Trương Gia Vy & Giang
à, xóa bàn đi làm lại
hết
Ta thả đời ta giữa
gió bay
Giang
Trương
Gia Vy và tôi thường líu lo, khúc khích với nhau trong những lần họp mặt bạn bè
ở nhà anh chị Nguyễn Mộng Giác mỗi cuối tuần. Có phải vì cả 2 đều lập gia đình
với những vị hơn chúng tôi rất nhiều tuổi? Nghiêu Đề hơn tôi 15 và Nguyễn Xuân
Hoàng hơn Vy 16 .
Thuở
nhỏ chúng tôi sống rất điệu và lại còn rất cường điệu. Đi nhà thờ với áo dài
thướt tha yêu kiều và thật dịu hiền, nhưng chẳng bao giờ cầm theo thánh kinh,
thường trốn tới Alliance Francaise coi tranh với quyển La Nausée trên tay. Nếu
có chiều nào đi café thì làm dáng với “The Sound and The Fury“… Những quyển
sách mà với tuổi 16,17 của tôi, càng đọc càng không hiểu gì hết, càng đọc càng
tẩu hoả nhập ma… Phải chăng khi lập gia đình tôi cũng mang thói tật cường điệu
đó? Dù cho Cha Mẹ đã nhiều lần hăm dọa từ bỏ, hoặc bạn bè thân thiết của anh cảnh
cáo, như TDTừ: ”Nói cho cô hiểu là thằng bạn của chúng tôi sẽ chẳng săn sóc gì
được cho cái gọi là mái ấm gia đình đâu đó nhé, nó chỉ giúp cô được mỗi một điều
là sống chung để cô không còn sợ… ma !” . Nhưng tôi vẫn quyết tâm sống với người
họa sĩ mình yêu mến, với tôi, cách sống mà như chơi cùng với lối nói chuyện đầy
minh triết của anh đã là điểm sáng, chói ngời để tôi được cười vui chan hòa, chẳng
sợ gì đời sống vật chất đầy khó khăn trước mặt. Tôi còn ráng nói vói theo cùng
thiên hạ, với lời tuyên bố đầy phiền toái trước khi lập gia đình: Không mua nổi
tranh, thôi lấy hoạ sĩ cho nó chắc ăn!
Những
năm sống ở California, cuối tuần hẹn hay không hẹn, chúng tôi đều đến “thăm “ một
nhóm chung ở nhà anh chị Giác hoặc Nguyễn Đức Quang. Những câu chuyện được bàn
ra hay nói tới chỉ nằm gọn trong câu kết luận của Nghiêu Đề trước khi tan hàng:
“Cái hay nhất là cả đám bàn tán rất hăng hái về mọi đề tài, văn học, chính trị
,văn chương , âm nhạc… nhưng đến khi ra về thì không ai còn nhớ là đã bàn, đã
nói những gì, thôi coi như huề cả làng”. Rất nhớ một lần anh NXHoàng vừa hướng
về phía Hội Phụ Nữ chúng tôi vừa hỏi “Các đấng Vợ Hiền đang bàn gì đây?”,
Nghiêu Đề bèn sáng tác ngay thơ , làm tất cả bạn bè cười tung cười toé: ”Đừng
mong con vợ nó Hiền, chỉ cầu con vợ không Điên đủ rồi". Vy và tôi đều
nghĩ: Những cô vợ đã không hiền lại còn rất điên, chắc phải là chúng tôi
đây"!
Khi
bịnh tình của NĐ đã tới thời kỳ tuyệt vọng, tôi hiểu anh rất đau lòng vì ngày
tháng cuối đã gần kề. Ai san sẻ được những nỗi khổ đau của một người đang sống
chợt hiểu ra mình sắp chết? Không người thân, không vợ con nào có thể khứng chịu
dùm những hoảng sợ cuối cùng đó… Nhưng NĐ đã chấp nhận mọi thứ, mọi điều theo một
cách riêng. Anh vẫn nói đùa, những câu nói giỡn rất vui nhưng sâu sắc và duyên
dáng của anh đã làm cho gia đình luôn
ròn rã tiếng cười, những tiếng cười hòa tan trong âm vang của nhiều cay đắng .
Anh
Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Đức Quang xuống thăm, thay vì thở than cùng bịnh hoạn
, NĐQ nhìn quanh nhà thắc mắc: “Họa sĩ gì mà không treo bức tranh nào vậy ông?”
NĐ cười hóm hỉnh: ”Tôi nghĩ lừa phỉnh người ngoài để họ treo tranh mình ở nhà họ
là đã quá đủ rồi , lừa gạt chi tới vợ tới con!” Anh Hoàng và NĐQ cười vang, những
nụ cười đầy thú vị, và qua đó chúng tôi cảm thấy như nỗi buồn thảm đã được giảm
bớt đi cùng một chút quên lãng.
Ngô
Thế Vinh , người bạn tấm cám không thể nào không nhiều lần ghé thăm NĐ. Những lần
Anh đến , mấy đứa nhỏ thường hỏi Bác NTVinh về chuyện học môn gì, ngành gì… Anh
Vinh truyền nhiều kinh nghiệm, kèm thêm lời dặn dò: “Bác lên San Francisco tuần
trước, ghé thăm gia đình người bạn VN , cộng hết cha mẹ và con cái, họ có 7 bác
sĩ tất cả. Nếu mình nói ra chắc người Mỹ sẽ không hiểu tại sao chúng ta lại có
nhiều bác sĩ như vậy trong cùng một gia đình? Bác nghĩ thế hệ mấy cháu nên học
thêm những ngành khác." Đang thở không ra hơi nhưng NĐ nói ngay: “Thôi ông
ơi, 7 bác sĩ trong một gia đình thì chắc Tây Mỹ nó thấy khó hiểu, nhưng nếu ông
hoặc tôi nói rằng: “gia đình tôi có tất cả 7 thi sĩ , hoặc 7 hoạ sĩ , thì chắc
Mỹ Tây nó lại càng không sao hiểu nổi …”
Chị
Vy,
Quả
tình chúng ta đã cùng cười với Nghiêu Đề cho đến tận ngày cuối. Nhưng khi tiếng
thở hắt ra, tiếng thở sau cùng của Nguyễn Xuân Hoàng, của Nghiêu Đề, đã làm những
giọt nước mắt của Vy, của em rơi xuống , những giọt nước mắt không hề biết “điệu”.
Và , khi ngẩn ngơ ngồi trước một người thân đã vừa thở hắt ra hơi thở cuối, đã
vừa ra đi , có phải cả Vy và em đều xác tín một điều: Nỗi chết rất nguyên si ,
rất trần trụi , rất thật . Và nhất là đã chẳng hề có sự “cường điệu” nào cho nỗi
Chết .
LÊCHIỀUGIANG
9/2014
No comments:
Post a Comment