Hồ
Đình Nghiêm
1.
Ai đứng thu lu ngoài
vườn đen như cột nhà cháy?
Gần tàn canh mi không
ngủ được hay răng?
Nghe nói đất ni nhiều
hồn oan chưa siêu thoát?
Tầm bậy nà, người như
mình ma không doạ mô.
Trăng chẳng hiện vì
cơn giông sắp đổ. Mưa cho rồi, trời nóng muốn điên.
Sau chái bếp có
nguyên lu nước, ưa tắm táp thì đốt ngọn nến lên, khỏi mày mò.
2.
Gạo
hẻo gạo rằn tên nghe lạ, mạ thằng Quốc ngồi vo nước đục lờ. Đợi bác nấu cháo
cho nhừ mình thời lót dạ, nồi cá bống thệ kho khô thì xong mô vô nấy từ hôm
qua. Ở nhà quê sợ mấy đứa chê đạm bạc, kệ đi mà ăn lấy thảo cho bác vui. Khi
hôm trở trăn bác nghe lục đục, lạ nước lạ cái ngủ không xuống phải không? Dạ
tại vì chưa quen với giờ giấc, ở bên con giờ ni đang hoàng hôn. Hoà nì, mi đã
thấy cái hồi hôm đứng thu lu doạ dẫm? Thưa bác, cái trang thờ nớ dành cho ai?
Lập ra cho ba thằng Quốc, ban đầu cứ đinh ninh là như rứa, nhưng nói tội trời,
sau ni bác thắp nhang cho cả anh hắn luôn. Cái trang thờ làm bằng gỗ tạp bạc
nắng mưa, na ná như hình hài Chùa Một Cột bị thu nhỏ dãi dầu, ngó tợ chuồng bồ
câu chim chóc không dám ghé lại, dù gì nơi thờ phượng cũng toát được chút uy.
Ba thằng Quốc chết mờ ám chẳng rõ lý do nhưng anh trai hắn mất vì ra biển bị
tàu lạ đụng chìm. Hai ngày xác trôi qua con nước khác, nghe đồn có đàn cá xanh
tống tiễn đẩy đưa. Nhà neo người khi không thành cô quạnh, hàn khí đâu đó váng
vất khiến hồ nghi những linh hồn dật dờ chưa định được chỗ tấp vào.
Ngọn
lửa bùng đỏ nơi ba thanh củi chụm, reo vui táp đen bồ hóng cái nồi đồng sứt quai.
Ngọn khói xám đòi trườn ra sân đất, màu trời thuỷ chung vẫn trần nặng tức mưa.
Đất nức nẻ chẳng khác gót chân mạ thằng Quốc. Bác ở đơn thân không lo ngại chút
chi hay răng? Bác già rồi mọi thứ đều nguội lạnh, mà nói cho ngay thằng Quốc
lao động ngoài thị xã tuần về thăm có khi hai lần. Chao, hắn mà biết có hai
người bạn cũ tới, e việc cơ quan cũng vất đó hả dạ chạy u về.
3.
Dòm
hai đứa bây càng khiến tao tin vô số phận. Tao bương chải nhiều phen rồi cũng
đành ngoi ngóp giữa nước đọng ao tù. Thằng Hoà phát tướng mà riêng thằng Phú cứ
không đổi, có đánh đập tới chết tao vẫn còn nhìn nhận ra ngay. Tụi bây ưa dành
sự ngạc nhiên quá hơn ngày xưa chơi trò trốn tìm, ù mọi, đạp mạng. Năm mười
mười lăm ú tim muốn rớt nước mắt ra ngoài. Lặn lội đường xa, kín tiếng tìm cho
ra một địa chỉ heo hút… Mừng vui này bộn bề hơn thứ mừng vui đại thắng mùa
xuân. Mà này, nếu có đãi đằng chia sẻ chuyện hợp tan tao đề nghị mình đừng phơi
thây ra ngồi ngoài quán, có bạn Việt kiều ăn trắng mặt trơn dễ khiến lắm đứa
dựng chuyện thêu dệt điều không hay. Đồng ý quá đi chớ. Rứa thì bọn tao góp
tiền nhờ mi đi chợ, tha đồ đoàn về trước tiên là bày ra mâm cỗ cho hai đứa tao
thắp nhang dưới trang thờ. “Mạ già mạ nỏ có chi, thương con thì lại bù chì cho
con”. Nếu không nhờ mạ mi bao che dấu diếm, cho nương náu chỉ bày, thì ngày nớ
bọn tao đã không leo lên được trên ghe. Ra đi mà luôn nhớ tới đêm xuất phát,
chuyến này về quyết đền đáp chút tri ân.
