Thursday, July 30, 2020

KHỔ CÁI THÂN GIÀ!

Khuất Đẩu

Tình già. Hình Internet

*tặng Lữ Quỳnh

    Bà chủ tịch nhà tui, vừa mới đây, xem cái cờ líp ông bạn già THT bên Mỹ tập đi sau khi đột quỵ, đã xúc động cảm thán thành thơ:“Mẹ ơi, giờ không còn mẹ/ rẩy run con tập một mình”!
     Tui thì may nhờ một ông bạn bác sĩ đang ở tuổi chớm già, cho toa thuốc “uống tới khi nào anh chết mới thôi” nên chưa đột quỵ, nhưng cũng đã già quá rồi, già khú đế, già cúp bình thiếc, già hết thuốc chữa!
     Sáng nay, bà ấy phán, “anh cần một cây gậy!”, khi thấy tui liu xiu muốn ngã! Gậy thì đã có một ông bạn già ở Bến Tre cho (một cây gậy trúc nhặt mắt, vàng óng rất đẹp), nhưng khổ nổi, bên cạnh một nương tử mà ai cũng hỏi “sao không chịu già”, mình lại đi bằng ba chân, dẫu cái chân thứ 3 có bịt vàng chăng nữa cũng thấy nó sao sao, nếu không muốn nói là rất mắc cỡ.
      Thôi thì bắt chước thi sĩ họ Bùi, gọi nàng là mẫu thân, để cầu tre lắt lẻo khó đi, khó đi mẹ dắt con đi. (Chớ bắt chước Lục Vân Tiên, cái lưng đã còng thì làm sao cõng mẹ hết chạy ra đến chạy vô cho đặng!)
      Già khổ thế đấy! Đâu có sướng như bác sĩ nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc! Sáng chiều ông cứ loay hoay “già sao cho sướng” (nói nhỏ, không biết muốn sướng cái gì!)
       Nhưng, cái khổ của tui cũng chưa đến nỗi nào, vì dẫu sao cũng còn có đôi, đi đâu đứng đâu ngồi đâu (không có nằm) cũng có bên nhau, chứ già mà một mình ên thì đúng là buồn, rất buồn!
       Mới đây, trên Phố Văn, Nguyễn Xuân Thiệp viết một bài rất hay về tiếng nước reo gợi nhớ một thời rất dễ thương ở Bảo Lộc và một thời dễ ghét ở các trại tù, nhưng dù thương hay ghét, cái tiếng nước sôi trong ấm nghe cũng rất vui vì còn có tiếng cười, tiếng nói, đôi khi là tiếng khóc của bạn bè. Cho đến giờ trong ngôi nhà không còn vợ, con thì ở xa, tiếng nước reo trong ấm mỗi buổi sáng khi thức dậy pha trà, nghe chỉ một mình, đúng là buồn muốn khóc!
       Chắc vì sợ nghe tiếng nước reo một mình, nên nhiều cụ Việt kiều dù không còn yêu nước nữa, cũng đã bỏ nước Mỹ mà về Việt Nam, ráng kiếm một “mợ”, để vui tuổi già. Chiều chiều dắt nhau đi ăn kem (không ra bờ sông vì sợ rơi xuống sông ướt cái quần nilon), uống trà sữa cũng tình tứ lắm. Tối đến nằm bên nhau“thì thầm bên gối” còn mê ly (mà không rùng rợn) hơn nữa.
      Nhưng thấy vậy mà không phải vậy, vì cái vui của những đôi đũa lệch đủ kiểu này, khó mà lâu bền được.
      Vẫn biết cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền. Nhưng mà, tiền “hiu” của anh đâu có nhiều, trong khi cái tình em lại tỉ lệ thuận với đô la. Còn cái thú đánh cờ người kiểu Hồ Xuân Hương, hay đánh bài cát tê thì anh thua toàn tập là cái chắc!
      Thế thì ngồi nghe tiếng nước reo gây mùi nhớ như trang chủ Phố Văn, buồn thì có buồn nhưng khỏi phải bực!
     
       Thực ra, một người đã trải qua tám mươi năm cuộc đời, giờ này mà còn ngồi gõ máy tán chuyện bao đồng, sau khi đã khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, thì ba cái chuyện đau cái lưng mỏi cái gối, ăn không biết ngon (vì răng giả), ngủ không đủ giấc (vì tiền hậu gì đó bị liệt), ngẫm ra cũng đâu có nhằm nhò gì.
        Đã mang tiếng làm người thì ai mà không khổ. Nhưng tui cũng chỉ khổ khơi khơi chứ không khổ đến nỗi phải đau, khổ đến tận cùng bằng số như nhiều bậc làm người vĩ đại khác.
        Như Bác, người đã đạt đến đỉnh cao muôn trượng của trí tuệ, từng làm bồi bếp, từng bị tù, bôn ba khắp thế giới, cứu được cả nước nhưng không cứu được mình.
        Từ hang Pác pó tối tăm lạnh lẽo đến ngôi nhà sàn kỷ vật hoang vu, Bác sống chỉ mỗi mình ên,  từ phục vụ đến thư ký cũng đều không có chút gì gọi là mùi đờn bà. Nhìn cái giường gỗ cứng, đôi dép cao su để lại cho hậu thế, nó thô sơ lẻ loi thấy thương làm sao!
        Nghe đâu Bác cũng có ít nhất đến 3 người đờn bà đã từng chia xương xẻ thịt với Bác, nhưng đảng nhứt định không cho gặp mặt, chứ nói gì cho ngồi vào ngôi đệ nhất phu nhân. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, bên Bác cũng chỉ có Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, những lão già chính trị khô khan khó chịu, rồi ngày chết cũng không được cúng giỗ đúng ngày, xác cũng để đó canh giữ cẩn mật trong trong lăng, mãi mãi không cho chôn!
       Thế thì linh hồn Bác biết đi về đâu, cứ vất vưởng trên bờ cây ngọn cỏ, còn thảm hơn cả những kẻ chết bờ chết bụi mà thi hào Nguyễn Du đã kể trong văn tế Thập loại chúng sinh!
       Hỡi ôi, Bác đã khai sinh ra đảng, nhưng giờ đảng lại cầm tù Bác. Thật tội nghiệp!
       
KHUẤT ĐẨU
Viết giữa mùa ôn dịch


CỦA HƠI THỞ ĐỜI ANH. GIỮA NGÀN MÂY BÓNG NƯỚC

Huỳnh Liễu Ngạn

Thiếu nữ. Tranh Đinh Cường

nhiều khi cũng muốn thở dồn dập xuống đời em
cho hai tròng mắt láo liên đổ dồn vào chỗ trống trơn của ngực
giữa hai đường vòng có tay chân vun quét
những xao xuyến đợi chờ thương yêu dịu ngọt
qua nương đèo thác đổ
nhiều khi cũng muốn gõ nhịp đập của tim
lên vành môi đợi chờ của ngày vỡ vụn
mấy ngón tay phỉnh phờ
không níu bắt được bóng tối đang chờn vờn ngoài cửa
nên chi nhiều khi cũng muốn thở thật dài hơi
cho chiếc lá khô kia rụng xuống vành môi
ngậm chút trăng chút gió
chút đời anh lỡ làng bến nước chiều hôm
nhiều khi cũng muốn thở dồn dập
cho màng đêm tròng trành trắng dợt
những vì sao khuya ngỡ ngàng mắt ướt
em ơi anh xin về lại hoang vu bóng tối
thả trôi mộng ảo ban đầu
mùa thu em cười sặc nước mưa tuôn
như hai vạt áo dài không mặc vào tay
cho tình anh khô khan giữa cánh đồng khát mặn
có mười đời lượn vòng chưa kết nụ đơm hoa
nhiều khi anh cũng muốn thở đời anh xuống vai em
cho mượt mà xanh tóc hoàng hôn vén áo đợi chờ
để em khỏi lòng vòng ngoài đường khuya gió nổi
có ai đâu ngoài anh vẽ vời chút nắng hư vô.
27/7/2020

