Đỗ
Hồng Ngọc
Chuyến phà trong phim L’Amant
Tôi thấy tôi thương
những chuyến phà
Ngàn đời không đủ sức đi xa…
Không
phải thơ của tôi đâu! Nhại thơ Tế Hanh đó. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, Tế
Hanh viết:
Tôi thấy tôi thương
những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau…
(Những
ngày nghỉ học. Tế Hanh).
Thật
ra mấy chiếc toa tàu chẳng nặng khổ đau gì đâu, khổ đau chẳng qua là do “lòng của
người đi với kẻ về” kìa! Nhưng Tế Hanh quả cũng không thể ngờ rằng chẳng bao
lâu sau đó, những chiếc xe lửa đầu đạn chạy nhanh như gió với tốc độ 300 km/giờ
và nay đã lên đến 500 km/giờ!
Phà
ở quê mình thì khác. Hằng trăm năm nay vẫn ì ạch nối đôi bờ. Thế rồi một hôm bỗng
bị người ta vứt lên cạn. Xẻ thịt. Bán ve chai… Không ai còn cần tới nữa! Người
ta nay đã có cầu. Những chiếc cầu ngạo nghễ, nghênh ngang vươn giữa dòng sông.
Nhưng,
hãy đợi đấy! Với tình hình hiện nay, đến một lúc khi mà “sông kia rày đã nên đồng”
thì những cây cầu cũng sẽ bị xẻ thịt, bán ve chai… “Cửu Long cạn dòng, Biển
Đông dậy sóng”, là cuốn sách của bạn tôi, bác sĩ, nhà văn Ngô Thế Vinh báo động
gần hai mươi năm trước, nay gần như đã hiện thực. Gần đây, Ngô Thế Vinh còn có
loạt bài nêu vấn đề phải chăng cần làm đê ngăn nước mặn tràn bờ và làm những hồ
chứa nước ngọt ở U Minh Đồng Tháp, một khi nước ngọt sắp trở thành một thứ
“vàng xanh”!
Những
ngày cuối năm, tôi vội vã đi một vòng qua những chuyến phà. Hết rồi phà Rạch Miễu.
Hết rồi phà Cần Thơ, phà Mỹ Thuận. Hết cả phà Hàm Luông. May còn Cổ Chiên. Cổ
Chiên thiệt ngộ. Ngay cái tên nghe cũng khoái rồi. Cổ Chiên khác Cần Thơ, Rạch
Miễu. Nó dài và rộng hơn, và đặc biệt, nó gần biển hơn nên lắc lư với sóng và
gió biển, đến nỗi tưởng mình đang vượt biển trong khi những phà khác chỉ vươn
qua một dòng sông! Đi trên phà Cổ Chiên… sắp dẹp, đã nghe có cái gì khang khác:
không còn ung dung, thư thả, mà hấp tấp vội vàng. Ai nấy như bực bội, cáu gắt
hơn, kể cả những nhân viên phục vụ. Họ sẵn sàng quát tháo, to tiếng. Không một
tiếng rao. Không một tiếng đàn, tiếng hát… Rời Cổ Chiên, tôi qua Đình Khao rồi
Vàm Cống, An Hòa, Cao Lãnh, Mỹ Lợi… Không kể phà Cát Lái, Bình Khánh, Thủ Thiêm
vốn gần gũi thân quen.
Đi
cho hết phà. Bởi vì rồi đây phà sẽ vắng dần rồi tắt ngủm. Như những cây cầu khỉ
và áo dài trắng nữ sinh. Và, như những dòng sông…
Phà
đúng là ngàn đời không đủ sức đi xa! Chỉ bờ này bến nọ. Nối những niềm vui, những
nỗi buồn, những đợi chờ… “Em đi mau
kẻo trễ chuyến phà đêm… qua bến bắc Cần Thơ”(Chiếc áo bà ba, Trần Thiện
Thanh)… Hồi đó trong Nam phà gọi
là “bac” – tiếng Pháp- chạy có giờ. Ban đêm phà nghỉ. Trễ một chuyến phà là trễ
biết bao nhiêu!
Phà chẳng những không đủ sức đi xa mà còn không đủ sức đi mau. Nó ì ạch một cách dễ thương. Ai vội vã mặc ai. Nó cứ ì ạch, khệnh khạng, làm như không nỡ rời bến, không nỡ cặp bờ… Há mõm thật to bên này nuốt gọn dòng người dòng xe rồi há mõm thật to bên kia nhả dòng người dòng xe ra cứ như một con quái vật hiền lành.
Phà chẳng những không đủ sức đi xa mà còn không đủ sức đi mau. Nó ì ạch một cách dễ thương. Ai vội vã mặc ai. Nó cứ ì ạch, khệnh khạng, làm như không nỡ rời bến, không nỡ cặp bờ… Há mõm thật to bên này nuốt gọn dòng người dòng xe rồi há mõm thật to bên kia nhả dòng người dòng xe ra cứ như một con quái vật hiền lành.
Và
những chuyến phà trăng. Nó ì ạch chở trăng đi. Nó nhích từng bước như sợ trăng
tan. Lòng người cũng nhẹ tênh, dãi cùng trăng sáng. Bỗng nhớ
Có ai về miền tây/
lúa mùa thơm, thơm mãi/ dừa xanh nghiêng chênh chếch/ cá ngược dòng sông đầy… Có
ai về miền tây/ mái nghèo nhưng mà đẹp/ má gầy nhưng mà xinh…(Y Vân).
Có
những cuộc tình phà. Làm như khi người ta lên phà, rời bến, người ta sống một
cách khác rồi. Lòng rộng mở cùng sông nước, chập chùng cùng bãi bờ. Người ta bỗng
dễ thương chi lạ. Nếu không, đâu có L’amant
(Người tình) của Marguerite Duras thuở nào…
Một
ông bạn “đào hoa” của tôi nói, qua phà, một cơ hội tốt để làm quen, đế tán tỉnh…
Ai cũng đẹp ra, thảnh thơi ra, mở lòng ra. Người ta hình như đã bỏ đi trên bờ
kia bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu khổ lụy. Chỉ có ở trên phà, người ta mới dễ
mời mọc xâu nem, bịch bánh tráng, mía, bắp, trái cây các thứ. Chỉ có ở trên
phà, người ta mới dễ nhũn lòng với tiếng hát tiếng rao. Sau những giờ cá hộp nhọc
nhằn, sau những giờ chờ đợi mướt mồ hôi, người ta uống vội trái dừa tươi hay ly
trà đá để kịp chen chúc xuống phà. Nhẹ nhõm, sảng khoái, lâng lâng. Phà vì thế
mà.. rất phà!
Tôi
còn có một kỷ niệm với Phà Rừng, một đêm trăng. Đó là năm 1978, lần đầu tiên ra
miền Bắc. Phà Rừng. Phà qua sông Bạch Đằng. Không thể cầm lòng mà không thử
nhúng chân xuống nước, để nghe rờn rợn lời của dòng sông “…Bạch Đằng giang sông hùng dũng của nòi giống
tiên rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…” …
(ĐHN)
No comments:
Post a Comment