Monday, July 23, 2012


TẢN MẠN
bên tách cà phê 

Nguyễn Xuân Thiệp


                                        
                                                                       Phượng



                                                                     ... và ve

Nói với các chú ve nhỏ

Một buổi trưa đã lâu lắm rồi. Không gian đầy nắng. Những cây hải đào nở đỏ. Tôi buông bút, bước ra khu lùm cây cạnh con suối cạn lòng, phía sau tòa soạn báo Vietnasm Weekly News của Trần Lộc. Hồn tôi không tĩnh lặng mà say lảo đảo như biển chập chờn. Chợt tôi nghe tiếng ve ran trong bóng mát khu lùm cây. Tiếng ve? Có thật không? Ở xứ này mà cũng có ve sao? Tôi vẫn biết trong từ điển có tiếng cicada chỉ con ve. Nhưng có tiếng không có nghĩa là có trong hiện thực chung quanh. Từ lotus, hoa sen, cũng có trong sách vở đấy, nhưng mắt tôi chưa từng nhìn thấy cây bông sen mọc trên nước Mỹ.  

   Tiếng ve mùa hạ. Đây rồi hồn ta. Một hôm có nắng bỗng nhớ tiếng hát em, hỡi chú ve nhỏ. Nắng bâng khuâng hoài...* Tôi nhớ lắm chứ. Thảo nào, hồi nãy nhìn thấy màu nắng và hoa trúc đào, à không, hoa hải đào màu đỏ, tôi bỗng thấy nhớ một cái gì đó mà chưa định tiếng, định hình được. Thì ra là tiếng ve và màu hoa phượng. Những thực thể tầm thường như vậy trong đời sống mà tôi và bạn và em đã vĩnh viễn mất đi. Muốn lại được nghe thấy, nhìn thấy nó, ta phải vượt trùng dương, băng qua nhiều ngàn dặm trở về. Có hy vọng nào làm được như thế không? Cho nên, buổi trưa nghe tiếng ve, dù không bừng cháy da diết như tiếng ve trong những vườn nhãn ấu thời ở Huế, trên những hàng cây bên trường Lê Ngọc Hân ngày nọ hay trong công viên Tao Đàn Sài Gòn, nhưng thứ tiếng đầy âm vang đó đủ khiến tôi bồi hồi suốt một buổi. Thật là nhảm, đại nhảm. Nhưng biết làm sao. Rằng quen mất nết đi rồi... Trong nỗi xúc động ấy, buổi chiều, tôi báo tin vui cho người bạn thơ, rằng tôi vừa nghe tiếng ve kêu trong bóng mát lùm cây ở Dallas.
    Tiếng ve. Có lần, tôi đã viết về tiếng ve ở những khu vườn rợp nắng buổi đầu đời. Nó vang dậy, như một dàn đại hợp xướng, chỗ này vừa lặng tiếng, chỗ khác đã rộ lên, cứ thế không dứt. Và Trần Dạ Từ đã viết như thế này, hơn bốn mươi năm về trước, khi cùng bà Trần Thy Nhã Ca ngồi trong một khu vườn chùa tĩnh lặng ở Huế: Lần đầu ta ghé môi hôn, Trăm con ve nhỏ hết hồn kêu vang... Cái ông Trần Dạ Từ này sao tỉnh đến thế? Ông hôn người yêu mà còn nghe được tiếng những con ve nhỏ kêu thì thật là siêu. Lúc đó chỉ có mê đi mà thôi, cho dù triều biển tím có dậy ầm ầm chung quanh. Nói đến biển và ve, lại nhớ câu thơ tuyệt vời của Tô Thùy Yên: Ve kêu như biển lâng lâng dậy, Xô giạt hồn ta mộng chập chờn...

