nguyễnxuânthiệp
Tượng
đài di dân bên sông Mississippi
Lâu rồi không về lại New Orleans. Thành
phố ấy mang bao kỷ niệm và nó vẫn nằm đâu đó trong tâm tưởng. Cho nên khi nghe
ai nhắc tới cái tên New Orleans lòng mình lại bồi hồi. Như vừa qua, tình cờ
được đọc một bài của Thụy Vi về New Orleans, mình cảm thấy như sống lại một thời.
Đây xin nghe Thụy Vi kể: “Tôi đi trên hè phố đầy nắng dọc theo những ngôi nhà
hai tầng san sát nửa kiểu Tây Ban Nha nửa kiểu Pháp choàng vai nhau bằng dãy
balcon sắt trong một buổi chiều uể oải với cái nóng hầm hập ngày hè tháng bảy
trong khu French Quarter mà người Việt thân thiết gọi là khu Pháp cổ của New
Orleans.
"Đang
đi, bỗng tôi dừng lại bỡ ngỡ nghe đâu đó vang lên tiếng Guitar hoà theo giọng
mang âm hưởng Blues khàn khàn thật thống thiết. Tôi nhìn chỗ người nghệ sĩ hè
phố đang say sưa trong tiếng nhạc trên góc đường có quán Café Du Monde đã 150
tuổi vẫn giữ lối kiến trúc gần như y nguyên thuở ban đầu.”
Và
Thụy Vi đã dừng lại rất lâu để cảm xúc tuôn trào. Cô nhớ về Sài Gòn và đau đớn
thấy thành phố của mình không được như New Orleans. Phải rồi, cây xanh bị đốn
hạ, Givral và Eden bị đập nát. Chẳng còn gì là dấu tích ngày xưa.
Đọc đoạn văn của Thụy Vi, Nguyễn thấy
lòng xúc động nhớ lại một bài tản mạn mình đã viết ngày nào.
Một lần, hoàng hôn chợt tím, khi Nguyễn lái xe qua chiếc cầu cao của thành phố Baton Rouge…chợt nghe khúc hát: Bên bờ sông Mississippi. ta ngồi ta hát, nhớ về vầng trăng. như khuôn mặt em rạng ngời trên sóng. Ôi, vầng trăng trên sông Mississippi mà ta đã nhìn thấy ngày nào. Có bao giờ gặp lại… Hình như Trương Nhược Hư có viết: Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh… Thế nhưng, với ta dường như chỉ có vầng trăng trên sông Mississippi là lộng lẫy nhất, đáng nhớ nhất.
Về lại New Orleans lần này, Tim Nguyễn
cũng mong tìm được một vầng trăng như trong khúc hát trên nhưng mây và mưa
trong đêm đã che kín bầu trời. Tìm trăng.
trăng khuất đã lâu. Ca từ trong tiếng hát một thời đã xa.
Vâng. Về lại New Orleans lần này, Tim lại
được dịp ngồi uống cà phê ở Café du Monde. Buổi chiều thật đẹp! Tim vừa thưởng
thức cà phê vừa ngắm nhìn những chiếc xe ngựa đậu trước quảng trường Jackson
Square và nhà thờ Saint Joseph. Ngay trước Café du Monde, một anh chàng da đen
đang hát khúc hát buồn của những nghệ sĩ jazz vùng New Orleans.
Sau ly cà phê và chiếc bánh beignet thơm
lừng, Nguyễn cùng gia đình dẫn cháu gái Nguyệt Quỳnh đi dạo chơi trên Con Đường
Trăng Moonwalk dọc bờ sông. Buổi chiều nắng nhẹ. Hải âu bay trên công viên, đáp
xuống các thảm cỏ. Một đôi hải âu đậu ngay trên đỉnh tượng đài Di Dân –
Immigrants, cất tiếng kêu. Chúng kêu vì vui chung trong niềm vui của người tứ
xứ về đây dạo chơi trên đường trăng hay chúng kêu vì nhớ đất trời rộng lớn còn
đọng trên đôi cánh? Hay vì chiều nay biết
về nơi đâu / dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu?! (Lời Du Tử)
Về đâu? Về đâu?… Nguyễn ngước nhìn lên
tượng đài. Bố mẹ và hai đứa con -một con còn bồng ẵm trên tay mẹ, một con bố
dắt đi sát ngay bên cạnh và là một bé trai. Thoáng chốc, lòng mình chùng xuống.
