Friday, January 10, 2020

NHÀ THƠ NERUDA VÀ NHỮNG MỐI TÌNH


Phan Tấn Hải

Chân dung nhà thơ Pablo Neruda

     Nhà thơ Pablo Neruda (1904 – 1973) đã viết những dòng thơ tình tuyệt vời và độc đáo. Có thể gọi là thiên cổ kỳ văn. Pablo Neruda là nhà thơ lớn nhất của dân tộc Chile, theo nhận định của nhiều nhà phê bình. Đúng thực như thế, Neruda là nhà thơ Chile có số lượng thơ được dịch ra Anh văn nhiều nhất. 
Tiểu thuyết gia Gabriel García Márquez, người Colombia, từng gọi Neruda là “nhà thơ lớn nhất trong thế kỷ 20 trong bất kỳ ngôn ngữ nào.” Cả hai đất nước Chile và Colombia đều nằm ở Nam Mỹ, cùng sử dụng ngôn ngữ Tây Ban Nha. Pablo Neruda được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải Văn Học Nobel 1971.
Thơ của Neruda cực kỳ lãng mạn, chữ của ông như chạm thẳng vào tim người đọc. Thí dụ như:
Đêm nay tôi có thể viết những dòng buồn nhất.
Tôi yêu nàng, và nàng đôi khi cũng yêu tôi…
    Tuy nhiên, các mối tình của ông không được kể với nhiều chi tiết, dù là với ba người vợ trong đời ông, cũng như các mối tình khác. Đặc biệt là mối tình của Neruda với một người đẹp Miến Điện, y hệt như những gì rất bí mật… hiếm thấy trong các thông tin phổ biến.
Chính thức, người ta biết nhà thơ Neruda có ba vợ. Theo thứ tự thời gian, ba phụ nữ này là:
    - Marijke Antonieta Hagenaar Vogelzang. Thời gian kết hôn với Neruda là: 1930-1942.
    - Delia del Carril. Thời gian kết hôn với Neruda là: 1943-1966.
    - Matilde Urrutia. Thời gian kết hôn với Neruda là: 1966-1973.
     Ngay cả trên tiểu sử ở Wikipedia, người ta cũng không thấy tên người tình thời đi học của nhà thơ.

