Monday, July 6, 2020

BAO GIỜ TẬN THẾ ?

Huyền Chiêu

Tranh Salvador Dali

Thuở bé tôi đã từng nghe nói năm 2000 tất cả loài người trên trái đất sẽ chết hết. Điều đó gọi là tận thế. Và trái đất cứ vài triệu năm lại có một lần tận thế rồi sau đó vài triệu năm lại có một loài người kiểu mới được sinh ra…
Từ đó tôi tưởng tượng năm 2000 sẽ có một sao chổi va vào trái đất và trái đất sẽ nổ tung hoặc trái đất càng ngày càng tiến gần đến mặt trời làm băng tan chảy và nhấn chìm tất cả…

Thuở ấy tôi chưa biết gì về hóa học.
Thuở ấy tôi lớn lên trên một trái đất rất hồn nhiên, chân thật và thánh thiện.
Xuân, Hạ, Thu, Đông cứ lần lượt đưa tôi lớn lên trong mùi hương của tháng ngày.
Tôi yêu mùi hoa bưởi trong vườn, mùi lá chuối đậy trên nồi cơm, mùi bồ kết trong nồi nước gội tóc của mẹ, mùi nhang trầm đêm giao thừa.
Mỗi khi về thăm quê nội, tôi yêu cánh đồng thơm mùi lúa chín, yêu cả mùi phân bò nồng nồng, ngai ngái khi bước chân vào cổng ngôi nhà mái ngói âm dương phủ đầy rêu.

Tuổi 15 tôi bắt đầu yêu màu sắc và mùi hương trừu tượng, lãng đãng trong thơ văn:
“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh”
(Màu Thời Gian – Đoàn Phú Tứ)

Lớn hơn chút xíu, tôi mơ mộng với lời đường mật của Đinh Hùng:

“Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút hương thầm kia mới quen”
(Một Tiếng Em – Đinh Hùng)

Cuộc sống thuở ấy thật đáng yêu với những sắc màu trời cho.

Thật thú vị khi vào bếp nhìn mẹ chiết xuất màu xanh từ lá dứa, màu vàng từ củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc, màu tím từ lá cẩm…

Tôi yêu buổi chiều của Phạm Duy có màu áo chàm in bóng trên miền rừng núi trung du:

“Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều”
(Nương Chiều – Phạm Duy)

Chiếc áo chàm này chắc chắn không nhuộm bằng phẩm màu hóa học.

Rồi không biết từ lúc nào những phát minh, ứng dụng của hóa chất từ các phòng thí nghiệm đã âm thầm len lỏi vào cuộc sống của loài người trên khắp trái đất.

Sau hơn 20 năm vương đầy mùi thuốc súng, đất nước tôi “tự hào” sánh vai cùng thế giới bước vào cuộc sống văn minh vật chất ngập tràn hóa chất.

Chẳng cần phải đi tìm lá dứa, củ nghệ, lá cẩm, … vào hàng tạp hóa bà nội trợ sẽ có ngay hàng chục ống nước màu để lựa chọn. Kem va-ni, kem sô-cô-la, kem dâu, kem sầu riêng ư? Toàn là hóa chất. Dầu gội, sữa tắm, nước hoa, muốn mùi thơm nào cũng có…

Từ ngày tìm ra dầu lửa, người ta cũng làm ra vải ny-lông. Từ đây bông vải, tằm tơ phải lui bước cho hàng triệu triệu mét vải với đủ màu sắc rực rỡ.

Chỉ có nửa thế kỷ mà loài người đã ngập ngụa trong hóa chất.

Hãy xem trong xe đẩy của một người đi siêu thị.

Xà phòng, dầu gội, sữa tắm, nước rửa tay, chai xịt gián, nước lau nhà, nước rửa chén, ngay cả chai nước mắm, xì dầu, tương ớt cũng được pha chế từ hóa chất.

Các kỹ sư hóa học, các phòng thí nghiệm luôn tất bật tìm ra những hóa phẩm phục vụ cho cuộc sống thụ hưởng của loài người.

Rồi chuyện gì đến phải đến.

Kẻ ác đã tận dụng phòng thí nghiệm để làm ra bom vi trùng.
Nếu một quả bom nguyên tử chỉ giết chết dân của một thành phố thì bom vi trùng sẽ tận diệt loài người.
Loài người chỉ có thể sống sót khi trái đất không còn kẻ tham và ác.
Nhưng dường như cuộc sống vật chất, hưởng thụ càng cao tỷ lệ thuận với cái tham cái ác.

Phải có ngày tận thế, ngoại trừ loài người bỏ hết xe hơi, máy bay, máy cày, kem va-ni, nước hoa, sữa tắm, thuốc xịt gián, … quay về mặc áo chàm, quảy lúa trên vai trong tiếng trâu bò về giục mõ xa xôi.

“Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều”
(Nương Chiều – Phạm Duy)

Đã bao lâu rồi chúng ta không còn ngắm trăng mọc.
Đã bao lâu rồi chúng ta phải sống hối hả không còn thì giờ để tương tư?

HUYỀN CHIÊU
Ninh Hòa, Tháng 5-2020

No comments:

Post a Comment