Monday, July 30, 2012


thơ nguyễn xuân thiệp 

Lời gởi tô mặc giang



                                        NXT. Bạn bè như lửa ấm hoàng hôn. Bảo Huân vẽ

Tô mặc giang ơi
dường như sông sài gòn vẫn chảy
chiều nay. tôi nhìn thấy bạn. đi cùng với đinh cường
trên phố bonard
tóc bờm xờm. lộng gió
và tôi cũng nhìn thấy bạn
ở pleiku
cùng với người nữ làm thơ tên chi
trong cà phê dinh điền
có cả kim tuấn. ngồi cười
mới đó mà mấy chục năm trôi qua
người xa người. người bỏ người đi
những quán khuya. nơi chúng mình họp mặt. không còn ánh lửa
mới đây. hải phương nói với tôi
sẽ làm một bài thơ. nhớ pleiku
hồi tôi. và dạ lan. qua làm đài địch vận
và chúng mình mê cô ca sỹ trong hội quán phượng hoàng
những cây thông còn đó
bài thơ chắc vẫn còn trong trí óc hải phương
còn bạn đã cho in. gió cũng nói lời từ biệt
thôi hãy gởi cho nhau xem
để nhớ lại pleiku
và kim tuấn
và dạ lan
lời này xin thả bay trong nắng
ơi. tô mặc giang
NXT
nxthiep@gmail.com
214.587.4976

Saturday, July 28, 2012


thơ hoàng xuân sơn



                                                                 tranh Van Gogh

c á i  b à n 

             collage Nguyễn Hữu Nhật
             Văn số 47/2000 

cõng cả cái bàn đi chạy loạn
mẹ tiếc cái bàn hoa đá đen
vân hoa trắng nổi hoa mây nổi
lửa cóng thành ra lửa chết chìm.

n h ỏ  n h í t

nhỏ nhít gọi về thương yêu
tay măng đời ngượng ngịu
ấu thơ ơi vỗ về ngàn mai đường chông
chào mời mất hút đằng thinh không
vời vợi
đôi mắt nào nói được tiếng cười
gót dẫm băn khoăn lòng thổn thức
một khoảng trời xanh mỗi hạt lệ
sương như mai đầm đầm công án
mở ra trùng dương
biển khắp cả mặt người . lênh láng
về đâu thuyền giấy khôi nguyên
trắng hết cả bờ lau phiền muộn

ước đặng như sách hồng
ông đồ bể những chiếc ấm đất
một ngày yêu thương về gối bụng nương đồi
nhỏ nhít hát mừng giun dế
láy đen mắt chở ngọ vào trưa tàng cao ngăn ngắt
hoàng lan thiu thiu
nghe không chim liu riu trên đầu cánh hạ
lục diệp oằn trái vô tâm
võng nắng trưa gió diều khiêng mộng
đừng bay xa nhé              đừng bay
ngừng lại đây
ngừng ơi về đây
ơi
nhỏ nhít .

HOÀNG XUÂN SƠN
10-2-2001
ngang Dakota nhìn xuống mây


Friday, July 27, 2012


Sách thật sách ảo
Bài viết của T. Vấn


Tháng 5 năm 2010, giới thiệu tác phẩm in thứ sáu của nhà văn Trần Yên Hòa, tôi đã viết:
“ Về phương diện Văn học, mạng điện tử đã làm một cuộc cách mạng lớn nhất thế kỷ. Đã có hẳn một nền văn học gọi là Văn học Mạng. Sự ra đời của mạng điện tử đã làm suy yếu hẳn hình thức văn học quy ước là sách in ( và báo in, tạp chí văn học in ). Vậy mà, lên mạng google cái tên Trần Yên Hòa, tôi chỉ nhận rải rác vài kết quả không đáng kể. Nhưng với 6 tác phẩm in xuất bản trong vòng 10 năm, thì cái tên Trần Yên Hòa, một cách bình thường, phải cho những kết quả lớn hơn thế rất nhiều cho xứng với số lượng tác phẩm của ông. Tôi chỉ có thể suy luận rằng ông không mặn mà lắm với việc phổ biến tác phẩm của mình trên mạng, và vẫn tha thiết với việc in ấn và xuất bản những đứa con tinh thần của mình.”
Chỉ vài tháng sau đó, Trần Yên Hòa cho trình làng trang mạng văn học Bạn Văn Nghệ ( http://www.banvannghe.com/)hùng hậu gồm tòan những tên tuổi sáng chói của miền Nam trước đây.
Tôi suy luận rằng từ đây khó mà cầm được trên tay tác phẩm mới ( in bằng giấy ) của nhà văn Trần Yên Hòa, người “ năng nổ “ nhất trong việc xuất bản những tác phẩm của mình. Ông đã có trang mạng điện tử để gởi những đứa con tinh thần của mình ( và bạn hữu ) đến độc gỉa.

Mục “ Ghi Chép trên bàn viết “ của trang TV&BH vừa rồi có bài của một cây bút viết rất khỏe và thâm niên công vụ khá dầy Đỗ Xuân Tê kể câu chuyện bút danh của anh long đong qua những chặng đường viết lách để rồi cuối cùng cái tên ĐXT cũng có được một sức nặng đủ để những chủ biên các trang mạng phải “ mặn mà “ mỗi khi nhận được bài anh đóng góp. Thế mà trong suốt bài, không thấy anh nhắc đến việc in ấn những tác phẩm của mình ( dù chỉ là ý định ). Chỉ biết rằng anh muốn trang TV&BH lưu trữ cho anh những gì anh đã viết . Có lẽ anh tin rằng mai kia mốt nọ người đời sau cứ lang thang trong thế giới ảo sẽ gặp anh, chứ không phải ở những tiệm sách hay thư viện như thế hệ của anh tìm đến mỗi khi muốn gặp tiền nhân để trò chuyện.
Hay như các anh Khuất Đẩu, Ngộ Không, tuổi đời đang đi vào chặng đường cuối, tuổi văn cũng không nhỏ ( anh Khuất Đẩu cầm bút đã hơn 40 năm, anh Ngộ Không tuy có số năm ít hơn nhưng từ vài năm nay anh làm việc trung bình 12 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm ) và số lượng tác phẩm cũng dễ làm người yếu bóng vía là tôi chóng mặt. Vậy mà không anh nào nói đến chuyện in ấn những tác phẩm của mình, dù, công tâm mà nhận xét, những tác phẩm của hai anh rất đáng để mọi người thích đọc sách phải quan tâm.

