Lưu
Na
Thuyền và
biển
Ngày ông Ninh bố của Hùng đến nhà gặp Má, Ngà đi học chưa
về. Má kể, ông nói với Má sẽ mang Ngà
theo trong chuyến vượt biên. Ngà thấy
lòng thầm cảm kích cách cư xử đàng hoàng ấy, dẫu ông đến vì thương con hay đến
chỉ vì tư cách người lớn, và có lẽ, Ngà không biết sao mình thầm tin, là cả
hai. Chỉ một lần gặp mặt, Ngà đã trở nên
một thành viên của gia đình Hùng. Ngà
vẫn chưa biết mặt bố mợ của Hùng.
Hôm nay là lần đầu Ngà gặp ông Ninh. Ngà thấy ông già. Ai ở vai cha mẹ mà không già, dù ông chỉ mới
bằng tuổi Má, 49. Trong mắt đứa trẻ 19
kiêu hãnh, ông là ông vua quê mùa, là bố cái đại vương đang lo toan đóng tầu
vượt biên.
Công việc đóng tàu vượt biên đòi hỏi mình có chỗ dựa ở bãi
nào đó, nghĩa là có quen biết người ở địa phương, có tài công có người đi ghe
với mình trong lúc ngụy trang là thuyền đánh cá. Mấy cái việc đó đã có tài công Đức, Đài là
dân đánh cá tại Phước Tĩnh lo. Thêm
thằng Nghé răng lòi sỉ cũng là dân nghề cá làm phụ tài. Ông và 2 con trai ngày ngày làm việc trét
chai o bế tàu lúc nó nằm bến trong Chợ Lớn, theo ghe ra biển đi cá (mà không có
con cá nào) lúc với anh Đức lúc với anh Đài để thăm dò đường nước.
Khi Ngà vào, mọi người đã tụ tập ở phòng ăn. Nhà trên dường như không có ai bước vào bao
giờ, mọi chuyện chỉ lu loa nơi căn phòng ăn đứng kế căn phòng bếp của nhà
dưới. Bàn ăn đã đủ mặt đàn ông, nhà bếp
có bà ve vẩy cười cười để cho các cô các mệ lo toan bếp núc. Vợ anh Đài bếp chính, chị Thư chị Hà chị Thúy
đứng phụ vòng ngoài. Ngà và con gái ông
chắc diện tiểu thư nên chỉ lượn lờ ngắm như ngắm cảnh.
Có mặt nơi đó ngoại trừ người trong gia đình, còn thì là tài
công, là người có chân (có đóng tiền) “đi,” và những người đi ké _ như chị Hà
thằng Hoan vì là bạn con gái ông bà, như Ngà vì là “bồ” của thằng con trai yêu
của ông, như chị Thúy lăm le xin theo với anh Giang mà chưa được phê
chuẩn!! Vượt biên là đánh đổi cả gia
tài, mạng sống, và sự an nguy của những người liên can, tự dưng nó buộc người
ta vào với nhau, chí ít là phải “hòa” chứ hục hặc thì quyết không lọt, nên thấy
ai cũng tươi cười hòa nhã thắm thiết hết biết.
Bất chợt, ông đập bàn cái bốp, hắt ra câu “rồng vàng tắm nước ao tù…” Ông mới nói điều gì đó mà bị bà phản
bác. Ai nấy im thít, Ngà quay mặt ngó
lên trời cười thầm cái chuyện bà chuyên nói ngược với ông trước đám đông và ông
mắng bà ngu. Cho tới lúc đó, Ngà chưa hề
thấy đứa con nào trong 5 đứa còn lại nói chuyện với ông _ không những nhà quê
ông còn là người độc đoán khó thương?
Ông đã trở vào bàn ăn vì không thể để mọi người chờ. Ngà ngồi kế Hùng vì không thể trốn qua bếp như
những chị kia. Cũng may, mọi câu chuyện
xoay quanh “bến bãi” và không ai buồn để ý đến Ngà. Bữa ăn rồi cũng xong. Cái phận con gái rửa chén có lúc cũng rất
lợi, nhất là khi mình muốn tránh né những tia nhìn những câu hỏi không biết trả
lời sao cho phải. Lè lẹ cho xong thì vù
ngay, cũng lại thêm một cái lợi của chuyện con gái không được đi khuya.
Hùng đợi Ngà ở cửa.
Hai đứa dùng dằng, Ngà ngước nhìn trời đêm, những ngôi sao lấp lánh trên
kia thật là quá nhỏ bé trong trời đen mênh mông.
_Mai Ngà phải lên
trường. Ngà nói lửng
_Chưa chắc Hùng đón
được, mai phải xuống ghe.
_Ừ.