Matelda Urrita & Pablo Neruda

     Pablo Neruda có tên khai sanh là Ricardo Eliécer Neftalí Reyes Basoalto, sinh ngày 12 tháng 7/1904 tại thành phố Parral, thuộc tỉnh Linares Province. Parral nằm ở miền trung, cách 350 km về phía nam thủ đô Santiago của Chile. Người cha là một công nhân đường sắt. Mẹ là một cô giáo, chết 2 tháng sau khi Neruda ra đời. Vì người cha không muốn con theo ngành thơ phú, nên thi sĩ, bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi, đã chọn bút hiệu Pablo Neruda để khỏi bị thân phụ rầy la.
      Năm 1921, khi mới 16 tuổi, Neruda dọn tới thủ đô Santiago để học Pháp văn tại đại học Universidad de Chile với ý định tương lai sẽ trở thành một thầy giáo. Nơi sân trường đại học, Neruda gặp người tình đầu tiên của ông: cô Albertina Rosa Azocar.
      Neruda viết bài thơ tặng cô Azocar, được Robert Hass dịch là "I like it when you're quiet..." (Anh ưa thích khi em lặng lẽ) – một bản dịch Anh văn khác, do David Bowles, là “I like it when you’re silent.” Bản Anh dịch khác, do Mark Eisner, là “I like for you to be still” (Anh ưa thích khi em tịch lặng)…
      Bài thơ vừa nói, mỗi bản Anh dịch toát ra một hơi văn khác nhau. Dịch theo bản của David Bowles, với chữ “silent” có thể dịch là tịch lặng, chữ nghiêm trang, là hoàn toàn không có âm thanh – silent = absence of sound = no sound. Trong khi bản Anh dịch của Hass dùng chữ “quiet” là lặng lẽ, chữ dùng đời thường, còn có nghĩa là có âm thanh nhưng không ồn ào:  quiet = not very loud. Bản Anh dịch của Eisner dùng chữ “still” và trong tiếng Anh, chữ này còn có nghĩa là vắng lặng, bình an, không cử động… Mỗi cách dịch hay một khác nhau.
       Trong bản dịch của Eisner câu đầu (và nhan đề) là: “I like for you to be still” là nói lên ý kiến (chứ không phải cảnh thực) rằng anh muốn em lặng lẽ, và do vậy “như dường em vắng mặt” được dịch bằng thì hiện tại với “as though you are absent.” Trong khi hai bản dịch của Hass (như dường em không ở nơi đây, dùng thì quá khứ để chỉ cho chuyện không có -- as if you weren't here now) và bản Bowles cũng thì quá khứ với “như dường em đã biến mất” (as if you’re gone), như thế có thể hiểu là chết.
      Không rõ ai dịch trung thực, từng chữ -- nhưng mỗi cách dịch có cách hay khác nhau. Bài thơ trên có 5 đoạn. Nơi đây, chúng ta dịch đoạn đầu và đoạn cuối, để đối chiếu. Sau khi nói rằng em tịch lặng, tới đoạn cuối, nhà thơ nói rằng một lời của nàng (a word, dịch là “một chữ” do cô tình nhân nói ra; thực ra trong tiếng Việt có thể dịch là “một tiếng do em thốt ra [để phá vỡ im lặng]”) sẽ làm nhà thơ hạnh phúc.
..  ..
      Trong đoạn đầu và cuối bài thơ này, chúng ta dịch theo bản của Hass sẽ là:
Anh ưa thích khi em lặng lẽ. Như dường bây giờ em không ở nơi đây (as if you weren't here now)
và em nghe anh từ một nơi xa, và giọng của anh không có thể tới được với em (my voice couldn't reach you)
Như dường mắt em đã bay xa khỏi em, và như dường
miệng của em đã khép bởi vì tôi cúi xuống hôn em (because I leaned to kiss you).
.. .. ..
Anh ưa thích khi em lặng lẽ. Như dường bây giờ em không ở nơi đây
Như dường bây giờ em đã chết, và rất sầu muộn, và rất xa
Một lời lúc đó là đủ (a word then is sufficient), hay một nụ cười, để làm anh hạnh phúc
Hạnh phúc rằng như dường chắc chắn rằng em có mặt [hiểu là: còn sống nơi đây] (seems so certain that you're present)
.
Dịch theo bản Anh dịch của Bowles sẽ là:
Anh ưa thích khi em lặng lẽ, như dường em đã biến mất (as if you’re gone)
và em nghe anh từ nơi xa, và giọng anh không chạm tới em (my voice doesn’t touch you)
Như dường mắt em đã bay xa khỏi em –
như dường một nụ hôn đang khép chặt môi em (as if a kiss were sealing shut your mouth).
.. .. ..
Anh ưa thích khi em lặng lẽ, như dường em đã biến mất
Đau đớn và xa xôi, như dường em đã chết.
Lúc đó chỉ một lời, một nụ cười của em sẽ làm được.
Và anh hạnh phúc, hạnh phúc rằng đó không là sự thật (so happy that it is not true =không có chuyện em chết hay biến mất).
.
Dịch theo bản Anh dịch của Eisner sẽ là:
Anh ưa thích khi em tịch lặng: như dường em vắng mặt (as though you are absent)
và em nghe anh từ nơi xa và giọng anh không chạm tới em (my voice does not touch you)
Như dường mắt em trước đó đã bay đi xa
và như dường một nụ hôn đã niêm phong miệng em (a kiss had sealed your mouth)…
.. .. ..
Anh ưa thích khi em tịch lặng: như dường em vắng mặt
Xa xôi và đầy những sầu muộn
Như thế em có thể đã chết, và lúc đó chỉ một lời, một nụ cười là đủ
Và anh hạnh phúc;
Hạnh phúc rằng đó không phải sự thực. (= em lặng lẽ, tưởng em chết, nhưng không phải, em còn đây)
.
    Cô Albertina Rosa Azocar sau đó phải rời đại học ở thủ đô để về một đại học ở quê nhà, nhưng Neruda và cô vẫn viết thư cho nhau trong khi Neruda đi nhiều nơi trên thế giới. Cô Azocar một lần kể rằng, “Anh ta luôn luôn tinh tế, anh kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện tuyệt vời.”
     Năm 1923, trong tuyển tập thơ đầu tiên, nhan đề “Crepusculario” (Book of Twilights = Thi tập Hoàng hôn) ấn hành, và năm sau đó là thi tập “Veinte poemas de amor y una canción desesperada” (Twenty Love Poems and A Desperate Song = Hai mươi bài thơ tình và một ca khúc tuyệt vọng). Cả hai tập thơ tức khắc được ưa chuộng, và tới giờ đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ.
      Trong các thập niên sau đó, tập thơ “Hai mươi bài thơ tình…” bán được nhiều triệu ấn bản. Gần 100 năm sau đó, tập thơ này vẫn giữ vị trí tập thơ bán chay nhất trong ngôn ngữ Tây Ban Nha. Tới năm 20 tuổi, Neruda đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng, nhưng vẫn là chàng thi sĩ nghèo. Và chính cái nghèo đã đẩy chàng đi những nơi rất xa trên thế giới.
      Năm 1926, Neruda ấn hành tập thơ “Tentativa del hombre infinito” (The Attempt of the Infinite Man) và tiểu thuyết El habitante y su esperanza (The Inhabitant and His Hope). Năm 1927, trong tình hình kẹt về tài chính, Neruda nhận một chức Lãnh sự danh dự ở thành phố Rangoon (bây giờ là Yangon), thủ đô Miến Điện (lúc đó là thuộc địa của Anh quốc) rồi điều hành việc đó từ nơi ở là New Delhi (lúc đó nơi này là một tỉnh trong Ấn Độ thuộc Anh). Rangoon là nơi Neruda chưa bao giờ nghe tới trước đó. Rồi sau đó, Neruda làm việc ở Colombo (Ceylon = tức Tích Lan), Batavia (Java), và Singapore.
     Tại Java năm sau đó, Neruda gặp và kết hôn người vợ đầu tiên trong đời anh, là cô Marijke Antonieta Hagenaar Vogelzang, lúc đó Neruda là một nhà ngoại giao Chile và cô là một nhân viên ngân hàng Hòa Lan. Hôn nhân này kết thúc với cuộc ly dị năm 1936. Neruda có một đứa con duy nhất: con gái tên là Malva Marina (Trinidad) Reyes, sinh ở Madrid năm 1934; cô bé nhiều bệnh từ nhỏ, chết năm 1942 trong khi ở với một gia đình ở Hòa Lan nhận cô bé làm con nuôi sau khi Neruda lạnh nhạt với cô bé và mẹ là Marijke Antonieta Hagenaar Vogelzang.
      Người vợ thứ nhì của Neruda là cô Delia de Carril, một người Argentina trẻ hơn chàng hai mươi tuổi. Neruda sống với Carril tại Pháp, cưới cô vào cuối thập niên 1930s, khoảng thời gian Neruda gặp chủ nghĩa cộng sản, dấn thân vào nhiều hoạt động chính trị; rồi họ ly dị năm 1955.
      Neruda dan díu với người sau này là người vợ thứ ba của ông, trong khi còn ở với người thứ nhì. Cô Matilde Urrutia và Neruda kết hôn chính thức năm 1966. Cô Urrutia là cảm hứng thi ca lâu dài của Neruda.
     
