Wednesday, May 18, 2011

Pleiku,
một chút gì để nhớ

Tạp ghi Nguyễn Thị Hải Hà

   Tôi nhìn thấy Pleiku lần đầu tiên vào một buổi chiều trên đảo Bidong. Tôi ở trong dãy nhà gỗ trải dài trên đồi khu F. Căn nhà đủ để che mưa nhưng không ngăn được gió lùa vì hai mặt trước sau đều chưa lắp gỗ xong. Loại nhà này có chừng ba hay bốn dãy, lâu quá tôi không còn nhớ. Tôi ở dãy cao nhất trên đồi. Đứng trước nhà tôi nhìn thấy rừng cây cao chớn chở bên trái. Ngóng cổ một chút, bên phải, tôi nhìn thấy biển mênh mông. Trước khi thấy biển tôi thấy cái nghĩa địa nhỏ có chừng chục ngôi mộ của người tị nạn. Đứng phía sau nhà, vách gỗ chỉ cao đến bụng, nhìn thấy dãy nhà phía dưới. 
   Phố núi cao phố núi mù sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. . .  Tiếng nhạc vọng từ dãy nhà bên dưới, có một người đàn bà vừa nhóm bếp vừa nghe nhạc từ máy cassette. Khói củi ướt nhóm trong lò bốc lên màu xám trong buổi chiều đầy hơi nước biển mù mù như sương. Em Pleiku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Nên tóc em ướt. Nên mắt em ướt. . . Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Pleiku trong bài thơ của Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc. Thật ra tôi nghe bài hát này đã nhiều lần nhưng không để ý đến Pleiku chỉ để ý đến một mối tình và hai câu thơ còn một chút gì, để nhớ để quên. Đầu óc thơ dại của tôi vào cái tuổi chỉ biết yêu thôi chả hiểu gì nghĩ thầm ông này nói gì kỳ quá, đáng lẽ đi đôi với để nhớ phải là để thương chứ sao lại để quên. Chỉ sau khi lớn lên thêm chút nữa, rời VN tôi mới nghiệm ra, Sài Gòn là nơi tôi có nhiều điều muốn quên. Buổi chiều hôm ấy ở trên đảo Bidong tôi lần đầu hình dung Pleiku, một vùng cao nguyên, núi non, có sương mù, có những cô gái má đỏ môi hồng, tiềng khèn Tây nguyên, đường phố lưa thưa vắng vẻ.
   Pulau Bidong, chùm núi mọc giữa biển, có nét của Pleiku trong óc tưởng tượng của tôi. Rừng cây cao với những chiều mù sương. Những buổi chiểu mưa trên biển mây là đà ngay trên ngọn cây, trời như chùng xuống. Chưa lần nào được đến thăm Pleiku nhưng tôi mang hình ảnh Pleiku qua bài thơ Vũ Hữu Định trong lòng từ đó. 