Đáng ra Ngà phải thấy vui mừng khi qua được một chặng khó
khăn, tới gần được ngưỡng cửa hạnh phúc và tương lai, nhưng không biết sao lại
chỉ thấy lòng chìm lặng. Có những ước ao
chả biết có lý có ý nghĩa gì không mà mình như điên cuồng những khi nghĩ đến
nó, rồi khi biết mình sẽ có được điều mơ ước ấy, dù ngay trong phút hiện tại nó
chưa xảy ra thì Ngà đã cảm thấy một niềm chán ngán trào dâng. Những nơi chốn hẹn hò với Hùng chợt rỗng
toác, không còn giá trị gọi mời khi Ngà chính thức bước qua khuôn cửa nhà
Hùng. Đời chồng vợ, cái đời lập lại như
của Má Ba, của bao cặp vợ chồng hiện ra chập chờn chồng chất như một nỗi đọa
đầy hơn là viễn ảnh hạnh phúc mà đáng ra lúc này đây Ngà phải say sưa chìm
đắm. Ngà đạp xe chầm chậm, nhớ bài thơ
vụng về làm cho Hùng những ngày ở Long Khánh, nhớ con đường Phan Thanh Giản về
đêm. Ngà nghe tiếng lạo xạo của bánh xe
mình trên mặt đường nhựa, lòng đường êm vắng như dội lại niềm cô quạnh đang
từng lúc hiện rõ trong lòng Ngà. Cô
quạnh, quả lúc nào Ngà cũng thấy một niềm cô quạnh theo bên mình, dẫu cho đó là
phút dạt dào đi dưới mưa tháng Bảy với Hùng.
Niềm cô quạnh cứ lấp ló quẩn quanh, bóng cô đơn dường thập thò từ những
ngày xa lắc, lớn dần theo năm tháng theo tuổi đời. Ngà về đến nhà đã hơn 10 giờ đêm, Ba Má đã đi
ngủ. Má không hoạch họe giờ giấc của Ngà
nữa, từ ngày biết đích xác Ngà sẽ theo Hùng.
Một chút chua chát, Ngà thầm nghĩ, lễ giáo cũng phải lu mờ cho “sự
nghiệp” vượt biên? Ngà thầm trách mình,
nhưng nỗi chán ngán như càng phình to, Ngà tự hỏi mình có giả dối không khi
cũng tham gia vào ván bài định mệnh _ đi theo một người mong đổi lấy tương lai…
***
Buổi họp đã vãn, chỉ mới 10 giờ sáng. Ngà theo con Lan về nhà cậu Ba ở cuối đường
Phan Đình Phùng, gần sân vận động cùng tên, ăn cơm.
Con Lan dọn cơm chỉ 5 phút: một dĩa rau ghém và nồi cơm
điện. Rau ghém là món gia đình Ngà không
bao giờ ăn. Sà lách cắt nhỏ, trộn với
rau thơm và bắp chuối bào mỏng; những sợi ngà ngà quăn vòng làm dĩa rau trông
vui mắt, nhưng với Ba Má thì món nào phải ra món đó chứ trộn lộn lên như vậy
thì sẽ “rà trúng đài” nghe không biết đến bao giờ.
Ngà hỏi con Lan còn gì
nữa không? Chao. Ngà thấy hỡi ơi trong
lòng, vì không biết ăn chao. Nhưng Ngà
làm tỉnh ăn 1 chén cơm với rau ghém cho qua.
Con Lan cười cười đánh gọn chỗ chao và dĩa rau.
_Lại Quang Trung, chắc
cũng lại học tập quân sự giống năm ngoái.
_Nhưng họ nói là đi
công tác chứ có nói học tập quân sự đâu.
_Tụi mình thì có gì mà
công tác, không lẽ đi đào kinh?
Lan cười rinh rích, “kiêu”
tụi mình đào kinh thì bao giờ xong.
_Để coi tụi Thu Hồng Mai Hương làm ăn ra sao.
_Mày có nhớ năm ngoái lúc thi bắn AK 47 mỗi đứa được 3 viên
đạn, Mai Hương vừa bóp cò xong thì ngã xỉu, thằng Dũng làm xung nhào lên bồng
“em”?
Cười hô hố, Lan nói tiếp, nó như con nhái mà đòi bồng ai, được mấy bước thì té cái đùng, nhớ hôn?
Hai đứa cười ầm. Nghĩ
tới cái cảnh 2 tiểu thư đó cầm cuốc, tới cái cảnh các anh sẽ bu quanh làm dùm,
lại cười thêm một trận.
_Thôi tao về, còn sắp
mấy bộ đồ.
_Ừa. Rồi Lan lẹp xẹp ra đóng cổng.
Mỗi lần tập trung thật phiền phức. Chỉ có nước cuốc bộ thôi, chứ tiền đâu mà đi
xích lô, còn xe buýt thì giờ giấc vô chừng.
