứ làm cho mọi việc rối lên. Em nghĩ người kia tình cờ đi qua, thấy
anh mở cửa thì nhìn lên, thế thôi.Thảo nào sinh thời, mẹ bảo anh bị ám, từ tấm
bé đã lơ lơ lửng lửng sao đó.
Khi rời nhà vào sáng sớm, hắn để
lại một mảnh giấy nhỏ, gắn vào cánh cửa tủ lạnh:” Một lần nữa, em xin lỗi vì cuộc đột kích bất ngờ, ít nhiều gây xáo trộn
cho cuộc sống của anh. Dù anh không
nói, em biết có việc đó. Anh nhớ giữ sức khỏe, nhớ mặc áo len vợ em đan cho cô ấy vui. Nguyễn. P/S:
Sao anh vấn vương với ông ca sĩ da đen đó quá vậy. Anh làm em hết cả hồn. Nhớ kể cho em vào lần gặp tới nhé.”
***
Nhờ mảnh giấy đó mà ông nhìn thấy
tờ note book màu vàng ghi ngày sinh
nhật của đứa cháu gái. Lúc ghim các tờ giấy vào, nghĩ là nó sẽ nhắc mình việc
này việc khác nhưng rồi, mỗi ngày mở tủ lạnh mấy lần mà không mấy khi ông nhìn
vào những mảnh ghi nhớ ấy, làm như chúng chẳng liên quan gì đến mình.
Ăn sáng qua loa, ông ra phố tìm mua
quà cho cháu. Đi tới đi lui một hồi, nhìn ngắm đủ thứ mà vẫn không biết nên mua
thứ gì. Nhất thiết phải là thứ nó thích. Vô duyên nhất là những món quà tặng
không đem lại niềm vui hay sự hữu ích cho người nhận, ông nghĩ khi ngang qua
một cửa hàng bán đồ lưu niệm nhỏ, vừa khi đám trẻ ùa ra, cười nói vui vẻ, tay
cầm những cuốn sổ màu sắc sặc sỡ. Chúng nhắc ông nhớ đến cái thú sưu tầm tem
của cháu nội. Ông mua cho nó 1 bộ tem danh nhân và 1 bộ tem các loài chim, rồi
ra bến xe điện gần nhà.
Tàu vắng. Đối diện với ông là một
người đàn ông da đen trung niên. Ông ta ngẩng lên nhìn người khách mới rồi quay
đi.Thoáng chốc, ông nhận thấy ông ta có nét gì đó hao hao Roger. Nhưng nét gì
thì rất khó nói. Những người da đen có cái gì đó giống nhau. Những người da
vàng, những người da trắng cũng vậy. Mấy người Mỹ không sao phân biệt được
người Việt, người Nhật, người Hàn…Họ bảo, chúng mày giống nhau như anh em một
nhà vậy. Suốt chuyến tàu, người đàn ông xoay mình, chăm chăm nhìn ra bên ngoài.
Có thể vì trên toa tàu chỉ có 2 người, khi đứng dậy xuống ga, bước đến cửa, ông
ta ngoảnh lại nhìn ông mỉm cười, thay cho câu chào. Ông cũng đáp lại bằng một
nụ cười, nhận ra vẻ ưu sầu trong ánh mắt của ông ta, giống như ánh nhìn của Roger trong đêm trước.
Bọn trẻ, bạn của cháu ông đang tụ
tập ngoài vườn, bàn luận sôi nổi về một đề tài nào đó, nghe loáng thoáng như là
về đồng Bitcoin. Cháu gái ông, cô bé có mái tóc buộc cao, đôi mắt sáng, kêu
lên, tại sao không. Mọi mối quan hệ của con người đều có thể thực hiện trên
mạng, tại sao không thể dùng Bitcoin trong giao dịch mua bán chứ. Người ta phải
tìm ra một cơ chế khác để quản lý nó thay cho hệ thống ngân hàng hiện nay …” . Ông
nhìn thấy ánh mắt của cậu con trai ngồi đối diện với cháu mình. Thằng bé đã bị
mũi tên ái tình chạm khẽ vào tim rồi. Chưa ăn thua đâu cháu ơi. Rồi ra, trái
tim ta sẽ chịu đựng không biết bao nhiêu mũi tên nữa, cho đến hồi nó nát tan,
vô phương cứu chữa…
Trong lúc ông mải nghĩ thì bọn trẻ
đã chuyển đề tài. Vẫn lại cháu gái ông, nước biển đang bị acid hóa ư. Chẳng sao
hết. Các loài cá cũng sẽ tăng cường một loại acid khác trong cơ thể. Đứa bạn
ngồi cạnh nó phản bác, nhưng rõ ràng việc này khiến khả nặng nhận mùi cũng như
phản xạ của chúng suy giảm đáng kể. Chúng sẽ đần độn hơn. Cậu bạn ngồi đối diện
lên tiếng, ra chiều bênh vực cô bạn, thì đã sao, chúng ta phải tìm cách giảm
acid trong nước biển hoặc tìm cách giúp cá thông minh hơn…Cả bọn ré lên cười,
vỗ tay rầm trời. Ông cũng vỗ tay nhè nhẹ, báo hiệu sự hiện diện của mình.
