Thursday, September 20, 2018

LÀNG BIỂN MẶT TRỜI MỌC Ở BẮC VÂN PHONG


Nguyễn Âu Hồng

Bắc Vân Phong. Hình Internet

Bản đồ vịnh Vân Phong Bãi Giếng
ở ngay đầu bắc Cửa Nhỏ

There is a village in Van Phong bay
They call the rising sun
(Có một thôn làng ở vịnh Vân Phong-Người ta gọi là làng mặt trời mọc)

‘’There is a house in New Orleans/They call the rising sun” là hai câu mở đầu bài hát “The house of the rising sun”(1), bài hát mà mỗi lần nghe, tôi lại nhớ đến làng Bãi Giếng thân yêu ở tận nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước.

Rồi tôi sẽ nói chuyện này sau, giờ quay lại tiếng Việt, trước tiên cần xác định vị trí của “làng mặt trời mọc”.  Có nhiều cách, ở đây tôi thử dùng bài “Vè Các Lái” (2) để chấm tọa độ. Đây là một bài vè được coi như cẩm nang hải hành cho tàu thuyền ven biển, mà người đi biển xưa kia thường dùng:

“Ngửa mặt trông vào Bãi Võ giăng ngang
Hòn Gầm sóng vỗ đá vang
Chạy khỏi Cát Thắm lại sang Đồi Mồi
Anh em lời thốt thương ôi
Đi bảy ngày trời mới tới Bà Gia
Ngó vô bãi cát trường sa
Có đôi lưới bủa, có nhà thôn dân
Xà Cừ nay đã hầu gần
Lần qua Bãi Giếng lánh thân Trâu Nằm
Nam Lò, Hòn Khói tăm tăm…”
(Vè Các Lái-Hát Vô)

“Cây Sung, Mũi Cỏ đà qua
Nam Lò, Hòn Khói người ta tiếng đồn
Hòn Lớn, Hòn Nhỏ chỉn khôn
Cứt Chim, Hòn Đỏ đêm hôm nào lầm
Trông lên một đỗi tăm tăm
Gần nơi Cửa Nhỏ rạng danh Bãi Trường
Trâu Nằm ngoài nước chín phương
Sóng xô, gió tạt dội sương tư bề
Xa Cừ cách trở sơn khê
Buông lên một đỗi ngó về Bà Gia
Đồi Mồi chớn chở xê ra
Thong dong Cát Thắm chạy ra Hòn Gầm…”
(Vè Các Lái-Hát ra)

