Hà Nội, mùa nước cạn
Tranh Phố Phái
«Nhất định anh phải dẫn em đi Hội An đấy!». Michico nói với tôi như vậy khi cẩn thận ghi lại trong sổ tay đoạn trích từ gia phả, định rõ vị trí ngôi nhà ông cố ngoại mở hiệu buôn gốm sứ, giữa thế kỷ mười bảy, mặt hướng ra sông Hoài, gần sát Chùa Cầu. Tôi đồng ý ngay, kèm theo điều kiện: Michico phải theo tôi thăm Hà Nội trước đã. Chúng tôi rời Sài Gòn hầm hập nóng bằng một chuyến bay đêm. Tôi vẫn thích chọn những chuyến bay như vậy. Bắt đầu bằng từng phi đạo thẳng đèn tăm tắp. Rồi khi phi cơ rời mặt đất bốc lên, cánh nghiêng, hiện bày cả vạt rộng hàng triệu đốm sáng lung linh. Một bãi sao nhiều màu xúm xít, sinh động. Bay trên bầu trời Paris, tôi nhanh chóng định vị được tháp Eiffel, từ đó dễ dàng nhận ra dòng ánh sáng khổng lồ hai chiều vàng-đỏ chầm chậm trôi trên đại lộ Champs-Elysées, song song với sông Seine, vết cắt đen, chia đôi thủ đô nước Pháp thành hai bán cầu lóng lánh. Giờ đây, với Sài Gòn, tôi chịu thua, chỉ còn biết hài lòng dán mắt vào ô kính nhỏ, nhìn thành phố khoác áo dạ hội bước vào đêm, uốn lượn theo góc khúc xạ từng đợt khí nóng gối đầu nhau cuồn cuộn bốc lên. «Thành phố nhìn từ trên cao, bao la như cả cuộc đời…», tôi lầm thầm hát theo một tứ nhạc vừa thoáng qua đầu, không nhớ đã nghe được ở đâu, lúc nào, chợt loáng cái, ào đến cùng những cảm xúc xốn xang. Ngày xưa, có lần tôi cũng từng nhìn Sài Gòn ở độ cao như thế này, và đã buột mồm nói lời vĩnh biệt. Thành phố hôm ấy chìm dần dưới từng lớp, từng lớp mây trắng đùn cuộn. Mây khép lại quá khứ, và khi tôi lia ngang tầm nhìn, chỉ còn thấy một màu da trời xanh buốt mắt.
Michico đánh thức tôi dậy bằng những mơn trớn đầu ngày. Chúng tôi nhập cuộc chơi khi đầu óc chưa hoàn toàn tỉnh táo. Cương dựng trong miệng Michico, tôi mân mê bấu nắn từng mẩu thịt da mướt mịn từ vai xuôi suốt cả khoảng lưng. Xuống. Lên. Nhịp nhàng. Thong thả. Khi cảm thấy môi lưỡi đã làm tròn phần việc, Michico dướn người, dồn hết trọng lực, ngồi thẳng xuống tôi. Xoãi ngang hai chân, người con gái có làn da phớt hồng màu hoa anh đào bấu hai tay xuống ngực tôi làm điểm tựa, đẩy dọc tiến lui. Khuôn mặt thanh tú với mái tóc búp-bê xuôi thẳng chắn che thoắt gần thoắt xa, như ảo ảnh ẩn hiện sau làn hơi nước mờ đục. Chỉ chốc lát, Michico đã chuyển ngay sang động tác lắc người xoay hông tròn quanh trục. Đôi vú nhỏ tâng nẩy. Môi trơn nước bọt hé mở. Mắt khép hờ, cung mày nhíu, mi rung từng chặp, chấp chới. Tôi xiết chặt tay quanh eo Michico, tiếp sức cho cơn bão lốc. Thân thể chúng tôi bây giờ thẳng góc với nhau, đồng thời quấn cuốn vào nhau. Tôi nghểnh cổ, nhìn khoanh rốn Michico vẽ vòng trước mắt. Vòng quay càng lúc càng nhanh, càng lúc càng xoắn lấy trục chặt hơn. Hơi thở gấp gáp, đôi lúc tức tửi hực lên đứt quãng. Và khi đường xoáy trôn ốc thắt gút lại ở tâm điểm, khi tôi nẩy lên bung vọt, cũng đúng lúc Michico cong ngược người ầm đổ xuống, co giật, mười đầu ngón tay lún cứng vào mặt nệm. Chết sững.
Chúng tôi nằm im hồi lâu. Lúc những vuốt ve đều đặn dọc theo sống lưng xoá sạch chút xung động cuối cùng, lúc những giọt mồ hôi ứa rịn trên cơ thể bay bốc hết theo từng đợt hơi lạnh đều đặn toả ra từ máy điều hoà không khí, Michico chồm dậy, cười với tôi bằng đôi mắt hạnh nhân nồng nàn và ân cần cúi xuống tặng nụ hôn đầu tiên. Đằm thắm vị hoa trà hàm tiếu. Ngày thứ nhất ở Hà Nội của chúng tôi bắt đầu như thế.
