Friday, September 14, 2018

CƯ AN TƯ NGUY


Hồ Đình Nghiêm


Ngọn lửa và cây kiếm, phù hiệu một ngôi trường. Quân trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu. Si vis pacem, para bellum: Dù ta đang sống yên, vẫn lo phòng nguy biến. Đó là lý do hiện hữu ra câu thơ: Xếp bút nghiên theo việc đao cung. Thơ vẽ nên một cảnh giới không thực, hoặc nó đã trôi tuột theo những trang sách xưa. Hết tráng sĩ, hết tay gươm, hết bầu rượu, hết hí lộng với bờm ngựa, thôi vó câu rầm rộ, hết trăng treo trên mái lầu, hết sông trôi màu cổ nguyệt, hết áo bào thay chiếu anh về đất.

Đất ở đây nát nhừ đạn pháo, đất thực sự nguy biến và anh chỉ biết có mỗi việc là mong được sống yên. “Đừng quên cầu nguyện hôm nay bởi thượng đế sẽ chẳng quên đánh thức bạn mỗi sáng”. Giảng đường, thư viện đã đóng lại cánh cửa ngày hôm qua nhưng lời của Oswald Chambers còn dây dưa khi hôm nay anh đã khoác vào thân bộ quân phục. Giáo dục đôi khi làm cho con người trở nên mềm yếu và chẳng thực dụng khi đối mặt với cảnh giới này, cao độ 960 mét so với mặt biển. Tiểu đoàn anh nằm với gió mùa thất thường cuối tháng 3, khô cằn nắng nung thân để án binh trong giao thông hào đã hai tuần, những mộ huyệt tự đào loay hoay chật chội nhằm đón đợi và chuẩn bị đánh trả Bắc quân. Họ mang nguyên sư đoàn 320 Điện Biên nguyện đánh hết rác. Với 13 lá bài khi binh xập xám chướng, cơ bản là “Thùng thì thủ, cù lũ thì dương”. Và bộ đội sinh bắc tử nam đang được nắm giữ con bài sáng giá “cù lũ”. Nó đánh xuống chiếu bạc bằng thứ tiền tệ “tiền pháo hậu xung”. Đất động kinh từng cơn địa chấn, đất nát vụn đá tảng cỏ cây và xương thịt những đứa con trong tiểu đoàn. Sơn pháo 75 ly, cối 80 ly, hoả tiễn 122 cho tới 130 ly chuyên cần rót vãi, cực mê muội. Bụi đỏ phủ chụp xuống nón đồng, mắt đóng ghèn và tự động nước trong hố mắt ứa ra, lấm lem. Không có giải thích nào hay hơn về kiếp người bằng hình ảnh: Khi mở mắt chào đời ai trong chúng ta cũng đều cất tiếng khóc, và hạnh phúc thay khi chết đi, bạn chẳng nghe ra tiếng khóc của thân bằng quyến thuộc vây quanh.

Hoả lực rát quá ông thầy, đạn dược mình đâu đủ chia đều cho bọn chúng? Cầm cự được bao lâu? Anh ngó thằng lính, một sinh linh đồng loại mà ngỡ nó tựa kẻ ngoài hành tinh, nói như tự an ủi, binh chủng Dù đang tới giải vây, tiểu đoàn 11 “Song kiếm trấn ải” đang điều quân vào trận tiền. Mặt thằng lính thôi bám bụi, tươi tỉnh khi nghe tới tên đơn vị tiếp viện. Thế còn Thuỷ quân lục chiến, họ đang ở đâu? Vốn liếng của một Trung đội trưởng như anh rất khiêm nhượng nhưng buộc phải trả lời thằng đàn em trong chừng mực: Hiện tại họ đang làm sạch, khai thông một con lộ an toàn từ Khe Sanh xuống tới thị xã Quảng Trị và họ đang chịu những tổn thất lớn. Đối phương hăm he nổ lực làm chủ cục diện, dốc hết hoả lực nhằm chiếm bằng được Quảng Trị. Rõ là nó dồn chúng ta vào thế bị động, nó khơi mào và ta chỉ có việc đáp trả theo phản ứng, nhằm ngăn cản một vết dầu loang. Chận đứng mưu đồ xâm lăng, đó là nhiệm vụ trước tiên và sau cùng của một thằng lính. Quân đội chúng ta chưa từng đơm ý tưởng lấn chiếm và giải phóng một ai, chúng ta chỉ đi lấy lại từng phần lãnh thổ bị đối phương thâu tóm. Cái gì của César thì hãy nên trả lại cho César! Mông muội và đơn giản để hiểu thế.