      Từ tháng 8/1948, Đảng CS Chile bị cấm hoạt động, Neruda lui vào bóng tối, sống ẩn náu nhiều nơi. Tháng 3/1949, Neruda cỡi ngựa, vượt núi  Andes Mountains để lưu vong sang Argentina.
Trong thời gian lưu vong, khi tới quốc gia Uruguay, nhà thơ Neruda gặp lại Matilde Urrutia (1912-1985), một ca sĩ/ y sĩ người Chile, và Neruda say đắm ngoại tình với cô; rồi họ kết hôn năm 1966. Ban đầu họ gặp là tại Santiago năm 1946, khi cô là y sĩ vật lý trị liệu tại Chile. Những bài thơ đầu tiên Neruda tặng cô là từ năm 1951, đều phải giấu bí mật, cho tới năm 1961 khi in thành sách, nhằm không để tổn thương người vợ thứ nhì.
       Nhưng bên lề những cuộc hôn nhân vẫn là nhiều say đắm [sa ngã] khác.
       Năm 1927, Neruda tới Miến Điện, và thời gian ở Châu Á trong ngành ngoại giao kéo dài 5 năm: hai năm ở Rangoon rồi sau đó là các chức lãnh sự ở Ceylon (bây giờ là Sri Lanka, Tích Lan) và rồi Java (Indonesia). Chính tại Châu Á, có một mối tình của Neruda không được nhiều người biết tới.
       Trong thời gian ở Rangoon, Neruda có một người tình là một phụ nữ Miến Điện, lúc đó cô dùng tên tiếng Anh là Josie Bliss. Cô làm việc trong cương vị thư ký đánh máy, mặc trang phục Anh quốc khi đi làm. Lúc đó, lương lãnh sự cho Bộ Ngoại Giao Chile của Neruda không cao. Cô Bliss được kể là thường xuyên giúp tiền cho Neruda, và rồi Neruda dọn vào nhà cô ở chung. Lúc đó, người Anh cai trị Miến Điện, phân biệt giai cấp thống trị và bị trị minh bạch: khi người Anh khám phá ra mối tình của Neruda và cô Bliss, chính quyền Anh cấm Neruda lui tới các câu lạc bộ của người Anh.
        Nhà nghiên cứu văn học Jamie James khi viết về mối tình Châu Á của Neruda trên báo LitHub ngày 3 tháng 6/2019 đã ghi nhận rằng Neruda không ưa những kiểu kỳ thị như thế. Thêm nữa, tâm hồn thơ mộng của Neruda cũng không thích nghi với các guồng máy hành chánh. Cô Josie Bliss say mê Neruda, tới mức ghen bóng ghen gió.
       Trong cuốn hồi ký, hoàn tất thời gian ngắn trước khi từ trần vào năm 1973, Neruda viết rằng: “Đôi khi, một tia sáng làm tôi thức giấc, thấy một bóng ma chuyển động nơi bên kia chiếc mùng ngăn muỗi. Đó là Josie, dáng gầy trong bộ áo trắng, tay cầm lưỡi dao dài và bén. Chính là nàng, bước đi vòng quanh giường của tôi, có lúc nhiều giờ như thế, như thể do dự về chuyện giết tôi. Nàng thường nói với tôi, khi nào anh khuất núi, thì nỗi lo của em mới kết thúc.”
      Trong khi cô Josie Bliss ngày càng ghen như thế, Neruda nhận một điện tín bổ nhiệm từ thủ đô Santiago nội dung ra lệnh tức khắc chuyển nơi làm việc sang Tích Lan. Neruda bí mật ra đi gấp trong bóng đêm, và khi tới Tích Lan liền viết tặng cô Bliss một bài thơ tình, nhan đề “The Widower’s Tango” (Điệu vũ tango của chàng mất vợ). Bài thơ nổi tiếng này về sau in trong thi tập Residence on Earth. Những dòng đầu bài thơ như sau.