Ôi, họ đến từ đâu vậy? Từ nước Pháp hay Đức hay Ý hay Tây Ban Nha? Họ có bị
truy bức không hay chỉ vì muốn đi tìm một chân trời mới, khoáng đãng hơn và
nhiều cơ hội hơn? Bản thân Tim này cũng là di dân cho nên dễ thông cảm với
những người mẫu của tượng đài. Trong trí tưởng rất ư là lếu láo của mình, Tim
hình dung thấy những khốn khó của các di dân. Sao buồn đến thế này, em ơi và
các bạn ơi. Ôi, thế kỷ của rào cản của những đường ranh và những biên thùy có
chó săn và súng đạn. Đã lâu rồi, ở những ngày khốn cùng và tuyệt vọng khi còn ở
trại tù trong nước, nhìn trăng Tim nhớ đã có viết:
ta thấy. ôi. mây trời
ảo biến
dưới trăng. lấp lánh
bãi hằng sa
đất ơi. nỗi lầm than
muôn kiếp
nhân loại. đi như
những bóng mờ
nhân loại yêu đời
trong nỗi chết
vượt biên thùy. sa
mù. và mưa
từng nơi. đi dưới
triền hoe nắng
gùi nặng. mang theo
cả lợn gà
riêng lão già điên
còn ở lại
đêm đêm. ra nhìn dòng
sông. ca
Thế đó, các bạn ơi, chúng ta nào có muốn
nhưng đều bị xô vào nghịch cảnh. Cái cột đèn kia nếu biết đi thì nó cũng phải
bỏ nước ra đi thôi! (Ôi, anh Trần Văn Trạch, anh nói một câu hay quá, mãi mãi
sẽ còn được nhắc tới) Vâng, thế đó. Tim tôi có thể hình dung thấy, ở những ngày
đầu tiên trên nước Mỹ này, đôi vợ chồng kia đều phải lao vào công việc. Chồng
làm trong garage sửa xe hơi chẳng hạn, và vợ thì làm ở một hãng assembly, còn
cậu con trai được đi học ít lâu rồi cũng nhảy ngang ra đi làm -bồi bàn nhé- để
phụ giúp bố mẹ. Chỉ cô bé (?) còn bế trên tay là được học hành đầy đủ, để rồi
sau này cô nhập vào dòng chính và trở thành nổi tiếng (như Leana Nguyễn), phải
không? Rồi thời gian trôi qua, tới thế hệ thứ hai thứ ba, tất cả sẽ trở thành
Americans như bao gia đình người Mỹ ta gặp chung quanh.
Tim tôi gần đây cũng đã được xem ảnh chụp
một tượng đài thuyền nhân ở Cali gồm vợ chồng con cái rách nát tả tơi, đưa bàn
tay tuyệt vọng về phía chân trời. Tượng đài gây nhiều cảm xúc trong lòng mỗi
người chúng ta.
Xin nhắc lại: Thế kỷ vừa qua là thế kỷ
của di dân. Và bây giờ cũng vậy. Họ phải vượt qua nỗi chết để tìm ra đất sống.
Trên freeway số 5 ngày nào, từ San Diego đi Santa Ana, Tim đã được nhìn thấy
tấm bảng vẽ một gia đình Mễ “vượt biên thùy sống chết”, gồm vợ chồng và đứa con
gái dắt tay nhau chạy qua đường băng. Sao khốn khổ và liều lĩnh đến thế, nhưng
suy cho cùng cũng là vì sự sống thôi, cũng như các thuyền nhân Việt Nam đã tạo
nên một khúc quanh lịch sử của đổ vỡ, chia ly. Ôi, Việt Nam, từng là nỗi đau xé trong tôi / Sao tôi khóc lúc ra đi /
Phương đỏ một lời yêu dấu cũ / Là lúc chia xa… Và rồi, chúng ta đứng lên.