Tôi ngồi nhìn Michico nghiêng người trước gương, xoè tay vuốt xuôi chiếc robe thun đen bó sát. Cũng cái dáng nhỏ nhắn ấy đã kiên nhẫn suốt một tuần ở Bàu Trúc để học cho bằng được cách đi xoay vòng ngược chiều kim đồng hồ của phụ nữ Chăm trong việc nắn lọ gốm. Cũng mười ngón thuôn trắng kia đã dệt trọn cả thước vải thổ cẩm với những hoa văn, sắc màu của người K'ho Lạch ven chân núi Langbian. Theo học ngành mỹ thuật công nghiệp ở Paris, đạt điểm cao với một số mẫu mã đặc thù và bắt mắt, có tham vọng lấn cả sang việc trang trí nội thất và thiết kế thời trang, ấy thế mà tôi không hiểu nổi óc thẩm mỹ của Michico để đâu khi chọn quần áo. Vú nhỏ, mông mỏng, đôi chân hơi cong, khi bước đi, đầu gối lúc nào cũng như muốn gập lại, khuỵu đổ người về phía trước, vậy mà Michico chỉ thích độc nhất loại vải thun đen khít sát vào da, mặc không nịt ngực. «Con giun đất», tôi vẫn gọi diễu như vậy. Lạ lùng đến thế thì thôi! Lạ lùng như chính con người Michico. Hay vì, tôi sinh ra trên đại lục, trong khi Michico chào đời bên một triền đá chênh vênh của đảo nhỏ, ầm ào sóng đại dương? Hoặc đơn giản hơn, do Michico là đàn bà Nhật, còn tôi, đàn ông Việt?
Franck đón chúng tôi ở cổng Văn Miếu. Michico thích thú khi Franck trịnh trọng cúi chào đúng cách: «Michico-san» kèm theo một tràng tiếng Nhật hoa mỹ. Michico tròn thêm mắt nhìn Franck và tôi thùm thụp đập vào vai nhau, trửng giỡn bằng tiếng Việt. Hơn ba năm giữ chức trợ lý văn hoá của đại sứ Pháp tại Việt Nam, Franck có đủ thời gian, năng khiếu, đủ kiên nhẫn và đam mê để phát âm đúng giọng Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Hắn dư sức dẫn một thằng sắp mất gốc như tôi lặn lội hang cùng ngõ hẻm, lùng cho ra một món ăn ngon hay uống cho được một cút rượu lạ. Franck thích vỗ ngực tự nhận mình là người Tây, như ai đó thường phân biệt kẻ Bắc, Trung, Nam, hay túm tụm đồng hương, cùng xứ. Và như để chứng minh điều này, Franck rành rẽ giới thiệu với chúng tôi từng bức tượng Khổng Tử, vua Lý vua Lê, danh sách các tiến sĩ, những huyền thoại quanh dãy rùa đá đội bia, cái trống, chiếc chuông. Nhưng chẳng hiểu sao, khi đứng chụp chung một tấm hình kỷ niệm, tôi lại chú ý đến những cánh hoa súng úa vàng và vài xác cá phềnh bụng nổi lều bều trên bể nước cạn giữa Khuê Văn Các và Đại Thành Môn. Nắng trưa xuyên qua những tàng xoài nhọn lá, rơi lách cách xuống nền gạch đỏ bỏng. Michico sờ được từng hạt nước li ti trên đầu rùa đá hâm hấp sốt, trong khi Franck băn khoăn chỉ cho tôi xem những vết nứt còn tươi hiện ra đây đó trên dãy cột nâu bóng, tăm tắp thẳng hàng đã nhiều thế kỷ. Tôi nhìn lên, thấy mặt trời, qua khói trầm hương, qua ngói, qua lá, qua mây mảnh sợi, hình như xanh màu ngọc lưu ly, rưng rức.