Hình như đã qua cái thời mà người ta tin rằng, nếu chưa có tác phẩm được xuất bản, thì dù anh có viết nhiều, viết hay đến chừng nào cũng vẫn chưa được người đời công nhận là nhà văn, nhà thơ, những chức danh vốn “ hữu danh vô thực “, đến bây giờ lại càng “ hữu danh vô thực “ hơn.
Trong số những tác gỉa thân hữu của T.Vấn & Bạn Hữu, chỉ duy nhất có chị Ngân Bình đã có hai tác phẩm xuất bản ( và tái bản ). Do nội dung và bút pháp chị sử dụng, Ngân Bình có nhóm độc giả riêng của mình , và may mắn (?) thay, nhóm độc gỉa này không mặn mòi lắm với thế giới ảo, với sách “ảo”, họ vẫn còn “ bảo thủ “, muốn cầm quyển sách “ thật ‘ trên tay. Có lẽ, họ nghĩ rằng, chỉ khi cầm quyển sách “ thật “ để đọc, người ta mới thực sự đọc sách chăng ?

2.

Sách thật
Tôi vốn mê sách, mê báo. Từ thuở xách thùng nước rửa bát lẽo đẽo bước theo gánh phở rong của bố, tôi lúc nào cũng kè kè bên mình một quyển sách truyện nào đó. Mỗi khi gánh phở dừng lại bên vệ đường, bố tôi cất giọng rao phở , còn tôi cứ chúi mũi vào quyển sách đọc dở. Có lần, vì mải đọc sách, quên rửa bát để bố tôi có bát sạch chuẩn bị phở cho khách, ông đã giật lấy quyển sách trên tay tôi ném vào thùng nước rửa bát. Đó là tập truyện ngắn của Duyên Anh “ Hoa Thiên Lý “ tôi mướn ở tiệm cho thuê sách góc đường Cao Thắng – Phan Đình Phùng. Dù biết mình có lỗi, tôi vẫn tấm tức khóc, tiếc số tiền dành dụm dùng để thế chân quyển sách, tiếc câu chuyện cảm động đang đọc dở. Những năm cuối trung học, tôi đã có thể dạo hàng sách khu Lê Lợi, chọn mua những quyển sách ưa thích, kiếm một chỗ ngồi uống cà phê, hút thuốc và tất nhiên, ngấu nghiến những quyển sách vừa mua bằng tiền dành dụm, nhịn ăn nhịn mặc. Đó là những khỏanh khắc hạnh phúc nhất của một thằng học trò nghèo. Không thể không nhắc đến những tờ tạp chí văn học mà ai cũng biết, cũng nghe nói đến, hoặc đọc như : Văn, Văn Học, Bách Khoa, Nghệ Thuật, Vấn Đề v.v.. và sau này ở những năm đầu 70 là tờ Thời Tập của Viên Linh.

Ngày tôi vào trình diện Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ, ngòai hành trang gọn nhẹ : 1 bộ quần áo, cái bàn chải đánh răng, 2 gói thuốc Basto xanh, còn nặng nhất là hai quyển sách “ Một Chủ Nhật Khác “ và “ Dọc Đường “ của Thanh Tâm Tuyền.
Những ngày ra đơn vị, tôi lại may mắn phục vụ ở một đơn vị CTCT, nên có rất nhiều thì giờ đọc sách, báo. Mỗi tháng, ngòai số sách vở mua mỗi lần về Sài Gòn thăm nhà, tôi còn nhận được tạp chí Thời Tập gởi từ Đà Lạt. Nhà nàng bán sách báo , nên tôi đề nghị nàng gởi cho tôi để tôi đỡ tốn tiền . . . mua. Thực ra, tiền bưu phí gần bằng giá mua tờ tạp chí. Nhưng bù lại, tôi cầm tờ tạp chí như cầm được bàn tay nàng, và mùi thơm kín đáo nhè nhẹ từ những trang báo khiến tôi mê mẩn bần thần cả buổi. Khổ tờ tạp chí vừa nằm gọn trong túi quần bộ quân phục nên bên mình tôi lúc nào cũng sẵn sàng một cái gì đó để đọc.
Ngày khăn gói đi tù, nỗi khổ tâm lớn nhất của tôi là không có gì để đọc. Thời gian ở trại Phong Quang, nơi có một thư viện ra trò vì người coi thư viện là một phạm nhân gốc Hà Nội, có liên quan ít nhiều đến nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, ông ta đã tìm mọi cách để thư viện trại có nhiều sách cho tù nhân đọc. Thế là tôi chẳng quản gì những “ thép đã tôi thế đấy “, “ Ruồi Trâu “ , những Các Mác, Ăng Ghen v..v… Tuyệt nhất là những bộ sách dịch của Charles Dickens, Mikhail Solokhov, Romain Roland ( bộ Jean – Christophe của Roland , bản tiếng Việt gồm 4 quyển gần 2 ngàn trang tôi đã mê đến độ sau này, khi đã có thể dành dụm được ít tiền, tôi lùng mua ở các nhà sách Sài Gòn và đem theo được qua bên Mỹ và hiện nay bộ sách 4 quyển giấy xấu, mủn, vàng ố vẫn còn nằm một góc trân trọng trên kệ sách nhà tôi ).

Câu chuyện “ Sách thật “ của riêng tôi hẳn cũng chẳng có gì là đặc thù so với những người cùng thời. Phần lớn những người thích đọc đều có một câu chuyện tương tự để kể, về một quá khứ chưa xa lắm, nhưng sự khác biệt thì thật “ não lòng “.

3.