Ngán ngẩm, mà đâu có chọn lựa, bỏ cái trường đại học này rồi đi đâu, làm
gì? Mình bỏ học, chúng gửi giấy về
phường quản lý thì còn chết hơn.
Nơi sân gôn góc đường Hoàng văn Thụ, học trò Đại Học Kinh Tế
lại lần lượt chui vào xe đò, những khuôn mặt nửa nhớn nhác nửa mặc kệ. Bộ đội Do mắt sắc lẻm tìm chỗ Ngà ngồi, Ngà
làm lơ. Anh ta đã theo Ngà từ buổi học
đầu, mãi về sau mới khai ra vì Ngà với hắn có cùng sinh nhật. Ủa,
cũng có cái trò tiểu tư sản đó sao, nhưng Ngà chỉ dám nghĩ thầm. Chỉ khi tụm năm túm bảy thì bọn Ngà mới dám
giỡn mặt lớp phó đảng viên mà dài miệng chê “anh Do 4 dê, nói dở nói dai nói
dài nói dóc.” Những lúc đó anh ta chỉ
cười, vì không thể làm gì mấy cái miệng Sài Gòn. Sài Gòn, Sài Gòn,… hai tiếng đó chợt như lưỡi
dao quẹt ngang cắt đứt ý nghĩ.
Tới sân Quang Trung trời vẫn còn sáng. Chia khu xong là ào đi lãnh cơm. Lần này bọn Ngà bị xẻ dọc, nghĩa là mỗi nhóm
lẫn lộn cả 3 khóa K1, K2, K3, chứ không như lần trước, khóa nào ở chung với
khóa đó. Cơm lần này cũng khác. Mỗi mâm vẫn 6 người, nhưng cơm trắng không
trộn lộn bo bo mì sợi, và mâm bắp cải xào thịt rọi cà chua thì đầy ụ, không bù
cho năm ngoái đi học quân sự chỉ có bầu xào không và chén thịt kho lõng bõng, 6
đứa mà chỉ có 5 miếng thịt kho bằng ngón tay út. Ngà chăm chú ăn, mặc sức ăn. Ngày mai biết có còn được như vầy hay là lại đường xưa lối cũ.
Sớm bảnh mắt dậy, trời còn mát. Cả lũ rủ nhau đi chơi, nhưng đi đâu trong cái
sân trống lổng bốn bề rào kẽm gai? Tỉ tê
trò truyện, rồi lại lãnh cơm. Chiều, vẫn
lãnh cơm. Mai, vẫn im lặng. Chiều ngày thứ 2 ăn cơm xong thì tập
trung. Ngồi trong hàng với bị quần áo
mãi cho tới 10 giờ đêm vẫn không có tin tức gì.
Muốn chửi. Ngà buồn ngủ rũ mắt,
lăn quay ra cỏ gối đầu lên gói quần áo gà gật.
Nửa đêm xe đò nhỏ đến. Từng đoàn
lần lượt, cứ mỗi đứa lên một xe rồi xe lăn bánh, tới một trại nào đó cũng vẫn
là của trung tâm huấn luyện Quang Trung thì lại thêm vài cái mặt lạ hoắc leo
lên xe. Kỳ. Ngà hoang mang nhưng chả biết hỏi ai, bạn bè
cùng lớp kể là tan hoang. Xe đầy, Ngà
phát giác quanh mình toàn người lạ.
Thằng nhóc sau lưng nhanh miệng làm quen. Nó học Cao đẳng Kinh Tế, nghĩa là thấp hơn
Đại học. Xe bắt đầu chạy trong đêm, chỉ
một lúc sau hình như đã vào thành phố.
Ngà vọt miệng nói với thằng nhóc sau lưng, không biết tụi mình tới đâu đây há.
_Im đi, đủ rồi
nha. Tài xế nẫy giờ im lìm bất chợt
lên tiếng. Ngà giật mình vì giọng đe
dọa, nhưng giật mình hơn nữa khi nghĩ ra, cha tài xế này mới chính là trưởng
đoàn. Xe đổ bọn Ngà xuống một căn nhà ám
khói buồn buồn. Chủ nhà là một người Hoa
lai Việt ra nhận bọn 3 đứa con gái vào chỉ chỗ ngủ, bọn con trai qua một nhà
khác, có lẽ gần đó. Ngà mệt lả, vào
giường dắt mùng xong là ngủ lăn quay.
Năm giờ sáng Ngà đã thức sau giấc ngủ vài tiếng. Cái mát lạnh của trời đêm hình như nơi nào
cũng vậy, hay Ngà chưa ra khỏi thành phố?
