Sunday, January 12, 2020

VỀ QUA LONG XUYÊN VÀ NHỮNG NGÀY TÔI ĐI HỌC


Lương Thư Trung

Chợ nổi Long Xuyên
Bạn ơi,

Hồi đó, từ chợ quận Lấp Vò quê tôi, nếu bạn muốn lên Long Xuyên, từ chợ quận người ta phải quẹo mặt đi theo con đường liên tỉnh số 8, dài chừng ba cây số, tới một bến sông và rồi bạn xuống xe để đi ngang qua một bến bắc có tên là bắc Vàm Cống. Hồi xưa bến bắc Vàm Cống này không biết khởi công xây dựng từ lúc nào nhưng được biết nó được hoàn tất vào năm 1925.

Bến bắc Vàm Cống, hồi còn nhỏ Tía tôi mỗi lần bơi xuồng từ Lấp Vò về quê ngoại tôi trên rạch Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) đều phải bơi ngang qua bến bắc này. Hồi rất xa xưa ấy, những năm 1945-1946, lúc tản cư về bên ngoại thì Tía Má tôi lâu lâu mới về Lấp Vò một lần và lần nào cũng bơi qua Long Xuyên. Từ Vàm Cống, khúc sông Hậu Giang chỗ này khá rộng, xuồng có khi gặp trời không có gió, sông không có sóng thì đỡ khổ; những lúc có gió từ dưới Cần Thơ thổi lên, mà nhứt là gặp gió chướng nữa thì ôi thôi sóng dâng những lượn sóng rất cao làm cho chiếc xuồng có sức chở khoảng ba chục giạ lúa, lúc bấy giờ sóng nhồi lên nhồi xuống coi như sắp chìm tới nơi vậy. Hồi đò dù tôi còn rất nhỏ nhưng tôi run lắm, sợ chìm xuồng!

Mỗi lần đi ngang qua bắc như vậy, những chiếc bắc hồi đó nhỏ lắm, chỉ có một đầu nên khi bắc ghé lại thì xe hơi phải de lên, chứ không như sau nay bắc Vàm Cống có loại bắc hai đầu, xe hơi chỉ cần chạy tới và xe lần lần bò lên cầu rồi chạy lên các hướng hoặc lên Long Xuyên thì rẽ sang tay mặt, còn rẽ trái là hướng về Rạch Giá. Vậy mà rồi hồi ấy tấp nập người, xe và cả trâu bò cũng được bắc đưa qua sông cái Hậu Giang!

Bắc Vàm Cống (Long Xuyên-An Giang)

Bạn có còn nhớ có lần thi sĩ Tô Thùy Yên đi qua bắc Vàm Cống vào ban đêm và ông có cảm tác mấy vần thơ trong bài thơ có tựa là Đêm Qua Bắc Vàm Cống(1) không?  Bài thơ không có ghi ngày nhưng chắc là lâu lắm, đâu khoảng những năm 1958-1960 thì phải và xin mời bạn:
Đêm qua bắc Vàm Cống
Mối sầu như nước sông
Chảy hoài mà chẳng cạn
Cuốn phăng kiếp bền
h bồng
Tôi đi xuống Lục Tỉnh
Để rắc bỏ ven đường
Tài, tâm hồn, kỷ niệm…
Giữ làm gì đau thương
Đã đôi lần nhầm lẫn
Còn gõ cửa ái tình
Van nài chút lưu luyến
Của không về người xin
Tôi châm điếu thuốc nữa
Đốt tàn thêm tháng năm
Chiếc bắc xa dần bến
Đời xa dần tuổi xanh
Nước tách nguồn về biển
Sầu lại chảy về hồn
Khi tôi vuốt lấy mặt
Nghe bàn tay trống trơn
(Tô Thùy Yên)


Bắc Vàm Cống khi trời sụp tối.

Còn nếu bạn muốn đi theo đường sông, nói theo Phạm Quỳnh kể trong “Một Tháng Ở Nam Kỳ” (tháng 11-1918- tháng 1-1919) thì tác giả kể:

“Từ Mỹ-tho lên Long-xuyên phải đi ngược sông Tiền-giang (Bassac ou Fleuve antérieur), đi tàu chạy thường mất đầy một ngày, từ sáng sớm đến tối mịt. Vậy suốt một ngày được ngắm phong-cảnh sông Mê-kong. Nhưng thật đi trên sông Mê-kong, lắm khi tưởng ở trong cái kênh cái lạch nào, không mấy lúc có cái cảm-giác là ở giữa chồn tràng-giang. Vì trong khoảng từ Mỹ-tho lên Châu-đốc, trong sông đầy những cù-lao cùng bãi-cát, lắm nơi to rộng lắm, từng làng từng tổng ở vừa, đầy những cây cỏ um-tùm, chật mất cả lòng sông, nên coi hẹp đi; tàu lại thường chạy len-lỏi ở trong kênh trong vàm gần những nơi có dân –cư, để đỗ khách đón khách, không mấy khi ra đến mặt ngoài sông, nên không biết sông rộng đến chừng nào.”(…)
“Chừng 7, 8 giờ tối thì tới Long-xuyên. Long-xuyên như chia ra làm hai tỉnh khác nhau: một bên là chợ có hàng-quán phố-xá đông, một bên là tỉnh, có dinh các quan và các công-sở.”(2)

Nhắc về tỉnh lỵ Long Xuyên lúc nhà văn Nguyễn Hiến Lê hồi mới vô Nam làm việc, trong hồi ký, thầy  có nhắc chuyến đò từ Chợ Mới qua Long Xuyên lần đầu:

“Chiều mùng hai tôi phải từ biệt bác tôi để đi qua chợ Mới, ngủ tại nhà một người anh họ, anh Thiệm, ở Phương khê vào đây làm ăn từ mấy năm trước, có một sạp bán vải ở chợ. Sáng sớm mồng ba tôi với anh Thiệm đi đò đạp qua Long xuyên. Đò là một chiếc ghe dài chở được ba bốn chục người và nhiều hàng hóa, nhưng không có chèo mà có một xa quạt ở phía sau do bốn người đạp. Đò đi rất chậm, lại phải ghé nhiều nơi đón khách(…)

Mười một giờ trưa mới tới Long xuyên, gặp anh Thái và anh Hách ở Nha trang vào, ba chúng tôi cùng học một lớp, cùng làm một sở. Lại gặp một hai thầy họa đồ (opérateur) giúp việc cho chúng tôi nữa. Mướn phòng ngủ rồi rủ nhau đi coi thị xã. Thành phố nhỏ mà buồn, đi độ một giờ là hết. Chia làm hai khu vực: khu thương mại ở phía Nam gồm một nhà lồng (chợ) ở sau nhà việc (cơ sở hành chánh) của làng Mỹ Phước, và gần bờ sông Hậu giang. Chung quanh chợ có ba bốn dãy phố buôn bán, đa số của Hoa kiều, có một đường lát đá dọc theo sông Hậu đưa xuống Cái sơn, ngoại ô, cảnh ở đây như nhà quê rồi.