Ăn bún măng ngan ở ngõ Cấm Chỉ xong, chia tay Franck, đang định rủ Michico đi tìm căn nhà số 14 phố Hàng Cân, nơi bà nội tôi đã ngồi suốt cả thời con gái trông cửa tiệm bán thuốc bắc cho ông cố, nhưng cảm thấy nhựa đường như muốn nhão ra dưới chân, tôi quyết định quay về khách sạn trốn nóng. Ngang qua phố Hàng Bông, đang bước, bỗng Michico nhào vào bíu chặt lấy tôi, miệng lưỡi líu ríu, tay cuống cuồng quơ chỉ. Cạnh miệng cống lộ thiên, một bầy chuột hơn chục con tróc trỉa, mắt đỏ sọc, đang cắn xé, chí chít giành giật nhau chút nước trong vũng đọng. Tôi kéo sệt Michico sang lề đường bên kia, bước vội. Run từng chặp trong vòng tay tôi, như đang giữa cơn động tình, Michico, mắt nhắm nghiền, để mặc tôi dìu đi, người dịu nhỉu. Về đến khách sạn, con giun đất lao ngay vào phòng tắm, tuột áo, xả nước, như cố chà rửa cho trôi sạch đi cái hình ảnh quái gở vừa nhìn thấy. Tôi vói tay bấm máy lạnh và truyền hình. Tin khí tượng cho biết, thêm một đợt khí nóng vừa tràn về khu vực đồng bằng Bắc bộ, rừng Trường Sơn liên tục cháy lớn, các tỉnh miền đông và tây Nam bộ hạn hán nặng, nhiệt độ thấp nhất từ 18 đến 25 độ, nhiệt độ cao nhất từ 35 đến 42 độ. Nước mặn ngày càng lấn sâu vào, khi mực nước sông Cửu Long và Đồng Nai xuống thấp dưới mức báo động. Các hồ Trị An, Đa Nhim, Suối Vàng, Dầu Tiếng, Yaly, Thác Mơ đồng loạt cạn kiệt. Bắt đầu từ tuần sau, Sài Gòn bị cắt điện định kỳ theo từng khu vực. Tắt vụt TV. Michico mở cửa phòng tắm, người mướt ướt. Tôi nhào đến, tìm đôi môi ẩm mọng, như vục vội mặt vào chút nước ngọt hiếm quý lòng ốc đảo, giữa hoang mạc cát khô.
Điện thoại di động rung bật. Giọng Franck hối thúc, ra ngay đền Ngọc Sơn, hồ Gươm, ra ngay, biết đường đi không, nhớ xách theo máy ảnh. Tôi xoay nhìn, Michico ngủ cong người thai nhi. Chụp vội tấm bản đồ. Hàng Nón-Hàng Quạt-Lương Văn Can. Bờ hồ đen nghịt người. Vừa băng qua đường, Franck vội lao ra, ngăn:
- Hiến, trễ quá rồi, không chụp được gì nữa đâu, đông lắm!
- Mà, có chuyện gì vậy?
Franck chưa kịp trả lời, một tiếng đục nổ bục mặt nước, cầu Thê Húc cong oằn, xoắn ngang, gãy đôi, đỏ ối. Đầu người đen đặc, nhấp nhô. Phía giữa hồ, rùa đùn nhau lớp lớp tràn lên đảo, vùn vụt leo, bám kín chóp tháp. Nước ùng ục sủi bọt, cạn dần từng phút. Tôi bấm vội vài pose hình. Người ngoi nước. Rùa đeo tháp. Toàn cảnh hồ Gươm, trơ kè, trốc đất. Franck gọi giật:
- Đi, Hiến! Nóng quá, hết chịu nổi rồi!
Tôi theo Franck bước vào quán Rendez-vous, nằm xiên theo phố Hàng Trống. Hơi máy lạnh quất thẳng vào mặt. Quán vắng hoe. Chắc khách hiếu kỳ đã đổ hết về bờ hồ. Cả những người phục vụ cũng nhóng mặt ra đường, xì xào chỉ trỏ. Vừa ngồi yên chỗ, chưa kịp gọi nước, một thanh niên từ bàn bên đứng bật lên, bước đến thân mật đặt tay lên vai Franck, ngó tôi, mắt ánh lên vẻ thách thức. Tôi nhìn Franck. Hắn nheo mắt, nhếch mép, nghiêng đầu, vỗ vỗ tay mình lên mu bàn tay trắng trẻo vẫn nắm chắc lấy vai, nói như reo:
- Phúc, hôm nay em ngồi café sớm thế! Đây là Hiến, bạn anh, mới từ Sài Gòn ra, với cô bồ người Nhật. Tên gì nhỉ? À… ờ… Michico. Đúng không ông?
Tia nhìn dịu hẳn đi. Phúc đưa tay cho tôi bắt. Bàn tay dày, mướt và ấm. «Chào anh!» Phúc vừa nói vừa kéo ghế sang bàn chúng tôi. «Thế, chị Michico đâu?»
- Ở khách sạn. Chúng tôi đang ngủ trưa, Franck phone, gọi tôi ra bờ hồ gấp để... Ừ, mà để làm gì vậy Franck? Để xem người chèn nhau trên cầu Thê Húc hay xem rùa đè nhau ngoài tháp? Có chuyện gì thế?
- Tôi đang lặc lè bước, tự nhiên trước mặt, thiên hạ nhốn nháo dạt cả ra một bên. Chạy đến gần, thấy một con rùa to bằng chiếc giường đôi đang thoăn thoắt bò vào đền Ngọc Sơn, nước dãi và vết chân nguều ngoào ướt đẫm cả cầu Thê Húc. Mọi người còn đang rúm ró sợ, tôi nhào theo, nhìn con quái vật kiễng vai hất văng bộ cốt rùa to tướng trong đền, rồi đột ngột búng người ngã ngửa, bốn chân chỉ quơ quào vài cái xong duỗi cứng. Tôi lao ra gọi ông, đúng lúc đám đông giật mình tỉnh giấc, tràn vào. May mà kịp thoát! Và cầu gãy, nước rút. Người. Rùa. Tôi cũng chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. Điềm gì vậy Hiến, vậy Phúc?
