Sunday, May 22, 2011

Thơ Nguyễn Xuân Thiệp

                       Pinetrees at sunset. by Tom Thompson 

Khúc h.

uống cạn chén rượu này
xa. kia. đồi cỏ tía
chiều
màu của cơn giông. tàn úa. trong cây
lời cuối. lúc chia xa
bay từ hốc lửa
thư viện. giờ này đã vắng. tiếng đàn im. người đi
                                                      qua cầu. một mình

đi qua
đi qua
tưởng tượng. chiều
trước thềm ngôi nhà ấy
ai đốt. những cánh hồng. khô
của tháng tư
cháy lên
màu nắng. còn đau. ký ức tôi
hay đi qua
khu chung cư trên đồi thông. những bậc đá. và cỏ lau
số 3. nguyễn trường tộ
thấy gì trên con dốc
ngọn đèn. ai thắp lên trong chiều
ôi. dã quỳ. xưa
đã chết

này. hành giả phương đông
đứng nhìn vầng trăng. rực cháy
trên nóc tòa nhà gold empire
hư ảo thời gian. mặt trời. và đỉnh núi tuyết
cất lên
khúc h. của những thành phố nắng quái. những cây
                          cầu bắc qua giấc mơ. kêu như chim của thời
                          chưa có sử

hoàng hôn
hãy là gã du ca. roger ridley. với cây đàn thùng
trên góc phố
santa monica. gào
khản giọng
stand by me. stand by me. o darling
tiếng đàn. và mái tóc. mắt của mặt trời chiều
hắt bóng. con chó nằm gác mõm
người đi qua
đồng tiền. rơi. trong nón
và. trẻ con. reo cười
ôi
chiều
santa monica

này em có nghe
em có nghe
khi trời nổi gió
tiếng của một nhà thơ. vang vang
những âm khô. rỗng
trong khu nhà trên đường magnolia
gọi về cơn mưa. em đứng khóc
gọi lại chuyến ô tô ray ngày ấy
ngọn đèn vàng. bến ga

hay hãy như
allen ginsberg. đứng trên quảng trường times
                             squares. mơ về times quares
tên da đen thổi điệu kèn. buồn. thổ huyết
lúc bình minh. 5 giờ sáng
người homeless ngủ. nằm mơ những vì sao

và khúc h.


Thì đi về phía biển

                                 Biển - 4.bp.blogspot.com

thì đi về phía biển
đi về phía biển

có thể
lúc đó là giữa trưa
hay trong chiều muộn
bỏ lại vợ con
bỏ dở bữa cơm gia đình
người đứng lên
đi về phía biển

nơi có ngôi đền thờ. ngói xám
và đàn chim én. bay

laguna
san juan capistrano
destin
cozumel. mái lá. mùi bia. và âm nhạc. mễ
bập bùng
hay nha trang

nơi đâu
những cây bàng. phố nắng
và những con mòng biển. hoảng hốt
kêu. bông trúc đào nở
đỏ
như tin báo
người thiếu phụ. mang nón rộng. và kính đen
ngồi đọc thơ tôi
bên bờ biển
đã chết
đã chết
về đâu. một cánh buồm xa

                               Late Sunset by Laurie Pace

này em
trời đã xẩm chiều
hãy đứng lên
ngừng giữa trang viết
mở tung cửa sổ
giờ này. trung sĩ  juan campos. đã ra khỏi vườn địa đàng
al-qurnah
ôm quả táo. như trái tim rỏ máu
tiếng mìn. nổ. và mảnh nắng bay lên
này em
hãy
nâng cao chiếc cốc lửa
đón người
về. trong bóng loài chim biển. albatross
dang đôi cánh rộng
che tượng đá. thời gian

                                    Albatross

thì đi về phía biển
con albatross. vẫn kêu. đầy hoàng hôn
trên triền mái sóng
màu của giấc mơ
tím liệm
người ơi

thì đi về phía biển
đi về phía biển
NXT



Saturday, May 21, 2011


Đã đi hết biển

Tưởng Năng Tiến


này anh em.bạn bè
chúng ta đã đi hết biển
qua các đại dương và châu lục
không về lại mái đình xưa
giữa mùa của quỷ
khi
ngói lở. cột xiêu. sen tàn. muà hạ chết
                        Nguyễn Xuân Thiệp
                    
   Tôi sinh trưởng ở miền sơn cước. Nơi đây không có biển rộng, sông dài, không có những cánh đồng lúa vàng ngút mắt, cũng không có phố thị tấp nập và ồn ào - như ở miền xuôi. Sống đâu quen đó. Tôi quen với những buổi sáng rừng tưng bừng, hớn hở tiếng con vượn hú và những đêm trăng rừng tĩnh lặng, hoang vu.
   Khi hết chiến tranh, tôi đã cứ ngỡ là suốt phần đời còn lại của mình sẽ chỉ quanh quẩn dưới chân ngọn Lang Biang (hay còn gọi gọi là núi Bà, theo tiếng của Kinh) ở cao nguyên Lâm Viên. Có quá lắm thì chắc cũng chỉ đi xa năm bẩy xà gạc, một hai ngày đường, đến tận núi Voi, ghé thăm một cô bạn gái hay mấy người anh em bà con -uống với họ một hai ché ruợu cần, cho đến lúc say, lăn quay ra ngủ - rồi sáng sớm lại lững thững trở về thôn bản của mình.
    Vậy mà rồi bỗng có lúc tôi hớt ha hớ hải, bỏ đất, bỏ núi, bỏ rừng, bỏ hồ, bỏ suối, bỏ của… chạy lấy người, trôi dạt xuống tận đồng bằng, cùng cả triệu kẻ khác, đâm xầm ra biển, lưu lạc, tứ tán khắp bốn phương trời.
   Tôi đến Thái Lan, tả tơi, ủ dột, bèo nhèo và eo xèo như một cái xà rông ngấm nước.
    Lần đầu ra thủ đô Bangkok, tôi bị choáng ngợp và thấy mình lạc lõng tội nghiệp trước cảnh phồn tạp nơi xứ lạ. Lúc ấy, sao không dưng mà chợt bùi ngùi và nhớ thương quê hương quá đỗi.
   Bắt chước dân miền xuôi, tôi cũng tập viết những câu ngăn ngắn  - có vần có vận với nhau mà người Kinh thường gọi là thơ, hay là vè gì đó - như sau:

   Chiều về trên xứ lạ
   Cười nụ cười Anglais
   Buồn qua hơi thuốc Thái
   Thèm một phin cà phê

   Chiều về trên xứ lạ
   Execuse me
   I'm sorry nói mãi
   Thèm một câu chửi thề
                    
   Chiều về trên xứ lạ
   Xe ngược xuôi trăm đường
   Trăm ngàn khuôn mặt lạ
   Mong một người đồng hương
                    
   Chiều về trên xứ lạ
   Ngỡ ngàng Chinatown.
   Đây ruợu nồng thịt béo
   Mà bạn bè nơi nao
                    
   Dừng chân nơi quán lạ
   Thèm cơm chiều hương quê
   Mẹ cha ơi đừng đợi
   Chiều nay con không về
   (Chị ơi thôi đừng đợi
   Chiều nay em chưa về)
                    
   Chiều về trên xứ lạ
   Núi xa, đèo xưa ơi
   Đi không lời giã biệt
   Mà nhớ thương suốt đời
          
