Friday, July 27, 2012


Sách thật sách ảo
Bài viết của T. Vấn


Tháng 5 năm 2010, giới thiệu tác phẩm in thứ sáu của nhà văn Trần Yên Hòa, tôi đã viết:
“ Về phương diện Văn học, mạng điện tử đã làm một cuộc cách mạng lớn nhất thế kỷ. Đã có hẳn một nền văn học gọi là Văn học Mạng. Sự ra đời của mạng điện tử đã làm suy yếu hẳn hình thức văn học quy ước là sách in ( và báo in, tạp chí văn học in ). Vậy mà, lên mạng google cái tên Trần Yên Hòa, tôi chỉ nhận rải rác vài kết quả không đáng kể. Nhưng với 6 tác phẩm in xuất bản trong vòng 10 năm, thì cái tên Trần Yên Hòa, một cách bình thường, phải cho những kết quả lớn hơn thế rất nhiều cho xứng với số lượng tác phẩm của ông. Tôi chỉ có thể suy luận rằng ông không mặn mà lắm với việc phổ biến tác phẩm của mình trên mạng, và vẫn tha thiết với việc in ấn và xuất bản những đứa con tinh thần của mình.”
Chỉ vài tháng sau đó, Trần Yên Hòa cho trình làng trang mạng văn học Bạn Văn Nghệ ( http://www.banvannghe.com/)hùng hậu gồm tòan những tên tuổi sáng chói của miền Nam trước đây.
Tôi suy luận rằng từ đây khó mà cầm được trên tay tác phẩm mới ( in bằng giấy ) của nhà văn Trần Yên Hòa, người “ năng nổ “ nhất trong việc xuất bản những tác phẩm của mình. Ông đã có trang mạng điện tử để gởi những đứa con tinh thần của mình ( và bạn hữu ) đến độc gỉa.

Mục “ Ghi Chép trên bàn viết “ của trang TV&BH vừa rồi có bài của một cây bút viết rất khỏe và thâm niên công vụ khá dầy Đỗ Xuân Tê kể câu chuyện bút danh của anh long đong qua những chặng đường viết lách để rồi cuối cùng cái tên ĐXT cũng có được một sức nặng đủ để những chủ biên các trang mạng phải “ mặn mà “ mỗi khi nhận được bài anh đóng góp. Thế mà trong suốt bài, không thấy anh nhắc đến việc in ấn những tác phẩm của mình ( dù chỉ là ý định ). Chỉ biết rằng anh muốn trang TV&BH lưu trữ cho anh những gì anh đã viết . Có lẽ anh tin rằng mai kia mốt nọ người đời sau cứ lang thang trong thế giới ảo sẽ gặp anh, chứ không phải ở những tiệm sách hay thư viện như thế hệ của anh tìm đến mỗi khi muốn gặp tiền nhân để trò chuyện.
Hay như các anh Khuất Đẩu, Ngộ Không, tuổi đời đang đi vào chặng đường cuối, tuổi văn cũng không nhỏ ( anh Khuất Đẩu cầm bút đã hơn 40 năm, anh Ngộ Không tuy có số năm ít hơn nhưng từ vài năm nay anh làm việc trung bình 12 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm ) và số lượng tác phẩm cũng dễ làm người yếu bóng vía là tôi chóng mặt. Vậy mà không anh nào nói đến chuyện in ấn những tác phẩm của mình, dù, công tâm mà nhận xét, những tác phẩm của hai anh rất đáng để mọi người thích đọc sách phải quan tâm.

Hình như đã qua cái thời mà người ta tin rằng, nếu chưa có tác phẩm được xuất bản, thì dù anh có viết nhiều, viết hay đến chừng nào cũng vẫn chưa được người đời công nhận là nhà văn, nhà thơ, những chức danh vốn “ hữu danh vô thực “, đến bây giờ lại càng “ hữu danh vô thực “ hơn.
Trong số những tác gỉa thân hữu của T.Vấn & Bạn Hữu, chỉ duy nhất có chị Ngân Bình đã có hai tác phẩm xuất bản ( và tái bản ). Do nội dung và bút pháp chị sử dụng, Ngân Bình có nhóm độc giả riêng của mình , và may mắn (?) thay, nhóm độc gỉa này không mặn mòi lắm với thế giới ảo, với sách “ảo”, họ vẫn còn “ bảo thủ “, muốn cầm quyển sách “ thật ‘ trên tay. Có lẽ, họ nghĩ rằng, chỉ khi cầm quyển sách “ thật “ để đọc, người ta mới thực sự đọc sách chăng ?