Tiếng còi xe cứu thương vẫn lọt được vào sau lớp kính dày. Phúc và tôi nhìn nhau. Hai thằng Việt không biết trả lời thế nào với thằng Tây. Ngoài tầm hiểu biết. Riêng tôi, đột nhiên khát, khát dữ dội, như cổ họng đang bị những ngón tay nhọn móng vô hình cào dọc, tưa tơi từng sợi. Gọi ngay một ly cà-phê đá, tôi hỏi:
- Phúc người Hà Nội hả? Những chuyện quái đản như thế này có bao giờ xảy ra không?
- Không... từ bé đến giờ... Em chỉ nghe bố kể, có năm cóc nhái từ đâu về ngồi chật cả những cánh đồng năm tấn ở Thái Bình. Hình như năm 1975 thì phải...
1975. Nhớ năm ấy, Sài Gòn có một mùa đông khác thường. Trời căm lạnh và sương mù đặc quện, để lại trên da những tinh thể rin rít, lóng lánh. Khi mặt trời chìm, dơi từng đàn từ chủng viện thánh Giu-se, từ tu viện Saint Paul , từ trường Lasan Taberd đổ về, dơi từ tháp chuông nhà thờ Đức Bà lao xuống, lượn quầng quầng trên đầu tượng Mẹ Maria, nghiến răng ken két một hồi rồi mới chia nhau toả ra mọi hướng, lẩn vào sương. Không còn xe trường đưa đón học sinh, thằng bé con xách cặp đứng trơ vơ trước nhà sách Liên Châu, đợi cho dơi tản hết, đợi cho mặt đồng hồ to của Bưu điện chập kim vào nhau rồi mới leo lên chiếc xe lam vừa trờ tới, ngồi nhập vào những mặt người nhìn thẳng, lắc lư cùng một nhịp, tanh lạnh âm binh. Hết huyên náo. Thành phố im lìm chết từng đêm. Nó đã đem theo hình ảnh một Sài Gòn u ám như thế, lẵng nhẵng mộng mị suốt hai mươi mấy năm trời, cho đến tận ngày trở lại...
«Anh Hiến là Việt kiều Pháp à?» Phúc hỏi, ngón tay chạy quanh miệng ly sữa dâu màu hồng nhạt.
- Tôi… à, chắc Phúc nhỏ tuổi hơn, đổi cách xưng hô nhé? Anh học chung đại học với cái anh chàng Franck này này, cùng trường, nhưng khác khoa. Hồi đó, tụi anh liên lạc với nhau thường xuyên, vì Franck mê Á châu, mê người da vàng, à, mà… không có mê anh đâu đấy nhé!
Đang ngửa cổ tu Heineken, Franck suýt sặc, đỏ mặt đập vào đầu tôi một cái rõ đau.
- Sao ông biết? Hiến không mê Franck thì có!
Chẳng hiểu Phúc có quen với lối đùa bỡn này không. Tôi và Franck thì hiểu nhau quá rõ. Tôi nhìn Phúc ngậm ống hút, chậm rãi mút vào miệng chất nước hồng, khuôn mặt xương xương, môi đỏ, da trắng và mắt đen láy. Một tay, Phúc hờ hững cầm ly dâu, còn tay trái của Phúc và tay phải của Franck có lẽ đang quấn lấy nhau dưới mặt bàn. Tự nhiên nhớ Michico. Hôm ấy, chúng tôi làm quen với nhau trong cuộc triển lãm ảnh về Hội An ở trụ sở Unesco. Trưa mùa thu. Trời vừa đủ lạnh để chỉ cần khoác chiếc áo len mỏng hay quấn một tấm foulard vải quanh cổ là đã có thể yên tâm lang thang hàng giờ trên vỉa hè vàng lá. Tôi mời Michico tách trà đào cuộn khói. Chocolat nóng phần mình. Quán café góc phố nhìn ra Điện Phế Binh, chênh chếch khu vườn tượng của bảo tàng Rodin. Michico kể cho tôi nghe giấc mơ kỳ lạ về những con chó đá, khỉ đá thu mình bụi bặm trong xó tối, chợt vùng dậy, xồ ra, vứt toẹt chiếc khăn đỏ trùm đầu và đuổi cô chạy băng băng qua nhiều con phố cổ ngoằn ngoèo, vắng ngắt, nhưng lại giăng giăng đèn lồng rực rỡ. Giấc mơ đến đúng vào những đêm rằm tháng tám mỗi năm. Đôi găng đen lòi mười ngón thuôn trắng run rẩy xoay vòng tách sứ nhìn nữ tính chi lạ. Tôi im lặng mân mê trong tay rồi cúi xuống đặt môi. Chúng tôi hôn nhau dưới bầu trời trong vắt, không gợn mây. Hương trà đào và vị chocolat đắng quyến tròn, bện thắt chúng tôi lại với nhau, từ đấy. Vậy mà đã gần bảy năm.
