Friday, July 24, 2020

TỪ CHÂU LIÊM ĐẾN NGUYỄN XUÂN THIỆP

hoàng lâm

NXT

Từ những năm của thập niên 50 , Nguyễn Xuân Thiệp đã có thơ đăng trên các tạp chí ĐỜI MỚI, NHÂN LOẠI, THẨM MỸ… với bút hiệu CHÂU LIÊM. Lúc này có một dòng thơ với hiện cảnh núi rừng hoặc đồng nội, một phần ảnh hưởng của QUANG DŨNG thời kháng chiến nhưng lại ít có khí thế biên tái hào hùng mà chỉ đượm chất lãng mạn mông lung. Có thể kể đến những thi sĩ đồng thời với ông như ĐỖ HỮU, DUY NĂNG, THẾ VIÊN… thường xuyên góp mặt với các bài thơ phần lớn bây giờ không được nhiều người nhớ đến. Tuy vậy, vẫn có một ít tác phẩm mà người yêu thơ hân thưởng như Chiều Việt Bắc, Sầu Ai Lao của ĐỖ HỮU… Trong số đó có bài THÁP NẮNG của CHÂU LIÊM được  nhà thơ HUY TRÂM ca ngợi trong tập biên luận, được giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1959 với tựa đề “ Những Dòng Châu Ngọc Trong Thi Ca Hiện Đại “.

THÁP NẮNG

Dừng chân nơi biên cương
Ngút trời nắng lửa
Đá dựng thành trì ngăn đại dương
Lối về bụi đổ
Núi tiếp mây trời xây tháp nắng dặm trường!
Dừng đây sau bóng núi
Dăm kẻ không nhà mơ cố hương
Gạch, đá ngậm ngùi phơi đổ nát
Ngói đỏ giờ ai xây
Như môi cười say tiếng hát
Nơi đây:
Suối độc - Rừng sâu
Nắng trưa ngời khoé mắt
Có người tay đã nâng cao
Tình đằm sương gió
Ánh thép nở hoa bừng lửa đỏ
Tiếng đục dậy lên đường
Tháp nắng rưng rưng ngùi trông bốn phương
Ôi! tháp nắng muôn trùng
Chiều xưa qua đây câu ca trên môi còn rung
Chiều nay qua đây lòng say yêu thương
Tháp nắng lưng trời!
Ôi! lửa sáng đại dương.

Tạp chí ĐỜI MỚI, 1954


Thơ của CHÂU LIÊM xuất hiện ở giai đoạn này trên các tạp chí kể trên mang nét buồn man mác với thi cảnh và thi ngữ đậm chất lãng mạn. Chúng ta thử đọc thêm một bài thơ nữa của ông ( do chính tác giả còn giữ và gởi đến).

NẮNG VÀNG

Nắng lịm trưa nay vàng đậm quá
dịu hiền như nắng vợi chiều xưa
có con bướm nhỏ vàng đôi cánh
chập chờn trên dậu nắng rơi thưa
từ nghe xóm cũ buồn ghê lắm
tôi đã về đây suốt mấy mùa
hồn quê đồng nội chừng chua xót
mà kiếp thân tàn theo gió mưa
súng dậy bốn bề say máu lửa
nắng chảy trời ơi xuống liếp dừa
đồng nội trưa ni buồn quạnh quẽ
tiếng gà đã bặt lối thôn xưa
tôi về nhặt nắng hàng cau ấy
mà liệm chôn vào đôi nét thơ
người nhé nắng vàng rồi sẽ tắt
con đò neo đậu bến sông mô
1953

Sau đó, từ những năm của thập niên 60 đến cuối tháng 4 năm 1975, CHÂU LIÊM đã dùng tên thật NGUYỄN XUÂN THIỆP để sáng tác. Trong thời gian công tác tại Đài phát thanh Quân Đội của thành phố Đà Lạt, ông thân với vợ chồng nhạc sĩ LÊ UYÊN PHƯƠNG và có hợp tác làm một loạt bài sử ca nhưng chưa hoàn thành. LÊ UYÊN PHƯƠNG có phổ nhạc một bài thơ của ông TÔI MUỐN YÊU TÔI MUỐN TIN CUỘC ĐỜI, là một trong số ít những ca khúc mà nhạc sĩ này phổ từ lời thơ.