Từ những mảnh vỡ, chúng ta đứng lên. Và trên những vùng đất của thế giới, đã có
những thư viện, trung tâm giáo dục và giải trí, những khu phố những thiền viện
nguy nga của người Việt. Tất cả hiện lên sức sống và vẻ rực rỡ, khiến những quý
ông Cộng Sản như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng… phải lớn tiếng tuyên dương
“khúc ruột ngoài ngàn dặm”. Thật không còn danh từ nào để nói về họ nữa! Riêng
với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, Tim này ước mong rồi đây ở những thành
phố lớn như Washington DC, Houston, Dallas, San Jose, Westminster, Boston,
Atlanta… mỗi nơi đều có tượng đài thuyền nhân, gồm gia đình hai vợ chồng và hai
đứa con áo quần tóc tai tơi tả. Tượng đài này sẽ nói với mai sau về sự có mặt
của chúng ta trên đất này.
Trở lại với New Orleans, còn nhớ trong
một đoản văn tiệp ký đã lâu rồi, kẻ này có viết như sau về New Orleans:
“Cảng New Orleans từng nổi tiếng với
những con tàu nằm mơ sóng trùng khơi. Người Việt bỏ xứ, ra đi từ những làng
chài lưới ven biển quê hương, tụ tập về đây sống thành từng làng với nhau và
còn giữ nếp sống của quê nhà. Đặc biệt ở khu Versailles, có những dãy phố của
người Việt. Ở đây, người ta thấy có sự nhếch nhác quen thuộc, chứ không được
khang trang như ở Cali hay Houston, Dallas. Có những xe tôm, xe rau bán ở vỉa
hè. Có những thanh niên tóc dài, những người đàn ông mặt mày xiêu xó – hình như
là lính tráng thời xưa. Họ ngồi uống bia trên góc phố và chào người qua lại. Ở
đây, người ta gặp cả người da đen, da màu vào ra mua bán. Chung quanh, trong
khu làng người Việt, người mình trồng rau trên sân nhà, đằng trước và đằng sau,
gợi những hình ảnh quen thuộc đã mất hút trong thời gian. Nhiều nhà có tượng
Đức Mẹ trước sân. Tim và bà xã đã đi xem chợ chồm hổm của người Việt trong khu
Versailles. Chợ họp từ 5 giờ sáng và tan sau 8 giờ. Ở đây, người mình bày bán
đủ thứ rau, trái cây, tôm cá, lòng heo, bánh mì thịt, gà vịt…
Có những bà cụ già ăn mặc theo lối Bắc
cổ truyền, ngồi bán vài mớ rau, trái mướp, trái bầu hoặc trầu cau. Bán chừng đó
đâu được bao nhiêu, nhưng các cụ lấy làm vui vì có dịp sống lại không khí làng
xóm quê nhà. Tiếng nói cười dậy cả một vùng. Tim tưởng mình đang ở chợ Vườn
Chuối hay chợ Hòa Hưng ngày nào.”
Thế đấy… khu phố Versailles với quán
sách Kim Anh và chợ chồm hổm và quán cà phê Chiều Tím bên góc nhà thờ. Bây giờ
tất cả còn không, ở khu phố đó, góc đường đó…
Ơi, chàng nhạc công da đen có lần đã tấu
lên khúc nhạc giang hồ nơi cảng rượu. Và cây guitar ngân vang như tiếng chuông
của chàng, còn không Johnny B. Goode, hay đã vỡ tan trên kè đá trong trận
hurricane ngày nào:
Deep down Louisiana
close to New Orleans
Way back up in the
woods among the evergreens
There stood a log
cabin made of earth and wood
Where live a country
boy named Johnny B. Goode
Who never ever
learned to read or write so well
But he could play the
guitar just like a ringing bell
Go go go Johnny go
Go go Johnny go
Go go Johnny go
Go go Johnny go
Go Johnny B. Goode.