Michico gọi điện thoại, hỏi anh ở đâu đấy, sao bỏ em một mình trong khách sạn thế này, và muốn shopping. Tôi lại đang có những ý khác trong đầu. Thử nhờ vả xem.
- Franck và Phúc có rảnh không? Làm tài xế cho tụi này được không? Michico thích đi xem quần áo, còn Hiến định tiếp tục thăm Hà Nội.
Nhìn nhau. Franck hỏi:
- Michico biết nói tiếng Việt không?
- Không, chỉ biết vài chữ thôi. Tiếng Anh cũng chẳng khá.
- Thôi, nếu vậy, Phúc đưa Hiến đi lượn đi. Tôi sẽ thầu Michico. Chắc đưa cô ấy đi Tràng Tiền Plaza , tiện thể mời ăn kem. Hay là ra Vincom, tháp đôi…
Hẹn nhau bảy giờ ở phố Chả Cá. Franck muốn đãi chúng tôi ăn đĩa bánh cuốn Tuyết Nhung, với chén nước mắm có dầm sẵn một nửa con cà cuống khô. Sau đó, sang Lã Vọng. Trước khi chia tay, Franck dặn vói:
- Phúc ngoan nhé! Chở anh Hiến, phải cẩn thận, đừng phóng nhanh vượt ẩu đấy!
Như để trả lời, chiếc Attila đỏ bầm màu rượu của Phúc vọt như ngựa bất kham ra đường Lý Thái Tổ. Nước hồ Gươm đã cạn hẳn, phơi trơ rác rưởi, xác cá trương oằn, xác rùa sấp ngửa. Mùn bùn đen quánh. Tanh. Vài cây liễu đứng phừng phừng cháy. Người đâu vắng. Đầu tôi ong ong nhức. Nắng đổ hào quang. Hơi lạnh mùa thu Paris đã bị nhốt kín lại trong quán Rendez-vous. Tôi bay vào giữa hai luồng nóng phụt ngược chiều. Áo Phúc phần phật được một lúc rồi bết dính vào tấm lưng bè. Mùi mồ hôi gây gây, nôn nao. Xe ngoặt vào đường Hoàng Diệu. Trời tối sập lại sau hai tàng cây đan khít. Tôi đập vai, bảo Phúc dừng lại rồi nhào xuống ngồi bệt bên vệ đường. Oẹ khan. Phúc dựng đứng xe, không kịp tắt máy, chạy vòng ra ôm lấy vai tôi.
- Có sao không anh Hiến?
- Không… không sao! Phúc để anh thở một chút. Chắc do nhiệt độ thay đổi đột ngột quá, anh chưa quen, bị ngợp!
Phúc ngồi xuống bên cạnh, nhìn tôi, vẻ lo lắng lộ ra trong mắt. Tôi cố gắng hít thật sâu, phình bụng giữ hơi, thở ra chầm chậm. Cơn buồn nôn biến dần.
- Mặt anh bớt xanh rồi đấy! Anh làm em sợ quá!
- Một chút thôi mà Phúc, không sao đâu!
Gió lướt qua, phất phơ vài sợi tóc trước trán. Nắng loang tròn, đậm nhạt từng đốm. Đã đều nhịp thở, tôi nhìn xuôi theo con đường vắng. Hai hàng cổ thụ gợi nhắc những Gia Long, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Huyền Trân Công Chúa của Sài Gòn. Đặc biệt giống đoạn đường trước Dòng kín nữ tu Cát-minh hướng về công xưởng Ba Son. Nhưng khoảng thành cũ sau lưng tôi, nơi Hoàng Diệu thắt cổ tự tử khi Hà Nội thất thủ thì quả thật, chỉ thủ đô mới có.
- Anh đỡ mệt chưa?
Tôi gật: «Mình đi, Phúc!»
- À, ngay cạnh đây có đôi rồng đá đời Trần, anh có muốn chụp ảnh không? Khách du lịch mê lắm đấy!
- Để khi khác vậy. Lúc nãy, anh có bàn với Phúc rồi đó. Em cho anh đi… Phúc lấy dùm anh tấm bản đồ. Merci Phúc.
Phúc đứng dậy, tắt máy, giở yên xe, lục tìm.
-Xem nào. Đây nhé. Mình đang ở trên đường Hoàng Diệu. Đi thẳng, quẹo Trấn Vũ, quẹo Thanh Niên, chạy dọc theo Nghi Tàm. Phúc bảo ở Nhật Tân, có đường ra bãi sông Hồng, đúng không?