Đường vào, vì không ghé Đại Lãnh nên phải ‘ngửa mặt trông vào Bãi Võ giăng ngang’. Bãi Võ là một dải cát dài trên mười cây số tách khỏi đất liền, từ đèo Cổ Mã xiên xiên theo hướng tây-đông đến Hòn Gầm. Như vậy, nếu không có sự kết nối của Bãi Võ và những đồi cát cao như núi của Vĩnh Giật, Tuần Lễ, Vĩnh Yên… thì Hòn Gốm - Hòn Nhọn bao gồm cả Bãi Giếng và Đầm Môn đều là đảo.
Vè Các Lái (hát vô) đã đi hết một vòng  quanh bán đảo Hòn Gốm và vịnh Vân Phong, từ Bãi Võ-Hòn Gầm đến Nam Lò-Hòn Khói. Trước khi rời khỏi bán đảo có ghé Bãi Giếng để lấy nước ngọt và mua thêm tràu cau, thuốc lá. Xa Cừ nay đã hầu gần/ Lần qua Bãi Giếng lánh thân Trâu Nằm. Ta thấy các lái không bọc khơi mà cho ghe bầu đi qua mũi Bà Gia, Xà Cừ rồi vào Bãi Giếng, qua hải trình vừa hẹp vừa nguy hiểm giữa đất liền và vũng Trâu Nằm với những khối đá nhấp nhô không xa bờ là mấy. Một khi đã rời Bãi Giếng xuôi nam, nhìn vào đất liền chỉ thấy Nam Lò, Hòn Khói tăm tăm.
Hát ra, từ Nam Lò-Hòn khói đi ngược lên, cũng hết vòng ngoài vịnh Vân Phong ra đến Cát Thắm-Hòn Gầm. Đường ra không ghé Bãi Giếng vì trước đó nếu không ghé Xứ Chutt (viết hai chữ tt) sát Cầu Đác-Nha Trang thì cũng ghé bến đò Cồn Cạn của Hòn Khói để vừa tái tiếp tế vừa trao gởi chút tâm tình với các cô gái “bới tóc cánh tiên”. Vì có ghé Hòn Khói nên phải chú ý tránh những hòn đảo nhỏ nằm rải rác dọc Hòn Lớn, rồi cũng chọn hải trình chen giữa vùng đất cực đông và vũng Trâu Nằm. Đây là một đoạn hải hành nguy hiểm vì có nhiều khối đá đen trùi trủi như đàn trâu đang dầm nước. Trâu nằm ngoài biển chín phương/Sóng xô, gió tạt dội sương tư bề. Không ghé Bãi Giếng nhưng lại nhắc  Gần nơi Cửa Nhỏ rạng danh Bãi Trường. (chưa tìm ra lý do vì sao Bãi Trường được rạng danh).
Cần lưu ý, Bãi Giếng không nằm gần nơi Cửa Nhỏ mà ngay đầu bắc Cửa Nhỏ, hơi lùi vô một chút để tránh gió. Nói gọn, Bãi Giếng nhìn vào Cửa Nhỏ và nếu phóng tầm mắt về hướng nam sẽ thấy đảo Chà Là thuộc huyện Ninh Hòa; Bãi Trường nhìn ra biển Đông, ở vị trí giữa vũng Trâu Nằm và danh thắng cấp quốc gia Mũi Đôi-Hòn Đầu. Như vây, đường biển  đi từ nam ra ( vè Cát Lái hát ra) đến gần Cửa Nhỏ tới Bãi Trường, cuối bãi là Mũi Đôi-Hòn Đầu. Còn về lý do khiến Bãi Trường rang danh, có lẽ người xưa dã cảm khái trước vẻ đẹp kỳ tuyệt của núi cao biển xanh cùng mũi đá, đảo đá bao quanh một bãi biển hình cánh cung cát trắng phau phau mà đồn nhau, đồn đại đến nỗi Bãi Trường rạng danh. Phải chăng người xưa đã đánh giá Bắc Vân Phong là danh thắng của đất nước Việt Nam, trước chúng ta hàng trăm năm?
Nói tới Hòn Đầu không thể không nói tới mũi Bà Dầu, tên xưa gọi là Bà Gia, tên hành chánh là Mũi Đôi. Xa Cừ cách trở sơn khê/ Buông lên một đỗi ngó về Bà Gia/ Đồi Mồi chớn chở xê ra (hát ra). Đoạn hải hành đi qua vùng biển ven bờ cực đông này của đất nước ta tuyệt đẹp, nhưng có nhiều mũi đá, lố, rạn nguy hiểm cho tàu thuyển nên Hát Ra-Hát Vô đều mô tả tỉ mỉ:  Qua khỏi Cát Thắm lại sang Đồi Mồi/Anh em lời thốt thương ôi/ Đi bảy ngày trời mới tới Bà Gia (hát vô). Đâu có ai ngờ Bà Gia-Bà Dầu gian khổ nổi tiếng và kỳ vỹ “rạng danh” trong hải trình ghe bầu xưa, năm 2005 được Bộ VH-TT-DL Việt Nam đặt cho tên mới Mũi Đôi rồi cùng với đảo Hòn Đầu được công nhận là di tích, danh thắng cấp quốc gia. Mũi Đôi (Bà Gia-Bà Dầu) được coi là điểm cực Đông trên toàn cõi đất liền Việt Nam, là nơi được ánh mặt trời chiếu rọi sớm nhất.
Như vậy, nếu tính về mặt khu dân cư làng thôn, thì cư dân ở Bãi Giếng-Khải Lương là những người nhìn thấy mặt trời mọc đầu tiên; còn nếu tính về mặt lãnh thổ, Mũi Đôi là nơi đón ánh mặt trời sớm nhất trên toàn cõi đất liền Việt Nam.
There is a village in Van Phong bay
They call the rising sun
Có một thôn làng ở vịnh Vân Phong
Người ta gọi là làng mặt trời mọc.
Người dân nơi ấy, trước kia cũng như ngày nay, luôn hiền hòa, thanh lịch.
“Một điều khá thú vị ở thôn bán đảo Khải Lương, đó là không khí tĩnh lặng. Trong không gian đó, tiếng cô giáo giảng bài, tiếng học sinh tập đọc vang lên tạo nên một khung cảnh thanh bình, ấm áp. Hỏi ra mới biết, đàn ông đi biển, nuôi tôm, trẻ đi học, còn phụ nữ trong thôn hầu hết đi làm cho công ty Ngọc Trai Sài Gòn”. (Thu Hiền & Đình Lâm Khánh hòa online)
Hai bạn Thu Hiền & Đình Lâm còn cho biết, từ năm 2001 nguồn điện lưới quốc gia đã phủ tới Khải Lương, nên chỉ là một thôn nhỏ với 290 hộ, 1.300 nhân khẩu mà thôn có đến hai nhà máy nước đá công suất 200 cây/ngày. Ngoài ra,  Khải Lương đã nhiều năm chiếm một nửa sản lượng đánh bắt của toàn xã Vạn Thạnh. Về tôm hùm nuôi lồng, năm 2012 thu hoach gần 200 tấn.
Chao ơi, đọc mấy dòng trên, sao tôi thấy lòng mình nôn nao quá. Tôi muốn về ngay Khải Lương, không phải như một người khách du lịch giàu có về để ăn tôm hùm mới bắt dưới lồng lên, uống bia có nước đá sản xuất tại chỗ ướp lạnh, mà về như một người con đi xa tìm lại mái nhà xưa, về để được sống trong khung cảnh thanh bình, ấm áp.
Oh mother, tell your children
Not to do what I have done
Spend your live in sin and misery
On the house of the rising sun.

