Sunday, July 19, 2020

ĐỌC THƠ HUY TƯỞNG: ĐÊM VANG HÌNH TIẾNG CHUÔNG

Phan Tấn Hải

Bìa ‘Đêm Vang Hình Tiếng Chuông’

Huy Tưởng & Bùi Giáng

Nhà xuất bản Văn Học Press vừa ấn hành tác phẩm “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” -với 197 bài thơ của nhà thơ Huy Tưởng và 10 họa phẩm của họa sĩ Trương Đình Uyên. Tất cả thơ trong tập đều là lục bát, hoặc lục bát biến thể với cách ngắt dòng hoặc cách chấm câu theo kiểu riêng. In trên giấy đẹp, khổ sách vuông 8.5” x  5”, dày 160 trang, toàn bộ sách in màu. Với Trương Đình Uyên ký họa chân dung, Trịnh Y Thư thiết kế  sách,  Đinh Trường Chinh thiết kế bìa.

Tất cả đều là lục bát. Đa số trong tập là lục bát bốn dòng, có khi ngắt dòng câu lục hay câu bát để thành các  òng hai chữ với bốn chữ. Và xen trong các dòng thơ, thỉnh thoảng là các dấu chấm. Đối với thói quen làm thơ của Huy Tưởng, các dấu chấm là mới, nhưng thơ lục bát ngắt dòng giữa câu lục hay câu bát là bút pháp anh đã từng dùng nhiều thập niên trước; thí dụ, bài thơ hơn nửa thế kỷ trước, nhan đề “Con đường” viết tại Đà Lạt năm 1971 cũng là lục bát, cũng ngắt dòng để có dòng 2 chữ, có dòng 4 chữ. Điều khác biệt là, trong tập thơ “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” ấn hành năm 2020 không có chữ đầu dòng nào viết hoa như các bài thơ thời còn ở Việt Nam. Và các bài thơ trong thi tập mới này, duy nhan đề là viết tất cả là chữ hoa, sau nhan đề là  một dấu phết (‘) và xuống hàng, với toàn bài thơ đặt nằm giữa trang (centered) như bài 80 nhan đề “Phẩm Vật” nơi trang 71 của tập “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” (nghĩa là, cách trình bày thơ trên giấy cũng là một yếu tố thi ca, không chỉ biến đổi cách đọc mà còn biến đổi cách nhìn):

80
PHẨM VẬT,

tan theo mây trắng vạn hình
ra đi
ướt đẫm tiếng kình giữa trưa
khi về
trú dưới hiên chùa
nhặt được chiếc bóng
ai
vừa bỏ quên!

Tất cả các bài thơ trong tập “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” đều trình bày tương tự và có khi biến thể nhiều câu hơn, nhưng cũng ngắt dòng như thế. Thói quen của tôi khi đọc thơ là ngưng nơi các dấu chấm câu, và nơi các xuống dòng. Do vậy, âm vang mỗi bài thơ mỗi khác. Nhưng có một gợi mở của tác giả Huy Tưởng cho thấy tất cả các bài thơ đều mang hình các dòng dài ngắn khác thường như thế, và có lẽ đó là “hình tiếng chuông” như thi sĩ muốn gợi ý – có lẽ.
Tôi có kỷ niệm nhiều với lục bát. Thể thơ tôi học đầu tiên nơi trung học đệ nhất cấp (bây giờ gọi là trung học cơ sở) là lục bát. Ngôi trường lúc đó mang tên Trần Lục ở Tân Định, trong các lớp đệ thất, lục, ngũ, tứ (bây giờ là lớp 6, 7, 8, 9) dạy văn là do hai cô giáo: cô giáo Oanh (vợ thầy Giáp) và một cô giáo tôi không còn nhớ nổi tên, gần đây mới hỏi bạn Trần Văn Nhy được nhắc rằng cô này tên Lan. Những tác phẩm lớn là do cô Oanh dạy, như Bích Câu Kỳ Ngộ (thi tập thế kỷ 18 này dài 678 câu thơ lục bát) với Lục Vân Tiên (thi tập thế kỷ 19 này dài 2082 câu thơ lục bát), dĩ nhiên là dạy tổng quan và trích đoạn. Cô giáo Lan dạy bọn học trò chúng tôi làm thơ lục bát trong năm đệ lục. Thực sự ca dao, tục ngữ đã học từ thời lớp đệ thất đã có thể thơ lục bát rồi, nhưng đọc và nghe vậy thôi. Sau này tôi quên bẳng đi tên cô giáo Lan, và khi nhớ về thể thơ lục bát chỉ nhớ rằng có một cô giáo trẻ, gầy, mặc áo dài trắng (dĩ nhiên, cần phải nhắc, áo dài thời xa xưa không phải kiểu cách tân như thế kỷ 21 bây giờ). Nghĩa là, thướt tha. Tôi cũng không nhớ nổi khuôn mặt cô giáo Lan, không hình dung nổi mắt phượng hay tóc chấm vai thế nào. Chỉ nhớ rằng, một cô giáo mặc áo dài trắng dạy mình làm thơ lục bát, và từ đó thế giới thi ca hiện ra trước mắt tôi, một vùng trời trắng xóa và dịu dàng.