 Khu hành chánh ở phía bắc; một cây cầu sắt bắc qua rạch Long xuyên nối hai khu với nhau. Khu hành chánh gồm các công sở như Tòa bố (tỉnh đường), sở Bưu điện, sở Công chính, Địa chính, bệnh viện, trường tiểu học nam, nữ v.v… Chỉ có hai con đường song song nhau: Gia Long và Lê Lợi, với vài con đường ngang, nhỏ. Đường Lê Lợi có nhiều phố lầu của công chức gần bờ sông Hậu, nhiều cây cao bóng mát, như cây teck, cây dái ngựa (?) mùa xuân hương thơm ngào ngạt. Đường Gia Long vắng vẻ, hầu hết là nhà sàn cách nhau có khi tới trăm thước; nét đặc biệt là có một con kinh ở bên đường và nhiều cầu gỗ đưa từ đường vào nhà, nhà nào cũng có vườn rộng; lắm chỗ còn bỏ hoang. Ngày nay đường đó đã đông nghẹt nhà lớp trước lớp sau, có chỗ tới ba lớp; kinh đã lấp, cầu đã dỡ và đường đã mở rộng thành một đại lộ lớn nhất thị xã.” (3)

Theo như mô tả của hai vị tiền bối Phạm Quỳnh, và Nguyễn Hiến Lê thì khung cảnh tỉnh lỵ Long Xuyên như trong hai quyển sách vừa dẫn, mãi tới năm tôi xuống Long Xuyên đi học khoảng năm 1955, cảnh trí cũng y như vậy. Tức là Long Xuyên lấy con sông Thoại Hà, chỗ có cầu Hoàng Diệu, chia thị xã ra làm hai phần riêng biệt là một bên là khu vực hành chánh và một bên là khu chợ búa phố xá buôn bán tấp nập.

Cầu Hoàng Diệu (Long Xuyên)

Hồi đó tôi còn nhớ, sau khi đậu văn bằng Tiểu Học ở trường Tiểu Học Bổ Túc làng Bình Hòa (Mắc Cần Dưng), lúc bấy giờ gia đình Tía Má tôi còn ở nhờ bên ngoại tại làng Mặc Cần Dưng (Bình Hòa- Long Xuyên) vì tản cư từ hồi mấy năm 1945, khi tôi thi tuyển vào lớp Đệ Thất trường trung học công lập Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) thì bị rớt vì có lẽ do học dở và số thí sinh dự thi quá đông và số đậu lại lấy quá ít, nên Tía Má tôi cho tôi xuống Long Xuyên học lớp Tiếp Liên ở trường Nam Tiểu học tỉnh lỵ, và tôi học lớp Tiếp Liên B với thầy Ngô, thầy rất hiền và ít đánh học trò; còn lớp Tiếp Liên A do thầy Năm dạy và thầy năm ốm ốm nhưng rất khó và thầy Năm đánh học trò bằng roi rất đau và đứa nào học với thầy Năm cũng rất sợ đòn mỗi khi thầy kêu lên dọn bài.

Hồi đó tôi được Tía Má tôi gởi ở trọ nhà của dì Hai, bà con bạn dì với Má tôi, đường Tạ Thu Thâu, con đường dẫn ra ty Công Chánh . Nhà dì Hai thuộc khu vực cua Lò Thiêu, chỗ cầu quay, còn có tên là cầu Nguyễn Trung Trực. Sở dĩ gọi cầu quay vì cầu thấp, có nhịp giữa được thiết kế bằng một trục quay như bánh xe với nhiều răng cưa; mỗi khi có tàu lớn hoặc sà-lan chở nặng, công nhân có trách nhiệm giữ cầu họ bắt đầu quay nhịp giữa của cầu cất lên cao cho ghe tàu đi qua, sau đó họ lại quay cầu hạ xuống bình thường trở lại để xe cộ lưu thông. Từ nhà dì Hai mỗi khi đi học, tôi phải đi bộ theo con đường Tạ Thu Thâu, đi tiếp ra tời ty Công Chánh, qua một cây cầu sắt bắc ngang con sông chạy từ Long Xuyên vô Núi Sập và vô tuốt trong Rạch Giá.

Bên kia cầu, bắt đầu là đường Gia Long, phía tay mặt lần lượt là tòa án, tòa hành chánh tỉnh, dài xuồng tới cầu Hoàng Diệu mà hồi đời Tây cầu này có tên là cầu Henrie. 

Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu
(Long Xuyên) năm 1959

Còn từ cầu sắt chỗ ty Công Chánh, phía tay trái đường Gia Long có dinh Tỉnh Trưởng nằm tại cái doi cặp bờ sông Hậu, rồi lần lượt có các ty Ngân Khố, ty Bưu Điện nằm phía đường Lê Lợi; nhà đèn, rồi đến trường trung học Thoại Ngọc Hầu nằm ngay dốc cầu Hoàng Diệu.. Ngoài những ty sở như vừa kể, khu bên này của tỉnh Long Xuyên hồi đó  còn có Ty Tiểu Học nằm ngay trên đường Đinh Tiên Hoàng, đối diện với khu  trường Nam và trường Nữ tiểu học. Ngoài ra còn có nhà thương Long Xuyên, căn cứ hải quân nằm cặp bờ sông Hậu và hai trường tư thục nữa là trường Quang Trung và trường Huỳnh Văn Nhứt nằm trên đường Lê Lợi.

Hồi đời trước ở Long xuyên không có trường trung học tư thục, mãi tới mấy năm đầu thập niên 1950, Tía má tôi cùng với nhiều phụ huynh mới hùng tiền xây cất trường Quang Trung này hầu giúp cho học sinh thi vô lớp Đệ thất trường Thoại Ngọc Hầu không đậu có chỗ học tiếp. Sau này trường Quang Trung được dùng làm trường bán công Khuyến Học. Mấy năm sau này còn có thêm ba trường tư thục nữa là trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm ngay trên đường Tạ Thu Thâu gần Ty Công Chánh, trường Bồ Đề của Phật giáo gần sân vận động Cộng Hòa nằm trên đường Trần Hưng Đạo, đường đi về hướng Châu Đốc và trường Phụng Sự của Công Giáo nằm trên đường Tự Do gần chỗ ngã tư đèn Bốn ngọn, đối diện phía sau lưng là trường tiểu học Mỹ Phước do thầy Thìn làm Hiệu Trưởng, mà hồi mấy năm tôi còn nhỏ nghe người lớn thường hay gọi là “Thầy Tám Thìn”.