   Từ San Francisco, tôi đến Mariposa vào một buổi chiều tháng Tám. San Francisco ban ngày chỉ có 68 độ F, trong khi ở Mariposa chỉ cách đấy vài giờ lái xe, buổi trưa lên đến 94 độ F, trời nóng như thiêu. Mariposa là một thị trấn rất nhỏ nằm trên đường CA 140, cách khu rừng Yosemite, địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới, chừng non 50 kí lô mét. Thị trấn này nhỏ đến độ lái xe với tốc độ bình thường 65 dặm một giờ người ta sẽ chạy qua khỏi Mariposa trong vòng một hai phút, không kịp nhận ra là mình đã chạy lố. Nằm ngay chân rặng Sierra Nevada, Mariposa  là một phố núi tĩnh lặng. Tôi muốn dành trọn ngày cho Yosemite nên nghỉ đêm ở Mariposa sáng sớm hôm sau sẽ lên đường đến Yosemite. Cửa phòng trọ của tôi mở ra một lan can đầy dây leo có tua loắn xoắn. Trước mắt tôi là rặng núi Sierra Nevada với những ngọn thông với tay lên đến trời. Chúng tôi ăn trưa ở tiệm pizza trên đường Bullion, con đường chính của Mariposa. Cô gái phục vụ là một người da trắng. Hơi nóng làm má cô đỏ rực như hai quả táo chín. Cô có vẻ phốp pháp mũm mĩm của cô nàng rót sữa trong bức tranh của họa sĩ Johannes Vermeer.
   Mariposa, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là bướm. Thành phố mang tên Bướm vì ngày xưa, khi người ta bắt đầu đến đây để khai mỏ, theo cơn sốt vàng chinh phục miền Viễn Tây, loại bướm chúa Monarch, ở đầy tràn thung lũng. Hằng năm chúng quay trở về thung lũng như những người lưu vong, luôn quay về (hay tìm cách quay về) nơi chôn nhau cắt rốn. Dùng bản đồ do khách sạn cung cấp tôi đi tham quan thị trấn. Dọc theo CA 140, một bên đường là núi, còn bên kia là thị trấn. Ở cực Nam của thị trấn là nghĩa địa thánh Joseph. Cực Bắc là viện bảo tàng về thợ mỏ và dụng cụ khai thác mỏ vàng và bạc. Vào năm 1849 người ta đổ xô về Mariposa để săn vàng. Di tích còn lại là một số tòa nhà cổ ngày xưa là tòa soạn báo, nhà in, lữ quán, và một vài ngôi nhà thờ rất đẹp. Ở góc đường thứ 5 có một nhà tù bằng đá xây từ năm 1850 vẫn còn được dùng cho đến năm 1963. Gần cuối con đường Bullion là Tòa án của Mariposa.

                                Tòa Án Mariposa nhìn từ xa.


                       Nhà tù ở Mariposa, xây từ năm 1850, đã một  
           lần bị cháy, trước kia có một giàn treo cổ. Nhà tù được dùng cho mãi đến năm 1964.


   Liên tiếp mấy năm Mariposa bị hạn hán. Mặt đất có màu vàng của cỏ cháy thoạt nhìn khó phân biệt đây có phải là vùng đất đỏ hay không. Những vùng đất khô cằn ở Mariposa

                        Một góc của nghĩa trang St. Joseph

                              Góc sân trong thị trấn


                      Lữ quán là một trong những di tích lịch sử của Mariposa


                            Mariposa – Núi cao trời gần

  Tôi đi đến bưu điện gửi một bưu thiếp rồi quay về.
  Trên đường về tôi thấy có bến xe buýt, không thấy xe cũng không thấy người. Chỉ thấy vỏn vẹn một tấm bảng hiệu nhỏ xíu cho biết đây là bến xe buýt. Không khí đậm đặc mùi lá thông hòa với mùi trái đào chín vây quanh tôi. Tưởng chừng mỗi bước đi làm dấy động mùi hương là đà trên mặt đất. Hơi nóng bốc lên như một tấm gương trong suốt làm cảnh vật phía sau tấm gương trở nên méo mó lung linh. Tuy tôi đến đây lần đầu, thành phố có vẻ gì quen thuộc nhưng tôi nghĩ mãi mà không biết nó quen thuộc ở chỗ nào. Tôi có cảm tưởng như tôi đã đi qua đây một lần, cái cảm giác quen thuộc cứ lẩn quẩn theo tôi suốt buổi trưa hừng hực nóng.
   Chập choạng, tôi đi xuống con dốc để đi ăn tối ở một nhà hàng Trung hoa, đi ngang vài ngôi nhà thờ cổ kính. Con dốc thật cao phải vừa đi vừa chạy mới giữ được thăng bằng. Ở đây nhà hàng Mễ Tây Cơ nhiều hơn nhà hàng Trung hoa. Ăn xong tôi lại đi bộ từ Nam lên Bắc, đến viện bảo tàng khai thác mỏ rồi quay về. Buổi tối, Mariposa rất vắng lặng. Tôi cố tìm một hiệu kem, hay một quán cà phê để ngồi thưởng thức không gian thị trấn núi này tìm không ra. Mới chừng bảy giờ tối mà thị trấn này đã đi ngủ. Những người trẻ tuổi nếu muốn giải trí họ đi đâu làm gì? Tôi nghĩ đến bến xe buýt ban chiều. Tưởng tượng nếu tôi là một cô gái trẻ đầy nhựa sống đầy tham vọng có nhan sắc, có lẽ tôi sẽ xách hành lý lên chuyến xe buýt đầu tiên ra khỏi thành phố im lìm ngủ này để tìm tương lai. Từ Mariposa đến San Francisco chỉ độ chừng 150 dặm. Và nếu tôi là một chàng lãng tử, nghèo kiết xác, lỡ độ đường, thì sao? Chưa đầy mười lăm phút tôi đã đi hết một vòng từ Nam đến Bắc và quay về chốn cũ. Câu thơ của Vũ Hữu Định hiện về trong trí óc tôi. “Đi dăm phút đã về chốn cũ.” Sự dịu dàng ân cần của cô gái thị trấn sẽ làm chàng lãng tử thầm mừng may mà có em.
   Tôi chợt nhận ra vì sao thị trấn này có vẻ quen thuộc với tôi. Nó có những đặc tính của Pleiku tôi từng hình dung ngày tôi nghe bài thơ của Vũ Hữu Định ở đảo Bidong. Tôi không nhận ra điều này lúc đầu bởi vì tôi đến Mariposa nhằm vào cơn hạn hán dù đã cuối mùa hè. Chỉ cần hai ba tuần nữa khi gió thu chớm về, trời sẽ lạnh, buổi chiều và sáng sớm sẽ có sương mù. Mariposa có phố núi cao với những ngọn thông chọc thủng bầu trời, mùa thu sẽ có phố núi đầy sương. Mariposa luôn có phố núi cây xanh và sẽ có những ngày mưa trời thấp thật buồn. Ở quán pizza tôi đã gặp môt cô gái Mariposa má đỏ môi hồng tôi không nhận ra bởi vì cô là người da trắng và hơi đầy đặn hơn các cô gái miền Tây nguyên.

