Tuesday, May 10, 2011

Củi

tạp bút nguyễn thị thảo an


                             Photo by Trùng Dương 2011

    Năm ngoái, nhân dịp vừa mua máy ảnh digital đời mới, chị TD đã vội gửi tôi một loạt video clip vừa quay thử. Hình ảnh rõ và đẹp, rất sắc nét. Toàn cảnh biển. Trước cái bao la, mênh mông của đại dương, con người bỗng bị bé nhỏ đi. Cảnh bình minh, lúc mặt trời mới nhô cho đến lúc chiều về, bóng thái dương chìm xuống sau lưng biển. Nước nhấp nhô. Xanh thẳm trùng khơi là chỗ trời và nước giao nhau thành một đường cong huyền hoặc. Trời rám hồng. Một màu hồng lam nhạt như những ánh lửa rực về từ cõi xa xăm. Mây trôi nhanh, thấp thoáng như những bóng thuyền đang giong ruổi trên trời. Ngoài khơi xa, tiếng gió, tiếng sóng đập vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa. Tiếng sóng ầm ỳ vọng từ đại dương miên man lập lại như một điệp khúc bất tận. Nước mênh mông, dập dềnh lấp lánh như dát bạc. Những con sóng xô nhau lăn tăn chạy dài trên bãi cát. Khi sóng rút ra xa, bãi biển chỉ trơ lại những cành cây khô khốc. Dân địa phương gọi đó là củi biển. Củi vương vãi khắp nơi. Có những khúc xương xẩu, to như hàng thân gỗ lớn, có khúc đen nhẻm như bị cháy sém, tạo nên một khung cảnh hoang tàn. Có nơi, củi chất thành những đống cao chất ngất như núi. Những núi củi.
    Chị TD nói, củi là những nhánh cây chết khô trên cánh rừng gần đó, lâu ngày rơi xuống suối rồi lăn mình trôi ra biển. Bâng khuâng, tôi sực nhớ những nhánh củi trong thơ.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại sầu trăm ngã
Củi một cành khô lạc mấy giòng 1
    Gió ngoài khơi vẫn lồng lộng thổi. Sóng từng đợt vẫn xô trắng bờ. Củi biển. Hay biển củi? Tôi ngắm những cành củi khô nứt nẻ, trôi nổi lềnh bềnh. Lâu ngày chìm nổi, chờ sóng đợi gió để nhích từng chút mong tới lúc lên bờ. Bao nhiêu lâu cho một hành trình của một nhánh cây khô héo trên rừng, lăn mình xuống suối để trôi ra biển, rồi cuối cùng tấp vào núi củi?
    Mặt trời. Nắng. Mưa. Gió táp… Củi phơi mình trên bãi. Có cây, một nửa ngâm dưới nước, nửa kia gác tạm trên bờ. Ngâm nhưng không ngấm. Củi ướt rồi khô. Đốt vẫn cháy. Tôi ngạc nhiên. Cái gì đã khiến những khúc cây khô này không còn thấm được nước nữa? Có lẽ cái đời xanh tươi, tràn trề nhựa sống trên rừng thẳm nay đã qua, giờ chỉ còn trơ thân già xơ cỗi. Ngắm củi biển, tôi cám cảnh. Đời cây cũng giống như đời người.Tôi ngó lên những cánh rừng bên kia dãy núi. Rừng vẫn reo vui, có biết đâu một ngày nào đó rồi nó cũng trôi về biển.
    Xem đi xem lại nhiều lần đoạn video clip, hình ảnh những cây củi biển vẫn ám ảnh không rời. Mà thôi, có hề chi. Cây xanh ra lá, cây khô còn cho ra lửa. Cây khô ắt có đời sống khô, cũng là một cách để chờ ngày trở về với tro bụi.
  