(“Johnny
B. Goode”, Chuck Berry)
Người nào đã nói: Tất cả đã không còn gì,
New Orleans. Tất cả đã không còn gì, bình minh mặt trời bị đóng đinh trên cột
buồm gãy gục, chuyến xe lửa chở hàng ngày nào đã đi vào hư vô:
Good mornin’ America,
how are you
Don’t you know me?
I’m your native son
I’m the train they
call the City of New Orleans
I’ll be gone 500
miles when the day is done
(The
City of New Orleans, Arlo Guthrie – trích lại theo Đỗ Kh., Talawas)
New Orleans! New Orleans!
Như
thế đấy. Tiếng đàn guitar của Johnny, căn nhà gỗ và chuyến xe lửa mang tên
Thành phố New Orleans. Đối với những người làm thơ lưu lãng, New Orleans là
niềm bí ẩn có sức quyến rũ đặc biệt. Cũng như bạn Nguyễn Minh Diễm ngày nào, kẻ
này rất yêu mê New Orleans -thành phố của những quán rượu giang hồ và nhạc jazz
da đen cháy giữa đêm hồng. Ai đã từng ghé thăm khu phố xưa một lần, ắt không
thể quên được. Vậy mà, có lúc, như đã nói ở trên, sau cơn bão Katrina năm 2001,
chúng ta tưởng đã mất đi tất cả. Nhà cửa sụp đổ, đường sá nước cuốn trôi, người
chết tìm được xác hoặc mất tích, cư dân thành phố bỏ đi, tan tác. Nhưng rồi New
Orleans dần dần hồi sinh. Những căn nhà bắt đầu ấm lửa trở lại. Những khu phố
bắt đầu có hơi người. Xin lật lại tờ Newsweek của tháng 9. 2002, xem tấm hình
chụp cảnh phố Rue St. Louis ở khu Pháp Cổ, với lời ghi chú “một con phố hồi
sinh sau cơn bão và nhà hàng ăn ở đây đã bắt đầu bày bán thức uống nhẹ”. Quả
thật con phố đã bắt đầu có chút sinh khí mặc dầu dấu vết đổ nát vẫn còn đâu đó,
trên một đoạn vỉa hè tróc lở, ở bức tường còn loang ngấn nước triều lên. Và
kìa, trên chiếc bàn tròn bên góc vỉa hè thấy có chai rượu đỏ và cái ly. Tim
nghĩ: Phải chăng góc này còn chờ đợi ai kia, sao lại không phải là chúng ta
nhỉ, những tình nhân đã thất lạc nhau từ chiến tranh và những cuộc đổi dời. New
Orleans. New Orleans. Anh thầm kêu lên, như Yuri gọi tên Lara trong giấc mộng.
Và rồi người đã trở về. Nhạc Jazz trỗi dậy
trên hè phố. Buôn bán đã phồn thịnh. Người Việt ở khu Versailles đã có thể
trồng lại luống rau, giàn mướp. Và trước thềm nhà trong bóng hoàng hôn, một cư
dân da màu đã có tuổi đang thanh thản uống bia. Và trên bức rào còn màu gỗ mới,
một thanh niên da đen đang ngồi búng những tiếng đàn vào buổi chiều tím thẫm.