   Vì không có thân nhân ở Hoa Kỳ, từ Thái Lan, tôi được đưa sang một trại tị nạn chuyển tiếp để chờ một hội thiện nguyện bảo trợ cho vào Mỹ. Thế là tôi bắt đầu cuộc đời ly hương của mình bằng những ngày mưa đầu mùa ở Galang, một hòn đảo nhỏ bé,  thuộc Nam Dương.
    Những chiều mưa đầu mùa bao giờ cũng buồn. Và những chiều mưa đầu mùa (đầu tiên) nơi đất lạ thì buồn đến não lòng! Tôi cứ ngồi bó gối trong một góc nhìn những giọt nước trong veo, nương nương chạy theo mái lán mà nhớ nhà muốn khóc.
   Có hôm tạnh ráo, đi lang thang quanh đảo mãi cho đến lúc gần xẫm tối, tôi lạc đến một khu đất trống. Nơi đây, có chừng vài chục nấm mồ của người tị nạn. Giữa một buổi chiều vắng lặng và cô quạnh, trên hải đảo hoang vu, cách quê nhà cả một đại dương xanh thẫm, trước những nấm đất "xè xè”ø - mọc đầy cỏ dại, vương vãi mấy chân nhang đã bạc phếch mầu - tôi bỗng cảm được hết sự lạnh lẽo, thê lương, và ảm đạm của chuyện "vùi thây nơi quê người đất khách." Tôi cũng chợt hiểu được tại sao, trên những bàn thờ - thường thấy đặt trong nhà của những người dân ở đồng bằng - lúc nào cũng có thắp một ngọn đèn dầu hột vịt tí teo, cùng với khói hương ấm áp.
   Hoàn cảnh không cho phép người dân sơn cước thờ cúng người thân theo cách đó. Hầu như tất cả những sắc dân thiểu số ở Việt Nam đều có lệ bỏ mả, hay còn gọi là bãi mả - theo như cách nói có âm hưởng Hán Việt, của nguời Kinh.
    Dân Roglai (sống rải rác trên miền núi ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và Lâm Đồng) làm lễ bỏ mả vào mùa gặt thứ nhất. Nguời Rhadé (ở vùng Darlac, Quảng Đức hay Tuyên Đức) thì làm lễ bãi mả vào mùa gặt năm sau. Gặt hái vưà xong, ai cũng rảnh rang và có của ăn của để nên lễ lạc thường rất đình đám. Thế nào cũng mời thầy cúng tế, ngả trâu bò, đãi đằng làng xóm, ăn uống, chiêng trống, nhẩy nhót thâu đêm. Rồi mọi người ra mộ khóc lóc một lần cuối trước khi (vĩnh viễn) tạ từ.
   Tập tục này, tôi trộm nghĩ, có nguồn gốc từ đời sống du canh. Do sự di chuyển không ngừng để tìm đất đai canh tác mới nên cơ hội trở lại nơi chốn cũ thăm viếng mộ nguời đã khuất rất mỏng manh; vì vậy, người ta cần làm lễ bỏ mả để được yên tâm khi phải rời bỏ mồ mả ông bà trước khi di chuyển.
   Tôi tiếc là mình đã không có được sự yên tâm như thế. Khi hốt hoảng bỏ chạy khỏi quê hương, tôi đã không kịp tạ mả người thân -theo như phong tục của người miền núi. Tôi cũng không có dịp chôn cất, thờ phượng song thân với khói hương ấm áp hàng ngày- như những kẻ ở miền xuôi. Trong suốt quãng đời lưu lạc của mình, tôi cứ ân hận mãi về sự thiếu sót này.
    Và có lẽ vì thế, nên tôi đã suy nghĩ  khá lâu, sau khi đọc Nếu Đi Hết Biển của Trần Văn Thủy. Cuốn sách gồm mười chương, nội dung chính -theo như lời tác giả- "chỉ ghi chép lại đôi điều tôi nghĩ, tôi thấy, tôi trải qua cùng việc trò chuyện với một số trí thức nhà văn hải ngoại". Chương mở đầu là "Mấy Lời Rào Đón". Chương kế tiếp, cũng có tiểu tựa là "Nếu Đi Hết Biển", được mở đầu bằng những câu ca dao:
Con cò lặn lội bờ sông
Cò ơi sao nỡ quên công mẹ già
Hỏi rằng ai đẻ cò ra
Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi
Nhớ khi đi ngược về xuôi
Mẹ đi bắt tép mẹ nuôi được cò
Cò ơi cò bạc như vôi.
Công cha nghĩa mẹ cò còn nhớ không?
à á à ơi”
   Sau đó, Trần Văn Thủy mượn lời đoạn kết của bộ phim "Có Một Làng Quê” (do chính ông làm đạo diễn) để tiếp tục câu chuyện - như sau:
   "... Thuở tôi còn nhỏ, gia đình tôi tản cư về quê. Người chăm lo, nuôi dậy anh em chúng tôi là một bà vú nuôi nhà quê mà chúng tôi vẫn trìu mến gọi là thím, thím Nhuận."
    "Mỗi buổi tối, sau những công việc vườn tược, xay luá, giã gạo, khi gà đã lên chuồng, thíùm mắc võng ra hiên nằm kể chuyện cho chúng tôi. Khi ấy tôi chưa hề biết rằng bà không biết chữ, mà chỉ thấy bà thuộc lòng những chuyện thơ dài suốt đêm này qua đêm khác."
   "Thế rồi một đêm, dưới vòm trời bí ẩn đầy những vì sao lấp lánh, trong trí tưởng tượng ấu trĩ của tôi bỗng nẩy ra một dấu hỏi to tướng về sự hữu hạn và vô hạn. Tôi bắt đầu lục vấn thím tôi:
   -Đi hết làng ta thì đến làng nào hả thím?
   -Làng ta gọi là làng An Phú. Đi hết làng ta thì đến làng An Lễ.
   -Đi hết làng An Lễ thì đến làng nào
   -Đi hết làng An Lễ thì đến làng An Phong.
   -Rồi đi đến đâu nữa?
   -Hết làng An Phong thì đến làng An Nhân, An Đạo.
   -Đi hết làng An Đạo thì đến đâu
   -Đi hết làng An Đạo thì đến biển.
   "Bà tự tin giảng cho tôi, tôi vô cùng khâm phục sự hiểu biết rộng lớn của bà. Bỗng tôi nhỏm dậy hỏi thím:
   -Thế đi hết biển thì đến đâu hả thím?
   Trong đêm tối, thím tôi im lặng. Từ ngày có trí khôn chưa bao giờ tôi thấy thím tôi buồn đến thế. Thím buồn bã trả lời:
   -Đi hết biển đến đâu thì thím không biết.
   Tôi dần lớn khôn và thím tôi âm thầm qua đời khi tôi ở nước ngoài. Bà không có con, phần mộ của bà thực là ảm đạm. Một lần thắp hương bên mộ thím, tôi xót xa thì thầm với thím rằng:
   -Thím ơi! Cháu thương thím, vì cho đến lúc chết thím cũng không biết đi hết biển là đến đâu. Bây giờ cháu biết rồi thím ạ. Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình thím ạ. Cháu sẽ dành dụm để xây cho thím một ngôi mộ đàng hoàng…."
   Giờ đây trên đất Mỹ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt, tôi không khỏi băn khoăn về cái điều tâm huyết tôi nói bên mộ thím tôi: '”Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình” Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến thế không. Nhưng tôi biết rất rõ không ít người Việt xa xứ 'qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi' mà cuối cùng không thể 'trở về quê mình, làng mình' được. Ở đây, người ta đi hết biển thì chỉ tới nước Mỹ…" (Trần Văn Thủy. Nếu Đi Hết Biển. Thời Văn, Hoa Kỳ 2003, 21-24).
   Con số những người "người Việt xa xứ qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi mà cuối cùng không thể trở về quê mình, làng mình được" quả là không ít. Tuy thế, không nhất thiết họ đều "bạc như vôi" vì đã "nỡ quên công cha nghĩa mẹ”  - như ông Thủy đã muợn những câu ca dao "trách cò” để trách khéo họ đâu.  Cũng không phải những kẻ đã đi hết biển  (và đi … luôn) đều là những người "có khuynh hướng cực đoan trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại… chủ trương không du lịch về Việt Nam, không gửi tiền về trợ giúp thân nhân cũng như các công tác từ thiện" (sđd trang 72) - như ông Trần Văn Thủy đã nghĩ  đâu.
   Ông Thủy "có mặt trên đất Mỹ dài dài” đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tới trên hai chục trường đại học và thành phố thuyết trình hội thảo “bay trên ba chục chuyến bay trên nội địa nước Mỹ” (sđd, trang 19) nhưng tiếc là ông Thủy đã không ghé tiểu bang North Carolina, ở miền Đông -Hoa Kỳ.
   Nơi đây, chỉ trong vòng hai tháng (từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2002) đã có hàng ngàn người tị nạn -bỏ chạy khỏi Việt Nam, sang lánh nạn ở Cao Miên, sau biến động xẩy ra tại Tây Nguyên hồi tháng 02 năm 2001 - đã  được chính phủ Mỹ chấp thuận cho định cư.
   Trong thời gian ông Trần Văn Thủy ở Mỹ và đi Đông, đi Tây để "trò chuyện với một số trí thức nhà văn hải ngoại" thì ở thành phố Durham - thuộc tiểu bang North Carolina - cũng có một một buổi trò chuyện thân mật giữa mấy cư dân nơi đây với bốn người dân miền núi Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm tròn một năm, sau ngày họ đến Hoa Kỳ.