Nói thêm một chút về trường bán công Khuyến Học Long Xuyên, thú thực, tôi không biết trường được thành lập từ năm nào vì cũng ít thấy ai nhắc nhở về ngôi trường thân yêu này của tôi mà tôi đã học suốt bốn năm trung học Đệ nhất cấp, từ lớp Đệ Thầt đến hết năm lớp Đệ Tứ. Riêng tôi thì khi đi thi tuyển vô lớp Đệ Thất trường trung học công lập Thoại Ngọc Hầu lần thư hai lại bị rớt và được nhận vào học lớp Đệ Thất trường bán công Khuyến Học này khoảng năm 1956, lúc bấy giờ thầy Thiện làm Hiệu Trưởng. Học phí hồi đó nhà trường chỉ lấy tượng trưng mỗi tháng khoảng 60 đồng nếu học lớp Đệ Thất; và trường tọa lạc ngay trong khuôn viên trường Thoại Ngọc Hầu và các giáo sư cũng do các thầy dạy trường Thoại Ngọc Hầu qua phụ trách giảng dạy, nên so với học sinh Thoại Ngọc Hầu thì học sinh trường bán công Khuyến Học chỉ khác ở chỗ là mình phải đóng tiền học bằng nửa giá trường tư. Và khi tôi thi đậu bằng Trung học Đệ Nhất Cấp vào năm 1960, thì lúc lên học lớp Đệ tam, tôi được nhận vào trường Thoại Ngọc Hầu học các lớp Đệ nhị cấp cho tới thi xong hai bằng tú Tài I&II mới rời trường.

Hồi đó, tôi còn nhớ là khóa thi  lấy văn bằng Trung Học Đệ Nhất, tôi thi ở hội đồng thi Long Xuyên và đây là kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp đầu tiên được tổ chức ở Long Xuyên, chứ trước đây các thí sinh Long Xuyên, Châu Đốc đều phải xuống Cần Thơ ứng thí và đây cũng là kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp đầu tiên bãi bỏ phần thi “Vấn đáp”, thay vào đó là phải thi các môn thi “Nhiệm Ý”; nghĩa là có ba môn Nhạc, Vẽ và Hán Văn, thí sinh có quyền tự chọn một trong ba môn vừa kể để làm bài thi phần các môn “nhiệm ý” này. Năm đó tôi nhớ là tôi chon môn Vẽ và tôi vẽ cái ghế có lưng dựa. Và cũng kể từ năm đó các kỳ thi văn bằng trung học Đệ Nhứt Cấp mỗi năm chỉ tổ chức có một kỳ thi duy nhứt và không có kỳ thi thứ hai như các năm trờ về trước. Kỳ thi này tôi đậu hạng thứ vì mình học trung bình thôi, hổng rớt là may mắn lắm rồi; nên tôi rất mừng và cũng không dám mơ ước gì hơn!

Dịp này cũng xin nhắc qua một chút về việc hình thành trường Thoại Ngọc Hầu. Theo Hồi ký của thầy Nguyễn Hiến Lê, có nhắc:

“Năm 1949 một viên kỹ sư Việt đồng sự với tôi ở sở Thủy lợi trước kia, bấy giờ coi cả khu Công chánh miền Tây gồm năm sáu tỉnh, ba lần mời tôi trở về sở Công chánh, tôi đều từ chối.

Tháng 11 năm sau, ông Thơ (4) đã làm tỉnh trưởng Long xuyên và đã mở ở thị xã trường Trung học Thoại Ngọc Hầu, hai lần mời tôi dạy thay ông Kính phải trở về Bộ Tư Pháp; vì giữa niên học không dễ gì kiếm được người thay, nên tôi vì tình bạn cả hai ông ấy, nhận lời giúp với điều kiện là cuối niên khóa nếu tôi muốn thôi thì phải cho tôi thôi.
Tôi dạy Pháp văn, Việt văn, Đức dục, sau thêm môn Hán văn nữa ở nhiều lớp, từ năm thứ tư trở xuống năm thứ nhì…(…)(5)

Ở một trang khác thầy Nguyễn Hiến Lê viết tiếp:
“Tháng 11-1950 tôi nhận dạy cho trường Thoại Ngọc Hầu. Nguyên tắc của tôi là chỉ cho học sinh cách học rồi hướng dẫn họ để họ có thể tự học được. Điều đó rất quan trọng vì tất cả các học sinh không biết ghi chép lời giảng của thầy, không biết cách học bài, làm bài, không biết cách học ôn, cách tìm tài liệu, không có một thời dụng biểu ở nhà.

Dạy được ba bốn tháng, tôi nghĩ công việc cần là nhất là phải chỉ cho họ cách học đã, và ngày 29 Tết năm Tân Mão (tháng 2-1951) tôi khởi sự viết, mới đầu chỉ định viết độ 50 trang để tòa hành chánh quay ronéo chừng 100 bản phát cho học sinh; nhưng khi đã hạ bút viết thì ý này gợi ý kia, vần đề này kéo vấn đề khác và số trang rốt cuộc tăng lên gắp ba.”(6)

Vậy là trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu do ông Nguyễn Ngọc Thơ thành lập từ những năm cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950. Và Thầy Nguyễn Hiến Lê đã dạy trường Thoại Ngọc Hầu ba năm:

“Đầu năm 1953 tôi thấy nghề viết sách giúp tôi sống được, tôi chuẩn bị để chuyển nghề.”
(…)
“Giữa niên học tôi làm đơn gởi lên ông Thơ xin thôi dạy từ cuối niên khóa đó, không ký lại giao kèo cho niên khóa sau. Ông giữ lời hưa, nên không bác đơn, nhưng cứ ngâm đó.”
(…)
“Hết hè năm đó, ông Thơ thấy tôi không trở lại dạy Thoại Ngọc Hầu, đành phải cho tôi thôi, nhưng ông vẫn cố níu tôi ở lại “cho vui, bạn bè ở đây có được bao người”.
(…)
Sáng ngày tựu trường năm đó, ngồi bàn viết trông ra ngoài đường, thấy học sinh dắt nhau ríu rít đi ngang, tôi cũng buồn buồn nhớ bạn nhớ trò, nhớ cảnh trường. Mới dạy có ba năm mà tôi đã quyến luyến với nghề, trách chi nhà tôi- cô Liệp- sau ba mươi bảy năm dạy học, về hưu, chẳng buồn rầu, tuần nào cũng tới trường cũ một lần cho đỡ nhớ!” (7)

 Các vị Hiệu Trưởng lúc bấy giờ lần lượt là các giáo sư Lê Văn Kính (như trong hồi ký của Thầy Nguyễn Hiến Lê có nhắc tên), giáo sư Đỗ Cao Hách; đặc biệt ba vị Hiệu Trưởng tiếp theo mà tôi theo học và có biết là giáo sư Đặng Văn Kế, giáo sư Hồ Văn Kỳ Trân và giáo sư Từ Chấn Sâm. Vì tôi rời trường cuối niên học 1963, nên các vị Hiệu Trưởng sau này tôi không biết nên tôi không thể nhớ được!