Khi tai nhét chật sự bung nổ thật gần của hoả tiễn, sắp sửa bị chúng làm rách màn nhĩ thì mặt trận đột ngột im hẳn tiếng đạn pháo. Thính giác chỉ còn dây dưa manh động tiếng gì nghe như côn trùng rả rích, ù ù cạc cạc; hoặc đó là lời thì thầm của thiên thần, rằng ta đã cứu chuộc ngươi ra khỏi bàn tay của quỷ dữ. Để trả lời cho phút hoang mang, tiểu đoàn trường cho hay đơn vị thiện chiến Nhảy dù đã nhập cuộc và đẩy chúng không manh giáp về lại Trường sơn, chúng ta được lệnh triệt thoái. Hãy kiểm điểm lại những tổn thất, hãy thu vén những đổ vỡ, hãy hoàn hồn để lui binh về dưỡng sức ở hậu phương. Đi ngược, xuôi Nam khoảng tám cây số đường chim bay để dừng chân nơi bộ tư lệnh tiền phương đang cắm dùi, ở đó họ sẽ tìm cho tiểu đoàn một địa bàn để khai mở ra canh bạc mới sau khi chỉnh đốn và được bổ sung thêm quân số. Xuôi Nam, hiểu đơn giản là tuổi thọ của kiếp lính được kéo dài ra. Gió lành ở đó mê man thổi, nó lấy đi giùm anh nét phong sương đang bám và nó đánh cắp vẻ dữ tợn của đứa vừa thoát rời vùng giao tranh giăng bủa máu me.

Giống nòng súng bỏng khét khi xả đạn, con người anh cần giải nhiệt bởi khí trời. Sau lưng thị xã Quảng Trị, ngọn gió Lào khắc nghiệt bị xua đuổi bằng những cơn mưa bất chợt, bằng từng luồng gió nồng muối biển chạy luông tuồng vào từ cánh tay quàng mềm mại hướng Đông. Hoà bình là một thứ gì rất thật, rất nhỏ bé, rất tầm thường, nó ẩn mình sau tiếng gà gáy, trong tiếng chim trao đổi trên mỗi cành cây. Tiếng chó sủa cách khoảng giữa trưa, những cánh diều chao đảo ngập bóng nắng và ngay cả tiếng khóc khát sữa của một hài nhi, nó vẽ ra đủ đầy một bức tranh nhốt chặt hoà bình. Anh cảm động đến độ nghe chân mỏi khi phát hiện, nhìn nhận ra cái vẻ đẹp của vùng đất im tiếng súng. Anh thèm được đắm mình vào để thụ hưởng và đôi giày saut lấm bụi đỏ của anh đặt vào hiên quán cà phê đứng neo thân bên con lộ đen màu hắc ín. Căn cứ của đồng minh không hiện diện quanh khu vực phòng thủ, nhưng ở mái tranh vách đất này có chiếc cassette đang phát giọng trầm buồn của James Taylor hát bài You’re got a freind. “Khi bạn rơi xuống bao phiền muộn thì xin hãy gọi tên tôi, tôi sẽ đến kề bên bạn…” Thật cảm động, thật chân tình và dường như nó đang gần trở thành một thứ tựa như hàng hiếm. Bạn anh có đứa chết chẳng toàn thây ngày đầu ra đơn vị, có đứa nằm trong poncho đun vào ngăn lạnh ở tổng y viện Duy Tân chờ mẹ run rẩy từ Sài-gòn ra lo hậu sự. Mẹ bảo nằm mộng nghe tiếng con gọi lên từ địa ngục môn và mẹ đang đến gần bên con hòng mang hình hài con về lại quê cũ. Có đứa xuống tóc làm thầy chùa ẩn thân nơi heo hút khản giọng đọc miết trang kinh khô lạnh A di đà. Có đứa mất dấu trần thân đi suốt 4 vùng chiến thuật mà những KBC luôn từ chối một đón nhận hoặc chuyển trao tâm thư…