Ngà ra phòng ngoài, vợ chồng ông chủ nhà đã thức, chào hỏi mời uống
trà. Ba đứa con gái bây giờ mới thấy rõ
mặt nhau. Chị Oanh học tài chánh, cỡ 22,
23, con Hương người Bắc, nó nói học cái gì lí nhí trong miệng, Ngà quên ngay lập
tức. Ngà đã quen, những đứa học trò
ngoài Bắc vào trừ một vài đứa sắc lẻm, còn lại dường như quê kệch, và tất cả,
không đứa nào lên giọng hay kèn cựa gì với bạn học trong Nam. Nơi các trò đó dường như còn mang chút vẻ e
dè và chịu đựng. Nhưng, chúng ta đúng ra
đâu có gì để phải e dè nhau nếu như các bạn ấy không là đoàn viên, phải theo
những sinh hoạt qui định sẵn, và phải có những thái độ ước định sẵn. Đời dường không đủ những vòng dây trói nhau
nên người ta phải tạo thêm để không ai được thoát!
Một tiếng chào giọng Hà Nội chính hiệu (không véo von) vang
vào, một anh bộ đội cao ráo đẹp trai hiện ra nơi ngưỡng cửa. Ông chủ nhà dường như đã gặp anh từ trước,
đon đả mời ngồi. Anh tự giới thiệu tên
Quang, học Bách Khoa, Phú Thọ cũ. Lần
lượt thằng nhóc Cao Đẳng Kinh Tế và anh Định mắt kiếng cũng tới nơi. Như vậy tổ có 6 người, chẳng ai hỏi cũng biết
anh Quang là trưởng nhóm vì bộ đồ bộ đội của anh.
Anh Quang bắt đầu thông báo: chúng ta làm công tác đổi tiền,
80 xu cũ ăn 1 đồng tiền mới. Anh giải thích:
Dân thành phố được đổi tối đa:
100 đồng cho mỗi hộ 1 người;
200 đồng cho mỗi hộ 2 người;
Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 50
đồng/người;
Tối đa cho mọi hộ thành phố bất kể số người là 500 đồng.
Dân quê được phép đổi theo mức khác:
100 đồng cho mỗi hộ 2 người (50 đồng mỗi người)
Hộ trên 2 người thì người thứ 3 trở đi được đổi 30
đồng/người;
Tối đa cho mọi hộ dưới quê bất kể số người là 300 đồng.
Ngà tự nghĩ, vậy là lời rồi, lần trước 500 mới ăn được 1
đồng, mỗi nhà chỉ đổi được tối đa 200
tiền mới, bây giờ các hộ thành phố cũng được đổi tới 500 đồng. Nhưng tại sao hộ nhà quê lại được đổi ít
hơn? Không phải nhà nước muốn tất cả mọi
người được bình đẳng hay sao?
Anh Quang sẽ ngồi riêng 1 bàn phát tiền mới, anh Định đại
học Tổng hợp thu tiền cũ, Ngà, Tài, cái Hương, chị Oanh, cùng tiếp dân, tính
tiền lên mảnh giấy cho họ. Gần trưa mới
bắt đầu đổi tiền, dân đã xếp hàng như kiến bên ngoài. Quá trưa bắt đầu thấy những người dân nón lá,
áo bà ba bạc màu. Họ ở dưới quê lên đây
để đổi tiền, như vậy lệnh đổi tiền phát ra lúc nào? Ngà không còn thì giờ để ngẫm nghĩ. Có những bà già lam lũ không có đủ tiền để
đổi như được qui định, họ ngập ngừng đưa những tờ bạc nhàu nhĩ rút từ túi áo
trong, nhúm tiền lìa khỏi bàn tay cằn cỗi như những cái rễ cây èo uột tuột khỏi
hòn đất cuối cùng mà nó còn bám víu.
Bọn Ngà cắm cúi làm việc, đến một lúc nào đó Ngà nhận ra
hình như mình không nhìn mặt ai từ nãy đến giờ mà chỉ lo cộng trừ nhân chia
trên những tấm giấy. Chỉ khi đóng sổ hết
ngày Ngà mới nhận ra cái điều vẫn lướng vướng trong óc suốt mấy tiếng đồng hồ
vừa qua. Ngà bật tiếng kêu hốt
hoảng. Anh Quang ngước sang. Anh Định chăm chú nhìn Ngà sau gọng
kính. Thằng Tài mau miệng hỏi “cái gì đó?”