Bây giờ đọc thi tập “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” của Huy Tưởng, tôi nghiệm ra rằng thơ lục bát tượng hình và lãng mạn hơn các thể thơ khác, kể cả các thể loại thơ tự do hay tân hình thức. Dĩ nhiên, bạn có thể nhớ ằng thể thơ hài cú của Nhật Bản, với 17 chữ ba dòng cũng có thể trình bày như hình tháp chuông hay những gì tương tự. Nhưng chỉ có thơ lục bát của Việt Nam mới có tiếng nói của người thiếu nữ, muốn ngắn thì hai dòng, muốn thướt tha hơn thì bốn dòng hay tám dòng, và muốn cho thành tình hận giai nhân thì cho dài thành 3254 câu như Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Nói về tượng hình, có thể thấy rằng thể thơ 5 chữ hay 7 chữ trông như nhiều nam tính, thẳng thuôn đuột,  không có vẻ thướt tha áo dài. Thơ lục bát là thuần Việt, nhưng chỉ mới xuất hiện có lẽ từ thế kỷ 15. Có thể gợi nhớ một bài thơ của Lý Thường Kiệt (1019 – 1105), vị tướng nổi tiếng vì bình Chiêm, phá Tống. Khi Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến ở sông Như Nguyệt, sử ghi rằng quân nhà Tống có kỵ binh mở đường tiến công quyết liệt, có lúc đã chọc thủng chiến tuyến quân Đại Việt tràn qua sông Như Nguyệt, nhưng quân Nam đều kịp thời phản kích, đẩy lùi quân Tống. Lý Thường Kiệt khích lệ tinh thần quân Nam chiến đấu bằng cách nửa khuya cho người nấp trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát (thuộc địa phận sông Như Nguyệt, khúc sông Cầu, huyện Yên Phong, lộ Bắc Ninh, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đọc bài thơ 4 câu thất ngôn, nhan đề "Nam quốc sơn hà" như một tuyên ngôn độc lập. Đó là một lựa chọn của tướng quân họ Lý, nhưng cũng là một cân nhắc của người sắp ra trận: thể thơ nào gươm giáo cung tên nhất?
Hiển nhiên, lãng mạn là thơ lục bát Huy Tưởng, nơi thi tập mới của anh rất mực trầm lắng, nơi nhiều bài thơ trình bày trên giấy như hình âm vang bay lên giữa trời từ chuông, có khi âm vang theo dòng dài ra và rồi có khi thu vào ngắn lại, và đôi khi thêm dấu chấm giữa dòng để làm chậm lại các suy tưởng, như dường để làm âm vang trầm lắng thêm. Như trong bài thơ 128, nhan đề "Tìm Nhau" trang 106, hình quả chuông hiện ra trên giấy, nhưng không giục giã, không vội vàng, và rồi chìm vào tịch mịch:

128
TÌM NHAU,

Chim gù
cóng buốt hồn rêu
vỗ đêm tĩnh tịch
vỗ chiều.chiều dâng
tìm nhau.ủ ấm ngày đông
đất trời lặng lẽ
xanh.
không nói gì!