HUỲNH LIỄU NGẠN


Wednesday, July 29, 2020

CHIẾC BÓNG

Đặng Mai Lan

Nhà văn Đặng Mai Lan

Anh nói, Chỉ có em dại mới yêu anh, anh vừa già, vừa nghèo !
Tôi ngẫm nghĩ, chẳng hiểu anh có nghèo thật không ? Tôi đoán chừng anh không nghèo lắm đâu, có lẽ cũng không giàu. Giàu thì người ta có nhiều việc khác để lo nghĩ, không có thì giờ để yêu đương lãng mạn như anh. Yêu một người đàn ông giàu có thì mình sẽ được những gì ? Chưa bao giờ tôi muốn một thứ gì gọi là vật chất nơi anh. Nhưng chắc chắn một điều nếu anh bủn xỉn, không thể nào anh chinh phục được tôi. Đương nhiên hai kẻ yêu nhau trễ tràng như anh và tôi không còn có nỗi mơ ước về một túp lều xác xơ với hai quả tim nóng hổi áp vào nhau. Và nếu còn kịp thì tôi cũng chẳng dại gì mà ước ao như vậy. Thời đại này điều đó là một sự hoang đường. Còn chuyện già, anh cứ vờ vĩnh mãi. Anh còn tự tin lắm mới dám tán tôi. Anh không phải là Trương Chi, mà dẫu có là một Trương Chi thì tôi nhất định chẳng bao giờ là Mỵ nương cả.
Trước anh, tôi có những mối tình. Tôi làm thơ, tôi viết văn. Tôi chỉ viết chơi chơi, khơi khơi để tôn vinh hạnh phúc và đau khổ của mình. Tôi vẽ vời biết bao nhiêu cảnh huống mơ mộng buồn bã rồi đặt những mối tình của tôi vào nhìn ngắm. Bây giờ tôi không viết nữa.
Gặp anh tôi như người đang chạy ngon trớn bỗng khựng lại, mất đà vì gặp phải một tảng đá to lớn chận đứng trước mặt. Tảng đá không láng lẫy để tôi phó mặc con đường đang phải đi trước mắt, tựa lên đấy nghỉ chân, ngã lưng. Tôi vẫn tìm một chỗ an nghỉ, những khoảng khắc nhởn nhơ như thế trong hành trình sống của mình. Tảng đá to lớn, sượng nhám. Nhưng đó là một tạo vật lạ lùng đẹp đẽ tôi chưa hề gặp. Tôi ngắm nghía, tôi sờ chạm một cách e dè và tôi nhận ra rằng không chỉ những êm ái, mềm mại mới cho ta sự thích thú khi ngắm nhìn sờ mó.
Tôi bắt đầu thích cái cảm giác râm ran tê cứng từ những ngón tay khi chạm vào những chân gai, những u mốc thô nhám, sần sượng. Tôi hiểu thêm một chút về đời sống. Không chỉ thế này mà còn thế kia.
Liên hệ của tôi và anh được gọi là tình yêu. Mỗi ngày, bằng điện thoại hay điện thư tôi và anh không ngừng nói yêu nhau. Chúng tôi dấu giếm mọi người chung quanh, len lén mở cánh cửa đời, mời nhau bước vào không ai hay biết. Nhưng nếu có kẻ vô hình nào ngồi nghe được hết câu chuyện của chúng tôi sẽ cho rằng anh nói như để vớt vát, níu lại tuổi trẻ trên đà cùn nhụt của anh, tôi nói như sợ người nào khác giành nói và tôi sẽ không còn có dịp để nói.
Tôi và anh nói yêu nhau như người ta chúc nhau ăn ngon, ngủ ngon mỗi ngày, như một thói quen lịch sự. Nói như để nhắc chừng, sợ rằng không nói sẽ quên đi. Tôi và anh đang cố chứng tỏ sức sống tràn đầy của mình bằng một chữ yêu. Tôi và anh gói cho nhau những chiếc hộp vuông vức, bằng những tấm giấy màu óng ánh, như những chiếc hộp máng trên những cây thông trong dịp giáng sinh chỉ để làm đẹp ... Chúng không có gì cả bên trong. Những chiếc hộp rỗng như tình yêu của tôi và anh không có nỗi buồn.

Tôi không còn viết văn làm thơ để ca tụng tình yêu nữa. Tôi không biết đặt anh vào đâu, cảnh tình nào trong văn chương tôi cho xứng đáng ? Anh vượt trội hẳn những người đã đi qua đời tôi mà ! Hay là trái tim tôi không còn chỗ để cất dấu anh, đập lên những nhịp tình ?
Không viết văn làm thơ tôi xoay qua nghiên cứu tâm lý nội tại của mình. Tôi ẩn mình, tôi chính là kẻ vô hình ngồi ngắm nghía, xét đoán cuộc tình tôi.
Tình yêu tôi và anh không có nỗi buồn. Tôi bên này sông, anh bên kia sông... Cũng từng ấy mênh mông mà tại sao tôi không đau khổ khóc lóc vì sông dài, nước rộng. Khi ta yêu người nào, ta thường lưu tâm những gì liên quan đến họ. Tôi không tò mò lắm, tôi có chú ý những mẩu chuyện vặt vãnh tình cờ nghe được nếu có dính dấp tới anh. Nhưng tôi lại không hề ngoái mắt, dõi nhìn qua sông bên kia xem anh ở khoảng nào. Anh cũng không hề biết nơi tôi ở, khung cảnh tôi sống thở ra sao. Chỉ duy nhất một điều là tôi có được những giờ giấc sinh hoạt thường nhật của anh. Mà phải như thế chứ, cũng phải có chút gì, nếu không làm sao tình yêu chúng tôi có thể nẩy sinh, tụ hội. Tóm lại, bằng nỗi rung động hay một sức đẩy nào đó tôi không rõ, tôi và anh như hai cái bóng bay lượn va vấp rồi tấp vào nhau. Chỉ hai chúng tôi thôi, đời sống thiên hạ không có, họ bị gạt hết ra ngoài. Không có kẻ thứ ba nên không có giận dỗi, ghen hờn.. doạ dẫm chia tay, rồi gương vỡ lại lành, một kiểu rất cải lương phải có trong mỗi đoạn yêu, của mỗi người.
Nghĩ kỹ, không phải là tôi không biết giận đâu. Tôi là một người đàn bà nhậy cảm, nghi hoặc và thích đi hia bảy dặm. Dĩ nhiên là thích được chiều chuộng. Chẳng cần phải kể ra.
Với người yêu trước, tôi hay ghen hờn bóng gió, tôi trái chướng đủ điều... Tôi khổ sở và hạnh  phúc. Khổ vì hờn vì giận, hạnh phúc vì người ấy cũng đã khổ sở theo mình. Tôi không còn được những thứ tình cảm ấy khi gặp anh. Giận anh cũng như tôi giận mình thôi. Tình yêu tôi và anh không có sự gắn bó để lo ngại một chia lìa. Giận dỗi chỉ là một tình cảm vô tích sự.
Nếu tôi trở chứng ngang bướng tôi mất anh là cái chắc. Tôi sáng suốt nhìn ra điều đó. Nên tôi luôn luôn cười.
Những điều mà tôi đang phân tích ngẫm ra tôi là một người đàn bà hời hợt, Thực tế đến trở thành kiêu căng. Người ta bảo yêu là mù quáng, tôi đang ngồi nhìn ngắm tôi yêu như thế nào thì mù vào đâu được. Có nghĩa là tôi chẳng yêu. Tôi như một bác sĩ chuyên trị bệnh tim, đang theo dõi điều khiển từng nhịp đập của trái tim mình bằng máy đo tim hiện đại. Phải nhanh hoặc chậm lúc nào ... ? Tôi biết và điều chỉnh một cách hoàn hảo.