Well, I got one foot on the platform
The other foot on the train
I’m going back to New Orleans
To wear the ball of chain.
Dù sao tôi cũng không đến nỗi bất hạnh như chàng trai trẻ trong bài hát “The house of the rising sun”, tuy đã nói với mẹ là đừng để các em làm như con, đừng hủy hoại tuổi thanh xuân trong tội lỗi và khốn khổ, vậy mà cuối cùng đã không vượt qua được sức cám dỗ, đã quay về lại New Orleans để tự tra chân vào xiềng xích.
Nhưng nào ai biết được đâu là bất hạnh đâu là hữu duyên-hữu hạnh. Biết bao người đã về lại chốn cũ, không phải chỉ về lại New Orleans với “The house of the rising sun”  hay Bãi Giếng - Khải Lương, một mái nhà nhỏ, một làng biển, mà về với mái nhà lớn Việt Nam “The nation of the rising sun”, một dải đất hình chữ S ngửa mặt ra biển Đông hứng ánh mặt trời. Vì nhiều ràng buộc, những con người trôi giạt tha phương rồi sẽ tìm về quê cũ, như đứa con bị thất lạc thất thểu đi tìm mẹ, vẫn tìm về, ngay cả khi khung cảnh thanh bình ấm áp cũng không dám mơ ước.
They call the rising sun
It’s been the ruin of many a poor boy
And God I Knew I’m one
“Nơi đó đã hủy hoại tuổi thanh xuân của nhiều chàng trai khốn khó/Và chúa ơi, con biết mình là một trong số đó”.  Tuổi thanh xuân của biết bao chàng trai, cô gái Việt Nam đã bị hủy hoại ở nơi đó, nơi đất mẹ, vì chiến tranh, nghèo khó và những chủ thuyết viễn vông, nơi đất đai mồ mả ông bà mà những người con xa quê ai cũng nặng lòng , một số muốn quay về. Tôi biết mình là một trong số đó. Quay về, trở về, tìm về bằng bất cứ giá nào. Về với “The Nation of the rising sun”.  Về để ngửa mặt hứng ánh mặt trời mọc lên từ biển Đông. Về để tra chân vào xiềng xích, “to wear the ball of chain”.
Xin hiểu cho, sợi xích ấy, cả vô hình lẫn hữu hình, là cuốn rún chưa lìa.