                       Người H'Mong ly hương. bbc.co.uk
    Nhóm người cùng ở  với nhau trong một chung cư: Ông Y'Bloi 36 tuổi, ông Y'Dronh 34 tuổi, ông Y'Juuh 31 tuổi và ông Y'Mut Adrong 48 tuổi. Bằng cái thứ tiếng Anh của người mới học, và học ở tuổi 50, Y'Mut Adrong lấy ra một tấm hình chụp vợ và hai con, và nói: "Buồn lắm. Đói lắm. Ở Việt Nam, đàn ông làm việc, đàn bà ở nhà. Không có đàn ông - trẻ con không có cái ăn - Các con tôi, phải chịu đói." (Y'Mut Adrong takes out a snapshot of his wife and two children in Vietnam… "very sad," he says. "Very hungry. In Vietnam, man work, woman stay home. So no man – children no eat. My children hungry" (A year later, Montagnards adapting to new lives http://www.herald-sun.com/durham/4-377604.html ).
    Ông Y'Bloi có bốn đứa con, ông Y'Dronh có sáu đứa, và ông Y'Juuh thì có hai đứa. Tổng cộng, ba nguời đàn ông tị nạn độc thân (tại chỗ) đã để lại 3 bà vợ và 12 đứa bé - bơ vơ và đói rét giữa núi rừng Tây Nguyên - để đến Hoa Kỳ … ngồi học tiếng Anh, cho nó đỡ buồn!
   Nỗi buồn ly hương của họ (e) hơi … khó đỡ.
   Cả bốn nhân vật này đều đã (hoàn toàn) đi hết biển và tôi tin rằng họ đều rất thiết tha mong muốn trở về rừng núi cũ, bản làng xưa. Đói no gì cũng chịu, miễn là mỗi chiều họ lại được ngồi bên bếp lửa - cạnh vợ con, anh em, chòm xóm - phì phà tẩu thuốc, bùi ngùi kể chuyện đường xa.
    Nhưng về thì chắc chết, chết chắc!
   Theo nguồn tin của AP đánh đi ngày 27 tháng 9 năm 2001 thì trước đó một hôm, nhà đương cuộc Việt Nam đã lập hai phiên toà xử kín (closed trial) tại Đắc Lắc và Gia Lai để "xử lén" 14 người dân sơn cước từ 6 đến 15 năm tù - về những tội danh như sau: "xúi giục nổi loạn", "làm mất an ninh công cộng" và "chống chính phủ”…
   Tôi viết những dòng chữ này cũng vào một ngày cuối tháng 9 năm 2004. Từ đó đến nay, đã bốn năm qua, có thêm bao nhiêu phiên toà khác, có thêm bao nhiêu người dân miền núi khác đã bị bắt giam, với những bản án vô cùng khắc nghiệt, chỉ vì những "tội danh" (hàm hồ) tương tự?
  Phiên toà cuối cùng, được công luận biết đến, vào ngày 11 và 12 tháng 8 năm 2004, tại Đắc Lắc, đã kết án 9 nguời dân Tây Nguyên khác từ 5 đến 12 năm tù vì can tội  "gây mất trật tự an ninh và phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" - như VOA đã tường thuật, vào ngày hôm sau. Và theo ghi nhận của AFP thì số người này đều bị bắt hôm 10 tháng 4 năm 2004 "trong lúc tham gia cuộc biểu tình để phản đối tình trạng đàn áp tôn giáo và tịch thu đất đai bừa bãi."
   Ông Trần Văn Thủy có lẽ không biết [và lỡ có biết (chắc) cũng không bận tâm gì lắm] đến những chuyện lặt vặt (rất) không tử tế như thế, ở cao nguyên. Còn quý ông Y'Bloi, ông Y'Dronh, ông Y'Juuh và ông Y'Mut Adrong… thì rất quan tâm và vô cùng sợ hãi cách hành xử ác độc và man rợ (đến thế) của những người đang cầm quyền ở VN. Vì thế, sau khi đã đi hết biển, nếu những người dân miền núi đều không (dám) trở về thì tôi mong có sự thông cảm của ông Trần Văn Thủy cho hoàn cảnh đặc biệt (khó khăn) của họ.
    Tôi cũng mong ước có được sự bao dung của ông Trần Văn Thủy cho một số những tị nạn khác nữa - những kẻ mà ông Trần Văn Thủy không có dịp, hoặc không tiện tiếp xúc, trong thời gian công du ở hải ngoại. Họ vốn có gốc gác ở đồng bằng, cũng đang lưu lạc ở một góc trời nào đó, và cũng đang ở trong những hoàn cảnh khó khăn như thế - hay hơn thế.
    Xin đan cử một vài trường hợp tiêu biểu…
 Theo báo cáo của chính quyền địa phương xã Bình Thạnh Đông - huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, giáp giới Cao Miên - tính đến ngày 27 tháng 3 năm 2003,  đã có hai trăm mười (210) phụ nữ và trẻ em bỗng dưng "biến mất"!
   Họ "biến" đi đâu?
   Đến đêm 23 tháng 1 năm 2004, sau khi xem phóng sự điều tra Dateline (của đài NBC) thì mọi người lờ mờ đoán rằng - rất có thể - một số những đứa bé thơ ở xã Bình Thạnh Đông đã "biến" sang nước láng giềng. Khán giả của chương trình này thấy cảnh sát Cambodia đã đột phá vào những ổ mại dâm trá hình ở Phnom Penh và giải thoát được những bé gái - khoảng từ năm đến mười tuổi - đang bị ép buộc phải bán dâm. Nhiều hình ảnh và tên họ (Liên, Tuyết, Xuân, Yến) được ghi nhận, chứng tỏ có một số trẻ con Việt Nam đã sinh sống và làm việc ở đây.
   Đến tháng 4 năm 2004, sau khi hội "Taipei Women's Rescue Foundation" đệ đơn kiện Web site e-Bay vì đã đăng quảng cáo bán đấu giá phụ nữ Việt Nam ở Đài Bắc (khiến cả thế giới bàng hoàng) thì người ta lại lờ mờ đoán thêm rằng trong số phụ nữ bất hạnh này (chắc) có lẫn vài cô gái nhẹ dạ , ở tỉnh An Giang, đã… đi hết biển!
     Những chuyện thảm thương tủi nhục cỡ đó, thực ra, hoàn toàn không có gì mới mẻ. Từ khoảng đầu thập niên 1990 - ở miền Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông Trần Văn Thủy lui tới nhiều lần và ở lại nhiều ngày… đã có một nhóm người Việt thực hiện một "project" nhỏ, lấy tên là "Xin Đừng Quên Tôi (Forget - Me - Not)".
     Nhóm chủ trương tin là "...có nhiều bằng chứng cho thấy rằng một số thiếu nữ Việt nam bị bắt cóc trước đây hiện đang sinh sống đâu đó tại Thái lan, Singapore và tại các vùng biên giới Mã Lai."  Do đó, họ đưa lên internet một lời nhắn giản dị (nguyên văn) như sau: "... nếu có tin tức liên quan đến các cô gái bị hải tặc bắt cóc xin liên lạc với Vietnam & The World Foundation,
P.O.box 4108, Hungtington Beach, CA 92605
- 4018, USA.      
    Những cô gái kém may mắn như thế, và những nàng Kiều modern của nước nhà thời mở cửa (đang được rao bán và chuyền tay khắp Năm Châu) cũng như những đứa bé thơ Việt Nam hiện sống trong những nhà thổ ở Nam Vang, sau khi "xa xứ qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi mà cuối cùng không thể trở về quê mình, làng mình được" chỉ vì bị "kẹt", thế thôi.  Họ không tìm được lối về, chứ có phải vì chủ trương chống cộng cực đoan hay quá khích gì đâu.
   Nếu ông Trần Văn Thủy cũng đi hết biển (bằng đường biển), cũng sống lê lết hết từ trại tị nạn này sang trại tị nạn khác (và sống từ năm này sang năm khác), cũng phải "tiếp xúc" với dùi cui hay ma trắc của cảnh sát Thái Lan, Mã Lai, Hồng Kông… thì cách nhìn  của ông  về chuyến Exodus (hãi hùng) của dân tộc Việt - không chừng - cũng khác.
   Thay vì quanh co, dàn dựng để đặt "những câu hỏi sắp xếp cạnh nhau, đầy kịch tính" (sđd, trang 46)  - rất có thể - ông Thủy sẽ có những câu giản dị, chân thành và rốt ráo hơn - đại lược như:
    -Tại sao liên tiếp trong ba thập niên qua, hàng triệu triệu người dân Việt (bất kể tuổi tác, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, địa phương) đều đã phải tìm mọi cách để… đi ra biển?
   -Ngoài bờ biển phía Đông ra, phần biên giới còn lại của Việt Nam đều là nơi cư ngụ của những dân tộc thiểu số tự ngàn xưa. Họ chính là chủ nhân đích thực của đất nước này. Chính họ tạo thành tuyến đầu và vòng đai an ninh cho toàn lãnh thổ. Cũng chính họ, với cuộc sống đơn giản hài hoà với thiên nhiên, đã giữ cho môi trường sinh thái được quân bằng và tạo một "vòng đai xanh" cho tổ quốc. Tại sao lại tìm mọi cách đẩy họ đến mức diệt vong, dồn họ vào tử lộ  đến nỗi phải bỏ núi  để… đi hết biển như thế?
    - Ai đã khiến cho những phụ nữ miền xuôi bị rao bán như những món hàng?
    - Ai đã giam đời những đứa bé thơ ở chốn lầu xanh, nơi quê người đất khách?