    Mùa Hè năm đó, nhóm chúng tôi được phân công đi tìm củi. Đó là năm Đệ Lục, lần đầu tiên chúng tôi được tham gia đốt lửa trại do trường tổ chức.Thầy hiệu trưởng nói, mục đích buổi cắm trại là dạy chúng tôi biết tự lực cánh sinh, phải thử đặt mình trong hoàn cảnh hiểm nghèo, thiếu thốn mọi thứ. Mọi người phải sống như người tiền sử, phải tự tìm ra lửa, phải tự dựng lều, tự nấu nướng,… Mới nghe tới đây, cả lớp đã nhảy cỡn, nhiều đứa hứng khởi quá cỡ, bắc tay hú dài như Tarzan, nghe rất rừng rú.
   Trước năm 75 kiếm củi trong thành phố là một điều nan giải. Nhà nhà dùng bếp điện, bếp dầu, hay gas. Củi ở đâu ra? Chúng tôi túng thế nhìn quanh những thứ gọi là “cây nhà lá vườn”. Con trai chặt cành, con gái tước lá. Thứ củi tươi này có đốt chỉ bốc khói nghi ngút chứ chẳng tài nào bén được lửa. Chúng tôi phải nướng củi trên lò để làm khô nhựa. Nhìn lửa “nấu” củi tôi chợt nhớ bài thơ của Tào Thục 2.
Củi đậu nấu hạt đậu
Đậu trong nồi khóc than
Cùng sanh chung một gốc
Nỡ đốt nhau sao đành.
   Ai đã từng lênh đênh trên biển mới biết quý đất liền. Ai từng phải gầy lửa mới biết thương tổ tiên của loài người sống trong thời tiền sử. Theo quy định của trại, chúng tôi phải nộp những thứ vật dụng hiện đại như bật lửa, diêm quẹt, đèn pin,… Theo sách vở, chúng tôi học gầy lửa bằng cách đánh bật đá, hoặc xoay xoay những que củi với đá để tạo sự ma-xát. Ai nấy lần lươt thử. Cả lều chà phỏng da tay, đổ mồ hôi hột mà mấy cục đá cứ trơ trơ. Gạo lỡ vo sẵn. Thử thách suốt bốn tiếng đồng hồ, mọi kiên nhẫn đều tiêu tan. Có đứa nản quá đòi ăn gạo sống. Lều trưởng dẫn vài ba người ra ngoài xin lửa, nhưng tình hình cả trại cùng “bi thảm”. Chẳng ai gầy được một ngọn lửa nào. Mọi người nhìn nhau thở dài. Khi ý chí sa sút, nhiều đứa đâm ra nghi ngờ sách vở. Tôi cũng bắt đầu tưởng tượng hình ảnh những người cổ sơ, ăn lông ở lổ, đầu tóc bờm xờm, miệng nhai thịt sống,. Giữa lúc gần như tuyệt vọng thì một thằng bạn “lém” nhất lớp chạy thốc vào lều như một cơn gió. Nó nói, nó rình lều của “tù trưởng” (thày hiệu trưởng), mấy thày cũng bó tay, cuối cùng “tù trưởng” cũng phải dùng hộp quẹt. Nó chìa ra một cái zippo, loại của lính, gió thổi không tắt.
   Mãi tới bây giờ, tôi vẫn chưa quên cái tia lửa bật ra trên tay thằng “lém”. Tôi chợt ý thức được hành trình gian khổ của loài người phải trải qua trước khi có lửa. Ôi nhân loại! Thật tội nghiệp.


