Phan
Tấn Hải
Trong
khi chờ năm mới, một trong những niềm vui lớn là có vài ngày thư thả để lòng lắng
xuống, mở trang sách xưa để đọc lại thơ Thiền… Năm nay, niềm vui của tôi là đọc
tác phẩm “Thơ Thiền Lê-Nguyễn Zen Poems” – một tuyển tập song ngữ Anh-Việt, một
công trình văn học mất hơn 10 năm để thực hiện. Bản sách giấy trong lần xuất bản
2019 của NXB Hội Nhà Văn chỉ in 500 ấn bản, dày 160 trang, trên khổ giấy quý 25
X 25 cm.
Bìa sách “Thơ Thiền Lê-Nguyễn Zen Poems”
Chủ
biên là Nguyễn Bá Chung; dịch thơ tiếng Việt là Nguyễn Duy – Nguyễn Bá Chung; dịch
thơ Anh ngữ là Sam Hamill – Nguyễn Bá Chung; Hòa Thượng Thích Phước An viết Lời
giới thiệu (trang 11-13); Nguyễn Duy Sơn thực hiện phần hình ảnh; Nguyễn Duy
thiết kế tổng thể; Võ Anh Thơ thiết kế mỹ thuật.
Có
thể hình dung mức độ thực hiện rất mực công phu, khi chúng ta đọc thấy trong Lời
Cảm Tạ. Trong đó nơi trang 9-10 ghi rằng:
“…
Trước tiên, chúng tôi xin cảm tạ Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã cung cấp cho chúng
tôi bản chữ Hán của 12 bài thơ mà chúng tôi không tra cứu được. Thầy Tuệ Sỹ đã
hoan hỷ đọc qua một bản thảo trước đây của Tuyển Tập này, chỉ dạy cho chúng tôi
biết các thuật ngữ Phật giáo đã được chuyển dịch sang Hán văn như thế nào, và
đã sửa cho chúng tôi một số lầm lỗi. Những lời phê bình của Thầy về bản dịch
thơ tiếng Việt hết sức xác đáng và đã được điều chỉnh. Ở giai đoạn cuối, Tiến
sĩ Trần Thị Hải Yến, Trưởng phòng Văn học Việt Nam Cổ Trung Đại, Viện Văn học,
đã đọc lại toàn bộ Tuyển Tập, chỉ ra một số sai sót, giúp Tuyển tập hoàn thiện
hơn. Gần đây nhất Tiến sĩ Nguyễn Nam, giảng viên sáng lập Trường Đại Học
Fullbright Việt Nam, đã duyệt lại toàn bộ Tuyển tập và cung cấp phông chữ Hán
cho soạn giả. Chúng tôi thành thật tri ân tất cả các học giả nêu trên.”
Nghĩa
là, Tuyển tập được thực hiện rất mực công phu. Và do vậy, có thể xem như toàn
bích về các ý nghĩa nhà Thiền khi dịch thơ.
Nhà
văn Cao Huy Thuần trong bài viết nhan đề “Thơ Thiền” trên tạp chí Diễn Đàn nơi
đầu bài ca ngợi Tuyển tập:
“Nguyễn
Duy qua chơi Pháp, mang theo quyển sách “Thơ Thiền Lê-Nguyễn” anh vừa xuất bản
cùng với Nguyễn Bá Chung và Sam Hamill. Sách in mỹ thuật, giấy láng, bìa cứng, ảnh
đẹp, sang trọng, cầm trên tay chỉ muốn nâng niu. Lời giới thiệu ở đầu sách, dưới
ngòi bút của thầy Thích Phước An, xứng tầm với sách, đầy đủ trong nội dung, đạo
vị trong lời lẽ, tưởng khó nói gì thêm.” (1)
Thật
đúng như thế, khó nói gì thêm.
Nói
về ý nghĩa nhà Thiền, đã được hai vị Thầy lớn — Thầy Tuệ Sỹ và Hòa Thượng Thích
Phước An – đọc, góp ý, hiển nhiên là toàn hảo, không thể sơ suất.
