Tuesday, May 3, 2011

Một cách đi về

Tô Thẩm Huy


Tuần trước tôi đi dự đám tang một người bác họ. Ông chết lành, sống vừa hết tuổi trời thì nhắm mắt, không thừa, thiếu một ngày. Sách gọi chết thế là thọ chung.  Lúc sinh thời ông là người vui tính, dễ dãi.  Chuyện gì thế nào cũng được, thế nào cũng xong.  Ông nhìn đời bằng đôi mắt hiền lành, dễ thương như thế nên cuộc đời cũng đối xử dịu dàng, tử tế với ông, cả trong lúc buông xuôi hai tay đi vào lòng đất.  Đám tang ông lớn nhưng thân tình, cảm động.  Hoa và người chật cả phòng.  Chỗ đứng đằng sau cũng không còn một khoảnh trống, phải tràn ra cả sảnh đường.  Con cháu ông lên kể những kỷ niệm vui buồn, những giờ phút cuối bên ông.  Tôi ngồi nghe mà thầm nghĩ ông quả đã chết một cách sung sướng.  Ra đi một cách không đột ngột vội vàng, mà cũng không dùng dằng dai dẳng.  Từ lúc đang khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường, bỗng phát giác ra chứng bệnh nan y, đến khi từ giã trần gian, vân du sang bên kia thế giới chỉ độ hơn hai tháng.  Khoảng thời gian vừa đủ để vui chơi với con cháu từ các nơi đổ về.  Những ngày cuối cùng trong đời ông là những ngày vui sướng bên người thân.  Được như vậy là nhờ ông đã nghênh đón cái chết đang trờ đến bằng một thái độ nhẹ nhàng, bình thản, bằng cách nâng niu, chi chút số ngày ít ỏi còn lại, tựa như đứa trẻ đang say mê mút que kẹo đã gần hết, đang hít hà thưởng thức chút hương thơm, vị ngọt mà nó biết là sắp sửa không còn nữa.  Nghe người cháu ngoại tâm sự trước linh cữu ông, tôi lại càng thấy ông sống hay, chết đẹp.  Không những ông đã ra đi một cách thoải mái, nhẹ nhàng mà trước lúc ra đi ông còn soi sáng thêm cái căn cước gia tộc, cái mẫu số chung cho đám con cháu thanh thiếu niên lớn lên ở bên này, và đã xiết chặt hơn nữa sợi giây thân tình giữa chúng.  Ông đã làm đẹp hơn cuộc đời của những đứa cháu, và cả cuộc đời nói chung nữa, không bằng những lời trăn trối triết lý cao siêu, hay những câu giáo khoa khuôn sáo, mà chỉ giản dị qua tinh thần an nhiên, yêu đời, yêu người. 
    Tôi ngồi nghe mà đầu óc bay bổng về một đám cưới mấy chục năm trước, đến cụ Tưởng Tuấn Đắc trong lời nhắn nhủ con gái ngày lên xe hoa về nhà chồng, rằng người ta sống ở trên đời không cần nhiều mà chỉ cần một ít thông minh, một ít thôi, là đã đủ để có được hạnh phúc.  Đầu óc tôi loay hoay quanh ý nghĩ hay là có một sự tỉ lệ nghịch giữa hạnh phúc và hiểu biết ?  Hay là càng thông minh, càng biết nhiều lại càng khó được yên vui, sung sướng ?  Hay phải biết đến cái mức tâm rỗng không, ưng vô sở trụ, thì mới thoát ra khỏi cõi vô minh mà vượt ra khổ đau ?  Còn ông, ông đã biết làm một điều mà ít ai làm được, là biết vui với những gì ở bên ông.  Tôi lại miên man nghĩ, không biết vui có nên là mục đích của đời người hay không ?  Không biết hạnh phúc có thật là điều mọi người muốn đi tìm trên đời, dù điều ấy hiểu theo nghĩa nào chăng nữa  ?  Hay người ta sống để mưu cầu một điều gì khác hơn là hạnh phúc ?  Để đi tìm giải thoát, để đứng ngoài những buồn vui, hỷ nộ ái ố, đứng ngoài cuộc bể dâu, sinh lão bệnh tử ?  Hay là để tranh đấu cho một lý tưởng tốt đẹp phục vụ nhân quần xã hội ?  Hay là để tìm gặp cái Hàn Mặc Tử bảo là nếu phải quỳ lạy dâng tất cả những ngày vui đã qua và sẽ tới để đổi lấy một phút gặp gỡ ông cũng bằng lòng ?  Mà để gặp gỡ điều gì ông không nói ra, mặc cho chúng ta tha hồ tưởng tượng. 