  
   Từ sau năm 75 miền Nam bước vào thời bao cấp, Sàigon sa sút đến chóng mặt. Mỗi ngày người ta đều bận rộn để đối phó với những chuyện không đâu. Điện cúp. Nước cúp. Xăng, dầu không có. Than, củi là hàng cấm. Những cửa ngõ ra vào Sàigon mọc lên dầy đặc những trạm kiểm soát chận bắt hàng hóa cung cấp cho đời sống của thành phố. Nhà nước phân phối hàng hóa theo tem phiếu. Cửa hàng mậu dịch bán củi cân từng ký. Người dân mình quen sống trong chiến tranh, có thể chịu đựng được mọi thiếu thốn khắc nghiệt, nhưng không chịu bó tay trong tuyệt vọng. Chế độ mới kéo đất nước ngược về thời đồ đá. Học trò của tôi, nhiều đứa mang khăn quàng đỏ, đi chân không đến trường.Tương lai tuổi trẻ dựa trên lý lịch. Thỉnh thoảng họp tổ, chính quyền địa phương cũng kêu gọi gia đình tôi nên hồi hương hay đi vùng Kinh Tế Mới. Tôi bỏ nước ra đi trước khi phải vác rựa lên rừng.
   Những người vượt biển thuở ấy là những người đi tìm đường sống bằng cách vượt qua cái chết. Bước chân lên tàu Mỹ tôi có cảm giác được đầu thai kiếp khác. Tàu cập cảng Subic, chúng tôi cứ như là những người chui lên từ hang hốc. Cái thế giới ngoài Việt Nam đây sao? Cứ ngỡ như một hành tinh khác. Chúng tôi ngồi trên xe bus, ngắm đường sá, nhà cửa, xe cộ ở xứ người mà chảy nước mắt khóc cho Việt Nam.
   Thời gian chờ đợi thủ tục định cư kéo dài ở trại Palawan. Trại nằm trên bãi biển cạnh phi đạo bỏ hoang. Lần đầu tiên đến trại, hình ảnh ấn tượng nhất là những đống củi khổng lồ nằm rải rác trong trại. Củi chất cao chót vót. Những núi củi. Tôi ngẩn ngơ đứng nhìn núi củi. Chiều cao cái núi gấp mấy những nóc nhà trong trại. Không biết ai đã xếp những núi củi này? Ai có sức quăng những thân cây to lớn kia lên tới đỉnh? Dân Phi nói, củi trôi dạt từ những dải rừng quanh đảo rồi tấp vào bãi. Khi dựng trại, lính địa phương đã cưa đều những khúc củi hoang cho người tỵ nạn dễ sử dụng. Trại phân phát lương thực, nhu yếu phẩm, quần áo,… nhưng không phát củi. Ai cần, cứ ra những núi củi. Ai có sức, cứ việc vác. Không vác nổi những cây củi to tướng, tôi tìm cách lôi củi. Đợi những lúc trời tối, khi cả trại tập trung ra sân cờ xem phim, tôi cột những khúc củi rồi kéo về. Sau chuyến chết hụt trên biển, tôi như sống lại một lần nữa. Tôi tự nhủ, phải cố gắng tự lập hơn, không nhờ vả những khi mình có thể. Cái núi củi này chắc tôi kéo cả đời cũng chưa hết. Củi thừa mứa vậy mà vẫn không thỏa lòng tham của con người. Đi dạo quanh trại, nhiều nhà chất củi dự trữ trông giống như những kho vựa lớn. Có lẽ ở những xứ nghèo con người cùng quẫn lo toan đến nỗi.
   Tôi vượt biên một mình. Và may mắn sau một tuần đã kiếm được một căn nhà nhỏ tạm trú. Nói là nhà, nhưng thật ra nó là cái chòi thì đúng hơn. Điều an tâm là chòi ở ngay sau phòng an ninh của ban đại diện trại. Nhưng tôi không ở nhà thường. Ngoại trừ những lúc tham dự các lớp học bắt buộc, tôi đến thư viện đọc sách báo. Buổi chiều lang thang ra biển, ngồi nghe sóng vỗ. Những lúc biển lặng, tôi đi dạo dọc ven bãi. Bãi biển phía Bắc Palawan toàn dừa. Một rừng dừa nghiêng bóng chạy dài.Trên bãi lổm chổm những vỏ dừa khô, tàu lá, cuống buồng lăn lốc đó đây. Mấp mé mặt nước là những nhánh cây khô đánh mình theo nhịp sóng. Không biết bao nhiêu lâu thì nó được “nhảy” được lên bờ?
   Đi dạo, mà đi ngay sau những cơn nước lớn vừa rút, thú nhất là hay bắt gặp những con cá đang vùng vẫy tìm cách thoát thân trong những chiếc vỏ dừa đầy nước, một vài con ốc kẹt mình trong kẽ đá. Đem chúng trả về biển, cứu vớt một sinh linh nhỏ bé của trời đất, đó cũng là một thứ hạnh phúc nhưng thiêng liêng, không dễ gì có được.
   Cuối năm, mùa biển động. Tôi nằm nhà trùm chăn. Buổi tối tiếng sóng ngoài khơi dội vào như tiếng đất trời cuồng nộ. Và tưởng tượng ngoài kia, có những sinh mạng đang giành giật sự sống trên những con tàu bé nhỏ mong manh. Như những khúc củi còn bập bềnh. Như con cá lúc hấp hối. Như con ốc sắp ngừng hơi. Để bắt đầu cho một cuộc sống khác, mọi sinh vật đều phải vượt qua cái chết.
   Nhưng mà, ở một cuộc đời khác hay trong một kiếp nào đó, không biết linh hồn của con người ta có gì thay đổi? Như tôi? Như những người đang xa dần nguồn cội. Phải trải qua bao lâu để những khúc cây khô bị biến mình thành củi.
May, 3rd 2011
NTTA

1.Thơ Huy Cận
2. Tào Thục: Tào Thục là người đất Bái, nay thuộc tỉnh An Huy Trung Quốc, là con trai thứ ba của Tào Tháo, em trai Tào Phi. (187-226) Ông nổi tiếng về văn chương thơ phú.
Sau khi Tào Phi lên ngôi, muốn loại trừ Tào Thực, một lần giữa triều, nhà vua lấy đầu đề “Anh em” (nhưng trong bài không được nói đến hai tiếng “anh, em”) bắt Tào Thực bước bảy bước, phải làm xong bài thơ, nếu không sẽ bị tội.
Và Tào Thực, vừa rơi nước mắt vừa đọc:
Chử đậu nhiên đậu cơ,
Đậu tại phù trung khấp.
Bổn thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.
Ghi chú:  Củi biển có nơi còn gọi là củi rều.

  
  

No comments:

Post a Comment