Dịp này, thiết tưởng cũng nên nhắc các vị giáo sư cả hai trường trung học Thoại Ngọc Hầu và trung học bán công Khuyến Học mà tôi may mắn được học vào nhửng năm 1957-1963  và nay nhìn lại hơn sáu mươi lăm năm qua phải công nhận một điều là công lao các thầy  cô đã dày công giảng dạy cho lớp học trò thuộc thế hệ chúng tôi có được một nền học vấn cùng đức hạnh đủ để sống được một đời sống tử tế giữa bao muôn trùng cám dỗ của xã hội quả là công lao của các Thầy cô không làm sao kể cho xiết!

Trước nhứt mà tôi còn nhớ là thầy Lê Văn Trung dạy môn Việt văn lớp Đệ Thất, thầy Nguyễn Văn Hay dạy môn Pháp Văn, thầy Nguyễn Văn Kỉnh dạy môn Sử Địa, thầy Trịnh Văn Mười Hai dạy Pháp văn, thầy Nguyễn Kỉnh Đốc dạy môn Anh văn các lớp Đệ Nhất cấp, thầy Nguyễn Văn Chánh dạy môn Sử Địa năm lớp Đệ Tứ, thầy Nguyễn Cao Đàn dạy Việt văn năm lớp Đệ Tứ, Thầy Nguyễn Văn Mùi dạy Việt văn năm lớp Đệ Tam, thầy Văn dạy Pháp văn năm lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất, thầy Võ Triêm dạy hai mộn Vật Lý và Hóa Học lớp Đệ Nhị và Đệ Nhất cả hai ban A và B, thầy Nguyễn Khắc Minh dạy Toán các lớp Đệ Nhất, cô Nguyễn Ngọc Kim Anh dạy môn Anh văn các năm lớp Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất… Và còn nhiều thầy cô nữa, nhiều lắm …

Thưa bạn,
 Tôi rất may mắn là vào những năm 1996-1997, tôi có biết diễn đàn Ô Thước và tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng do cô Phạm Chi Lan làm Chủ biên; và qua đó tôi quen với bạn Phạm Thiện Mạc bên Canada vào khoảng năm 2000 và được biết bạn Mạc là rể của giáo sư Nguyễn Cao Đàn, Thầy dạy môn Việt văn hồi lớp Đệ Tứ. Từ đó tôi mới xin được địa chỉ gởi thư của Thầy và biết được Thầy lúc bấy giờ đang ở bên Canada. Do vậy mà tôi đã gởi thư thăm Thầy và kính tặng Thầy cuốn Bến Bờ Còn Lại. Hồi ấy, ái nữ của Thầy là em Hương email cho tôi hay là khi nhận được sách của tôi kính tặng Thầy, Thầy vui lắm! Liền mấy ngày sau, tôi rất mừng và rất hạnh phúc nhận được lá thư hồi âm của Thầy mà hồi còn đi học tôi vô cùng kính phục cái tài giảng dạy các bài giảng văn của Thầy vô cùng hấp dẫn mà tôi không thể nào quên được. Xin mời bạn:

“Longueuil, ngày 19 tháng 7 năm 2000

Anh Lương Thư-trung quý mến,

      Tám mươi lăm tuổi đời, bề ngoài tuy còn tàm-tạm, nhưng bên-trong thật đã nát-bấy, nát vì nhiều duyên-căn khác hơn là vì những hao-mòn của cơ-thể. Nhưng ruột héo bỗng tươi lại, lòng nguội lại xốn-xang, tôi bỗng được chích một liều thần-dược; anh xứng đáng là một "Hoa-Đà", "Biển-Thước".  Dầu có-thể anh chưa nhìn tới một trang-sách-thuốc, cầm tới một ống-chích, và nhất là anh hẳn không bao-giờ nghĩ bỗng có một danh-hiệu như vậy, nhưng tôi thành-thực mà tuyên-dương anh như thế. Quyển-sách "Bến Bờ Còn Lại" anh gửi cho kèm những dòng chữ anh đề tặng chính là liều thần-dược ấy. Tôi không nói cái lời công-thức "xin cám-ơn", được dùng thường quá, nhẹ mất cả nội-dung; nó không còn dung-tích để chứa cái tình-cảm nồng-nàn trong lòng một ông-lão già-nua bỗng thấy bóng xưa nửa đời về trước của mình lấp-loáng trong tim một học-sinh cũ mà cuộc-đời nay đã trải nhiều mưa-nắng và đã lên hàng cha-ông, tâm-tư cũng đã ngã nhiều về quá-khứ...

        Bốn-mươi ba, bốn-mươi tư năm trước ông-già cũng chẳng còn trẻ-trung gì mà hành-nghề vẫn cứ bên-lề nghi-thức; quần-áo chỉ vừa đủ không xú-xứa; cái caravate vì hiệu-trưởng nhăn-nhó quá phải đeo cho qua mắt, đến cổng trường mới quàng vào, vào qua cửa lớp lại tháo ra đút túi quần. Dạy Việt-văn, hiếm thầy dùng đến phấn, nhưng riêng ông thì sau giờ dạy, đầu tóc, quần-áo cứ như người khuân-vác ở nhà-máy xay bột vì ông dạy là ông vẽ, bôi bôi, xoá xoá; hình-dung cả những ý trừu-tượng bằng một biểu-đồ.

      Ông-già nhớ-lại: thời ấy, những chiều không dạy, đi xuống phố về, qua cầu Hoàng-Diệu ngược chiều với dẫy dài học-sinh trai-gái lớn có, nhỏ có, từ trường Thoại-Ngọc-Hầu và các trường tiểu-học đang líu-ríu nườm-nượp ra về, ông dừng bước đứng nhìn, bần-thần, lòng vui-lo lẫn-lộn: "Ta làm gì cho những công-dân nụ-hoa này trước một thời-cuộc đang cuồn-cuộn sóng ngầm?"

     Ông nhớ-lại, do Phủ cố-vấn gửi thông-tư vấn quốc-sách đến giáo-giới và ông Hiệu-trưởng Kế cầu-nài quá nên nể-lời, ông đã viết thư về Phủ Tổng-Thống phân-tích tình-thế và kết-luận rằng: "Miền-Nam được hưởng một cơn-ngưng-bão khoảng 5, 7 năm. Sự tồn-vong của Miền-Nam trông ở một quốc-sách giáo-dục đào-tạo sao cho được những công-dân nam-nữ có hùng-khí hăng-say vì đại-nghĩa độc-lập của quốc-gia, chứ không trông ở việc đào-tạo những thành-phần quân-chính vì kiếm-ăn mà luồn-cúi một chính-quyền, như người Pháp trước kia đã làm. Người công-dân mai-đây phải phục-vụ trong tinh-thần hào-hãnh đóng-góp bảo-vệ đất-nước và tái-thiết xã-hội, chứ không trong thái-độ bị-trị, bị-động do chế-độ thưởng-phạt mà người Pháp đã muốn. Quốc-sách giáo-dục này mà không bừng-khai lên được thì một chính-quyền mạnh mấy rồi cũng tan khi dông-tố quân-chính sôi-động trở lại. Nó sẽ đào-lốc hết mọi quyền-lực nào không được nuôi bằng khí-thế của quốc-dân."