   Trời đang đổ nắng ấm, bỗng ào ào trút mưa, rồi lại tạnh ngay. Những người đồng chí trong một đảng phái mà ông tham dự từ những ngày manh nha khởi đầu cất tiếng ca ngợi sự hy sinh cao cả và tinh thần dấn thân hăng say của ông, và bầy tỏ sự quyết tâm hy sinh đến cùng của họ để dành lại tự do dân chủ cho dân tộc.  Đầu óc tôi lại bay bổng, tôi nghĩ đến biết bao anh tài ưu tú của đất nước đã bị Pháp hay Việt Minh sát hại.  Những người như Nguyễn An Ninh, 20 tuổi tốt nghiệp ưu hạng cử nhân Luật tại Sorbonne, về nước diễn thuyết, làm báo, kêu gọi giới sĩ phu Việt Nam đem sở học của mình ra để góp sức mở mang dân trí, làm cho dân tộc tráng kiện, hòng thoát cảnh nô lệ, chứ đừng theo nẻo hoạn đồ, lấy việc làm quan là mục đích của việc học, thì có ngày giòng giống phải dắt nhau vô rừng mà ở, để rồi hết bị Pháp cầm tù, thả ra, rồi lại bắt lại, năm lần bẩy lượt mà vẫn không sờn lòng, và cuối cùng chết khổ, chết sở trên Côn Đảo.  Những người như Tạ Thu Thâu, viết văn làm báo, tranh đấu cho tự do dân chủ, để rồi vừa được Pháp phóng thích khỏi Côn Đảo thì năm sau lại bị Việt Minh xử tử  (tại Quảng Ngãi, tháng 9 năm 1945, lúc mới 39 tuổi).  Hoặc xa hơn nữa, những người như Ngô Thì Nhậm, thông minh lỗi lạc, đỗ Tiến Sĩ tam giáp, làm quan nhà Lê đồng triều với cha là Ngô Thì Sĩ, cha con nổi tiếng đệ nhất văn chương trong thiên hạ, theo chiếu cầu hiền của Quang Trung ra giúp nước, góp công lớn trong việc đại thắng quân Thanh, mà rồi khi Gia Long lên ngôi, tuy trước đó nhiều năm ông đã từ quan về nhà tụng kinh gõ mõ, vẫn bị lôi ra Văn Miếu, bắt nằm xuống đất mà quất roi đến nỗi vài ngày sau phải chết.  Chao ôi, những người ấy thông minh xuất chúng, một lòng vì nước, vì dân, những người ấy mới thật sự đã chọn con đường hy sinh cho công bằng, lẽ phải, cho quyền lợi và sự sống còn của con dân nước Việt, sao lúc sống không biết họ được mấy ngày hạnh phúc, mà lúc chết lại chết oan chết ức, chết tức chết tưởi. 
   Rồi tôi lại nghĩ đến dân tộc mình, nó bất hạnh chính vì nó có quá nhiều người tài giỏi, đâm ra chẳng ai chịu ai, đánh giết lẫn nhau.  Nhà Mạc soán ngôi nhà Lê, bây giờ nhìn lại ai bảo là chính hay nguỵ? Nhưng giá ông Nguyễn Kim đừng tôn một người ở bên Lào về, bảo là con cháu nhà Lê, thì chắc đâu sông Gianh đã chia đôi đất nước, chắc đâu tài lực của dân tộc đã bị dồn vào mấy cuộc nội chiến tương tàn, hết Trịnh Mạc rồi Trịnh Nguyễn, kéo dài suốt 200 năm, đến nỗi làm kiệt quệ cả tiềm năng dân tộc.  Mà những cuộc chiến tranh ấy là để thu thập quyền lợi cho ai, cho con dân nước Việt, cho con cháu nhà Lê, hay cho gia tộc họ Trịnh, để họ mượn tiếng phò Lê mà mặc tình làm vương làm tướng, hay cho gia tộc họ Nguyễn, để họ xưng hùng xưng bá, xây dựng cơ đồ ở phương Nam ?  