Những mảnh hồn quê
Lưu Na
Những ngày ở Seattle mưa rả rích. Sáng dậy mình rời nhà đi đó đây chụp hình xem cảnh uống cà phê. Cũng có lúc nắng, người địa phương cho hay chỉ có khoảng 56 ngày nắng trong năm, Trần mộng Tú đã từng than van “nắng ở đây hiếm hoi hơn hạnh phúc.” Đêm về, trong tiếng mưa rỉ rả buồn mình đọc những trang sách ấy. Hóa ra cái êm đềm tha thiết u hoài từ “Quê Nhà, 40 năm trở lại” vẫn còn nguyên, nối tiếp không ngằn mé không khoảng cách ngỡ ngàng trong Một Thời Oan Trái. Những giọt mưa Seattle như chuyền qua trang sách rớt xuống hồn những giọt trong mát u buồn. Có lẽ Phan lạc Tiếp không phải một nhà văn lớn, mà mình cũng không biết thế nào là nhà văn lớn, và những giòng chữ về cảnh cũ người xưa cũng không như những truyện quê nhà của Võ Phiến. Nhưng lạ, PLT đặc sắc chính ở những cái không là, không như, như thế. “Quân tử hòa nhi bất đồng” chăng. Nhưng viết, đâu có chuyện quân tử hay tiểu nhân? Viết, chỉ nên hỏi viết ra sao, viết cái gì, và người viết chuyển đạt được điều gì đến lòng mình.
Phan lạc Tiếp viết rất đơn sơ không kiểu cách. Ông có lời mộc mạc, giọng từ tốn tha thiết ân cần; ông viết những điều chân thật về mình, khúc chiết mạch lạc về việc, và chừng mực thận trọng về người. Ở PLT, cái viết là chia sẻ tâm tư, kể chuyện của mình như một hồi tưởng một suy niệm và ghi lại những điều ông trân trọng. Ở Phan Lạc Tiếp, cái chừng mực như xuyên suốt từ cách viết đến con người. Hãy nói đến cái viết. Ông nói chuyện cảnh cũ người xưa, với biết bao hoài niệm, những hình ảnh tục lệ lễ tiết thói quen phong hóa ngày xưa của làng quê ông. Những món ăn, những hội vui, những nghi lễ, thói tục, niềm tin, cách ăn mặc, của một thuở đã xa trên đất Bắc, thay vì là những chuyện phong hóa trong các quyển sách văn hóa ngày xưa nhờ cái chừng mực dừng đúng lúc của ông đã trở thành bức tranh sinh động. Nếu ngon trớn thì ông đã viết phăng phăng và thành Nguyễn Tuân Vũ Bằng Thạch Lam hay Lê minh Hà và những chuyện đó trở thành những cái chung chung không mang dấu ấn của riêng ai. Nhưng ông dừng kịp để vẫn là mình. Làng Nủa và tộc Phan, chuyện làng chuyện họ chuyện xóm giềng bè bạn và quá khứ, trở thành tập ảnh vàng úa mà giở từng trang mình tìm thấy được cu Tiếp quần chúc bâu áo vải nắm tay chị Đan những ngày Tết, trò Tiếp lên tỉnh đi học, và “đằng ấy” phải bùi ngùi từ giã bạn quê ra đi không hẹn ngày về. Làng Nủa và tộc Phan, đâm ra thành những mảnh hồn quê nối người với đất mà những trang sách viết về quê hương đã gắng trao nhưng mình chỉ nhận được qua dòng chữ của Phan lạc Tiếp.