     Ông Hiệu-trưởng Kế áy-náy, ngại-ngùng, nhưng không ai khác viết cho ông, vả-lại người-viết ký-tên chịu trách-nhiệm về ý-kiến của mình, nên ông thấy gửi-đi chỉ có lợi cho tiếng của trường mà chẳng hại gì cho ông. Nể tình thì viết thôi, chứ thật ra đã biết trước số-phận bức-thư cũng đến vào sọt-rát nên người-viết cũng quên đi, không lý gì đến nữa và chăm-lo việc của mình được chừng nào hay chừng nấy.

     Ngày nay nhận được sách của anh mới sực nhớ lại một đoạn đường-đời, tâm-thần lại ngậm-ngùi..., chẳng biết tội-trạng của mình đối đất-nước là thế-nào? Già-đầu rồi mới thấy phân-biệt phải-quấy, nên-chăng đâu có dễ... Nhưng dầu sao tấm-lòng của anh cũng quý muôn-vàn, hiếm thực là hiếm.

    Sách anh, tôi chưa đọc hết ngay được, cả sức óc và sức mắt đều yếu lắm rồi, chỉ mới đọc mục-lục để nắm đại-ý nội-dung và đọc thấp-thoáng vài chương, nên hãy tạm trao-đổi với anh một vài ý-kiến bất-chợt để anh biết sự lưu-ý của tôi.

    Khen văn anh hay, dầu hình-ảnh và "couleurs locales", nhận-xét này rất thực, nhưng người-viết sách ai nào chờ những lời phê kiểu "thầy-đồ" ấy. Giá-trị sách anh là đã cho nhiều người thấy những nét rất sắc của quê-hương đầy mến-thương xưa. Số người nhờ sách anh mà bổ-túc được ít-nhiều kiến-thức thiếu hẳn cái-nền-nếp đặc-thù của xã-hội Việt không ít. Tôi hy-vọng những học-giả văn-gia thường được coi như sao sáng trong bầu trời văn-học, nếu họ may-mắn được đọc sách anh, họ sẽ tỉnh-ngộ mà tự  hối: "chữ-nghĩa ích gì cho buổi ấy; áo-xiêm khiến thẹn cả râu-mày".  Họ cần biết cái nền tảng gốc mà xưa-kia bị cuốn mịt-mờ trong khói xanh-đỏ và mùi-vị của sòng-bạc, họ đâu biết tới; ngày nay lòng trống-trải, bâng-khuâng, nhưng cũng chẳng biết ngoảnh-ngoái tìm cái gì và tìm ở đâu.

     Anh với tôi có cùng một quý-mến. Anh thì viết: "Một phần người-nông-dân họ cảm-mến người biết chữ, họ trọng chữ thánh-hiền, nhưng một phần khác họ cũng mến cái cách ăn-ở của mình với chòm-xóm láng-giềng. Dù họ ít học, nhưng họ rất trọng đạo-đức, vì thế, đối với họ, dù làm quan, làm làng, mà không khiêm-cung, không hoà-thuận, không đức-hạnh, họ rất coi-thường. Sống ở đời đã khó, mà sống ở nhà-quê tưởng-chừng rất dễ, mà còn khó gấp-bội-phần."

    Còn tôi thì nhắc và giảng nhiều lần hai câu thường truyền miệng trong nhân-dân: "sống ở làng, sang ở nước " và "triều-đình dụng tước, hương-đảng dụng xỉ", rồi viết: "Trong nhân-dân Việt có một nền giáo-dục theo sát sinh-hoạt, tạo nên nếp "sống ở làng". Đây đúng là một nền "nhân-dân tự giáo-dục" hay bác-học hơn thì gọi là "sinh-hoạt giáo-dục", già dạy trẻ, mẹ hay bà hát ru con-cháu, dạy con-cháu (nhất là con-cháu gái) trong từng việc, cả cách-thức làm và thái-độ trong việc làm. Đây mới thực sự là nền giáo-dục căn-bản của dân-tộc... Ở đây, những bà, những mẹ, những chị và những người tuổi-tác giữ vai căn-bản vì họ đã từng-trải và tiếp-thâu nhiều trong cuộc-đời. Có thể nhìn những vị này là những "túi khôn" trong nhân-dân... Họ chính là những nhà giáo-dục vậy." Lại viết tiếp sau mấy câu nhắc đến nền văn-chương thuần-tuý Việt: "... trong nhân-dân Việt, có nhiều văn-nghệ-sỹ tài-tử vô-danh, khi hào-hùng, khi trữ-tình, khi hài-hước châm-biếm, khi giáo-hoá...; tất cả không thiếu những ưu-tính là tinh-tế và sâu-sắc... Họ chính là những hoạt-náo-viên, những nghệ-sỹ làm sinh-dộng, đằm-thắm đời-sống nông-thôn làng-mạc. Nếu có nói, chính họ là những nhà-văn-hoá đã xây-dựng và duy-trì căn-bản văn-hoá Việt, cũng không sai sự-thực vì họ vừa truyền đạo bằng văn-chương nghệ-thuật, vừa sống ngay trong sinh-hoạt như mọi người. Nhận-xét này có thể làm ngỡ-ngàng vài học-giả và ít nhà tu-hành."

      Tôi cầu mong cho sách anh được phổ-biến rộng-rãi, vì đó là một quyển-sách phụ hồn rất cần-thiết cho người Việt sẽ đời đời là công-dân của những nước mình đang kiều-cư. …”
(…)

Hy-vọng sức-khoẻ khá hơn để có thể cùng anh nói-chuyện nhiều hơn. Anh cho tôi biết gia cảnh và sinh-hoạt của anh hiện nay. Mong mọi an-lành đến cho anh-chị và các cháu. Phần tôi, tính sổ cuộc-đời thì thấy nợ-nần nhiều quá, nên buồn nhiều hơn vui...
Thân ái,
Hoài-Nguyên Nguyễn Cao-Đàn

Ngoài ra, tôi cũng rất may mắn tìm lại được giáo sư Nguyễn Khắc Minh, dạy môn Toán lớp Đệ Nhứt B của tôi, qua một anh bạn có bà xã là cựu học sinh trường nữ trung học Trưng Vương (Sài Gòn); vì sau khi thầy Nguyễn Khắc Minh rời trường Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) thì Thầy về dạy ở Trưng Vương cho tới tháng 4 năm 1975; nên tôi đã liên lạc được với Thầy và hằng năm cứ tới ngày Tết vợ chồng tôi luôn ghé thăm và mừng tuổi Thầy Cô. Vui lắm!

Từ trái, giáo sư Lê Minh Đạt, học trò cũ,
giáo sư Nguyễn Khắc Minh, nhà thơ Phan Xuân Sinh
với ly rượu mừng47 năm thầy trò gặp lại.

Từ trái: Thầy Nguyễn Khắc Minh
và học trò cũ tại nhà thầy.

Từ phải, hình đứng: Giáo sư Nguyễn Khắc Minh và Cô Mai
(hiền thê của Thầy Minh) trong dịp dự buổi giới thiệu sách của
anh Phan Xuân Sinh tại Houston, Hoa Kỳ.