Hôm
qua tụi tao thấy trên vách có treo tấm ảnh người con gái. Lòng dậy hồ nghi
không tiện hỏi mạ mi. Ôi, tấm ảnh! Đã bao lần tao muốn đốt bỏ mà mạ tao khăng
khăng bảo vệ không được quyền rớ tay vô. Nó tên Hoa, hề hề bọn bây đâu ngờ
thằng Quốc này cũng từng có vợ? Hoa bỏ tao nói đi tìm tương lai, đất phèn nước
lợ chốn ni ngay cả bông hoa nở ra cũng còi cọc, lên chốn phồn hoa thử cãi mệnh
trời một phen. Lạ một điều là mạ tao không một chút giận, mình đã khổ rồi thì
chớ bắt người khác phải cực theo. Nuôi con gà, nhốt nó vào lồng chật thấy cũng
không nỡ, mạ chẳng đành lòng nhìn nhan sắc Hoa phải chịu phai tàn.
4.
Chào
bác tụi con xin phép được rời đi, ở đây bác nhớ giữ gìn sức khoẻ. Tụi con có
dặn thằng Quốc là chớ tham việc cơ quan mà bỏ bê mạ già, chí ít tuần phải bốn
năm bữa về ngồi chung mâm. Bác cảm ơn nghe, người mình răng luôn ngắn chuyện
đoàn viên? Cứ hao hụt cứ lìa xa cứ tan đàn sẩy nghé, chừ bác chỉ còn biết trời
kêu thì phải dạ, mình cứ giả lơ giả điếc không nghe tiếng sấm thì mô được hè?
Tháng trước bà con ăn phải cá độc liền lăn đùng ra chết cả, nhờ ăn chay bác đã
qua cơn hạn một lần. Tội nghiệp! Con Hoa ở xa nghe tin có chắt chiu gửi về cho
bác mấy lọ thuốc bổ, đôi lúc bác nghĩ tầm bậy là mình vô phúc chẳng có được đứa
con ruột rà như Hoa. Nói mi nghe đừng giận nghe Quốc, cậu Phú cậu Hoà ni tâm
lành độ lượng biết giúp kẻ khốn khó thì mi phải nên mang ơn nặng nghĩa dày. Ai
phụ bạc mình thì hãy tự vấn lòng, rằng lỗi ấy do tôi gieo ra.
Cái
chi nữa đây? Đã tặng nhiều thứ rồi bác không dám nhận nữa mô. Cái ni chỉ là
chút đỉnh thôi mà, giá như còn ở dài ngày thì tụi con đã xắn tay lập dựng một cái
trang thờ khác, đường bệ chỉnh chu cho bác trai. Bác dùng nó mà sai thằng Quốc
hoặc nhờ ai đó ra công để nơi thờ phượng bớt hoang lạnh xiêu đổ. Nghe rớt nước
mắt, thôi đi đi, bác không ưa ai chộ bác khóc mô tề! Ui, đã từng này tuổi rồi
mà chưa khô cạn được nước mắt!
5.
Trời
tối, từ nhà hàng đặc sản Số Một, khi thanh toán hoá đơn, biết Phú và Hoà là
Việt kiều, bà chủ quán giới thiệu “hai anh” nên quá bộ tới nhà nghỉ Phượng Hồng
mà trút bụi đường dưỡng sức qua đêm. Vừa không xa, lại nữa địa điểm ấy chưa
từng gây ra điều tiếng, an tâm. Có sao nói vậy người ơi!
Mưa
đã trút thịnh nộ suốt lộ trình ngồi trên xe đò. Một tai nạn bất ngờ, đụng phải
chiếc xe tải ngược chiều làm xẩy ra “sự cố ùn tắc”. May không ai chết, may
không ở đồng không mông quạnh, may hiện trường nằm ngay đường biên thành phố.
Trước khi về thăm lại chốn cũ, cả hai đã “lên lưới” thu nhập thông tin: Mức độ
hiểm nghèo xẩy tới mà bạn cần nắm bắt là 57%, tính luôn chuyện ngộ độc thực
phẩm hoặc bị lường gạt. May phước không trầy trụa. Chuyện nhỏ! Phú, Hoà đeo
ba-lô phóc ra khỏi chiếc xe đò bị dập đầu bốc khói trước khi cảnh sát giao
thông xuất hiện. Mưa rát mặt, người ướt đầm đìa như vừa lội qua được con sông
rộng, lên bờ, thở dốc, gọi món Cơm Sà Bì Chưởng đi kèm bia Trung quốc xuất khẩu
đưa cay. Và trả tiền. Và nghe lời chỉ bày. Và dọ dẫm bước dưới một vũ lượng rào
rạt, mờ mắt.