2.

Sách thật
Tôi vốn mê sách, mê báo. Từ thuở xách thùng nước rửa bát lẽo đẽo bước theo gánh phở rong của bố, tôi lúc nào cũng kè kè bên mình một quyển sách truyện nào đó. Mỗi khi gánh phở dừng lại bên vệ đường, bố tôi cất giọng rao phở , còn tôi cứ chúi mũi vào quyển sách đọc dở. Có lần, vì mải đọc sách, quên rửa bát để bố tôi có bát sạch chuẩn bị phở cho khách, ông đã giật lấy quyển sách trên tay tôi ném vào thùng nước rửa bát. Đó là tập truyện ngắn của Duyên Anh “ Hoa Thiên Lý “ tôi mướn ở tiệm cho thuê sách góc đường Cao Thắng – Phan Đình Phùng. Dù biết mình có lỗi, tôi vẫn tấm tức khóc, tiếc số tiền dành dụm dùng để thế chân quyển sách, tiếc câu chuyện cảm động đang đọc dở. Những năm cuối trung học, tôi đã có thể dạo hàng sách khu Lê Lợi, chọn mua những quyển sách ưa thích, kiếm một chỗ ngồi uống cà phê, hút thuốc và tất nhiên, ngấu nghiến những quyển sách vừa mua bằng tiền dành dụm, nhịn ăn nhịn mặc. Đó là những khỏanh khắc hạnh phúc nhất của một thằng học trò nghèo. Không thể không nhắc đến những tờ tạp chí văn học mà ai cũng biết, cũng nghe nói đến, hoặc đọc như : Văn, Văn Học, Bách Khoa, Nghệ Thuật, Vấn Đề v.v.. và sau này ở những năm đầu 70 là tờ Thời Tập của Viên Linh.

Ngày tôi vào trình diện Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ, ngòai hành trang gọn nhẹ : 1 bộ quần áo, cái bàn chải đánh răng, 2 gói thuốc Basto xanh, còn nặng nhất là hai quyển sách “ Một Chủ Nhật Khác “ và “ Dọc Đường “ của Thanh Tâm Tuyền.
Những ngày ra đơn vị, tôi lại may mắn phục vụ ở một đơn vị CTCT, nên có rất nhiều thì giờ đọc sách, báo. Mỗi tháng, ngòai số sách vở mua mỗi lần về Sài Gòn thăm nhà, tôi còn nhận được tạp chí Thời Tập gởi từ Đà Lạt. Nhà nàng bán sách báo , nên tôi đề nghị nàng gởi cho tôi để tôi đỡ tốn tiền . . . mua. Thực ra, tiền bưu phí gần bằng giá mua tờ tạp chí. Nhưng bù lại, tôi cầm tờ tạp chí như cầm được bàn tay nàng, và mùi thơm kín đáo nhè nhẹ từ những trang báo khiến tôi mê mẩn bần thần cả buổi. Khổ tờ tạp chí vừa nằm gọn trong túi quần bộ quân phục nên bên mình tôi lúc nào cũng sẵn sàng một cái gì đó để đọc.
Ngày khăn gói đi tù, nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi là không có gì để đọc. Thời gian ở trại Phong Quang, nơi có một thư viện ra trò vì người coi thư viện là một phạm nhân gốc Hà Nội, có liên quan ít nhiều đến nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, ông ta đã tìm mọi cách để thư viện trại có nhiều sách cho tù nhân đọc. Thế là tôi chẳng quản gì những “ thép đã tôi thế đấy “, “ Ruồi Trâu “ , những Các Mác, Ăng Ghen v..v… Tuyệt nhất là những bộ sách dịch của Charles Dickens, Mikhail Solokhov, Romain Roland ( bộ Jean – Christophe của Roland , bản tiếng Việt gồm 4 quyển gần 2 ngàn trang tôi đã mê đến độ sau này, khi đã có thể dành dụm được ít tiền, tôi lùng mua ở các nhà sách Sài Gòn và đem theo được qua bên Mỹ và hiện nay bộ sách 4 quyển giấy xấu, mủn, vàng ố vẫn còn nằm một góc trân trọng trên kệ sách nhà tôi ).