Con bé lao tới, ôm lấy ông, xoay người ông về
phía bạn bè, ông nội tớ. Nó mở gói quà,
hét toáng lên, ông ơi, ông tuyệt vời nhất trên đời. Sao lúc nào ông cũng cho cháu
đúng thứ mà cháu muốn có vậy. Cháu dành hẳn một ngăn tủ để cất quà của ông đấy.
Ông ở đây với cháu cả ngày hôm nay nhé. Nó dừng lại như chờ phản ứng của ông,
rồi vội vã nói tiếp, mai bố cháu sẽ đưa ông về. Chiều nay mình đi chơi hồ, ăn
trên đó luôn, tối thì bọn cháu chơi trò Cosplay. Đố ông biết cháu sẽ hóa trang
giống ai. Giống Alice của xứ sở thần tiên. Nó cười, ông nội đúng một nửa rồi.
Một nửa, ông nhướn mày nhìn nó. Vâng, đó là ý nghĩ ban đầu của cháu nhưng rồi
cháu thấy cô bé đó có vẻ nhỏ quá, thế là cháu nghĩ đến Scarlett, nó đáp. Ông
cười, có khi lại già quá. Nó quả quyết, cháu thích cô này, vừa xinh đẹp, vừa
quả cảm. Cháu đã thiết kế cho mình một chiếc váy xòe rộng màu xanh lá cây rồi
ông ạ, chỉ còn thiếu cái khung lồng nữa thôi. Nó chắp hai tay vào nhau, trời
ơi, nghĩ đến lúc mặc chiếc váy lòe xòe ấy cháu thích quá ông ạ. Ông sẽ là chánh
chủ khảo nhé. Ông phẩy tay, thế thì làm sao mà công bằng được. Nó lắc lắc mái
đầu xinh xắn, mũi chun lại, làm gì có sự công bằng tuyệt đối hả ông. Con người
mà, thế nào cũng có một chút thiên vị chứ ạ, cháu cam đoan, chẳng có vị trọng
tài nào hoàn toàn vô tư, chẳng có vị giám khảo nào không có chút ưu ái với riêng
một thí sinh nào đó.
Nó là đứa con gái duy nhất của người
con trai út, cái đứa trẻ đã khóc khi nghe Roger hát ấy. Ông yêu người con trai
này. Anh có gương mặt giống mẹ nhưng lại có tâm tính của người cha. Ông cũng
yêu đứa cháu gái này hơn những đứa khác trong đám cháu của mình. Nó có gương
mặt và tính cách của bà nội. Sôi nổi, quyết đoán và có trách nhiệm. Nó sẽ là
một nội tướng hoàn hảo, giống như bà nội. Ông thường nhìn nó và nghĩ vậy.
***
Chuyến đi chơi hồ thật vui nhưng con
bé bị cảm lạnh. Nó thu mình trong tấm áo len dày và ho sù sụ như một bà già.
Nửa đêm thì nó sốt cao và mê thiếp đi.
Ông ngồi bên cháu, nhìn gương mặt mệt
mỏi của nó, có lúc ông như muốn òa khóc. Vài lần, nó he hé mắt nhìn ông, đôi
môi khô khốc hơi mỉm cười, rồi lại thiếp ngủ. Sau sự ra đi gần như đột ngột của
người vợ, ông thường rơi vào nỗi sợ hãi khi có người thân lâm bệnh. Vợ ông cũng
chỉ bắt đầu bằng những cơn sốt nhẹ, thế rồi mọi việc ngày một trầm trọng hơn,
bà phải ở khu cách ly và ra đi một mình, không kịp dặn dò chồng con lời nào.