Nói
về chữ nghĩa, Nguyễn Duy là một trong vài nhà thơ xuất sắc hàng đầu của dân tộc,
khi dịch lại thơ Thiền trong thể lục bát, hiển nhiên là tuyệt bút khó tìm.
Nói
về bản dịch sang tiếng Anh, cả hai học giả Nguyễn Bá Chung và Sam Hamill đều là
hai cổ thụ trong học giới Hoa Kỳ.
Do
vậy, tác phẩm song ngữ Anh-Việt “Thơ Thiền Lê-Nguyễn Zen Poems” là một viên ngọc
sáng trong các ẩn phẩm –có giá trị trên nhiều lĩnh vực như thi ca, Thiền lý,
văn dịch đối chiếu… Rất mực hy hữu.
Nơi
đây, chỉ xin đưa ra vài điểm nhận thấy trong khi đọc. Bản thân tôi vốn học Anh
văn không được chính quy, cho nên ý kiến nơi đây chỉ là nghi vấn, không dám nói
là nhận định.
Chữ
“vị sư” (trong đoạn gần giữa trang 11) trong bài của Thầy Phước An được dịch là
“bonze” (gần giữa trang 14). Đây là một chữ rất hiếm khi gặp. Trong hai trang
nhà lớn nhất về Phật giáo (SuttaCentral và Access to Insight) khi dùng chức
năng search, chúng ta không thấy chữ “bonze” nào. Chữ cổ nhất là “bhikkhu”
(phiên âm: tỳ khưu, hay tỳ kheo), chữ thường nhất là “monk” (sư) hay “nun” (ni
sư) – và khi viết tránh phân biệt tính phái là dùng chữ “monastic”.
Trong
khi đó, theo tôi nhớ, trong suốt thời đi học của một người bình thường tại Việt
Nam, có lẽ cũng không gặp chữ “bonze” tới một lần. Chữ “bonze” chỉ gặp trong học
giới Hoa Kỳ, phần lớn có liên hệ tới các văn thư công quyền Hoa Kỳ, dễ gặp nhất
là các văn thư về Việt Nam trong năm 1963.
Như
thế, xin nêu nghi vấn, có phải các dịch giả (Nguyễn Bá Chung và Sam Hamill) muốn
tạo ra một văn phong cổ và đặc biệt nhắm tới một đối tượng độc giả là các học
giả Hoa Kỳ quen thuộc với lịch sử VN thời kỳ 1950s-1970s?
Có
một suy nghĩ về trích dẫn. Nơi trang 12, bản Việt ngữ, và trang 14, bản Anh dịch,
Thầy Phước An có dẫn hai đoạn từ hai kinh, một từ Samyutta Nikaya (Tương Ưng Bộ
Kinh) và một từ Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh) nhưng không ghi ký số, cho nên
độc giả có muốn tìm bản gốc trong hai tạng kinh kia cũng khó dò nổi, vì Tương
Ưng Bộ có hơn ba ngàn bản kinh, và Trung Bộ có tới 152 bản kinh.
Nhưng
cách viết như thế sẽ tránh sự rườm rà, không làm độc giả suy nghĩ về ký số, và
sẽ tập trung vào thơ dịch hơn. Nghĩa là, viết theo kiểu “Đức Phật nói rằng…”
nhưng không dẫn ra bản kinh gốc.
Mặt
khác, cũng có thể nhận thấy tính đa dạng trong văn phong dịch. Bài thơ “Du Nam
Hoa Tự” của Nguyễn Trãi (1380 – 1442), có hai câu cuối nơi trang 18 là:
Môn tiền nhất phái
Tào Khê thủy,
Tẩy tận nhân gian kiếp
kiếp trần.
Trong
phần dịch (trang 20) dịch nghĩa hai câu cuối là:
Một
dòng suối Tào Khê tuôn trước cửa,
Rửa
sạch bụi bám đời đời cho nhân gian.
Dịch
thơ hai câu này, Nguyễn Duy và Nguyễn Bá Chung viết:
Tào Khê tuôn chảy một
giòng
Tẩy cho muôn kiếp sạch
bong bụi trần.
