Tuesday, July 3, 2012


Giã biệt Nguyễn Mộng Giác
Lưu Na




Đường Một Chiều ra đi ngày tắt nắng
Sông Côn Mùa Lũ nghe chơi vơi
Bão Rớt chợt thương Mùa Biển Động
Nhạt Bóng Thuyền Say im giấc mơ
Băn Khoăn đâu Tiếng Chim Vườn Cũ
Ngựa Nản
            Chân Bon
                        giã biệt đời. 

Khoảng mười năm đầu cuộc đời tỵ nạn tôi sống bằng sách, có bao nhiêu tiền đem mua sách, có bao nhiêu giờ rảnh thì cắm đầu đọc sách.  Rất bực, rất nóng lòng vì cứ phải chực chờ để đọc Mùa Biển Động, lúc đó ra được 3 cuốn rồi im một thời gian khá dài mới hoàn tất, và hoàn tất trong đôi chút nhọc nhằn thị phi.  Nguyễn Mộng Giác có vẻ là một nhà giáo hiền lành, tới đỗi tôi không nghĩ ông viết được những dòng chữ tả cảnh Nam và Tường (hình như vậy, lâu quá rồi tôi không nhớ rõ) xoắn xuýt ôm nhau vội vàng bên lề những cuộc xuống đường tranh đấu của sinh viên Huế, chiếc cúc áo dài bật đứt...  Và tôi cũng không nghĩ cái bộ vó xương xương ấy có thể dài hơi mà hoàn tất một bộ trường thiên.  Vậy mà không những một, ông làm luôn bộ thứ 2, Sông Côn Mùa Lũ.  Với đời tỵ nạn, tôi quý bộ Mùa Biển Động lắm.  Nó mang chút lịch sử của những năm cuối cuộc chiến, dẫn qua giai đoạn dâu bể, qua một hố thẳm đổi đời trong lịch sử người Việt miền Nam, cái mùa tang thương nguy biến ấy.  Cùng với những truyện ngắn viết sau này, từ trại tỵ nạn qua đến đời viết lách trên đất định cư, những đóng góp của Nguyễn Mộng Giác đủ và xứng làm một chương trong bộ sách văn học của người tỵ nạn cho chúng ta tham khảo.  Không tuyên bố, ông chỉ dùng cái bền bỉ âm thầm trong công việc của mình để nói lên sức sống, sức sinh tồn của những số phận con sâu cái kiến sau cuộc tang thương, và người trí thức không phải là một danh xưng mà là một thực thể.  Với tôi, bộ Sông Côn Mùa Lũ mang bóng dáng thực của ông hơn: một nhà giáo nghiêm túc trong công việc, chừng mực trong chữ nghĩa, một nghệ sĩ tận tâm với đời và một tâm hồn tinh tế nhạy bén với những cảm xúc của con người.  Cô An và Huệ của Nguyễn Mộng Giác lưu lại trong lòng tôi rất lâu, dù tôi đã được giới thiệu rất nhiều phóng ảnh khác của “Huệ.”   

Những năm đầu 1990, tờ Văn Học qua những lấn cấn nội bộ, với Cao Xuân Huy bị đẩy ra và những cái tên khác lần lượt thay thế vào.  Bài vở đi xuống, có những số báo thật mỏng và nghèo nàn về nội dung.  Tôi cầm tờ báo mà nản lòng.  Nói một mình NMG thì có vẻ phủ nhận công sức của cả ban biên tập, nhưng thực sự là vậy, NMG đã vực tờ Văn Học đứng lên.  Nội dung tờ báo giữ đủ tiêu chí của một tạp chí văn học, rất ít khi có bài “tạp” thiếu tiêu chuẩn chữ nghĩa hay nghèo nàn nội dung.  Tuy Văn Học có thể bị xem như “già” nhưng với tôi đó là cuốn tạp chí có giá trị với những bài nghiên cứu văn, sử, những bài tiểu luận phê bình đặc sắc, và truyện thơ khá đều khá vững.  Công khó của NMG kết thúc với cái hậu của chuyện cư xử: khi biết mình có bịnh nan y, NMG giao Văn học lại cho Cao Xuân Huy, tổng thư ký cũ của Văn học.  Lui về tịnh dưỡng, ông vẫn còn góp chữ với đời chứ không buông tay.  Hành trình một đời người, một cây viết thực đã quá trọn quá đầy.  Xin cảm ơn và giã biệt nhà văn Nguyễn Mộng Giác. 

Lưu Na
07/03/2012




No comments:

Post a Comment