_Ngà tính lộn tiền rồi. Miệng nói, tay Ngà khoanh lại cái chỗ tính
toán cho một người, đó là một bà ở dưới
quê lên. Chết, làm sao bây giờ, Ngà luống cuống lo lắng. Anh Quang lật sổ tìm địa chỉ của bà rồi ra
ngoài cửa nhờ dân phòng nhắn ông tổ trưởng tổ dân phố. Anh viết xuống mảnh giấy, nhờ ông tổ trưởng
ra phường chuyển tin nhắn về địa phương của người đàn bà ấy yêu cầu bà trở
lại. Ngà ngồi thừ, lòng buồn rầu. Đổi được bao tiền mà công lênh xe cộ, bỏ ngày
công bỏ buôn bán… cái lỗi này biết làm sao bù đắp cho bà. Đã sẵn ngó lại, Ngà lại tìm ra một cái lỗi
khác. Lần này là một người ở nơi đây nên
việc gọi trở lại để tính tiền cho chính xác được hẹn qua ngày mai. Cái Hương vẫn im lặng hiền lành và an
phận. Ngà chợt hiểu ra cái chầm chậm từ
từ như khờ khạo của nó. Làm việc nhanh
không được chi mà chỉ rước thêm việc, thêm lỗi lầm _ cái Hương chỉ nhanh lúc
vào họp bàn chỉ tiêu, nói chính sách vân vân…
Lục đục, mọi người đã lên xe đến trụ sở để kết toán, chỉ còn mình Ngà ở
nhà. Anh Định quay xe honda về đón Ngà ra
trụ sở. Đó là tầng lầu 2 của một nhà
băng, rộng thênh thang với 2 dãy bàn làm việc còn nguyên vẹn, đèn đuốc sáng
choang. Thằng Tài hí hửng dúi vào tay
Ngà một ổ bánh mì dài ngoằng, nhét đầy ụ phá lấu. Nó kể lể là đã dành khẩu phần của Ngà thật
hậu hĩ. Ngà vồ ổ bánh mì ăn không ngó
ai, cái đói đã làm Ngà quên đi mọi thứ vừa mới đây còn cắn rứt lương tâm
mình!!! Tám rưỡi tối, anh Định chở Ngà
về lại điểm đổi tiền. Ông bà chủ nhà còn
thức chờ mọi người.
Tắm rửa xong Ngà vào giường, nhưng dẫu mệt mà Ngà không ngủ
được. Mọi điều xảy ra trong ngày vẫn
chạy vòng vo trong óc Ngà như đèn kéo quân, _ bởi từ lúc “nhận công tác” rồi
bắt tay vào việc thì Ngà đã như con vụ bị quật xuống nền nhà quay tít theo
những vòng dây, mòng mòng, và bây giờ dù đã hết đà con vụ vẫn còn phải xoay cho
hết trớn rồi mới có thể ngã oạch xuống nền đất lạnh. Anh Định anh Quang dường thản nhiên như thể
họ đã làm qua công việc này. Chị Oanh
vênh váo cái điều chị đã từng làm việc tại ngân hàng nên tính toán chính xác
không lầm lẫn rối ren. Thằng Tài dường
coi đây là một trò chơi thú vị. Ôi, Ngà
mệt lả tấm thân, mệt lả cõi lòng. “Cách
Mạng,” những chuyện bất ngờ trời ơi cứ lần lượt chui ra như bất tận từ cái túi
nhiệm màu không đáy của bà phù thủy.
Ngà nằm ngó lên góc mùng tối nhờ. Giữa những phút rảnh rỗi trong ngày, lúc chở
Ngà đi về, anh Định đã có lúc ngạc nhiên hỏi sao Ngà biết câu thơ của Đào Tiềm:
Dĩ
tự ký tâm vi hình dịch
Trù
trướng nhi độc bi…
_A ha, con nhỏ này ngộ,
anh nói. Bây giờ đố Ngà, người ta tả phận đàn bà là bèo dạt mây trôi thì tả
người đàn ông cùng cảnh ngộ ấy thế nào?
_Em không biết.
_Đây nè:
Sông
gợn Trường Giang buồn điệp điệp
Con
thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền
về nước lại sầu trăm ngả
Củi
một cành khô lạc mấy dòng.
Ngà chịu là tài. Nhớ
lại những phút được nói chuyện bá láp như vậy với anh Định, lòng Ngà dịu lại,
như trên quãng đường khô cằn nóng bức dài lê thê mà bắt gặp một đóa hoa dại
rung rinh trong làn gió nhẹ… Chí ít,
giữa hai người xa lạ vẫn còn văn thơ ngày cũ làm điểm giao hòa giúp người bớt
lạ người.
***
Bảy giờ sáng, anh Quang đã xuất hiện ở cửa đem cho mỗi đứa
một ổ bánh mì tiêu chuẩn ăn sáng, bọn con trai cũng đã đến. Hôm nay Ngà quyết phải cẩn thận hơn, chậm rãi
hơn khi tính tiền cho dân. Bà già ấy có
trở lại kịp ngày hôm nay để nhận lại phần sai biệt do Ngà tính lầm? Ngà thấy chút heo hắt trong lòng _ cái kiểu
tin miệng đưa đi biết có tới, mà dẫu tìm được bà để nhắn thì cũng đã hết hạn
đổi tiền khi bà trở lại. Món nợ này Ngà
sẽ trả ở kiếp nào?