Anh gọi một ly cà phê đen đá để tự trắc nghiệm lấy trí nhớ, đã mấy tháng qua anh mới uống lại thứ chất lỏng đen đúa này? Ngoài dung lượng chỉ thuần để giải khát, cà phê còn mang lại cho anh một thức tỉnh quý giá về sự so sánh, hơn ba sư đoàn thay nhau điều quân về trấn giữ vùng hoả tuyến, có ai trong số họ từng đón nhận phút thảnh thơi đầy sảng khoái này. Hãy bình tâm chiêm nghiệm nó, như hình ảnh một vị tỳ khưu đi suốt cuộc lữ với mục đích duy nhất là đào bới đời sống để giải quyết chuyện sống chết, mang sứ mệnh cởi bỏ ràng buộc cho chúng sinh. Anh là một quân nhân, bị thời cuộc vây hãm, anh cũng góp phần giải quyết sự sống chết nhưng anh chỉ là mặt sau, phần ám tối nhất mà vị tỳ khưu kia đã buông bỏ. Tâm anh vẫn thường hiện ra câu văn: Khi tôi chết đi, xin bạn đừng đến gần bên tôi, bởi khi đó tôi sẽ không tài nào với tay ra để lau khô những giọt nước mắt của bạn được.

Khi uống cạn ly cà phê đá ngon ngoài sức tưởng tượng anh mới phát hiện ra trong quán còn có một vị khách xa lạ. Quen mắt với khói bụi, với nắng nung lửa, với áo giáp nón đồng, súng đạn quân trang quân dụng, giờ đây anh không khỏi bỡ ngỡ khi nhìn thấy một suối tóc đổ xuống bên lưng một người con gái yếu mềm. Giữa heo hút cách trở chốn này, bóng dáng ấy hiện nơi góc tối quả là một điều không tưởng, cô như một trái hoả châu vừa bung nở giữa đêm nồng mùi thuốc súng. Bóng tối sẽ phủ chụp nhưng đốm sáng lẻ loi kia vẫn còn ẻo lã trôi trong võng mô. Cô ngồi hướng mặt tới anh, khuôn mặt dịu hiền ấy thoáng thắp nên một nụ cười. Cô đã ngầm quan sát anh, nụ cười nọ tựu thành do bởi sự tin cậy, rằng có thể anh ta là một Thiếu uý sạch nước cản chẳng đáng ngại. Tôi thật chẳng muốn về lại nơi dưỡng quân giờ này, chúng ta nên uống thêm một thứ gì đó chăng? Anh nói trong khi đứng lên, một chiếc GMC nặng nhọc chạy ngang khiến cô gái bị phân tâm. Cô cũng đứng lên, ngó vu vơ ra ngoài khung cửa vàng nắng bụi. Theo kinh nghiệm tôi có được cô không nên ngồi gần bên cửa, lùi sát vào vách nhà, càng xa mặt đường càng tốt. Anh tự động làm người công binh vạch ra một nơi anh cho là an toàn rồi hỏi: Cô có bận rộn việc gì không?