Như giữ ý, Phúc lái xe chậm hơn lúc nãy. Tôi nhìn thấy một khoảng trũng nông choèn choèn, lấp sấp nước. Trẻ con, và cả người lớn lúp xúp đuổi theo chộp bắt những con cá xanh thép vây đỏ, lớn bằng bàn tay đang quẫy lộn giữa bùn.
- Hồ Trúc Bạch đấy anh ạ! Nước đi đâu hết cả rồi!
Tôi nhớ ngay đến tấm ảnh đen trắng rìa răng cưa đã ngả màu dưa cải mà thỉnh thoảng mẹ vẫn lấy ra ngắm nghía và cho chúng tôi xem. Hai cô bé tóc dài, kẹp lửng, lơi tay chèo trên chiếc xuồng con lênh đênh mặt hồ. Dì Hạnh Châu chết trẻ, mẹ già hơn tuổi, còn những con tép bạc bấu người vào bờ đất chỉ chờ vớt vụt biến mất theo nước hồ Trúc Bạch. Tôi chỉ còn kịp thấy, thoáng qua như ảo ảnh theo tốc độ xe lao, khung xương cong một xác xuồng con úp sấp, trơ thớ.
- Bên tay trái là chùa Trấn Quốc. Hồ Tây bình thường to vật vã, vậy mà bây giờ trông giống như cái ao làng!
Phúc vừa nói vừa tiếp tục lái xe lướt qua đường Thanh Niên. Tôi nhìn thấy bảng hiệu «Bánh tôm hồ Tây», thấy ngọn tháp đỏ lửa nghiêm trang chọc thẳng lên bầu trời rực nắng, thấy hồ Tây hấp hối. Tôi nhớ trong một lần vui chuyện, bố kể về thành tích lẫy lừng thời sinh viên, bơi một mạch từ Thuỵ Khuê ra đến tận Phủ Tây Hồ, tôi nhớ đến ánh mắt mơ màng của bố khi nhắc về những buổi chiều thong thả dạo bước, nhìn mặt hồ tắt nắng. Người yêu cũ của bố ở lại Hà Nội, và chết vì bệnh ung thư cách đây vài năm. Vì sao tin tức đến được tận nơi bố đang sống, tôi cũng chẳng rõ, chỉ biết, lúc ấy, bố đột ngột quyết định hủy bỏ chuyến về thăm Việt Nam đã được chuẩn bị chu đáo từ nhiều tháng trước và liền trong mấy tuần lễ, cứ ôm lấy cây hạ uy cầm, chơi đi chơi lại bài «Thu quyến rũ» của Đoàn Chuẩn. Tôi không hiểu mình đã thừa hưởng được gì từ sự lãng mạn sóng-vỗ-mạn-thuyền của mẹ, của bố, chỉ thấy trước mắt, nước hồ Tây rùng rùng bốc hơi nghi ngút và Hà Nội đang nhão nhoét ra vì nóng, phố xá chảy mềm giữa lò lửa luyện ngục.
- Anh có biết tin mấy hôm nay người ta tìm được vô khối xương người dưới lòng hồ không? Có trường hợp thân nhân nhận dạng ra được người mất tích từ cả chục năm rồi nữa đấy. Kinh chưa?
Nước vẫn luôn che dấu nhiều bí ẩn. Lòng ao hồ, sông suối, biển khơi. Từ viên ngọc ước đến những lâu đài thành quách. Từ nắm xương tàn kẻ chết oan đến cả kho báu của bậc đế vương, tất cả cùng rủ nhau chìm vào quên lãng. Nước phẳng mặt phủ lên, yên tĩnh, không chút xao động, xoá nhoà mọi thảm kịch, thầm lặng tẩy rửa, khuất vùi, chôn, lấp. Tôi bỗng thèm được lao ngay vào nước, đắm mình, phình trương lên, nỗi khát khao của kẻ đang teo tóp quắt queo trên chiếc yên xe rộp bỏng, hay của kẻ phút chốc bỗng ngộ ra rằng định mệnh của mình rồi sẽ gắn chặt vào mặt nước lặng lờ kia. Tôi muốn nhảy ngay xuống, đầu cắm vào bùn cũng được, để sẽ có chuyện mà kể lại cho bố mẹ nghe, về một Hà Nội giữa mùa nước cạn, với bao nhiêu lở lói đang dần dần phơi lộ.
- Mình tìm quán, uống tí gì đi Phúc.
- Gắng thêm một tị nữa được không anh? Sắp đến Nhật Tân rồi. À, anh Hiến có biết ăn thịt chó không nhỉ? Vùng Nhật Tân nổi tiếng hai thứ, hoa đào thì mùa này không có rồi, còn thịt chó cuối tháng… Hơi bị ngon đấy!
- Anh chưa ăn bao giờ, cũng muốn thử một lần cho biết. Nhưng, Phúc đừng có nói lại với Michico đó, cô ấy giết anh ngay! Ở Paris , cô ấy cưng con pékinois còn hơn cả anh nữa. Đi chơi mà cứ than vắn thở dài vì nhớ chó!