Dân đã bắt đầu kéo tới ngoài cửa. Chỉ còn hôm nay nữa là địa điểm này đóng cửa,
không biết những ai không đến kịp sẽ giải quyết ra sao. Trong vòng một giờ Ngà đã lại cắm mặt vào
giấy không còn nhìn ngó mặt ai cho đến tối.
Ánh đèn nê ông trắng lóa trên những khuôn mặt tai tái nơi trụ sở, tiếng
lao xao đối đáp, những bóng người qua lại lẹt quẹt va chạm như dấu chấm hết cho
ngày đổi tiền. Rồi sổ sách cũng xong,
Ngà lại ngồi lên yên sau xe để anh Định đưa về.
Anh chạy vừa phải dưới ánh đèn vàng vọt, miệng kể lể:
_Đàn bà quả thực hay
ghen. Hôm qua anh chở Ngà ra trụ sở cũng
bị chị Hoa nhéo quá trời, phải mua kem chuối đền tội.
_Bộ chị Hoa nhìn thấy?
_Anh không biết, Hoa
làm ở tổ khác sao thấy được _ chắc bạn bè có đứa thấy rồi méc.
_Nhưng mình làm việc chứ có cái gì khác đâu?
_Ừ, mà ghen thì vẫn cứ
là ghen.
Đèn đường hắt một mảnh tam giác vàng tối màu nước trà trên
mặt anh Định như đang cười cười lúc quay ngang nói chuyện với Ngà ở mé
sau. Anh đang yêu, những cái ngắt véo
của tình yêu dù thế nào cũng vẫn êm ái.
Ngà chợt nhớ ra, mấy ngày nay Ngà không hề nghĩ đến Hùng, không hề thắc
mắc Hùng ở đâu làm gì. Ngà có yêu Hùng,
hay chỉ là hai đứa đã quen với hoàn cảnh _ những mảnh bèo không muốn dạt theo
nước cứ lấn cấn xoay mòng gượng lại với dòng để khỏi bị cuốn trôi xa? Ánh đèn của căn nhà đổi tiền còn vàng hơn cả
đèn đường. Ngà vào giường đầu óc trống
không. Dường như không ai thắc mắc tại
sao còn ở lại chỗ này thêm 1 ngày.
Đêm không thể đêm hoài.
Sáng sớm, anh Quang xuất hiện như thường lệ. Hôm nay không có quà sáng. Anh chờ mọi người đến đủ mặt và tuyên bố công
tác đổi tiền đã kết thúc. Anh phát cho
mỗi đứa một số tiền nhỏ _ tiền bồi dưỡng, hình như Ngà được mười mấy đồng. Chị Oanh cái Hương thằng Tài đứng dậy sẵn
sàng, anh Định ra cửa không lời từ giã - có lẽ anh phải đi đón chị Hoa. Tối qua Ngà thoáng thấy anh đứng với một chị
hơi thấp và tròn hơn Ngà một chút, da trắng trẻo mịn màng. Lúc trở lại bàn của tổ mình anh đã gật với
Ngà đó là chị Hoa. Trong một loáng chỉ
còn Ngà và anh Quang. Ngà lúng
túng. Ngà đã biết đây là quận 4 Khánh
Hội, nhưng làm sao để từ cái xứ này về lại Sài Gòn đây. Ngà rụt rè hỏi anh Quang có chở Ngà ra chợ
Bến Thành rồi Ngà sẽ biết đường về nhà.
Anh Quang ừ, ánh mắt thoáng nét cười diễu. Chính Ngà cũng muốn cười cái tréo ngoe này _
trong thành phố của mình, một người Sài Gòn hỏi đường một người ngoài Bắc vào,
dân tỉnh thành phải nhờ bộ đội trong rừng dắt đường. Ngà từ giã anh Quang ở bùng binh Sài Gòn,
ngước mắt nhìn trời. Trời thấp quá, đè
bẹp mọi cái thau nhôm to nhỏ thành những miếng nhôm phẳng méo mó dị hình rồi
những bước dép râu đạp lên, chà nghiến những miếng nhôm ấy lên mặt đường khô
lồi lõm gập ghềnh. Khi Ngà về đến nhà,
tấm thân nhôm mỏng đã thủng thêm vài lỗ.
Mọi người đi vắng cả, Ngà qua nhà bên hỏi Má có gửi chìa
khóa. Bà cụ hàng xóm cười cười đưa cho
Ngà chiếc chìa khóa miệng hỏi “cô đi công tác đâu về.” Dạ,
Ngà trả lời, cám ơn bà cụ rồi vào nhà.