Độc
giả có thể khởi lên ý nghĩ: có gì khác giữa chữ “dòng” và chữ “giòng” trong
cùng trang 20? Tại sao trong cùng trang, lại dùng hai chữ khác nhau (tuy rằng,
cả hai chữ đều đúng và đều phổ biến)?
Ngó
sang trang 21, thắc mắc cũng hiện ra. Vì bản tiếng Anh, nơi phần dịch nghĩa hai
câu này viết:
A
stream of Tao Khe passes by the gate
Clean
all the dusts that have clung in so many life-times to people.
Hai
câu trong phần này Hamill dịch sang thơ là:
Tao Khe River flows
beside the gate,
Clean the dust that
has clung to so many people’s lives.
Hiển
nhiên là dịch giả cố ý dùng hai chữ khác nhau trên cùng trang, vì có thể hiểu rằng
chữ stream là dòng nước nhỏ, và river là dòng nước lớn… và dịch giả muốn giữ
văn phong riêng. Nói như thế, để biết rằng dịch giả đã cân nhắc nhiều chữ, để
dùng trong nhiều ngữ cảnh, chứ không phải tự tiện. Xin nhắc lại, tiếng Anh của
bản thân tôi học không chính quy, cho nên không dám khẳng định về ngữ nghĩa. Chỉ
suy đoán theo trực giác thôi.
Một
bài thơ nổi tiếng của ngài Minh Châu Hương Hải (1628 – 1715) nơi trang 30 có
hai câu đầu là:
Phan văn tự kỷ mỗi
thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế
khan.
Trong
phần Việt dịch trang 32, dịch nghĩa là:
Mỗi
giây phút trở về xem xét tâm mình
Khảo
sát và tư duy thật kỹ càng.
Và
do Nguyễn Bá Chung dịch thơ là:
Từng giây phút tự xét
mình
Suy đi ngẫm lại tâm
hình rõ ra.
Hai
câu thơ theo âm chữ Hán-Việt nêu trên gần như ai trong nhà Thiền ở Việt Nam
cũng thuộc nằm lòng. Nhưng chữ “tâm hình” của Nguyễn Bá Chung là chữ rất mới,
thấy rõ là để giữ âm vận “inh” với chữ “mình” cuối câu lục ở trên. Sáng tạo chữ
như thế là tuyệt vời, vì khi chúng ta đọc, tự nhiên cũng thấy nghĩa minh bạch.
Mới biết, dịch là công trình gian nan, đầy sáng tạo.
Tuy
nhiên, trong phần tiếng Anh của Sam Hamill, khi dịch câu đầu trong hai câu trên
nơi trang 33, lại dư chữ, thành ra dư nghĩa.
Literal
translation (Dịch nghĩa):
Every
moment be ready to watch one’s mind…
Và
Poem (thơ):
Every moment, be
prepared to watch one’s mind…
Về
văn phạm và âm điệu thì hiển nhiên tuyệt vời, nhưng về Thiền lý thì lẽ ra nên
rút ngắn hơn, bỏ nhóm chữ “be ready to” (sẵn sàng để) và bỏ nhóm chữ “be
prepared to” (sắp sẵn để) thì sẽ trực tiếp hơn, lộ ý người thầy (Minh Châu
Hương Hải) đang dạy học trò (độc giả).
Đối
với người học Thiền, phần lớn thơ trong Tuyển tập đều quen thuộc. Nhưng trong
Tuyển tập đã có thêm một số vị ít được quen tên, trong đó tôi ưa thích đặc biệt
là bài thơ “Độc Phật Kinh Hữu Cảm” cùa Nguyễn Danh Nho (1638-1699). Ngay lần đầu
mở ra đọc, bản âm Hán-Việt ở trang 34, bản Việt dịch trang 36 và bản Anh dịch
trang 37, tôi say mê tức khắc, và thắc mắc tại sao tới bây giờ mình mới gặp bài
thơ này.