Tình yêu của tôi và anh tuyệt vời quá. Yêu nhau thản nhiên như cây cỏ, không hệ lụy phiền não. Cho đến ngày nào anh nhắm mắt, tôi nhắm mắt lìa đời, cũng chẳng ai biết được rằng chúng tôi đã từng yêu nhau. Chỉ có cái máy điện toán nó giữ lại tất cả những đắm đuối mê say của chúng tôi. Nó là khu vườn địa đàng của Adam và Eva, của tôi và anh. Nhưng giả thử một ngày nào có ai tò mò bước vào khu vườn địa đàng Hotmail đó, một kỹ sư điện toán tài giỏi thượng thặng chẳng hạn, may ra có thể tìm thấy vết tích của một tình yêu để lại, chứ chẳng thể nào biết được ai là ai. Cho dù gã Computer gác cổng địa đàng có mách lẻo thêm điều gì đi nữa thì cũng thế thôi. Anh thay tên đổi họ để yêu tôi, tôi đoạn tuyệt gốc gác danh tính của mình để yêu anh. Ôi văn minh tin học như chăn ấm nệm êm cho chúng tôi vùi sâu ấm áp trong một thứ hạnh phúc không có thật.

Nếu đem so sánh thì cuộc tình tôi đã không như bao mối tình khác. Chẳng phải là tình hờ nhưng mọi điều đều dị biệt với cái gọi là tình chân. Chỉ có một điểm tương đồng đó là sự tàn phai. Những nỗi tàn phai đầy dẫy khắp cùng trên mọi ngõ ngách tình cảm.
Mấy ngày nay tôi không có tin anh. Vườn địa đàng vắng lặng. Dạo sau này, anh không còn đến đó gặp tôi mỗi ngày như trước nữa. Anh không có ở sở làm. Tôi không gọi điện thoại được cho anh. Tôi biết tìm anh ở đâu ? Anh đi đâu, làm gì mà không báo cho tôi biết trước như bao lần, để tôi khỏi trông mong ?
Sự tàn phai, tôi đang nghe ngóng và đếm từng bước đi buồn thảm của nó.
Ngày nào tôi cũng nói nhớ, nói thương. Nhớ thương nói mãi đã thành một thói quen. Vắng anh tôi như một người câm thèm được nói. Và tôi nhận ra rằng trong tình yêu tôi, tôi chỉ là cái bóng lẽo đẽo theo anh. Tôi đã ba hoa tự cao tự đại về mình một cách khôi hài. Tôi không là bác sĩ nghe rõ được nhịp tim của mình. Người bác sĩ ấy là anh. Tôi không là gì cả, tôi không có thật. Chỉ là cái bóng của anh, tôi lệ thuộc vào anh. Đúng như thế ! Anh đứng, tôi đứng.
Anh ngồi, tôi ngồi. Khi anh nói, anh nhớ em. Tôi lập lại, em cũng nhớ anh. Anh bảo, đời sống ngắn ngủi, đừng làm nó ngắn thêm vì những phiền hà vô cớ, hãy yêu nhau ! Tôi dạ, đời sống ngắn thật, em muốn yêu anh, quên hết mọi thứ. Tôi là cái bóng trung thành, tôi răm rắp nghe theo anh. Lập đi lập lại những động tác của anh một cách chính xác. Và có lẽ tôi muốn vượt cao bằng anh. Bóng nhất định phải là hình.
Không có anh, Không có hình để tôi thành bóng. Tôi thu người trong một góc tối.
Không phải là vườn địa đàng im lìm, nơi gìn giữ thứ hạnh phúc câm của tôi và anh. Nơi đó không có thật. Tôi không thích nó nữa. Tôi ngồi bệt xuống nền thảm nhà tôi. Kể như tôi đang đầu chạm tường, chân đụng đất, không còn là bóng vật vờ trên cao. Tôi là người rất người.

Tôi cần yêu, nhưng không muốn yêu khơi khơi, chơi chơi, một thứ tình yêu không có nỗi buồn. Tôi cần một biến cố để tôi khóc lóc, giận dỗi, để chứng tỏ tình cảm thực của mình. Mà sao tôi lại vớ vẩn ngốc nghếch thế này ! Biến cố chẳng đang ngay trước mắt tôi là gì. Anh bỏ đi, anh quên tôi... Chưa hẳn thế, biến cố chỉ vừa lấp ló, bóng đã tắt ngúm, trả lại tôi một người nữ đầy cảm tính, ủy mị. Tôi muốn gì nữa bây giờ ?
Và tôi đau đớn nhìn ra tôi với một khúc ruột khô quắt cong queo. Tôi đã phơi lòng mở dạ mải miết chạy theo anh. Tôi yêu anh đứt ruột. Ruột tôi bây giờ co rúm nhăn nheo.
Không phải tự nhiên mà tôi lại đưa hình ảnh một khúc ruột cong queo để diễn tả tâm trạng buồn bã của mình đâu. Người ta thường hay đem một quả tim rách rưới ra mà sánh ví hơn là với một khúc ruột. Người ta bảo đứt từng đoạn ruột, cũng như tôi vừa nói tôi yêu anh đứt ruột. Hình như chưa ai nói buồn đến nỗi ruột nhăn nhúm quắt queo.
Sợi giây đàn vừa nói hộ tôi điều đó. Lúc trước tôi thích chơi đàn dù tôi chỉ học lóm.
Tôi biết sơ sơ một vài hợp âm để tự đệm cho mình, lâu lâu buồn tình tôi lêu nghêu hát hỏng.
Bỗng dưng tôi muốn đánh đàn, tôi muốn hát một tình ca. Cây đàn bụi bậm vì đã bị bỏ quên nhiều năm. Sợi giây thứ 6, sợi giây có những dấu huyền, có thể thốt lên một sự nghẹn ngào, thả xuống một tiếng nấc chùng thấp. Sợi giây đã đứt tự bao giờ. Nó cong queo co rúm như một cái rễ khô bật gốc, như nhánh dây leo đã rụng hết lá, héo hắt tàn rũ trên một rào dậu bỏ hoang. Và như một khúc ruột nhàu, một nụ cười nhăn. Đúng vậy ! Tôi búng nhẹ sợi giây đàn, nó chao động xoắn xuýt bật lên thứ âm thanh như giọng cười buồn vỡ ra từ một đôi môi nhăn nheo rúm ró.
Không có anh để tôi làm bóng, cái bóng lẽo đẽo theo anh. Tôi còn một cái bóng khác, cái bóng thực của tôi. Ôi cái bóng nhăn nhúm vẹo vọ ! Tôi không muốn nhìn nó nhưng biết phải làm sao khi bóng chính là mình.