Bài viết này đã kết thúc hồi tháng 1 năm 2016, bây giờ, tháng 9 năm 2018, thấy cần viết thêm. Vì sao? Vì Làng Biển Mặt Trời Mọc đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, bị loại bỏ khỏi bản đồ Việt Nam. Quả vậy, nếu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10 năm 2018, Quốc hội nước CH XHCH Việt Nam phê duyệt Dự Luật Đặc Khu, thì sớm muộn gì các làng biển ở đây cũng sẽ bị di dời, “giải tỏa đền bù”. Dự Luật Đặc Khu, tức Dự Án Luật Đặc Khu Hành Chánh-Kinh Tế Đặc Biệt đã chọn ba vùng lãnh thổ có tính chiến lược sinh tử và có cảnh sắc trời mây biển đảo đẹp nhất Việt Nam, là Vân Đồn (Miền Bắc), Bắc Vân Phong (Miền Trung) và Phú Quốc (Việt Nam). Ở Bắc Vân Phong này, ngoài khu di tích danh thắng cấp quốc gia Mũi Đôi-Hòn Đầu, còn có ba vùng tài nguyên nhân chủng độc đáo là Làng Biển “Du Canh Du Cư” Đầm Môn, làng “Đàng Hạ” Xuân Đừng và Làng Biển Mặt Tời Mọc Bãi Giếng. Rồi đây, mượn cớ phát triển, những người dân ở Bắc Vân Phong đang an cư lạc nghiệp bị buộc phải ra đi, trở thành những số phận trôi giạt, như những người dân ở Bãi Trũ, Bãi Me ngoài Hòn Tre-Nha Trang, từ mười lăm năm trước. Rồi đây, có còn một làng biển thanh bình, ấm áp, nơi cư dân nhìn thấy ánh mặt trời đầu tiên trên toàn cõi Việt Nam, nữa không? Rồi đây, tiếng cô giáo giảng bài, tiếng học sinh tập đọc có còn vang lên trong không khí yên ả, tĩnh lặng, ở tận một thôn ổ cực đông của tổ quốc, như Thu Hiền-Đình Lâm miêu tả, nữa không?
Vancouver, Jan 3, 2016 – Battle Ground Sept 8, 2018.
NGUYỄN ÂU HỒNG

 (1) Nguyễn Xuân Thiệp, The house of the rising sun, nơi tuổi thanh xuân bị hủy hoại…Phố Văn, Phạm Cao Hoàng và Nguyệt Mai Blog.                
(2) Vè Các Lái, còn gọi là Bài Ca Các Lái Ghe Bầu, là một bài vè dài trên 500 câu bao gồm Hát ra và Hát vô. “Bắt từ Gia Định kể ra/Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô”. Bên cạnh giá trị thực tế là cẩm nang của người đi biển, bài vè còn được tham khảo về nhiều mặt địa lý, lịch sử, thời tiết, phong tục tập quán…(dẫn theo Trần Xuân Toàn).

0

No comments:

Post a Comment