Nguyễn
Âu Hồng
Thấy ông Tô Thẩm Huy “Đùa với Vịn
Vào Lục Bát” vui quá, hay quá nên “đồ” thêm. Lại đùa! “Vui thôi mà”. Căn do
cũng tại ông Tô Thẩm Huy (TTH) chỉ cho thấy cái hay của hai chữ “lại” trong cặp
lục bát của “Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư” (THT):
Em đi buồn lại dòng sông
Bên này, buồn lại nửa vầng ngọc
lan.
Ông khen: “Hai chữ lại chắp cánh
theo nhau bay một cách ảo diệu”. Phải chăng, nhờ có người bạn đời đã gánh chịu
khổ nạn trần gian nên nhà thơ mới có cơ hội chắp cánh mà bay, nên ông Tô đã đem
mối lương duyên của Trần Hoài Thư – Nguyễn Ngọc Yến ra so với thơ Hồ Dzếnh gửi
vợ. Xưa, Hồ Dzếnh viết: “Mình vừa là chị là em,/ Tấm lòng người Mẹ, trái tim
người tình.”; thì nay, Trần Hoài Thư viết: “Hay là em chuộc giùm chồng/ Như
xưa Chúa đã chuộc giùm thế gian?”. Đem so như vậy cho thấy một tấm lòng, một sự
cảm thông và cảm nhận sâu sắc. Chưa hết, ông Tô còn đi xa hơn, đem mối cảm hoài
trong thơ lục bát Trần Hoài Thư ra so với tứ tuyệt của Đường Thi, thần kỳ ở chỗ,
tuy thời gian và thể loại khác nhau nhưng người xưa và nay có sự đồng điệu, ông
cho họ cặp kè đi bên nhau cách êm ru, ngọt xớt:
(trích)
“Đi về biết chở gì theo
Chở theo vạt nắng bên đèo vào
xe.”
Ông lên đèo ông chở nắng về để
làm gì vậy ông Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư? Làm cho ông Lý Thương Ân đời Vãn
Đường có lẽ đến nước sẽ phải cùng với tôi tê tái, ngậm ngùi mà ngâm lại bài
Đăng Lạc Du Nguyên ông viết đã hơn nghìn năm:
Hướng vãn ý bất thích
Khu xa đăng cổ nguyên
Tịch dương vô hạn hảo
Chỉ thị cận hoàng hôn
Bài thơ ấy dịch xuôi lại như sau:
Ngày đang tàn, lòng ta đang ưu phiền nhiều chuyện trên đời, bèn phóng xe lên đồi
Lạc Du ngắm cảnh. Ta chẳng hề thấy cỏ cây, hoa lá, đền chùa nơi khu đồi diễm lệ
có từ thời nhà Hán trước ta cả nghìn năm, chỉ thiết nhìn nắng chiều trên đồi
đang lung linh đẹp quá sức mà quên hết mọi điều phiền muộn trong lòng. Nhưng
chao ôi, ánh tà dương lại đang dần sắp tắt, trời đã muốn ngả hoàng hôn mất rồi.
Ngôi giáo đường trắng đìu hiu
Hồi chuông đã đổ tiễn chiều vào
đêm.”
(ngưng trích)
Thật là thần kỳ! Dù không nói ra,
nhưng ông đã đem Lục Bát Việt Nam mà gả chồng, kết duyên với Đường Thi Trung
Hoa. (Có nhà nghiên cứu còn chỉ ra mối liên hệ bà con gần giữa hình thức nghệ
thuật của Ca Dao và Kinh Thi nữa cơ!). Phải như vậy chứ, đã nói tới thơ lục
bát, không thể tách rời ca dao. Tới đây tôi chỉ cùng đi với ông Tô Thẩm Huy một
đoạn đường ngắn qua chỗ phá thể lục bát. Tôi rẽ ngang không đi theo ông nữa vì
một lẽ đơn giản là đã thấy ngôi nhà mẹ bên mé đồng, ngôi nhà chứa đầy ca dao,
mà ca dao thì gần gũi với lục bát cả hơi thở, nhịp tim lẫn hồn phách xương cốt.