Oh Maligna, bây giờ em đã tìm ra lá thư
bây giờ em đã khóc giận dữ
và em đã chửi mắng ký ức về mẹ của anh,
gọi mẹ của anh là con chó cái hư thối và là mẹ của các con chó
bây giờ em đang đơn độc, một mình uống tách trà về đêm
nhìn vào các đôi giày cũ của anh, bây giờ trống vắng mãi mãi…
và bây giờ em không thể nhớ tới các căn bệnh của anh,
những giấc mơ đêm của anh, những bữa ăn của anh
mà không chửi mắng anh lớn tiếng như dường anh còn bên anh
than phiền về khí hậu, về những người lao động nặng nhọc
về những cơn sốt độc hại đã làm anh thê thảm
và về những người Anh tệ bạc, những người mà anh vẫn còn giận ghét…
.
      Tích Lan (Sri Lanka) thích hợp với Neruda hơn là Miến Điện (tên cũ là Burma, tên mới là Myanmar). Tại Colombo (thủ đô Tích Lan), Neruda giao du với một nhóm người Châu Âu, và rồi có một số tình nhân. Neruda kể lại rằng một phụ nữ tên Patsy thường cùng bạn hữu tới thăm Neruda, trong nhóm bạn có những cô gốc Hòa Lan, gốc Anh, gốc Nam Ấn… Trong đó có những cô “lên giường với tôi, không đòi hỏi gì đền bù,” theo Neruda ghi lại.

       Neruda kể lại một trường hợp, nơi đó về sau Neruda thường bị chỉ trích về thái độ lạm dụng. Chuyện xảy ra ở Wellawatte, ngoại ô Colombo. Neruda nhìn thấy một phụ nữ Tamil (một sắc tộc thiểu số ở Tích Lan) thuộc giai cấp thấp hèn, hàng ngày lượm từ các đống rác trên đường, người mà Neruda gọi là phụ nữ đẹp nhất từng gặp ở Tích Lan. Neruda để bên đường cho cô một số món quà, hay trái cây, hay các tấm vải lụa; nhưng cô không để ý tới các món quà này. Một hôm, Neruda nắm cổ tay cô, nhìn vào mắt cô. Không nở ra một nụ cười, cô để Neruda kéo đi và rồi Neruda đưa cô lên giường, cởi trang phục cô… Cô mím môi, im lặng toàn thời gian đó. Neruda viết, “Cô ta, một cách chính đáng, đã khinh thường tôi.” Và Neruda không bao giờ lập lại kinh nghiệm đó. Đó là lần duy nhất Neruda tấn công tình dục, theo Neruda tự nhận định.