   Một người bạn trên blog hiện nay đang ở Sài gòn nhưng trước kia từng ở Pleiku bảo rằng Pleiku bây giờ đã khác. Nhà lầu mọc lên như nấm. Pleiku là nơi ăn chơi khét tiếng của các đại gia. Có thể nói tôi là một người may mắn; may mắn một cách ngây thơ đến độ ngu dốt về những chuyện chiến tranh. Tôi sống trong một quốc gia chiến tranh bom đạn triền miên, thế mà Pleiku trong tôi vẫn là một Pleiku trong mắt nhìn của chàng Romeo lãng mạn si tình Vũ Hữu Định. Tôi chưa hề nhìn thấy một Pleiku với những căn cứ quân sự. Không biết Pleiku là nơi McGeorge Bundy, vị cố vấn quân sự của Tổng thống Kenedy, đến viếng lần đầu tiên chứng kiến căn cứ quân sự Mỹ bị tấn công rồi qua đó đã quyết định tăng cường mức độ chiến tranh ở Việt Nam. Pleiku trong tôi muôn đời là một thị trấn miền núi đi dăm phút đã về chốn cũ. Tôi yêu Pleiku qua cặp mắt chàng lãng tử Vũ Hữu Định chỉ cẩn một cô gái hiền lành má đỏ môi hồng, tóc em ướt và mắt em ướt,em mềm như mây chiều trong là thấy ngày may mà có em đời còn dễ thương. Và tuy không có tiếng khèn cao nguyên qua điệu nhạc của Phạm Duy, không khí Mariposa với cổ tích của thổ dân vẫn gợi nhớ đến Pleiku.
   Tôi biết tôi chỉ cần gõ vài cái phím là tôi có thể nhìn thấy hình ảnh Pleiku hiện nay trên mạng nhưng tôi không muốn làm thế. Tôi muốn giữ gìn hình ảnh Pleiku tôi hình dung qua bài thơ của Vũ Hữu Định và qua điệu khèn trong bài hát của Phạm Duy. Tôi biết Pleiku đẹp tân tiến hào nhoáng vội vã hơn xưa. Khi tôi rời Sài Gòn tôi mang theo những điều tôi muốn quên, qua Pulau Bidong và Mariposa, hình dung về Pleiku tôi giữ trong tim, để nhớ.

NTHH

No comments:

Post a Comment