Cái chừng mực trong cách viết của PLT khi qua đến thời oan trái càng sáng rạng, khi sự việc được nhắc thật chi tiết với trọn tâm tình dẫu thương cảm hay buồn phiền. Nhưng đặc biệt, là chỉ cần thêm một chi tiết trong những nỗi oan trái của chiến tranh thì chắc mình sẽ thấy oán hờn, thêm một cái tên trong những việc hậu trường chính trị thì mối bất hòa nghi kỵ sẽ thêm kết nặng. Chính cái chừng mực biết dừng đúng lúc ở những điều muốn viết mà mình cảm nhận được cái hòa ái, cái an lạc cho tâm hồn. Cái chừng mực đó làm cho mình nguôi lại những đớn đau, nó như những giọt nước mưa làm mát dịu những vết thương lòng mà loạn lạc chiến tranh đã gây ra. Hơn thế, nó còn là mảnh đất bằng cho lứa con em lớn lên sau như mình tìm được chỗ để chân. Mình nhớ có một nhà văn miền Bắc đã kể, nhà văn ấy đi vào chiến tranh vì lý tưởng, đã khóc khi thấy ra mình bị gạt. Nhưng cũng chính nhà văn ấy trên làn sóng truyền thanh nói rằng một nửa nước, miền Bắc, cam tâm làm tay sai cho Trung cộng Liên sô; và miền Nam cho Mỹ. So với lời PLT:
Ơi những anh lính kẻ Nam người Bắc
Chết là oan cho một cuộc tương tàn
thì mình tin ông đã đúng khi nhất định chỉ là một người nhà quê chân lấm tay bùn. Không phải cứ hễ chữ nghĩa nó chọn mình thì đánh rơi bản sắc.
Đã rằng viết không có chuyện tiểu nhân quân tử, nhưng có chuyện bản sắc, và PLT có một bản sắc để mình tin cậy muốn đọc hoài. Bản sắc đó có nằm ở chỗ quân tử tầu đang làm trưởng phòng Tâm lý chiến dễ mưu lợi thì lại chỉ thấy cái phiền mà rút lui để đi làm hạm trưởng cái ghe rách bươm, hay có ở chỗ quân tử gàn xin biệt phái qua sở Hỏa xa để khỏi thấy những ánh mắt lạc thần của người dân trong vùng lửa đạn, khỏi phải tham dự vào cái hơi kỳ kỳ của những cuộc hành quân do Mỹ chủ động? Hay bản sắc ở chỗ luôn nhận gốc gác làng quê và ôm giữ theo mình những kỷ niệm, những quan hệ với người muôn năm cũ? Có lẽ tất cả mọi điều.
Trong những điều đó còn thêm là chút nghệ sỹ trong tâm hồn để đau thấy ánh mắt lạc thần của người dân quê khi lạc vùng lửa đạn, thấy cái đơn sơ mà nên thơ của “những đọt lá mới trồi lên xanh non, cuộn tròn như những khúc nhung xanh” (trang 306, 307). Bản sắc, cũng là chút chính kiến, chút phản ứng trước những việc mình không thích. Người lính VNCH dù vì hoàn cảnh hay chọn lựa, dầu sao cũng có và còn được đôi lúc là mình. Bản sắc, ở những ân tình với những người muôn năm cũ, hay những hình bóng tình cờ mang đến nghĩa ân: ông luôn viết trong cái nhìn ly nước một nửa đầy. Gặp những oan trái, những việc cần làm mà ông đã gánh vác thì ly ấy đang một nửa vơi. Và như vậy, những khi mình nhỏ giọt nước mắt cho những điều ông viết xuống gợi ra, mình yên tâm khóc, nghĩ mình không thương vay khóc mướn chuyện trời ơi.
Một Thời Oan Trái không chỉ cho mình những mảnh hồn quê hay nỗi u hoài. Qua đó có những lúc mình mỉm cười thú vị, như trang tả nghi lễ ăn uống thật kiểu cách mà món ăn thật bình dân (mình tự hỏi anh sĩ quan ẩm thực có mời tư lệnh “xơi rau nhúng nồi nước lèo !!!”). Một thời Oan trái còn có những chi tiết thuộc về lịch sử ở góc của người lính Hài quân. Chính ở chỗ chi tiết thuộc về lịch sử mà phải nhìn lại chữ của Phan Lạc Tiếp. Văn hay tùy bút thì câu chữ tùy nơi người viết. PLT đã nói ông không chọn nghiệp văn chương, nên không cần phải chỉ ra những dấu chấm ngang xương hay câu không chủ từ, mà phải khen tùy bút của ông có những câu thật đẹp, như:
“…Từ sâu thẳm trong lòng sân, như có một sự cựa mình, nhưng vi tế quá, tôi hình như chỉ thấy tự tâm tôi. Tôi bước những bước rất từ tốn trên mặt sân, mỗi bước chân đặt xuống nhẹ nhàng êm ả, chỉ sợ đất buồn. Tôi vẫn cố gắng nghe, mà như đất khô già quá, đất lặng lẽ nín câm.” (trang 50).