Chia tay ông nhưng vẫn mang theo câu hỏi và câu trả lời “tuyệt cú mèo” của ông:
“Còn chỗ phá luật lục bát này thì
sao, lục bát gì mà chín chữ? Đọc lên nghe ngang phe phè:
Bề ngoài tôi đóng vai chồng
Nhưng bên trong là con thằn lằn
nghe kinh.
Thưa nó hay mà vẫn ngang phè phè
như thế ấy”.
Tôi mang theo để làm gậy vạch hoa
lá cành và để chọc phá chút đỉnh cho vui thôi mà. (Được một bài viết hợp ý hợp
nhãn sướng vậy đó.)
Ở chỗ “phá luật lục bát ngang phè
phè” này thì ca dao có nhiều lắm, cả ba miền Bắc-Trung-Nam đều dồi dào. Dồi dào
và độc đáo ở chỗ, ca dao từng địa phương, theo sát âm sắc, ngữ điệu của từng
vùng cách tự nhiên nên mộc mạc, luôn tươi tắn. Ta thử đi từ miền Bắc con tâu tắn
nằm bờ te tụi rồi xuôi vào Trung, Nam:
Gái không chồng như phản gỗ long
đanh.
Phản long đanh, anh còn chữa được;
Gái không chồng chạy ngược chạy
xuôi,
Không chồng, khốn lắm, chị em ơi!
(Câu lục có 8 chữ, câu bát có 7
chữ, linh tinh lộn xộn)
Sáng trăng suông mà em tưởng tối
trời.
Em ngồi, em để cái sự đời em ra.
Sự đời bằng chiếc lá đa.
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!
(câu lục có 8 chữ, câu bát có 9
chữ)
Gái được hơi trai, như thài lài gặp
cứt chó,
Trai phải hơi gái, như cò bợ phải
trời mưa.
(Câu lục câu bát gì cũng 10 chữ hết)
Giận thì giận mà thương thì
thương
Anh sai đường em không chịu nổi!
(Nghệ Tĩnh)
Còn đây là Huế “Gái thiếu trai
thì thậm khổ!”:
Khoai to bồn thì tốt cộ
Đậu ba lá thì vừa un
Gà mất mẹ thì lâu khun.
Gái thiếu trai thì thậm khổ!
Trời sinh voi thì sinh cỏ
Trời sinh giếng thì sinh mo
Trời sinh sông thì sinh đò.
Trời sinh O thì sinh tui!
O một mình cũng không đặng
Tui một mình cũng không đặng.
Gió ngoài biển hắn thổi vô
Mây trên trời hắn cuốn lại.
Tôi và O cùng cuốn lại…
“Thậm khổ” là khổ ghê lắm, hắn
nóng bức dữ lắm, ngứa ngáy khủng khiếp lắm, đúng vậy không?
Còn đây là “Đất Quảng Nam chưa
mưa đã thấm”:
Từ ngày Tây chiếm cửa Hàn
Kẻ đào sông Câu Nhí, người bòn
vàng Bồng Miêu
Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu
Ở nhà nuôi phụ mẫu sớm chiều có
nhau.
Vượt đèo Cù Mông để cùng với thi
sĩ Tản Đà ngắm nhìn đôi mắt đẹp “Đa tình con mắt Phú Yên”, và để khỏi rạo rực
“Tiếng đồn con gái Phú Yên/ Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi”:
Tao là mẹ, mày là con
Phen này tao đánh coi thử mày có
còn ngứa trôn.
Chẳng thà mày chết tao chôn,
Chớ mới có mười bảy tuổi mà mày nứng
bồn tao thật ứa gan!
Đó là mẹ dạy con, còn đây là mẹ
chồng-nàng dâu (hai bài này được dùng để Hô Bài Chòi vừa có chất hài để mua vui
vừa hơi nhầy một chút cho đỡ buồn ngủ):
Bớ con kia!
Mày đừng có chót mỏ nói rân
Tao đây không lụy, không cần mày
đâu
Ai mà cưng trọng nàng dâu
Trước khi cưới mày dìa tao đã nói
trước sau đằng sằng,
Vào nhà tao thì phải siêng năng
Làm dâu tao khó lắm, không dễ ăn
đâu mà mừng.