Mang
tên Phượng Hồng nhưng chốn này tuồng như không trồng cây phượng cho nên chi chủ
nhân đành quét màu vôi hồng cho “ăn” chút đỉnh với môn bài. Mưa dữ thần hắt
tạt, thẩm thấu nên hồng thành ra màu bã trầu, ánh điện xanh đỏ loà loẹt đọng
chiếu lại hoá ra phượng nâu, bầm dập ám tối.
Bước
vô. Láo liên. Xớn xác. Thăm dò. Ngó ngàng.
Tra hỏi. Tại sao quý khách đi hai người mà không mướn hai phòng đơn lẻ,
riêng tây?
Trước
tiên, tại vì bọn tôi sợ ma. Sau nữa, bọn tôi ngủ thì ít mà trao đổi chuyện trò
thì nhiều. Lấy một phòng rộng giá cả so ra ít hao hụt hơn chăng?
Cô
gái chỉ trồi lên có nửa đầu vì kẹt ngồi sau cái máy vi tính hiệu Samsung màn
hình khá lớn, giây nhợ rối rắm che
choáng. Một bình bông bằng nhựa đặt trên quầy, chả rõ hoa rậm rạp ấy thuộc
giống loài gì, chỉ biết nó nở quanh năm mà không cần gia công tưới nước. Bụi
cũng chẳng chùi, nó héo theo cách của nó, đổi màu thời gian, chẳng tươi mươi
nguyên trạng. Cô gái thì khác, mặt hoa da phấn. Son môi cô dùng cũng biệt lệ
mọng thắm, đỏ lạ thường không giống màu cờ cũng chẳng hệt hàng chữ đỏ “Nhiệt
liệt chào mừng quý khách”. Quý khách này là dân pê-đê chăng? Bóng chăng? Bẹo
hình bẹo dạng chăng? “Xi-đa là bệnh ngoài da, mười năm mới chết thì ta sợ gì”
chăng? Đàn ông con trai ưa ngủ chung một phòng, cổ lai hy! Việt kiều kiểu gì kỳ
khôi, kêu ngủ hai phòng thì sợ tốn tiền, hơi bị lạ!
Đang
lo làm thủ tục đúng quy trình, bàn tay gõ bàn phím chợt dừng năm ngón khi có
người con gái mặc váy ngắn vừa rũ nước mưa vừa xếp dù vừa bước vô. Sao đến muộn
vậy? Bộ không thấy mưa sao? Lại đụng phải thằng taxi cà chớn ưa cà khịa. Phòng
số mấy vậy? Số bẩy. Hoà ngó chăm vô mặt người con gái, ngây dại, chẳng biết
trời trăng tựa đứa bị chứng mộng du. Đợi cô ta vuốt tém đầu tóc, đợi phủi mưa,
đợi sửa áo, đợi kéo cái váy xuống, đợi cất chiếc gương soi mặt nhỏ vào lại
trong túi đeo vai rồi mới hắng giọng: Đừng vô số bảy thì tôi trả cô bao nhiêu?
Nước bông thơm dằn vặt theo cái mũi nhăn mắt háy: Chết tía! Ưa chơi cha thiên
hạ hay sao? Bữa nay ăn nhằm thức gì mà vừa tránh vỏ dưa lại gặp ngay vỏ dừa!
Hoà chủ trương đẹp trai không bằng chai mặt: Nán lại năm mười phút cũng không
được sao? Cho người ta hỏi chút chuyện lấn cấn. Không rảnh! Bộ thích làm công an
lắm à? Hoà nói: Ô-kê, tuỳ hỉ. Vậy thì vui vẻ với ông số bảy mất bao lâu, nói để
tui đợi. Cô nhân viên nhà nghỉ lớn tiếng: Vậy là sao? Hai anh còn giữ ý định
ngủ chung hay mướn hai phòng riêng? Phú trả lời: Tuỳ thuộc vào cô ấy cả. Xin
lỗi cô tên chi? Tui tên Phượng, chuyện thời gian tui cũng chưa có câu trả lời
xác đáng, tuỳ thuộc vào nỗi buồn vui của cha già dịch ở số bảy. Làm chi mất
công chờ đợi vậy? Tui có quen biết chi với hai anh? Hai người như kiểu xa lạ ở
đâu vừa đường đột vù tới?