Vâng, nước Mỹ không thể thiếu New
Orleans. Tim Nguyễn và các bạn làm thơ đã từng viếng thăm thành phố này trong
những năm tháng lãng du cũng không thể thiếu New Orleans. Ngay từ phút giây dạo
chân trên hè phố Bourbon, Tim tôi đã có thể nghĩ tới ánh đèn Giáng Sinh trên
nhà thờ Saint Joseph và ca khúc Jingle
Bells Jingle Bells vang lên trước cửa mỗi nhà cùng ánh lửa bonfires bừng
lên đây đó bên dòng Mississippi.
new orleans. new
orleans
tôi lại trở về new
orleans, nhưng không còn người trăm năm bên cạnh. chỉ có mưa. mưa trắng trời
mưa trong ly cà phê.
mưa trong thơ tôi
tôi lại trở về new
orleans. và café du monde.
và phố cổ. điểm hẹn
của thời gian (NXT)
Ôi,
New Orleans… Nguyễn đã có lần viết về căn lều trên sóng của anh chàng da đen có
tên là Larry và tiếng đàn guitar của Johnny bên bờ rào gỗ trong một buổi trưa
vàng. Rồi cây cầu cao bắc ngang sông Mississippi ở Baton Rouge nơi một buổi
chiều Nguyễn nhìn thấy trăng lên lồng lộng. Và cây cầu Pontchartrain dài mút
mắt với cánh hải âu bay vút vào chân trời. Rồi ngôi chợ chồm hổm của đồng bào
người Việt ly hương và cà phê Chiều Tím cùng quán rượu giang hồ của vợ chồng
Việt Nguyễn trên đường Bourbon. Nhiều, nhiều nữa, trong đó có bức tượng di dân
và tiếng kèn trumpet của người nhạc sĩ da màu trên quai de brumes...
Bạn nhỏ ơi,
Như bạn nhỏ đã biết, vùng đất New Orleans, với đầm lầy truông phá và những
cầu tàu sương mù, là đất của cà phê. Và của nhạc Jazz cháy bỏng, và điệu blues
trầm buồn, tất nhiên. Họa sĩ Degas, thuộc trường phái ấn tượng Pháp, cũng đã có
thời sống và vẽ ở New Orleans. Còn một người nữa, vâng, người thi sĩ lãng du
bụi bặm ấy đã có lần ngồi làm thơ ngay dưới tượng đài di dân
Ôi.
New Orleans
và
mùi cà phê trên bến cảng
em
có nghe
sóng
vẫn vỗ. dưới chân cầu tàu. quai de brumes
và
trên dòng Mississippi
và
những cuộc đời
bay
đi như chim
này.
em có biết
"A
good cup of coffee
một
ly cà phê ngon
can
turn the worst day tolerable,
có
thể biến một ngày xấu thành dễ chịu
and
can rekindle a romance,"
và
có thể nhen lại ngọn lửa tình lãng mạn
như
chuyện tình của anh và em
đầy
ảo hoặc
Tiếp tục trang tiệp ký (từ của nhà thơ Đỗ Quý
Toàn) về New Orleans…Này, bạn nhỏ thân yêu, hãy tưởng tượng nhé -theo lời kể
của một ký giả vùng New Orleans thế kỷ trước- vâng, hãy tưởng tượng một buổi
sáng sau một đêm mất ngủ, một ông Pháp cổ gọi là Creole gentleman đứng trước
quầy cà phê của một cô gái da đen ở khu French Market. Ông hát nho nhỏ với cô
gái: Pitti fille, pitti fille. Petite
fille, pette fille. Ơi cô gái nhỏ, cô gái nhỏ. Và có thể ông bỏ mũ, nghiêng
đầu ứng khẩu đọc một câu thơ ca ngợi sự khéo léo của cô gái nhỏ dùng nước pha
cà phê, và dường như cô cũng biến thành hạt cà phê: Pitti fille qui couri dan dolo - Petite fille qui court dans l'eau -
Little girl who ran in the water. Cô gái nhỏ chạy chơi trong nước.