Trong khi ký ức thơ lục bát của tôi là hình ảnh một vùng trời áo dài trắng của một cô giáo tôi đã quên tên, phải hỏi bạn học cũ mới được nhắc, và chỉ là một màu trắng trong trí nhớ, không cả một chút nhớ gì về khuôn mặt. Những bài học về thơ lục bát không nói gì về tượng hình của chữ, nhưng có lẽ ông bà mình khi soạn ra thể thơ lục bát là đã có sẵn những khuôn hình ảnh của các thiếu nữ hát quan họ, mặc áo tứ thân trong các lễ hội. Thử hình dung, cứ câu 6 chữ rồi tới câu 8 chữ, trông y hệt như hình ảnh cô gái mặc áo tứ thân, hay là hình ảnh ông bà mình gọi là thắt đáy lưng ong. Không hề thẳng đuột như thơ 5 chữ hay thơ 7 chữ. Có phải, thể thơ lục bát hình thành từ những tiếng thì thầm của những cặp tình nhân thời tiên-rồng, hay thời Lý-Trần, hay thời Lê-Nguyễn và vân vân?
Vâng, nữ tính có thể nhìn bằng mắt: thơ lục bát chính là hình ảnh thắt đáy lưng ong của các thiếu nữ nhiều thế kỷ trước. Vâng, lẳng lơ có thể nghe bằng tai: thơ lục bát là tiếng sáo trầm bổng của chàng Trương Chi ngập ngừng nhắn gửi nàng Mị Nương. Như trong bài thơ 147, nhan đề “Chạm Trổ Hoàng Hôn” nơi trang 115 trong thi tập mới của Huy Tưởng:

146
CHẠM TRỔ HOÀNG HÔN,

Một mai
trái đất có chìm
xin em
cố giữ trăng im trong hồn
anh sẽ
chạm trổ hoàng hôn
chiều lam tất tả.đêm dồn dập xanh…

Khi chúng ta nói rằng thơ lục bát Huy Tưởng trình bày trông có khi như áo tứ thân (dù là áo tứ thân cách tân hay truyền thống), không có nghĩa rằng thi sĩ đã tìm cách bước rời dòng sông thi ca quê nhà. Thơ Huy Tưởng là những gì rất đậm hồn dân tộc. Có khi thơ anh nghe như rất mực ca dao. Có thể những cách ngắt dòng và chen dấu chấm giữa dòng là một cách Huy Tưởng muốn làm khựng dòng tâm thức độc giả để anh tự che giấu những nỗi buồn bất khả tư lường của riêng anh? Tôi không biết. Tôi đọc thơ Huy Tưởng, cảm nhận thơ anh với những tà áo trắng trong ký ức thi ca riêng của mình, và nhìn thơ anh với ánh sáng của những chiều nắng quê nhà còn lưu giữ trong tim mình.
Và đôi khi tôi giựt mình, khi như dường thấy lại một bờ ao trong Xóm Chuồng Bò nơi một thời tôi trẻ thơ quậy phá. Trong bài thơ số 12, nhan đề “Nghĩ Ngợi Trên Bờ Ao” nơi trang 21, trong thi tập “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” của Huy Tưởng, một hình ảnh bờ ao được kể lại, qua thứ tự lục bát truyền thống, chỉ khác là thêm dấu chấm giữa ba dòng đầu:

12
NGHĨ NGỢI TRÊN BỜ AO,

nhái con.cóng giạt bờ ao
tôi về khóc suốt chiều hao.hụt chiều
một con nhái chết.phất phiêu
làm sao thấu được tiếng kêu sông hồ?!

Thơ Huy Tưởng buồn nhiều hơn vui. Chúng ta dễ dàng gặp các hình ảnh “chiều tà, bóng chiều, xuống đêm” trong thi tập mới của anh. Những hình ảnh thường gặp nơi quê hương mình như “thổi lửa, bếp lò, gọi đò” được anh tái hiện trong thơ một cách rất là sầu muộn. Nỗi buồn trong thơ Huy Tưởng như dường làm lạnh buốt cả trang giấy. Độc giả có thể cảm nhận như thế khi đọc bài thứ 28, nhan đề “Khản Tiếng Gọi Đò” nơi trang 33 của thi tập:

28
KHẢN TIẾNG GỌI ĐÒ,

bỏ chiều.theo bóng xuống đêm
thổi cho ngọn lửa hồng trên bếp lò
dỗ mình.côi cút bụi tro
nghìn năm khản tiếng gọi đò.lạnh tanh!...

Tuyệt vời của thơ lục bát là thơ tình. Vậy mà phải mất nhiều năm tôi mới thấy như thế. Thời tôi mới học thơ của những năm trung học đệ nhất cấp, lục bát được nhìn qua lăng kính rất mực nghiêm nghị. Như dường tình yêu phải là cấm kỵ. Ngay cả khi hình dung về cô giáo Lan, người dạy lũ nhóc chúng tôi làm thơ lục bát, hình như cô rất ít cười. Trời ạ, có một lần cô giáo Lan bật khóc vì bị lũ học trò quậy phá quá (tôi không nhớ, có phải cô hay không, nhưng tên bạn Nhy Trần kể là đúng cô Lan bật khóc giữa lớp vì bị lũ nhóc quậy phá). Lớp học thời đó nghiêm nghị tới mức, về sau tôi nhớ mãi hai dòng trong Lục Vân Tiên khi nhân vật chính không sợ lũ cướp đao kiếm đầy mình, mà chỉ sợ cô thiếu nữ con nhà lành bước ra trước mặt mình: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai…”
Trong khi đó, nơi một chân trời khác, thơ tình Huy Tưởng lãng mạn mà không hề lẳng lơ, nghiêm nghị mà rất mực thiết tha, chia cách mà nỗi nhớ rất gần… và thương em tới nổi nhìn thấy cả thế giới cỏ cây đang tự trầm. Như trong bài 150, nhan đề “Cớ Sao Cây Cỏ Tự Trầm” nơi trang 117 của thi tập mới:

150
CỚ SAO CÂY CỎ TỰ TRẦM

lời ve giọng bướm.lưng trời
mây bay xa quá.núi đồi phân thân
em về.đẹp rất từ tâm
cớ sao cây cỏ tự trầm.đêm qua?!

Huy Tưởng làm thơ và nổi tiếng từ trước 1975, do vậy anh có giao tình với nhiều người trong văn giới. Nơi trang 147 của tập thơ “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” kể về chuyện tới thăm thi sĩ Nguyễn Đức Sơn. Vào tháng 3/2019, được tin nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đột quỵ, Huy Tưởng và một số bằng hữu tới thăm Nguyễn Đức Sơn tai rừng Phương Bối, B’lao. Lúc đó, sức khỏe Nguyễn Đức Sơn suy kiệt, á khẩu, mất khả năng nhận thức, chốc chốc hú gọi inh rừng... Một số bài thơ từ trang 146 được xem như từ biệt, vì Huy Tưởng biết rằng khi trở về Úc châu là sẽ không bao giờ gặp lại Nguyễn Đức Sơn nữa.
Sau đây là bài thơ 189, nhan đề “Vài Bi Khúc Chia Biệt Thi Sỹ Nguyễn Đức Sơn” nơi trang 146, Huy Tưởng viết:

189
VÀI BI KHÚC CHIA BIỆT THI SỸ NGUYỄN ĐỨC SƠN,

treo mình như một hồn dơi
đêm đêm chao bóng.viết lời chiêm bao
bay nhảy như chú cào cào
búng chân dấy động.hú gào hư không
vì mình là sao.trên rừng
khuya hôm nhấp nháy soi lòng quạnh hiu
một đời vạm-vỡ-cô-liêu
phất tay.húc bóng.ráng chiều rưng rưng…

nằm đây
cô biệt núi rừng

nghêu ngao phi lạc.tầng tâng gió mây…

Huy Tưởng có vẻ như không thích tự nói về anh. Trong thi tập “Đêm Vang Hình Tiếng Chuông” không có phần tiểu sử tác giả, chỉ duy có phần Cùng Một Tác Giả, ghi các tác phẩm anh xuất bản từ 1968 tới 2020, phần lớn là thi tập và một số bản dịch. Tuy anh kiệm lời nơi đây, một số tiểu sử nới khác ghi rằng Huy Tưởng tên thật là Nguyễn Ðức Hiệp, sinh năm 1942 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, làm thơ và nổi tiếng từ trước 1975, hiện cư ngụ tại Úc châu.
Trong thi tập này, bài cuối cùng là anh tự nói về anh, một cách rất mực khiêm tốn, qua bài thơ 197, nhan đề “Tiếng Lời Ít Ỏi” viết như sau:

197.
TIẾNG LỜI ÍT ỎI,

vốn tôi
ít chữ.vụng lời
trí tâm chưa đủ như người tài hoa

nuôi lòng
tát cạn bao la
lay thức tịch lặng.âm ba đất trời!
đành thôi.
ít ỏi tiếng lời
đường mây trắng sẽ tuyệt vời
lãng du…

HUY TƯỞNG
Melbourne, tháng 02.2019.

Có một lời chưa nói đầy đủ về tập thơ (vì hội họa là lĩnh vực ngoài tầm suy nghĩ của người điểm sách): 10 tấm tranh của họa sĩ Trương Đình Uyên rất đẹp. Và đẹp là cả 2 ký họa chân dung Huy Tưởng và Trương Đình Uyên tự họa nơi bìa sau. Nơi bìa trước là họa sĩ Đinh Trường Chinh thiết kế âm vang thơ hình chuông.
PTH

Thi tập giá 30 đôla. Độc giả quan tâm xin liên lạc: nxb Văn Học Press: 22 Agostino, Irvine, CA 92614
USA • vmail: +1-949-981-3978 • email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press


No comments:

Post a Comment