ĐẶNG MAI LAN


Tuesday, July 28, 2020

THƠ NGUYÊN YÊN

Tranh minh họa của Ann Phong

Chờ đợi

chỉ một tiếng động nhẹ
đủ bồn chồn thức
biết không phải anh gọi
vẫn mở mắt cố tìm một dấu hiệu

cố thuyết phục mình
như mỗi đêm đứa nhỏ hồi hộp nhìn ra cửa
mút tay chờ cha chờ mẹ
đi cải tạo không về

người bạn thân lên tàu
đứa nhỏ mỗi ngày chạy sang nhà mẹ bạn đợi tin
người mẹ một hôm hóa điên
ôm chầm nó như ghì xác con vào lòng

Sài Gòn những đêm cúp điện chờ sáng
bọn trẻ con trong xóm bu quanh cây me trước nhà
chờ bà ngoại quết trầu kể chuyện ma
thành phố chờ rợn gáy

kẻ rồ dại chờ tình yêu
người ngây thơ chờ sinh trẻ vào đời
con thiêu thân chờ đèn
cuộc sống chờ chết

con người như con vật thuần phục
chờ vô điều kiện
chờ vãi nước miếng
chờ bất cần thưởng

miễn trái tim còn đập
ngọn lửa còn âm ỉ
chỉ cần lóe lên một tín hiệu
người ta có thể chờ hàng thế kỷ


Hết

khi hoa nở
là lúc bắt đầu tàn
khi sao sáng đỉnh trời
là tới giờ lẩn biến

câu chuyện chúng mình
những ngày hè rực rỡ đã qua
bao mùa dâng hoa
bao cơn tột đỉnh

tình yêu một lần có thật
thức dậy từ con mắt bình minh
cơn mưa đầu mùa nồng nàn
cầu vòng hò hẹn

chúng ta một lần dào dạt
như đất với trời
như anh trong em
đêm tràn huyệt mộ

quy luật trò chơi
đến, đi, được, mất
kết hợp nào
cũng là khởi đầu tan rã

chỉ có trái tim
từ chối luật thời gian
say cơn khải hoàn
ngụp lầy hạnh phúc

và khi chia tay điểm giờ
soi gương nhìn lại
thấy hồn mình một nghĩa địa già nua
mọi cảm xúc giơ xương chờ

mục  rữa.

NY


Hoa Tàn – Tranh Đinh Trường Chinh

TRANH TRƯƠNG VŨ


Cô Tịch
Sơn dầu trên bố, 24” x 36”, thực hiện tháng 6, 2020.

Monday, July 27, 2020

LÀM THƠ CHUNG ĐỂ CHỮA LÀNH

Phan Tấn Hải

Làm thơ, lặng lẽ trước trang giấy.

Một nhà thơ khi sáng tác, thường là từ cảm xúc riêng. Có khi ngồi lặng lẽ nửa khuya, có khi lặng lẽ nhìn ra suối hay góc rừng, và có khi chợt thức dậy lúc rạng sáng và nhớ tới một vấn đề… Làm thơ là ngồi mộtmình với chữ nghĩa, đối diện trang giấy trắng và nhìn vào tâm hồn mình. Trên nguyên tắc, không ai làm thơ với “hai mình” hay nhiều người. Tuy nhiên, có một thể loại thơ cần nhiều người chung tay sáng tác.

Các bài thơ này được gọi là “community poems” (thơ cộng đồng) hay “group poems” (thơ nhóm) do nhiều nhà thơ cùng sáng tác. Chủ đề sẽ được chọn, thường là từ các cảm xúc được chia sẻ trong xã hội.

Và làm thơ chung vì một tập thể nhiều nhà thơ có cùng một cảm xúc, và muốn nói cùng một tiếng nói để chữa lành các vết thương trong xã hội. Đặc biệt, thể loại thơ làm chung còn dùng như một phương pháp dùng văn học trị liệu cho một số bệnh nhân trầm cảm. Nhìn về khía cạnh chính trị, làm thơ chung có thể xem như một thỉnh nguyện thư ký tên nhiều nhà thơ để gửi cho cuộc đời.

Có nhiều phương pháp làm thơ chung, nhưng một cách tổng quát, có thể giải thích về cách sáng tác một bài thơ chung. Thí dụ, một nhóm nhà thơ tụ họp, ngồi thành hình tròn, chọn ra một chủ đề tổng quát cho bài thơ sẽ sáng tác chung. Chủ đề bài thơ có thể là một vấn đề xã hội cả nhóm cùng quan tâm, hay là một cảm xúc mà cả nhóm thi sĩ dễ dàng chia sẻ. Người điều hợp sẽ gợi ý các nhà thơ tham dự bằng cách đọc cho mọi người nghe một bài thơ có sẵn trong quá khứ từ một nhà thơ nào đó có cùng chủ đề (thí dụ, các nhà thơ lưu vong tại Quận Cam muốn làm bài một thơ chung về hoàn cảnh hoang mang, có thể đọc bài thơ gợi ý từ cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương nhan đề “Phương Xa” với các dòng cảm xúc tương tự như: Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỉ / Một đôi người u uất nỗi chơ vơ / Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị / Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.). Sau đó, các nhà thơ trong vòng tròn được mời mỗi người làm một bài thơ độc lập cho chủ đề chung đó, thời lượng khoảng 10 hay 15 phút. Người điều hợp yêu cầu các thi sĩ (đang ngồi vòng tròn) hãy chuyển bài thơ mỗi người mới viết đó sang người bên cạnh.

Rồi mỗi người từ bài thơ được chuyền sang đọc, sẽ viết ra vài dòng thơ mình thích từ bài thơ của bạn bên cạnh. Mỗi người đọc lớn bài thơ bạn bên cạnh, rồi đọc những câu thơ ưa thích đã chọn và viết các dòng ưa thích này lên một tấm bảng hay trên một tờ giấy rời. Sau đó, sắp xếp các dòng thơ được chọn để làm thành một bài thơ chung, gọi là thơ cộng đồng, hay thơ nhóm.

Cách làm thơ tập thể này là một cách để khuyến khích mọi người lắng nghe nhau, để hiểu những kinh nghiệm và cảm xúc của bạn thơ trong nhóm qua thơ, để xóa những ngăn cách và rào cản có thể có giữa những người làm thơ. Nhưng không nhất thiết là các thi sĩ phải ngồi chung thành hình vòng tròn; họ có thể từ nhiều tiểu bang gửi bài thơ do họ sáng tác tới người điều hợp sau khi được cho biết chủ đề bàithơ đang kêu gọi góp thơ làm chung. Một vài tạp chí truyền thông Hoa Kỳ, như NPR (National Public Radio) thỉnh thoảng chọn đề tài làm thơ cộng đồng về các quan tâm xã hội, như người da đen dễ bị cảnh sát bắt hay bắn chết hơn so với da trắng, bất kể nhiều trường hợp vô tội và không vũ khí. Các thi sĩ tham dự cho NPR trong các bài thơ này có thể tới vài chục hay cả trăm người từ nhiều tiểu bang, và cả từ ngoài Hoa Kỳ gửi tới tham dự.


NGUYỆT NGA HỘI NGỘ THÚY KIỀU

Lấy một trường hợp cho dễ hiểu. Giả sử như có một cuộc hội ngộ của ba nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm. Và ba cụ muốn có một bài thơ chung. Như thế, chúng ta chọn ra ba tác phẩm Lục Vân Tiên (của cụ Nguyễn Đình Chiểu), Truyện Kiều (của Nguyễn Du), và Chinh Phụ Ngâm (thơ Hán văn của Đặng Trần Côn, nơi đây sử dụng bản Việt dịch tương truyền của Đoàn Thị Điểm). Chúng ta chọn 2 câu lục bát từ ba tác phẩm trên, theo thứ tự ghép lại thành một bài thơ 6 dòng lục bát. Hai câu đầu là từ Lục Vân Tiên, 2 câu giữa là Truyền Kiều, và 2 câu cuối là Chinh Phụ Ngâm. Bài thơ mới dự kiến sẽ có 6 dòng, như sau:

Nguyệt Nga nhuốm bệnh thở than,
Năm canh luỵ ngọc xốn xang lòng vàng.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.