Sách Ảo

Định cư ở nước Mỹ, sống ở xứ lạnh ít người Việt nên tôi không có cái thú mua sách, báo . Nhưng không vì thế mà tôi không có thứ để đọc. Thời gian đầu, thư viện thành phố là nơi lui tới thường xuyên của tôi mỗi khi tìm được thì giờ rảnh rỗi. Rồi Internet ra đời, tôi đã tìm được sự giao lưu mới. Sách, báo đủ lọai bằng tiếng Việt mà một thời gian tôi không có cơ hội tiếp xúc vì địa lý cách trở. Dù vậy, tôi vẫn cứ phải in ra giấy những tác phẩm mà tôi ưa thích để đọc. Thế là kệ sách nhà tôi, ngòai những quyển sách , tạp chí in ấn đàng hòang còn có những tác phẩm do tôi tự in lấy, trình bày lại theo ý mình , để đọc.
Thế giới ảo đã cung cấp cho tôi tất cả những tác phẩm ưa thích, từ những quyển sách trước 1975 mà tôi đã đọc, chưa đọc, hay thậm chí chưa biết tới đến những tác phẩm sau 1975, ở cả trong nước lẫn hải ngọai . Tủ sách ảo của tôi nhiều gấp bội những kệ sách thật mà tôi đã thu thập ( và mất đi vì chiến tranh lọan lạc ). Dù vậy, chúng vẫn nằm thênh thang trong thanh nhớ ( memory stick ) nhỏ chỉ bằng ngón tay.
Từ nhiều năm nay, kệ sách thật của tôi vẫn mỗi ngày một bề bộn. Ngòai những tạp chí nay đã tuyệt bản như tờ Văn Học ( mà người chủ biên cuối cùng là Cao Xuân Huy nay không còn nữa và người tiền nhiệm của ông là Nguyễn Mộng Giác cũng đã ra đi mới mấy tuần nay ), tờ Văn của nhà văn Nguyễn Xuân Hòang, tờ Phố Văn của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp , tờ Ca Dao của nhà văn Ngân Bình, tờ Nguồn của nhà văn Song Nhị v..v.. còn có những quyển sách in ( phần lớn do các tác gỉa gởi tặng ). Kệ sách dành cho những tác phẩm in, tạp chí giấy không thay đổi nhiều ( nghĩa là số lượng không tăng ) đã lâu. Nhưng khu dành cho những tác phẩm lấy từ thế giới ảo rồi tự in ra để đọc thì tăng một cách đáng kể. Tôi nhẩm tính tiền giấy và mực để in số lượng tác phẩm trước mặt mà bỗng . . . giật mình. Một số tiền không nhỏ, có lẽ còn nhiều hơn nếu tôi mua những tác phẩm ấy bằng sách in ( giả sử chúng được tác giả in ấn , phát hành ).
Tôi đã nghĩ đến chuyện . . . dọn nhà. Và nghĩ đến việc phải na từng ấy sách vở qua nơi ở mới. Và nghĩ đến thanh nhớ chứa hàng ngàn quyển sách, hàng chục ngàn bài viết chỉ vừa bằng ngón tay lúc nào tôi cũng mang theo bên mình.
Thật đơn giản khi so sánh hai vật thể : Những kệ sách cao nghệu và thanh nhớ nhỏ bằng ngón tay. Thì chúng cũng chứa những điều cao quý, kho tàng tư tưởng của nhân lọai như nhau.

Nhưng có thật như vậy không?
Mới đây, qua anh Đỗ Xuân Tê, tôi được biết nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp dự định in một lúc 3 quyển sách. Quyển “ Tôi cùng gío mùa “ là tập thơ đã xuất bản năm 1998 nay được anh NXT cho tái bản. Hai quyển khác , một là tuyển thơ, một là tập tạp bút. Nhà thơ chủ biên “ Phố Văn “ phác họa cả việc sẽ tổ chức ra mắt sách ở nhiều thành phố lớn đông đảo người Việt như Dallas, Houston, Atlanta, rồi có thể California, DC . Dường như anh Nguyễn Xuân Thiệp cũng muốn gián tiếp biện minh cho việc “ đi ngược trào lưu văn chương mạng “ hiện đang thắng thế nên anh nói thêm “ mục đích chính – của việc in và giới thiệu sách – là giao lưu và gặp bạn bè “. In một lúc 3 quyển, trong đó có hai tập thơ, quả là một việc làm thật đáng ngưỡng mộ của nhà thơ đáng yêu của chúng ta.
Hồi giữa tháng 5 năm nay, nhà thơ Nguyễn Đình Tòan cho tái bản tập “ Bông Hồng Tạ Ơn “ gồm hai quyển dầy 1200 trang đã là một việc làm ngọan mục. Đó là một trận mưa rào sau cơn hạn hán sách in kéo dài khá lâu. Sau cơn mưa rào ấy, cuộc hạn hán lại tiếp tục.
Cho đến khi tôi biết được dự định của người chủ biên Phố Văn. Mong ông thực hiện được những dự định của mình. Mùa hè năm nay khắp khu vực Trung Tây nước Mỹ – nơi NXT và tôi sinh sống – đất nứt nẻ vì nóng và khô hạn. Chúng tôi mong mỏi những trận mưa, dù chỉ là những cơn mưa bóng mây ngắn ngủi. Nhưng quả đất mỗi ngày một nóng hơn vì tầng Ozone bị mỏng đi . Cũng như thế giới sách báo (giấy) ngày một tan tác, rơi rụng dần cho đến khi chỉ còn là lịch sử.

5.

Mỗi sáng, tôi vẫn duy trì thói quen từ gần 20 năm nay. Việc đầu tiên là mở cửa, bước ra driveway nhặt tờ báo của thành phố mà người bỏ báo đã ném từ lúc trời còn mờ tối. Giá đặt báo tháng mỗi tháng mỗi tăng,  vì vật giá tăng, nhưng phần chính là do người đọc báo suy giảm đi một cách đáng sợ. Họ đã có báo mạng vừa không tốn tiền, vừa tiện lợi, lại nhanh chóng. Tôi nghĩ đến một ngày nào đó, buổi sáng thay vì bước ra cửa nhặt báo, lại tiến đến bàn máy bật nút ON lên.
Ngay từ bây giờ, tôi đã bắt đầu nhớ mùi mực in, nhớ âm thanh sột sọat của những trang báo chạm vào nhau, và cảm giác nhờn nhợn trên đầu ngón tay khi lần giở những trang báo.
Quả đúng là “ ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới “ ( Thơ Thanh Tâm Tuyền).