Trong nhà hơi tối, đồ đạc bàn ghế vẫn đâu còn nguyên đó với chút nằng
nặng buồn buồn. Ngà chỉ đi có mấy ngày
mà tưởng như mình từ thế giới nào khác trở về quê hương, từ nơi xao động hỗn
mang trở về lại chốn thâm sơn tĩnh lặng.
Căn nhà tựa như là mảnh đất nhỏ tí còn sót lại trong biển nước mênh mông
cuồng nộ. Ngà chợt nghĩ, không chỉ quang
cảnh quen thuộc mà còn là hơi nhà mang cho Ngà cái ấm áp an tâm. Hơi nhà, mùi gì, ánh sắc gì, ấm lạnh gì, Ngà
không biết thế nào cả, nhưng có rời nhà rồi trở về mới thấy ra cái hơi ấy, cái
hơi bảo đảm một mối giềng một chốn dung thân.
Vậy, mà Ngà lại lăm lăm để bỏ đi.
Hùng, giờ này Hùng đang làm gì?
Buổi chiều, Ngà đạp xe ra đầu hẻm định lên nhà Hùng nhưng
trời bắt đầu đổ mưa. Mưa gieo những cây
kim bạc xuống lòng sông hẹp, bắn lên những bong bóng nước vừa vun tròn đã vỡ
toang. Nước như cười với những núm đồng
tiền đầy cả mặt sông. Dưới màn mưa dường
chỉ có mái chùa đầu ngõ đứng vững không suy suyển. Từng giọt, từng giọt, lăn, rơi, lăn, rơi, qua
từng lớp ngói vàng cam rêu bám. Gió lắc
những cành cây, xô giạt những bụi lá ven con kinh nước đen gợi Ngà nhớ bãi cỏ
hoang mênh mông cuối đường Trương Minh Giảng quẹo trái. Đó là chỗ hẹn hò của trai gái, của đủ thứ
tình yêu cũng như tình ma. Sau khi đã đi
hết mọi rạp xi nê, coi hết mọi thứ phim Quốc doanh cũng như phim Liên Xô Trung
cộng, bây giờ Ngà và Hùng thường chấm dứt buổi hẹn hò nơi bãi cỏ ấy. Bãi rộng mênh mông, cỏ cao gần đến ngực,
thường ngả rạp qua chiều này rồi lại lật sang chiều khác tùy theo cơn gió. Từng cặp đứng ôm nhau và không ai ngó ai. Nơi ấy, Hùng đã hôn Ngà những nụ hôn vụng về,
đã đặt bàn tay lóng ngóng lên bờ ngực của Ngà rồi mở bung vài cái cúc áo. Khi Ngà thấy gai gợn thấy rin rít nơi tấm
thân, Ngà cũng thấy một nỗi gì như ê chề như bệ rạc cho tư cách của mình. Ngà không cưỡng được mình nên vẫn theo Hùng
đến đó, rồi lại không tha được mình nên cứ thấy tự khinh dù Ngà và Hùng cũng
không dám vượt qua mấy cái cúc áo. Ngà sực nhớ ra, từ hôm ông Ninh bố Hùng xuống
nói chuyện với Má đến giờ hình như Ngà và Hùng chưa trở lại nơi ấy, và đột nhiên
Ngà thấy nhẹ mình.
Ngà quay xe đạp trở vào nhà thì mưa đã nặng hạt. Trời sập tối thật nhanh và mưa không có vẻ gì
sẽ ngớt.
Trong nhà chỉ có Ngà và em Châu, có lẽ Ba Má và các anh chị em khác đang
mỗi người một mái hiên nào đó tránh mưa.
Ngà đứng trong bếp, nghe có tiếng đập cửa. Em Châu chạy ra hỏi,
_Ai đó?
_Tôi.
Châu ngập ngừng:
_Dạ là ai ạ?
_Tôi, (lại tôi !!), tôi là bố thằng Hùng.
Ngà chạy ra cửa. Ông
Ninh đứng đó, quần sắn lên bắp chuối chân mang dép da quai bộ đội, dù, áo
mưa… Nước nhiễu ròng ròng dọc theo ống
chân ông. Châu phân bua:
_Em nhìn qua lát cửa
thì chỉ thấy được 2 cái chân.
Mưa bắt đầu tạt vào nhà, mặt ông Ninh dường như bối rối
ngượng ngùng khi thấy gian nhà trống, như đi bắt ghen hụt. Ngà muốn cười mà không dám cười. Chỉ một thoáng rồi trước khi Ngà kịp cất lời
chào, ông làm tỉnh nói,
_Mưa gió thế này mà
thằng Hùng không thấy về, Bố sợ nó bị bắt nên phải đi tìm quanh xem nó có ghé
nhà ai không.
_Dạ, hôm nay Hùng không đến.
