Trịnh Y Thư
Nhà văn Phan Thị Trọng
Tuyến
Nhà văn là người kể truyện (hay chuyện). Nhà
văn là người biết thổi bùa phép vào những con chữ vô hồn để biến câu chữ bình
thường thành một tác phẩm nghệ thuật có cảm xúc. Nhà văn là người có cái “tâm.”
(Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.) Có thể nói Phan Thị Trọng Tuyến là người có
cả ba yếu tố làm nên một nhà văn đúng nghĩa nêu trên, chưa kể chị còn là người
biết tiếp nạp những điều mắt thấy tai nghe, và không biết bao nhiêu tín hiệu
làm nên cái-gọi-là đời sống để đưa vào tác phẩm. Với tập truyện Hồng đăng tại Amsterdam do Văn Học Press
xuất bản năm 2018, một lần nữa, nhận định trên lại đúng.
Phan Thị Trọng Tuyến là một trong những nhà
văn thuộc thế hệ một rưỡi ở hải ngoại, những người sinh trưởng ở Việt Nam nhưng
chỉ bắt đầu cầm bút sau biến cố 30/4/75 khi đã định cư ở nước ngoài. Chị rời
quê hương ở tuổi mười tám đôi mươi, khi đất nước còn đang tơi bời trong lửa đạn
chiến tranh, theo đuổi sự nghiệp Khoa học và sinh sống trong một môi trường gần
như tách biệt khỏi những sinh hoạt kinh tế, văn hóa của người Việt. Những tưởng
một người như thế, bất luận nam hay nữ, khó có thể còn viết và nói tiếng Việt,
nói gì đến chuyện làm văn chương. Thế nhưng chị lại là một trong những người viết
xuất hiện khá sớm trong sinh hoạt văn chương của cộng đồng Việt lưu vong sau
1975. Truyện ngắn Mùa đông vô tận đăng
trên tạp chí Văn Học Nghệ Thuật (bộ mới, số 2, phát hành 6/1985, do nhà văn Võ
Phiến chủ biên) có lẽ là một trong những sáng tác đầu tay của chị. Từ đó cho đến
mãi về sau, chị luôn luôn là người gắn bó hết lòng với tờ tạp chí (mà sau này đổi
tên thành Văn Học).
Chị chọn nghiệp văn có lẽ bởi tấm lòng của chị
đối với quê hương Việt Nam chẳng thể nào phai nhạt cho dù sau chừng đó năm
tháng cách xa. Thật vậy, tình cảm nhớ thương đau đáu của con người đối với nơi
chốn mình sinh ra bao giờ cũng sâu đậm, khôn quên. Thời gian, không gian nào
cũng thế. Như loài cá hồi, cá trích, khi sinh sống có thể bơi lội nhẩn nha kiếm
ăn giữa biển khơi ngoài nghìn dặm, nhưng khi hạn kỳ đến thì bằng mọi cách và mọi
giá, bất chấp gian nan, dù là lao vào chỗ chết, vẫn vượt trùng dương để về lại
thượng nguồn nước ngọt nơi chúng sinh ra. Đọc truyện của chị, chúng ta dễ dàng
cảm nhận ra điều đó.
Bởi ngọn suối nguồn cho sáng tạo của người nghệ
sĩ thường bắt rễ rất sớm, từ những năm tháng của tuổi ấu thơ hoặc thời tráng
niên mới trưởng thành; và bởi nền tảng cho sáng tạo nằm nơi tiềm thức, ký ức, tập
quán, ngôn từ của tuổi trẻ, chúng ta thấy một Phan Thị Trọng Tuyến, qua tập
truyện dày trên 400 trang này, luôn luôn sôi động với muôn vàn hình ảnh của ký ức
hiện về, một tâm cảnh đầy ắp những hoài niệm quá khứ. Có thể nói những dòng chữ
chị viết ra là cây cầu nối liền đôi bờ đại dương không gian và quá-khứ-hiện-tại
thời gian sau khi ký ức bị xóa mờ một cách tàn nhẫn bởi cuộc sống đa đoan. Kỳ
thực, phải chăng viết truyện nghĩa là bắc cây cầu thời gian vượt qua muôn trùng
ký ức mờ mịt ấy để nối liền quá khứ với hiện tại, như nhà văn Mỹ Tim O’Brien từng
nói, “Truyện được dành riêng cho kẻ thức trong đêm khuya khi hắn không nhớ làm
cách nào mình từ chỗ đó đến được đây.”
Cây cầu không-thời-gian hiển hiện thật rõ ràng
qua truyện vừa Lửa phục sinh trong tập
truyện. Quá khứ, hiện tại, người bỏ nước ra đi với cõi lòng nát vụn, kẻ ở lại vận
dụng hết sức bình sinh của mình vùng vẫy bám chặt lấy mảnh đất, khóm rừng cũ kỹ
trăm năm, tất cả chồng chéo lên nhau, đan xen vào nhau, cố gắng hòa giải, tìm
kiếm một mẫu số chung nào đó, nhưng rốt cuộc chỉ bị xô giạt, cuốn hút vào những
hướng lực đối nghịch để rồi bị nghiền nát trong đó và bi kịch tất yếu xảy ra. Lửa
phục sinh là một thiên truyện vừa với tham vọng khai giải thân phận con người
nhưng cũng lồng trong đó một luận đề hiện sinh cơ bản: Đời sống thực sự của cá
nhân mới đích thực là cái cấu tạo nên “chân bản thể” của hắn.
Quá-khứ-hiện-tại cũng là bãi chiến trường ngổn
ngang trăm mảnh vụn trong các truyện Thế
giới hỗn mang, Đi tìm Dora Maar, Một ngày khác mọi ngày, mà cái cột mốc thời
gian 30/4/75 mãi mãi là vết thương sâu hoắm, lở lói, chẳng bao giờ có cơ lành lặn.