Và
trong bài về văn hóa Louisiana “Louisiana Culture - Gambo Ya Ya” Lyle Dixon kể
lại những mẩu chuyện vui vui như thế. Ông kể về những người đàn bà bán cà phê
dọc theo đại lộ Canal, trước nhà thờ St Louis. Ta nghe tiếng rao hàng đầy âm
nhạc của họ “café noir, café au lait…” ngân vang trên phố. Và đây, em hãy nghe
một ký giả của tờ Daily Picayune ca ngợi vẻ đẹp của nàng Rose Gla ở cuối thế kỷ
19: “Nàng là một trong những người duyên dáng tao nhã nhất của chủng tộc da
đen. Da nàng đen như thần Erebus, nhưng Rose luôn luôn tươi cười và thân ái như
bình minh. Ôi, cà phê của nàng thơm sao!” Và khi người đẹp tượng thần da đen
bán cà phê qua đời, ký giả nói trên đã viết tang ca cho nàng: “Kể từ khi nàng
chết đi, những người yêu hương cà phê của nàng cứ vào những sáng chủ nhật lại
đi lang thang qua những quầy hàng cà phê với trái tim nhói đau trong lồng ngực
mà than ôi có bao giờ được mãn nguyện đâu.”
Và giờ đây, sau mấy năm, Nguyễn trở lại New
Orleans gặp lại những bóng hình nửa thực nửa ảo diễu hành trong mưa. Đây, bạn
nhỏ hãy đọc những câu thơ viết trong hương cây, hương mưa và hơi người ở New
Orleans, chiều nào.
Mưa.
chiều
new orleans
new orleans. new
orleans
tôi về đây
như một tiếng gọi
nhưng không có dung
không còn nhìn thấy
vầng trăng
trên dòng mississippi
chỉ có mưa
mưa rơi
dưới bầu trời. những
ngôi nhà cổ. thời degas
ôi. những hàng cây
những mái phố. và
balcon
ai thắp lên. những
chiếc lồng đèn. bập bùng cháy
lửa voodoo
và người nghệ sĩ da
đen. còn đứng thổi khúc blues
buồn.
trên phố bourbon
mưa
trên mặt trống. hoàng
hôn
và trên tóc. nàng
rose gla. của thế kỷ trước. hiện
về. với nụ cười của hoa
cà phê. ngát
hương
mưa
tôi lại về. new
orleans. với những cơn mưa tháng sáu
và những bóng dù
như mưa ở đà lạt. sài
gòn
và trên thành phố
cherbourg
những bóng dù. xanh.
đỏ. tím. vàng
đi trên phố cổ
dưới mưa
sao không có em
để cùng đi với anh
những đoạn đường mưa
vỡ. chiều nay
anh trở về new
orleans
ngồi trong quán cà
phê
chật ních người
nghe mưa từ dưới sông
mississippi
thổi vào mái quán
ở café du monde
anh ngồi ăn cái bánh
beignet. uống ly cà phê sữa nóng
nhớ môi em. miệng em
ngày nào
chiều new orleans
không có em
anh chuyện trò với
chú bồ câu. và những con chim
sẻ. trú mưa
chúng bảo anh. không còn
gì nữa. thôi đừng chờ
dù cho mưa về từ trí
nhớ mù sương
hay mưa trên ca khúc.
the house of the rising sun
với những mảnh đời đổ
vỡ
không bao giờ. sẽ
không bao giờ. hàn gắn lại
mưa
những con đường lát
đá
cỗ xe ngựa chở người
đi thăm từng góc phố. đã có
mặt qua hai thế kỷ
những phòng tranh.
quán sách vàng. tiệm rượu ở
truồng.
nồng mùi gió biển
khách sạn. nơi bán đồ
lưu niệm. câu lạc bộ nhạc jazz. đèn mờ
và
mưa
trên cầu sương mù ai
khóc. chiều của màu đá xanh
ai hay tôi
khóc
từ hải cảng mưa buồn
tới ga tàu điện
phố hầm
pho tượng di dân.
đứng dưới trời
mưa
cho những hồn xiêu
lạc
ở new orleans
chiều nay
tháng
sáu. 2012
NGUYỄN
XUÂN THIỆP
Bài viết và bài thơ về New Orland của Nguyễn Xuân Thiệp rất tuyệt vời. Có lẽ nay mai tôi sẽ trở lại New Orland để tìm cái hồn của đất, của sông Mis ...
ReplyDeleteDiệp Hồng Phương.
ReplyDelete