    Thì cũng phải nói cho ra lẽ như thế, chứ tôi không dám đòi hỏi ông Trần Văn Thủy nêu ra những câu hỏi "phiền phức" và "nguy hiểm" (chết người) cỡ đó - trong cuốn Nếu Đi Hết Biển. [Đây lẽ ra là công việc của những người soạn thảo N.Q. 36 nhưng (tiếc thay) họ cũng đã không đủ can đảm và thành thật để nhìn thẳng vào vấn đề như vậy]. Tôi chỉ mong ông Trần Văn Thủy "vào những khoảnh khắc tĩnh lặng, những đêm trắng thâu canh" sẽ tự hỏi thầm như thế để "giải toả cho chính mình" thôi (sđd, trang 20). Được thế, hy vọng, ông Thủy sẽ cảm thông hơn (hoặc đỡ khó chịu hơn) khi nhắc đến ''những người ham chống cộng một cách cực đoan" (sđd, trang 47) ở khắp năm châu.
   Tôi không tin cực đoan là một phương cách ứng xử khôn ngoan, trong bất cứ hoàn cảnh nào - nhất là chuyện "chống cộng một cách cực đoan".  Giận (quá) hoá mất khôn thôi. Mà làm sao không giận được cơ chứ?
    Sau những biến động ở Tây Nguyên - vào tháng 2 năm 2001 và tháng 4 năm 2004 - thì mọi giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam (và tất cả những cơ quan truyền thông của nhà nước) đều đã không tường trình trung thực những sự kiện xẩy ra và đã không tiếc lời rủa xả nạn nhân, thay vì lên tiếng bênh vực họ vì đã bị các quan chức địa phương hà hiếp và dồn đến chân tường. Sau đó, những người dân miền núi chất phác và khốn khổ này bị lùng bắt phải chạy trốn qua biên giới, rồi bị săn đuổi đến cùng.
   Theo như tường trình của đặc phái viên Lý Định Phát của RFA - từ Nam Vang, nghe được hôm 19 tháng 4 năm 2004 - "cảnh sát và bộ đội Việt Nam tự do đi lại trên lãnh thổ Kampuchea, tại vùng giáp ranh với Việt Nam, nhằm săn tìm những kẻ chạy qua đất chùa Tháp tìm tự do". Qua tuần lễ sau, VOA, phát thanh vào ngày 22 tháng 4 năm 2004, cũng đã trích dẫn lời của một binh sĩ  Cao Miên ở tỉnh Ratanakkiri cho biết: "Việt Nam đã đề nghị thưởng cho họ  500.000 tiền riels (khoảng 125 Mỹ Kim) nếu bắt và giao nộp được một người tị nạn".
    Vậy mà trước thảm cảnh của những đứa bé thơ Việt Nam bị ép buộc bán thân trong những nhà chứa, cũng ở Phnompenh, thì cả nước đều câm như hến. Không những chỉ làm thinh, sứ quán VN tại Nam Vang và nhà đương cuộc Hà Nội còn làm lơ và làm ngơ (cứ y như thể là không có gì đáng tiếc xẩy ra vậy) dù cảnh sát và bộ đội của họ có thể tự do đi lại trên lãnh thổ Kampuchea như chỗ không người.
     Đó là thái độ, rõ ràng, rất - không - tử - tế của những kẻ đang cầm quyền ở Việt Nam. Còn ông Trần Văn Thủy - người được nhiều khán giả quý mến (trong số đó có kẻ đang viết những dòng chữ này) qua phim "Chuyện Tử Tế” - ở trang cuối cùng của cuốn Nếu Đi Hết Biển, đã mượn lời "một ông bạn chuyên làm công việc nghiên cứu về văn hoá xã hội ở tiểu bang Massachussetts", để đi đến cái kết luận (có vẻ) rất tử tế như sau:
     " Chị Tuyết cùng Chris là mẫu người thuộc lực lượng thứ ba. Nghĩa là mẫu người trung dung, không tả, không hữu, không hô ủng hộ hay đả đảo. Họ sống lẳng lặng có khi âm thầm."
     "Từ câu chuyện của Chris và Tuyết tôi bỗng nhớ lại trong nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc tôi đã bắt gặp những con người như thế, nhiều lắm kể ra đây không xuể. Có thể nói trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, họ là số đông, rất đông, không phe phái, không ồn ĩ, không nhãn hiệu âm thầm yêu thương, xót xa, chia sẻ với đất nước mình, đồng bào mình".
     Cũng như người bạn (không nêu tên) của ông Trần Văn Thủy - mà tôi đoán chừng có lẽ là người ngoại quốc, hoặc giả (cũng) là người Việt nhưng chỉ quen sống ở nước ngoài - tôi đặc biệt quý mến những người "thuộc lực lượng thứ ba" như vậy. Họ "trung dung", "không tả”, "không hữu", "không hô ủng hộ hay đả đảo" ai. Họ sống  "lẳng lặng" và "âm thầm".
    Tuy vậy, trong lúc mà đất nước đang mấp mé ở bờ vực thẳm - như  hiện cảnh - mà cổ võ một thái độ sống như thế thì tôi sợ rằng ông Thủy (rất) có thể bị ngộ nhận là không được tử tế gì cho lắm, hay nói quá ra một tí là một kẻ … "ngụy" tử tế!
     Dân Việt, hiện nay, dù ở bất cứ nơi đâu, sợ không "afford" nổi lối sống "qúi phái" cỡ đó. Tất cả những nông dân chân lấm tay bùn ở Nghệ An, Thái Bình, Đồng Nai, Trà Cổ… - cũng như những người dân miền núi chân chất chúng tôi ở Gia Lai, Đặc Lắc, Đắc Nông … - đều mong muốn có được một cuộc sống "lẳng lặng" và "âm thầm" đấy chứ?  Đâu có ai muốn bỏ rừng, bỏ núi, bỏ ruộng, bỏ vườn lũ luợt kéo nhau đến công đường để đòi lại đất đai bị cướp đoạt hay xin xỏ những quyền sống căn bản và tối thiểu -đã được đại gia đình nhân loại nhìn nhận từ lâu.
      Làm như thế rất mất thời giờ, rất tốn công, tốn của, và rất cực nhọc - nhất là đối với những nông dân ở tận trong Nam, phải lặn lội về đến Hà Nội, trong những kỳ họp quốc hội, để biểu tình hay đưa đơn khiếu kiện -mà cũng chả đi đến đâu. Đãõ thế, không ít người khi trở lại địa phương còn bị theo dõi, trù dập; hay tệ hơn nữa là bị đánh đập, săn bắt, tù tội … 
     Tương tự, những chiến dịch xin chữ ký, những vụ dàn chào, những cuộc biểu tình hô hào chống hết chuyện này đến chuyện khác (kể cả những chuyện không đáng chống) ở New York, ở California, Sydney, Paris, Warsaw… thường không tạo ra được những hiệu quả mong muốn. Không những vậy, đôi lúc, nó còn có vẻ khôi hài và lố bịch - theo như cách nhìn của ông Trần Văn Thủy.
    Tuy nhiên, người dân - ở trong cũng như ở ngoài nước Việt - vẫn tiếp tục biểu tình, vẫn tiếp tục hô hào ("đả đảo", "ồn ĩ”) vì họ không biết phải làm gì khác? Chứ chả lẽ cứ để cho sông núi bị tàn phá, lãnh thổ bị dâng hiến, đất đai vườn tược bị tước đoạt, con cái bị mang bán đấu giá, cháu chắt - mới năm bẩy tuổi đầu - bị mang giam vào nhà thổ… với sự  "xót xa" và "âm thầm" mãi hay sao?
     Và chả lẽ cứ tiếp tục "yêu thương, xót xa, chia sẻ với đất nước mình, đồng bào mình" mãi - bằng cách cặm cụi đi làm, dành dụm những đồng tiền mồ hôi nước mắt, để hàng năm đều đặn gửi về quê hương vài tỉ Mỹ Kim - mà không dám kêu than, dù biết rằng ngay cả đồng tiền cứu trợ (thiên tai) cũng chưa chắc đã đến được tay người thân hay những đồng bào ruột thịt của mình?
     Lịch sử tính bằng thế kỷ, đời người tính bằng năm. Dân tộc này còn phải cắn răng "âm thầm" chịu đựng thêm bao nhiêu năm nữa thì mới "đúng đường lối chính sách", mới khỏi bị coi là "phản động", và khỏi bị gán tội "gián điệp" hay "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc"? 
 "Cái bi kịch lớn nhất, khốn nạn nhất cho giới cầm bút nói riêng và đa số trí thức, người dân Việt Nam là bệnh liệt kháng trước bất công” (http://www.danchimviet.com/cacbaotruoc/dcv_55_BenhLietKhangTruocBatCong.shtml ). Tôi vừa nghe nhà văn Dương Thu Hương than phiền như thế. Và nếu đúng thế, lằn ranh giữa "liệt kháng" và "âm thầm yêu thương" - xem chừng - có vẻ mong manh quá nhỉ.