T.Vấn
(Nguồn: từ email của T.Van)

* Bức hình trên đầu bài là cái máy đọc sách điện tử , món quà ngày Father’s Day tôi nhận được từ các con và quyển sách tự in của người bạn trẻ Lưu Na gởi tặng cũng trong dịp đó. Định mệnh đã an bài rồi chăng ,vì từ khi có cái máy đọc gọn nhẹ ấy, tôi dần dà làm quen được với việc đọc trên màn hình và thôi không bỏ tiền mua mực giấy để in nữa. Thêm một điều, trước đây đi đâu tôi cũng kè kè một quyển sách, bây giờ thì bên mình tôi không bao giờ vắng ” cái máy ma quỷ ” ấy.













































Thursday, July 26, 2012


thơ hải phương

Ở Bàn Cờ Ở San Jose Ở Pennsylvania Ở Paris Ở Newyork Hay Ở Đâu Cũng Vậy



                                                                       Hoàng Tử Bé. Tranh Hải Phương
Hôm qua ta về bang Pennsylvania
nơi này màu trăng cũng lỗi thời
trí nhớ mọc ngược trên cành cây già cổi
chỉ riêng mình em thì rất mới
sớm mai xanh vô cùng
mềm mại hạt sương trên cỏ .
Ta nghĩ đến nơi cư trú
vùng đất vùng trời khí hậu thổ ngơi tình yêu chải chuốt tâm hồn em mà mượt
có tiếng chuông nhà thờ Núi Đá Nhatrang ngân nga sáng trưa chiều tối
có tiếng sóng biển vỗ nhẹ râm ran bờ cát
có chiều mưa rây Đalat tháng tư vừa đủ ướt áo em nữ sinh Bùi Thị Xuân và gió
Lâm Viên gió bâng khuâng
những con đường em đi qua
nhưng không cùng ta bước tới .
Khi ở Phan Thiết ở San Francisco ở Long Xuyên ở Rạch Giá hay ở đâu cũng vậy
saigon bữa trước ta về
quê hương ngàn đời yêu dấu
đất nước xa lìa trái tim ta đời đời thổn thức
và em
con đường Nguyễn Thiện Thuật / Bàn Cờ
Cao Thắng / Phan đình Phùng
con đường nào chúng ta cũng đã đi qua
nhưng không cùng đi một lúc
bước chân bỗng dưng ngập ngừng đứng lại nhìn đâu đó bơ vơ những gì mấy thuở chưa đành bỏ lại
buổi chiều ở trường Rạng Đông qua rất vội
nơi con cái học hành
nơi mà hoài vọng ta rung lên cùng cây đàn thần muôn điệu về sau
về sau nữa như thời gian vĩnh cửu trôi qua cửa sổ lớp học vỡ lòng tuổi nhỏ .
Khi ở Pennsylvania ở San Jose ở Tân Lập / Vĩnh Phú /. Ngã Ba Bà Chi ở Bolsa / phố Việt hay ở đâu cũng vậy
ta lại nghe lao xao buổi chiều lai láng bước em về đôi môi ô mai thơm lựng mùa cây trái Lái Thiêu / Thủ Dầu Một Cái Lậy Cái Bè An Hữu Long Xuyên Rạch Già Cần Thơ Phụng Hiệp Cầu Bóng Tháp Bà Đại Lãnh Cam Ranh...
những cái tên của xứ sở / số kiếp / và em
ta thèm gom lại sống một đời ngắn ngủi với hư vô và màu trăng đã lỗi thời còn soi bóng đổ .
Khi ở Nhatrang ở Pennsylvania ở Bàn Cờ Ở Cam Ranh ở Chủng Viện Francisco Xavier hay ở đâu cũng vậy
ở Bến Ninh Kiều có tiếng mì gõ khuya mùi mẩn
ở đại học xá Minh Mạng nửa khuya tiếng rao chè giọng chào mời nam bộ thân quen lanh lảnh
ở Suối Máu Biên Hòa
ta nghe tiếng đạn bom reo hò xung trận Ấp Bắc Đồng Xoài Bình Giã Chailie Dackto Pleiku Cheo Reo Phú Bổn....
ở đâu lúc nào ta cũng rõng tai nghe âm vang tiếng đời qua rất vội trên hành lang ký ức bị vùi dập / lãng quên / tội nghiệp .
Khi ở Bàn Cờ ở Pennsylvania hay ở đâu cũng vậy
ký úc đời sống đã bén mùi hang ổ / con cái / quê nhà / tình yêu / hạnh phúc / đau khổ / tủi nhục / máu xương... / trôn lẫn
và em
Cảm Ơn Tháng Giêng Biêng Biếc Ngực Em Cười ( * )

( * ) Tên tập thơ của tác giả do Queen xuất bản tại Hoa Kỳ, 2oo6 .
Khi ở San Jose
Tháng bảy 2012

Wednesday, July 25, 2012

thơ nguyễn xuân thiệp

Mưa.
chiều new orleans



                                                      Les Parapluies de Cherbourg

new orleans. new orleans
tôi về đây
như một tiếng gọi
nhưng không có dung
không còn nhìn thấy vầng trăng
trên dòng mississippi
chỉ có mưa
mưa rơi
dưới bầu trời. những ngôi nhà cổ. thời degas

ôi. những hàng cây
những mái phố. và balcon
ai thắp lên. những chiếc lồng đèn. bập bùng cháy
lửa voodoo
và người nghệ sĩ da đen. còn đứng thổi khúc blues
                                         buồn. trên phố bourbon
mưa
trên mặt trống. hoàng hôn
và trên tóc. nàng rose gla. của thế kỷ trước. hiện
                       về. với nụ cười của hoa cà phê. ngát
hương
mưa

tôi lại về. new orleans. với những cơn mưa
                                                       tháng sáu
và những bóng dù
như mưa ở đà lạt. sài gòn
và trên thành phố cherbourg
những bóng dù. xanh. đỏ. tím. vàng
đi trên phố cổ
dưới mưa
sao không có em
để cùng đi với anh
những đoạn đường mưa vỡ. chiều nay