Như thế, bài thơ trên có chủ đề về cô Nguyệt Nga. Nếu người điều hợp khác, có thể sẽ chọn các câu khác, và chủ đề có thể là cô Kiều hay người chinh phụ, với cùng nỗi buồn nữ tính. Do vậy, chủ đề thơ chung thường thu hẹp vào vấn đề xã hội, có khi là thời sự trực tiếp, có khi là về nỗi buồn đại dịch khi xã hội phong tỏa và toàn dân cách ly, và tương tự. Ba nhà thơ trên (Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm), nếu kể thêm bản chữ Hán là bốn vị (thêm Đặng Trần Côn) không hề có vấn đề tâm lý gì, và nếu muốn, chỉ có thể nói rằng bốn nhà thơ có bệnh thương người, có lòng từ bi với thân phận phụ nữ thời ảnh hưởng Nho giáo.


THƠ NHƯ GẮN KẾT CỘNG ĐỒNG

Một số bài thơ chung tại Hoa Kỳ có góp mặt của vài chục thi sĩ, có khi cả trăm thi sĩ. Báo Missourian gày 1 tháng 5/2020 có bản tin nói về bài thơ cộng đồng nhan đề “I Am From” (Tôi tới từ…). Bản tin ghi rằng cư dân tiểu bang Missouri hôm 1 tháng 4/2020 đã khởi động National Poetry Month (Tháng Thi Ca Toàn Quốc) bằng cách chia sẻ 2 bài thơ cộng đồng. Có gần 100 người, tuổi nhỏ nhất là 9 tuổi và cao niên nhất là 84 tuổi, đã nộp bài thơ với chủ đề “home” (nhà, quê nhà), và ba nhà thơ địa phương (Maria Brady-Smith, Aimée Appell và Nathan Adam) sử dụng gần 100 bài thơ trên, trích mỗi bài 2 hay 3 câu và ghép lại thành 2 bài thơ cộng đồng. Một bài thơ là ghép từ trích thơ các nhà thơ người thành niên làm thành bài có nhan đề “I Am From” (Tôi xuất thân từ) , và bài thơ khác là ghép từ các trẻ em để làm thành bài thơ “Home Is” (Nhà là).

Nhà thơ Brady-Smith nhận định, “Mỗi bài thơ gửi tới góp vào đều hay riêng. Nhưng trích ra và ghép thành 2 bài thơ này, để 2 bài thơ này thăng hoa vượt trên bất cứ những gì mà từng người chúng ta có thể sáng tạo riêng. Trong cách này, nó mô tả cái cốt tủy của cộng đồng chúng ta… Với giúp đỡ từ hơn 30 người thiện nguyện đọc lên – nhóm 30 người này cũng từ nhiều lứa tuổi – chúng ta để để lại cho National Poetry Month một cộng đồng giọng đọc các bài thơ. Chúng nhắc chúng ta một lần nữa rằng không tinh cờ mà các bài thơ này được sáng tạo ngay bây giờ. Chúng ta đang ở giữa một trận khẩn cấp quốc gia đòi hỏi cộng đồng chúng ta ra đứng bên nhau để cùng vượt thắng nỗi khó khăn chỉ xảy ra một lần trong đời mình này.”

Bạn có thể nghe đọc thơ thiếu niên, bài “Home Is” (Nhà là) ở đây: https://youtu.be/ULW3XDYRR-0

Sau đây, chúng ta dịch các dòng cuối cùng của bài thơ “I am from…” (Tôi tới từ):

Tôi tới từ kỷ niệm của rất là xa, rất xa xưa
trân quý trong trái tim và tâm trí của những ngày bây giờ là quá khứ
một nơi ẩn trú nơi đã luôn luôn chờ đợi tôi
.

Tôi tới từ 5 thế hệ của tiếng cười và nước mắt
Trị giá 50 năm, nhiều hơn hay ít hơn…
Tôi luôn luôn đang về nhà. (ngưng trích)

THƠ NHƯ PHÁP TRỊ LIỆU

Không chỉ tạo một cảm xúc cộng đồng, thơ nhóm còn dùng để trị liệu tâm lý. Tiến sĩ Perie Longo --- tác giả nhiều thi tập và bản thân từng được thành phố Santa Barbara bổ nhiệm làm Thi Khôi (Poet Laureate of Santa Barbara) các năm 2007-2009, bản thân có giấy hành nghề Thi Ca Trị Liệu (Registered Poetry Therapist) --- đã dùng thể loại thơ nhóm để chữa trị các bệnh nhân có vấn đề rối loạn tâm lý.

Bà Longo kể về một trường hợp dùng thể loại thơ cộng đồng để trị liệu cho một nhóm tại trung tâm chăm sóc Sanctuary Centers vào năm 2019. Trong cương vị người điều hợp và là người hướng dẫn trị liệu, thi sĩ Longo chọn chủ đề trong bài thơ nhan đề “Things I Didn’t Know I Loved” (Điều Tôi Không Biết Rằng Tôi Đã Yêu Thương) của cố thi sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet (1902-1963), người nhiều lần bị tù vì quan điểm chính trị và cuối đời phải lưu vong. Một phần của bài thơ này, nơi đây dịch như sau (ghi nhận: nhà thơ này ngắt dòng bất định):

Tôi đã không biết rằng tôi đã ưa thích mưa
dù là mỏng như lưới bụi hay như đập dữ dội vào kính
tim tôi đưa tôi quấn vào lưới hay bị giam một giọt mưa
và bay lên tới các đất nước bất định mà tôi đã không biết tôi đã yêu thương
mưa nhưng vì sao tôi đột nhiên khám phá tất cả các đam mê này khi ngồi
bên cửa sổ trên chuyến xe lửa từ Prague tới Berlin.

Phần trích bài thơ này, dùng làm gợi ý, trao cho những thành viên trong nhóm thơ trị liệu. Hai người tình nguyện đọc lớn lên để tất cả trong nhóm đều nghe 2 lần, nhằm nhận ra từng chữ và từng nghĩa. Kế tiếp, nhóm này thảo luận, xem dòng thơ nào họ thích nhất, rồi thảo luận về nơi họ đã yêu thương, những người họ nhớ và những việc họ trước đó không nói nhưng ước mơ họ sẽ có. Việc thảo luận nhằm tập trung người trong nhóm chú tâm vào những gì họ [những người được trị liệu bằng thơ] sắp viết. Sau khi thảo luận, mỗi người ra một góc riêng để viết bài thơ riêng của từng người. Sau khoảng 10 phút, họ trở lại ngồi vòng tròn, từng người đọc thơ của họ, hoặc trọn bài hoặc những dòng họ thích. Sau đó, người điều hợp trích và ghép thành một bài thơ chung. Bài thơ “cộng đồng” này có nhan đề “I Never Knew I Loved…” (Tôi Chưa Bao Giờ Biết Rằng Tôi Đã Yêu Thương). Bài thơ này, trích dịch nơi đây như sau:
.

Tôi Chưa Bao Giờ Biết Rằng Tôi Đã Yêu Thương…
Tôi đã không biết rằng tôi đã yêu thương nỗi đau đớn
cho tới khi tôi thấy các món quà cảm xúc từ đó
Tôi đã không biết rằng tôi đã yêu thương cuộc đời
cho tới khi tôi gần như mất chính đời tôi


Tôi đã không biết rằng tôi đã nhớ những cội cây
tại rừng Los Osos Pines…
Tôi đã không biết tôi đã nhớ mắt em

hay là cái nhìn nắng cháy trên khuôn mặt em
.