Họ vào ngồi bên một vuông bàn khác, xa luồng sáng. Cái máy cassette đặt gần đó thôi phát ra âm thanh, nghe tiếng dép lẹt xẹt đi lại gần. Anh gọi ly cà phê khác còn cô gái gọi chai nước cam. Cô ngó cái bảng tên thêu chỉ đen may trên túi áo, nó không có dấu. Anh tên Trường, phải không? Hay tên Trương? Cô gái nói, giọng Huế, trong vắt, ngọt như một ngụm nước cam thấm đẫm trên lưỡi. Sao chỉ nhặt ra có hai thôi? Bởi vì chẳng có ai tên Trướng, và Trưởng là tên một vị tướng tư lệnh vùng 1, Thiếu uý phải biết kiêng dè và lễ độ chớ. Anh cười thích thú với lối khơi mở câu chuyện của cô ấy. Phải, tôi tên Trường bởi tôi ghét mang tên Trương “miếu ai như miếu vợ chàng Trương, ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ…” Tôi đoán không lầm cô là một học sinh? Hay sinh viên? Dạ, học sinh trường Nữ Thành nội. Có bao giờ anh đón nhận một món quà mọn được trao đi từ các “em gái hậu phương”? Có chuyện đó sao? Tại tôi sinh sau đẻ muộn chăng? Cô nữ sinh nhìn vào khuôn mặt rám nắng của người lính chỉ lớn tuổi hơn cô chừng bảy tám năm, cô nói: Khoản tháng trước trường có tổ chức một chuyến đi uỷ lạo bằng trực thăng đến các tiền đồn. Ba mươi ngày trước anh đóng quân ở đâu? Ở một nơi chẳng mấy an toàn cho trực thăng đáp xuống, thành thực để nói là sinh mạng các em học sinh ở thành phố rất lớn lao, sợ chúng tôi không đủ khả năng để bảo vệ; và như vậy thì chúng tôi nào có may mắn để nhận quà phương xa.

Cô gái vén tóc lui sau, moi trong túi quần ra một chiếc khăn tay trắng ngần được gấp làm tư, vuông vắn, cỏ vẻ mềm mại, thơm tho. Cô đặt nó trên bàn, tránh những vòng tròn ngấn nước, trước mặt anh: Tặng cho anh đó. Cô nói và cúi mặt miệng ngậm chặt cái ống hút, mực nước trong chai vơi thấp. Trước khi cầm lấy món quà bất ngờ, anh ngó qua đôi bàn tay mình rồi chà xát mười ngón lên đầu gối, chỗ ấy vốn sẵn đã ngã màu. Vải phin mỏng, may tay công phu ở bốn bề cho vải khỏi xơ và nơi góc có cánh hoa thêu bằng chỉ tím. Một góc khác là hàng chữ nhỏ: Trần Thị Vĩnh Định, 11 A Nữ Thành Nội. Vĩnh Định cho tôi à? Nếu anh không kiêng cử dị đoan về một cái khăn tay. Vĩnh Định quê ở đây? Sao anh biết? Vì chúng ta ngồi không xa một con sông có tên Thạch Hãn trôi ngang mà Vĩnh Định là một phụ lưu của con sông đó. Vì tình hình càng lúc càng mất an ninh nên Mạ em quyết định bán đi căn nhà ở ngoài này, ngày mai hai mạ con lại lục đục trở vô lại Huế. Liệu Huế có phải chịu cảnh bom rơi đạn lạc không anh? Làm sao anh biết được, bọn anh đã gắng sức lập ra một hàng rào phòng thủ nhằm bảo vệ lấy Huế của Vĩnh Định. Cấp trên bảo, hãy giữ lấy bằng bất cứ giá nào. Miền Nam mà mất Huế, đó là điều không thể xẩy ra. Cũng tựa như chiếc khăn thêu này, anh sẽ giữ nó cho tới hồi buông súng.