anh trở về new orleans
ngồi trong quán cà phê
chật ních người
nghe mưa từ dưới sông
mississippi
thổi vào mái quán
ở café du monde
anh ngồi ăn cái bánh beignet. uống ly cà phê sữa
                                                               nóng
nhớ môi em. miệng em
ngày nào
chiều new orleans
không có em
anh chuyện trò với chú bồ câu. và những con chim
                                                              sẻ. trú mưa
chúng bảo anh. không còn gì nữa. thôi đừng chờ
dù cho mưa về từ trí nhớ mù sương
hay mưa trên ca khúc. the house of the rising sun
với những mảnh đời đổ vỡ
không bao giờ. sẽ không bao giờ. hàn gắn lại

mưa
những con đường lát đá
cỗ xe ngựa chở người đi thăm từng góc phố. đã có
                                                  mặt qua hai thế kỷ
những phòng tranh. quán sách vàng. tiệm rượu ở
                                      truồng. nồng mùi gió biển
khách sạn. nơi bán đồ lưu niệm. câu lạc bộ
                                                 nhạc jazz. đèn mờ
mưa
trên cầu sương mù ai khóc. chiều của màu đá xanh
ai hay tôi
khóc
từ hải cảng mưa buồn
tới ga tàu điện
phố hầm
pho tượng di dân. đứng dưới trời
mưa
cho những hồn xiêu lạc
ở new orleans
chiều nay

tháng sáu. 2012

Candie

Nguyễn Xuân Tường Vy



                                         Nụ cười. Tranh Ann Phong

   Nguyệt Ánh trao vội chiếc xách tay cho Trâm:
   "Tới giờ lên máy bay rồi kìa Trâm. Về bình an nhé! Cho Ánh gửi..."
   Tiếng phi cơ cất cánh, tiếng loa phóng thanh, tiếng chào, hỏi, gọi nhau ơi ới làm mất đi đoạn cuối của câu nói. Trâm gật gật đầu vì Trâm biết Nguyệt Ánh muốn nói gì. Lặng lẽ, Trâm bước theo đoàn hành khách tiến về phía cửa. Thế là Trâm lại trở về, trở về với những người thân thuộc thương yêu của Trâm. Cô chiêu đãi viên xinh xắn tìm hộ Trâm chỗ ngồi bên cửa sổ. Đường còn xa, Trâm có thể ngủ một giấc thật dài cho tới khi đến phi trường San Jose. Trâm đưa mắt nhìn lại lần cuối thành phố biển. Xa xa là đại dương xanh lơ bát ngát. Đâu đó phía bên tả của Trâm là khu bệnh viện của thành phố. Mắt Trâm dừng lại thật lâu như cố tìm kiếm một hình ảnh sống động, quen thuộc. Căn phòng cuối cùng ở tầng lầu thứ ba của bệnh viện, Trâm nhận ra ô cửa sổ vuông vắn khép hờ để lộ tấm màn cửa xanh. Màu xanh nước biển dễ thương của Candie. Candie! Candie! Dường như Trâm thấy bóng dáng nhỏ nhắn của cô bé Candie hồn nhiên bên khung cửa sổ...

*

   Trâm càng cố bước nhẹ bao nhiêu thì hình như tiếng guốc của Trâm càng gõ mạnh bấy nhiêu. Hành lang bệnh viện trắng toát, dài hun hút làm Trâm chùn chân. Hay là... chọn việc khác vậy? Không biết Trâm có đủ can đảm để chú tâm vào công việc khi chính Trâm đang cần sự giúp đỡ hơn ai hết? Trâm cắn môi, cắm cúi bước. Hôm qua, khi Trâm đến nhận việc, vị bác sĩ trưởng đã ngập ngừng.
   "Cô có thể chọn việc khác dễ dàng hơn! Những người tự nguyện đều có quyền lựa chọn."
   Trâm cương quyết:
   "Tôi sẽ cố gắng."
   "Thôi được, nếu cô thích. Đây là một trường hợp đặc biệt, công việc đòi hỏi sự tế nhị, chịu đựng, kiên nhẫn. Bệnh nhân là một em bé..."
   Lời vị bác sĩ vang bên tai Trâm. Tội nghiệp! Một cô bé mồ côi. Cô bé có cô độc, lạc lõng như Trâm không nhỉ? Trâm cũng đang nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ... Ô, phòng của cô bé đây rồi! Một chú hề nhồi bông treo lủng lẳng trước cửa làm Trâm bật cười. Trâm gõ nhẹ. Cánh cửa xịch mở.  Trâm hoa mắt lên vì những đồ đạc ngổn ngang trong phòng. Đằng này một cô búp bê gãy tay nằm chơ vơ trên nền nhà, đằng kia vài trang giấy nhầu nát vất bừa bãi. Cô bé nắm tay Trâm, giọng nhẹ như hơi thở:
   "Chị vào đây."
   Cô bé kéo Trâm vào phòng, liến thoắng:
   "Cô y tá Helen mới cho biết em sẽ có một người bạn mới."
    Vẻ thân thiện của cô bé làm Trâm đỡ lo. Trâm ngồi xuống mé giường, ngắm cô bé kỹ hơn. Cô bé có đôi mắt to, sáng rỡ nổi bật trên khuôn mặt gầy ốm, trắng xanh xao. Trâm vuốt má cô bé, dịu dàng:
   "Chào em. Em tên gì?"
   "Candie. Em là Candie Hendrix."
   Lại Candie! Tim Trâm chợt nhói lên. Trâm tưởng tất cả đã xa xôi, mù mờ lắm rồi.  Ừ, Trâm đã đi thật xa rồi mà!
   Candie kéo tay Trâm:
   "Còn chị, tên chị là gì?"
   "Trâm."
   Candie nhìn Trâm, ngơ ngác. Trâm biết nó ngạc nhiên vì cái tên Việt Nam xa lạ.
   "Em nói theo chị nè... Trâm, ... Trâm, không T r â m... cơ... được rồi. Đó, chị nói là em sẽ tập được mà."
   Candie đụng nhẹ vào mái tóc dài đen nhánh của Trâm. Có lẽ nó chưa bao giờ gặp người Á đông nào cả. Trâm nhìn cô bé, chờ đợi một câu hỏi.
   "Tại sao tóc chị lại màu đen?"
   "Vì... chị là người Á đông, người Á đông thường có mái tóc đen, mắt nâu... giống như chị."
   Candie hỏi Trâm hết chuyện này đến chuyện khác. Sợ Candie mệt, Trâm ôm cô bé đặt trên giường, dỗ dành:
   "Em nghỉ một chút đi. Ngoan nhé, để chị dọn dẹp phòng."
   Candie nằm im, chịu đựng. Lâu lắm, cô bé mới lên tiếng:
   "Chị ơi, bên ngoài đẹp lắm phải không chị?"
   "Ờ, nắng và nóng lắm!"
   Trâm nhìn thấy ánh mắt mơ màng của Candie. Tội nghiệp! Trâm sẽ dẫn cô bé đi chơi cho thỏa thích. Buổi chiều Chủ nhật trôi qua thật mau. Cứ khoảng vài giờ, cô Helen lại ghé qua thăm Trâm và Candie một lần. Qua lời kể của cô Helen thì Candie đã vào bệnh viện này từ năm bốn tuổi khi cha mẹ em qua đời trong một tai nạn lưu thông. Bốn năm dài, căn bệnh tuyệt chứng của em lúc tăng lúc giảm. Candie trở thành "người nhà” của bệnh viện, nhưng bệnh viện đâu phải là "nhà”.  Cô bé thiếu thốn mọi thứ, từ tí ánh nắng mặt trời đến tình thương yêu của những người thân. Một niềm thương cảm dâng lên trong lòng Trâm. Trâm có thể làm gì cho cô bé không nhỉ? Cô bé đang cần một người bạn, một người chị. Ừ, thì vậy nhé, Candie hãy là niềm an ủi cho Trâm nơi vùng đất xa lạ với một cuộc sống không phải của chính mình.