K'  Tien   
hoàng xuân sơn

t h ơ  m ấ t  n g ủ

                                    Artpostgallery.com

đ ạ i  đ ó a

thược dược nở tổ chảng
cánh son leo đài gương
đỏ thẫm
môi chiều


c h u  v i

sự bằng an đôi lúc vây khổn tâm tư người
kín bưng ù đặc
giải thích tôi một chút gì hiếu động
một chút thôi
như chiến tranh the phòng
pha loãng


100  n ă m

gánh xuống đồng bằng trăm thức núi
chiếc gùi hóa duyên đại ảo
phất phơ ngọn sơn trà
thước vượn hú dài
huông cổ sơ


t h ứ c

ngủ không được là ngủ không được
chẳng phải trà
chẳng cà phê
chẳng tại thuốc
ngủ không được
đám mây đen ồ ề


p h é p

kiếm đâm buốt sống lưng
chảy dọc thần hồn
co quắp chiếc gối ôm
trườn mộng

HoàngXuânSơn
10 mai 2011




Những mảnh hồn quê

Lưu Na


Những ngày ở Seattle mưa rả rích.  Sáng dậy mình rời nhà đi đó đây chụp hình xem cảnh uống cà phê.  Cũng có lúc nắng, người địa phương cho hay chỉ có khoảng 56 ngày nắng trong năm, Trần mộng Tú đã từng than van “nắng ở đây hiếm hoi hơn hạnh phúc.”  Đêm về, trong tiếng mưa rỉ rả buồn mình đọc những trang sách ấy.  Hóa ra cái êm đềm tha thiết u hoài từ “Quê Nhà, 40 năm trở lại” vẫn còn nguyên, nối tiếp không ngằn mé không khoảng cách ngỡ ngàng trong Một Thời Oan Trái.  Những giọt mưa Seattle như chuyền qua trang sách rớt xuống hồn những giọt trong mát u buồn.  Có lẽ Phan lạc Tiếp không phải một nhà văn lớn, mà mình cũng không biết thế nào là nhà văn lớn, và những giòng chữ về cảnh cũ người xưa cũng không như những truyện quê nhà của Võ Phiến.  Nhưng lạ, PLT đặc sắc chính ở những cái không là, không như, như thế.  “Quân tử hòa nhi bất đồng” chăng. Nhưng viết, đâu có chuyện quân tử hay tiểu nhân?  Viết, chỉ nên hỏi viết ra sao, viết cái gì, và người viết chuyển đạt được điều gì đến lòng mình.

Phan lạc Tiếp viết rất đơn sơ không kiểu cách.  Ông có lời mộc mạc, giọng từ tốn tha thiết ân cần; ông viết những điều chân thật về mình, khúc chiết mạch lạc về việc, và chừng mực thận trọng về người.  Ở PLT, cái viết là chia sẻ tâm tư, kể chuyện của mình như một hồi tưởng một suy niệm và ghi lại những điều ông trân trọng.  Ở Phan Lạc Tiếp, cái chừng mực như xuyên suốt từ cách viết đến con người. Hãy nói đến cái viết. Ông nói chuyện cảnh cũ người xưa, với biết bao hoài niệm, những hình ảnh tục lệ lễ tiết thói quen phong hóa ngày xưa của làng quê ông.  Những món ăn, những hội vui, những nghi lễ, thói tục, niềm tin, cách ăn mặc, của một thuở đã xa trên đất Bắc, thay vì là những chuyện phong hóa trong các quyển sách văn hóa ngày xưa nhờ cái chừng mực dừng đúng lúc của ông đã trở thành bức tranh sinh động. Nếu ngon trớn thì ông đã viết phăng phăng và thành Nguyễn Tuân Vũ Bằng Thạch Lam hay Lê minh Hà và những chuyện đó trở thành những cái chung chung không mang dấu ấn của riêng ai. Nhưng ông dừng kịp để vẫn là mình. Làng Nủa và tộc Phan, chuyện làng chuyện họ chuyện xóm giềng bè bạn và quá khứ, trở thành tập ảnh vàng úa mà giở từng trang mình tìm thấy được cu Tiếp quần chúc bâu áo vải nắm tay chị Đan những ngày Tết, trò Tiếp lên tỉnh đi học, và “đằng ấy” phải bùi ngùi từ giã bạn quê ra đi không hẹn ngày về. Làng Nủa và tộc Phan, đâm ra thành những mảnh hồn quê nối người với đất mà những trang sách viết về quê hương đã gắng trao nhưng mình chỉ nhận được qua dòng chữ của Phan lạc Tiếp.


Cái chừng mực trong cách viết của PLT khi qua đến thời oan trái càng sáng rạng, khi sự việc được nhắc thật chi tiết với trọn tâm tình dẫu thương cảm hay buồn phiền. Nhưng đặc biệt, là chỉ cần thêm một chi tiết trong những nỗi oan trái của chiến tranh thì chắc mình sẽ thấy oán hờn, thêm một cái tên trong những việc hậu trường chính trị thì mối bất hòa nghi kỵ sẽ thêm kết nặng.  Chính cái chừng mực biết dừng đúng lúc ở những điều muốn viết mà mình cảm nhận được cái hòa ái, cái an lạc cho tâm hồn.  Cái chừng mực đó làm cho mình nguôi lại những đớn đau, nó như những giọt nước mưa làm mát dịu những vết thương lòng mà loạn lạc chiến tranh đã gây ra.  Hơn thế, nó còn là mảnh đất bằng cho lứa con em lớn lên sau như mình tìm được chỗ để chân.  Mình nhớ có một nhà văn miền Bắc đã kể, nhà văn ấy đi vào chiến tranh vì lý tưởng, đã khóc khi thấy ra mình bị gạt. Nhưng cũng chính nhà văn ấy trên làn sóng truyền thanh nói rằng một nửa nước, miền Bắc, cam tâm làm tay sai cho Trung cộng Liên sô; và miền Nam cho Mỹ.  So với lời PLT:
           Ơi những anh lính kẻ Nam người Bắc
           Chết là oan cho một cuộc tương tàn
thì mình tin ông đã đúng khi nhất định chỉ là một người nhà quê chân lấm tay bùn. Không phải cứ hễ chữ nghĩa nó chọn mình thì đánh rơi bản sắc.