Tôi chưa bao giờ biết rằng tôi đã yêu thương tự do của tôi
cho tới khi nó biến mất… (ngưng trích)


THƠ TRONG MÙA ĐẠI DỊCH

Trong thời đại dịch COVID-19, nước Mỹ y hệt như đột nhiên gặp một trận bão vi trùng tứ phía tràn tới, và nhiều tiểu bang dồn dập các bản tin về chết, về nhà xác hết chỡ chứa, về bệnh viện hết phòng ICU, về thiếu trang phục bảo hộ và về đủ thứ những chuyện bất hạnh chưa từng tiên đoán được. Các nhà thơ cùng một suy nghĩ chung, rằng thi ca làm được những gì trong thời đại dịch này? Một bài thơ cho đất nước Hoa Kỳ trong thời khủng hoảng?

Thông tấn NPR hôm 30/4/2020 đăng bài viết về bài thơ nhiều người chung tay sáng tác,nhan đề “Nếu Cây Có Thể Mãi Khiêu Vũ, Tôi Cũng Có Thể Như Thế,” và NPR gọi đây là “một bài thơ cộng đồng để đối phó khủng hoảng.”

Phóng viên Rachel Martin ghi nhận rằng bài thơ này là sáng tác chung, từ 33 nhà thơ đang cư ngụ nhiều nơi khác nhau ở Mỹ, trong đó có một nhà thơ từ Phnom Penh (thủ đô Cam Bốt). NPR trích mỗi người vài dòng để ghép lại, thành bài thơ 82 dòng thơ. Duyên khởi là từ đầu tháng 4/2020, NPR đưa ra lời mời gọi góp thơ về đề tài mô tả cách bạn bị đại dịch coronavirus ảnh hưởng tới. Người điều hợp (sẽ trích thơ từ 33 thi sĩ gửi bài, để ghép thành bài thơ chung) là Kwame Alexander, người đang giữ chức thi sĩ nội trú (poet-in-residence) tại NPR.

Bài thơ gợi ý do Kwame Alexander đưa ra là của Nancy Cross Dunham có nhan đề “What I’m Learning About Grief (Điều Tôi Đang Học Về Đau Đớn), và yêu cầu các dòng thơ (hay bài) gửi về khởi đầu với cùng các chữ đó. Sau đây là trích dịch từ bài thơ cộng đồng này (dấu chấm câu sẽ theo đúng bản tiếng Anh):.

Nếu Cây Có Thể Mãi Khiêu Vũ, Tôi Cũng Có Thể Như Thế
Điều tôi đang học về đau đớn
là nó ngồi trong khoảng cách giữa các tiếng cười
tới trong bóng tối trộm hơi ấm từ tấm trải giường khâu giấc ngủ với những cọng dây leo mỏng
là một bài hát quen thuộc ám ảnh,
nhưng tôi không thể nhớ lời ca…
.

Điều tôi đang học về đau đớn
là nó lăn như lớp sương dày ẩn vào các nếp nhăn trên làn da
Tới thăm, rồi tới thăm nữa
Lãng vãng dưới ghế tôi ngồi
Và, khi tôi không quan sát
Thò ra các móng vuốt nhỏ của nàng
Và đập vào các cổ chân của tôi ---
Nỗi đau đớn rình chụp bạn

Bạn thấy chính bạn trên ghế với một giếng giận dữ sống trong một hố trong bao tử của bạn và nó không
biến đi đâu.

Điều tôi đang học về đau đớn
là nó có thể tới như một tiếng thì thầm hay như một trận bão ầm vang như sấm sét
nó để lại một khoảng trống, để sẽ được lấp đầy với trồng cây mới. (ngưng trích)

Khi những hàng cây khiêu vũ…


THƠ VÌ SINH MẠNG NGƯỜI DA ĐEN

Chạy để thoát chết…

Thông tấn NPR hôm 27/5/2020 đăng bài thơ nhan đề “Running For Your Life” (Chạy Để Khỏi Chết), và đó là một bài thơ cộng đồng cho một người da đen bị giết tên là Ahmaud Arbery. Phóng viên Rachel Martin nhắc rằng vào ngày 23/2/2020, người thanh niên da đen có tên Ahmaud Marquez Arbery, 25 tuổi, bị bắn chết ở gần thị trấn Brunswick, quận Glynn County, tiểu bang Georgia, trong khi chạy thể dục trên đường Holmes Road. Anh Arbery bị rượtt heo, chận lại bởi 3 cư dân da trắng --- Travis McMichael và bố là Gregory (ông này mang súng và lái một xe bán tải), và William "Roddie" Bryan (ông này lái chiếc xe thứ nhì, tông ngay vào anh Arery giữa đường và quay video cảnh dí bắn). Arbery bị bắn chết, nhung cảnh sát và công tố không làm gì. Chỉ tới khi video lộ ra công chúng, và hình ảnh Arbery bị nhóm da trắng dí đuổi và bắn chết quá bi thảm gây dư luận nổi giận, cảnh sát mới bắt hai cha con McMichaels (ngày 7 tháng 5/2020) và bắt Bryan (ngày 21/5/2020). Tức là, cảnh sát và công tố im lặng suốt 74 ngày, rồi mới bắt cha con McMichaels. Hai tháng rưỡi im lặng đó có ý nghĩa gì?

Trong các tuần lễ sau vụ Arbery bị bắn chết, xảy ra thêm mấy vụ cảnh sát bắn chết người da đen.
Dreasjon "Sean" Reed bị bắn chết ở Indianapolis. Breonna Taylor, một nhân viên y tế cấp cứu tại Louisville, Ky., bị bắn 8 phát đạn trong khi còn nằm trên giường. Tại Minneapolis, môt người đàn ông da đen chết trong Ty cảnh sát, và cũng thị trấn này, George Floyd bị cảnh sát dùng đầu gối ấn vào cổ tới chết vì nghẹt thở. NPR mời gọi làm thơ chung, và nhận được góp thơ từ hơn 1,000 người, với chủ đề an toàn cho sinh mạng người da đen tại Hoa Kỳ hiện nay. Bài thơ chung này có nhan đề “Running For YourLife” (Chạy Để Khỏi Chết). Bài thơ trích dịch như sau:
.

Chạy Để Khỏi Chết
Không khí màu gì?
Ai có quyền được thở?
Vì sao chúng ta sợ lẫn nhau?
Khi nào họ sẽ tới lấy mạng những người da nâu mà tôi biết và yêu thương?
Tội của anh ta là gì?
.

Có công lý cho tất cả trên mảnh đất tự do này không?
Hay chỉ cho những người da
Trắng như tôi?
.
Thuốc chủng ngừa cho “đại dịch” này là gì?
Tôi thắc mắc con tôi nơi đâu?
.

Thêm
Một
Xác
Đen
Bị Bắn… (ngưng trích)


Tới đây, có thể có một câu hỏi: có bao giờ có một bài “thơ chung” giữa Trump và Biden? Có lẽ không bao giờ. Câu hỏi khác: bao giờ sẽ có một bài “thơ chung” giữa các nhà thơ Hà Nội và các nhà thơ lưu vong?

Vài thập niên nữa, may ra?