Rất lâu sau họ mới cho biết bà bị nhiễm một loại virus nào đó, còn tại sao bị
nhiễm thì họ vẫn còn nghiên cứu. Những ngày sau tang lễ của vợ, ông đổ sụp
xuống như một cái cây bị đốn. Nếu không có người em gái chăm nom bọn nhỏ, không
biết rồi mọi sự sẽ ra sao. Vì 3 đứa cháu vị thành niên ương bướng, thất thường
và thiếu thốn tình cảm mà cô lập gia đình rất muộn…Ông nhớ, đứa con trai út,
mỗi chiều đi học về lại vào phòng cha, đứng bên cạnh giường, khe khẽ gọi, ba,
ba ơi…Nhờ tiếng gọi của nó mà ông dần tỉnh lại. Buổi chiều nghe Roger ở góc phố
Monica chính là buổi đi dạo đầu tiên sau cơn quỵ ngã…
Ơn trời, đến sáng ngày thứ 3 thì
con bé khỏe lại. Nó nhoẻn cười, cầm lấy bàn tay gầy guộc của ông, ông nội, ông
nội ơi, con đây này. Nó làm như ông không nhận ra nó vậy. Thấy ông khóc, nó
nhỏm dậy, lấy mu bàn tay lau nước mắt cho ông, ông ơi, sao ông lại khóc. Ông
cười, vậy đó, con chưa hiểu hết mọi nỗi đâu.Có ai đó đã viết rất hay về tuổi
nhỏ hồn nhiên của mình, cái tuổi chưa
biết đến niềm vui làm ta rơi nước mắt/ chưa có nụ cười nào xa xót nở trên môi…Mãi rất lâu sau, khi đã lớn, khi đã
trải qua mọi nỗi, người ta mới có thể hiểu những giọt nước mắt, những nụ cười
cháu ạ.
Con bé hồi phục rất nhanh. Chỉ hai
hôm sau nó đã vui tươi, khỏe khoắn như chưa hề có trận ốm. Nó nằn nì, ông về
làm gì. Ông ở luôn với cháu đi. Về đó, ông cứ đi ra đi vào một mình, buồn chết.
Ông chống chế, ở đây, ba mẹ cháu đi làm, cháu đi học, thì cũng vậy thôi. Nhưng
buổi sáng dậy có nhau, buổi tối cũng có nhau, vẫn vui hơn chứ ạ, nó cố thuyết
phục. Ông đành phải nói thật, từ hồi bà mất, ông quen một mình rồi. Con bé
phụng phịu một chút rồi lại cười cười nói nói, thế nhưng nhất định cháu vẫn tổ
chức một buổi Cosplay. Ông vẫn là chánh chủ khảo đấy. Ông cười, đưa tay cho nó,
đồng ý. Đột nhiên, tay ông tuột khỏi bàn tay của đứa cháu, nghe như vừa bước
hẫng một nhịp.
***
Ông đổ bệnh. Những hồi ức đau buồn
từ mấy chục năm trước, cuộc sống đơn độc kéo dài, nỗi lo lắng cho đứa cháu như
đã rút hết chút sức lực còn lại của ông. Điều lạ là, cơn bệnh chỉ biểu lộ ở những thay đổi tâm tính. Sau bữa
cơm chiều, khi cả nhà còn ngồi lại bên bàn, ông hỏi con, giọng có phần gay gắt,
tại sao không mời cô. Nhận thấy có điều chi khác thường, anh trả lời nhỏ nhẹ,
dạ, chúng con có mời nhưng cô đang bận. Cô chỉ gửi quà thôi. Cái áo len màu đỏ
cháu mặc hôm đi chơi hồ là quà của cô đấy ạ. Tưởng mọi việc êm xuôi nhưng khi
anh đến chào ông để đi ngủ, ông lại càu nhàu, nên nhớ, không có cô là không có
chúng mày. Cô đã hy sinh cả tuổi trẻ của cô vì chúng mày. Ngoài 30 tuổi mới lấy
chồng, may mà có được mụn con. Anh lúng túng, con hiểu ạ. Con đang dự tính cả
nhà sẽ đi thăm cô vào mùa hè. Con mời ba đi cùng. Chắc cô sẽ vui lắm. Ông đáp,
giọng đã hiền hòa, ừ, được vậy thì tốt.
