Tình già. Hình Internet
*tặng Lữ Quỳnh
Bà chủ tịch nhà tui, vừa mới đây, xem cái cờ
líp ông bạn già THT bên Mỹ tập đi sau khi đột quỵ, đã xúc động cảm thán thành
thơ:“Mẹ ơi, giờ không còn mẹ/ rẩy run con tập một mình”!
Tui thì may nhờ một ông bạn bác sĩ đang ở
tuổi chớm già, cho toa thuốc “uống tới khi nào anh chết mới thôi” nên chưa đột
quỵ, nhưng cũng đã già quá rồi, già khú đế, già cúp bình thiếc,
già hết thuốc chữa!
Sáng nay, bà ấy phán, “anh cần một cây gậy!”,
khi thấy tui liu xiu muốn ngã! Gậy thì đã có một ông bạn già ở Bến Tre cho (một
cây gậy trúc nhặt mắt, vàng óng rất đẹp), nhưng khổ nổi, bên cạnh một nương tử
mà ai cũng hỏi “sao không chịu già”, mình lại đi bằng ba chân, dẫu cái chân thứ
3 có bịt vàng chăng nữa cũng thấy nó sao sao, nếu không muốn nói là rất mắc cỡ.
Thôi thì bắt chước thi sĩ họ Bùi, gọi
nàng là mẫu thân, để cầu tre lắt lẻo khó đi, khó đi mẹ dắt con đi. (Chớ bắt chước
Lục Vân Tiên, cái lưng đã còng thì làm sao cõng mẹ hết chạy ra đến chạy vô cho
đặng!)
Già khổ thế đấy! Đâu có sướng như bác sĩ
nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc! Sáng chiều ông cứ loay hoay “già sao cho sướng” (nói nhỏ,
không biết muốn sướng cái gì!)
Nhưng, cái khổ của tui cũng chưa đến nỗi
nào, vì dẫu sao cũng còn có đôi, đi đâu đứng đâu ngồi đâu (không có nằm) cũng
có bên nhau, chứ già mà một mình ên thì đúng là buồn, rất buồn!
Mới
đây, trên Phố Văn, Nguyễn Xuân Thiệp viết một bài rất hay về tiếng nước reo gợi
nhớ một thời rất dễ thương ở Bảo Lộc và một thời dễ ghét ở các trại tù, nhưng
dù thương hay ghét, cái tiếng nước sôi trong ấm nghe cũng rất vui vì còn có tiếng
cười, tiếng nói, đôi khi là tiếng khóc của bạn bè. Cho đến giờ trong ngôi nhà
không còn vợ, con thì ở xa, tiếng nước reo trong ấm mỗi buổi sáng khi thức dậy
pha trà, nghe chỉ một mình, đúng là buồn muốn khóc!
Chắc vì sợ nghe tiếng nước reo một mình,
nên nhiều cụ Việt kiều dù không còn yêu nước nữa, cũng đã bỏ nước Mỹ mà về Việt
Nam, ráng kiếm một “mợ”, để vui tuổi già. Chiều chiều dắt nhau đi ăn kem (không
ra bờ sông vì sợ rơi xuống sông ướt cái quần nilon), uống trà sữa cũng tình tứ
lắm. Tối đến nằm bên nhau“thì thầm bên gối” còn mê ly (mà không rùng rợn) hơn nữa.
Nhưng thấy vậy mà không phải vậy, vì cái
vui của những đôi đũa lệch đủ kiểu này, khó mà lâu bền được.
Vẫn biết cái gì không mua được bằng tiền
thì mua được bằng nhiều tiền. Nhưng mà, tiền “hiu” của anh đâu có nhiều, trong
khi cái tình em lại tỉ lệ thuận với đô la. Còn cái thú đánh cờ người kiểu Hồ
Xuân Hương, hay đánh bài cát tê thì anh thua toàn tập là cái chắc!
Thế thì ngồi nghe tiếng nước reo gây mùi
nhớ như trang chủ Phố Văn, buồn thì có buồn nhưng khỏi phải bực!
Thực ra, một người đã trải qua tám mươi
năm cuộc đời, giờ này mà còn ngồi gõ máy tán chuyện bao đồng, sau khi đã khóc
cười theo mệnh nước nổi trôi, thì ba cái chuyện đau cái lưng mỏi cái gối, ăn
không biết ngon (vì răng giả), ngủ không đủ giấc (vì tiền hậu gì đó bị liệt),
ngẫm ra cũng đâu có nhằm nhò gì.
Đã mang tiếng làm người thì ai mà không
khổ. Nhưng tui cũng chỉ khổ khơi khơi chứ không khổ đến nỗi phải đau, khổ đến tận
cùng bằng số như nhiều bậc làm người vĩ đại khác.
Như Bác, người đã đạt đến đỉnh cao muôn
trượng của trí tuệ, từng làm bồi bếp, từng bị tù, bôn ba khắp thế giới, cứu được
cả nước nhưng không cứu được mình.
Từ hang Pác pó tối tăm lạnh lẽo đến
ngôi nhà sàn kỷ vật hoang vu, Bác sống chỉ mỗi mình ên, từ phục vụ đến thư ký cũng đều không có chút
gì gọi là mùi đờn bà. Nhìn cái giường gỗ cứng, đôi dép cao su để lại cho hậu thế,
nó thô sơ lẻ loi thấy thương làm sao!
Nghe đâu Bác cũng có ít nhất đến 3 người
đờn bà đã từng chia xương xẻ thịt với Bác, nhưng đảng nhứt định không cho gặp mặt,
chứ nói gì cho ngồi vào ngôi đệ nhất phu nhân. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, bên
Bác cũng chỉ có Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, những lão già chính trị khô khan khó chịu,
rồi ngày chết cũng không được cúng giỗ đúng ngày, xác cũng để đó canh giữ cẩn mật
trong trong lăng, mãi mãi không cho chôn!
Thế thì linh hồn Bác biết đi về đâu, cứ
vất vưởng trên bờ cây ngọn cỏ, còn thảm hơn cả những kẻ chết bờ chết bụi mà thi
hào Nguyễn Du đã kể trong văn tế Thập loại chúng sinh!
Hỡi ôi, Bác đã khai sinh ra đảng, nhưng
giờ đảng lại cầm tù Bác. Thật tội nghiệp!
KHUẤT
ĐẨU
Viết giữa mùa ôn dịch
No comments:
Post a Comment