Thursday, July 23, 2020

THƯƠNG NHỚ NGƯỜI… CẦM ROI

Khuất Đẩu

Nguồn: Internet

Gửi Đỗ Hồng Ngọc

Anh Ngọc à, nếu “nghĩ từ trái tim” như anh thường nói, tôi thấy mình không thể nào thương nhớ nổi đòn roi được, mà phải là thương nhớ người cầm roi, tức là thương cha thương mẹ và thương thầy, những người dạy ta trước khi vào đời. Cũng có nghĩa rằng thương cái cách cho roi cho vọt của họ, nói chữ là cách giáo dục.

Mặc dù “làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói”, nhưng vẫn là một làng quê nghèo. Cha mẹ tôi và cả thầy giáo vỡ lòng của tôi, cũng là nông dân từ đầu đến chân và từ suy nghĩ đến hành động. Cho nên cách dạy con của họ phải nói là không được văn minh, nếu không muốn nói là thô bạo, tức là theo cách “thương thì cho roi cho vọt”.

Như bao đứa trẻ khác, tôi cũng thường bị ăn đòn!

Người để lại dấu ấn sâu sắc nhất chính là cha tôi. Ông ấy hơn tôi chỉ đúng 18 tuổi, nhưng tôi tưởng hơn cả ngàn và sợ ông như sợ các bạo chúa Trung Hoa! Vừa gia trưởng, vừa độc đoán, chẳng riêng gì tôi mà cả ông nội bà nội và mẹ tôi đều sợ.

Ngọn roi đầu đời mà tôi được nếm cay xè là thế này. Hôm ấy, cách đây đúng 75 năm, sau khi chạy đi xem ông hàng xóm đánh con gái, tôi về khoe: “Cha ơi, ông Ánh ổng ánh con Ánh”, trong bụng tự cho là mình ngon hơn con nhỏ nọ. Cha tôi liền bảo, bẻ cái roi đem vào đây! Tôi nghĩ bụng (chứ không nghĩ từ trái tim) chắc là để đánh thêm con nhỏ đó cho nó chừa, nên tôi ra bụi trảy đầu hè bẻ một nhánh trảy thật dài, thường gọi là roi mót, đánh rất đau. Nào ngờ ông bảo nằm lên phản, nhịp nhịp đầu roi trên hai cái mông. Ông lớn tiếng:
“Nói lại coi, ông Ánh làm gì”?
“Dạ, ổng ánh con Ánh!”
“Trật rồi, ông Ánh đánh con Ánh, nói đi”
Ba lần đều sai cả ba. Cứ mỗi lần nói sai là “ăn” một ngọn roi đau buốt tận óc.
Đánh đủ 3, ông cất roi, bảo: “Cho 3 ngày, còn nói sai, đánh đủ 10 roi”.

Lệnh ban ra còn hơn cả lệnh vua, vì không chỉ riêng tôi mà cả nhà đều “ánh ánh… đánh đánh”!
Từ đó tôi không còn nói đớt nữa. Và rất “may” cho tôi, là ông mang roi theo sau một trận thương hàn, mặc dù càng lớn tôi càng mắc nhiều lỗi!

Dĩ nhiên, hồi đó tôi không “thương” ông được. Nghĩ từ cái bụng cho nên tôi không khóc khi ông mất. Nhưng khi bước vào đời, tôi thấy rất cần có ông. Những vấp ngã, những lầm lỡ, rất cần cánh tay vững chãi và khối óc sáng suốt của cha hơn là những giọt nước mắt của mẹ.

Và, lúc chớm già, phải chi có một ông “bạn” già hơn mình đúng một giáp rưỡi, mời nhau một điếu thuốc, một ly rượu hay “khà” một tiếng sau khi cạn một cốc bia! Ấm áp xiết bao, dịu ngọt xiết bao!
Còn mẹ tôi, bà không chỉ cho ăn cơm nhai từ cái miệng răng đen mà còn cho “ăn” đòn từ đôi tay đầy chai sạn của bà.

Chuyện là thế này. Tôi đã bớt tiền mua nước mắm để mua kẹo, và tôi được ăn thêm trận đòn nhớ đời.

Không đánh bằng roi mót mà bằng tàu cau. Không nằm phơi mông trên phản mà nằm úp mặt trên sân đất trước nhà. Mẹ tôi như một bà nữ quan, ông tôi và bà tôi như sai nha. Ông thì đè đầu, bà đè chân (sợ phạm nhân vùng dậy chạy trốn). Tôi bị đánh 3 roi, không đau như roi mót, nhưng cái bản tin mà bà ghi trên vách khiến tôi khá đau. Ấy là, để tôi nhớ và chừa, bà lấy than viết trên vách: “thằn Sơn ăng cắp”.* Vì bà mới tốt nghiệp bình dân học vụ nên chỉ có 4 chữ mà đến 2 lỗi chính tả, còn chữ thì như gà bới.

Cũng may là nhà bị đốt cháy, cái bức vách ghi tội lỗi ấy cũng không còn nên tôi đỡ phải xấu hổ với con vợ vừa mới cưới sau này!

Thầy giáo vỡ lòng của tôi, ngoài việc sai những đứa lớn đi bắt tụi trốn học đem về trường, đánh đến quắn đít, còn bắt quỳ xơ mít và bắt đứng ngửa người ra sau vì cái tội viết chữ đứng không thẳng.

Nói cho cùng, những người cầm roi ấy, quả thật rất thô bạo, nói theo kiểu Âu Mỹ là làm mất nhân cách, tổn hại tinh thần, sẽ bị tòa kêu án ít ra cũng mấy tháng tù treo.

Nhưng nghĩ từ trái tim như anh, tôi thấy họ cũng chỉ đánh bằng trái tim, cho nên, dù vụng về, dù không giống ai, về già mình chỉ thấy thương chứ không hề oán ghét. Còn nên hay hư chủ yếu là do xã hội và nhà trường. Với một thế giới đầy những Putin, Kim Jong Un, Tập Cận Bình, Trump, Duterte, Cờ lờ mờ… thì bọn trẻ trước sau gì cũng sẽ trở thành những Hồng vệ binh, vậy thôi!

Nói chơi cho vui, chứ không dám cãi anh đâu!

Gửi anh lời chúc mừng đã đạt ngưỡng “đỉnh cao” Tám Mươi năm cuộc đời!

KHUẤT ĐẨU
22/7/2020

*Vợ anh bạn tôi vừa mới mất, ghi lên bảng mắng con như thế này: “Hãy giết tôi bằng gươm bằng giáo/ Xin đừng giết tôi bằng những lời hỗn láo”!


No comments:

Post a Comment