Hoà
hỏi người ngồi sau màn hình vừa chợt đứng lên: Cô có biết thêm ai khác? Gọi
người đó thế cô Phượng có được không? Phí tổn tôi chi trả. Í, chơi ngon vậy đó,
một đêm vừa gió lại vừa mưa, khi không mà Phượng trở nên cháy hàng! Hình như
làm việc này ai cũng mang bí danh cả, đúng không? Tôi không nghĩ Phượng là tên
cúng cơm. Sao anh hai lại đâm ác khẩu thế? Người đẹp nào bị bức tử mà vội lo
việc luộc hột vịt cúng cơm! Tiền Việt tôi không còn nhiều, đô-la thì khác. 100
đô, Phượng tính sao nếu huỷ cái hẹn với ông số bảy. Cô tiếp viên đá lông nheo:
Đêm nay sao Phượng Hồng ngộ quá phải không cưng? Thiệt đúng là ngàn đêm một
thuở! Cứ chăm Phượng mà đòi ăn tươi nuốt sống. Cưng nhắm sức chìu hai anh Việt
kiều cùng lúc có đặng không? Để chị gọi cái Nụ lên tiếp ông số bẩy cho vậy.
6.
Cửa
phòng số 9 đóng lại. Ngọn đèn bắt giữa phòng bất chợt mở trừng, sáng kiểu mù
loà. Phú nắm iPhone ở tay: Mình tự sướng một phát thì có trở ngại chi không?
Chi vậy? Áo quần cứ kín bưng như này thì ô-kê. Anh mở đường đi trước rồi tới
phiên anh kia hay sao? Trao tiền cho em đi. Hoà ngồi xuống mé giường, moi túi
đếm đúng năm tờ giấy 20 màu xanh chung thuỷ “hình phạt khổ sai chung thân kẻ
nào làm giả giấy bạc”. Dối gạt thì không lãnh án? Hai đứa tôi mời Phượng vào
phòng chỉ để hỏi han trò chuyện thôi, quyết không làm việc bậy bạ như Phượng
nghĩ. Đầu tiên xin Phượng làm ơn nói tên thật cho bọn tôi nghe. Đừng ngại ngùng
vì ngày mai chúng tôi phải vào Sài Gòn, rồi vĩnh viễn rời xa đất nước này. Nếu
cứ một mực muốn chôn sâu thì tôi cũng tôn trọng việc nan giải ấy, thất vọng
chẳng cần tìm hiểu thêm. Chưa thấy có ai kỳ cục như hai anh cả, nếu tên thật
của tui là Hoa thì chuyện gì sẽ xẩy ra?
Phú
ngó Hoà. Hoà trông tới Phú. Cả hai ngầm hiểu, bức ảnh treo lạc loài trong căn
nhà ám tối kia tuyệt chẳng mấy thay đổi, vẫn chung tình so với dung mạo của
người con gái bỏ chồng dưới quê dấn liều lên tỉnh để đi khách. Căn nhà cô đoạn
lìa đã chẳng có tấm ảnh chụp người đàn bà da nhiều nếp gấp, chịu đựng sự già
cỗi tác hại trong câm nín; không luôn gương mặt trông có vẻ cộc cằn của thằng
đàn ông tên Quốc. Cộc cằn đến trân tráo, chẳng buồn dấu diếm những hư hao, chai
lỳ. Lộ bày ra sự giải thích: Khi người ta mất hết niềm vui, người ta chẳng còn
gì để sợ hãi.
Hoa
cất tiền đi. Nếu bọn tôi trao thêm cho Hoa một trăm nữa, nhờ Hoa dắt về thăm
quê cũ thì Hoa có vui lòng không? Đừng có điên, đâu ai quen biết nhau mà đề
nghị kiểu dở hơi như thế. Tui đi được chưa? Còn gì trao đổi nữa thôi? Đứng đây
lâu cái muốn điên! Chỉ còn một chuyện sau cùng, tôi phải thú thật cho Hoa nghe,
là tôi cũng giống như Hoa vậy, tôi không mang tên Hoà, tên thật của tôi là
Quốc.
Cửa
phòng mở vội, bóng người vụt thoát ra như kiểu bị ma rượt, Hoa đóng nó bằng tất
cả sức mạnh mà Hoa có. Không phải bằng sự giận dữ, hình như cũng không trùng
với bực mình. Tiếng động gây choáng váng, hơn cả sự tỉnh thức. Ít ra thì nó gây
được nỗi tò mò. Cửa phòng số 7 mở hé, vọng ra tiếng gọi: Phượng… Phượng, vào
đây với anh. Anh đợi nãy giờ. Phượng… Ở đây nè…
Phú
nói cùng Hoà: Không hiểu sao, tao linh tính là Hoa sẽ trở lại, gõ cửa phòng
mình, nội trong đêm nay. Hoà buông mình xuống tấm nệm mà bề mặt chưa hề gợn một
vết nhăn: Tao không nghĩ vậy. Tao nghĩ tới mọi thứ đều do ma đưa lối quỷ dẫn
đường cả… Ừ, thì cứ chờ xem… Hình như ngoài trời mưa vẫn chưa ngừng rơi?
HỒ
ĐÌNH NGHIEM
No comments:
Post a Comment