Họ chia tay khi trời dim bóng nắng, khi quán bắt đầu ồn ào bởi có toán lính vào gọi bia. Họ đứng tần ngần một đỗi, anh bảo là ngày mai anh chẳng thể đưa tiễn Vĩnh Định ở bến xe đò, chiếc khăn vuông vắn mãi nằm yên trong túi áo, không thể trải rộng ra, đưa lên cao vung vẫy theo đuôi chiếc xe đò vừa khuấy bụi. Vĩnh Định cúi mặt nói: Anh ráng giữ gìn. Anh nói: Yên tâm, sẽ có lúc anh đi lùng sục ở Huế để tìm cho ra nơi Vĩnh Định sống, sẽ mang theo một món quà bất ngờ… Và rồi họ chia tay, đâu lưng, đi mỗi lúc một xa trên con lộ còn lưu giữ nhiệt lượng của mặt trời. Phía tây bắc vừa chuyền gửi về cơn địa chấn.

Phối hợp cùng một đơn vị của sư đoàn 3 bộ binh, tiểu đoàn anh được lệnh mang con cái ra “thăm thú” cổ thành Quảng Tri. Càng bắc tiến càng cảm nhận cái nóng khô xô đẩy trong luồng gió ngược, táp lấy tựa một ngọn lửa. Những ngọn lá tre, những bẹ lá chuối bắt đầu vàng vọt oằn thân hứng chịu. Không còn một sinh vật nào chạy hoảng loạn trên quốc lộ 1 mỗi lúc một thu bé bề rộng. Đôi chỗ đạn pháo cắm xuống làm bung vỡ mặt lộ đổ dầu hắc trầy da tróc vảy lỗ hê lỗ hổng. Mưa xuống sẽ biến nó thành những cái giếng nước mọc cách khoảng làm nơi giải hạn cho chim chóc thú hoang về trầm mình tắm táp dạn dĩ đùa cợt.

Dừng quân khi đêm về và dàn trải đội hình bên khúc sông đầy cỏ lau, có thể đó là sông Thạch Hãn, nếu đúng thì tiểu đoàn đang ở phía tây nam Cổ thành Quảng Trị và không chừng bên kia sông đang có sự hiện diện của Bắc quân. Giữa đôi bờ gió nhẹ reo vi vu la đà trên mặt sông đen thẩm chừng kèm gửi chút mùi vị lạ. Không là hương hoa dại làm người ngầy ngật mà sự ngây dại này do mơ hồ nhận biết ấy là mùi của tử khí. AK 47 bắt đầu khai hoả từng tràng rầm rộ, vi vút và léo nhéo bay qua con sông nước thấp, vạch từng đường đạn cháy bỏng màn đêm. Bờ bên này PRC 25 cũng bắt đầu phát sóng nhằm bắt đúng tần số liên lạc cốt để báo cáo thẩm quyền chúng tôi đang nằm trong tầm nhắm của đối phương, chúng trực xạ và áng chừng khó bề mang quân sang sông. Anh nghe nhói đau ở ngực, chiếc khăn tay gấp làm tư có thêu một nụ hoa bằng chỉ màu đang bị nhuộm máu, loang dần sang Trần Thị Vĩnh Định. Một suối tóc đen trôi đổ sau lưng và mơ hồ tai anh nghe lời tình tự của James Taylor: “When you’re down and troubled, and you need some love and care; and nothing, nothing is going right. Close your eyes and think of me, and soon I will be there… You’re got a freind…”

Anh nhắm mắt lại, còn đó là nụ cười trong sáng hiền dịu. Xin em đừng gọi tên anh, bởi anh chẳng tài nào đến được bên em. Mơ tưởng về một ngày đặt chân vào kinh thành Huế dọ hỏi căn nhà có Vĩnh Định ngồi thêu thùa đã vuột mất giờ này. Giai đoạn mà chúng ta đang sống đã thật sự chẳng kiếm đâu ra một người bạn nguyện san sẻ niềm đau của chúng ta. Anh đổ người xuống bên dòng nước cạn, tiếng thằng đệ tử gào trong hoảng loạn: Ông thầy, ông thầy, Thiếu uý đừng sớm bỏ em… Nothing, nothing is going right. Lửa đã tắt và cây kiếm vừa gãy. Cư an tư nguy. Nguy khốn đang phủ chụp, chẳng có lấy chút bình an.

H ĐÌNH NGHIÊM

No comments:

Post a Comment