*

   Trâm đã trổ hết tài ăn nói, thêm vào lời nói giúp của cô Helen, bác sĩ mới đồng ý để Trâm dẫn Candie đi "bát phố” một ngày. Trâm sung sướng đứng nhìn Candie tíu tít chuẩn bị.
   "Em mặc áo gì bây giờ? Màu xanh nhé?"
   "Ừ, để chị giúp em."
   Loáng một tí, Candie và Trâm đã sẵn sàng. Trời cao và nắng chói chang. Trâm dẫn cô bé đến nhà thờ. Ngôi thánh đường cao vút, lồng lộng gió biển như hòa chung lời nguyện của hai chị em.
   "Lúc nãy em cầu nguyện gì vậy?"
   Cô bé nghiêm trang:
   "Em xin Chúa cho chị mạnh khoẻ. Em xin Chúa ban xuống một vị bác sĩ thật giỏi để chữa bệnh cho em.  Em ngoan thế này, chắc chắn Chúa sẽ nhận lời em, chị nhỉ?"
   Chúa ơi! Con biết trả lời cho Candie thế nào đây? Chính con cũng chưa vững niềm trông cậy nơi Ngài. Trâm xiết nhẹ tay Candie, thành thật:
   "Chị không biết, Candie ạ!"
   Hình như câu trả lời của Trâm làm cho Candie buồn. Hai chị em cứ yên lặng bước cho đến khi ra tới bãi biển. Cảnh tượng náo nhiệt, ồn ào trên bãi biển làm Candie quên bẵng đi vị bác sĩ tài giỏi:
   "Vui quá! Mình tắm biển được không chị?"
   Trâm ngập ngừng:
   "Nước biển lạnh lắm..."
   Cô bé năn nỉ:
   "Không lạnh đâu. Em tắm một tí thôi, nhé?"
   "Chúng mình còn phải đi phố nữa mà. Hay là... chị cho em nghịch nước... mười phút, chịu không?"
   Candie cười to, chạy ngay xuống bờ nước. Trâm vui lây với sự hồn nhiên của cô bé. Bệnh viện như một nhà tù lớn đang giam cầm đời sống của Candie. Ước gì Candie mạnh khoẻ, Trâm sẽ xin cho cô bé về ở với mình.
   Hôm ấy về nhà, Candie nằm liệt giường suốt hai tuần lễ. Cô bé bị đưa vào cấp cứu liên tục. Ngày nào, sau khi đi làm về, Trâm cũng đến thăm Candie và ở lại săn sóc cô bé cho đến khuya. Trâm tự hứa lần sau sẽ không dại dột để Candie "nghịch" nước nữa. Sau những ngày bệnh nặng, tánh tình Candie thay đổi khác thường. Cô bé không còn hay cười, hay hỏi như trước. Candie thường nằm im lặng hàng giờ, nhìn mông lung ra cửa sổ.   Chỉ có những khi Trâm đến, cô bé mới vui vẻ, tươi tắn được chút ít. Nơi đây, Trâm không có bà con, bạn bè thân thiết nên bao nhiêu thời giờ Trâm đều dành hết cho Candie. Bận bịu chăm sóc cho cô bé, Trâm không còn những giây phút trống để nghĩ đến bản thân mình nữa. Trách nhiệm giúp Trâm tránh được những lúc phải đối diện với thực tế, với những ray rứt luôn vây quanh ám ảnh, đè nặng tâm hồn Trâm;  Trâm mặc những vết cắt còn tươi máu để tự nó phải khô lấy một mình. Tất cả như là một tòa lâu đài lộng lẫy được trải thảm bằng hàng ngàn, hàng vạn mảnh thủy tinh vỡ sắc nhọn mà Trâm không đủ can đảm bước vào. Trâm luôn cố gắng tạo chút hạnh phúc cho những người chung quanh để quên mình đi. Thương yêu người cũng là thương yêu chính mình.