Thưa, …b..ố vào chơi ạ.
_Thôi, để bố đi tìm
nó. Bố về nhá.
_Vâng,… b..ố về.
Bố, vậy là ngọt sớt Ngà qua lọt cái cửa xưng hô không rung
rinh một sợi tóc. Mới phút trước đó Ngà
còn thầm cười Bố cái Đại vương cưng con quá mức, hay là kiểm soát con quá mức,
hay là ghen với Ngà quá mức, hay là vân vân, thì phút này đây Ngà lại thấy cảm
kích ông, cảm kích cái quê kệch cái kịch cỡm mà lại rất thiệt thà và thân thiện
của ông. Bố. Cái tiếng gọi ấy mang hình ảnh một gia đình
mới một xã hội mới một khu vườn mới. Ngà
sắp xa bỏ khúc đời đang sống để bước sang cuộc sống khác. Có gì đó như nao nao như vui mừng như tắt
nghẹn, Ngà bồi hồi bước những bước bâng khuâng lên từng bậc thang gỗ nhỏ tựa
như người mù lần dò sờ soạng tìm nơi chốn của mình mà ngồi dựa xuống. Ngà ngồi nơi đầu cầu thang chỗ có cánh cửa mở
ra nhìn thấy mái nhà hàng xóm, không dừng được, bật tiếng hát. Ngà hát mãi, chả biết bài gì với bài gì, cho
đến khi nhà đã lao xao đầy tiếng người _ đã tới giờ đóng lại cuốn nhật ký và
sống với cái bìa của nó.
***
Mợ Hùng đến đón Ngà nhưng bà không vào nhà, chỉ gọi Ngà ra
vì xe đang đợi. Ngà dùng dằng vì Má chưa
về, nhưng bà đã giục vì không thể chần chờ, mỗi một chuyến đi một hiểm nguy bất
an bắt đầu từ phút mình nói đã đến giờ.
Ngà bước chầm chậm theo bà ra xe như muốn kéo dài thời gian, lòng ray
rứt nặng buồn. Má, Má ở đâu sao chưa về,
con phải làm sao đây. Má, Má… Xe vừa leo dốc cầu Trương minh Giảng thì Má
đạp xe vào ngõ. Như có linh tính, Má
dừng lại, ngơ ngác nhìn quanh tìm kiếm.
Trong xe, nước mắt Ngà đã ngấn quanh, Ngà mở miệng muốn gọi mà không có
âm thanh nào lọt ra. Xe qua cầu, qua,
qua, bóng người lao xao hàng cột đèn nghiêng ngả. Qua, qua, từng chiếc xe đạp mệt mỏi buồn
phiền rướn tới trên vòng bánh xe ọp ẹp.
Qua, qua. Má, con đã xa Má mà không
kịp lời từ giã, tấm áo sa tanh ngà thêu chìm hoa cúc đại đóa ngồi thẫn thờ trên
xe đạp tìm kiếm một cái gì đó cứ dập dềnh mãi trong ngấn nước. Má, Ngà muốn gọi một tiếng thật to thật sắc cho
bể vụn trời xanh, nhưng Ngà chỉ ngồi nghẹn suốt quãng đường vào Chợ Lớn.
Trong mắt mọi người, mợ của Hùng, chị Phụng, và Ngà là ba má
con. Ngà cũng biết, khi mình đi cùng bà chủ
ghe thì họ tên đã sắp cải sửa. Nhưng
lòng Ngà rối bời _ chân bước không biết đường đất lồi lõm gập ghềnh cứ chực
té. Ba người sẽ lên thẳng ghe mẹ, và từ
đây ra phía Long Tỉnh chờ ghe taxi bốc người lên. Hùng đứng trên be thuyền chờ Ngà loay hoay
bước trên tấm ván hẹp chỉ đủ một bàn chân bắc từ bờ lên mạn ghe. Có độ 3 thước mà Ngà suýt bổ nhào xuống nước
mấy lần – nhưng ánh mắt của Hùng khi thấy Ngà đã như tấm lưới giữ Ngà vững
bước. Lúc ấy Hùng đang quấn thừng, bàn
tay khum khum làm chạc cho thừng quấn thành vòng từ cùi chõ lên qua chạc ba
giữa ngón cái và ngón trỏ. Trong một
giây Hùng dừng tay, mắt mở to lóe một ánh hào quang rồi hào quang ấy thu lại
vào đáy mắt, nét mặt trở lại bình thản.
Trong một giây Ngà biết vị trí của mình trong lòng Hùng và Ngà hiểu tại
sao Bố bằng lòng mang Ngà theo dù cả Ngà lẫn Hùng chưa một lần xin xỏ. Chỉ một giây, và bây giờ Ngà thực sự bơ vơ.
Lưu Na
03032015
No comments:
Post a Comment