Đã rằng viết không có chuyện tiểu nhân quân tử, nhưng có chuyện bản sắc, và PLT có một bản sắc để mình tin cậy muốn đọc hoài.  Bản sắc đó có nằm ở chỗ quân tử tầu đang làm trưởng phòng Tâm lý chiến dễ mưu lợi thì lại chỉ thấy cái phiền mà rút lui để đi làm hạm trưởng cái ghe rách bươm, hay có ở chỗ quân tử gàn xin biệt phái qua sở Hỏa xa để khỏi thấy những ánh mắt lạc thần của người dân trong vùng lửa đạn, khỏi phải tham dự vào cái hơi kỳ kỳ của những cuộc hành quân do Mỹ chủ động?  Hay bản sắc ở chỗ luôn nhận gốc gác làng quê và ôm giữ theo mình những kỷ niệm, những quan hệ với người muôn năm cũ?  Có lẽ tất cả mọi điều. 

Trong những điều đó còn thêm là chút nghệ sỹ trong tâm hồn để đau thấy ánh mắt lạc thần của người dân quê khi lạc vùng lửa đạn, thấy cái đơn sơ mà nên thơ của “những đọt lá mới trồi lên xanh non, cuộn tròn như những khúc nhung xanh” (trang 306, 307).  Bản sắc, cũng là chút chính kiến, chút phản ứng trước những việc mình không thích.  Người lính VNCH dù vì hoàn cảnh hay chọn lựa, dầu sao cũng có và còn được đôi lúc là mình.  Bản sắc, ở những ân tình với những người muôn năm cũ, hay những hình bóng tình cờ mang đến nghĩa ân: ông luôn viết trong cái nhìn ly nước một nửa đầy.  Gặp những oan trái, những việc cần làm mà ông đã gánh vác thì ly ấy đang một nửa vơi.  Và như vậy, những khi mình nhỏ giọt nước mắt cho những điều ông viết xuống gợi ra, mình yên tâm khóc, nghĩ mình không thương vay khóc mướn chuyện trời ơi. 

Một Thời Oan Trái không chỉ cho mình những mảnh hồn quê hay nỗi u hoài.  Qua đó có những lúc mình mỉm cười thú vị, như trang tả nghi lễ ăn uống thật kiểu cách mà món ăn thật bình dân (mình tự hỏi anh sĩ quan ẩm thực có mời tư lệnh “xơi rau nhúng nồi nước lèo !!!”).  Một thời Oan trái còn có những chi tiết thuộc về lịch sử ở góc của người lính Hài quân.  Chính ở chỗ chi tiết thuộc về lịch sử mà phải nhìn lại chữ của Phan Lạc Tiếp. Văn hay tùy bút thì câu chữ tùy nơi người viết. PLT đã nói ông không chọn nghiệp văn chương, nên không cần phải chỉ ra những dấu chấm ngang xương hay câu không chủ từ, mà phải khen tùy bút của ông có những câu thật đẹp, như:
“…Từ sâu thẳm trong lòng sân, như có một sự cựa mình, nhưng vi tế quá, tôi hình như chỉ thấy tự tâm tôi.  Tôi bước những bước rất từ tốn trên mặt sân, mỗi bước chân đặt xuống nhẹ nhàng êm ả, chỉ sợ đất buồn. Tôi vẫn cố gắng nghe, mà như đất khô già quá, đất lặng lẽ nín câm.” (trang 50).

PLT còn có những cách dùng chữ rất đắt, thí dụ: “tôi như chột đi khi không có chị,” …hay những câu thật hay: “ôm cả cái nao nức chờ đón mùa Xuân vào lòng” (trang 35), “vài lá tía tô tím thẫm làm nền cho các cọng rau muống chẻ xanh non, xoăn tít như nụ cười mời gọi của bà hàng bún” (trang 168), hay thật u hoài: “nhắm mắt lại,…không còn thấy quê cũ là đâu nữa” (trang 134).  Những trang viết về Tào Mạt thật ngậm ngùi, nhưng mình thích nhất là những dòng về người bạn “đằng ấy” trong “Người Nghệ Sỹ Miền Quê,” cũng như trang viết tả chị Luông với hàng guốc thật thú vị (trang169).  Bên cạnh đó lại có những câu vô ý (!!!!), thí dụ “Như thế, mẹ tôi và dì tôi cùng lấy chồng thiên hạ” (trang 69).  Mình sinh trưởng trong Nam, đọc thì bật cười, tuy hiểu ý ông nói lấy chồng ngoài xa, khác thôn làng, nhưng câu đó người trong Nam ý nói hoặc là giật chồng người, hoặc làm bé.  Cái vụng về của ông chỉ gieo một cái mỉm cười, nhưng những lỗi typo trong in ấn ở 60 trang viết của bài “Những Chặng Đời Nghiệt Ngã” (trang 288-347) có thể tai hại nếu dùng làm ghi-chép bên lề sử liệu, dù lỗi ấn loát đúng là phải chịu trong mọi chuyện in ấn. PLT nhắc trận Ba Rài có ghi vào Hải sử, cái “ngà” đã làm ông phải ngưng viết lách 6 năm để vác với biết bao công sức của đồng đội bạn bè cấp trên người ủng hộ bảo trợ, v.v…

Trận Ba Rài trang 297, “Chiếc Tiền Phong đỉnh khác, HQ6001, do trung úy Nguyễn Ngọc Giang chỉ huy…, tàu bị B40 bắn thủng phải ủi bãi để tránh bị chìm. (Hiện anh Giang định cư tại thành phố Houston, Texas.  Chiến đỉnh này do trung sĩ I Trọng Pháo Lê Phước Đức….làm thuyền trưởng, bị tử thương…” Ở đoạn vừa trích có mở ngoặc mà thiếu đóng ngoặc, ý chấm dứt ở đâu, và HQ6001 do Giang chỉ huy thì Đức làm thuyền trưởng chiến đỉnh nào?  Mình không hiểu việc chiến tranh binh bị, những điều về HQ cũng lại là một chuyên môn, nên đọc chỉ căn cứ vào cái mạch lạc để hiểu. Đọc những lời báo cáo đã làm xếp lạnh cẳng, những bài chuẩn bị khi hành quân, những chi tiết nghi lễ dù nhỏ nhặt cũng thứ tự đầy đủ của PLT thì mình tin rằng cái rối ren đã nêu đó là lỗi in ấn, hoặc chính là mình ngớ ngẩn có chứng chỉ (do bạn ông PLT cấp), chứ không thể là lỗi của một người đã viết 2000 trang chữ.  Trận Ba Rài trong Hải sử có viết khác hay không?  Dù sao, cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Với mình  Phan lạc Tiếp đã viết xong một cái kết luận cho riêng ông, và mình cũng đã nguôi ngoai nổi bực phiền của chuyện còn mất được thua năm xưa. Quả thật “ân hận nay đã thuộc về người khác…” (trang 328). Nghĩ đến một người viết đã quá cố: nhà giáo Nguyễn Hiến Lê, mình cũng muốn mượn lời nhà giáo ấy mà nói rằng Phan Lạc Tiếp đã viết những lời “văn thơm tho, tình hiện u hoài.”  Tuy PLT không viết trong chủ đích giáo dục như Nguyễn Hiến Lê, nhưng cái chừng mực ôn hòa của ông khẳng định cái thiện tâm cái hòa ái tự chủ mình nên học. Mình mong ông mãi là “đằng ấy,” chứ không phải nhà văn lớn và không như ai hết, để thế hệ 36 tuổi (Ngô Nhân Dụng) sẽ có dịp và có duyên may như mình, tìm được qua hàng chữ của Phan Lạc Tiếp những mảnh hồn quê.

Lưu Na,
05/15/2011

TẢn mẠn
bên tách cà phê

Nguyễn Xuân Thiệp

Thuở đi làm phóng viên chiến trường


   Từ màu đỏ hoa vông gặp lại trên một ngọn đồi ở Penasquitos và trong vùng nắng rộng Nam Cali, cảm thức của Nguyễn bỗng đi sâu vào những hồi ức của cuộc chiến ngày nào. Nhất là những ngày gần đây khi nắng tháng Tư về chuyển qua những cơn giông tháng Năm,  Nguyễn đọc thấy tin phóng viên ảnh Tim Hetherington gục ngã trong vùng xung đột ở thành phố Misrata, Libya. Rồi nhìn lại những khuôn mặt và đọc lại những dòng tự sự về cuộc đời của các phóng viên từng lao vào lửa đỏ của chiến tranh Việt Nam, Nguyễn bồi hồi thấy lại những ảnh bóng của con đường sạn đạo ngày xưa.