PTH

ĐÓA DÃ QUỲ. GA XÉP ĐA THỌ

Nguyễn Đạt

Dã Quỳ Đơn Dương


ĐÓA DÃ QU

Trên mặt đất này chen chúc muôn hoa
Mỗi loài hoa có riêng một ngôn ngữ
Nói với riêng tôi là đoá dã quỳ
Bấy nhiêu năm ở núi rừng Đa Thọ.
Trên mặt đất này rất nhiều miền lạ
Mỗi một miền có riêng một linh hồn
Linh hồn tôi mãi ở Đơn Dương
Ở nơi ấy cũng như ở Đa Thọ.
Dẫu ở Đơn Dương dẫu ở Đa Thọ
Cũng như ở  Đà Lạt ở Di Linh
Dẫu ở nơi đâu trên miền cao nọ
Vẫn đoá dã quỳ đậm gió rung rinh


GA XÉP ĐA TH

Khoảng thời gian xa ấy
Đâu rõ tên tuổi nàng
Mưa và rừng xô chạy
Tàu đã tới ga chăng
Rừng bước xuống thung lũng
Bụi dã quỳ trông mưa
Những đóa sầu gió dựng
Vai gầy áo chợt thưa
Khoảng thời gian xa ấy
Tôi nào quen biết em
Tuổi thanh xuân buồn vậy
Mở mắt nhìn thâu đêm
Những đêm sâu Đa Thọ
Cây đèn bão lửa im
Tàu sắp qua ga nhỏ
Tàu sắp qua đường tim
Tàu sắp qua. Còi hụ
Em đăm nhìn bụi hoa
Mỗi nhành quỳ thêm nụ
Tràn ven đồi tàu qua
Khoảng thời gian xa thật
Tâm tưởng có phai mờ
Đôi mắt nàng bí mật
Mang hồn đồi hoang sơ
N Đ

Sunday, July 26, 2020

BÀO CHỮA CHO NGƯỜI CẦM ROI

Khuất Đẩu



Như trong bài viết trước gửi Đỗ Hồng Ngọc, người cầm roi tức là cha tôi và mẹ tôi, những người có công sinh thành và dưỡng dục.
Nghe đâu ở nước Mỹ, chỉ cần dọa thôi đã bị cảnh sát gông cổ, huống hồ là đánh bằng roi cho dù đánh vì thương. Vậy nên, cha tôi, mẹ tôi là chánh phạm bị ra tòa là cái chắc, còn ông tôi và bà tôi là tòng phạm, có thể cho tại ngoại vì già không đủ sức chạy trốn chỗ nào được.
Vì luật không cho hồi tố và các bị đơn mồ cũng đã xanh cỏ, nên không có một phiên tòa nào cho các bị cáo nói trên. Nhưng vì bài viết cho đỡ buồn ít nhiều gây xôn xao trên mạng, nên giả định rằng có một phiên tòa xử tội như thế và tôi tự nguyện xin làm luật sư bào chữa như sau.

Trước hết, đây là tòa án lương tâm, nên dù là người bị hại, tôi vẫn được ngồi ghế chánh án, nhưng ngồi ở ghế thấp còn các bị cáo thì xin mời lên ngồi ghế cao, để chứng tỏ sự nghiêm minh xử đúng người đúng chỗ của tòa.
Thưa các bị cáo, theo như cáo trạng thì các chứng cứ, các tang vật dù không còn nữa nhưng cái roi trảy, cái tàu cau tướt trụi lá là có thật và các bị cáo xác nhận đã dùng để đánh người bị hại hai lần, lần thứ nhất vào buổi trưa bằng roi trảy, lần thứ hai vào buổi chiều bằng tàu cau. Cả hai lần đều gây ra những tổn thương về thể xác là đã để lại những lằn roi như sợi bánh canh trên chỗ thịt mềm nhất là mông đít của nạn nhân. Giám định y tế xác nhận rằng tổn thương chưa tới một phần nghìn và chỉ cần ngủ một đêm là biến mất. Trong các bộ luật hình sự, ngay cả luật khắt khe nhất là luật Gia Long cũng không có điều luật nào để buộc các bị cáo phải chịu tội, và rằng, các bị cáo không cố ý làm tổn thương thể xác nên vẫn để nạn nhân mặc quần chứ không lột truồng và bắt nân nhân nằm sấp chứ không nằm ngửa là có ý tránh cho nạn nhân không bị đánh trúng chỗ hiểm có thể gây ra hậu quả khôn lường là vô sinh sau này, điều đó giúp các bị cáo được giảm khinh.
Cáo trạng cũng buộc tội các bị cáo đã gây ra những tổn thương về tinh thần. Cụ thể là, nạn nhân hoảng sợ đến mức tè trong quần, đau buốt tận óc và xấu hổ vì bị bêu tên trên vách là thằng ăn cắp dù giá trị chỉ có một hào chỉ đủ mua một tán đường đen bé xíu rổng ruột.

Xét rằng, ngay cả luật của Mỹ quốc cũng không có điều luật nào để buộc tội, và rằng, tác hại về tinh thần không đủ lớn trong khi những ích lợi về đạo đức về gia phong là vô cùng to lớn, bằng chứng là nạn nhân từ bỏ tật nói đớt và ăn cắp vặt. Nếu không có những hình phạt đánh bằng roi, bêu tên trên vách tường nhà, thì có thể nạn nhân nói ngọng nghịu cho tới già và cái tính ăn cắp vặt có thể trở thành ăn trộm hay ăn cướp sau này. Nếu nạn nhân được làm cán bộ thì ăn cắp của của công, không chỉ một cắc mà đến cả một tỷ và nhiều tỷ tỷ nữa.
Cuối cùng, tòa xét rằng các bị cáo tuy có những hành động không được tế nhị, vụng về, nhưng không cố ý nhục mạ, mạt sát, mà chỉ là để dạy bảo cho nạn nhân nên người mà thôi. Tòa nhận thấy các bị cáo cũng không lấy gì làm vui sau khi đánh con xong, mà chỉ thực sự vui mừng khi thấy con đã vì đòn roi mà bỏ được nhiều tật xấu, nên tuyên bố không có tội.
Các bị cáo không cần đứng dậy trong khi chánh án gõ búa bãi tòa.

KHUT ĐU
24/7/2020


XIN LỖI HUẾ

Túy Hồng

Nhà văn Túy Hồng

Nhà văn Nguyễn Thị Tuý Hồng, tên cũng là bút danh. Bà sinh ngày 12-10-1938 tại Chí Long, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, viết văn từ năm 1962.
Túy Hồng là một trong nhóm các nhà văn nữ nổi tiếng trước năm 1975 bao gồm Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương (Nguyễn Thị Thái), Nguyễn Thị Thụy Vũ, … Thời của một nền văn chương tự do và lộng lẫy đã tạo điều kiện cho rất nhiều nhà văn nữ xuất hiện, nhưng nhóm các nữ sĩ kể trên được coi như là tiền phong với những phong cách, cũng như đề tài của họ đầy cá tính và khác biệt.
Tuý Hồng qua đời tại Hoa Kỳ hôm 19 tháng 7. 2020, hưởng thọ 82 tuổi. Bà đã bỏ lại sau lưng tất cả: một gia tài văn học với hàng loạt những truyện ngắn sáng tác tại Việt Nam và Hoa Kỳ để theo chân chồng là nhà văn Thanh Nam đi sang cõi khác. Thanh Nam qua đời năm 1985 tại Mỹ.
Về Túy Hồng, Nguyễn Chính nhận định: Nét đặc sắc trong văn của Túy Hồng là lúc nào cũng bàng bạc một xứ Huế mộng mơ.
Sau đây để tưởng niệm nhà văn thân yêu của xứ Huế vừa ra đi, xin mời các bạn cùng đọc một đoản văn đặc sắc của Tuý Hồng. PV


Thiếu nữ trong thành nội
Tranh Đinh Cuong

Anh Đỗ,

Tôi đã ở Huế từ trong bụng mẹ đến cuối năm thứ hai mươi tám của cuộc đời. Huế đã mang thai tôi, đẻ ra tôi cho đến khi tôi đi lạc vào Sài-gòn. Từ hơn hai năm nay tôi ở nhà thuê, nói tiếng Bắc, ăn chả giò, ăn bún riêu, canh chua cá dấm, thịt bò vò viên, mía ghim… Hôm nào anh vào Sài-gòn tôi sẽ đãi anh ăn một bữa thịt bò bảy món (mọi lần gọi là “bò bụng” vì ăn vào đầy một bụng thì thôi). Đàn ông ở Sài-gòn ăn chua dữ lắm anh Đỗ ạ! có nhiều ông vác cả trái cốc dầm cam thảo vừa đi vừa ăn lêu nghêu dọc đường.