Phan Thị Trọng Tuyến là một nhà văn nữ, và dĩ
nhiên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thấy nhân vật của chị phần nhiều
là phái nữ, và tương tự bà nhà văn Alice Munro của Canada, những nhân vật ấy là
những khuôn mặt chúng ta bắt gặp hằng ngày trong cuộc sống thế gian, một người
thân của chúng ta, chẳng hạn, hay người hàng xóm sống ngay bên cạnh nhà. Và có
thể chị đã xây dựng nhân vật dựa trên những con người bằng xương bằng thịt
trong cái đại gia đình của chị, một gia đình đặc trưng màu sắc và tính khí Nam
bộ đồng bằng sông Cửu, với những ông Hai, bà Tư, chị Tám, anh Năm, v.v… Và cũng
như rất nhiều gia đình khác, trong cơn đại hồng thủy, đã chịu chung số phận
tang tóc, chia lìa của cả dân tộc.
Nhân vật của chị còn là cô gái bất hạnh trong
truyện Hồng đăng tại Amsterdam (dùng
làm nhan đề cuốn sách), một trong những phụ nữ Việt phải bán thân mưu sinh do
những hoàn cảnh khốc liệt của lịch sử gây nên, lưu lạc tìm sống tại nước ngoài
trong một trạng thái bất an luôn luôn trốn tránh, trốn tránh nhà cầm quyền sở tại
đã đành vì là một di dân lậu, mà còn phải trốn tránh người quen, trốn tránh
luôn thực tại. Hay là cô gái xinh đẹp nhảy xuống vực đá bên bờ biển hòn đảo trại
tị nạn tự tử giữa phút giây cùng quẫn trong truyện Trăng đảo. Những chuyện ấy xảy
ra rất mực thông thường, nhất là trong giai đoạn lịch sử vừa qua của dân tộc, bởi
hầu như trong chúng ta, ai cũng ít nhiều biết đến, thậm chí có người tận tai
nghe, tận mắt thấy. Phan Thị Trọng Tuyến không cần tưởng tượng nhiều khi thuật
lại những câu chuyện đó, chị chỉ ghi chép lại như viết một trang nhật ký. Và
chúng ta rụng rời!
Lịch sử không quan tâm đến những tiểu tiết được
viết như những trang nhật ký. Chúng chẳng có một tí trọng lượng nào dù là ở
bình diện hiện thực lịch sử, nhưng đối với người viết truyện, những tiểu tiết ấy
là cực kỳ trọng đại, bởi lương tâm dân tộc sẽ nhẹ hơn không khí và trở nên rẻ
rúng biết bao nếu chúng bị nhét đống vào cái hộp lãng quên và chôn sâu dưới
lòng đất lạnh cùng những kẻ xấu số.
Nhà văn còn là kẻ rao giảng tình thương. Nghe
có vẻ thừa thãi, chẳng cần nói ra, và nếu phải nói ra thì chỉ để dùng làm điểm
nhấn cho ngòi bút Phan Thị Trọng Tuyến, bởi chị luôn luôn dành tình cảm đậm đà
cho những nhân vật, một tình cảm thân ái, cảm thông, cùng chia sẻ nỗi đau, niềm
vui… Tình thương đó, chị mượn lời quê mộc
mạc của bà mẹ già chân chất để biểu lộ:
… Con ơi, má nói cái này, đừng
buồn nghe con, số mạng hết trơn hà. Vi tự tử chết hồi năm… Đừng buồn nghe con,
Vi thương con lắm, Vi thương má, thương ngoại…
Má nói hoài… ăn ở hiền lành,
không ai hại được mình đâu… Vi không nghe, má nói đời này vô thường, người đời
tàn ác, nói này nói nọ, nhưng ăn nhằm gì, phải biết chấp nhận số mạng… Tội nghiệp
quá, má nói hoài Vi ơi, thương bác, thương Vui thì đừng nghĩ quẩn…
(Thế giới hỗn mang)
Triết lý sống của bà mẹ quê đó nghe thật giản
dị, tầm thường, nhưng hình như trong chúng ta ít người thực hiện được, kể cả những
nhân vật trong tập truyện, và mãi mãi chúng là những câu hỏi đeo đẳng trong tiềm
thức chúng ta, và chỉ lóe lên trong ý thức khi chúng ta bất chợt lâm vào một cảnh
huống nghiệt ngã nào. Phải chăng đấy chính là raison d’être, cái lý do tồn tại,
của văn chương?
Tuy vậy, nhìn từ góc độ nào cũng thấy nhà văn
Phan Thị Trọng Tuyến làm văn chương với một cái “tâm” nhân ái, một điều càng
lúc càng thiếu vắng trong tình nghĩa con người.
TRỊNH Y THƯ
HỒNG ĐĂNG TẠI AMSTERDAM
Tập truyện Phan Thị Trọng Tuyến
Văn Học Press xuất bản, 8/2018
Bạt © Trịnh Y Thư
Tranh bìa © Lê Tài Điển
456 trang, giá bán $23.00
Tìm mua trên Amazon.com
Search Keywords: Hong dang tai amsterdam
Hoặc bấm vào đường dẫn sau:
https://www.amazon.com/Hong-dang-tai-amsterdam-Vietnamese/dp/1724574264/ref=sr_1_1?ie=UTF8&qid=1535057348&sr=8-1&keywords=hong+dang+tai+amsterdam&dpID=41KPb0YLxIL&preST=_SY291_BO1,204,203,200_QL40_&dpSrc=srch
No comments:
Post a Comment