   Ờ, phải rồi, thời xa xưa ấy trên đất nước của gió mùa, mình cũng đã có những ngày đi vào vùng chiến trận, không phải với cái máy ảnh như Tim Page hay Tim Hetherington, mà với cấy bút và tập giấy trong cái túi vải thô đeo bên hông. Như Phan Nhật Nam, Dương Nghiễm Mậu, Kim Tuấn, Dương Phục vậy. Tất nhiên, không được như những bạn vừa kể với những tác phẩm đồ sộ, những điều Nguyễn ghi được trong những ngày nắng ối mưa lầy ấy chỉ là những miểng vụn -như những miểng đạn pháo hay dúm tóc và bàn tay gãy dập của người… Vâng, Nguyễn đã thấy… đã thấy, và ghi lại những mảnh vỡ ấy của chiến tranh và cuộc đời chung. Trong chuyến Chinook lên Đức Cơ trao trả tù binh năm 1970, Nguyện đã thấy người mẹ già tóc trắng đi đón con mà nghẹn ngào đau đớn, cứ mải cầm tay và vuốt tóc con không nói được lời nào. Nguyễn đã thấy con đường tráng nhựa chạy lên vùng tam biên bị cắm những trụ cột -hay cột mốc- ngay ở giữa lòng đường để phân chia bên này bên kia. Ấy là những ngày của đầu năm 1974 khi sắp tàn cuộc chiến. Nguyễn đã thấy -và còn ghi nhớ tới tận bây giờ- những bông cỏ hồng mọc lên từ nhựa đường nứt nẻ. Đây là Eo Gió. Bên này, có những người lính thiết giáp mắc võng ngủ dưới bóng cây. Bên kia treo cờ của Mặt Trận Giải Phóng
Chiều hôm nay tôi đi trên đường biên giới
thấy trước mặt mình. chập chùng rào cản
mờ mờ. bóng ngọn cờ. bay
trong nắng hạ nồng
những ngọn cờ không kẻ chuyền tay
những ngọn cờ chia lòng người ra từng cõi
và gói kín những mảnh đời
   Ngày ấy, Nguyễn đi lên Eo Gió bằng xe Jeep. Cùng đi có một phóng viên người Việt làm cho AP -không phải Nick Út đâu- mang theo máy ảnh, có Hồ Viết Sum phóng viên Tiểu Đoàn 20 CTCT mang máy quay phim, có Kim Tuấn và Trần Trọng Thuyên. Đêm về nhà bạn ở Kontum đọc thơ trong mùi hương cà phê và khói thuốc. Những ngày kế tiếp đi qua dưới chân ngọn Chu Prong, rồi đi sông Ba. Nguyễn đã thấy, đã thấy những ruộng dã quỳ vàng rực -sau này tả lại trong truyện ngắn Dã Quỳ- những cánh rừng cháy và bóng quạ đen quay đảo, miệng kêu đầy máu, và rừng bông vải ven sông Ba. Về Phú Bổn, đêm lại đọc thơ. Ôi Kim Tuấn, giờ ở nơi nao, có nhớ đêm ấy dưới ánh đèn của những cây manchon đọc bài thơ Bản Hét -Bản Hét ngày đi không trở lại- có gạo sấy, nước suối rừng và tóc mẹ già bạc trắng khiến nhiều giọt lệ rưng rưng. Và rồi, trên trực thăng về lại Pleiku có Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Minh Diễm, Hoàng Khởi Phong ra tận bãi tiễn chân, Nguyễn đã viết bài thơ lưu biệt có những câu
hút với nhau điếu thuốc
giữa buổi chiều hoa quỳ
nói dăm câu từ tạ
mây. với người. cùng đi
   Rồi chuyến đi Đồng Ớt năm 1974. Lúc ấy, Nguyễn làm ở đài Quân Đội Sài Gòn. Được tin mặt trận đang sôi động ở miệt Trảng Bàng, Nguyễn cùng với một anh bên Báo Chí vội vàng đi làm tin và viết phóng sư cho Đài. Tới nơi, tiếng súng đã im, nhưng trên không máy bay còn gầm rú ở phía mật khu Mây Tào, và khói chưa tan trên đồng. Gọi là Đồng Ớt vì ở đây trồng toàn ớt. Nguyễn và anh bạn báo chí được một chiếc thiết giáp chở đi thăm trận địa. Những luống ớt đỏ bị bánh xích sắt nghiền nát bấy bên cạnh những khuôn mặt bộ đội VC dẹp lép và những về tóc còn dính máu, những bàn tay gãy dập. Trưa ấy, mây trắng đầy trời và nắng như những mảng màu vàng cháy trong tranh Van Gogh vẽ ở Arles miền Nam nước Pháp.
   Thôi, xin được chấm dứt những điều viết về mình. Thật ra, những ghi nhận của Nguyễn trên chiến trường ngày ấy chỉ là một dúm bụi nhỏ nhoi tan vào ngày tháng. Trong khi đó, những tấm ảnh chiến trường của các phóng viên như Tim Page, Nick Út là những Kim Tự Tháp sừng sững. Những tấm ảnh ấy đã mang đến cho tác giả của nó danh vọng và giàu sang (như tấm hình chụp nỗi đau của bé Kim Phúc trên chiến trường Tây Ninh ngày nọ đã đưa Nick Út tới thảm đỏ phù hoa vào tận cung điện của Nữ Hoàng Anh quốc -tài liệu của nhà văn Huy Phương), còn những ghi chép từ ngòi bút của Nguyễn và Kim Tuấn đâu có nghĩa lý gì. Chỉ là chút hơi rượu khà trong buổi chiều lộng gió hôm nay.
(Kỳ tới: Khúc Requiem & những người về từ chiến trường xưa)

NXT

Sài Gòn,
nhìn từ không gian những tiệm nước

dương hùng đọc và ghi


   “Không gian những tiệm nước” là cuốn tạp bút viết về Sài Gòn do Thời Đại xuất bản trong năm 2011 này. Như một ngẫu nhiên, tập sách là một cuộc hội ngộ của các cây bút vốn quen thuộc với bạn đọc Sài Gòn -trong đó cũng có một vài nhà văn quen thuộc với hải ngoại: Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Triều Hải, Lý Lan, Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc, Trần Nhã Thụy... Các đề tài bình thường, dung dị, nhưng trên hết vẫn là những nghĩa tình đâu đó, những ấn tượng, những câu chuyện về phố, về người rất đặc trưng.
   Ngay “không gian tiệm nước” cũng là không gian của những mảnh đời văn nghệ, nó là nơi khởi phát của những ý tưởng và trong nhiều trường hợp, tiệm nước ở Sài Gòn là nơi đầy ắp kỷ niệm hơn bất cứ không gian công cộng nào. Vâng, đây là tập sách viết về những mảnh đời, những kỷ niệm, không dính dáng gì tới lập trường chính trị của các cha nội lãnh đạo.
   Trước hết là tính chất cởi mở. Chính tính chất cởi mở của người Sài Gòn làm cho mọi người từ khắp nơi tự đến với thành phố này. Người thành công đã đành mà ngay cả những người thất bại cũng tìm đến đây để làm lại.  Với những người sinh sống quanh năm ở thành phố này, thì Sài Gòn đôi khi nằm trong những gì “nho nhỏ”, nhỏ như không gian be bé của một tiệm nước. Nhà thơ Trần Tiến Dũng đã nhìn thấy văn hóa, tính cách của Sài Gòn ở những tiệm nước như thế. Và bài Không gian tiệm nước của ông đã được dùng để đặt tên cho cuốn sách.
   Vì sao tiệm nước lại quan trọng trong văn hóa của người Sài Gòn như vậy? Trần Hoàng Nhân viết trong Viet Studies: Người viết bài này thử làm một phép so sánh vui vui khi có dịp đến thủ đô Hà Nội. Người Hà Nội thường mời khách phương xa về nhà để giới thiệu “mái ấm” của mình (hay “cơ ngơi” nhờ cuộc đổi đời mới dựng lên được? DH.) . Người Sài Gòn thì ngược lại, họ thường mời khách ra tiệm nước, rồi nhà ai nấy về. Điều này thể hiện phần nào tính “bất định” của người Sài Gòn. Nói thế không phải người Sài Gòn ít hiếu khách. Bởi vì, có thể hôm nay, hai người cùng “làm người Sài Gòn” nhưng ngày mai không thể biết họ sẽ “định cư” nơi nào. Ngày hôm nay, có thể họ “thường trú” quận này nhưng mai đây họ sẽ dời đi quận khác. Vậy thì biết nhà nhau cũng... chẳng để làm gì!