PLT còn có những cách dùng chữ rất đắt, thí dụ: “tôi như chột đi khi không có chị,” …hay những câu thật hay: “ôm cả cái nao nức chờ đón mùa Xuân vào lòng” (trang 35), “vài lá tía tô tím thẫm làm nền cho các cọng rau muống chẻ xanh non, xoăn tít như nụ cười mời gọi của bà hàng bún” (trang 168), hay thật u hoài: “nhắm mắt lại,…không còn thấy quê cũ là đâu nữa” (trang 134). Những trang viết về Tào Mạt thật ngậm ngùi, nhưng mình thích nhất là những dòng về người bạn “đằng ấy” trong “Người Nghệ Sỹ Miền Quê,” cũng như trang viết tả chị Luông với hàng guốc thật thú vị (trang169). Bên cạnh đó lại có những câu vô ý (!!!!), thí dụ “Như thế, mẹ tôi và dì tôi cùng lấy chồng thiên hạ” (trang 69). Mình sinh trưởng trong Nam , đọc thì bật cười, tuy hiểu ý ông nói lấy chồng ngoài xa, khác thôn làng, nhưng câu đó người trong Nam ý nói hoặc là giật chồng người, hoặc làm bé. Cái vụng về của ông chỉ gieo một cái mỉm cười, nhưng những lỗi typo trong in ấn ở 60 trang viết của bài “Những Chặng Đời Nghiệt Ngã” (trang 288-347) có thể tai hại nếu dùng làm ghi-chép bên lề sử liệu, dù lỗi ấn loát đúng là phải chịu trong mọi chuyện in ấn. PLT nhắc trận Ba Rài có ghi vào Hải sử, cái “ngà” đã làm ông phải ngưng viết lách 6 năm để vác với biết bao công sức của đồng đội bạn bè cấp trên người ủng hộ bảo trợ, v.v…
Trận Ba Rài trang 297, “Chiếc Tiền Phong đỉnh khác, HQ6001, do trung úy Nguyễn Ngọc Giang chỉ huy…, tàu bị B40 bắn thủng phải ủi bãi để tránh bị chìm. (Hiện anh Giang định cư tại thành phố Houston , Texas . Chiến đỉnh này do trung sĩ I Trọng Pháo Lê Phước Đức….làm thuyền trưởng, bị tử thương…” Ở đoạn vừa trích có mở ngoặc mà thiếu đóng ngoặc, ý chấm dứt ở đâu, và HQ6001 do Giang chỉ huy thì Đức làm thuyền trưởng chiến đỉnh nào? Mình không hiểu việc chiến tranh binh bị, những điều về HQ cũng lại là một chuyên môn, nên đọc chỉ căn cứ vào cái mạch lạc để hiểu. Đọc những lời báo cáo đã làm xếp lạnh cẳng, những bài chuẩn bị khi hành quân, những chi tiết nghi lễ dù nhỏ nhặt cũng thứ tự đầy đủ của PLT thì mình tin rằng cái rối ren đã nêu đó là lỗi in ấn, hoặc chính là mình ngớ ngẩn có chứng chỉ (do bạn ông PLT cấp), chứ không thể là lỗi của một người đã viết 2000 trang chữ. Trận Ba Rài trong Hải sử có viết khác hay không? Dù sao, cũng chỉ là chuyện nhỏ.
Với mình Phan lạc Tiếp đã viết xong một cái kết luận cho riêng ông, và mình cũng đã nguôi ngoai nổi bực phiền của chuyện còn mất được thua năm xưa. Quả thật “ân hận nay đã thuộc về người khác…” (trang 328). Nghĩ đến một người viết đã quá cố: nhà giáo Nguyễn Hiến Lê, mình cũng muốn mượn lời nhà giáo ấy mà nói rằng Phan Lạc Tiếp đã viết những lời “văn thơm tho, tình hiện u hoài.” Tuy PLT không viết trong chủ đích giáo dục như Nguyễn Hiến Lê, nhưng cái chừng mực ôn hòa của ông khẳng định cái thiện tâm cái hòa ái tự chủ mình nên học. Mình mong ông mãi là “đằng ấy,” chứ không phải nhà văn lớn và không như ai hết, để thế hệ 36 tuổi (Ngô Nhân Dụng) sẽ có dịp và có duyên may như mình, tìm được qua hàng chữ của Phan Lạc Tiếp những mảnh hồn quê.
Lưu Na,
No comments:
Post a Comment