Sáng hôm sau, gặp mọi người trong bữa ăn sáng,
trước khi rời nhà con trai, ông vừa húng hắng ho vừa càu nhàu, cô út là người
mẹ thứ 2 của các con. Cô lo âu, chăm bẳm các con chẳng khác chi một người mẹ,
vậy mà chẳng ai nhớ đến cô, chẳng ai hỏi han, thăm hỏi cô. Người con dâu đỡ
lời, chúng con hiểu mà ba. Ông nhìn cô, giọng lại gay gắt, làm sao chị hiểu
được.
Biết sẽ có một cuộc giằng co dữ dội nếu ngỏ
lời giữ ông ở lại, hai vợ chồng phải nhờ con gái. Nó đến bên, choàng cánh tay
bé nhỏ qua vai ông, ông nội ơi, ngày kia là thứ 7 rồi. Chúng cháu sẽ tổ chức
cuộc thi hóa trang ở nhà mình. Ông nội là chánh chủ khảo mà, vắng mặt ông sao
được. Mà không có ông nội, khéo con thua cuộc mất. Ông nội ở thêm vài bữa nhé. Con
sẽ theo ba đưa ông nội về nhà, sẽ ở chơi với ông nội nguyên ngày chủ nhật luôn.
Dưới ánh nhìn lo lắng của hai vợ chồng, ông cười to, đời thưở nào, thí sinh lại
tự mình đi chọn giám khảo. Nhưng ông bỗng quay ngoắt lại, sao anh chị không
sinh thêm con. Các anh chị bây giờ ích kỷ quá, con bé lớn lên lấy ai bầu bạn…
Đêm, vừa thấy con trai, ông vẫy anh
lại gần, giọng khẩn khoản, con mở cửa sổ ra. Người con nắm lấy tay cha, đang
gió mùa mà ba. Ở trong nhà yên ắng thế này chứ ngoài kia gió ghê gớm lắm, nó
như có thể xô mình ngã ấy. Mà lại lạnh nữa, lạnh lắm ấy. Anh vừa nói vừa xuýt
xoa, như nói với một đứa trẻ. Ông nằm yên, mắt nhắm lại như ngủ. Nhưng anh vừa
đứng dậy, ông đã mở bừng mắt, sao chúng ta lại nỡ để mẹ ra đi một mình. Mẹ suốt
đời yêu thương, chăm chút cho ba, cho các con, vậy mà mẹ phải ra đi một mình.
Ba vô tích sự, cả đời chẳng làm nên trò trống gì, cả gia đình nhờ hết vào sự lo
toan của mẹ, vậy mà ba buông tay, để mẹ phải ra đi một mình…tội nghiệp mẹ. Ông
nức lên, một giọt nước mắt lăn trên gò má, thấm vào chiếc gối trắng.
Hốt hoảng,
anh gọi cho mọi người trong gia đình.
Vợ chồng
người anh cùng đứa con trai vừa tốt nghiệp đại học, vợ chồng người chị cùng con
gái, con rể và hai vợ chồng người cô tề tựu trong căn nhà nhỏ, rì rầm trò
chuyện. Anh cả bảo, ba luôn tỏ ra mình mạnh khỏe, mình vui, mình đủ sức chống
chọi với mọi thứ nhưng đã đến lúc ba không thể chứng tỏ được nữa rồi. Ba kiệt
sức rồi. Cô út sùi sụt, cả nhà phải ở đây, ngay bên ba các cháu. Cô không nói
ra nhưng ai cũng hiểu, cô đang nghĩ đến sự ra đi đơn độc của người mẹ. Chị Hai,
vốn là một phụ nữ mạnh mẽ, quả quyết, các vị sao vậy. Ba có bệnh gì đâu, một
cơn sốt nhẹ cũng không. Chỉ là một sang chấn tâm lý thôi. Ba sẽ hồi phục.
Thế nhưng gần sáng hôm sau ông ra
đi, khi chỉ một mình cô út ngồi bên cạnh. Ông đang nằm thiêm thiếp bỗng trở
người, xoay về phía cô, thì thầm đứt quãng, có người… đứng bên kia đường… nhìn
lên cửa sổ… nhà ta. Dứt lời, ông sửa mình, nằm lại ngay ngắn, hai bàn tay trắng
xanh đan nhau hờ hững đặt trên ngực chợt buông xuôi, nhẹ nhàng nằm lại trên tấm
drag màu nâu nhạt.
SG 2.2015
Ý Nhi
No comments:
Post a Comment