Và dịp này, con xin được kính dâng lên các Thầy, Cô, những bậc ân sư của con, lòng biết ơn vô bờ bến của một đứa học trò già, lòng con lúc nào cũng nhớ công ơn dạy dỗ của các Thầy, Cô mãi mãi, không phai lợt.

Thưa bạn,

Còn các con đường khác của chợ Long Xuyên có thể kể thêm là đường Phan Đình Phùng ngay trung tâm tỉnh lỵ giữa có ty Thông Tin, hai bên có nhà sách Vinh Ba và nhà sách Long Xuyên đối diện nhau qua ty thông tin này mà hồi còn đi học tôi ưa ghé vô hai nhà sách này coi sách cọp. Ngoài ra Long Xuyên hồi tôi còn nhỏ còn có nhà sách Yến Phương nằm trên tại góc đường Thoại Ngọc Hầu và đường Thành Thái (?), và nhà sách Á Châu của ông chủ nhật báo Tiếng Chuông nằm chỗ dốc cầu Hoàng Diệu chạy xuống tới nhà thờ lớn của Long Xuyên ngày nay; dường như đó là đường Đồng Khánh chạy ngang qua nhà của giáo sư Đỗ Cao Hách, thầy có một thời làm Hiệu Trưởng trường Trung Học công lập Thoại Ngọc Hầu và thầy dạy toán nổi tiếng ở Long Xuyên mấy năm 1950- 1960.

Trước mặt ty Thông Tin là công trường Trưng Nữ Vương, lâu ngày người ta gọi tắt là công trường Trưng Vương với hai bên phố xá ngăn nắp cất cùng một kiểu bằng nhau không có căn phố nào trồi ra hoặc sụt vào như nhiều thành thị khác. Có thể nói vào thời bấy giờ, đây là một trong những đặc điểm tiêu biểu của tỉnh Long Xuyên về phố xá ở chợ.

Thời này tôi nhớ phía bên chợ ngoài rạp chớp bóng Tân Đô như trên có nhắc, Long Xuyên còn có thêm rạp chớp bóng Thanh Liêm, và sau này khoảng năm 1957-1958 có thêm rạp hát Minh Hiển, rạp này các đoàn cải lương về đây hát nhiều hơn là chiếu bóng. Khoảng những năm 1960-1970, phía trước rạp Minh Hiển, nơi công trường Trưng Vương còn có bức tượng Bông Lúa rất cao do điêu khắc gia Mai Chửng thực hiện, tượng trưng cho sự trù phú của Long Xuyên là nhờ lúa gạo.

Toàn cảnh pho tượng “Bông Lúa”
tại công viên Trưng Vương tỉnh lỵ Long Xuyên
do Điêu khắc gia Mai Chửng xây dựng năm 1970.
(Hình do nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung (Úc Đại Lợi) sưu tm.)
(Nguồn:Thatsonchaudoc.com)

Hồi đó khoảng năm 1957 hoặc 1958 (không nhớ rõ), có lần tại công trường Trưng Vương này dân chúng, công chức các ngành, kể cả binh lính và học trò toàn tỉnh Long Xuyên được tập trung xếp hàng từ sáng sớm để đón rước Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến kinh lý và dường như lần đó có cả triển lãm nông nghiệp mà tôi nhớ có buồng chuối dài tới hơn trăm nải nữa.

Sau này tôi có trồng loại chuối trăm nải này
và buồng chuối trăm nải đang ở tuần thứ ba.
(Do anh Lê Minh Đạt trồng, hình minh họa)

Buồng chuối trăm nải sau một tháng trổ bắp
và còn đang tiếp tục trổ thêm rất mạnh mẽ.
(Do anh Lê Minh Đạt trồng, hình minh họa)

Nhớ dường như lúc bắt đầu lên lớp Đệ Lục, Tía Má tôi đã hồi cư về lại làng Tân Bình, quận Lấp Vò sau mười mấy năm loạn lạc xa quê, tôi được Tía Má tôi tìm được chỗ cất cái nhà nhỏ trên đất của cô tôi nằm trên đường liên tỉnh lộ số 9, gần cầu rạch Cái Sơn, để anh em tôi ở trọ để đi học. Từ ngoài đường muốn đi vô nhà phải đi ngang qua cây cầu khỉ vì cặp theo con đường liên tỉnh số 9 có con kinh lộ rất rộng cỡ năm hoặc mười thước bề ngang. Tôi bắt đầu di chuyển từ nhà dì Hai tôi ở cầu Nguyễn Trung Trực về ở nhà nhỏ này từ ấy.

Khi ở căn nhà nhỏ này, chúng tôi phải vừa đi học vừa tự nấu cơm ăn. Hồi đó học trò mỗi ngày học hai buổi; sáng từ 8 giờ tới 12 giờ tan học; thế là vừa nghe xong tiếng trống tan học, chúng tôi vội vàng lội bộ về nhà lo nấu cơm; ăn cơm xong nằm nghỉ một lát là chuẩn bị đi học buổi chiều vào khoảng 2 giờ là vào lớp và chiều về lại nấu cơm chiều; còn buổi tối thì lo học bài cho ngày học ngày mai. Cứ thế tuần tự hết ngày này qua ngày khác.

Về việc gạo muối thực phẩm cứ cuối tuần chúng tôi đạp xe về quê Lấp Vò thăm nhà và chiều chủ nhựt lại sửa soạn đạp xe lên Long Xuyên với đủ thứ vật thực mang lên Long Xuyên để ăn trong tuần tới như nước mắm, cá khô, cam quít xoài mận…, tức là ở nhà có gì thì mang theo làm lương thực cùng một ít tiền má tôi cho dằn túi để mua thêm cá thịt hoặc trứng vịt khi cần. Như vậy tính từ Long Xuyên đi tới bắc Vàm Cống là 9 cây số; từ Vàm Cống vô Lấp Vò là 3 cây số; qua đò và vô tới nhà tôi là 3 cây số nữa; vậy từ Long Xuyên về nhà tôi phải mất 15 cây số; vị chi cả hai lượt đi và về, từ Long Xuyên về tới nhà tôi và ngược lại, tôi phải đạp 30 cây số cho mỗi lần về nhà thăm nhà.

Thường thường mỗi lần đi chợ tôi hay mua một ký lô cá sặt non, hoặc  mua một ký lô cá rô non, hoặc mua một con cá lóc hơi trọng trọng, cỡ gần một ký lô về kho mặn ăn được vài ba ngày; nhưng thường thường cũng ưa luộc trứng vịt giằm nước mắm ăn với cơm. Về sau, có thêm ông dượng Sáu bà con bên Lấp Vò cùng ở chung với đứa con trai lớn của dượng cũng học trung học. Anh em chúng tôi và dượng tôi cùng ăn cơm chung. Dượng sáu làm thư ký hành chánh ở Tòa Hành Chánh tỉnh, tánh tình dượng rất hiền, rộng rãi nhưng rất nghiêm. Mấy đứa tôi đứa nào cũng ớn dượng dù dượng không bao giờ rầy la gì; và có lẽ nhờ vậy mà tụi nhỏ chúng tôi hồi đó chỉ lo đi học hổng dám đi chơi hoặc lêu lỏng như nhiều đứa trẻ khác cùng lứa...