Phúc dừng xe. Chúng tôi bước vào quán. Vắng người. Ít ánh sáng. Tiếng máy lạnh rì rầm và giọng kèn saxo kéo hơi theo một điệu dài bi thiết. Phúc chọn bàn góc khuất, mắt long lanh nhìn tôi.
- Anh mà xơi thịt chó thì chị Michico đánh hơi ra ngay đấy! Nhưng em có cách để khử mùi…
Uống một mạch gần cạn chai nước suối, tôi thở hắt như vừa tợp được ngụm rượu ngon.
- Phúc định rủ thật à? Mình hẹn nhau với Franck bảy giờ ở phố Chả Cá đấy!
- Ừ nhỉ, em quên khuấy đi mất… Anh chắc là thân với anh Franck lắm, cứ nhìn cách hai người đùa với nhau thì rõ…
- Không thân lắm đâu, Phúc. Lúc sau này, có khi cả năm cũng chẳng buồn gửi cho nhau một cái e-mail. Chỉ vì tụi anh vẫn giữ thói quen từ thời còn là sinh viên, nên cứ ha ha hô hố thế thôi. Có thể Phúc thấy lạ…
Bàn tay Phúc phớt nhẹ lên tay tôi. Điện giật từng luồng. Cố ra vẻ thản nhiên, tôi thử xem Phúc muốn gì.
- Em... em yêu anh Franck lắm!
- Buồn cười nhỉ! Sao Phúc lại nói với anh điều đó?
- Vì... vì...
Bỏ lửng câu trả lời, Phúc rút tay về, buông thõng, đầu hơi cúi.
- Không có gì cả. Thôi, đi, anh!
Tôi nghĩ mình đã lỡ lời, nhưng khi thấy vẻ uể oải lúc Phúc mở gọng kính râm đeo lên mắt, tôi biết không phải vậy. Có chuyện chi đó quan trọng hơn.
- Sao cú rũ vậy? Phúc có điều gì không bằng lòng à?
- Không... không... Mà thực ra, anh cũng chẳng giúp gì được... Em ngớ ngẩn... Mình đi, anh Hiến, kẻo lại trễ hẹn!
Chạy thêm một quãng ngắn, Phúc cho xe quẹo phải, vượt qua khu chợ nhỏ và khoảng nhà cửa lô xô, đổ vào con đường gồ ghề đá. Thoáng cái, cảnh quang hẳn, sông Hồng lặng lờ ngay trước mặt, khó nhọc xuôi theo đường rãnh trũng, lượn quanh cồn bãi. Có chiếc tàu chở cát mắc cạn, phơi nghiêng. Những vạt bắp còi lắt lay ven bờ, lá nám nắng. Một con bò bướu lang thang đi về hướng chúng tôi, mắt lạc thần mở to. Vài bóng người, quần xắn quá đầu gối, vội vã băng ngang sông. Trong trí tưởng tượng của tôi, con-sông-Hồng-tiểu-thuyết-hoá lúc nào cũng phải sôi sục đỏ sóng, cuồn cuộn xoáy vỡ đê, cuốn trôi nhà, dìm chết người và gia súc. Dòng nước rỉ rả trước mặt, có hơn gì cái gọi là thác Cam Ly? Đất nẻ chân chim, hút kiệt hết nước của Hà Nội mất rồi!
- Đã ra đến tận đây, nhất định anh Hiến phải xuống nhúng chân vào nước sông Hồng một cái cho biết mùi đấy!
Phúc vừa nói vừa đẩy tôi xuống bãi. Lòng sông trơn nhợt. Nước nhờ nhợ đục, nóng như cũng sắp sửa bốc hơi. Đôi sandale tôi mang xỉn ngay lại như miếng thịt bò nhúng dấm khi vừa rời mặt nước. Không chút ấn tượng. Chỉ tiêng tiếc. Cho màu đỏ huyền thoại đã mất.
Điện thoại của Phúc và tôi gần như réo vang cùng lúc. Phúc nhìn tôi: «Franck!». Giọng Michico hốt hoảng ở đầu máy bên kia:
-Hiến, em sợ quá! Đang ngồi uống café Highlands ở Vincom với Franck, chim sẻ từ đâu hàng đoàn lao vụt vào cửa kính chết vỡ đầu. Còn đầy vết máu... Em nhớ mẹ kể, hồi núi lửa đảo Oshima sắp sửa hoạt động, chim cả bầy cứ hốt hoảng đâm xầm vào nhà cửa mà chết, lông cánh tơi tả trên sân. Phải làm gì bây giờ, Hiến? Hả... anh đợi máy... Ah, Franck muốn nói chuyện với anh. Anh đang ở đâu đấy, về ngay đi, về với em!