Mà tôn thất nhà Trịnh, con cháu nhà Nguyễn thời ấy có ai đọc sử không ?  Sao chẳng biết noi gương Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xem thù nhà nhẹ hơn nợ nước, xem quyền lợi cá nhân là khinh mà xã tắc là trọng ?  Họ có nhớ 300 năm trước họ, thân phụ Trần Hưng Đạo là Trần Liễu bị Tể Tướng Trần Thủ Độ buộc phải nhường người vợ đang có thai 3 tháng cho em trai là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần.  Ông thà mang tội bất hiếu, cãi lại lời trăn trối của cha, nhất quyết không soán lấy ngai vàng để rửa hận, dù quân đội đang nắm trong tay.  Sáng suốt và nhân bản thay là cái tinh thần cao thượng, biết gác sang một bên những hiềm khích, xung đột gia đình, để vua tôi xây dựng đất nước, chống lại ngoại xâm.  Nhờ vậy mà quân Nguyên trong 30 năm nhiều lần tìm cách xâm chiếm nước Nam mà cả 3 lần mang đại binh sang thì cả 3 lần đại bại.   Nhờ vậy mà triều đại nhà Trần dân chúng được hưởng thái bình, đời đời ghi nhớ công đức.  Chứ như anh em Trịnh Khải, Trịnh Cán tranh dành cái ghế ngồi giữa phủ chúa mà hãm hại nhau, thì chỉ làm đất nước thêm loạn lạc, làm kiêu binh thêm lộng hành, mà đưa đến sự sụp đổ cơ nghiệp họ Trịnh.  Hay như Thế Tổ Nguyễn Ánh khăng khăng quyết trả thù bằng mọi giá, hết cầu viện quân Xiêm, lại đem gạo gửi cho Tôn Sĩ Nghị hòng giúp quân Thanh đánh bại Tây Sơn ,  rồi lại gửi con trai 4 tuổi đầu lặn lội đi cầu viện quân Pháp, thì cho dù sau này có gom được đất nước về một mối, cũng chỉ thoả mãn được cái ước vọng muốn rửa hận cho gia tộc, cũng chỉ quật được mồ mả kẻ thù, cầm roi đánh vào hài cốt cho hả cơn giận, hay đem voi phanh thây người đàn bà đã từng đánh quân mình chạy long tóc gáy, chứ con dân nước Nam nào có được hưởng ơn mưa móc gì.  Sao các vị ấy lại để cái lòng tham quyền bính, mong làm bá chủ, điều khiển cái đầu tài giỏi của mình mà đâm ra chém giết lẫn nhau ?  Giá như mà ông Trịnh Kiểm cho đến Trịnh Bồng, giá như mà ông Nguyễn Hoàng cho đến Nguyễn Ánh, giá như mà ông Nguyễn Nhạc cho đến Nguyễn Huệ, các ông ấy thay vì đánh chém nhau, gom sức lại phát triển đất nước, thì chắc gì quân Pháp đã xâm chiếm được Việt Nam.  Mà nếu Việt Nam không bị Pháp đô hộ thì chắc gì con sông Bến Hải đã cắt ngang đất nước.  Ở đời nhiều khi tài giỏi lại là cái hoạ, hoạ không những riêng cho bản thân mình mà còn cho cả dân tộc.  Chao ôi, biết thế nào là phúc, thế nào là tài, là tai, là hoạ !  Từ lúc các phe phái dưới triều Vua Quỷ, Vua Lợn nhà Hậu Lê nổi loạn tranh dành quyền lợi, đưa đến cảnh Vua Lê-Chúa Trịnh-Chúa Nguyễn lấn áp lẫn nhau đến nay đã 500 năm, mà sao dân Việt vẫn mãi tiếp tục là nạn nhân của những lãnh chúa đầy quyền sinh sát, sống trên mồ hôi, nước mắt và xương máu của họ?  Năm trăm năm chưa đủ sao? Cái dân tộc này còn áp bức, đầy đoạ nhau mãi đến bao giờ mới thôi ?  