Câu chuyện “ Sách thật “ của riêng tôi hẳn cũng chẳng có gì là đặc thù so với những người cùng thời. Phần lớn những người thích đọc đều có một câu chuyện tương tự để kể, về một quá khứ chưa xa lắm, nhưng sự khác biệt thì thật “ não lòng “.

3.

Sách Ảo

Định cư ở nước Mỹ, sống ở xứ lạnh ít người Việt nên tôi không có cái thú mua sách, báo . Nhưng không vì thế mà tôi không có thứ để đọc. Thời gian đầu, thư viện thành phố là nơi lui tới thường xuyên của tôi mỗi khi tìm được thì giờ rảnh rỗi. Rồi Internet ra đời, tôi đã tìm được sự giao lưu mới. Sách, báo đủ lọai bằng tiếng Việt mà một thời gian tôi không có cơ hội tiếp xúc vì địa lý cách trở. Dù vậy, tôi vẫn cứ phải in ra giấy những tác phẩm mà tôi ưa thích để đọc. Thế là kệ sách nhà tôi, ngòai những quyển sách , tạp chí in ấn đàng hòang còn có những tác phẩm do tôi tự in lấy, trình bày lại theo ý mình , để đọc.
Thế giới ảo đã cung cấp cho tôi tất cả những tác phẩm ưa thích, từ những quyển sách trước 1975 mà tôi đã đọc, chưa đọc, hay thậm chí chưa biết tới đến những tác phẩm sau 1975, ở cả trong nước lẫn hải ngọai . Tủ sách ảo của tôi nhiều gấp bội những kệ sách thật mà tôi đã thu thập ( và mất đi vì chiến tranh lọan lạc ). Dù vậy, chúng vẫn nằm thênh thang trong thanh nhớ ( memory stick ) nhỏ chỉ bằng ngón tay.
Từ nhiều năm nay, kệ sách thật của tôi vẫn mỗi ngày một bề bộn. Ngòai những tạp chí nay đã tuyệt bản như tờ Văn Học ( mà người chủ biên cuối cùng là Cao Xuân Huy nay không còn nữa và người tiền nhiệm của ông là Nguyễn Mộng Giác cũng đã ra đi mới mấy tuần nay ), tờ Văn của nhà văn Nguyễn Xuân Hòang, tờ Phố Văn của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp , tờ Ca Dao của nhà văn Ngân Bình, tờ Nguồn của nhà văn Song Nhị v..v.. còn có những quyển sách in ( phần lớn do các tác gỉa gởi tặng ). Kệ sách dành cho những tác phẩm in, tạp chí giấy không thay đổi nhiều ( nghĩa là số lượng không tăng ) đã lâu. Nhưng khu dành cho những tác phẩm lấy từ thế giới ảo rồi tự in ra để đọc thì tăng một cách đáng kể. Tôi nhẩm tính tiền giấy và mực để in số lượng tác phẩm trước mặt mà bỗng . . . giật mình. Một số tiền không nhỏ, có lẽ còn nhiều hơn nếu tôi mua những tác phẩm ấy bằng sách in ( giả sử chúng được tác giả in ấn , phát hành ).
Tôi đã nghĩ đến chuyện . . . dọn nhà. Và nghĩ đến việc phải na từng ấy sách vở qua nơi ở mới. Và nghĩ đến thanh nhớ chứa hàng ngàn quyển sách, hàng chục ngàn bài viết chỉ vừa bằng ngón tay lúc nào tôi cũng mang theo bên mình.
Thật đơn giản khi so sánh hai vật thể : Những kệ sách cao nghệu và thanh nhớ nhỏ bằng ngón tay. Thì chúng cũng chứa những điều cao quý, kho tàng tư tưởng của nhân lọai như nhau.