Hồi đó ở dưới quê nhà nghèo nào muốn cho con lên tỉnh học ai cũng lo cụ bị có chỗ cất một căn nhà nhỏ để con cái tự nấu cơm lấy như vậy thì đỡ tôn kém cho gia đình, mà cũng ngầm ý của người lớn là để cho trẻ nhỏ đi học tự nấu lấy cơm ăn như vậy sẽ biết cực nhọc như thế nào và từ đó biết thương cha mẹ hy sinh lo cho mình lên tỉnh đi học và rán mà lo học hành cho tới nơi tới chốn.

Các bạn ở xa tuốt bên Chợ Mới, hoặc tuốt dưới Thốt Nốt, gia đình các bạn ấy cũng tìm chỗ cất nhà cho con đi học như vậy. Có lẽ nhờ tự nấu cơm ăn từ năm lớp Đệ Lục đến hết năm lớp Đệ Nhất, nên tôi có kinh nghiệm nhúm lửa rất mau, nhứt là nhúm lửa khi nấu cơm bằng than đước thì lại càng lâu bén lửa, nên phải biết cách làm cho than mau cháy để kịp có cơm ăn để còn kịp đi học buổi chiều nên tôi hồi đó nấu cơm, kho cá rất rành nghề.

Hồi đó, chỗ bùng binh đèn bốn ngọn là giao điểm giữa con đường Liên tỉnh lộ số 9 Cần Thơ-Long Xuyên với con đường lộ trải đá đi vô miệt Vĩnh Chánh, Phú Hòa, núi Sập có cái bảng quảng cáo hiệu kem đánh răng Hynos. Chỗ này ngày trước còn lung vũng đầy cỏ mồm, cỏ ống và cô dượng tôi có một bầy trâu khoảng 10 con được cầm cho nằm hầm ở đó. Ông anh con của cô tôi có cất cái chòi che bằng hai tấm cà rèm để ngủ giữ trâu, nên có nhiều đêm tôi hay ra chỗ đèn bốn ngọn học bài và ngủ lại trong cái chòi ấy tới sáng, và vào khoảng ba bốn giờ sáng khi nghe xe đò Long Xuyên đi Cần Thơ hoặc Rạch Giá bắt đầu chạy ngoài đường là tôi phải thức dậy cụ bị về nhà thay quần áo chuẩn bị đi học.

Nhớ hồi đó, dường như là năm lớp Đệ Ngũ, mùa nước lên năm này nước sông Cửu Long dâng rất cao, nhiều con đường lộ đá từ nhà trọ của tôi lên tời cầu Hoàng Diệu bị ngập rất sâu và nước ngập như vậy nhưng học trò chúng tôi vẫn phải lội nước đi học.

Hồi đó, phần đông học trò đi học bằng xe đạp nhưng vì nhà nghèo nên tôi suốt thời kỳ học tiểu học rồi lên trung học đều đi bộ nên những mùa nước lụt như vậy đi học rất là cực; có lần nước ngập ngang tới đầu gối, chúng tôi phải cởi quần dài quấn ngang qua cổ lội qua khỏi chỗ nước ngập, và khi qua khỏi rồi lại lựa chỗ nào đường khô ráo và mặc lại quần để đi tiếp đến trường. Hồi ấy đi học rất cực như vậy nhưng rất vui. Tôi nhớ dường như hồi đó tôi học hành chỉ trung bình nhưng nhờ nhà nghèo nên từ lớp Đệ Tam tới lớp Đệ Nhất tại trường Trung học Thoại Ngọc Hầu tôi được nhận học bổng bán phần của nhà trường với số tiền mỗi tháng là 200 đồng; nhưng tới cuối năm tức là tới kỳ nghỉ hè thì nhà trường mới phát tiền cho mình. Hồi đó mỗi lần tôi nhận được tiền học bổng 1.800 đồng (200$ x 9 tháng) tôi mừng lắm và đem về đưa hết cho Tía Má tôi để Tía Má tôi vui vì đó là số tiền rất lớn mà nhiều khi học trò nghèo như tôi có nằm mơ cũng không có được!
Chắc có lẽ tôi sẽ kể thêm với bạn về một chút không khí trong các lớp học hồi xưa mà tôi đã từng trải qua từ lớp nhỏ cho chí tới các lớp đệ nhị cấp những năm đầu thập niên 1960 để bạn hình dung ra được hồi đó học trò ở Long Xuyên học hành như thế nào!

Trước nhứt là đồng phục của học sinh thời ấy chắc ai ai cũng biết là nữ sinh thì mặc áo dài trắng, quần dài trắng, chân đi guốc vông, trên ngực áo mang phù hiệu của trường thêu bằng vải; còn nam sinh thì mặc áo trắng ngắn tay hoặc dài tay; áo bỏ vô quần kaki màu xanh dương, có dây nịt; chân đi giày bata trắng, trên ngực áo hoặc túi áo mang phù hiệu thêu bằng vải của trường hoặc mang phù hiệu bằng thiếc nền màu xanh lá cây đậm với tên trường viền quanh cùng với hai lá dương liễu hoặc bông lúa (?) ôm quanh một cuốn sách được mở ra dưới ngọn đuốc sáng rực!

Đặc biệt là học trò hồi ấy khi lên trung học rồi thì không còn bị đòn nhưng nếu có lỗi thì bị cấm túc, nhứt là tội đi học trễ. Có một câu nói của thầy Trịnh Văn Mười Hai mà thầy luôn nhắc và học trò trường Thoại Ngọc Hầu thời đó đứa nào cũng nhớ là: “Trước giờ chưa phải là giờ, sau giờ là hết giờ, giờ là giờ!”


Thứ nữa là mỗi lớp học, lớp nào cũng như lớp nào, đều kê ba dãy bàn, loại bàn dành cho học trò, mỗi bàn có hai hoặc ba chỗ ngồi và có học tủ ở phía dưới dành để cặp hoặc sách vở. Hồi xưa, trai gái học chung lớp với nhau. Nhà trường sắp xếp một dãy bàn  dành cho nữ sinh và hai dãy bàn dành cho nam sinh, và trên tường luôn luôn có hai câu phương ngôn này là chính:
TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN
HỌC NHƯ CHÈO THUYỀN NGƯỢC NƯỚC, KHÔNG TIẾN ẮT PHẢI LÙI.

