Saturday, May 21, 2011

TẢn mẠn
bên tách cà phê

Nguyễn Xuân Thiệp

Thuở đi làm phóng viên chiến trường


   Từ màu đỏ hoa vông gặp lại trên một ngọn đồi ở Penasquitos và trong vùng nắng rộng Nam Cali, cảm thức của Nguyễn bỗng đi sâu vào những hồi ức của cuộc chiến ngày nào. Nhất là những ngày gần đây khi nắng tháng Tư về chuyển qua những cơn giông tháng Năm,  Nguyễn đọc thấy tin phóng viên ảnh Tim Hetherington gục ngã trong vùng xung đột ở thành phố Misrata, Libya. Rồi nhìn lại những khuôn mặt và đọc lại những dòng tự sự về cuộc đời của các phóng viên từng lao vào lửa đỏ của chiến tranh Việt Nam, Nguyễn bồi hồi thấy lại những ảnh bóng của con đường sạn đạo ngày xưa.

   Ờ, phải rồi, thời xa xưa ấy trên đất nước của gió mùa, mình cũng đã có những ngày đi vào vùng chiến trận, không phải với cái máy ảnh như Tim Page hay Tim Hetherington, mà với cấy bút và tập giấy trong cái túi vải thô đeo bên hông. Như Phan Nhật Nam, Dương Nghiễm Mậu, Kim Tuấn, Dương Phục vậy. Tất nhiên, không được như những bạn vừa kể với những tác phẩm đồ sộ, những điều Nguyễn ghi được trong những ngày nắng ối mưa lầy ấy chỉ là những miểng vụn -như những miểng đạn pháo hay dúm tóc và bàn tay gãy dập của người… Vâng, Nguyễn đã thấy… đã thấy, và ghi lại những mảnh vỡ ấy của chiến tranh và cuộc đời chung. Trong chuyến Chinook lên Đức Cơ trao trả tù binh năm 1970, Nguyện đã thấy người mẹ già tóc trắng đi đón con mà nghẹn ngào đau đớn, cứ mải cầm tay và vuốt tóc con không nói được lời nào. Nguyễn đã thấy con đường tráng nhựa chạy lên vùng tam biên bị cắm những trụ cột -hay cột mốc- ngay ở giữa lòng đường để phân chia bên này bên kia. Ấy là những ngày của đầu năm 1974 khi sắp tàn cuộc chiến. Nguyễn đã thấy -và còn ghi nhớ tới tận bây giờ- những bông cỏ hồng mọc lên từ nhựa đường nứt nẻ. Đây là Eo Gió. Bên này, có những người lính thiết giáp mắc võng ngủ dưới bóng cây. Bên kia treo cờ của Mặt Trận Giải Phóng
Chiều hôm nay tôi đi trên đường biên giới
thấy trước mặt mình. chập chùng rào cản
mờ mờ. bóng ngọn cờ. bay
trong nắng hạ nồng
những ngọn cờ không kẻ chuyền tay
những ngọn cờ chia lòng người ra từng cõi
và gói kín những mảnh đời
   Ngày ấy, Nguyễn đi lên Eo Gió bằng xe Jeep. Cùng đi có một phóng viên người Việt làm cho AP -không phải Nick Út đâu- mang theo máy ảnh, có Hồ Viết Sum phóng viên Tiểu Đoàn 20 CTCT mang máy quay phim, có Kim Tuấn và Trần Trọng Thuyên. Đêm về nhà bạn ở Kontum đọc thơ trong mùi hương cà phê và khói thuốc. Những ngày kế tiếp đi qua dưới chân ngọn Chu Prong, rồi đi sông Ba. Nguyễn đã thấy, đã thấy những ruộng dã quỳ vàng rực -sau này tả lại trong truyện ngắn Dã Quỳ- những cánh rừng cháy và bóng quạ đen quay đảo, miệng kêu đầy máu, và rừng bông vải ven sông Ba. Về Phú Bổn, đêm lại đọc thơ. Ôi Kim Tuấn, giờ ở nơi nao, có nhớ đêm ấy dưới ánh đèn của những cây manchon đọc bài thơ Bản Hét -Bản Hét ngày đi không trở lại- có gạo sấy, nước suối rừng và tóc mẹ già bạc trắng khiến nhiều giọt lệ rưng rưng. Và rồi, trên trực thăng về lại Pleiku có Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Minh Diễm, Hoàng Khởi Phong ra tận bãi tiễn chân, Nguyễn đã viết bài thơ lưu biệt có những câu
hút với nhau điếu thuốc
giữa buổi chiều hoa quỳ
nói dăm câu từ tạ
mây. với người. cùng đi
   Rồi chuyến đi Đồng Ớt năm 1974. Lúc ấy, Nguyễn làm ở đài Quân Đội Sài Gòn. Được tin mặt trận đang sôi động ở miệt Trảng Bàng, Nguyễn cùng với một anh bên Báo Chí vội vàng đi làm tin và viết phóng sư cho Đài. Tới nơi, tiếng súng đã im, nhưng trên không máy bay còn gầm rú ở phía mật khu Mây Tào, và khói chưa tan trên đồng. Gọi là Đồng Ớt vì ở đây trồng toàn ớt. Nguyễn và anh bạn báo chí được một chiếc thiết giáp chở đi thăm trận địa. Những luống ớt đỏ bị bánh xích sắt nghiền nát bấy bên cạnh những khuôn mặt bộ đội VC dẹp lép và những về tóc còn dính máu, những bàn tay gãy dập. Trưa ấy, mây trắng đầy trời và nắng như những mảng màu vàng cháy trong tranh Van Gogh vẽ ở Arles miền Nam nước Pháp.
   Thôi, xin được chấm dứt những điều viết về mình. Thật ra, những ghi nhận của Nguyễn trên chiến trường ngày ấy chỉ là một dúm bụi nhỏ nhoi tan vào ngày tháng. Trong khi đó, những tấm ảnh chiến trường của các phóng viên như Tim Page, Nick Út là những Kim Tự Tháp sừng sững. Những tấm ảnh ấy đã mang đến cho tác giả của nó danh vọng và giàu sang (như tấm hình chụp nỗi đau của bé Kim Phúc trên chiến trường Tây Ninh ngày nọ đã đưa Nick Út tới thảm đỏ phù hoa vào tận cung điện của Nữ Hoàng Anh quốc -tài liệu của nhà văn Huy Phương), còn những ghi chép từ ngòi bút của Nguyễn và Kim Tuấn đâu có nghĩa lý gì. Chỉ là chút hơi rượu khà trong buổi chiều lộng gió hôm nay.
(Kỳ tới: Khúc Requiem & những người về từ chiến trường xưa)

NXT

No comments:

Post a Comment