Nhưng có thật như vậy không?
Mới đây, qua anh Đỗ Xuân Tê, tôi được biết nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp dự định in một lúc 3 quyển sách. Quyển “ Tôi cùng gío mùa “ là tập thơ đã xuất bản năm 1998 nay được anh NXT cho tái bản. Hai quyển khác , một là tuyển thơ, một là tập tạp bút. Nhà thơ chủ biên “ Phố Văn “ phác họa cả việc sẽ tổ chức ra mắt sách ở nhiều thành phố lớn đông đảo người Việt như Dallas, Houston, Atlanta, rồi có thể California, DC . Dường như anh Nguyễn Xuân Thiệp cũng muốn gián tiếp biện minh cho việc “ đi ngược trào lưu văn chương mạng “ hiện đang thắng thế nên anh nói thêm “ mục đích chính – của việc in và giới thiệu sách – là giao lưu và gặp bạn bè “. In một lúc 3 quyển, trong đó có hai tập thơ, quả là một việc làm thật đáng ngưỡng mộ của nhà thơ đáng yêu của chúng ta.
Hồi giữa tháng 5 năm nay, nhà thơ Nguyễn Đình Tòan cho tái bản tập “ Bông Hồng Tạ Ơn “ gồm hai quyển dầy 1200 trang đã là một việc làm ngọan mục. Đó là một trận mưa rào sau cơn hạn hán sách in kéo dài khá lâu. Sau cơn mưa rào ấy, cuộc hạn hán lại tiếp tục.
Cho đến khi tôi biết được dự định của người chủ biên Phố Văn. Mong ông thực hiện được những dự định của mình. Mùa hè năm nay khắp khu vực Trung Tây nước Mỹ – nơi NXT và tôi sinh sống – đất nứt nẻ vì nóng và khô hạn. Chúng tôi mong mỏi những trận mưa, dù chỉ là những cơn mưa bóng mây ngắn ngủi. Nhưng quả đất mỗi ngày một nóng hơn vì tầng Ozone bị mỏng đi . Cũng như thế giới sách báo (giấy) ngày một tan tác, rơi rụng dần cho đến khi chỉ còn là lịch sử.

5.

Mỗi sáng, tôi vẫn duy trì thói quen từ gần 20 năm nay. Việc đầu tiên là mở cửa, bước ra driveway nhặt tờ báo của thành phố mà người bỏ báo đã ném từ lúc trời còn mờ tối. Giá đặt báo tháng mỗi tháng mỗi tăng,  vì vật giá tăng, nhưng phần chính là do người đọc báo suy giảm đi một cách đáng sợ. Họ đã có báo mạng vừa không tốn tiền, vừa tiện lợi, lại nhanh chóng. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó, buổi sáng thay vì bước ra cửa nhặt báo, lại tiến đến bàn máy bật nút ON lên.
Ngay từ bây giờ, tôi đã bắt đầu nhớ mùi mực in, nhớ âm thanh sột sọat của những trang báo chạm vào nhau, và cảm giác nhờn nhợn trên đầu ngón tay khi lần giở những trang báo.
Quả đúng là “ ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới “ ( Thơ Thanh Tâm Tuyền).

T.Vấn
(Nguồn: từ email của T.Van)

* Bức hình trên đầu bài là cái máy đọc sách điện tử , món quà ngày Father’s Day tôi nhận được từ các con và quyển sách tự in của người bạn trẻ Lưu Na gởi tặng cũng trong dịp đó. Định mệnh đã an bài rồi chăng ,vì từ khi có cái máy đọc gọn nhẹ ấy, tôi dần dà làm quen được với việc đọc trên màn hình và thôi không bỏ tiền mua mực giấy để in nữa. Thêm một điều, trước đây đi đâu tôi cũng kè kè một quyển sách, bây giờ thì bên mình tôi không bao giờ vắng ” cái máy ma quỷ ” ấy.













































No comments:

Post a Comment