Thơ
của Nguyễn Duy và Nguyễn Bá Chung cũng tuyệt vời, khi dịch bài của Nguyễn Danh
Nho với 4 câu cuối thất ngôn bát cú chuyển sang lục bát:
Nghiệp anh hùng, lá
thu rơi
Giàu sang, hoa rụng
giữa trời mưa xuân.
Không tức sắc, sắc tức
không,
Có đâu sừng thỏ rùa
lông bao giờ!
Dòng
cuối đảo chữ “sừng thỏ rùa lông” (lẽ ra: sừng thỏ lông rùa) cũng là ứng biến để
giữ vần “ông” vậy mà không làm vướng dòng suy nghĩ của độc giả, phải nói rằng
tuyệt bút, nghe bất ngờ nhưng rất mực tự nhiên.
Trong
Tuyển tập cũng có một bài thơ ít được các học giả về Thiền chú ý tới: bài thơ
“Tiêu Tự Thần Chung” (Chuông Sớm Chùa Tiêu) của Mạc Thiên Tích (1708-1780), một
võ tướng có công mở mang đất Hà Tiên và được Chúa Nguyễn phong chức Tổng Binh Đại
Đô Đốc. Là con Mạc Cửu (người dẫn một nhóm người Trung Quốc tới Hà Tiên lập
nghiệp vì chống triều đình nhà Thanh), Mạc Thiên Tích nhiều lần dẫn quân đánh bại
quân thổ phỉ Trung Quốc, quân Khmer, quân thổ phỉ Mã Lai… Khi quân Tây Sơn tấn
công Gia Định năm 1776, Mạc Thiên Tích chạy qua Xiêm (Thái Lan); khi vua Xiêm
nghi ông làm gián điệp cho Gia Định và giết các con lớn của ông và 50 người tùy
tùng, Mạc Thiên Tích tự sát. Mạc Thiên Tích yêu thơ văn, đã tổ chức Tao đàn
Chiêu Anh các.
“Chuông
Sớm Chùa Tiêu” là một bài thơ rất mực tuyệt vời. Trong Tuyển tập, bản âm Hán-Việt
ở trang 58, bản dịch Việt ở trang 60, bản Anh dịch trang 61.
Bài
thất ngôn bát cú, do Nguyễn Duy chuyển sang thơ lục bát, với 4 câu cuối như
sau:
Giật mình nghe tiếng
hạc qua
Quạ kêu nương bóng
trăng tà cuối đêm
Mọi nhà còn tựa gối
êm
Tiếng gà báo sáng rộ
lên bốn bề.
Nỗi
cô đơn cùng cực đã hiển lộ trong thơ, trong cái giật mình của nhà thơ, trong tiếng
kêu lưng trời của chim hạc, và rồi nỗi cô đơn tột cùng hiện ra nơi ánh trăng
nghiêng tà tà cuối đêm và rồi tiếng gà. Thơ Thiền hình như luôn luôn đi song
hành với những nỗi cô đơn lạnh người như thế.
Trong
Tuyển tập cũng có một tác giả ít được các sách về Thiền nhắc tới là Vũ Tông
Phan (1800-1851), một nhà giáo dục và là bậc thi hào của thế kỷ 19.
Bài
thơ họ Vũ nhan đề “Trấn Quốc Quy Tăng” bản âm Hán-Việt trang 110, bản Việt dịch
“Sư Về Chùa Trấn Quốc” trang 112, bản Anh dịch “A Monk Returns To Tran Quoc
Pagoda” trang 113. Đọc bài thơ này, chúng ta nhận ra nỗi cô đơn tột cùng của
nhà sư trong thơ khi bước trở về ngôi chùa Trấn Quốc. Bài thất ngôn bát cú này
có câu thứ năm và sáu, hiê3n lộ cái cô đơn tột cùng trong vũ trụ:
Lưu liên nguyệt trúc
khan cô ảnh
Giải cấu vân âu nhận
cổ bằng.
Dịch
nghĩa nơi trang 112:
Lưu
luyến xem bóng cây trúc cô đơn lẫn dưới trăng
Tình
cờ gặp gỡ chim âu với mây trời mà nhận ra [bạn cũ].