*

   Trâm không biết mình đã đứng bên cửa sổ này bao lâu rồi. Đầu óc Trâm trống rỗng. Mắt Trâm thẫn thờ dõi theo từng đợt sóng trắng xóa tung mạnh vào bờ rồi vỡ vụn, tan theo dòng nước xanh lơ. Những chú chim rái cá bay sà sà trên mặt biển, thỉnh thoảng lại thình lình chúi đầu vào con sóng bắt mồi rồi bay vút lên không. Candie đi thăm bạn chưa về. Bạn của Candie là cô bé bệnh ung thư trên lầu năm của bệnh viện. Trâm nóng lòng chờ Candie nhưng trong thâm tâm, có lẽ Trâm sợ phải nhìn thấy cô bé trong lúc này.  Candie ơi, em... Có tiếng xoay cửa, Candie hiện ra, xúng xính trong chiếc áo đầm xanh mới. Cô bé chạy vụt về phía Trâm:
   "Chị ơi, chị chờ em có lâu không?"
   "Một tí thôi. Candie đi thăm Michelle phải không?"
   "Dạ... Ai cũng khen áo đầm của em đẹp cả. Đẹp không chị?"
Candie xoay vòng. Màu xanh nước biển tung bay. Màu xanh của hy vọng dâng đầy trong mắt cô bé. Trâm rướm nước mắt. Candie ơi, chị phải nói với em như thế nào đây? Đôi mắt Candie mở to, nhìn Trâm ngơ ngác. Nếu người ta nói được bằng mắt, Trâm sẽ muốn nhắn nhủ với Candie thật nhiều. Hãy cười lên, hãy vui thật nhiều đi Candie. Em sẽ không còn phải sống trên thế gian này bao lâu nữa đâu. Sáng nay, bác sĩ đã gọi Trâm vào văn phòng. Bệnh của Candie đã đến thời kỳ trầm trọng rồi, chỉ nay mai thôi. Nếu có thể làm cho cô bé vui thì cô cứ chiều nó nhé! Trâm biết "thông báo" cho Candie sao bây giờ? Dù sao Candie cũng chỉ là một đứa trẻ. Có lẽ Trâm đừng nên cho Candie biết gì cả. Những ngày tháng cuối cùng sẽ đến với em tự nhiên và vui vẻ hơn. Quyết định xong, Trâm tươi ngay nét mặt:
   "Hôm nay Candie mệt lắm rồi!  Đi nghỉ nhé, ngày mai chị sẽ dẫn Candie đến chỗ làm của chị."
   Cô bé reo lên:
   "Ồ, thích quá! Vậy em đi ngủ bây giờ nha?
   Từ hôm ấy, Candie quấn quít bên Trâm suốt ngày. Sức khoẻ của cô bé yếu hơn, nhưng tinh thần vui vẻ. Trâm muốn Candie sống những ngày tháng ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Buổi sáng, Trâm thường đến bệnh viện thật sớm, hai chị em ra phía sau vườn cắt hoa tươi. Những gốc hoa hồng, những khóm cúc dại, những cây tường vi không ai chăm sóc mà vẫn mơn mởn nở rộ. Candie và Trâm hì hục kết lại thành những bó hoa lớn đem cho những bà cụ ở viện dưỡng lão kế bên. Mỗi lần đem hoa cho các bà về, Candie vui tươi, ríu rít cả ngày vì cô bé đã được tặng biết bao lời khen. Nếu Candie cứ sống mãi thế này thì hạnh phúc đến là dường nào!

*

   Chiều nay, Trâm phải xin phép sếp nghỉ việc sớm hơn thường lệ vì Candie nằng nặc đòi ra biển chơi. Bãi biển về chiều tĩnh mịch, vắng vẻ. Trâm yên lặng dẫn Candie chậm rãi dọc theo bờ cát. Mặt trời ngả dần về phía chân trời. Những tia nắng yếu ớt chợt bùng lên sáng rực, gay gắt như quyến luyến nuối tiếc, như cố níu kéo thời gian của một ngày tươi đẹp sắp tàn. Trâm nắm chặt bàn tay bé bỏng của Candie.  Hôm nay cô bé có vẻ là lạ. Trâm chợt lo lắng:
   "Candie ơi, em mỏi chân chưa?"
   "Chưa đâu chị."
   Ngập ngừng một tí, Candie tiếp:
"Gia đình chị ở đâu?"
   "Xa lắm em ạ. Tận ở đầu kia của nước Mỹ lận."
   "Sao chị không về nhà?"
   "Về chứ! Mai mốt nhớ nhà, chị sẽ về."
   Candie di di những ngón chân trên cát. Cô bé buồn buồn nhìn Trâm:
   "Có phải em sắp chết rồi phải không? Nhưng em không sợ chết đâu. Em chết sẽ được gặp ba má em, nhưng em sẽ nhớ chị lắm."
   Mắt Trâm nhòa đi. Không muốn để Candie thấy Trâm khóc, Trâm nắm tay Candie chạy xuống mé biển:
   "Xuống đây tìm vỏ ốc với chị, nhanh lên Candie."
   Chẳng mấy tí, Candie đã lượm được vô khối những con sò, con ốc đủ kiểu, đủ mầu, óng ánh vân xanh tuyệt đẹp. Candie cố ráng hết sức cũng chỉ dồn được khoảng tám, chín con ốc vào hai túi áo tí xíu của cô bé. Candie phân vân chẳng biết chọn con ốc nào. Cô bé đứng sững nhìn mãi một con ốc nằm yên dưới làn nước.
   "Candie thích con ốc này không? Mình đem nó về nha?"
   "Không, không, đừng đụng tới nó. Chị ơi, tại sao sóng lớn vậy mà nó không bị... gãy hở chị?"
   Câu hỏi của Candie làm Trâm ngẩn người ra. Trâm để con ốc lên bàn tay, ngắm thật kỹ. Một con ốc bình thường với lớp vỏ mỏng manh tưởng chừng như Trâm chỉ cần bóp nhẹ, lớp vỏ sẽ vỡ ra nát vụn. Ừ nhỉ. Tại sao nó không bị... gãy. Trâm cũng thừ người ra suy nghĩ. Dưới những lớp sóng cuồn cuộn ngày đêm, con ốc nhỏ ấy vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp mong manh. Trâm đã gặp rất nhiều lần những con ốc như thế này nằm chơ vơ trên bãi; có bao giờ Trâm thắc mắc đến nó đâu. Định luật của thiên nhiên đã tạo ra động vật với cấu trúc đặc biệt để thích ứng với môi trường sống riêng của từng loại. Loài người đã dùng trí thông minh và sức lực để khai triển đồi núi hoang vu thành những ruộng đồng trù phú, phì nhiêu, thì con ốc nhỏ này cũng đã được Đấng Tối Cao ban cho một đặc điểm riêng để sinh tồn dưới những cơn sóng như vũ bão. Trâm muốn giải thích đại khái như thế cho Candie hiểu, nhưng Trâm sực nhớ tới lời căn dặn của Candy ngày xưa: với một câu hỏi mà ta không chắc chắn về câu trả lời thì hãy suy nghĩ thật kỹ. Trâm đặt con ốc nhỏ xuống dòng nước, và mặc dù còn đầy thắc mắc, Trâm "trấn an" Candie:
   "Chị về nghĩ lại, ngày mai sẽ trả lời cho em."
   Đưa Candie về phòng, cho cô bé uống thuốc xong, Trâm trở lại bãi biển một mình. Trâm bước lang thang trên bãi mà không biết bắt đầu suy nghĩ từ đâu để giải thích thắc mắc của mình. Con ốc nhỏ vẫn nằm ở chỗ cũ. Trâm đặt nó vào lòng bàn tay rồi ngồi xuống trên một ghành đá. Bóng chiều chập chùng quanh Trâm. Tiếng sóng rì rào, vỗ êm êm vào triền đá. Những con hải âu lạc đàn xúm xít gọi nhau. Chúng bay là đà trên mặt biển tím ngắt. Mùi mặn mặn, ngai ngái của nước biển làm Trâm nhớ da diết bãi biển Hoàng Hôn của Trâm ngày nào. Đầu Trâm lại quay quắt với những hình ảnh quá khứ. Trâm ôm lấy đầu. Lỗi tại Trâm tất cả mà. Candy đã không chịu nổi Trâm. Trâm hối hận đã... Có tiếng đàn ông vang lên sau lưng Trâm. Trâm giật mình, hốt hoảng. Candy, Candy đó phải không? Không. Không phải Candy của Trâm mà là một người đàn ông lạ mặt. Dưới bóng chiều chập choạng, Trâm thấy đôi mắt xanh của ông ta sáng lên như mắt mèo.
   "Sắp tối rồi. Về nhà đi cô bé. Cô đang suy nghĩ chuyện gì à?"
   Trâm xòe bàn tay với con ốc nhỏ:
   "Tôi đang thắc mắc tại sao con ốc nhỏ này lại có thể chịu đựng bao cơn sóng dồn dập mà không vỡ nát. Ông có biết không?"
   "Con ốc bị sóng cuốn trôi tứ phía nhưng nó không vùng lên chống cự với những làn sóng tàn bạo kia, trái lại nó vẫn bình thản chấp nhận như cuộc sống dưới đáy biển yên tĩnh, vì vậy mà nó tồn tại."