   Hỡi các chú ve nhỏ... Tôi yêu các chú biết bao. Vậy mà thuở ấu niên bé xíu, tôi đã có lần phạm lỗi đối với chú. Thật là ngu xuẩn. Chuyện như thế này: Hồi đó, cũng mùa hè nắng cháy vàng hoe tóc khét da, tôi theo mấy đứa bạn rắn mắt, đi chơi khắp làng khắp xóm. Nghe tiếng ve kêu ran đầu cành, một thằng hỏi: tụi bây có muốn bắt ve không? Rồi cả lũ kéo nhau đi chặt ống tre và mấy cành trúc. Tôi được phân công trèo lên cây bông sứ, chặt đọt cho chất mủ trắng chảy ra rồi hứng vào ống tre nhỏ. Một thằng khác có phận sự đem ống tre ấy nung vào lửa cho cháy khét lên. Mủ bông sứ đổi ra màu sô la, biến thành một thứ nhựa thơm, rất dính, đem bôi vào đầu ngọn trúc để bắt ve thì hết sẩy. Chú ve nhỏ đang hồn nhiên ca hát trên cành nhãn thì bỗng dính nhựa ở đầu ngọn trúc, hết đập được cánh để bay đi. Chú không hát nữa, mà vùng vẫy cố thoát khỏi lòng bàn tay tôi. Tất nhiên rồi tôi cũng thả chú ra, sau khi đã chùi chất nhựa dính trên đôi cánh mỏng manh. Chú ve bay lên, loạng quạng trong nắng, rồi lẩn vào cây lá. Không biết chú sẽ bay xa đến đâu, qua được mùa hè không? Chú ve của tôi ơi, tôi viết những dòng này cũng là để tạ tội với chú cũng như với ấu thơ tôi. Tôi biết tôi có nhiều lỗi lầm với chú cũng như với chú cu cườm trong vườn cây Vương Phủ ngày nọ. Tuổi nhỏ u mê và nghịch ngợm, khiến tôi nghĩ lại mà chẳng an tâm chút nào.
   Thật lòng thì tôi yêu các chú ve nhỏ lắm lắm. Các chú là những nghệ sĩ giữa cõi đời bụi bặm này. Kẻ nào ghét chú, hay không yêu chú, thì đúng là kẻ đáng thương. Cho nên tôi chẳng ưa bài ngụ ngôn Con Ve Và Con Kiến của ông La Fontaine chút nào. Ông này, gọi là khôn thì cũng khôn đấy, nhưng thực dụng một cách thô thiển. Tôi chẳng thể nào yêu được những con người thực dụng kiểu như thế. Nghĩ cho cùng, những ông thi sĩ nhạc sĩ chúng tôi cũng là đồng hội đồng thuyền với các chú ve mà thôi. Chú ca hát suốt một mùa hè. Cho hoa lá, cho đất trời, cho tuổi nhỏ rong chơi, và cho những đôi lứa hôn nhau dưới bóng cây mùa hạ nọ. Chú không mang đến cho lời ca buổi tôi còn nhỏ nhít ấy một nét ưu phiền nào cả, cũng như chú đã không mang đến cho tình yêu của thời thanh xuân con người một giọt lệ buồn nào. Lệ chỉ rỏ sau đó khi cuộc đời chia cách... et la vie nous sépare... và  cuộc đời chia cách chúng ta **
   Xin các chú ve hãy cứ ca hát trong những mùa hè ở đất nước tôi. Dù xa dưới ngàn mây trắng, khi nhìn về ấu thơ, tôi vẫn thấy vô cùng thân thiết với các chú, và hết lòng tạ lỗi cũng như biết ơn. Bởi không có các chú, tuổi thơ tôi mất đi vẻ đẹp, vẻ sáng. Cũng như không có các thi sĩ, nhạc sĩ thì trái đất này sẽ trần trụi và khô khan biết mấy. Nó sẽ không còn là quả cam màu xanh, nơi cư ngụ bình an của con người.

   Viết thêm, sau khi đọc lại vào một ngày đầu hè của năm 2010: Bài này, cũng như bài Mộng Hái Sen, Nguyễn viết đã lâu, nay nhân buổi hè sang bèn lục ra đưa lên báo để những bạn yêu ve, yêu phượng, yêu sen và mơ theo mây trắng, có dịp cùng chia sẻ. Riêng về các chú ve sầu, Nguyễn sẽ có dịp trở lại trong một bài khác.

 NXT

*Lời nhạc Trần Tiến
**Thơ Apollinaire


No comments:

Post a Comment