- Allo, Franck đây. Michico kể rồi phải không? Chắc có chuyện gì thật đấy ông ạ. Hồi đầu tháng, tôi đi Huế, thấy xác bướm phủ đầy lăng Tự Đức, còn ve sầu hàng ngàn con trong Thành Nội hôm ấy đồng loạt rơi ngập đoạn đường hướng ra Thế Miếu, cánh cong vênh. Hai con voi cũng bị xiềng lại, vì nghe đâu trước đó vài ngày, đã nổi khùng quật chết tay nài và ba người Đức rồi cuốn vòi nhổ bật rễ cả hàng sứ cổ thụ, khiến du khách bị một phen khiếp vía. Cho tới hôm nay, tôi vẫn chỉ nghĩ đơn giản là trời nóng quá, côn trùng, thú vật chịu không được, lăn ra chết hoặc phát rồ. Nhưng vừa rồi thấy rùa, bây giờ lại là chim... Chắc phải chạy vào Sài Gòn, hay tếch sang Thái Lan quá. Tôi run rồi, ông ơi!
- Hẹn nhau ở đâu?
- Vừa nhắn Phúc xong. Phòng vé Vietnam Airlines, góc Tràng Thi-Quang Trung. Đến liền nhé. Michico muốn về Paris ngay ngày hôm nay...
- Vậy thì giữ luôn cho Hiến một chỗ nữa. Cám ơn Franck. Tụi này tới liền.
Người đen nghịt trước Nhà Hát Lớn, một mô phỏng Opéra de Garnier. Hàng nghìn tượng, đứng đờ, tay thõng, mắt trợn tròn, miệng há hốc. Chỉ vang vang tiếng loa. Cả bốn cửa đập tỉnh Vân Nam vừa tháo tràn nước tối hôm qua. Dòng chảy của cuồng lưu đã vượt Miến Điện, Thái Lan, đang ồ ạt tuôn vào địa phận vương quốc Lào. Hình ảnh được vệ tinh ghi nhận rõ. Theo dự báo, chậm nhất chiều ngày mai, toàn bộ khu vực Biển Hồ và vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập dưới hai thước nước. Chính phủ đã khẩn cấp điều động quân đội để thực hiện một cuộc di tản trong vòng trật tự, cố gắng đưa tất cả dân chúng lên những vùng cao để tránh lụt. Tin thêm cho biết, sáng sớm ngày hôm nay, ở ngoài khơi vịnh Bắc bộ, tàu hải quân Trung Quốc đã khiêu khích và bắn chìm hai tàu hải quân Việt Nam . Để trả đũa, các chiến sĩ canh giữ vùng biển của ta đã gây thiệt hại nặng cho một chiến hạm và hai tàu hộ tống Trung Quốc. Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa lập tức tuyên chiến và huyênh hoang sẽ lại dạy cho Việt Nam một bài học mới. Đề nghị toàn dân, toàn quân bình tĩnh, sáng suốt, đoàn kết thành một khối để sẵn sàng chống giặc ngoại xâm. Mọi sự hoảng loạn, xáo trộn, gây rối sẽ chỉ tiếp tay gây lợi cho kẻ thù mà thôi... Những tượng người vẫn không nhúc nhích. Tròng mắt đảo đều cơn lên đồng tập thể. Hàng loạt ngón tay co giật, máy động liên hồi như lũ càng cua động kinh. Tiếng da khô rào rạo cọ vào nhau, rộ ran từng chặp. Mồ hôi tuôn như suối trên khuôn mặt đỏ gay của Franck. Michico nhoè nhoẹt son phấn, rúc đầu, quẹt từng quầng màu tao loạn lên ngực áo polo trắng bết nước của tôi.
- Franck đưa Michico về Pháp ngay đi. Tình thế này, tôi phải ở lại đây thôi. Chẳng biết sẽ làm gì, nhưng...
Tôi nói bằng hơi thở mỏng, mắt tối xầm lại vì bóng dơi năm cũ vụt về choãi cánh giăng đen đồng tử.
- Người Việt gốc Tây không đi đâu cả!
Câu nói đùa của Franck không làm tôi nhếch mép nổi, nhưng Phúc giật phăng cặp kính râm, mắt sáng rực:
- Anh ở lại với Phúc, Phúc biết, rồi anh sẽ mãi mãi thuộc về Phúc. Anh chỉ là của một mình Phúc mà thôi.
Họ nắm chặt tay nhau, ôm choàng lấy nhau, hút cứng vào nhau. Những tượng người chung quanh đồng loạt vỡ bục, tung tan từng mảnh, tiếng điếc khô. Michico xiết thắt tôi:
- Em yêu anh. Sống chết với anh. Đừng bắt em xa anh, nghe Hiến!
Khi môi chúng tôi vừa chạm nhau, nụ hôn ướt mèm vì cơn mưa đầu mùa đột ngột trút xuống, và nước bốc hơi xèo xật khi rơi đúng vào những mảnh tượng vỡ, đỏ màu ngói vừa nung. Tươi máu.
Cổ Ngư
SAIGON-HUẾ 04-05.2005
No comments:
Post a Comment