Chuyển
sang dòng thơ lục bát tuyệt vời của Nguyễn Duy là:
Lặng xem trúc lẻ
trăng ngà
Tình cờ chim bạn nhận
ra mây lành…
Thơ
Thiền nào cũng hiển lộ nét cô đơn trong vũ trụ tương tự như thế. Bởi vì trong
Khổ Đế, xuyên suốt sinh, già, bệnh và chết luôn luôn là một chúng sinh và chỉ một
đang chuyển biến, đang chảy xiết. Không ai ra đời giùm để chịu khổ giùm, không
ai bệnh giùm và chịu chết giùm. Và trong tận cùng vẫn là nỗi cô đơn của người
bước vào đường đạo, nơi đó nhà sư (hay nhà thơ) chỉ như cây trúc đơn độc đứng
làm bạn với ánh trăng khuya, và chỉ như cánh chim âu đơn độc làm bạn với vầng
mây cao.
Trong
“Lời Giới Thiệu Tuyển Tập Thơ Thiền Lê-Nguyễn” do Hòa Thượng Thích Phước An viết,
nơi trang 11-16, đã ghi nhận về Tuyển tập:
“Trong
ba mươi tác giả của ba mươi bài thơ trong tuyển tập này, ta có thể thấy đủ mọi
thành phần trong xã hội vào thời Lê Nguyễn.
Ngoài
các Thiền sư ra , thì còn có vua chúa, giới quý tộc, những bậc anh hùng đánh đuổi
giặc phương bắc xâm lược như Nguyễn Trãi, Ngô Thời Nhiệm, nhà hiền triết Nguyễn
Bỉnh Khiêm, thầy thuốc Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thi hào Nguyễn Du, nữ sĩ
Hồ Xuân Hương, nhà Nho vui thú điền viên Nguyễn Khuyến đến cả kẻ nổi loạn chống
lại triều đình như Cao Bá Quát .v.v… nghĩa là tất cả đều lấy cảm hứng từ Phật
Giáo hay những ngôi chùa của Phật Giáo.
Nhưng
tại sao Phật Giáo lại được giới trí thức, Nho sĩ đón nhận một cách nồng nhiệt
như vậy?”
Xin
lặp lại câu hỏi vừa dẫn: Tại sao giới trí thức đón nhận Phật Giáo một cách nồng
nhiệt như vậy? Chúng ta cũng có thể hỏi thêm tương tự, rằng tại sao hoa lá cây
rừng lại hướng về ánh mặt trời một cách nồng nhiệt? Câu trả lời đơn giản, vì Phật
Giáo là ánh sáng, là giải thoát, là hạnh phúc tuyệt trần.
Tuyển
tập song ngữ “Thơ Thiền Lê-Nguyễn Zen Poems” đã góp một phần rất tuyệt vời khi
đưa ra ánh sáng một phương diện khác của ảnh hưởng Thiền tại Việt Nam: ba mươi
bài thơ Thiền thời Lê-Nguyễn được phiên âm Hán-Việt, được dịch nghĩa, được chuyển
thành thơ lục bát, và được dịch sang tiếng Anh cả phần nghĩa và thơ.
Tuyển
tập này là một công trình hy hữu, cần hơn 10 năm để hoàn tất. Phật tử và các
nhà nghiên cứu đang rất cần những công trình như thế.
Xin
gửi lời chúc mừng Tuyển tập và trân trọng cảm ơn những người đã góp sức thực hiện
Tuyển tập, cụ thể là Chủ biên Nguyễn Bá Chung, nhà thơ Nguyễn Duy và học giả
quá cố Sam Hamill.
Vì
chỉ in có 500 ấn bản, cho nên có thể sẽ khó tìm mua. Độc giả quan tâm, có thể
email về NXB Hội Nhà Văn: nxbhoinhavan65@gmail.com
GHI
CHÚ:
(1) Cao Huy Thuần.
Thơ Thiền. Diễn Đàn. https://www.diendan.org/sang-tac/tho-thien
No comments:
Post a Comment