   Sài Gòn tạp văn Không gian tiệm nước còn thể hiện được tính cách của từng người viết do văn hóa nơi họ sinh trưởng quy định. Với những tác giả sinh sống lâu năm ở Sài Gòn, thì thành phố này bao gồm những gì nhỏ nhất như chuyện đi chợ mua mớ rau, con cá đồng của nhà thơ Lê Giang. Hoặc một gian phòng nhỏ tranh tối tranh sáng ở khu Chợ Lớn của Phan Triều Hải. Hay một “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” của Đoàn Tú Anh, dù đường Duy Tân nay đã đổi tên thành Phạm Ngọc Thạch.
   Sài Gòn với những tác giả như thế còn là những kỷ niệm. Tác giả Nguyễn Ngọc Hà được xem là người “Sài Gòn gốc” duy nhất góp mặt trong cuốn sách này, vì chị sinh ra và lớn lên ở đây. Kỷ niệm của Nguyễn Ngọc Hà với Sài Gòn không chỉ ở khu Eden vàng son một thuở với chiếc áo mưa giá gần lượng vàng được người cha mua tặng chị, sau hơn 30 năm chiếc áo mưa ấy vẫn còn giá trị sử dụng. Kỷ niệm còn là một ngôi chợ trong ký ức mang tên Xóm Chiếu rất... Sài Gòn.
    Hình như vậy, Sài Gòn rất chung nhưng cũng rất riêng của mỗi người. Nhà thơ Lê Minh Quốc viết dạng “khảo cứu” khá công phu để đưa ra tính cách người Sài Gòn. Nhưng nói đơn giản như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt Sài Gòn tạp văn: “Nếu đội bóng đá của Sài Gòn gặp đội của Nghệ An, Huế hay Thanh Hóa trên sân Thống Nhất, thì chắc chắn cổ động viên của Nghệ An, Huế, Thanh Hóa đông hơn cổ động viên đội Sài Gòn dù tất cả đều sinh sống tại Sài Gòn”. Phải chăng đó là tính cách, nét văn hóa của người Sài Gòn? Người viết bài này chỉ biết rằng khi khép lại từng trang sách của Sài Gòn tạp văn mà thấy rưng rưng!”

   Ngọc Lan viết trong blog của mình với giọng đầy cảm xúc: “Chưa đọc hết "Không gian tiệm nước" nhưng cũng có những bài khiến mình nôn nao, nhớ nhung, bên cạnh những bài rất muốn chửi thề như bài "phụ nữ ở Sài Gòn"
   Rồi bỗng dưng lại cứ đưa tay chùi nước mắt khi đọc "Tuổi thơ tôi có thằng Lợi sứt" của Nguyễn Nhật Ánh.
   Chuyện chẳng có triết lý gì, chỉ là câu chuyện của một đám học trò quỷ với tuổi thơ lem luốc ngoài đồng và mê chơi đá dế.
   Thằng Lợi sứt bắt được con dế lửa, đá ác chiến nên đám con trai cùng lớp đứa nào cũng mê muốn gạ đổi nhưng thằng đó nhất định không. Khi vào lớp, đám con trai chọc bạn bằng cách kháy cho con dế gáy lên.
   Thế là thầy bắt mang lên để trên bàn giáo viên.
   Thầy giảng bài mê mải, cuối giờ trả lại con dế cho đứa học trò thì mới phát hiện ra cặp táp thầy bị ngã lên đè con dế chết queo từ hồi nào.
   Thằng sứt khóc, và cả đám con trai lòng chùng xuống. Đám tang con dế, buồn bã, trang nghiêm,...
   Truyện chỉ có vậy, nhưng có lẽ do cách viết của tác giả mà đọc ra cái mộc mạc, đơn sơ, trong trẻo của những tuổi thơ chưa biết đến thời hightech. Tôi nhớ hình ảnh người thầy đưa tay xoa lên mái tóc bù xù của thằng học trò mà nói, "Đừng giận thầy nghe con."
   Tui đọc mà nghe ra cả tuổi thơ mình. Tuổi thơ của những trò chơi búp bê giấy, tức vẽ hình một cô gái thật đẹp, như búp bê Barbie vậy, trần trụi, rồi cắt ra, dán lên một miếng giấy cứng.
   Từ con búp bê giấy cứng đó, đám con gái lại thi nhau vẽ mẫu quần áo để mặc vào cho nó. Đủ kiểu quần áo để có thể mặc mọi lúc mọi nơi. tất cả đều bằng giấy trắng và viết chì màu tô lên.
   Đám con gái chị em tui, cùng đám con nhà bác Hai, bác Chín, bác Ba hàng xóm không đứa nào là không có một cái hộp búp bê như vậy.
   Và cả đám chơi, như một vở kịch rối, tự biên tự diễn. Chúng tôi dàn dựng kịch bản và điều khiển những con búp bê của mình."

   Trần Hữu Dũng tâm tình trên Văn Chương Việt: “Cách đây 45 năm nhà văn Bình Nguyên Lộc trong tập tạp bút Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-nguyên Lộc [NXB : Thịnh Ký (1966)] nói lên tâm tư, cảm nghĩ của chính tác giả khi dạo chơi trên hè phố Sàigòn…
    Giờ cầm trên tay tập “Không gian tiệm nước – Sài Gòn tạp văn” do NXB Thời Đại ấn hành quý 1 năm 2011 của 26 tác giả tôi không khỏi thoáng chút bâng khuâng, náo nức giở ra đọc chậm rãi từng tác giả.
   Ở đây, thành phố và con người Sài Gòn được nhìn với nhiều góc độ khác nhau, kể cả cái chiều kích rộng lớn là không gian và thời gian, tùy theo cảm nhận qua sự trải nghiệm của từng người viết. Trần Tiến Dũng vẽ lại Sài Gòn qua không gian tiệm nước. Huỳnh Như Phương chợt rung động chiều mưa qua bài hát Mắt lệ cho người của Từ Công Phụng. Sài Gòn của Trần Nhã Thụy là “Những người chơi mặt buồn”. Sài Gòn của Nguyễn Quang Lập là “Chín khúc buồn thiu”...
   “Đừng nói là ở Sài Gòn làm gì có ếch nhái? Có vài chỗ, thí dụ một cái hồ nho nhỏ trong công viên...” (Đêm Sài Gòn nghe ếch nhái kêu-Lý Lan).
   “Nhạc êm. Ngày cuối tuần nhẹ, hẫng. Và những giọt của ly cà phê phin sáng nay có vẻ như chảy không đều, nhưng giọt nào dường như cũng muốn hoàn thành nhiệm vụ nhỏ nhoi của mình : làm nên một ly cà phê sáng” (Cà phê 7X-Ngô Liêm Khoan).
   “Đường Nguyễn Huệ xưa là một con kênh đổ vào sông Sài Gòn. Tấp nập trên bến dưới thuyền. Gió thốc từ mặt sông mơn man những buồn những lái của một vùng đất phương Nam nắng vàng rực rỡ...Nếu tôi là nhà thiết kế, năm nay tôi sẽ rải trên đường hoa Nguyễn Huệ những tà áo dài để không phải chạnh lòng nhớ gió giữa mùa Xuân sang!” (Bỗng dưng...nhớ gió - Đỗ Hồng Ngọc)
   Giọng văn tâm tình lôi cuốn, những tự sự, suy nghĩ sâu sắc, hóm hỉnh...tất cả hòa quyện lại trong tập tạp văn Sài Gòn tạo nên một bức tranh chấm phá về con người, vùng đất này khá linh động, hấp dẫn. Hai tập tản văn cách nhau gần nửa thế kỷ mà vẫn liền mạch, một của Bình Nguyên Lộc, người của thuở trước, và 26 tác giả đương thời khiến cho bạn đọc càng thêm yêu mến Sài Gòn, vùng đất lành chim đậu này.”
   Như vậy, Sài Gòn đẹp trong từng góc cạnh của cuộc sống mà chế độ chính trị không dễ gì xóa đi. Sài Gòn còn đẹp trong những kỷ niệm và tình yêu của mỗi người. Ôi, Sài Gòn…
(Tổng Hợp)

DH