   Trâm gật gù, ông ta nói có lý đấy chứ! Trâm chợt nghĩ đến mình. Nếu Trâm bình thản chấp nhận mọi điều, chắc Trâm sẽ đỡ quay quắt hơn, đỡ đau đớn hơn. Rồi bỗng dưng Trâm thấy mình vô lý hết sức! Tại sao Trâm lại vô lý chống lại, đòi thay đổi những việc mà đáng lý ra Trâm phải bình tĩnh và vui vẻ chấp nhận nó. Nếu Trâm giống như con ốc kia... Không, Trâm không muốn để mặc những con sóng cuốn trôi đi. Trâm thở dài. Có lẽ Trâm nên bắt chước ông Kalidasa để nguyện xin Chúa cho Trâm một tâm hồn bình tĩnh để cam nhận những sự việc không thể thay đổi được; một lòng can đảm để thay đổi những gì có thể thay đổi được; và một tinh thần sáng suốt để phân biệt sự việc nào có thể thay đổi được, sự việc nào không thay đổi được. Gió biển lạnh làm Trâm chợt rùng mình. Trâm phải về giải thích cho Candie. Có lẽ cô bé chưa hiểu nổi đâu. Trâm quay lại tìm người đàn ông. Chung quanh Trâm vắng lặng. Người đàn ông biến mất đột ngột như khi ông ta đến. Trời đã tối hẳn, vầng trăng hạ tuần treo lơ lửng chiếu xuống mặt biển đen những tia sáng huyền ảo.

   Bệnh viện vào giờ thăm viếng nên thang máy đầy người đợi. Trâm đành leo cầu thang. Phòng Candie mở toang, trống trơn. Candie đâu rồi?  Trâm hốt hoảng quay chạy về phía phòng y tá. Cô Helen đụng Trâm ở đầu hành lang.
   "Candie... phòng cấp cứu!"
   Cô Helen và Trâm chạy đến phòng cấp cứu vừa lúc chiếc xe đẩy Candie ra. Một tấm vải trắng che lấp hết thân hình cô bé. Cô Helen òa lên. Trâm run tay mở nhẹ tấm vải. Khuôn mặt cô bé trắng bệch, đôi mắt nhắm hờ, và đôi môi vẫn chúm chím như sắp cười. Trâm muốn đưa tay xoa mạnh vào bụng để cô bé bật cười dòn dã như mọi lần. Nhưng Candie nằm im bất động. Candie không giữ lời hứa với Trâm. Cô bé đã ngủ kỹ trước khi Trâm về. Trâm bàng hoàng. Đầu Trâm quay cuồng, tim đập mạnh - những nhịp đập không đều, rối loạn. Thành phố, biển, phòng cấp cứu, Candy, Candie... từng vật, từng người nhảy múa, xoáy thẳng vào tim Trâm. Những bóng đèn trên trần xoay tròn, vỡ tung toé trên nền gạch lẫn lộn với những phần to, nhỏ của thân thể Trâm. Trâm không cảm thấy đau đớn vì Trâm không còn biết gì nữa...

   Máy bay rời phi đạo nhấc bổng lên không. Trâm quệt vội giọt nước mắt lăn tròn trên má. Thành phố biển Myrtle thu nhỏ dần dưới mắt Trâm. Cuối cùng chỉ còn một chấm trắng nhỏ, nhỏ như ngôi mộ của Candie hôm nào. Máy bay lên cao nữa. Thành phố biển giờ là một màu xanh mênh mông của mây trời. Trâm nhìn thấy trong đám mây trắng muốt một màu xanh quen thuộc. Màu xanh lơ của bầu trời, màu xanh thân thương của tà áo Candie, màu xanh ngan ngát của nước biển. Và đâu đó lẫn lộn, Trâm mơ hồ thấy những tia sáng xanh hy vọng. Trâm nhắm mắt để giữ thật chặt trong tâm tưởng những sợi mây xanh và màu áo của Candie. Vĩnh biệt em nhé Candie, Candie yêu dấu của Trâm.

NXTV