Tôi vào Sài-gòn đã hơn hai năm mà vẫn còn hụt chân chưa đứng vững được, nghĩa là: tôi chưa hề viết được một chữ về cái Sài-gòn này. Khiếp quá! một lỗ hổng lớn… Còn nhớ thời gian ở Huế, khi tôi mang ý định bỏ Huế vào Sài-gòn ra nói với anh thì anh đã làm ra như cản như không: Chị chuồn hả? mình ở Huế có ai làm gì mình được?

Mình ở Huế có ai làm gì mình được … nghe thấm thía, thấm như nước mắm thấm vào cá nục kho khô trong trách đất. Tôi vào Sài-gòn đâu phải là một cuộc tháo thân, vì đâu có biết trước rằng trong tương lai Huế sẽ trải qua vụ đổ huyết rợn gáy lịch sử là cái biến cố Mậu-thân vừa rồi. Hồi đó chúng ta đã chẳng bàn với nhau: Cộng-sản chắc không chịu đánh Huế đâu? chẳng thêm cho họ được chút gì cả. Cái gọi là quân sự đâu phải là đất thần kinh nhà mình. Rồi chúng ta nhìn Sài-gòn, nhìn Nha-trang, nhìn Đà-nẵng bằng cặp mắt lo ngại… Bây giờ mới biết Huế đã đứng thật gần lịch sử!

Tôi cam đoan không có người Huế nào yêu Huế bằng tôi mặc dầu tôi đã bỏ Huế mà đi gần ba năm nay. Tôi là một trong những người yêu Huế nhất với cái bằng chứng: tôi chỉ viết được lai rai vài ba tác phẩm thôi mà cuốn nào cũng nói về Huế. Huế! Huế! hễ cứ cầm cây bút lên là Huế! (Tôi yêu Huế chứ không phải yêu người Huế). Phải là một thứ tình đậm đặc, kéo xiết khốc ác và cưỡng bức thế nào tôi mới viết về Huế hết mình như vậy! Mặc dầu có những người Huế không bằng lòng tôi viết ra một cái-Huế-như-vậy! Nhưng văn chương là viết những điều mình nghĩ và không làm dáng. Tôi chỉ đặt vấn đề là tôi thương Huế mà thôi! Bỏ Huế mà đi lòng nhớ trời, nhớ khoảng thiên nhiên. Tôi không yêu một thứ vẻ đẹp cấm cung, một thứ vẻ đẹp hạn hẹp, mà yêu bao la cả một khoảng thiên nhiên. Huế đẹp từ một vũng nước đọng bên đường đến lượng cả con Hương-giang, từ cọng rau muống bờ hồ đến cây phượng già xanh lục. Có nhiều hôm đi xe đạp lên cầu ga nhìn dãy núi lam phía sau cầu Bạch-hổ mịt mịt mùng mùng mà tưởng cái phần hồn của từng kiếp người cũng có thể dăng dài keo kéo dãy như vậy! Những đêm mùa đông, những con “ệng oạng” kê mõm khoắc khoải kêu khan từ những ao rau muống… Kêu chi mà khổ, mà trầm thống! Thêm vào đó, tiếng rao hàng dài lê lết: mua trứng lộn! mua trứng lộn… Trời ơi! tiếng kêu của miếng ăn sao mà buồn đến thế! nhức xương buốt tủy mất! Tưởng tượng mở cửa kêu vào chắc mình phải ôm cô hàng trứng mà khóc ngất! Rồi cái quán cơm, quán cơm cũng mang tên Âm-phủ ăn dưới ngọn đèn tù mù… và con đường Âm-hồn, tiếng chuông chùa Diệu-đế… Cực lòng quá Huế ơi! Tôi đi! Tôi đi… ở với Huế buồn lắm… Vào Sài-gòn họa may có một nụ cười…

Buổi sáng tôi đi, tôi ôm gói áo quần xuống phi trường Phú-bài. Huế của tôi, tôi biết, không bao giờ khóc người đi và cũng chẳng bao giờ mừng người trở lại. Huế của tôi không yêu ai mà cũng chẳng phản bội ai.

Anh Đỗ, khi chân vừa chấm đất Sài-gòn, tôi nhìn lại chiếc tàu bay mà lòng co quắp đau đớn: thôi! mất Huế hẳn rồi. Tôi thương con đường Phan Chu Trinh với ngôi nhà thềm trắng, bồn hoa violette, hai cây dừa xiêm giắt những gói muối, và bến sông thân yêu trước mặt. Tôi biết rằng rồi đây người Huế sẽ lần lần từng người từng người rủ nhau bỏ đi. Vì đó là mảnh đất tán chứ không phải tụ. Trời ơi! ra đi như vậy thì còn để ai ở lại mà ngắm, còn để ai ở lại mà làm người mộng áo trắng qua cầu, tóc thề vương vương con đò Thừa-phủ. Ngày chưa chia ly, ngày Huế chưa chia ly với tôi và với những người khác, dân cư cũng đã quá thưa thớt, nhà cửa cũng ít ỏi… Năm 1963, hai chiếc taxi Sài-gòn ra Huế chạy rước khách kiếm sống nhưng không kiếm được chút đỉnh gì đành phải quay lui lại Sài-gòn. Anh Đỗ, Huế thừa lẽ sống nhưng lại thiếu kế sống. Thành phố rất tinh thần, chỗ đất rất thần kinh. Những ai không chịu được nỗi buồn cưỡng bức, những ai giá áo túi cơm đều tìm không ra lẽ để sống với Huế. Tôi đã ra đi vì sợ nỗi buồn cưỡng bức, vì không ngửi thấy nguồn hương tinh thần dành an ủi những tâm hồn không bao giờ chịu xa Huế. Chỉ có những người chung thủy với Huế nhất mới ngửi thấy nguồn hương tinh thần đó. Vì rằng ngày xưa khi vua đầu triều nhà Nguyễn đang tâm niệm tìm một chỗ đất đóng đô thì thần linh hiện lên bảo: “hãy đứng bên trên đầu tổ quốc, hãy thắp một cây hương rồi lần theo phương Nam mà đi xuống, đến chỗ nào cây hương tắt thì hãy đóng đô.” Vì lẽ đó Huế là đất thần kinh. Kinh đô thần linh đối với những kẻ đeo chiếc mũi phàm tục chai sạn không ngửi thấy nguồn hương tinh thần đầy an ủi là một giải đất buồn phải không anh Đỗ. Buồn quá mà tôi đi phải không anh Đỗ? phải không Huế?

Anh Đỗ! chào anh.

TÚY HNG
(Văn số Xuân Kỷ Dậu 1969)