      Thế rồi một buổi sáng, cô Josie Bliss tới gõ cửa nơi Neruda ở, nơi một căn nhà nhỏ ven biển. Cô mang theo một bịch gạo và các đĩa nhạc của ca sĩ Paul Robeson mà Neruda và cô trước đó thường nghe tại Rangoon.
      Khi Neruda từ chối, không cho cô vào nhà, cô Bliss hăm dọa đốt nhà chàng, và rồi cô cắm trại trên đường phố. Khi thấy một phụ nữ người Anh ghé thăm Neruda, cô Bliss rút dao ra tấn công phụ nữ này. Cảnh sát Tích Lan nói, nếu Neruda không đón cô vào nhà, cảnh sát se trục xuất cô Bliss về Miến Điện. Thế rồi, một người hàng xóm từ bi của Neruda, tên là Fernando, đón cô Bliss vào, thúc giục rằng cô nên tự ý về lại Miến Điện.
      Neruda áp giải Josie Bliss trên tàu biển về tận Rangoon. Khi anh từ biệt, cô khóc dữ dội trong khi hôn Neruda túi bụi. Như dường một nghi lễ tôn giáo, cô hôn mặt Neruda, rồi hôn cánh tay, hôn cả áo anh và rồi cô quỳ xuống, hôn giày của Neruda. Khi cô đứng dậy, khuôn mặt đầm đìa nước mắt của cô vướng lấm tấm bụi phấn từ đôi giày bóng phấn của anh. Neruda viết rằng anh không bao giờ quên những giọt nước mắt ràn rụa trên mặt cô dính phấn, “Tôi sẽ không bao giờ quên.”

     Sau đây là bản dịch một bài thơ của Pablo Neruda, do Phan Tấn Hải dịch từ Anh ra Việt theo tuyển tập "The Poetry of Pablo Neruda" – do Ilan Stavans biên tập, ấn bản 2005 của NXB Farrar, Straus and Giroux.
      Bài thơ “XX (Tonight I can write…” ở trang 19-20, theo bản Anh dịch của W. S. Merwin.
.
XX
Đêm nay tôi có thể viết những dòng buồn nhất
.
Thí dụ, viết, ‘Trời đêm đầy sao
và các ngôi sao màu xanh và run rẩy nơi xa.’
.
Ngọn gió đêm xoay vần trên cao và hát.
.
Đêm nay tôi có thể viết những dòng buồn nhất.
Tôi yêu nàng, và nàng đôi khi cũng yêu tôi.
.
Qua những đêm như đêm nay, tôi đã ôm nàng trong tay
Tôi đã hôn nàng lần nữa và lần nữa dưới bầu trời vô tận.
.
Nàng đã yêu tôi, đôi khi tôi cũng yêu nàng.
Làm sao không thể yêu đôi mắt nàng to và lặng lẽ.
.
Đêm nay, tôi có thể viết những dòng buồn nhất
Để nghĩ rằng tôi không có nàng. Để cảm nhận rằng tôi đã mất nàng.
.
Để nghe thấy đêm vô tận, vẫn thêm nhiều vô tận vì không có nàng.
Và dòng thơ rơi vào hồn hệt như sương rơi trên đồng cỏ.
.
Sẽ chẳng hề gì đâu, khi tình yêu của tôi không thể giữ nàng
Đêm đầy sao và nàng không còn với tôi.
.
Thế là xong. Từ nơi xa, có ai đang hát. Từ nơi xa.
Hồn tôi không vui vì đã mất nàng.
.
Mắt tôi gắng tìm nàng như để mang nàng gần hơn
Tim tôi tìm nàng, và nàng không còn với tôi.
.
Cùng đêm này trắng xóa cùng những cây cối
Chúng ta, vào lúc đó, không còn như xưa nữa.
.
Tôi không còn yêu nàng, đó là chắc chắn, nhưng làm sao tôi đã yêu nàng.
Lời của tôi gắng tìm ngọn gió vọng tới để nàng nghe
.
Của người khác. Nàng sẽ là của người khác. Như nàng đã thế, trước những nụ hôn của tôi.
Giọng nói của nàng, thân thể sáng ngời của nàng. Đôi mắt vô tận của nàng.
.
Tôi không còn yêu nàng, đó là chắc chắn, nhưng có thể tôi yêu nàng
Tình yêu thì quá ngắn, quên nhau lại quá dài.
.
Bởi vì qua những đêm như đêm nay, tôi đã ôm nàng trong tay
hồn tôi không vui vì đã mất nàng.
.
Cho dù đây là cơn đau cuối cùng nàng gây ra cho tôi
và những dòng thơ cuối này mà tôi viết cho nàng.
PTH


No comments:

Post a Comment