Hư sao hư quá, hư chừng
Vụng về, khê, thúi, vá cái lỗ quần
không nên…
Vào tới Khánh Hòa, không quên
Bình Định, Phú Yên, vì ba tỉnh này có mối quan hệ thâm tình: “Anh về Bình Định
thăm cha/ Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.”, hoặc như “Tiếng đồn Bình Định tốt
nhà/ Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu”. Nhưng phải công nhận quan hệ khắng
khít giữa gái Phú Yên và trai Khánh Hòa là rất độc đáo: “Con gái Phú Yên lờ viền
chỉ đỏ/ Con trai Khánh Hòa c. lỏ bông vông/ Anh với em mà không nên vợ nên chồng/
Thì anh cắt cái của quý, quăng xuống sông Đà Rằng”. Đây không phải là nói nhầy
mà là sự mộc mạc thẳng thừng trong ngôn ngữ bình dân, cũng như nói cà dái dê,
roi cặc bò, ốc lờ, tôm vỗ lờ… vậy thôi.
Dang ca một chút cho tỉnh ngủ, chớ
ca dao phá thể lục bát thì Khánh Hòa nhiều lắm:
Anh muốn tìm nguồn trong nên ngược
dòng sông Cái
Hay anh bị bùa bị ngải nên bỏ bãi
lên nguồn
Thuyền anh dù thuận gió đi luôn
Tới dàng Thác Ngựa cũng phải cuốn
buồm quay lui.
…
Con chim chiền chiện
Nó liệng trên cao
Nó kêu làm sao tằng lăng tíu lịu
Anh còn lịu địu chưa nỡ dứt tình!
Đón anh em hỏi, lỡ duyên mình, tại
ai?
Vào tới “Nam Kỳ Lục Tỉnh”, “muốn
gắn có gắn, muốn gùa có gùa; người lớn đi quân dịch, con nít đi quăng dịch”:
Đèo (đèn) nào cao cho bằng đèo
(đèn) Châu Đốc
Gió (gái) nào độc cho bằng gió
(gái) Gò Công
Vợ chồng son ta chung lòng ước
mong
Thuận vợ chồng ta cùng tát biển
đông!
…
Áo xông hương của chàng vắt mắc
Đêm em nằm em đắp lấy hơi
Gởi khăn, gởi túi, gởi lời
Gởi đôi chàng mạng cho người đường
xa.
“Gởi lời” hiểu như “Em nắm vạt áo
em đề câu thơ/ Câu thương, câu nhớ, câu đợi, câu chờ”, còn “đôi chàng mạng” có
người nói là đôi khuyên tai, nhưng tôi không chắc mấy, quý vị thức giả chỉ bảo
giúp cho. (*) Mà gởi lắm thứ cũng thua một vài thứ:
Anh đi, mạnh chân khỏe tay
Ngày nóng, em gởi tay vào mây
Che cho anh mát
Đêm lạnh, em gởi ngực vào chăn
Đắp cho anh ấm!
(Dân ca Bana Chăm-roi, Kasô Liễng
sưu tầm và dịch)
Như “dzậy” mới đậm ngãi tào
khang, mới thắm tình chồng vợ, đồng ý không?
Tôi đã mượn cây gậy “phá thể lục
bát”- “Thưa nó hay mà vẫn ngang phè phè như thế ấy” của ông Tô Thẩm Huy để chọc
phá chút đỉnh cho vui.
Bài viết này được khởi đầu bằng
chữ “lại”, cũng xuất phát từ chỗ ông Tô khen hai chữ “lại” trong VỊN VÀO LỤC
BÁT của Trần Hoài Thư “Em đi buồn lại dòng sông/ Bên này, buồn lại nửa vầng ngọc
lan” là đã “chắp cánh theo nhau bay một cách ảo diệu”, nên để có thủy có chung,
tôi cũng xin kết thúc bằng chữ “lại”:
Đêm
qua hết nhớ lại buồn
Nhớ
buồn nghe dế kêu luôn bên thành.
(ca dao)
Nhớ buồn mà vẫn viết xong bài,
đâu có dám trễ nải.
Nguyễn Âu Hồng
(*) NB, một thân hữu từ Tây Ninh
xác nhận: chàng mạng là cái khăn choàng dùng làm mạng che mặt, một thứ đồ trang
sức của phụ nữ.
No comments:
Post a Comment