Dường như học trò ngày trước còn được sự giáo dục rất nghiêm từ gia đình là“nam nữ thọ thọ bất thân”, nên suốt mấy năm học trung học tôi hổng thấy học trò nam và học trò nữ, dù học chung lớp lớn ở các kỳ thi Tú Tài cũng vậy, ít ai dám trò chuyện một cách thân mật. Sau này khi rời trường rồi, tôi cũng không nghe thấy kể những mối tình học trò giữa các anh chị bạn cùng lớp họ khắng khít với nhau. Dường như hồi đó, học trò chỉ lo học là chánh, ngoài ra hổng nghĩ ngợi hoặc yêu đương lang thang gì khác. Sau này, tôi có dịp gặp lại các bạn cùng học cũ đã đỗ đạt và vào đời rồi cưới vợ thì các anh ấy cũng cưới vợ ở những nơi khác chứ hổng thấy ai cưới vợ là bạn học cũ cùng lớp thời còn là học trò. Đó, theo tôi cũng là một nét rất đặc biệt của thế hệ học trò thời xưa lúc chúng tôi còn đi học. Quả đúng là “nam nữ thọ thọ bất thân” thật sự vậy!

                                                           Công viên Nguyễn Du ngày nay
với bờ sông Cửu Long nước cạn xa bờ,
để trơ những bụi cỏ bên bờ sông cạn.

Hồ Bình Đức (Long Xuyên) đường Lê Lợi,
bên cạnh công viên Nguyễn Du ngày nay nước cũng xa bờ .

Bạn ơi,

Nhắc tới Long Xuyên mà không nhắc tới sự trù phú của Long Xuyên thì tôi nghĩ có lẽ bạn sẽ trách rằng tôi kể chưa hết.

Vâng, thưa bạn, ngày xưa cho chí đến mấy lúc sau này, mỗi khi có ai nhắc về Long Xuyên người ta thường hay gọi vùng đất ấy là đất Phật. Riêng tôi đã gắn bó với địa danh Long Xuyên khá lâu và tôi nghĩ Long Xuyên là một vùng đất rất yên bình dù cho có lúc chiến tranh đi qua nhiều miền đất nước. Long Xuyên may mắn là cuộc chiến hai mươi năm khắp miền Nam không làm cho Long Xuyên bị hư hao gì. Và đặc biệt phải nói rằng Long Xuyên là một vùng đất rất trù phú về lúa gạo và tôm cá.

Hồi xưa mấy năm tôi còn rất nhỏ, khoảng năm 1948-1949, tới mùa cá ra sông vào tháng 10, tháng 11 âm lịch, cả một vùng rộng bao gồm từ các cánh đồng lớn như đồng Ba Thê, Núi Sập, Định Mỹ, Ba Bần, Kinh Xáng Bốn Tổng, Phú Hòa, Vĩnh Chánh; rồi bọc lên phía trên từ Chắc Cà Đao, qua Mặc Cần Dưng, vô Cần Đăng, qua Hang Tra, lên Trà Kiết, vô cầu Số 5, vô tuốt trong Tri Tôn (Xà Tón) là cả một vùng cá tôm không biết cơ man nào mà kể cho xiết.

Hồi ấy bạn biết không, tới mùa cá ra, cá dại là xuồng ghe vó cất, vó gạt, lưới dày, lưới thưa, lọp đường ven, lọp đăng bửng, câu giăng, câu cắm, đâu đâu cũng cá là cá. Nhớ có lần Tía tôi cùng với ông cậu Ba, bà con cô cậu với bên Má tôi, hùn nhau mua tôm về rang muối và chở lên Sài Gòn để bán. Tôm nhiều quá, muốn có chỗ rộng tôm, cậu Ba và Tía tôi phải ví đăng ngay trước sân ngập nước và tôm mua về cứ đổ vào rộng ở đó và chờ khi nào muốn rang thì bắt chảo đụn lên rang.

Hồi đó, cá tôm chở đi Sài Gòn bán cũng từ các cánh đồng vừa kể là nguồn cung cấp chánh. Các ghe tàu chở cá từ cầu số Năm, từ Tri Tôn, từ Núi Sập chở về Long Xuyên chỗ bến tàu ngang nhà thương Long xuyên; ở đây có xe hàng chờ sẵn khi cá tôm đủ chuyến là bốc lên xe và chảy xuống bắc Vàm Cồng và chạy thẳng lên các vựa trên Sài Gòn. Sau này tôi cũng thấy ghe cá có chở cá tới các vựa ở bến bắc Vàm Cống phía bên Lấp Vò, ở đây cũng có xè hàng chờ sẵn để chở cá về Sài Gòn.

Còn lúa gạo nữa. Hồi đó cho dù làm lúa một năm một mùa nhưng những cánh đồng lớn như tôi vừa kể cũng là những vựa lúa rất sung túc mà các ghe chài của ông Bang Kế lúc nào cũng sẵn sàng đậu ngoài khơi trên sông Hậu Giang ngang chợ Long Xuyên để chuyển lúa về Sài Gòn. Hồi đó vùng Long Xuyên có rất nhiều chủ đất lớn nhưng làm ra lúa gạo là do tá điền; đặc biệt vùng mặc Cần Dưng có ông Nhà Lầu là giàu nhứt và ruộng lúa nhiều nhứt nên nhắc tới Long Xuyên là nhắc tới gánh họ Lâm của mấy bang, mấy ông chủ điền này. 


Thưa bạn,

Tôi vừa kể để bạn nghe chơi một chút về Long Xuyên của tôi và nhân dịp này, tôi xin nhắc cùng bạn về những ngày đầu đứa học trò làng như tôi mới lên tỉnh đi học, vậy mà nay cũng đã qua rồi hơn sáu mươi lăm năm. Hồi đó tôi học không được khá, và nếu muốn nói là dở cũng chưa vừa, nhưng nay già lụm cụm rồi ngồi nhắc lại với bạn về những ngày tuổi nhỏ ấy sao lòng tôi nghe như có chút gì bâng khuâng, bùi ngùi về một nỗi nhớ rất dễ thương của một thời non dại, quê mùa…

Mong bạn thông cảm và bỏ qua cho những gì hơi dài dòng, lượm thượm nhe!

HAI TRẦU
Houston, ngày 06-12-2019

Cước chú:

1/ Tô Thùy Yên Thơ Tuyển, Tác giả xuất bản 1997, trang 14.
2/ Một Tháng Ở Nam Kỳ, từ tháng 11-1918-tháng 1-1919, trích trong Hành Trình Nhật Ký của Phạm Quỳnh do nhà An Tiêm xuất bản lần đầu tại Paris năm 1997; in lần thứ hai tại San Jose, năm 2002, trang 162 và trang 165.
3/ Trích Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê, tập I, nhà xuất bản Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, năm 1989, trang 172.
4/ Ông Nguyễn Ngọc Thơ lúc bấy giờ làm Tỉnh Trưởng; thời Đệ I Cộng Hòa ông làm Phó Tổng Thống, nhà nằm trên đường mé sông Long Xuyên, từ bắc An Hòa đi xuống một đỗi.
5, 6 và 7/ Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê (sđd) tập II, các trang 19, 32, 52, 53, 54 và 55.

No comments:

Post a Comment