TÔI MUỐN YÊU
TÔI MUỐN TIN CUỘC ĐỜI

tôi muốn yêu
tất cả cuộc đời
tất cả mọi người
như ngày xưa
yêu sân trường lớp học
yêu thầy yêu bạn
yêu anh yêu em
nhưng cuộc đời khốn nạn
đã giết chết trong tôi
những tình yêu trong sáng nhất
tôi muốn tin
cuộc đời như trang sách giáo khoa thư
với những chuyện thật thà đơn giản
những đứa trẻ con nô đùa đuổi bướm
những quả bứa quả sung
hiền lành ngoan ngoãn
con đường mòn với tiếng guốc ban trưa
nhưng thế giới thần tiên sụp đổ
những kẻ hiền lương sống kiếp đọa đày
những người thật thà đã chết
như bạn tôi
một buổi sáng trong vòng dây oan nghiệt

hỡi cô bé quàng khăn đỏ

đã chết trong hàm răng sói già
hỡi anh em bạn bè
mắt chúng ta đục ngầu cát bụi
kìa trái đời đã chin trên cây
sầu rụng
thế giới chúng ta bây giờ
mờ mờ bức tranh dã thú
không có chỗ cho con người
anh tìm gì trong bóng tối
anh tìm gì trên những dòng cổ ngữ
trên bia đá nghìn thu
hiền giả đã quyên sinh

hỡi anh em bạn bè

trong hoang vu
xin chờ đợi những con người

Thơ ông bây giờ đã mở rộng phạm trù đến tha nhân, đến thân phận con người trước những biến động của lịch sử. Về mặt hình thức, ông thường sử dụng thể tự do để diễn đạt rất thành công những tâm tình thật phong phú của con người qua những bể dâu. Dĩ nhiên, thơ tự do của NGUYỄN XUÂN THIỆP rất khác tính phản kháng, nổi loạn của THANH TÂM TUYỀN hay TÔ THÙY YÊN. Thơ ông, từ trước cho đến sau này ( ngay cả trong lao tù hoặc lưu vong ) đều hiền hoà, đậm chất nhân bản. Đỉnh cao của thời gian này là bài thơ dài  “ tôi cùng gió mùa “, mà sau đó ông đã dùng làm đề tựa cho thi tập được ấn hành tại Mỹ năm 1998. Chúng ta thử đọc vài đoạn thật ấn tượng.

hỡi gió mùa
đã đến trong cây
đã nói cùng với lá
rằng ta yêu nỗi cùng khổ của kiếp người
cả những điều tuyệt vọng
rằng khắp nơi trên mặt đất mùa đông
                            này thiếu lửa
nhưng dưới mái tranh nghèo quê hương
                                    ta chiều nay
đã ấm lại tình hoa cỏ

hỡi gió mùa

đã cùng ta gặp lại
nhớ không
lần đầu tiên chia tay cùng người
mà lịch sử đã có dư nghìn tuổi
mà hôm nay ta lại gặp ta
người lại gặp người
trong nỗi bàng hoàng
trong cơn sốt vỡ da

Chúng ta hẳn đã cảm nhận được chất trữ tình đậm đặc, niềm trắc ẩn thật “người” của thơ  NGUYỄN XUÂN THIỆP. Và để tạm kết thúc mấy dòng tâm tình trên đây, xin mời đọc tiếp vài đoạn kết của bài thơ.

hỡi gió mùa
giữa những bình minh và những hoàng hôn
cười khóc
người đã nghe gì thấy gì
từ trong Thánh Kinh và Nam Hoa Kinh
và triệu triệu những trang kinh vàng óng
trên cây vô ưu
và cành nhân sinh
có con chim nào hót
có không một chỗ dừng chân
cho loài người suốt cuộc hành trình về
                      nơi tĩnh lặng

hỡi gió mùa

đã đến trên quê hương chiều nay
để thêm một lần gặp lại
xin hẹn cùng ta
xin hẹn cùng người
một mùa đông ấm lửa
1974

Trên đây chỉ là những cảm nhận có tính cách cá nhân về hành trình thơ được hạn định trước năm 1975 của nhà thơ CHÂU LIÊM từ bút hiệu đến lúc mang tên thật NGUYỄN XUÂN THIỆP.
Hoàng Lâm


PHOENIX, 7/2020.

No comments:

Post a Comment