   Tôi lại suy nghĩ miên man, nghĩ đến người Việt hôm nay, ở đây và ở khắp mọi nơi, đến sự ngăn cách, nghi kỵ, sự bực dọc, đả kích lẫn nhau.  Đành rằng nhà cầm quyền đương cuộc không quan tâm gì đến quyền lợi chung của dân tộc, mà chỉ xử dụng một lực lượng công an hung dữ, dùng võ lực để đe doạ, khủng bố, áp bức dân chúng, bất chấp luật pháp, hòng bảo vệ quyền lực riêng tư, tích lũy tài sản, nhưng giữa những con dân nước Việt chẳng lẽ lại không có cách nào để có thể nói chuyện ôn hoà với nhau ?  Không biết đến bao giờ người Việt mới biết noi gương Trần Hưng Đạo, gạt bỏ những oán hận cá nhân, những tủi nhục gia đình, những mặc cảm đau thương, những cảm tính dễ dãi, để có thể nhìn mặt nhau mà bắt tay theo đuổi những mục đích có lợi ích chung ?  Có điều gì mà dân tộc này một khi đồng lòng, chung tay góp sức lại không làm được !  Nhưng làm sao để những khuynh hướng suy nghĩ dị biệt có thể ngồi xuống nghe nhau nói, nghe mà không sôi sục trong đầu những định kiến, mà không vội nghĩ là kẻ kia sắp sửa nói sai, và mình cần phải dẫn giải cho kẻ ấy hiểu ra sự thật ?  Làm sao để nghe trong tinh thần chấp nhận rằng cùng một điều, điều ấy ở bên này rặng núi có thể là chân lý mà ở bên kia lại là sai lầm ?  Làm sao cởi bỏ tấm áo mình-là-lẽ-phải để có thể nói chuyện mà không đi đến chỗ giận dữ ?  Có khó lắm không sự chấm dứt thoá mạ từ mọi phía ?  Mà sao, giữa những người lánh nạn Cộng Sản vì hai chữ tự do, vì không muốn người khác độc quyền suy nghĩ hộ mình, những người ấy lại không chấp nhận được sự hữu lý khả thể của những suy nghĩ dị biệt ? Tại sao cứ khăng khăng những ai khác mình đều là kẻ thù ?  Trước sự đe doạ của guồng máy cai trị độc tài tại Trung Hoa đang hung hăng bành trướng thế lực, kẻ thù lớn nhất của dân tộc Việt chính là sự phân hoá giữa tập thể người Việt khắp nơi trên thế giới
   Đầu óc tôi lại quay về với người dân quê Việt Nam. Tôi vẫn đặt niềm tin vào tinh thần độ lượng của họ, niềm tin là họ còn giữ được không những lòng trọng lẽ phải mà còn trọng lẽ phải một cách bao dung, niềm tin là sự chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của họ sẽ giúp dân tộc thoát ra khỏi sự tranh chấp dữ dằn, độc đoán đang xẩy ra trong tâm tư người Việt.  Tôi vẫn tin là dù bao nhiêu năm sống căng thẳng giữa những đe doạ thâm độc, những khủng bố dã man, giữa những tuyên truyền xảo trá, những lý sự bịp bợm, thì cái thiện lương, cái tinh thần huynh đệ một nhà, lấy sự bình thường giản dị ra mà cư xử với nhau, lấy sự hoà thuận chòm xóm láng giềng ra mà đối đãi với nhau, cái thiện lương, cái lòng độ lượng ấy ở người dân quê Việt Nam, trong đường dài, sẽ giúp dân tộc vượt thắng sự bạo hành, cay nghiệt nhất thời.
   Từ nghĩa trang trở về sở làm, đầu óc tôi lại bay bổng nhớ đến ông, nhớ đến chiếc mũ beret ông hay đội, nhớ đến cách vồn vã thân tình ông vẫn dành cho mọi người.  Những ngày ông sắp ra đi tôi được tin nhưng lại ngần ngừ không vào nhà thương thăm ông.  Phần vì ngày nào tôi cũng bận đến tối, cả những ngày cuối tuần.  Nhưng thật ra là vì tôi sợ cảnh vĩnh ly.  Vào thăm một người bệnh ta còn có thể chúc chóng bình phục, chứ vào thăm một người đang nằm chờ chết ta biết nói gì !  Thế vậy mà cái chết của ông đã chỉ ra cho tôi biết là ngoài những cái chết khác nhau như cái chết gập người, ngửa cổ hiên ngang, cái chết nằm dài, sa trường tuý ngoạ, cái chết đứng sững, uất hận ngụt trời, còn có cái chết giản dị, cái chết tự nhiên, cái chết trở về, cái chết như không.  Tôi hiểu ra ý nghĩa của sự trở về trong sinh ký tử quy.  Giá như mà tôi biết ông đã đối diện cái chết một cách ung dung như vậy chắc là tôi đã vào bệnh viện thăm ông, nắm lấy bàn tay ông mà đọc cho ông nghe mấy câu thơ của Bùi Giáng:
Rồi mai đi về xứ sở nào chẳng biết
Những người em vẫn ở lại bên đời
Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi.
   Hẳn là ông vui lắm.

Tô Thẩm Huy

No comments:

Post a Comment